Năm 1966 tôi học lớp đệ nhị (lớp 11) trường An Xuyên. Gia đình có mua 1 chiếc VeloSolex để xài chung trong anh em, nhưng thường tôi sử dụng nhiều nhất. Đó là một loại xe thịnh hành và được giới trẻ, nhất là nữ ưa chuộng vào thời đó. Đi học, trường cũng gần nhà mà tôi cũng đi bằng xe này…cho oai, và đây cũng là mục tiêu cho các bạn gái cùng lớp mượn chạy… vòng vòng.
Không hiểu sao cứ đến cuối tháng thì xe tôi đắt hàng dễ sợ, hết Lan này mượn đến Nguyệt kia hỏi, cho đến ngày Phi Yến mượn tôi mới biết nguyên nhân.
Yến tên đầy đủ là Phan Phi Yến, con của ông Trưởng đài Khí tượng Cà Mau (mấy thằng bạn mắc dịch sửa lại là Khí Voi, tượng cũng lớn bằng voi mờ). Yến thường cột tóc cao kiểu đuôi gà và dáng đi… hiên ngang như con trai nên Quách Tăng Hầu tiên sinh phán rằng: Nó mà Phi Yến gì, có là Phi Ngựa ấy.
Một ngày cuối tháng đẹp trời, vừa nghe đánh kẻng ra chơi, thấy Phi Yến chạy nhào đến bàn tôi ngồi hào hển nói:
-Cho mình mượn chiếc solex một chút.
Tôi hỏi đi đâu, Yến nói về nhà chứ đi đâu, ông này hay hỏi quá, tui đang có chuyện nè. Tôi nói chuyện gì mà quan trọng vậy, để tui chở cho, Yến lúc lắc cái đuôi gà nói: Chờ ông chở chắc tui chết quá. Nói xong Yến giật chìa khóa chạy tuốt. Tôi cũng không quan tâm vì sao hôm nay Yến hoảng hốt và lúc lắc cái đuôi gà dữ vậy vì mấy thằng bạn đang rủ nhau xuống nhà ông Đại úy (chúng tôi phong cho ông lao công người Bắc ở trường chức đại úy, vì ông khoe hồi trước ông có đi lính Tây làm tới chức “Bếp” - phong ông như vậy làm ông khoái lắm) làm vài ngao thuốc Rubi. Đến giờ học kế không thấy Yến vô lớp, đến giờ học sau cùng mới thấy lú vô đi ngang tôi quăng chìa khóa xe xuống bàn.
Tan học tôi ra nhà xe lấy xe, thì trời ơi, cái yên xe thân yêu của tôi ướt nhẹp cái chất gì có màu không diễn tả nổi. Quay đầu nhìn lại thấy thấp thoáng cái đuôi gà lúc lắc gần đến cổng trường, tôi chạy theo nắm tay Yến lại hỏi:
-Trời đất, bà mượn xe tôi đi mà sao cái yên xe dính cái gì thấy ghê quá zvậy.
Yến tưng tửng trả lời:
-Vậy hả, để tui coi xem sao, hồi nảy sợ trể giờ nên… quên. Rồi tỉnh bơ đi vào nhà xe lấy miếng vải lau sạch yên xe. Tôi đi theo lầm bầm:
-Mấy bà… đàn bà con gái gì mà ẩu quá cở, có mượn xe thì khi trả lại lau sạch sẽ dùm, ghê quá, ai dám ngồi đây.
Tưởng Yến quê độ cự tui, không ngờ tay đưa tôi cái cặp, miệng nói:
-Ông ghê thì tui chạy chở ông… đưa tui về nhà, bận về nhà ông, cái yên xe sẽ sạch sẽ thơm tho như thường lệ…
Kèm theo tiếng cười hì hì…
Đó, cốt cách Yến là như vậy đó, bà mụ lúc má Yến có thai Yến chắc mê đánh tứ sắc nên quên nêm thêm chút nữ tính cho Yến. Từ đó Yến hay nhờ tôi chở về nhà sau khi tan học ở trường hoặc tan lớp học thêm. Tôi vẫn vô tư chở Yến đi mặc cho tụi bạn tôi, nhất là 6 Vĩnh Optalidon (Trương Quang Vĩnh, Ba nó tên 6 Cảm mà) hay chọc ghẹo, vì tôi cứ đinh ninh như chở… bạn trai vậy thôi.
Cho đến hôm trường tổ chức cấm trại thường niên cho học sinh các lớp nhất là các lớp sắp đi thi như đệ nhất, đệ nhị, với lý do tế nhị không nói ra nhưng mọi người thầm hiểu các học sinh này sẽ gặp phải 2 trường hợp là: nếu đậu thì học tiếp, còn rớt thì bị động viên - vì đang lúc có chiến tranh mà. Nên cuộc cấm trại này có thể là lần cuối mọi người gặp mặt nhau. Cũng vui vẻ đủ thứ. Đờn ca, hát xướng, chọc ghẹo nhau và mục mới là… bàn chuyện nhậu.
Số là như vầy: Khoảng 10 giờ tối, thầy Trịnh Cao Đằng - tổng giám thị - (thằng mắc dịch nào sửa tên ổng là Ký Đằng - vì có lúc ông làm thư ký) có ý kiến bất ngờ nhưng nói bâng quơ khơi khơi:
-Bữa nay sao tao thèm thịt chó quá…
Tên học trò nào lâu rồi tôi không nhớ tên có… ý kiến:
-Trời, trời… sao bây giờ thầy mới nói. Nhà em đang làm thịt con chó bự lắm, giờ chắc nấu gần xong rồi. Để em chạy về nhà múc một thau vô, thầy trò mình cùng nhậu.
Cả bọn nhau nhau lên bàn tán loạn xạ, bổng nghe tiếng thầy Ngô Thanh Sử phát biểu:
-Thịt chó là phải nhậu với rượu đế mới dúng điệu, đứa nào uống đế không được thì pha xá xị vô, làm xị cay xị ngọt uống đã lắm.
Cả bọn tán thành và kiểm quân lại được khoảng trên 15 người cho sòng nhậu, trong đó các thầy chiếm đến 1/3 quân số.
Tôi đang suy nghĩ lơ mơ thì thầy Sử vổ vai hỏi:
-Làm gì mà tư lự vậy.
Tôi trả lời:
-Hồi nào giờ em chưa ăn thịt chó, ăn vô có làm sao không, nghe nói nếu ăn không chịu thì bị…. sủa như chó vậy…
Thầy Sử cười khà khà:
-Bậy bạ không, mấy cha đó sợ mày phá mồi nên nói cho mày sợ đó. Thịt chó là số một. Chà, không biết ba thằng … làm món gì ta, nếu có luộc là số zdách.
Đang bàn tán thì Phi Yến đi ngang qua ngoắc tôi ra ngoài:
-Ông dùm đưa mình về nhà nghen, tối quá đi một mình không dám.
Tôi trả lời:
-Chút nửa đi mà, tụi này đang bàn…
-Bàn gì???
-Ờ… thì bàn không biết tối nay ăn gì.
-Ở đó mà lo ăn, đưa tui về dùm đi, khuya quá ông bà già la chết.
Tôi đành miễn cưởng đi theo Yến ra nhà xe lấy xe. Trên đường đưa Yến về cũng thấy ớn ớn vì đường tối quá, vả lại nhà Yến cũng không xa nhà xác lắm nên cũng hơi oải. Tôi bèn chuyển suy nghĩ qua bữa tiệc thịt chó trong sân trường cho khỏi sợ. Đang nghĩ lơ tơ mơ, tôi nghe có gì ấm ấm ở thắt lưng, nhìn xuống thấy bàn tay Yến vắt hờ hửng ở đó. Sao kỳ vậy cà, mọi khi ngồi sau xe tôi, Yến chưa bao giờ làm vậy, nếu có thì chỉ thọt lét tôi cho tôi lạng quạng chơi thôi. Tôi suy nghĩ lung lắm mà không tìm ra câu trả lời, đang nghĩ lơ mơ tôi lại chợt nhớ , à mai này thằng Minh xập xám (Tăng Quang Minh) chấp mình 20 điểm đánh bida 1 gói Rubi không biết sao đây, nó đánh giỏi quá. Chợt nghe tiếng thụi sau lưng:
-Sao tui hỏi không trả lời.
-Hỏi gì? Ờ, Yến biết thằng Minh xập xám không?
-Trời đất, tui hỏi sao nảy giờ ông nín khe tưởng ông chết rồi chớ. Sợ ma gần chết mà hỏi không nói chuyện gì hết làm sợ thêm.
-Ờ…ờ, tui đang nghĩ chuyện đánh bida với thằng Minh.
-Ở đó mà bida, tui hỏi…. Thiệt lảng xẹt.
Tôi làm bộ giả lả :
-Ờ không nghe thiệt đó vì đường vắng quá, sợ ma quá, bận về chắc chạy thụt mạng à. Mà hỏi gì vậy ?
-Xì…
Sau đó là tiếng thở dài. Đến nhà, Yến nhảy xuống chạy vô một mạch, nhưng đến cổng lại ngập ngừng ngó lại. Tôi nhớ mình đã coi đâu đó trong phim là trường hợp này phải đưa tay vẩy vẩy cho ra vẻ … chào tạm biệt. Yến thấy tôi vẩy tay nhưng không vẩy lại và lúc lắc cái đuôi gà dữ dội hơn, chạy biến vào nhà.
Từ đó Yến gặp tôi có vẻ lơ lơ thế nào đó và cũng ít khi nhờ tôi đưa về nhà, tôi cũng không bận tâm lắm vì các trò vui của lứa tuổi 17-18 tràn ngập như : bida, đá banh, tennis, ngồi quán càphê nói dóc… làm tôi bận rộn thêm.
Gần hết năm học đó gia đình Yến chuyển về Cần Thơ vì ba Yến thuyên chuyển về làm việc ở đó. Lúc chia tay bạn bè học chung, Yến buồn ghê lắm nhưng cắn răng không khóc đúng như tính tình của mình. Tôi cũng buồn vì biết bao giờ mới gặp lại Yến, nhưng những thú vui hồn nhiên của thời học sinh lôi cuốn tôi nên tôi cũng không suy nghĩ nhiều, thỉnh thoảng nhớ tới Yến thấy như vắng vắng cái gì đó quen thuộc…
Cuối niên học đó chúng tôi đi thi tú tài 1 ở Cần Thơ, tình cờ làm sao, chiều hôm vừa đến Cần Thơ, tôi đi ra đầu hẻm nhà chúng tôi ở trọ, định tìm cái quán càphê nào ngồi chơi thì thấy Yến. Tôi kêu Yến, Yến ngoái lại nhìn có vẻ ngạc nhiên, sau cùng mừng rỡ chạy lại nắm chặt tay tôi, tôi cũng rất vui mừng vì gặp lại Yến. Thì ra gia đình Yến ở trong con hẻm cách hẻm chúng tôi ở một đoạn ngắn. Hỏi thăm việc học hành thì Yến cho hay khi về Cần Thơ bị bệnh phải nghỉ học gần 2 tháng nên năm nay không dự thi được, học lại để năm sau thi. Nhìn kỷ lại thì thấy Yến hơi xanh xao và ốm hơn trước, nhưng dáng đi và cách ăn nói vẫn như ngày nào. Mấy ngày ở Cần Thơ, chiều tối nào sau khi thi xong tôi cũng qua nhà Yến chơi, mặc cho tụi bàn bè ở chung rũ ren đi chơi và chọc ghẹo. Thật tình gặp lại Yến tự nhiên tôi thấy mừng quá, mừng như đứa bé đánh mất món đồ chơi thân thiết của mình, nay tình cờ tìm lại được. Chúng tôi thường ngồi ở trước hiên nhà, tôi ngồi ở cái băng đá, còn Yến ngồi trên cái xích đu đưa tòn ten, thỉnh thoảng đạp vào băng đá tôi ngồi để lấy đà đung đưa, hai đứa cắn hột dưa lách tách, chúng tôi nói chuyện với nhau nhiều lắm, nhắc nhỡ những kỷ niệm lúc ở Cà Mau, nhưng lần cùng nhau đi Tân Đức uống nước dừa tươi trên cây mới hái xuống, uống bằng nhánh cây trúc đâm vô sọ dừa, trời mưa đường bị sình lầy, xe Velo Solex chạy không được vì bị dính sình vô cục máy ở bánh trước, hai đứa phải hì hục đẩy xe về, mình mẫy lấm lem bùn sình…Hay lần đi uống càphê ở quán Thanh Tân, thấy người ta bưng ra món cua, Yến kêu anh chạy bàn lại hỏi món gì, anh ta trả lời « Cua rang muối », Yến nổi hứng kêu ngay 1 dĩa dù tôi cố tình ngăn cản, Yến nói : « Ăn thử cho biết ». Cuối cùng khi tính tiền, hai đứa nhìn nhau, đứa này tưởng đứa kia có tiền, kết quả là tôi phải chạy về nhà nói dóc với bà già xin tiền mua cuốn sách.
Ngày thi xong, sáng mai tôi phải trở về Cà Mau, đêm đó tôi lại từ giả Yến và gia đình. Cũng ngồi chỗ cũ, Yến bưng ra đãi tôi dĩa xoài chấm nước mắm đường, vừa ăn vừa hít hà vì chua quá. Tôi nói bâng quơ:
-Mai về Cà Mau buồn quá… Không biết kỳ thi này ra sao đây, thi rớt chắc chết quá.
Yến nói :
-Cho ông chết luôn, cứ đi chơi hoài không rớt mới là lạ.
Bổng nghe văng vẳng tiếng thằng mắc dịch nào bên kia hẻm hát:
-“Rớt tú tài anh đi trung sĩ
Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con…”
Yến cười khúc khích:
-Đó, nghe chưa…hì hì…cho ông chết luôn.
Bổng dưng hai đứa lặng thinh, Yến ngừng đong đưa cái xích đu, hai đứa nhìn nhau và cùng… thở dài, Yến bước ra khỏi xích đu, xà xuống ngồi cùng băng ghế đá với tôi.
-Sau này không biết chừng nào mình mới gặp lại - tôi buột miệng nói.
Yến trả lời:
-Cũng tại ông thôi… hừ hừ
-Tại tui sao?
-Thì … anh hỏi anh đó, quen nhau biết bao lâu mà nói gì anh cũng cứ lơ tơ mơ, trả lời trớt hướt không thôi. Có nói thì toàn nói chuyện tầm phào không à.
Tôi tá hỏa tam tinh, sao hôm nay Yến kêu mình bằng anh? Tôi cố tập trung tư tưởng và nói một câu… lãng nhách:
-Ủa, có vậy hả. Nhưng tui biết nói gì đây, nhưng nói thiệt lúc sau này tui …nhớ Yến hoài hà.
Yến vổ đùi tôi cái đét:
-Thôi dẹp ông đi, ông chỉ sạo là hay, ông nhớ lúc đưa tui về nhà trong đêm cấm trại gần cuối năm học không?
-Ờ… ờ sao vậy Yến?
-Tui muốn nói chuyện với ông mà ông cứ nghĩ lơ mơ đâu đó, có nghe tui nói gì đâu, ông nhớ hông?
-Ờ, chắc lúc đó sợ ma quá nên không nghe gì hết.
-Tui tức ông muốn khóc đây này, sao ông cứ lơ tơ mơ hoài vậy.
-Ai biết. Nhưng tôi biết chắc rằng sau này tui vẫn nhớ Yến hoài. Sau này Yến có… nhớ tui không.
-Xì! Ai mà nhớ ông, thôi ông về đi, mai về Cà Mau mạnh giỏi nghen, tui … tui muốn khóc đây nè…
Nói xong Yến oánh tôi một cái vào vai nghe thật là đau và chạy vút vô nhà, cái đuôi tóc xuôi xị chứ không còn lúc lắc như mọi khi.
Đến giờ tình bạn của chúng tôi, không của riêng tôi thôi, vẫn còn nhiều, nhiều lắm, nhiều đêm tôi nhớ đến chuyện ngày xưa, không biết bây giờ Yến ở đâu, nghĩ đến mà cứ ray rức sao ấy, chúng tôi đã không gặp lại nhau hơn 40 năm rồi. Chúng tôi ngày xưa hồn nhiên quá, có lẽ là khù khờ nữa, nhưng mà khù khờ đáng yêu, Bây giờ chắc ai cũng có gia đình cả, có cuộc sống riêng tư, tự “chạy xe Velo Solex” được rồi, có nghĩ về nhau cũng là kỷ niệm mà thôi, nhưng đến giờ tôi vẫn nghĩ nếu sau này gặp lại Yến thì chắc như đứa bé tìm lại được món đồ chơi mình hằng quý mến - đã mất đi - tình cờ tìm lại được, mừng lắm ./-
9/2007