Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
661
123.242.163
 
Có một lỗ thủng trong thành phố-2
Richard Bowes

Giây lát sau tôi nhận ra Marco đang chăm chú nhìn tôi và tợp từng ngụm bia. “ Bác ấy đã nhìn thấy những đứa trẻ đó phải không? Cháu cũng trông thấy chúng. Tối thứ ba cháu quá bồn chồn đến nỗi khó có thể nằm yên trên giường. Cháu ra ngoài với cậu bạn Terry. Chúng cháu đi dạo vòng quanh. Lũ trẻ đã ở đó. Trong trang phục của ngày ấy phủ đầy bùn và rong rêu. Khuôn mặt chúng tối đen và hư ảo. Đấy là lí do tại sao cháu không ngủ được tối qua”.

“ Cháu sẽ nói với những người phụ  trách chứ?”, tôi hỏi.

Cậu bé uống cạn chai bia. “ Vâng, nhưng họ không muốn nghe những gì cháu nói đâu”.

“ Nhưng với bác thì....”

“ Bác thì thật khác. Bác hiểu được mọi chuyện”.

Sự tĩnh lặng bên ngoài bị phá vỡ bởi tiếng động cơ phản lực. Cả hai chúng tôi đền ngần ngại. Đã không có chiếc máy bay nào bay qua Manhattan kể từ khi ngọn tháp đôi bị xé tan vào sáng thứ ba.

Sau đó tôi nhận ra nó là gì.

“ Lực lượng không quân”, tôi nói. “họ kiểm tra độ an toàn cho tổng thống Bush đến đây”.

“ Ai là Mags và ai là Geoff thế hả bác?”

Vì thế tôi kể cho Marco nghe  đôi điều về những gì đã xảy ra ở nơi đầy mất mát đau thương ấy. Vào những năm 60 những người ngây thơ đã  chèo chống những con thuyền mỏng manh. Tôi miêu tả sự băn khoăn của chốn xa xôi ấy và cả mối quan hệ ràng buộc tay ba nữa. “ Rắc rối của bọn bác, bác nghĩ là việc thay vì một gia đình đích thực, thì mỗi thành viên lại bị ám ảnh bởi người kia”.

“ Vâng”, cậu bé nói. “Bác vẫn sống và Mags vẫn sống .thế còn Geoff thì sao?”

“ Khi  sự việc vỡ lở, Geoff bị bắt trong một cuộc truy quét ma túy và bị kéo đằng sau   chiếc xe tải của cảnh sát xuống khu phố thương mại. Cậu ấy cắt cổ tay cho máu chảy đến  chết trước khi mọi người nhận ra.”

  Điều đó đã ám ảnh tôi cũng như những cái chết của lũ trẻ đang ám ảnh cậu bé. Mỗi người chúng tôi đều nói về nỗi ám ảnh của mình   mà không phải nghĩ ngợi nhiều về những điều người kia nói.

 

Thứ sáu ngày 14 tháng 9

Vào buổi sáng ngày thứ sáu, khi tôi và Marco vừa bước ra khỏi cửa tòa nhà thì gặp hai gã đồng tính đang dắt chó đi dạo. Một gã nói: “ Cả Villlage mà chả có lấy một chiếc bánh sừng bò tươi nào cả. Nó thật giống như Siege ở Paris. Rồi có lẽ tất cả chúng ta sẽ phải ăn cả chuột thôi”.

 

Tôi lẩm bẩm: “Cái gã này đã quá lo xa. Lẽ ra trước hết hắn phải nghĩ đến việc tìm một chiếc bánh nướng xốp kiểu Anh thì hơn”.

“ Hoặc là chén thịt con chó  lắm lời của gã “, Marco phụ họa.

Lúc đó những nhà chức trách đã mở cửa East và west village giữa đường 14 và đường Houston đến phía ngoài. Tất cả mọi người có xe kẹt lại từ ngày thứ ba  bắt đầu  được phép đi vào vùng lân cận và lái xe đi. Những chiếc xe làm dịch vụ chuyển phát hàng hóa, bưu phẩm bắt đầu xuất hiện ở những con đường nhỏ hẹp.

 

Trong thư viện màn hình chiếc tivi khổng lồ đang chiếu những hoạt động trên Ground Zero, đấy là sự chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của tổng thống. Cánh cửa thang máy mở ra làm lộ ra mấy cậu bé tị nạn trong bồ quần áo  thể thao bó sát.

 

Những chiếc máy tính xung quanh bàn lễ tân nơi tôi làm việc vẫn đang chật cứng những người nhưng mức độ căng thẳng đã giảm xuống. Thậm chí đã có một hai câu hỏi về sách và cơ sở dữ liệu. Tôi đã cố gọi lại cho Mags nhiều lần. Đáp lại tôi chỉ là tiếng trả lời tự động.

 

Trong một lời nhắn bằng giọng ngắt quãng có đoạn: “Tôi là Mags McConell .Có một lỗ thủng trong thành phố và tôi đã vừa chuyển nó thành trung tâm thông tin về những nạn nhân như Jennie Levine và Geoffrey Holbrun. Nếu ai đó có thông tin gì về hai nạn nhân trẻ này xin vui lòng thông báo sau tiếng” bíp”...”.

 

Tôi để lại lời nhắn yêu cầu Mags gọi lại. Sau đó cứ nửa giờ tôi lại gọi cho Mags hi vọng là Mags nhấc máy. Tôi gọi đến những người bạn của chúng tôi. Một vài người đi vắng, một vài người thì không thể liên lạc được. Số còn lại thì cũng đang bận chăm sóc nỗi buồn thương của chính họ. Không ai trong số họ nhìn thấy Mags gần đây.

*

 

Tối đó trong bóng đêm đang sẫm dần, những ngọn đèn chiếu sáng lung linh trên quảng trường Washington. Những ngọn nến được phân bố và được thắp lên bằng diêm, bằng bật lửa từng ngọn, từng ngọn một.

 

Rất đông linh mục, quan chức chính phủ, giáo sĩ do thái và pháp sư dẫn đầu giáo đòan mang theo vòng hoa và nến đi xuống đường và vào công viên nơi họ gia nhập vào đám đông sẽ thức thâu đêm để cầu nguyện.

 

Marco  đi cùng với cậu bạn Terry,  cậu bạn tinh nghịch, người cũng đã cùng ở với cậu bé   trong nhà thi đấu. Chúng tôi đã đến dự lễ cầu nguyện cho những nạn nhân ngày 11 tháng 9 cùng nhau. Mọi người đội vòng hoa và nói những lời ngẫu hứng. Cũng có những bài kinh và một vài bài hát. Sau đó do bản năng hay cũng có thể là theo kế hoạch lập trước mà tôi không  hay biết, mọi người ra khỏi công viên, chia thành từng nhóm đổ ra khắp các ngả đường. Chúng tôi tạm dừng lại tại những cột đèn đường trên đó có tấm biển với những bức ảnh chụp những gia đình mặc đồ Pajama trong phòng tập thể dục vào buôi sáng ngày lễ giáng sinh. Một khuôn mặt nào đó  sẽ được khoanh bởi một vòng tròn đỏ và sẽ có một lời nhắn đại loại: “Đây  là James Bolton chồng của Susan, cha của Jimmy, Anna và Sue, người đã dời nhà  ở Rockaway vào lúc 7giờ 30 phút sáng ngày 11 tháng 9”. Đi kèm theo đó là tên công ty, số thứ tự của tầng thứ mấy trong tòa tháp trung tâm thương mại thế giới nơi anh ta làm việc, số điện thoại, số fax, địa chỉ email và lời nhắn:”Nếu ai đó biết thông tin gì về James Bolton xin làm ơn liên hệ với chúng tôi”.

 

Tại mỗi tấm bỉển, một ai đó sẽ để lại một ngọn nến. Một vài người khác thì để lại hoa. Cánh  cửa của trạm cứu hỏa nhỏ gần đấy đã mở, những chiếc xe tải và xe chỉ huy đã ra đi. Ứng trực tại nơi này là những người lính cứu hỏa đã nghỉ hưu với khuôn mặt già nua như những diễn viên chuyên đóng các nhân vật người Ý hay người Ai-len.

 

Một bức ảnh lớn chụp người lính cứu hỏa đã chết treo bên cạnh cửa. Anh ta còn rất trẻ, khoảng độ ba mươi. Anh ta và vợ hoặc cũng có thể là người yêu đang mỉm cười trước túp lều của người da đỏ phủ tuyết. Tấm ảnh được viền bằng những bức vẽ của lũ trẻ về những người lính cứu hỏa, những chiếc xe cứu hỏa và ngọn lửa, với những lời chia buồi và lời kinh cầu nguyện.

 

Khi chúng tôi bước đi và bóng tối sẫm lại thì đoàn người bước dài ra. Chúng tôi nhìn thấy những hàng nến  phía trước dọc theo con đường. Đấy chính là  trên đường Great Jones và Bowery nơi đột nhiên chỉ có ba chúng tôi và không có một phương tiện giao thông nào. Khi tôi quay lại để nói rằng chúng tôi nên trở về nhà, tôi chợt nhìn thấy một gã cao lớn đang loạng choạng bước trên đường với khuôn mặt đỏ tía và đôi mắt đang lồi ra.

 

Sau đó anh ta đi khỏi.Một trong hai cậu bé Marco hoặc Terry thì thào: “ Chết tiệt! Anh ta đã chết ”. Và không ai trong chúng tôi nói một lời nào.

 

Tại một thời điểm nào đó vào tối ấy,  tôi đã nói với Terry rằng cậu ta có thể qua đêm trong căn hộ của tôi. Cậu ta không thể rời mắt khỏi Marco cho dù Marco dường như  không chú ý đến điều đó. Trên đường chúng tôi trở về nhà, con đường phía đông đường Bleeker, bên ngoài một quán bar cũ kĩ thậm chí nó đã cũ kĩ kể từ khi tôi lang thang ở đó khi còn là đứa trẻ, tôi nhìn thấy một tấm áp phích.

 

Nó giống như hàng tá những tấm khác tôi đã nhìn thấy tối đó ngoại trừ đấy  là bức ảnh đen trắng đã cũ chụp ba đứa trẻ  đầy tóc tai và điệu bộ tồi tệ: Mags, Geoffrey và tôi.

Mặt Geoffrey được khoanh tròn và bên dưới viết: “Đây là Geoffrey Holbrun. Nếu bạn nhìn thấy người này từ thứ ba ngày 11 tháng 9 hãy làm ơn liên lạc”và Mags đã để lại tên và số điện thoại.

Thậm chí trong tấm ảnh tôi nhìn Geoffrey người đang nhìn Mags còn Mags thì lại đang nhìn tôi. Tôi liếc nhìn giây lát trước khi dời đi. Nhưng tôi biết Marco đã nhận ra điều đó.

 

Thứ 7 ngày 15 tháng 9.

Căn hộ nhỏ của tôi thật là bừa bộn vào buổi sáng ngày thứ bảy. Tất cả những chiếc khăn mặt tôi có đều ẩm ướt, còn cốc chén thì đều bẩn cả. Mùi bốc lên giống như mùi ở vườn bách thú. Có vài mẩu bánh pi-za trong bồn rửa bát và vỏ lon bia trước cửa. Đêm trước đó không ai trong chúng tôi nói về những bóng ma. Marco và Terry thảo luận nghiêm túc về chuyện họ liệu có bị bắt quân dịch không hay sẽ tự nguyện gia nhập quân đội. Ý tưởng gia nhập quân đội của lũ trẻ không làm cho tôi cảm thấy an toàn hơn một chút nào.

 

Tôi vẫn phải làm việc vào ngày thứ bảy.

Đã chuẩn bị sẵn tinh thần, tôi nhủ thầm mình rằng rồi chuyện này cũng sẽ nhanh chóng trôi qua. Trường đại học đã tìm được phòng cho tất cả những sinh viên tị nạn trong trường.

 

Sau đó chuông rung và một cô gái trẻ với chiếc khuyên mũi, mái tóc quăn màu đỏ xuất hiện.

Eloise  cũng là một người tị nạn khác mặc dầu cô  đã được sắp xếp tốt hơn. Cô đem quần áo đã được giặt là đến cho những vị khách của tôi. Marco có vẻ vui khi nhìn thấy cô bé.

 

Buổi sáng hôm đó, tất cả các nhà hàng, tiệm xăm hình, tiệm mát-xa đều mở cửa. Thậm chí những chủ cửa hàng người Ả- rập  đã liều mạng đối mặt với những lời lăng mạ và đe dọa giết để đi tàu điện ngầm từ Queen đến mở cửa hàng.

 

Trong thư viện màn hình lớn bên hành lang đang được dỡ xuống. Một vài sinh viên đang mượn sách. Một hai sinh viên đã hỏi tôi những câu hỏi tham khảo được chuẩn bị kĩ lưỡng.

Cuối cùng khi tôi lấy hết can đảm để gọi cho Mags, tất cả những gì tôi nhận được là những lời nhắn như trước đó.

Marco xuất hiện với bộ quần áo của chính mình và trông có vẻ sạch sẽ, sáng sủa hơn. Cậu bé ôm chặt tôi. “ Bác thật tốt khi đã cho cháu trú nhờ”.

“ Không, chính cậu đã làm mình cảm thấy tốt hơn”, tôi đáp.

 

Cậu bé ngừng lại và hỏi: “ Chính là bác trong tấp áp phích tối qua có phải không ạ? Bác, Mags và Geoffrey phải không ạ?”. Cậu bé có vẻ tò mò chờ đợi câu trả lời.

Khi tôi gật đầu, cậu bé nói: “ Cám ơn bác đã nói ra điều ấy”.

..........

Tôi vội vàng khi thoát khỏi nghĩa vụ phải làm vào tối thứ bảy. Một người bạn đã gọi điện và mời tôi đến dự “ Bữa tiệc dành cho những người sống sót”. Vào những ngày cách mạng Pháp, những ngày kinh hoàng, người ta đã dùng cụm từ này để  gọi những buổi dạ hội, tại đó mọi người nhảy và uống suốt đêm rồi ra ngoài vào lúc rạng đông để xem xem tên ai trong số họ đã bị liệt vào danh sách phải lên máy chém.

 

Tại Sixth Avenue, hiệu bánh mì vốn bán thứ bánh mì nhỏ cực giòn đã mở cửa trở lại. Đại lộ tắc nghẹn bởi dòng xe cộ và tiếng còi inh ỏi. Vụ việc rắc rối ở hạ Manhattan  đã được giải quyết và mọi người đã được phép  lái đi những chiếc xe của mình vốn bị mắc kẹt ở đó. Tiệm bánh nằm ở phía bên kia đường đối diện với nhà thờ. Và vào buổi chiều ấy, ở nơi đó có  một lễ cưới đang diễn ra. Khi tôi đi ra với những chiếc bánh nướng nhỏ, cô dâu chú rể, không còn trẻ lắm, cũng không quyến rũ lắm nhưng thật sự hạnh phúc, bước ra khỏi cánh cửa và dừng lại trước bậc tam cấp để chụp ảnh. Xe cộ dừng hết cả lại. Mọi người bóp còi inh ỏi “Ồ, cô dâu chú rể kìa!”. Họ  thò đầu ra ngoài cửa sổ, hò reo tán thưởng.

 

Tất cả chúng tôi đã cảm thấy yên tâm khi nhìn thấy cái sự việc rất bình thường ấy.  Nó báo cho chúng tôi biết rằng mọi chuyện giờ đây đã trở lại bình thường.

 

Sau đó tôi nhìn thấy Mags ở phía bên kia đường Sixth Avenue. Mags đang nặng nề bước đi, mắt nhìn chăm chăm về phía trước, cổ bà có treo một tấm áp phích dán những tấm ảnh đen trắng. Đám đông phía trước cửa nhà thờ dồn ánh mắt  hướng về Mags. Những người khóc mướn cũng khó có thể cất tiếng khóc vào khoảnh khắc ấy.

 

Tôi thét to tên Mags và chạy băng qua đường. Nhưng sự cấm đường đã chấm dứt và  xe cộ bắt đầu chuyển thành dòng chảy. Tôi gắng bám theo Mags dọc theo phía bên này đường. Tôi muốn mời Mags đến bữa tiệc. Chủ nhân của bữa tiệc cũng quen biết Mags trước đó. Nhưng cả hai bên hè đường đều đông đúc. Khi tôi băng được sang bên kia đường thì Mags đã biến mất.

 

Vĩ thanh

Tối đó tôi từ bữa tiệc trở lại nhà và nhận ra rằng căn phòng đã được dọn dẹp sạch sẽ và tấm giấy viết mấy dòng cảm ơn của ba đứa trẻ dán trên cửa tủ lạnh. Và tôi cho dù cảm thấy yên tâm vẫn dội lên trong lòng cảm xúc mất mát.

 

“Bữa tiệc dành cho những người sống sót” được tổ chức ở Lower East Side. Trên đường trở lại nhà tôi đi qua East Village và đi bộ lên đường số mười. Mọi người đều đã gượng dậy được sau cơn chấn động. Các quầy ba đều đang mở cửa kinh doanh. Nhưng vẫn hầu như không có phương tiện giao thông nào và các khối nhà thì im lìm.

 

Kia là tòa nhà  nơi ba chúng tôi đã sống trong sự dơ dáy và căng thẳng ngày một tăng dần  trong suốt 35 năm trước khi  câu chuyện đi đến hồi kết. Tôi đứng lặng bên này đường ngắm nhìn. Có  thể tôi có ý mong cậu ta xuất hiện.

 

Geoff đứng đó trong tầm mắt tôi với khuôn mặt trắng nhợt và đôi mắt nhìn chằm chằm không chớp vào ánh sáng ở nơi đã từng là khung cửa sổ của chúng tôi. Tôi quay về phía cậu  ta và cậu ta biến mất. Tôi liếc sang một bên và cậu ta vẫn ở đó trông thật đau đớn  và cô đơn. Hai ống tay áo của cậu ta đẫm máu.

 

Và tôi nhớ lại những lúc chúng tôi ngồi cạnh nhau, chuyền tay  ống xi-lanh  để đưa vào máu thứ chất lỏng vốn được coi  như vật làm tin để chúng tôi dính chặt vào nhau chừng nào chúng tôi còn sống. Khi ấy Geoof còn đế thêm: “ thậm chí cả sau khi chết nữa”. Và tôi nhớ lại rất rõ tôi đã chằm chằm nhìn cậu ta như thế nào khi cậu ta nhìn Mags còn ánh mắt Mags lại đang nhìn  tôi. Ba cạnh của một tam giác.

 

Ngày tiếp theo, ngày chủ nhật, tôi đi xuống khu nhà Mags ở. Tôi thực sự muốn gặp và nói chuyện với Mags. Tôi bấm chuông hết lần này đến lần khác. Không có tín hiệu đáp lời.

Tôi bấm chuông căn hộ người quản lí khu nhà ở cạnh đó.  

 Bà ta là một người đồng tính trạc tuổi tôi. Tôi hỏi bà ta về Mags.

“ Bà ấy đã biến mất. Lần cuối người ta nhìn thấy bà ấy là vào ngày thứ bảy, ngày 9/9. mọi người trong tòa nhà đã kiểm tra để chắc rằng mọi người đều không sao. Ngoại trừ không có một tín hiệu nào của bà ấy cả. Tôi đã dán một cái băng dính vào lỗ khóa của bà ấy vào ngày thứ tư và nó vẫn ở nguyên đấy”.

“Tôi vừa nhìn thấy bà ấy ngày hôm qua thôi”.

“ Hả?”, bà ta nhìn tôi với ánh mắt nghi ngờ.

“Ồ, tên bà ấy nằm trong danh sách những người có thể bị mất tích trong vụ cháy tòa nhà trung tâm thương mại thế giới. Ông cần hỏi hỏi họ về điều  đó”.

 

Điều đó với tôi giống như bà chủ nhà đang cố gắng từ bỏ Mags.

Tuần tiếp theo, tôi gọi cho Mags mỗi ngày vài lần. Đôi lần tiếng trả lời tự động của máy im bặt. Tôi kiểm tra khu nhà Mags ở thường xuyên. Không có dấu hiệu nào của Mags cả. Tôi hỏi Angelina xem liệu rằng cô ta có nhớ được tôi đã ăn tối cùng với Mags ở cửa tiệm cô ta vào thứ tư ngày 12 tháng 9 không.”

“ Cháu quá bận nên cháu cũng không để ý. Cháu nhớ  bác có đến  và đoán bác  đi cùng ai đó. Nhưng thực sự cháu không nhớ được đấy là ai”.

 

Sau đó tôi gọi Marco xem cậu bé  có nhớ cuộc điện thoại không. Cậu bé  có nhớ nhưng sau đó  lại bận rộn với Terry và Eloise nên không chú tâm lắm.

Xung quanh thời điểm đó tôi nhìn thấy đôi vợ chồng người đã muốn đưa bọn trẻ xuống Ground Zero. Họ đang đi bộ lên đường Sixth Avenue, lũ trẻ trông thật xộc xệch và mệt mỏi còn đôi vợ chồng thì trông rất buồn bã. Giống như thể người ta đã lấy đi của họ tất cả niềm vui thú vậy.

Cuộc sống đã khép lại xung quanh tôi. Tập truyện ngắn của tôi đang được xuất bản đúng vào thời điểm thật lạc lõng. Và tôi cần phải làm một vài động tác quảng cáo. Tôi đã  gặp lại người hâm mộ cũ  khi anh ta trở lại  New York với tư cách là cố vấn cho một công ty đã mất hết văn phòng và một rất nhiều  nhân viên khi tòa tháp phía bắc bị  đổ.

 

Bà Pirelli không trở về nhà từ bệnh viện mà tới sống với con trai tại Connecticut. Thỉnh thoảng tôi ghé thăm  cửa hàng của người Ả-rập và lắng nghe những người chủ cửa hàng phàn nàn họ cảm thấy tồi tệ như thế nào về những điều đã xảy ra và họ mỉm cười khi cho tôi xem những tấm hình chụp những đứa con đội mũ lưỡi trai kiểu Mĩ và mặc áo phông.

 

Chính vào cuối tuần tiếp theo tôi lại nhìn thấy Mags lần nữa. Trường đại học đã cho phép sinh viên trở lại khu kí túc xá trong khu phố thương mại để lấy đồ đạc ra. Marco, Terry và Eloise đến thư viện và rủ tôi cùng đi. Và thế là tôi chuyển qua bộ phận vận tải của trường đại học và  đi cùng lũ trẻ.

 

Vào khoảng buổi trưa chủ nhật ngày 23 tháng 9, tôi và hàng tá lũ trẻ khác được nhồi lên chiếc xe buýt của trường đại học do Roger, một người Jamaica đã làm việc cho trường đại học tương đối dài chẳng kém gì tôi  lái.

“ Trước ngày 11 tháng 9 lũ trẻ chả muốn mấy “ cụ khốt” đi cùng chúng đâu”,  Roger nói với tôi. “ Thế rồi sau đấy tất cả bọn trẻ đều muốn gần bố”. Roger dẫn đoàn xe buýt và xe tải đi xuống FDR Drive và băng qua những con đường ngày chủ nhật vắng vẻ và sau đó vượt qua những chiếc xe tải lớn và xe xây dựng.

 

Chúng tôi dừng lại trước một trạm kiểm soát của cảnh sát. Một viên cảnh sát nhòm vào trong và vẫy tay ra hiệu cho chúng tôi qua. Tại kí túc, một viên cảnh sát khác bảo lũ trẻ rằng chúng có một giờ để thu dọn mọi thứ và ra khỏi đây. “Phải chuẩn bị sẵn tinh thần là khi tôi bảo các cậu phải biến khỏi đây ngay”, viên cảnh sát nói.

 

Tôi và Roser là kẻ già cả nên ở lại bên xe. Không khí thật là bẩn thỉu, dơ dáy. Mắt chúng tôi chảy nước. Phía trên con đường khoảng vài trăm feet một đám  khói vẫn bốc lên từ đống đổ nát của tòa nhà trung tâm thương mại thế giới. Những đống rác vẫn âm ỉ cháy. Giữa chúng tôi và đống đổ nát ấy là dòng xe cứu hỏa và xe cảnh sát với những ngọn đèn đỏ nhấp nháy trên nóc.

Phía sau chúng tôi, lũ trẻ đang hối hả mang vác những chiếc hộp.  Tôi bắt chúng viết tên mình lên từng chiếc hộp và  đánh số  chiếc xe tải nào sẽ chở chúng. Tôi ngạc nhiên thậm chí cảm thấy xúc động trước một số lượng lớn những con thú nhồi bông đang được chuyển đi.

“ Chừng ấy năm chúng ta đã làm những điều kì quái chỉ để kiếm lấy khoản lương hưu”, tôi nói với Roger.

“ Giống như tình nguyện đi đến cánh cửa địa ngục phải không nào?”

Khi Roger nói điều đó, những ngọn lửa từ đống rác bốc lên, những người lính cứu hỏa hét lên và cố sức dập tắt ngọn lửa.  Một chiếc xe cứu hỏa sử dụng hóa chất xoay tròn và những người lính cứu hỏa bắt đầu lắp những chiếc vòi dài.

 

Trong số những bóng đồng phục tôi nhìn thấy một thường dân, một người phụ nữ trung niên mặc áo len dài tay và quần jeans mang theo một tấm biển. Mags đang tiến đến phía đống lửa. Tôi muốn gào lên “ Hãy ngăn bà ấy lại” . Nhưng sau đó tôi nhận ra rằng không có viên cảnh sát hay người lính cứu hỏa nào có vẻ nhận ra Mags cả cho dù Mags đang bước đi sát ngay bên cạnh họ.

 

Khi Mags làm thế, tôi nhìn thấy một bóng khác, gầy, tái xanh mặc áo khoác da lộn, quần ống loe. Anh ta giơ ra hai cánh tay đẫm máu và họ cùng nhau bước xuyên qua những ngọn lửa và đám khói đi vào lỗ thủng trong thành phố.

“ Có phải họ đấy không, bác?”, Marco đã đứng bên cạnh tôi lúc nào.

Tôi quay lại phía cậu bé. Terry đứng sau chiếc xe buýt nhìn từng cử động của Marco. Eloise đang nhìn chằm chằm Terry.

“ Thật  là hoàn hỏa hơn bộ ba các bác nhiều”, tôi nói.

Và Marco đáp “ Vâng, chắc chắn là như thế rổi” với giọng tự tin chưa từng có trên thế giới.

 

Nguyễn Quốc Vương dịch từ nguyên bản tiếng Anh.

 

Richard Bowes
Số lần đọc: 2047
Ngày đăng: 09.10.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thị trấn bên kia suối-1 - Trần Trung Sáng
Thị trấn bên kia suối-2 - Trần Trung Sáng
Vầng trăng bên kia sông - Lê Minh Tú
Kiếp bèo - Nguyễn Đình Bổn
Tiếng chuông chiều - Lê Hoài Lương
Trận đòn…… - ManTran
Cuồn cuộn… không yêu - Quỳnh Linh
Người tình giấu mặt - Hoàng Thị Giao
Nguyễn Ức Trai - Trương Thái Du
Màu hoa của đá - Nguyên Quân