Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.278
123.158.755
 
Tỉnh lẻ - Nhà văn - Người đẹp
Trần Đức Tiến
PAN style="FONT-SIZE: 10pt; FONT-FAMILY: Arial">

Lê Quốc Minh viết xong cuốn tiểu thuyết cuối cùng của đời mình ngay bên cạnh một cái quán cà phê ôm. Bia ôm, karaoke ôm ở Vũng Tàu thời đó chưa nhiều, nhưng cà phê ôm thì đang nở rộ. Sở dĩ tôi biết rõ cái quán này là vì cách đấy non một tuần, tôi và người bạn từ Sài Gòn xuống chơi đã vô tình ghé vào. Tìm chỗ uống ly cà phê sau chầu nhậu buổi tối, ông bạn tôi phát hoảng khi vừa đặt lưng xuống chiếc ghế bố, các em váy ngắn đã từ trong vườn nhãn um tùm túa ra, tót lên lòng như cào cào châu chấu. Nước hoa nồng nặc. Mời mọc chèo kéo hổn hển líu lo. Tay trần quấn cổ nửa lạnh toát nửa nóng rãy. Rờn rợn chếnh choáng như trong cõi liêu trai. Chưa kịp vùng thoát tứ chi đã rời rã bủn rủn.

 

Nửa buổi, Lê Quốc Minh gọi điện: "Em ra ngay giúp anh. Dặn vợ trưa không ăn cơm nhà". Nể ông anh lớn tuổi vốn là đồng nghiệp cùng cơ quan, lại đang rất nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết "Người đẹp tỉnh lẻ", tôi vội vàng mặc quần áo rồi phóng xe đi luôn. Đến nơi mới giật mình nhận ra cái tổ của đám hồ ly tinh tối hôm nọ. Nhưng bây giờ ban ngày, quán không hoạt động, tịnh không thấy bóng hồng bóng tía nào.

 

Ngôi biệt thự cũ mọc ngang sườn núi, trong một khuôn viên rộng. Căn phòng mà nhà văn đang ngồi mở cửa sổ nhìn ra vườn nhãn. Bên kia vườn, thấp thoáng sau những tán lá xanh là dãy phòng tiếp khách của các em tiếp viên quán cà phê. Phòng dựng toàn bằng cót ép. Vách quây cót ép. Cửa ra vào cót ép. Mái lợp cũng cót ép nốt. Lê Quốc Minh lưng dài chân ngắn vai xuôi, ngồi xổm trên tấm nệm lót ghế. Trước mặt ông là chiếc máy chữ cá nhân xinh xắn đặt trên bàn. Những cái phím chữ lên nước bóng như gương. Hồi đó có máy chữ cá nhân còn qúy hơn bây giờ có lap-tôp. Tôi cũng có một cái máy chữ viết báo kiếm cơm, nhưng chỉ có thể đặt cố định, vì nó nặng như chiếc cối đá. Mỗi lần hỏng hóc phải nhờ người cùng khiêng ra tiệm sửa.

 

Lê Quốc Minh đang lọ mọ gõ từng chữ. Đôi khi ông dừng lại, vô thức mân mê mấy cái mụn đo đỏ trên mu bàn tay, trên cả cánh tay để trần. Năm ngoái bước sang năm nay, những cái mụn khó chịu ấy bỗng nhiên nảy nòi ra ở nhiều chỗ trên người ông.

- Anh phải đánh máy gấp bản thảo cuốn này để đưa duyệt. Còn mấy chương cuối, em đọc giúp anh để anh đánh cho nhanh...

- Lại chuyện về người đẹp à? - Tôi hỏi cho có chuyện.

- Không. Lần này "chơi" bọn tham nhũng - Lê Quốc Minh hăm hở.

 

Suốt cả buổi sáng hôm đó, tôi trở thành người đầu tiên bất đắc dĩ đọc cuốn tiểu thuyết "Chiều mây thành". Tôi không thích văn chương đánh tham nhũng. Vừa đọc to lên thành lời từng câu chữ, tôi vừa ém nhẹm những cú ngáp chảy nước mắt. Thỉnh thoảng ngầm bỏ đi mấy từ, rồi một phần ba câu, có khi bỏ hẳn một câu, thậm chí vài câu, Lê Quốc Minh cũng chẳng nhận ra. Nhưng khi tôi gắng gượng chống đỡ cơn buồn ngủ, cao giọng sang sảng đọc diễn cảm thì ông khoái lắm. Những cái phím chữ mòn nhẵn dưới tay ông lại nổ giòn như ngô rang.

 

Lê Quốc Minh từ Gò Vấp ôm máy xuống Vũng Tàu đã được mươi ngày. Ông ở đây một mình, giống như đi trại sáng tác. Ăn ở đã có bà chủ của ngôi biệt thự lo. Bà này là bạn ông, tuổi suýt soát năm mươi, son phấn đậm, cài lông mi giả, rất ít nói nhưng thỉnh thoảng lại phóng ra một cái nhìn thăm dò. (Về sau tôi được biết bà là người đọc trung thành nhất của ông. Với bà, chỉ có văn thơ Lê Quốc Minh đáng kể, còn các thứ khác đều là đồ bỏ). Buổi trưa hôm đó bà đãi chúng tôi món gan lợn xào giá. Lê Quốc Minh ăn ít, chấm mút qua quéo nhưng cái cách ông ngồi vào mâm rất lịch sự và tự nhiên. Ăn xong, ông cầm dao gọt lê, khéo léo bổ ra thành từng miếng trông rất ngon mắt, vừa làm vừa xuýt xoa: "Quả lê ngon đủ năm mùi... Quả lê ngon đủ năm mùi".

 

Tôi ngồi xỉa răng, lại vô tình đưa mắt nhìn dãy phòng cót ép lấp ló sau vườn nhãn. Chợt nảy ra trong đầu một ý nghĩ buồn cười. Ngồi bên cạnh cái tổ chấy này rung đùi viết văn đánh tham nhũng, bố Minh quái thật!

*

 

Năm 1988, khi đã ngoài năm mươi tuổi, nhà giáo Lê Quốc Minh từ bỏ chiếc ghế Phó giám đốc Sở Giáo dục đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo chuyển sang làm chuyên viên Hội Văn nghệ đặc khu, thực sự bắt đầu cuộc đời của một nhà văn chuyên nghiệp. Như để bù cho cơn khát viết đã kéo dài nhiều năm, ông lao vào sáng tác. Thơ, truyện ngắn, kịch (kể cả kịch bản phim), tiểu thuyết. Những tác phẩm của ông trình làng khá dồn dập. Trong khoảng ngót mười năm cuối đời, ông cũng có chừng ấy đầu sách được xuất bản, bao gồm các thể loại nói trên. Tuy nhiên, có lẽ chỉ có tiểu thuyết "Người đẹp tỉnh lẻ" là thể hiện được đầy đủ nhất bút lực của ông - một bút lực đủ vinh danh tên tuổi Lê Quốc Minh trong làng văn cả nước lúc bấy giờ. Ngay từ khi mới ra đời, cuốn tiểu thuyết đã làm xôn xao dư luận ở địa phương. Nó trở thành niềm hứng thú cũng như nỗi bất an cho nhiều người Vũng Tàu trong một thời gian dài. Thậm chí trong câu chuyện hàng ngày, những cái tên đất, tên người do nhà nhà văn bịa ra đã được dùng thay cho... tên thật! Không phải ngẫu nhiên mà báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) đã kịp thời dành hẳn mấy trang cho một cuộc bàn tròn khá sôi nổi về cuốn sách đó.

 

Thị xã M. thời kỳ chớm chuyển sang cơ chế thị trường, một cái thị xã bé nhỏ cố ngoi lên "chức" thành phố, có đầy đủ cả "sáu mươi tám cơ quan ban ngành đoàn thể". Một cái đám cưới. Một cái đám ma. Một cuộc bầu bán mà thực chất là để chia chác chỗ ngồi. Một cuộc thi hoa hậu. Một chuyến tham quan nước ngoài. Một cuộc đón tiếp các vị vừa đi tham quan nước ngoài về. Đấy là cái "khung" chính của cuốn tiểu thuyết. Bám vào cái "khung" ấy là đám nhân vật bung xung với đủ thứ mưu mô, thủ đoạn, phe nhóm, dốt nát, ăn chơi trác táng, khao khát quyền lực... Nói tóm lại, vô số chuyện cười ra nước mắt. Thơ Lê Quốc Minh chưa bao giờ là dấu hiệu của một tài năng nổi trội. Văn xuôi của ông mỗi khi được o bế, định đánh quả lớn là y như rằng lại trôi tuột đi đâu mất. Vậy mà thật bất ngờ, với "Người đẹp tỉnh lẻ", bạn đọc hoàn toàn có thể làm một hơi ngon lành từ đầu đến cuối với 250 trang sách in. Cảm giác như ông không hề dụng công. Kết cấu cuốn tiểu thuyết cũng có vẻ lỏng lẻo, dễ dãi. Nhà văn nhớ gì kể nấy. Thực tế ngoài đời tươi nguyên, chen chúc bước vào tác phẩm của ông. Ai cũng đã nghe vài ba chuyện, đã gặp vài ba nhân vật ở đâu đó, bây giờ rất muốn nghe thêm, biết thêm. Hoá ra văn chương nhiều khi "ăn nhau" ở cái thật. Trong trường hợp này, cái thật phong phú đã lấn lướt, đã vô tình đẩy văng kỹ xảo ra khỏi ngòi bút nhà văn Lê Quốc Minh mà có khi chính ông cũng không biết.

 

Nhưng thật đến thế thì người ta chột dạ động lòng, lộn ruột sốt tiết lên cũng phải.

 

Nghe đâu có một cuốn "Người đẹp tỉnh lẻ" được gạch đít xanh đỏ chi chít ở từng trang đã được chuyển lên cấp lãnh đạo thị xã. Một bác nhớn đùng đùng nổi cơn thịnh nộ, đòi kiểm điểm Lê Quốc Minh. May, người trợ lý của bác đã tỉnh táo ngăn lại. Người ta viết tiểu thuyết, là chuyện hư cấu, kiểm điểm cái gì? Không khéo mua cười cho bàn dân thiên hạ, lạy ông tôi ở bụi này. Một nhân vật khác cáo ốm không đến cơ quan, tránh xuất hiện ở chỗ đông người. Nhưng cũng không hiếm những bộ mặt sa sầm, những nụ cười khẩy, cười nhạt thấp thoáng đâu đó. Có một người không lạ cũng không quen đến gặp và khuyên Lê Quốc Minh: anh có đi đâu ra ngoài thì nhớ đi một đường, về một đường đấy nhé! Đến cơ sự này thì nhà văn buộc phải... "bàn tròn" với vợ. Bà Hoa, vợ ông, một người phụ nữ có tính cách và số phận lạ lùng mà chúng tôi sẽ nói tới ở phần sau, chỉ nhẹ nhàng tìm cách trấn an ông. Bà quá hiểu công việc của ông cùng với những hệ lụy mà nó có thể mang lại. Bà giúp ông yên lòng, nhưng chính bà cũng thấp thỏm. Có lần trên đường tới trường, bà giáo Hoa bắt gặp những cô công nhân quét rác, những người đàn bà đi chợ sớm đang tranh nhau đoán mò xem nhân vật ấy nhân vật nọ trong "Người đẹp tỉnh lẻ" là ông nào bà nào ngoài đời.

 

Cuối năm đó, Lê Quốc Minh thực hiện một cuộc xê dịch nhỏ: ông bán nhà ở Vũng Tàu, cùng gia đình chuyển lên sống ở Gò Vấp, bấy giờ còn là vùng ngoại ô Sài Gòn. Một xóm nhỏ quần tụ nhiều gia đình nhà văn nổi tiếng khác là bạn bè thân thiết của ông như Nhật Tuấn, Nguyễn Mạnh Tuấn, Trần Hoài Dương, Ý Nhi... Tôi đồ rằng sức ép của dư luận quanh vụ "Người đẹp tỉnh lẻ" chỉ là một phần. Lý do chủ yếu có lẽ là sau thành công của cuốn sách, ông cảm thấy cái thành phố biển này đã trở nên vướng víu chật chội. Ông muốn tuông ra một môi trường rộng lớn, thông thoáng và chuyên nghiệp hơn. Nhưng rất tiếc, không ai lường trước được mệnh trời. Lê Quốc Minh trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994, đâu như chỉ ít ngày trước khi ông làm cuộc xê dịch cuối cùng, trọn vẹn cho mình vào cõi vĩnh viễn.

*

 

"Cái giống nhà văn như anh, không yêu không viết được... Tình yêu là cội nguồn cảm xúc... Cạn yêu là cạn văn"...

 

Có lần Lê Quốc Minh đã ú ớ với vợ như vậy. Rất khó biết ông chân thành gan ruột hay chỉ chơi trò tiểu xảo. May sao bà Hoa vợ ông lại là người đàn bà có năng lực phi thường - bà yêu ông, yêu luôn công việc cùng những sai quấy của ông.

 

Lê Quốc Minh là người đa tình, có tài, đương nhiên ông trải qua không ít cuộc tình. Mỗi lần "đụng chuyện", ông chưa kịp tự thú thì bà đã biết. Ông hơn bà mười tuổi. Khi hai người yêu nhau và lấy nhau, Lê Quốc Minh là thầy giáo dạy văn ở trường bổ túc công nông tỉnh Hải Dương, còn bà Hoa là học trò của ông ở đó. Tuy thế, khôn ngoan lọc lõi ở đâu chẳng biết, còn ở trong ngôi nhà có bóng bà Hoa suốt cả mấy chục năm về sau, ông luôn luôn giống như đứa trẻ đáng trách và đáng thương. Vội đến chỗ hẹn với bồ mà sơ sểnh đến nỗi chỉ kịp nấu nồi cháo suông cho vợ ốm! Đã thế khi vợ hỏi tội lại còn ngẩn ra: làm sao bà biết? Vợ ông rơm rớm nước mắt: "Tôi biết, vì những lần trước tôi ốm, bao giờ ông cũng đủ thì giờ để nấu cháo thịt".

 

Ngoài năm mươi tuổi, Lê Quốc Minh vẫn kềnh kếnh cang vì một cú sét ái tình. Nàng kém ông ngót ba mươi tuổi, là người ở tỉnh xa đến tham quan Vũng Tàu, yêu văn chương, ghé thăm Hội Văn nghệ lúc chiều muộn và tình cờ gặp ông đến lĩnh lương. Ngay buổi tối, ông đã kịp chở nàng vi vu phố biển trên chiếc xế nổ tòng tọc lúc nào cũng dọa tắt thở nếu chạy quá tốc độ mười lăm cây số giờ. Vài ngày sau, ông đề nghị vợ chấp nhận cho nàng đến ở trọ. Ông đã hứa xin việc cho nàng ở Vũng Tàu. Nếu được, cũng còn phải chờ thêm một thời gian để cơ quan bố trí nhà cho nàng.

Bà Hoa đồng ý.

Nhưng lại có những người khác phản đối.

Một cô tự xưng là bạn của một cô khác đến gặp bà và xin phép được nói chuyện với Lê Quốc Minh. Bà Hoa lui xuống bếp. Ở nhà trên, cô này gằn giọng: ông "phải" thế này, "phải" thế nọ... với cô bạn của mình. Chẳng qua cũng vì quá yêu bạn, lo cho quyền lợi của bạn nên mới nói thế. Nhưng rõ ràng là không đúng chỗ. Thấy Lê Quốc Minh chống chế một cách yếu ớt, bà Hoa lẳng lặng đi lên:

- Tôi biết tỏng bạn cô là ai rồi. Nhưng tôi đây mới là vợ ông Minh. Tôi còn chưa dám bắt ông ấy "phải" thế này, "phải" thế khác. Cô về bảo với bạn cô muốn nói chuyện phải quấy gì thì tự đến đây, không phải nhờ sứ giả!

 

Khách cứng họng. Về nhà trút hết giận dữ sang bạn: "Mày bảo bà ấy đần! Mày nhầm to"!

Một cô đùng đùng đến nhà, đòi đốt xe của ông Minh. "Xe này là dành để chở em. Bây giờ anh chở đứa khác. Em đốt! Em đốt"!... Bà Hoa lại thong thả hỏi cô ta:

- Sao cô không nhận cả con đường Bacu cũng là đường của cô?

Nhà ông Minh bấy giờ ở trong con hẻm của đường Bacu - một đường phố sầm uất nổi tiếng vào loại nhất ở Vũng Tàu. Ông Minh hay chở cô này đi về trên con đường ấy. Thấy cô ớ ra, bà Hoa chìa luôn cho cô cái bật lửa...

 

Rất lâu về sau này, khi có dịp ngồi vui vẻ nhắc lại những kỷ niệm về Lê Quốc Minh, tôi mới dám hỏi bà Hoa:

- Chúng em thật không hiểu cách xử sự của chị?

- Lúc đầu tôi đâu có chịu. Tôi bảo lão ấy: các con lớn rồi, ông đưa người ta đi đâu thì đưa. Khách sạn nhà trọ ở ngoài thiếu gì. Nhưng lão ấy cùn: tôi chỉ sợ chuyện vỡ lở ra thì xấu mặt tôi mà bà cũng mang tiếng lây. Nói thế, giá gặp phải người vợ khác thì nó đập cho tan tành cái sĩ diện hão của lão. Nhưng với tôi, tôi hiểu trong cái cùn ấy có cái thật. Chẳng thế mà thích cô nào, hôm trước hôm sau đã khai ra tuồn tuột.

- Nhưng, cùng ăn cùng ở, cùng sinh hoạt trong một nhà?...

- Được cái có mình ở đấy thì hai người cũng giữ ý. Còn những lúc mình đi vắng, giời biết ma ăn cỗ.

Bà Hoa cười khanh khách, nhưng không xoá được vẻ nhẫn nhịn trên gương mặt:

- Nói thế, nhưng tôi đâu phải là gỗ đá? Có lần tôi bảo lão: tôi mệt mỏi lắm rồi. Khi nào chán nhau, ông nói một câu cho tôi biết. Tôi giải phóng ông ngay.

- Ông Minh bảo sao?

- Lão ấy im lặng.

- Nhưng vẫn tiếp tục với đi lại với cô kia?

- Cũng như các cô khác thôi... Tôi xui lão: ông lấy cô ấy đi. Cô ấy trẻ, xinh đẹp, lại là dân văn nghệ, hiểu nhau, chăm sóc cho nhau cũng tốt. Ấy là tôi tình thật, chứ không phải đem mồi nhử lão. Lão ấy lại im như thóc. Ít lâu sau, đã thấy cô ta chuyển lên làm việc ở Sài Gòn. Khi nhà tôi về Gò Vấp, cô ta đến thăm, dẫn theo một chàng cao to, đẹp giai, ngượng ngùng giới thiệu với ông Minh.

 

Tôi không hỏi gì nữa. Tôi đang hình dung ra quãng thời gian cuối đời của Lê Quốc Minh. Căn nhà cấp bốn của vợ chồng ông ở Gò Vấp vẫn ấm áp mỗi khi tôi đến thăm. Hai ông bà vồn vã cơm nước, ân cần hỏi thăm tình hình ở Vũng Tàu. Cuối bữa ông Minh bổ lê đãi khách, vừa làm vừa xuýt xoa: quả lê ngon đủ năm mùi, quả lê ngon đủ năm mùi... Những cái mụn đo đỏ xuất hiện trên người ông hình như ngày một nhiều. Nàng - người tình sau nhất, trẻ nhất trong đời ông - đã có con với người khác. Ông một mình quay lại chốn cũ, ngồi viết những trang bản thảo cuối cùng trong ngôi biệt thự cũ cạnh quán cà phê đèn mờ. Trở về Gò Vấp, phát hiện ra phổi bị hư. Những cuốn sách mới lần lượt ra đời, lần lượt rơi vào im lặng.

*

 

Một buổi sáng vắng vẻ ở trụ sở Hội Văn nghệ tỉnh.

Khách là một ông già, vừa bước vào cửa vừa thở hổn hển. Cái trán hói bóng lấm tấm những giọt mồ hôi. Ông chìa tay cho tôi bắt, bàn tay lạnh ngắt, thẽo thượt. Tôi pha trà, mời ông ngồi, hỏi han mấy câu mới vỡ lẽ: ông đến để hỏi thủ tục... xin vào hội.

 

Hoá ra là một nguyên mẫu nhân vật trong "Người đẹp tỉnh lẻ" của Lê Quốc Minh khi xưa. Khốn nạn thân tôi! Tôi vốn bị thiểu năng nhận mặt các sếp nên không nhận ngay ra bác. Bác ghé chơi văn nghệ bất ngờ thế này quý hoá quá! Lúc đương quyền đương chức, công to việc nhớn, làm gì có thì giờ đến thăm anh em. Giờ về nghỉ hưu, hồn thơ của bác lại tha hồ lai láng. Mà hình như các bác cũng bảo nhau thế nào. Tôi thấy chả cứ mình bác đây. Chả cứ ở cái tỉnh lẻ này. Bây giờ mới đích thị là lúc các bác quan tâm đến đời sống tinh thần của mình và của thiên hạ...

 

Lại sực nhớ đến một nhân vật khác cũng ở trong "Người đẹp tỉnh lẻ". Nhân vật này khi được đề nghị tổ chức đêm thơ ở công ty ông ta, đã từ chối thẳng cẳng: "Tôi chỉ cần tiền, đ... cần thơ"! Chuyện ấy ngoài đời có thật. Lê Quốc Minh không trực tiếp chứng kiến, nhưng ông được nghe kể lại. Tôi ngờ rằng đó cũng là một "động lực" để ông viết cuốn tiểu thuyết này; và văn chương của ông đang từ chỗ  mực thước nhà trường, bỗng phá cách đổi giọng, phơi bày thói ô trọc, đạo đức giả của đám người ngợm kia bằng những nụ cười vừa đau vừa đã.

 

Bà Hoa kể: sau khi Lê Quốc Minh mất, cô "bồ" cuối cùng của ông còn lui tới thăm bà nhiều lần. "Biết thế ngày trước em có con với anh Minh" - người đàn bà trẻ thú nhận. "Thế tại sao lại không có"? - bà Hoa hỏi lại. "Ngày đó em sợ chị. Chứ biết chị như bây giờ thì... chả phải bảo"! Hai bà, một bà còn trẻ một bà chưa già nhìn nhau cả cười. Rồi lại thi nhau tiếc nhỉ, tiếc nhỉ? Người tiếc cho ông Minh, người tiếc cho mình.

 

Bà Hoa còn khoe tôi: ngôi nhà cấp bốn ở Gò Vấp đã phá đi, xây nhà lầu. Mai mốt trai gái dâu rể sẽ về ở tất đấy. Cuối năm nay xin phép tái bản cho ông Minh cuốn "Người đẹp tỉnh lẻ". Gia đình bỏ tiền in, sẽ in thật đẹp. Ngày giỗ ông ấy, bè bạn xa gần đến thăm có cái làm quà. "Tôi tính thế được không"? - bà hỏi.

Ôi trời! Nhất bà. Nhất cả ông nữa đấy, ông Minh ạ.

 

Vũng Tàu, tháng 9 - 2007          

Trần Đức Tiến
Số lần đọc: 3189
Ngày đăng: 12.09.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về đâu Thiện ơi? - Lê Huy Mậu
Chân dung văn nghệ : Nhà tôi số một trăm sáu chín... - Trần Đức Tiến
Nguyễn Trọng Tạo – Người tự sắm vai mình - Lê Huy Mậu
Trần Quang long - những chặng đường đã đi qua - Lê Hiếu Ðằng
Đi và nhặt Tùng Bách - Lê Huy Mậu