Vẫn nét mặt đăm chiêu, lặng lẽ và như chất chứa đầy vẻ ưu tư ánh lên từ đôi mắt của người thầy giáo. Thì ra, ngoài công việc làm thầy giáo, Lê Ngã Lễ còn làm thơ. Tập thơ Lục bát Lê Ngã Lê do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành tháng 7/2007, tác giả trao cho tôi dưới một vòm trời thơ mộng. 61 bài lục bát như 61 khúc tâm tình của tác giả gửi cho người thân, anh em, bè bạn,… và những miền đất mà anh đã đi qua.
Đọc lục bát của Lễ giữa mùa thu mà lại liên tưởng đến mùa xuân,
Lộc xuân nở biếc đầu mùa
Mầm xanh ươm nụ
Cũng vừa lên men
( Lộc đầu mùa)
Hay trong Ngẫu hứng mùa xuân:
Mùa xuân ngẫu hứng vừa lên
Câu thơ chưa chạm
Chiếc rèm thời gian
Và trong Nắng xuân:
Nắng xuân đỏng đảnh bờ vai
Chiều đi mọng gió
Sao cài áo em
Trải qua trên sáu mươi mùa xuân, tác giả đã nghĩ về những thời khắc:
Nắng xuân đỏng đảnh lời ca
Kiếp phù sinh
Đã phôi pha cuối chiều!
Trong Tuổi xuân:
Lâng lâng cạn chén
Đi thôi
Mai này vắng bóng
Mồ côi trên ngàn
Sự mường tượng về một cuộc ra đi đơn độc cũng xuất hiện trong bài Hoa xuân
Nợ trần gian
Cứ khơi vơi
Bến bờ hố thẳm
Nằm ngơi
Một mình
Và trong Rượu xuân lại xuất hiện nỗi ám ảnh của thời gian:
Rượu xuân cạn chén hoàng hôn
…
Hương thời gian
Cứ bay quanh đời người
Hay trong bài Bóng xuân
Hoa chưa đơm nụ tầm xuân
Chợt nhìn tuổi đã vũ vần
Tóc sương
Cứ mỗi mùa xuân bay ngang qua cuộc đời, trên đôi cánh xuân đó, một bên là niềm hân hoan, bên kia là nỗi niềm chia xa, món quà thiên nhiên luôn có hai mặt, nhưng với Lê Ngã Lê thì vẫn say cuộc bình sinh trong Sắc xuân:
Còn em
Tôi khỏi thất tình
Uống đi
Say cuộc bình sinh với đời
Hình ảnh quê hương gợi lên trong tác phẩm của nhà thơ qua bài Lung linh đêm Huế:
Lung linh phố đổ miên man
Huế như đã ngậm
Làn hương lên ngàn
Và trong bài Thấp thoáng Thiên An:
Gặp em một thoáng mong manh
Thiên An như đã
Mộng quanh bên trời
Trong tiết nhịp nhẹ êm của thể lục bát, ngôn ngữ thơ của Lê Ngã Lễ phong phanh âm hưởng của Lão giáo, Phật giáo, chữ trong thơ của anh không cầu kỳ, không mới, đôi khi còn dư âm của mùa cũ. Nhưng chính cái dư âm đó mới làm nên một hồn thơ mộc mạc của Lê Ngã Lễ. Một hồn thơ dặt dìu cảm xúc rất gần gũi với thiên nhiên, con người và phía xa xăm của mơ ước là một cảnh giới của Đạo mà tác giả luôn với tay đến bờ bên kia:
Còn tôi
Khất thực câu thơ
Con tim
Chín
Rụng
Bên bờ thời gian.
Huế, 9/2007