Biển của quê mình biển của Phương
Đi về thao thức những đêm trường……
( Biển vẫn bên anh- Nguyễn Kim)
Cách đây gần 5 năm, một buổi sáng đầu tuần tôi và Nguyễn Kim- anh bạn văn ở thị xã Gò Công phóng xe máy về xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông thăm nhạc sĩ Hoàng Phương. Nhà của Hoàng Phương nằm cạnh con đường nhỏ, hướng mặt về phía biển. Đứng trên đường lắng nghe có thể cảm nhận được tiếng sóng biển và tiếng gió thổi rì rào phía hàng dương. Cuộc gặp thật bất ngờ nhưng Hoàng Phương rất vui vì có hai người bạn trẻ ngồi nhâm nhi và chia sẻ cùng ông chuyện âm nhạc, văn thơ và cuộc đời. Thời điểm này, Hoàng Phương chưa phát hiện mình bị ung thư gan. Điều gây bất ngờ cho tôi là dù mới hơn 9 giờ sáng nhưng nhạc sĩ Hoàng Phương đã ngật ngưỡng hơi men. Nguyễn Kim ngồi tiếp chuyện Hoàng Phương. Tôi phóng xe máy về phía bãi biển tìm món nhậu. Lát sau, món nhậu nghêu Gò Công được dọn ra. Hoàng Phương mải mê kể về năm tháng thời tuổi trẻ vào thời điểm ông sáng tác bài:” Hoa sứ nhà nàng.”. Ông bảo rằng:” Ca khúc ra đời từ câu chuyện có thật. Chàng trai thầm yêu cô gái nhưng định kiến về giai cấp và khoảng cách giàu nghèo đã khiến mối tình tan vỡ.”. Ca khúc:” Hoa sứ nhà nàng” là tác phẩm đầu tiên khẳng định tên tuổi của Hoàng Phương trong dòng âm nhạc trữ tình trước năm 1975. Kể từ đây, các ca khúc của Hoàng Phương lần lượt ra đời. Hầu hết các ca khúc của ông đều thể hiện những cung bậc, tình cảm say đắm của tình yêu và mối quan hệ gắn bó máu thịt của tâm hồn ông với vùng đất Gò Công. Nhiều ca khúc của ông đã trở nên quen thuộc với người yêu nhạc cả nước như:” Gò Công hồng trang sử”,” Chiều trên bãi biển Gò Công”,” Chuyện tình hoa muống biển,” Chiều hạ vàng”,”Thuyền giấy chiều mưa”, ”Chung vầng trăng đợi”…vvv… Âm nhạc đã cuốn hút toàn bộ tâm hồn và cuộc đời của Hoàng Phương. Cuộc đời ông có những góc tối liên quan đến chuyện tình yêu và hôn nhân nhưng các ca khúc của ông thì lại vẫn mang vẻ đẹp lung linh, say đắm của tình yêu và men say cuộc sống.
Hoàng Phương không uống rượu, chỉ kể về chuyện cuộc đời, công việc sáng tác ca khúc và cuộc sống hiện tại của ông. Hoàng Phương chia sẻ với chúng tôi bằng tất cả tấm lòng chân thành của mình. Ông vừa kể chuyện vừa khóc. Tôi và Nguyễn Kim thầm hiểu Hoàng Phương vốn là người đa tài và đa cảm. Chính tâm hồn đa tình, đa cảm đã tạo nên chất phóng khoáng, trọng nghĩa tình trong tính cách và tạo nên chất men say, vẻ đẹp đắm đuối trong các ca khúc của Hoàng Phương. Tôi lặng lẽ nhìn cây ghi-ta cũ kỹ treo bên vách nhà chỉ còn sót lại ba dây đàn. Tôi thầm hỏi: Không hiểu khi sáng tác ca khúc Hoàng phương ký âm bằng cách nào? Hoàng Phương lắng nghe tiếng sóng biển, lắng nghe giai điệu của tâm hồn mình và ký âm những giai điệu, ca từ trên trang giấy trắng? Hoàng Phương nói miên man hết chuyện này đến chuyện khác. Ông bảo chính vùng đất Gò Công, chính quê hương vùng biển đã tạo cho ông nguồn cảm hứng vô tận để sáng tác… Tôi và Nguyễn Kim ái ngại về cuộc sống cơ cực, thiếu thốn hiện tại của Hoàng Phương. Hoàng Phương bảo:” Anh sống bằng tiền nhuận bút, tiền bản quyền các ca khúc của mình….”. Lát sau, Hoàng Phương bảo:” Em nhớ gởi cho anh khoảng 5 bài thơ trữ tình để anh phổ nhạc. Anh muốn phổ nhạc thơ em để kỷ niệm…”. Tôi hứa sẽ gởi tặng ông tập thơ của mình. Thời gian khoảng gần một năm sau, tôi chưa kịp gặp lại ông thì căn bệnh ung thư gan quái ác đã cướp đi sự sống của nhạc sĩ Hoàng Phương.
Tôi nhớ cách đây hơn 20 năm, tôi cùng anh bạn là phóng viên báo Ap Bắc lần đầu tiên về thăm Hoàng Phương. Hồi ấy, Hoàng Phương đã nổi tiếng với băng nhạc Gò công. Có thể nói Hoàng Phương là nhạc sĩ đầu tiên ở Tiền Giang dám bỏ tiền sản xuất băng cassette gồm những ca khúc về tình yêu và vùng đất Gò Công. Tiếng hát ngọt ngào, đằm thắm của ca sĩ Bảo Yến và sự hòa âm điêu luyện bằng đàn organ của nhạc sĩ Quốc Dũng đã chấp cánh cho các ca khúc của Hoàng Phương bay xa. Theo những chuyến xe đò Bắc Nam, băng nhạc Gò Công đã đi khắp cả nước và trở thành một hiện tượng âm nhạc. Nhiều người biết và hiểu hơn về vùng đất Gò Công qua các ca khúc của Hoàng Phương. Tuy vậy, cũng có người cho rằng ca khúc của Hoàng Phương mang”bóng dáng” của nhạc vàng và nhạc sến nên cho rằng không nên phổ biến, giới thiệu rộng rãi ca khúc của ông đến với công chúng yêu nhạc. Dù thế nào thì các ca khúc của Hoàng Phương vẫn sống và vẫn đi vào ngõ ngách tâm hồn của nhiều người. Các ca khúc của ông chan chứa tình yêu và thấm đẫm tình cảm sâu nặng với vùng đất Gò Công nên vẫn sống trong tâm hồn người yêu nhạc. Hơn 20 năm qua, thời gian đã sàng lọc chỉ giữ lại những giá trị và những tác phẩm âm nhạc đích thực. Tôi nghĩ rằng ở chốn vĩnh hằng linh hồn nhạc sĩ Hoàng Phương sẽ thanh thản khi ông biết rằng các ca khúc của ông vẫn vang vọng giữa cuộc đời và lắng đọng giữa tâm hồn con người.
Mùa xuân giờ lại đến. Một ngày cuối năm, tôi ghé qua nhà Hoàng Phương và thắp nén nhang muộn viếng linh hồn ông. Tôi gởi tập thơ kính tặng linh hồn nhạc sĩ Hoàng Phương. Không biết ở cõi vĩnh hằng, ông có tiếp tục sáng tác ca khúc và phổ nhạc thơ tôi như lời ông đã hứa? Biển ở ngoài kia vẫn ầm ào sóng vỗ. Biển trong các ca khúc của Hoàng Phương cũng đang ngân vang trong tâm hồn tôi. Tôi thầm tìm kiếm cây đàn ghi-ta đứt dây của ông nhưng không còn thấy treo trên vách. Tôi lắng nghe tiếng sóng biển, tiếng gió biển Gò Công mà thầm nhớ Hoàng Phương.
Mỹ Tho tháng 12/ 2006