Tôi gặp Trần Dạ Từ lần đầu tiên năm 1957 tại quán cà phê Ánh, ở đường Phạm Ngũ Lão, qua sự giới thiệu của Kiều Thệ Thủy. Khi ấy cả ba chúng tôi còn rất trẻ, Trần Dạ Từ còn ký bút hiệu là Hoài Nam, tôi và Kiều Thệ Thủy đang học lớp đệ tứ ở trường Khai Trí (sau này đổi tên là Trường Sơn, hiện nay ngôi trường này đã bị đập bỏ xây thành khách sạn).
Vào thời gian đó, quán cà phê Ánh được rất nhiều cây bút trẻ tìm đến để nhâm nhi cà phê, vừa ngắm chị em cô chủ quán mỗi người một vẻ để tìm thi hứng. Tôi và Kiều Thệ Thủy tuy còn là học sinh nhưng đã lõm bõm có thơ, truyện đăng trên báo Văn nghệ học sinh do Giang Tân chủ biên.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên với Trần Dạ Từ đã để lại kỷ niệm cho đến bây giờ, thỉnh thoảng nhớ lại tôi vẫn không khỏi mỉm cười – thuở ấy sau mà vô tư, sao mà đẹp quá. Lúc mới gặp, tôi thấy Từ có vẻ khù khờ, hơi ngáo, lại thêm bộ mặt rỗ hoa; tuy nhiên, để bù lại, Từ cao ráo có giọng nói rất ngọt ngào (sau này, Trần Dạ Từ nổi tiếng trong bạn bè, người có giọng đọc thơ hay hơn cả ngâm thơ). Hình như Từ đoán được cảm nghĩ nên, khi được hỏi uống gì, Từ tỏ ra mình cũng là một tay sành sõi, anh gọi một ly sữa hột gà sôđa. Tôi và Kiều Thệ Thủy nhìn nhau cười không nổi. Bản thân hai chúng tôi mỗi thằng chỉ gọi một ly đen, học trò học troẹt làm gì có tiền xài sang, vậy mà Từ nó hại bạn, gọi một ly cả tôi và Kiều Thệ Thủy dốc túi gom lại mới đủ tiền trả cô hàng cà phê. Từ rất vô tư ngồi thưởng thức ly nước của mình, trong khi tôi và Kiều Thệ Thủy nhịn cả thuốc lá, đành “phê” ly cà phê đen sơ ngộ.
Tôi và Kiều Thệ Thủy tuy rất say mê văn chương nhưng không phải là người sống chết với văn chương, chúng tôi còn phải lo học hành thi cử, và vì đam mê văn chương nên con đường thi cử lận đận trượt vỏ chuối hoài. Trần Dạ Từ thì khác, văn chương chính là sự nghiệp, cuộc sống của Từ. Trong khi tôi lận đận thi cử thì Từ lao vào báo chí, anh bỏ bút hiệu Hoài Nam và trở thành Trần Dạ Từ lúc nào. Bốn năm sau tôi mới gặp lại Trần Dạ Từ qua một người bạn khác: Đỗ Ngọc Yến. Lúc này Từ đang cùng Tú Kếu Trần Đức Uyển và Nguyễn Tạo Lâm làm bộ sậu tờ tuần báo Phụ Nữ Ngàn Khơi. Bên cạnh Từ, xuất hiện dáng dấp một phụ nữ, đó là Thu Vân – Nhã Ca. Ngoài tờ Ngàn Khơi, Trần Dạ Từ còn nắm trang văn học nhật báo Dân Việt, chủ xị trang văn học này thực ra là Chu Tử nhưng Từ bao thầu thu gom bài vở, do đó, Từ bảo tôi viết cho cả tuần báo Ngàn Khơi lẫn Dân Việt.
Ừ thì viết, nhưng cho đến tận thời điểm này tôi vẫn là kẻ yêu văn chương mà lao vào con đường viết lách, tôi chưa có khái niệm về nhuận bút (tại sao phải có khái niệm về nhuận bút trong khi được viết văn, làm thơ cũng đủ sướng quá rồi). Ở tờ báo Ngàn Khơi. Từ giao cho tôi trang văn học quốc tế, mỗi tuần giới thiệu một tác phẩm nước ngoài. Đây là trang báo khó nuốt, tôi cố gắng làm công việc so với năng lực của tôi, đó là những việc làm của Hercule; để bù lại thơ truyện sáng tác của tôi được đăng ở những chỗ đẹp nhất. Ở tờ Dân Việt cũng thế, tôi vẫn phải đóng góp bài vở dịch từ văn học ngoại quốc. Có một lần, tôi dịch một bài thơ của J. Prevert, trong đó tôi dịch không sát nghĩa một chữ. Ngay hôm sau, trên mục Ao Thả Vịt, Chu Tử chê tôi dịch như thế Tây về nước là phải. Được phê bình để tiến bộ là tốt. Nhưng cách viết của Chu Tử trên Ao Thả Vịt nói lên phần nào nhân cách ngòi bút. Tôi nhớ câu mở đầu Chu Tử viết “Hôm nay bí đề tài, đành đem gà nhà ra vặt lông”. Không phải Chu Tử viết nguyên văn như thế nhưng tôi nhớ rất sát ý của câu Chu Tử viết. Theo tôi cả về tuổi nghề lẫn tuổi đời Chu Tử đều đáng bậc đàn anh nhưng, kể từ khi nhận được cái “xoa đầu” của Chu Tử, tôi đâm ra nghi ngờ đức độ của cây bút vẫy vùng trong giới văn nghệ thuở bấy giờ. Sau lần được kéo vào Ao Thả Vịt nhấn nước, tôi không viết cho Dân Việt nữa; nhưng, nguyên nhân chính thuộc về vấn đề khác; dù sao, cú chém treo ngành của Chu Tử cũng giúp tôi nhìn lại năng lực của mình, học lực chưa vươn tới đại học đã dám dịch thơ văn quốc tế là một việc làm liều mạng, bây giờ người ta gọi là điếc không sợ súng. Tôi thành thật với chính mình: nên chấm dứt trò chơi ngông cuồng này. Về phần Trần Dạ Từ anh có vẻ áy náy khi gặp tôi, anh cười tỏ ý thông cảm. Tôi nhớ tiếng cười rất Trần Dạ Từ của anh, tiếng cười: “Khưa! Khưa! Khưa!” nghe như giễu cợt, báo hại tôi có lần cao hứng, về nhà bắt chước tiếng cười của anh cười với vợ; không may, sát vách, có ông hàng xóm đang say rượu, nghe tiếng cười móc họng của tôi, ông ta nghĩ mình bị chế nhạo, thế là tôi bị ông hàng xóm “khưa khưa khưa” cho cả tiếng đồng hồ vẫn phải cắn răng học khôn.
Về năng lực làm báo, anh em trong giới phải công nhận Trần Dạ Từ thuộc loại song thủ hỗ bác, anh làm tất cả, lại rất nhiều sáng kiến nhạy bén. Chỉ tiếc là trên đường đi đến thành công, Trần Dạ Từ đã có lúc dùng “quái chiêu” làm một số người buồn lòng và, thật không ngờ, Từ chẳng chừa cả tôi. Đó chỉ là chuyện nhỏ nhưng nó trở thành kỷ niệm không đáng nhớ mà vẫn ghi trong đầu. Hôm ấy, sau khi tổng kết thu chi từng đợt, các anh em trong tòa soạn được chia nhuận bút. Tôi cũng có nhưng, qua một thoáng ngần ngừ, Từ có ý ỉm đi nhưng Đằng Giao, họa sĩ của tuần báo, giật tiền trong tay Từ trao cho tôi, anh cương quyết bảo: có làm việc là có nhuận bút. Từ nhìn tôi cất tiếng cười gượng gạo. Mặc dù có một vài hạt bụi bay vào mắt nhưng sự quen biết giữa tôi và Từ tuy chưa phải là thân song không vì thế mà thay đổi. Trong con mắt Từ, tôi thuộc loại con nhà lành như anh thường nói, còn trong con mắt tôi, Từ là một thi sĩ lắm tài, nhiều tật, vì mến tài nên tôi mến luôn cả tật. Đó là thời kỳ hàn vi của chúng tôi. Khi cuộc đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm bùng nổ, tờ Ngàn Khơi đã nhạy bén nhập cuộc bằng loạt bài phỏng vấn các thượng tọa. Mật vụ lập tức bủa lưới. Anh em trong tòa soạn phải “tị nạn” ở chợ Cầu Muối không dám về nhà. Tôi và Sa Giang thường phải chui vào tủ trốn xét sổ gia đình bắt lính quân dịch. Tờ Ngàn Khơi sống lây lất trong lo âu một thời gian rồi đình bản lần thứ hai, cuộc đình bản không hẹn ngày tái ngộ. Một lần nữa tôi lại chia tay với Trần Dạ Từ, không ngờ lần chia tay này lại là lần chia tay mãi mãi. Có thể sau khi đặt được những thành công, đặt chân lên những vị trí quan trọng. Từ không còn nhớ gì đến người bạn khá mờ nhạt thuở hàn vi. Nhưng, riêng tôi, dù trong quá khứ hay tận bây giờ, dù đang cười đùa với Từ hay đã chia xa, tôi vẫn nhớ đến Từ như một người bạn, và trên hết, một thi sĩ:
Môi cười vết máu chưa se
Cành hoa gạo cũ nằm nghe nắng hiền
Anh nằm nghe bước em lên
Ngoài song lá động trên thềm áo bay
(Khi em đến – Trần Dạ Từ)
NHỮNG TRANG SÁCH KHÉP MỞ,Trần Áng Sơn ,Nhà xuất bản Trẻ,2002