Bà Tư Trầu như nhớ lại từng chi tiết cái ngày của ba mươi năm về trước khi bà còn là một bà chủ hàng xáo ba mươi tuổi, trẻ trung và có nước da trắng trẻo mịn màng của một người đàn bà trẻ sinh ra và lớn lên ở miệt vườn Nam bộ... Ngày đó dù chiến tranh đang hồi khốc liệt nhất nhưng con lộ chạy dọc theo kinh xáng Xà No vẫn còn nguyên, những cây cầu xi măng cốt sắt xây từ thời Pháp vẫn vững vàng và xe đò, xe hàng cứ ì xèo xuống lên. Bây giờ con đường đã hư hỏng nhiều, phải lội bộ trên những quãng lởm chởm đá và đứt đoạn, thiệt là cực. Nhưng cực gì đi nữa thì tối nay cũng phải đi!
Cái câu mà bà đang nghĩ đó chính là lời của thằng cháu nội nói trưa nay, khi nó ù chạy về nhà kể một thôi một hồi về chuyện một cái gánh hát lớn vừa bầu đoàn thê tử về dựng rạp tại nhà văn hóa xã. “Có Minh Tài nữa đó nội. Tối nội dẫn con đi coi nghen! ”. “Ai ? ”. Lúc đó bà Tư đã thảng thốt hỏi thằng cháu như vậy. “ Minh Tài chớ ai nội. Minh Tài hát trên truyền hình nội khen hoài đó !”.
Minh Tài ! Thì chính cái tên ấy đã làm cho bà Tư nhớ lại cả một quãng đời đã thành xa lắc xa lơ của mình. Hồi đó bà cùng chồng là Tư Nhỏ chuyên mua lúa mùa xứ ruộng này rồi thuê xe đò chở lên tận Sài Gòn để bán. Làm hàng xáo thì cũng có cái sướng cái khổ như mọi công việc khác trên đời. Nhưng trong suốt thời gian gần năm năm đi buôn ấy, cái chuyện mà cho đến bây giờ bà vẫn không quên lại dính đến anh chàng kép mùi Minh Tài này. Cái lần đó, khi xe hàng vừa xuống gạo xong thì phải đưa đến ga-ra sửa lại một số trục trặc nào đó về máy móc nên phải ở lại. Đêm ấy, khi Tư Nhỏ đang ngồi dưới bến Hàm Tử “sương sương” với bạn bè là dân bốc vác thì Sáu Liên, cháu bà chủ vựa gạo, lân la rủ:
-Chị Tư, tối nay cải lương hay lắm nghen. Em mới đọc quảng cáo trên nhật trình. Tối nay em lại rảnh nữa. Đi coi với em nghen chị Tư !
-Thôi, không được đâu. Chị sợ anh Tư rầy chết. Ông coi vậy chớ khó lắm đó !
-Xí! Ổng có bạn nhậu thì chị cũng có quyền đi chơi chút đỉnh chớ. Chị biết tối nay ai hát hôn ?
-Ai ?
-Minh Tài chớ ai ! Ca mùi hết sẩy luôn nghen !
Ngày ấy, Minh Tài là một kép trẻ nhưng đã nổi tiếng khắp miền Nam. Khi ấy nghệ thuật cải lương cũng đang hồi cực thịnh và không một người phụ nữ nào có thể từ chối chuyện đi coi Minh Tài hát. Người đàn bà trẻ, là bà Tư bây giờ, cũng vậy, dù rằng đêm hôm ấy khi từ rạp hát trở về, bà đã bị người chồng, đã nhậu sần sần tặng cho hai bạt tai vì tội đã không xin phép chồng mà dám “đổ đường” (tiếng của chồng bà) đi coi hát một mình. Lần ấy, bà Tư đã giận chồng suốt cả tháng trời cho đến khi “ổng” mua về một băng cát-xét dài tiếng rưỡi đồng hồ chỉ do mình Minh Tài hát và lén để trên máy hát bà mới chịu cho ổng làm lành. Vậy mà đã bao nhiêu năm, giờ thì chỉ còn lại một mình bà với những khi bất chợt nhớ lại...
Một đám trẻ nhỏ lôi thôi lếch thếch, bồng ẵm nhau chạy ngược ra phía đầu vàm, vừa chạy vừa reo hò “Gánh hát dìa! Gánh hát dìa!” um sùm làm bà Tư nhớ lại là nãy giờ mình còn chưa bắc nồi cơm lên cho thằng Ba đi ruộng về nó ăn. Bà lật đật dựng cây chổi vô một góc hè rồi quày quả định vô nhà nhưng ngay lúc ấy bà dừng lại, quay nhìn xuống dòng kinh trước mắt bởi từ nơi đó có tiếng loa khọt khẹt rồi một chiếc vỏ lãi lấp ló chạy ra sau đám bần mọc de bên mép nước. Cái loa đã lấy được tiếng, nó ồn ào vang lên: “Kính thưa bà con cô bác, đêm nay đoàn cải lương của chúng tôi với nam danh ca của mọi thời đã đến...”. Bà Tư như không còn nghe thêm được nữa. Một tình cảm gì đó đã lâu rồi không còn cảm thấy trong lòng chợt dâng lên tràn ngập, bà như thấy mình sống lại thời tuổi trẻ và ngay trong lúc ấy bà quyết định tối nay sẽ đi coi hát. Chỉ tiếc là ổng không còn để rầy rà mình nữa. Bà Tư chỉ nghĩ về chồng đơn giản vậy !
*
Hai bà cháu phải cực nhọc lắm mới lội hết con đường lót đá mấp mô để đến nhà văn hóa, nơi đoàn hát cải lương dựng rạp và cũng phải cực nhọc hơn như vậy bà mới mua được tấm vé cho mình, tức là cho cả hai bà cháu, vì quá nhiều người chen lấn.
Khi đã tìm được một chỗ ngồi khá gần với sân khấu, bà Tư mới yên tâm. Tấm màn nhung đỏ vẫn còn đóng kín và từ bên trong những âm thanh rộn rã của một rạp hát vọng ra làm mọi người cảm thấy náo nức.
Minh Tài đã xuất hiện ngay từ màn đầu, đóng kép chính đúng như quảng cáo làm khán giả vỗ tay tán thưởng rào rào. Chỉ tiếc là anh đã quá mập, dáng mệt mỏi trong khi cô đào hát cặp với anh lại còn quá trẻ nhưng cũng khá đẫy đà. Người ta xì xào rằng đó là cô vợ không biết thứ mấy của Minh Tài. Có tiếng ai đó hơi lớn: “Chèn ơi, già quá rồi. Kép với đào như cha với con”.
Với bà Tư gì thì gì cũng không quan trọng lắm. Đó là chuyện đời tư. Ăn thua là giọng hát kia. Nhưng rồi cái háo hức lắng dần xuống khi người ta bắt đầu nghe anh ca. Đến khi Minh Tài vô một câu vọng cổ thì bà Tư thở dài. Giọng anh đã không thể còn như xưa nữa. Bà Tư cũng là người hiểu biết nên bà không trách thần tượng mà chỉ tiếc cho anh khi anh vẫn còn cố đóng kép chính khi mà tuổi tác đã đè nặng lên cuộc đời.
Tuồng đang diễn là vở “ Lọ nước thần ”. Đã đến cảnh hai vợ chồng nhà nghèo lặn lội đường xa, lại phải băng qua cả một cánh rừng rộng để đi tìm kế mưu sinh. Cô vợ trẻ yếu dần, yếu dần rồi lả đi. Anh chồng cố hết sức dìu vợ nhưng cô vợ đã ngã xuống. Anh chồng, tức Minh Tài, liền ra sức xốc người vợ lên định cõng băng qua khu rừng. Bỗng nhiên khán giả cười rần rần. Thằng cháu bà Tư cũng chỉ tay lên sân khấu cười ré lên: “Nội coi ngộ quá kìa. Minh Tài ẵm không nổi vợ mình kìa nội ! ”. Thì ra cô đào trẻ nặng quá so với lực yếu đuối của một anh kép hát về già vì vậy mà anh ta cứ nhổm lên nhổm xuống, miệng thì ca đang cõng vợ còn thực ra thì dựng cô ta lên cũng còn không nổi. Quả là lực bất tòng tâm. Chỉ có khán giả là được một trận cười no nê mà khỏi cần hề hiếc gì chọc ghẹo hay thọt lét.
Màn diễn vụng ấy rồi cũng qua. Vở diễn vẫn tiếp tục nhưng càng về khuya Minh Tài ca càng đuối. Bà Tư cảm thấy một nỗi thất vọng tràn ngập trong tâm hồn mà mới đây bà tưởng chừng vừa trẻ lại. Thằng nhỏ đã ngủ gục lên gục xuống trên vai bà nội. Bà Tư nhẹ nhàng ẵm đứa cháu lên và tìm cách đi lui ra dù bà thuộc rành tuồng nên biết cũng còn khá lâu nữa mới hết. Thằng Tâm chợt giật mình. Nó dụi mắt lè nhè: Hết rồi hả nội ?
- Ừ, dìa. Vãn tuồng rồi cháu !
10.2000