Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.206
123.151.622
 
Tôi dành cho mình quyền được... không ổn định
Hữu Việt

Biết Nguyễn Quang Thiều từ lâu, tuy là chỗ thân tình nhưng phải đến khi báo Tiền phong chuẩn bị ra ấn phẩm mới Tiền phong Cuối tuần chúng tôi mới làm việc thường xuyên với nhau. Những bài viết của ông thường là cái đinh của số báo...

 

Một người anh trong làng báo, phụ trách một tờ báo lớn ở nước ta nói với tôi, ông từng nhiều lần muốn mời Nguyễn Quang Thiều về và trao cho Thiều một cương vị quan trọng nào đó ở tờ báo của mình.

 

Nhưng ông đã không làm vì nghĩ "Thiều ở báo Văn Nghệ sẽ có ích cho văn học hơn".

Hẳn nhiều người cũng đồng ý như vậy. Vì thế, khi nghe tin Nguyễn Quang Thiều rời khỏi báo Văn Nghệ, đã có không ít người cảm thấy ngỡ ngàng...

 

Chúng tôi ngồi trên gác 2 một quán cà phê nổi tiếng ở phố Nguyễn Du. Nguyễn Quang Thiều vừa đi bàn giao công việc ở báo Văn Nghệ về. Tuần sau, người phụ trách trang thơ sẽ chuyển sang VietnamNet.

 

Nói cách khác, ông chuyển từ báo in sang báo điện tử, từ báo tuần sang báo giờ, báo phút, thậm chí là báo của từng giây, với những thách thức và áp lực mới. Khi đã bước vào tuổi 50.

- Có cảm giác, bây giờ là lúc Văn Nghệ đang cần anh nhất. Nhưng anh lại quyết định ra đi...

- Tôi ở Văn Nghệ đã 15 năm. Lũ trẻ nhà tôi đã lớn (một cháu sắp tốt nghiệp đại học còn cháu kia vừa đỗ đại học). Tiền nong thì cũng không còn phải thúc bách lắm. Đã đến lúc tôi dành cho mình quyền được không ổn định.

 

Hình như sự ra đi đã được cân nhắc kỹ. Cách đây lâu lâu, nhà văn Nguyễn Trí Huân nhậm chức Tổng Văn Nghệ. Chúng tôi ngẫu nhiên cùng ăn trưa trên đảo hồ Thiền Quang (bây giờ cũng chẳng nhớ ai mời, ai trả tiền nữa).

 

Chỉ nhớ hôm ấy Nguyễn Quang Thiều rất hào hứng với các kế hoạch cải cách, trong đó có việc sẽ ra thêm tờ Văn Nghệ cuối tháng, làm mới lại trang thơ v.v... Mọi người đều nghĩ, một trọng trách sắp đặt lên vai Thiều, điều lẽ ra ông phải gánh vác từ trước đó mới phải. Thế mà đánh đùng một cái...

- Trong suốt 15 năm ở Văn Nghệ, đã có chuyện này chuyện khác xảy ra, tôi nghĩ mình đều định trước được. Nhưng đến lần ra đi này, tôi lại thấy buồn nhất...

 

Phải chăng Thiều muốn nhắc tới thời làm Văn nghệ Trẻ? Năm 1995, đất nước đổi mới lâu rồi, nhưng làng báo, nhất là các tờ báo thuộc lĩnh vực văn hóa văn nghệ thì vẫn còn khá ì ạch. Thế rồi nảy ra tờ Văn nghệ Trẻ.

 

Thiều làm trưởng ban, "vây cánh" ngoài Bắc có Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Thành Phong, Trần Anh Thái... trong Nam có Phan Thị Vàng Anh, Hoàng Anh, Trương Nguyên Việt... Xuất hiện những bài viết, chuyên mục đặc sắc về văn học trẻ trong nước và thế giới.

 

Chuyên mục Trong đám đông hỏi lấy một người cũng bắt đầu có từ hồi ấy cùng bút danh ngộ nghĩnh Lê Thị Liên Hoan. (Tác giả này còn đóng góp dài dài cho làng báo đến tận hôm nay).

 

Hỏi cây, hỏi người, hỏi cái cột điện, hỏi bóng đèn đường... toàn chuyện vu vơ, nhưng cái nào cũng thông minh, hóm hỉnh và sắc sảo. Người viết trẻ háo hức tìm đọc đã đành. Cánh viết già cũng mon men xem bọn trẻ làm ăn ra sao. Một không khí mới trong làng văn đang bốc lên. Ti-ra Văn nghệ Trẻ có lúc tới 2 vạn bản, một con số kỷ lục thời bấy giờ. Hay từ mục nhắn tin hay đi.

Tôi hỏi: "Báo đang lên, dính "phốt" gì, mà anh không làm nữa?".

Thiều đáp: "Chẳng có phốt nào cả. Làm được hơn một năm, đến cuối 96 thì đột nhiên xuất hiện những tiếng ì xèo. Ai đó cảm thấy có tình trạng "mất lái" ở Văn nghệ Trẻ.

 

Có người đặt câu hỏi : Chủ đề tư tưởng của Văn nghệ Trẻ là gì? Viết phục vụ ai? Sao nhiều bài nước ngoài thế? v.v... Rồi xảy ra một chuyện khiến tôi cảm thấy bị xúc phạm. Sau một chuyến đi nước ngoài trở về, tôi xin thôi luôn chức trưởng ban".

 

Một đồng nghiệp cũ được "đôn" lên thay ông. Cơ cấu trang cũng thay đổi hình như ti-ra tụt xuống còn 4 nghìn. Khi ấy Thiều từng nói bỡn: "Nếu ông đưa được Văn nghệ Trẻ lên lại 1 vạn bản, tôi sẵn sàng giặt quần đùi cho ông suốt đời".

 

Giặt quần đùi là cách nói của lính... Thiều chọn cách ứng xử của kẻ sĩ, nhưng ông đã không giấu được nỗi đau của người làm nghề qua câu thách thức có phần bồng bột ấy.

 

Một số người xin chuyển cơ quan. Nhưng Thiều ở lại. Ông còn trẻ, ván bài văn chương còn lâu mới đánh xong. Ông tiếp tục cuộc chơi của mình, lần này trên An ninh Thế giới cuối tháng. Ông là người chủ chốt lập đề cương và tổ chức thực hiện.

 

Tờ báo này nổi đình nổi đám một thời gian dài có lẽ nhờ phần đóng góp không nhỏ của Nguyễn Quang Thiều. Còn nhớ, khi chiến tranh Mỹ - Afghanistan xảy ra, vào năm 2001, Thiều đã xung phong sang chiến trường này, và hoạt động như một phóng viên chiến tranh.

 

Bởi vậy, nhà văn, TBT Hữu Ước đã có những cách đối xử rất "anh Hai" với ông. Chính xác hơn, đây là cách ứng xử của một người anh với thằng em mà mình rất yêu quý. Cho dù có chuyện gì xảy ra thì Nguyễn Quang Thiều vẫn là “công thần” của ANTG.

 

Năm 2003, ông không tham gia ANTG cuối tháng nữa, nhưng hàng tháng, ông vẫn nhận được một khoản tiền thù lao. Khi ông cố từ chối thì nhà văn Hữu Ước đã nói, đại ý: Đây là tiền "bản quyền tác giả" ANTG cuối tháng của ông. Ông phải nhận nó khi nào Hữu Ước còn là TBT và tờ ANTG cuối tháng còn xuất bản...

 

*

Cách đây khoảng 17 năm tôi gặp Nguyễn Quang Thiều trong Hội nghị những người viết văn trẻ tại Hà Nội. Khi ấy ông chỉ mới in một số truyện ngắn và tập thơ Ngôi nhà tuổi 17. Đó là một tập thơ hay nhưng còn chưa được dư luận để ý.

 

Nếu ngồi giữa đám Nguyễn Lương Ngọc, Bùi Chí Vinh, Giáng Vân,... chưa thể nói ông là người nổi bật. Còn như ai đó nói ông ngang cơ với Trần Đăng Khoa, Hoàng Nhuận Cầm... thì tất cả sẽ nhìn người ấy như một kẻ khùng, hoặc một fan hâm mộ ông quá độ.

 

Dù ông đã đoạt một số giải thưởng về truyện ngắn, dù yêu quý và khâm phục ông, thì vẫn phải nói, khi ấy ông mới chỉ là một nhà thơ tỉnh lẻ.

 

Thoạt gặp ông, nhiều người có cảm giác bất ngờ gặp một con gấu bước ra từ một cánh rừng nào đó, vừa hấp dẫn, vừa đáng ngại. Ria mép rậm, ngồi đâu là đốt thuốc khói um, nếu đội thêm chiếc mũ cao bồi thì rõ ra một anh chăn bò miền Tây.

 

Không phải ngẫu nhiên mà đến giờ vẫn có người "xếp" thơ ông vào "trường phái Mỹ Latin". Ngay cả khi ông đã thành danh thì vẫn bị đùa là "thơ Tây dịch ra tiếng ta".

 

Trước khi về báo Văn Nghệ, đại khái người ta chỉ biết ông tốt nghiệp đại học ở Cuba và vào thời điểm ấy ông là một trong số hiếm hoi các nhà văn trẻ biết tiếng Anh khá.

 

Ông làm việc ở một cơ quan quan trọng nào đó, nhưng khi ra ngoài công khai, giấy tờ chính thức của ông là cán bộ Bộ Y tế. Ít ai ngờ, nhà thơ trẻ ấy sau này lại trở thành một người làm báo - và viết báo (theo tôi là) cự phách.

 

Đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam muốn xin ông về làm công tác đối ngoại cho Hội. Cha tôi khi ấy làm việc ở BCH, phụ trách tổ chức, nên là người sang Bộ Nội vụ (Bộ Công an ngày nay) làm thủ tục tiếp nhận ông.

 

Người cán bộ tổ chức của Bộ đã ngạc nhiên, nói: "Cậu này còn lông bông, tính tình tự do lắm, chính chúng tôi cũng chưa biết sắp xếp công việc thế nào cho phù hợp với cậu ta. Các anh nhận về bên ấy làm gì?". Cha tôi trả lời, Hội muốn có Nguyễn Quang Thiều vì ông là một nhà thơ.

 

Nhưng Thiều đã  không làm việc ở Ban đối ngoại của Hội. Lòng ông hướng về báo Văn Nghệ, nơi vừa trải qua những ngày sóng gió. Cùng về với ông có nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Có người nói đùa: "Báo Văn Nghệ được tăng cường thêm một bộ đội và một công an".

 

Nguyễn Quang Thiều kể: "Thời gian đầu đến cơ quan, tôi chào hỏi một số người, nhưng họ đều tảng lờ không đáp lại, chẳng hiểu vì sao?". Đã đành con đường của người làm thơ không thể bằng phẳng, nhưng với ông sự khởi đầu bao giờ cũng trục trặc ?

 

Bù lại, ông có số hóa khoa. Cho đến nay, liệt kê ra thì ông được vô số giải thưởng lớn, nhỏ. Nhưng đáng kể nhất, vẫn là giải thưởng về thơ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993.

 

Năm 1992, Nguyễn Quang Thiều cho ra tập thơ thứ hai: Sự mất ngủ của lửa. Tôi còn nhớ, cuốn sách trình bày giản dị, chữ của lửa màu đỏ trên nền nâu đất.

 

Nhưng những câu thơ lầm lụi, luôn ẩn khuất nỗi buồn sâu xa, ám khói ở một làng quê lại mang sức nóng của lò nung cao độ.

 

Người đọc ngỡ ngàng trước hành trình miên man của những con ốc sên trong cuộc đào thoát vĩ đại ra khỏi khu vườn, chúng rời bỏ quê hương mình hay đi tìm lại quê hương, đường chúng đi để lại những dòng sáng đặc lóng lánh, những vệt sao đổi ngôi đọng mãi trên trời.

 

Đó là tiếng chó sủa vào trăng, sủa vào ngọn đèn dầu, sủa vào bóng tối, chó sủa vào tôi... thật cay đắng, thảm sầu, khốc liệt.

 

Ngay năm sau, Sự mất ngủ của lửa đoạt giải A về thơ (giải thưởng danh giá nhất lúc bấy giờ, cùng với Xúc xắc mùa thu của Hoàng Nhuận Cầm).

 

Với một nền văn học còn e ngại các ẩn dụ, thì đây có thể coi là quyết định sáng suốt, dũng cảm và chính xác của Ban chấp hành Hội. Từ cú nhảy vọt này, Nguyễn Quang Thiều đã ghi tên mình vào danh sách những nhà thơ quan trọng nhất của thế hệ ông.

 

*

Biết Nguyễn Quang Thiều từ lâu, tuy là chỗ thân tình nhưng phải đến khi báo Tiền phong chuẩn bị ra ấn phẩm mới Tiền phong Cuối tuần chúng tôi mới làm việc thường xuyên với nhau. Những bài viết của ông thường là cái đinh của số báo.

 

Nó góp phần hình thành và gợi ý những lối đi cho một số chuyên mục của chúng tôi. Khi nhận lời viết bài, ông thường rất đúng hẹn, đó là phong cách làm việc mà biên tập viên nào cũng thích.

 

Thủ pháp chủ yếu của ông là: ông chỉ mượn nhân vật, sự việc, hay nói một cách khác, nhân vật, sự việc ấy chỉ là cái cớ để ông trình bày quan điểm, tư tưởng, cảm xúc về những gì xảy ra quanh mình.

 

Có thể đó là tiền tài, đạo đức, nghệ thuật, thân phận nghệ sĩ, niềm hân hoan hay nỗi đắng cay của một kiếp người... Nó là bất cứ cái gì mà vào thời điểm ấy người viết quan tâm và muốn giãi bày với độc giả.

 

Những nhân vật mới toanh, những chuyện chẳng đâu vào đâu, những cuộc gặp thoáng qua, vẫn có thể viết nên những trang lấp lánh, mang đến cho người đọc một lối tiếp cận khác, ngay cả với những điều tưởng như đã biết rõ từ lâu.

 

Đây là một thủ pháp khó, không phải ai cũng thực hiện được. Bản ngã của người viết, nội hàm của ý tưởng phải đến đâu, mới mong làm chủ được trang viết, chống lại sự lan man, tẻ nhạt.

 

Giống như người đánh võ, nội lực phải đạt tới mức thượng thừa thì mới thi triển được những chiêu thức vi diệu. Độc giả không chỉ đọc nhân vật mà còn đọc người viết.

 

Muốn lắng nghe, chiêm nghiệm cách lý giải của anh ta. Chi tiết trở thành vai trò thứ yếu. Thông tin phải nhường chỗ cho ý tưởng. Những con chữ phải làm mê man, quyến rũ được người đọc, giữ họ lại trên trang giấy.

 

Bài viết Họa sĩ vô danh Phạm Long Quận và phép tự mê dụ của Nguyễn Quang Thiều là một trong nhiều ví dụ.

 

Một lần tôi ngồi uống nước với Phạm Long Quận, anh nói luôn coi Nguyễn Quang Thiều như một người anh, một người thầy, người cưu mang sự lang thang của mình. Nếu có gì anh đã thất thố với người khác, thì chỉ có một người duy nhất khiến anh ân hận, đó là Nguyễn Quang Thiều.

 

Vẫn theo cách nói có phần đại ngôn, thì Phạm Long Quận đang có một kế hoạch vĩ đại, anh sẽ dịch toàn bộ thơ của Thiều sang tiếng Tây Ban Nha và sẽ nhờ những người bạn nước ngoài đề cử ông vào giải Nobel văn học. Tôi tin rằng với tính cách của Phạm Long Quận, anh sẽ làm điều đó, cho dù kết quả của nó thế nào.

 

Khi nói chuyện, thỉnh thoảng Quận lại đọc vanh vách những câu thơ của Nguyễn Quang Thiều. Anh kể, từ 12 giờ đêm đến 5 giờ sáng, anh từng dịch xong cả một tập thơ của Thiều.

 

Sáng hôm sau, ngồi uống cà phê, Quận đã khoe với mọi người. Không ai tin, cho dù theo Thiều thì Phạm Long Quận là một trong những người giỏi tiếng Tây Ban Nha nhất Việt Nam.

 

Nhà thơ Lương Tử Đức cầm quyển thơ lên, bắt Quận đọc lại từ bản dịch tiếng Tây Ban Nha. Không sai một chữ. Tôi hỏi lại Thiều thực hư việc này, ông thừa nhận có chuyện đó: "Đây là một sự lạ. Chính tôi cũng kinh ngạc, vì trước đó Quận hầu như chưa hề đọc thơ tôi".

 

Có một người làm thơ trẻ luôn gắn bó với Nguyễn Quang Thiều, đó là nhà thơ Nguyễn Quyến. Khi ông làm ANTG cuối tháng, Quyến cũng về ANTG cuối tháng.

 

Ông viết kịch bản truyền hình, Quyến cũng viết kịch bản truyền hình. Còn bây giờ ông về VietnamNet làm trang VieTimes, nghe nói Quyến cũng sẽ là một trợ thủ đắc lực của ông.

 

Tôi hỏi: "Người ta đồn, Quyến là đệ tử ruột của anh, đúng không?".

 

"Chính xác thì phải nói Quyến là cháu tôi. Tôi chơi thân với bố Quyến, nhà thơ Nguyễn Tấn Việt từ lâu. Ông Việt là người  thầy thơ đầu tiên của tôi". Nguyễn Quang Thiều có lần viết ở đâu đó mình là "thằng em và cũng là cậu học  trò thơ ca" của Phạm Tiến Duật.

 

Hóa ra ông còn có một người thầy nữa. "Tôi biết Quyến từ khi nó còn bé - một cậu học trò rất thông minh, từng đi thi học sinh giỏi toán toàn tỉnh. Năm Quyến 17 tuổi, ông Việt dẫn con đến nhà tôi chơi.

 

Ông bảo, chú thử nghe cháu đọc thơ nhé, tôi thì chẳng biết thế nào nữa. Quyến ngồi thu tay giữa đùi, không dám nhìn thẳng vào mặt tôi. Cậu ngó ra vườn rồi đọc liền một mạch 7 bài. Nghe xong, tôi im lặng một lúc lâu.

 

Ông Việt hồi hộp hỏi: "Thế nào, chú?". Tôi đáp: "Em rất mừng nhưng cũng rất buồn anh ạ. Thơ của nó hay hơn thơ anh và thơ em".

 

Thì cứ coi việc chú khen cháu là chuyện bình thường. Nhưng biên tập viên thơ Nguyễn Quang Thiều ưu ái những người làm thơ trẻ là điều có thực. Ông bảo, mỗi sáng đến báo Văn Nghệ, chỉ mong nhận được những chiếc phong bì lạ.

 

Những cái tên lạ. Với niềm hy vọng phấp phỏng, sẽ tìm thấy một nhà thơ mới, có tài. Bởi vì nói cho cùng, được đọc một bài thơ hay là ân sủng quá lớn với người biên tập.

 

Người làm thơ phải mất mát rất nhiều, thua thiệt rất nhiều mới có những câu thơ hay, trong khi biên tập viên lại là người được sung sướng hưởng thụ... miễn phí.

 

Ông nói: "Khi tôi bảo, thơ ca Việt Nam đang chỉ ở mức trung bình so với thế giới, 100 người nghe, thì có tới 99 người không chịu nổi. Ước gì các nhà thơ Việt Nam đều được ra nước ngoài, vào thư viện của người ta và nhìn lên giá sách". Xem ra, ván bài thơ mới là thứ quan trọng nhất với Nguyễn Quang Thiều!

 

* * *

 

Nhìn Thiều ngồi uống cà phê, trông vẫn giống như một con gấu. Nhưng con gấu ấy tóc đã rụng khá nhiều, ria đã bạc, giọng đã rè, đượm mệt mỏi. Chỉ có đôi mắt dường như vẫn không thay đổi. Thậm chí độ tinh quái còn sắc nét hơn.

 

Ông mặc áo phông, có dòng chữ FBI to tướng giữa ngực. Cho dù bây giờ ông đã rời báo Văn Nghệ thì tôi vẫn nghĩ quyết định chuyển sang hoạt động văn học chuyên nghiệp, bắt đầu từ nghề báo của ông là chính xác.

 

"Vì sao anh nói, lần ra đi này khiến anh buồn nhất...?".

 

"Trước kia chúng tôi từng to tiếng, từng giận dữ, tranh luận với nhau, nhưng chưa bao giờ tôi có ý định rời cơ quan. Đến lần này, phải nói thật là không có chuyện gì khúc mắc cả, thì tôi lại quyết định ra đi. Đó là nỗi buồn của  một anh kép quyết định rời sân khấu, và biết chắc mình không bao giờ quay lại nữa".

 

"Làm báo mạng, áp lực rất lớn, không thật thích hợp với những người lớn tuổi. Ở tuổi 50 mà anh bắt đầu làm lại từ đầu, việc của những người tuổi đôi mươi. Và thế nào là dành cho mình quyền được không ổn định?".

 

"Tôi từng có nhiều dịp đi cùng các cựu chiến binh Mỹ quay trở lại chiến trường Việt Nam khi chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm. Lần ấy tôi đưa một cựu binh và cũng là một nhà văn Mỹ nổi tiếng - Philip Caputo tới vùng Thượng Đức. (Philip Caputo từng đoạt giải thưởng Sách quốc gia Mỹ).

 

Chúng tôi khoác ba lô, đi bộ cả ngày trong nắng cháy và đá sỏi. Đêm xuống chúng tôi dừng lại bên bờ sông Túy Loan, mắc võng và nằm nói chuyện. Phi - lip bảo, khu vực này trước kia là vùng chết, là nỗi ám ảnh kinh hoàng của lính Mỹ.

 

Nói chuyện nhưng ông vẫn giỏng tai nghe tiếng côn trùng kêu rỉ rả khắp nơi, khắc khoải chờ đợi chúng im tiếng. Bởi vì ngày xưa nếu những con côn trùng đột nhiên im lặng thì có nghĩa là du kích Việt Cộng đang đến gần. Nhưng đêm ấy, chúng đã kêu suốt đêm.

 

Sáng hôm sau Philip bảo tôi, việc của ông đã xong, ông đã đi tới tận cùng của nỗi sợ hãi, và sẽ không bao giờ trở lại đây nữa. Một cựu binh Mỹ khác kể lại với tôi, anh ta sợ nhất các khúc quanh của những con đường trong chiến tranh. Anh không biết điều gì đang đợi mình phía trước, đó có thể là một viên đạn bắn thẳng vào trán hoặc sau gáy.

 

Còn bây giờ, anh biết chắc chẳng có gì nguy hiểm ở những khúc quanh ấy. Anh ta không còn giật mình trong đêm và có thể an tâm sống nốt quãng đời còn lại. Nỗi sợ hãi vừa ám ảnh, vừa là liều thuốc kích thích. Tôi cũng đang đi đến tận cùng con đường của mình, một lần này nữa thôi".

 

Thế còn với Nguyễn Quang Thiều, đâu là khúc quanh của con đường ấy? Con đường thời bình, nhưng cũng không kém phần khốc liệt.

 

"Nói dại, nếu có chuyện gì xảy ra... ?". 

"Thì tôi sẽ trở về làng Chùa. Tiếp tục làm thơ và viết văn".

Nhà văn - nhà thơ - nhà báo Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

 

Hà Nội, 25/8/2005- Theo TPO

Hữu Việt
Số lần đọc: 2179
Ngày đăng: 30.09.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sao rơi - Nguyễn Thuỵ Nhã
Bứt bổi Bình Điền - Trần Kiêm Ðoàn
Trịnh Thanh Sơn - bé nhỏ và dịu dàng - Nguyễn Linh Khiếu
gặp gỡ ở vùng đất khát - Phùng Phương Quý
Trăng đầu ngọn nước - Nguyễn Nguyên An
Quê nhà ..khi nhìn lại - Vũ Trà My
Thành phố Gyeongju một lần tôi đến - Võ Quê
Lên núi tìm hoa - Bích Ngân
Nén nhang cho người bạc mệnh - Phạm Ngọc Lư
Chuyện chính ủy - nhà văn cắt tay ngắn, vẫn viết dài - Nguyễn Khắc Phê