Tặng Đỗ
Nông trường gồm những căn nhà dài kiểu lán trại, nằm rải rác giữa một vạt rừng mới khai hoang, là căn cứ địa thời kháng chiến. Bây giờ là nơi cư trú và sinh hoạt của một lực lượng thanh niên xung phong làm kinh tế. Nó giống như một thế giới tách biệt của những con người quanh năm sống và làm việc giữa khung cảnh hoang sơ và hùng vĩ của núi rừng. Vậy mà từ cái nơi quạnh quẽ ấy, chỉ cần đi hơn chục cây số là đã đến một thành phố nhộn nhịp, đông vui.
Nhưng bên trong sự quạnh quẽ là cuộc sống sôi động của một tập thể thanh niên nam nữ còn rất trẻ. Tập thể ấy như một xã hội thu nhỏ với đầy đủ tính chất của con người
1
1 giờ trưa.
Tôi cầm dùi sắt nện cật lực một hồi kẻng báo thức. Đúng ra phải còn đến 15 phút nữa. Mặc kệ! Tôi có lý do để làm vậy. Tiện tay, tôi phang luôn hiệu kẻng báo giờ làm việc rồi vào nhà ăn - cũng là nơi hội họp - hút thuốc và chờ đợi. Quả nhiên phải đến 20 phút sau mọi người mới lục đục kéo đến. Nhìn tác phong của họ mà ngứa mắt: đã chậm chạp, lề mề lại còn đùa giỡn, cấu véo, đấm thụi nhau. Vào phòng họp lại tranh giành chỗ ngồi, cười nói ầm ĩ cả lên như một lũ trẻ con. Phải mất thêm 15 phút nữa để ổn định. Tôi đảo mắt tìm kiếm và tim nhói lên khi nhìn thấy Hiền ngồi sát cạnh Thuyên ở góc cuối hội trường. Tôi đập bàn gắt:
- Đây có lẽ là lần thứ 100, tôi yêu cầu các đồng chí phải chấn chỉnh lại tác phong. Chúng ta tuổi trẻ mà tác phong hệt mấy bà già đau lưng. Chính vì thế mà đại đội ta thường yếu kém. Làm ảnh hưởng thành tích chung của nông trường. Vì nó mà chúng ta…
- Thôi! Thôi! Đề nghị đồng chí đi vào nội dung nhanh cho anh em nhờ.
Tôi lừ mắt nhìn kẻ vừa lên tiếng, gằn giọng:
- Phải! Cũng chính vì nội dung cuộc họp là quan trọng để phổ biến và quán triệt công việc sắp tới, nên tôi buộc phải nhắc nhở. Cái công việc mà với cung cách lề mề, ý thức kỷ luật kém thì chúng ta khó hoàn thành được.
Đang tâm trạng bực dọc, thế là bao nhiêu thiếu sót, khuyết điểm, sai phạm trong đơn vị thời gian qua, tôi đem ra mổ xẻ, phê bình đến nơi đến chốn. “Tôi xin ý kiến”, từ cuối hội trường, Thuyên đứng dậy và Hiền ngồi bên cạnh có cử chỉ ngăn lại.
Cơn bực tức trong tôi lại dâng lên.
- Những gì đồng chí đại đội trưởng phê bình tưởng có lý, nhưng thực ra không đúng thực chất. Chẳng hạn công việc trồng bông vừa qua, đồng chí đăng ký chỉ tiêu cao hơn các đại đội khác. Rồi lại phân công việc xuống các trung đội không hợp lý. Như vậy anh em khó mà đạt được. Từ đó, bảo là không hoàn thành kế hoạch, rồi lại đổ lỗi hết cho anh em. Tất cả đều là lý thuyết. Thực tế anh chị em đã làm việc cật lực không thua các đơn vị khác… Rồi trong việc tăng gia cải thiện đời sống… rồi các phong trào… đồng chí ưa phê bình, ưa quát nạt nhưng cũng nên xem lại cách quản lý, lãnh đạo của mình… Quan liêu, hách dịch, cả vú lấp miệng em… sẵn đây cũng đề nghị đồng chí nên chấp hành lịch sinh hoạt nông trường, kẻng hiệu, giờ giấc phải thực hiện đúng quy định.
A! Thằng du đãng hôm nay nói nhiều nhỉ. Lại còn phê bình tôi nữa đấy. Tệ hơn nữa là mọi người lại rộ lên hưởng ứng với nó.
- Thưa các đồng chí. Tôi lấy làm tiếc – Tôi cố ý nhẹ nhàng để giấu sự đắc thắng – lịch sinh hoạt tôi biết quá đi chứ. Nhưng tôi buộc phải làm thế. Bởi vì chúng ta luôn ăn gian giờ giấc của nhà nước, nên hiệu quả lao động kém. Chẳng hạn trong việc đào kênh, ta không hoàn thành đúng thời gian. Trên tăng cường một đơn vị bộ đội sang giúp. Quân số họ ít hơn ta. Nhưng họ làm mười ngày bằng chúng ta làm cả tháng. Các đồng chí không thấy xấu hổ sao. Đấy mới chính là vấn đề chấp hành thời gian… và như hôm nay, dù đã báo kẻng sớm, nhưng cũng do các đồng chí nên đến giờ vẫn chưa triển khai được nội dung chính của cuộc họp.
- Vậy thì triển khai đi. Lên lớp hoài.
Tiếng con gái xầm xì. Tôi giả lơ. Một lần nữa tôi tập thản nhiên. Cuộc sống vốn như thế mà. Nhủ lòng vậy, nhưng khi nhìn xuống thấy Hiền đang thân mật với Thuyên, tôi biết lòng mình khó thanh thản. Cái bọn hèn kém kia không ưa tôi. Mặc! Nhưng còn Hiền, lẽ nào em cũng theo phe chúng nó. Tôi thấy mệt mỏi. Song, nghĩ đến bao khát vọng đang ấp ủ, tôi trấn tĩnh lại. Giở cuốn sổ công tác. Tôi hắng giọng, bắt đầu. Thế là sự hào hứng trỗi dậy, những ưu tư, phiền lòng tiêu tan. Con người tôi như mong muốn lại trở về. Tôi say sưa khi nghe giọng nói chính mình. Có phải chất giọng hùng hồn của một chính khách tương lai
- …Và những nguyên nhân chủ quan và khách quan đó, chúng ta cần rút kinh nghiệm… bây giờ Tỉnh Đoàn và Ban chỉ huy nông trường giao cho đơn vị ta nhiệm vụ mới không kém phần nặng nề và gian khổ. Vậy yêu cầu mỗi chúng ta một lần nữa xác định về chính trị, tư tưởng. Phát huy vai trò xung kích và sáng tạo của người đoàn viên thanh niên. Để xứng đáng với lòng tin của Đảng, từng cá nhân phải hạ quyết tâm nỗ lực phấn đấu đạt vượt mức kế hoạch chỉ tiêu, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lần này.
Có tiếng vỗ tay? Không phải ! Chỉ là tiếng mọi người lao nhao…
- Công việc gì nói đại đi. Hô khẩu hiệu mãi.
Quắc mắt xuống hội trường – Tôi dằn từng tiếng như trút sự căm hờn đang chất chứa:
- Vậy tôi xin báo cáo: Nhiệm vụ sắp tới của chúng ta là… gánh cát.
2
Gánh cát! Một công việc kỳ quặc. Hai năm qua công việc của chúng tôi là trồng bông vải và làm thuỷ lợi. Rồi thực tế, loại cây này không thích hợp với vùng đất và thời tiết nên năng suất thấp. Tỉnh đang nghiên cứu thay đổi giống cây trồng. Trong thời gian chờ đợi kết quả thử nghiệm thì ở địa phương đang có kế hoạch xây dựng một đập nước. Tỉnh đoàn giao cho nông trường nhiệm vụ khai thác vật liệu xây dựng công trình. Nông trường triển khai công việc cho tiểu đoàn thanh niên xung phong: Đại đội 3 và 4 đến chân núi khai thác đá. Đại đội 1 và 2 xuống sông lấy cát.
Với tôi thì việc nào cũng thế mà thôi: cũng tầm thường và hèn mạt như nhau cả. Điều đau khổ là tôi phải tỏ ra hăng say, nhiệt tình. Tôi phải tổ chức và quản lý tốt để mọi người làm việc hết mình. Sao cho đại đội 1 do tôi chỉ huy phải luôn là lá cờ đầu của tiểu đoàn. Đó là cái đích hiện tại tôi phải đạt.
Vậy mà khi vào việc mới thấy bao chuyện phức tạp. Mới vào khâu chuẩn bị dụng cụ lao động tôi đã muốn nổi khùng. Từng đống tre nứa cày cục chặt trong rừng mang về để đan sọt và đẽo đòn gánh đã bị phá tan tành do chặt, chẻ và đan lát không đạt yêu cầu. Hình như tôi càng quát tháo chúng nó càng cố tình phá. Cuối cùng phải nhờ mấy vị lớn tuổi trên ban lãnh đạo nông trường xuống hướng dẫn cách chẻ tre, cách đan sọt. Công việc mới bắt đầu tiến bộ, tôi lại cãi nhau với Tiểu đoàn trưởng và đại đội 2 để tranh giành địa điểm gánh cát. Rồi khi thi công mới hay mọi người, nhất là nam, lâu nay chỉ quen dùng đôi tay cuốc xới chứ chưa quen dùng vai gánh gồng… và còn bao nhiêu trở ngại khác. Cũng may, tôi là chỉ huy có nhiều việc phải làm nên không trực tiếp lao động. Nhưng chính điều đó lại khiến chúng nó càng ganh ghét tôi. Còn Hiền đã không thông cảm còn ngụ ý bóng gió: “ Sao anh cứ nghiêm trọng. Công việc như thế là quá đủ. Anh không cần phải rối rắm thêm làm gì. Anh vì cái gì vậy”. Vì cái gì ư ? Vì tương lai của tôi. Vì cái đích mà tôi phải đạt. Vì cuộc sống nó phải như thế. Vì Hiền. Ôi! Cát và cát. Đồ chó má và cả em nữa, Hiền ạ!
3
Đêm! Cứ trằn trọc và tôi cũng biết dù qua một ngày làm việc mệt mỏi nhưng đâu đó ở nông trường cũng có người thức. Nhưng họ có những động cơ thú vị. Họ thức để lén lút hẹn hò, yêu đương, tình tự. Còn tôi thì bị dằn vặt tình cảm và tính toán công việc làm cho mất ngủ. Tôi cũng có những xao động. Những ham muốn tình cảm nam nữ. Nhưng lâu nay bằng ý chí tôi đã chế ngự dìm nó xuống tận đáy sâu lòng mình. Tôi hiểu rằng những tình cảm uỷ mỵ nếu không cản trở, thì cũng chẳng ích lợi trong sự tiến thân. Phải chăng ý chí ấy bị lung lay khi sống bên Hiền ? Tôi đang là đối tượng Đảng. Tôi phải nín thở để qua cầu, rồi đi trọn con đường tự vạch. Đó mới là quan trọng, còn ngoài ra đều phù phiếm. Con đường đã lắm chông gai rồi, chẳng cần phải thêm cạm bẫy và phải chăng Hiền cũng là cạm bẫy? Rồi còn cái công việc đáng nguyền rủa kia nữa, cũng là một thứ hầm hố bẩn thỉu trên đường đi. Thật khốn nạn thân tôi. Không phải vì bản chất công việc là tầm thường hay quan trọng. Mà vì để chinh phục nó tôi phải hạ mình, phải hèn mọn, phải tính toán tủn mủn, tỷ mỷ với tri thức của người có học và khát vọng cao vời. Và oái ăm thay, để thực hiện những khát vọng to lớn, người ta phải hèn mọn, tủn mủn như thế. Công việc gánh cát đã được hơn tháng, thì tôi chợt phát hiện khối lượng cát khai thác của đại đội 2 hình như có hơn đại đội 1. cũng dễ hiểu, bến bãi lấy cát sát bên lán trại họ ở. Đại đội tôi xa hơn nhiều, nên phải mất thời gian đi và về ngày hai buổi. Quân số họ nhỉnh hơn và ít ốm đau hơn. Nhưng dù thế nào đại đội 1 không thể thua kém. Tôi suy nghĩ tìm biện pháp. Tôi đề nghị bộ phận cấp dưỡng nấu ăn trưa tại chỗ, để lợi thời gian đi và về. Nhưng không được ban lãnh đạo nông trường đồng ý với lý do : anh chị em lao động mệt mỏi cần phải về nhà ăn uống đàng hoàng và có chỗ nghỉ trưa. Tôi nghĩ ra cách khác là vận động mọi người làm thêm giờ thì gặp sự phản đối quyết liệt. Cũng thằng Thuyên là kẻ đầu têu. Trong cuộc họp, nó gay gắt: “Lẽ ra đồng chí nên đề nghị giảm giờ lao động. Bằng không, anh chị em vẫn phấn khởi làm việc không nề hà. Đàng này, đã không thế đồng chí lại muốn tăng giờ, chỉ vì chạy theo những thành tích hão. Chúng tôi làm việc lâu dài nên cần bảo đảm sức khoẻ. Có thi đua cũng phải trên cơ sở công bằng và hợp lý”. Rồi nó giở giọng mỉa mai, xỏ lá: “Cũng không trách đại đội trưởng được. Công việc của đồng chí chỉ là điểm danh, đôn đốc và duy trì giờ giấc. Đồng chí chưa xuống sông gánh cát bao giờ nên không hiểu sự nhọc nhằn của anh em mình cũng là phải”. Thế là cả bọn cười rộ lên. Tôi nóng mặt. Được rồi, cười đi. Cứ đợi đấy. Những chuyện như thế đã quen thuộc. Tôi chẳng bận tâm nhiều. Chỉ có điều làm tôi đau khổ là Hiền lại bênh vực Thuyên và thường đứng về phía bọn chống đối tôi. Lúc chiều, tôi đã gọi Hiền lên phòng để trao thư và quà của gia đình em nhờ tôi chuyển. Tôi đem chuyện đó trách móc. Hiền thản nhiên bảo: “Em cho là Thuyên nói đúng. Mọi người cố gắng làm việc vì tự trọng, chứ không phải vì khen thưởng. Còn chỉ huy cũng nên quan tâm đến sức khoẻ và đời sống mọi người. Chúng ta gánh cát dưới sông, quần áo thường ướt nên rất mau rách và cũng mau đói nữa. Sao anh không làm điều gì thiết thực hơn. Ví dụ như đề nghị tăng thêm quần áo bảo hộ, hay tiêu chuẩn lương thực chẳng hạn. Bọn nữ tụi em cũng vậy, còn thiếu thốn về nhu cầu vệ sinh sức khoẻ. Thế mà anh chỉ nghĩ mỗi chuyện thành tích với thi đua”. Em nói mà mắt nhìn đâu đâu. Lời trách móc nhẹ nhàng nhưng tôi thương tổn và đau khổ sâu xa. Nó chứng tỏ Hiền và Thuyên tâm đầu ý hợp và có lẽ đã yêu nhau.
Bỗng đâu đó vang lại tiếng đàn guitar bập bùng trong đêm thanh vắng. Lại thằng Thuyên. Có thể có cả Hiền nữa. Tôi bỗng giận sôi. Nhìn đồng hồ đã 11 giờ đêm. Tôi bật dậy, cầm đèn pin mở cửa. Anh trăng lùa vào. Tôi chẳng thèm để ý. Tôi phải đến trị thằng Thuyên một mẻ về việc chấp hành giờ giấc. Nhưng chợt nhớ ngày mai chủ nhật nghỉ việc. Nội quy cho phép đêm thứ 7 có thể thức khuya. Hơn nữa, nhớ lại cuộc nói chuyện với Hiền ban chiều, đành quay về phòng. Tôi không muốn Hiền và mọi người biết tôi ghen tuông và căm ghét Thuyên. Cuộc đối thoại lúc chiều lại diễn ra:
- Cuộc sống nầy còn nhiều phức tạp. Ở đây đủ thành phần, năm cha bảy mẹ, anh khuyên em nên lưu ý trong quan hệ và kết thân.
- Ý anh muốn nói gì ?
- Vậy thì anh nói thẳng: em không nên quan hệ thân mật với Thuyên. Nó không tốt đâu.
- Anh căn cứ vào đâu mà đánh giá một con người dễ dàng như thế ? Hiền hỏi một cách hờ hững. Có vẻ không quan tâm đến vấn đề.
- Bởi vì lý lịch nó anh nắm rõ hơn em. Nó xuất thân từ viện mồ côi. Lớn lên thì sống lang thang, đi theo bọn lưu manh, bụi đời. Bản thân nó đã từng hút xì ke…
- Rồi sao ?
- Rồi sao cái gì ? - Tôi bực tức - Bấy nhiêu đó chưa đủ cho em hay sao ? Có lẽ nó cũng đã từng móc túi, trộm cắp, đĩ điếm không chừng. Còn em, gia đình cách mạng lại có giáo dục. Quan hệ với những kẻ như thế sẽ ảnh hưởng đến sự phấn đấu và tương lai.
Hiền yên lặng nghe tôi nói không một biểu lộ gì. Nhưng trong ánh mắt nhìn tôi, có một vẻ rất lạ. Như thương hại và hình như một chút giễu cợt. Và bao trùm tất cả là một sự xa vắng. Nói chung, đó không phải là Hiền mà tôi đã từng biết từ thuở ấu thơ.
- Anh buộc phải nói vì anh có trách nhiệm đối với em. Gia đình em đã nhờ anh chăm nom, giúp đỡ em. Hơn nữa – tôi thiết tha- Tình cảm của anh… chắc em hiểu… chúng mình đã biết nhau từ thuở nhỏ.
Bằng một sự tính toán, nhưng làm ra vẻ vô tình, vừa nói tôi vừa thò hai tay nắm lấy bàn tay Hiền, vuốt ve, mơn trớn. Một cảm giác rạo rực từ bàn tay nhỏ nhắn, nồng ấm của em truyền sang. Hiền giương mắt nhìn tôi trong một thoáng bối rối. Rồi hốt hoảng rút tay về.
- Thôi anh đừng nói nữa. Anh thấy đấy. Vào đội ngũ này em không còn trẻ con nữa. Cũng cuộc sống nầy, em hiểu không ai giúp được mình ngoài nghị lực chính mình.
Đột nhiên, nét mặt Hiền thay đổi và xoay câu chuyện ra ngoài vấn đề. Hình như một ý niệm, một tâm sự mà em thường ngẫm nghĩ và ưu tư :
- Bọn nữ tụi em khi giải lao thường vốc cát chơi. Cát ở dưới nước trông cũng đẹp. gặp ánh mặt trời, nó óng ánh như vàng. Em bảo tụi nó có thể đó là những bụi vàng thật, vì biết đâu đầu nguồn con sông có mỏ vàng. Em chỉ đùa vậy mà con Thuý, con nhỏ ngờ nghệch ở trung đội nữ lại tin. Nó hốt những chỗ cát óng ánh đem về trại nghiên cứu. Nhưng cát chỉ đẹp khi ở dưới nước khúc xạ ánh sáng. Khi khô trở lại bình thường. Nó bèn kiếm đâu cái kính lúp thật to, vãi cát ra xem xét. Thấy tội, tụi em xúm vào giải thích, thử nghiệm. Cuối cùng nó cũng hiểu ra. Nhưng rồi đến lượt em lại ngạc nhiên. Lâu nay, em cứ nghĩ cát thì giống nhau. Hạt nào cũng như hạt nào. Thật ra không phải vậy. Soi dưới kính lúp mới biết mỗi hạt mỗi khác nhau. Cả hình dáng và màu sắc. Muôn hình muôn vẻ. Nó chỉ giống nhau ở cái sự nhỏ nhoi mà thôi. Nó khiến em liên tưởng đến con người… Anh thấy có lạ không?
Quả thật, tôi không hiểu. Em đang lẩn thẩn cái gì vậy. Đất cát thì lạ quái gì ?
Em đang làm dáng chăng? Một kiểu uỷ mị, tầm phào rặt tiểu tư sản. Hay là nỗi buồn gia đình và cuộc sống gian khổ đã ảnh hưởng em
- Em bận tâm những chuyện vớ vẩn làm gì. Đất cát thì quan trọng gì đâu , mình nói chuyện nghiêm túc đi.
- Anh nói đúng - giọng Hiền buồn bã và xa xăm - hạt cát thì chẳng có gì quan trọng. Nhưng đôi khi hạt cát cũng giúp ích cho đời.
Cũng đột ngột, Hiền trở lại câu chuyện:
- Lý lịch của Thuyên, thật ra em biết cả rồi. Có khi còn nhiều hơn anh. Đơn giản là vì Thuyên coi em như một người bạn và em đối với Thuyên cũng bằng sự cảm thông chân thành của tình người, tình đồng đội.
Những gì anh nói về Thuyên cũng đúng. Nhưng đó là quá khứ. Chẳng lẽ không có cơ hội nào cho một con người hướng đến tương lai hay sao?
Em đứng lên chào tôi để về. Tôi vừa bực vừa tiếc. Những chuyện tào lao của Hiền lại khiến tôi mất cơ hội bày tỏ tình yêu với em.
- Thì em về… À! Lúc nãy em có đề nghị chế độ gì đó cho chị em phụ nữ phải không ? Được rồi, anh sẽ đề đạt lên lãnh đạo nông trường. Với em, anh có tiếc gì đâu.
Ra đến cửa, Hiền quay lại cười buồn:
-Là em nói cho mọi người, cả anh nữa, chứ bản thân em thì có sá gì. Em cũng chỉ là một hạt cát.
4
Nỗi buồn gia đình và cuộc sống gian khổ đã ảnh hưởng tâm lý em chăng ? Tôi tự hỏi, khi chợt nhận ra Hiền những tính cách mới lạ. Tôi và em ở cùng ngõ hẻm trong một thị trấn. Chuyện gia đình Hiền, là láng giềng nên tôi có thể hiểu được. Ba Hiền đi kháng chiến khi mẹ Hiền có mang đứa em trai Hiền. Là vợ một cán bộ cộng sản, mẹ Hiền bị theo dõi, bắt bớ hành hạ đủ điều. Bà có một người bạn học cũ, xưa từng si mê theo đuổi bà, lúc ấy đang làm phó ty cảnh sát ngụy. Với quyền hạn của mình, ông ta đã can thiệp giúp đỡ mẹ Hiền trong những lần hoạn nạn. Không biết có phải vì ân nghĩa đó hay vì thế bắt buộc nào khác mà sau đó ông ta thường lui tới chung sống với mẹ con Hiền. Lúc đó Hiền còn nhỏ, quan hệ hai người đến mức nào, không ai rõ. Nhưng cũng chỉ trong một thời gian ngắn vì tên cảnh sát trong một lần công cán, xe bị vướng mìn và tử thương.
Đến ngày giải phóng, ba Hiền từ miền bắc trở về. Biết được sự việc, ông đau khổ và thất vọng vì sự thiếu chung thủy của vợ. Ông còn nghi ngờ đứa em trai Hiền có thể không phải giọt máu của mình. Ông không tỏ thái độ gì nhưng lầm lỳ và viện lý do công tác, ông thường vắng nhà. Gia đình rạn nứt và chính mẹ Hiền là người chủ động đề nghị ly hôn. Trong việc này, có lẽ Hiền là người đau khổ nhất. Từ nhỏ, vắng cha, lòng khát khao chờ đợi. Vậy mà đến ngày đoàn tụ, cha mẹ lại chia lìa. Em trai Hiền ở với mẹ. Còn Hiền, dù sao cha mẹ cũng rất đỗi yêu thương, cưng chiều và ai cũng muốn Hiền về sống với mình. Nhưng Hiền không theo ai cả. Về ở với ngoại. Năm sau, vừa học xong cấp ba, Hiền đăng ký đi thanh niên xung phong. Không chịu vào đại học như sự mong mỏi và kỳ vọng của cha lẫn mẹ.
Ở gần nhà, chuyện gia đình Hiền tôi biết đại khái vậy và cũng không mấy bận tâm, chiến tranh mà. Biết bao nhiêu nghịch cảnh khổ đau. Những chuyện như thế cũng thường tình. Với tôi, có khi lại hay, vì thế mà em lại sống gần gũi với tôi.
Không lay chuyển được quyết định của Hiền, cha mẹ đành gạt nước mắt và khi biết em bổ sung vào đơn vị tôi, cả ba và mẹ Hiền chỉ còn nước gặp tôi nhờ trông nom, giúp đỡ em.
Vậy mà từ khi thành “lính” của tôi, Hiền lại tỏ ra xa cách. Hiền thân mật với tất cả mọi người, trừ tôi. Em thật bất công, tôi thì kém cạnh gì cái bọn trẻ nít vô tư lự ấy. Tôi lớn hơn chúng vài ba tuổi, nhưng cao hơn chúng một cái đầu. Tôi có học, có hoài bão và tin mình có đủ thông minh và thức thời với mọi hoàn cảnh.
Từ nhỏ, tôi đã biết cố gắng vươn lên để thành công. Xong tú tài tôi thi đậu vào “ Học viện quốc gia hành chánh ” một trường đào tạo quan chức cho cho chế độ Sài Gòn. Mới học một năm thì giải phóng. Tôi trở về quê tích cực tham gia mọi công việc cách mạng, mọi phong trào ở địa phương. Không ai biết việc học của tôi, vì tôi chỉ trưng ra thẻ sinh viên Văn khoa. Một trường mà ở chế độ cũ, bất cứ ai có tú tài đều có thể ghi danh và lấy thẻ.
Tôi không nề hà việc gì. Từ xoá nạn mù chữ và dạy bổ túc văn hoá đến những việc lặt vặt sổ sách cho uỷ ban cách mạng. Từ tham gia đội dân phòng đến các phong trào thanh niên của địa phương. Với chế độ mới, tôi phải phấn đấu làm lại từ đầu.
Tôi không lợi thế về lý lịch. Cha mẹ tôi là tiểu thương. Anh tôi lại là nguỵ quân. Cũng may chỉ đi dân vệ địa phương và cũng chỉ hai năm thì giải phóng. Nói chung cũng không có gì nghiêm trọng, nhưng rõ ràng chẳng có công lao gì với cách mạng. Vậy thì tôi phải tự nỗ lực. Tôi còn trẻ, đường còn dài, phải biết chịu khổ và luôn khôn ngoan. Phải biết hy sinh hiện tại cho tương lai. Với phương châm đó, nên khi tỉnh thành lập lực lượng thanh niên xung phong, tôi không ngần ngại, tình nguyện gia nhập với những thuận lợi. Ba của Hiền cũng động viên và giúp đỡ. Là cán bộ, quen biết rộng, ông đã tận tình giới thiệu, gửi gắm tôi. Cùng với những giấy tờ phê chuẩn nồng nhiệt ở địa phương, tôi bước vào môi trường mới như một thanh niên gương mẫu và học thức. Một đoàn viên ưu tú đang là đối tượng Đảng. Nên dù mới nhập ngũ, chức vụ Đại đội trưởng và Phó bí thư Đoàn nông trường với tôi là điều dĩ nhiên.
5
Hơn bốn tháng, khối lượng cát do nông trường khai thác cho việc xây đập đã xong.
Hàng trăm mét khối cát đã được chuyển đi. Đơn vị được nghỉ ngơi. Nhưng khoảng mười ngày sau, trên giao nông trường nhiệm vụ mới: vẫn tiếp tục khai thác cát. Lại cát. Tôi đã chán ngấy. Cát giờ chuyển đi đâu ? Dùng cho việc gì ? Tôi chẳng quan tâm.
Lần này công việc có vẻ tốt hơn do kinh nghiệm. Do những đôi vai quen dần công việc gồng gánh nên năng suất cũng tăng. Tuy nhiên vẫn chưa hết những trở ngại và khó khăn. Những bãi cát gần đã vét cạn. Địa điểm khai thác ngày càng xa. Hơn nữa, lại bắt đầu mùa mưa, nên thường nghỉ việc. Còn một điều nữa thật sự khó chịu đối với tôi, là trong việc chỉ huy tôi vẫn thường vấp phải sự bất đồng. Và nhiều khi ý kiến chống lại tôi của bọn nó thì thực tế chứng minh là đúng, còn tôi thì sai lầm.
Lúc trước, các biện pháp tôi đề xuất nhằm tăng khối lượng đều bị phản đối. Lần này, tôi tìm cách khác. Nông trường phát động thi đua và đánh giá kết quả chỉ dựa vào con số. Không tính đến điều kiện thực tế, thuận lợi và khó khăn từng đơn vị. Sơ kết vừa rồi Đại đội 2 hơn Đại đội 1 là vì thế. Tôi căm lắm. Được! Họ muốn con số thì tôi chơi bằng con số. Tôi sẽ tổ chức công việc đơn vị tôi sao cho khối lượng cát gánh lên đo được càng nhiều càng tốt. Ngoài ra thì mặc xác.
Thường thì cát gánh lên phải đi một đoạn đường khá xa. Lần này tôi cho dọn bãi sơ sài sát mép bờ sông. Chỉ gánh lên rồi đổ dọc theo bờ. Hẳn sẽ khó khăn khi xe ra vào chuyên chở. Nhưng đó là việc kẻ khác. Còn tôi sẽ rút ngắn một đoạn đường đáng kể và do đó, khối lượng sẽ tăng lên!
Nhưng khi tôi triển khai thực hiện lại bị phản đối.
- Tôi làm như vậy cũng vì các đồng chí – tôi nhẹ nhàng biện bạch - khỏi tốn sức chúng ta gánh đi xa. Như vậy không tốt sao?
- Đồng chí chẳng vì ai cả. cuối cùng thì cũng chỉ vì ham hố thành tích. Vì cái sự phấn đấu không trong sáng cho bản thân đồng chí mà thôi. Còn chúng tôi có gánh đi xa hay gần thì cũng một ngày lao động tám tiếng.
- Vậy thì các đồng chí cứ làm tám tiếng để phấn đấu cho trong sáng – tôi cười gằn, giận dữ - Còn tôi, ở đây tôi là người chịu trách nhiệm mọi việc. Còn trách nhiệm các đồng chí là chấp hành.
Có tiếng của Hiền:
- Chúng ta làm là vì kết quả. Nên làm sao để cát chuyển đi thuận lợi. Như vậy sẽ không phí công sức mọi người.
Như được gợi ý, Thuyên chen vào:
- Đồng chí có tính đến hậu quả không? Đang mùa mưa, nếu nước lũ về, công sức anh em thành công cốc.
Thì ra nó cũng thông minh. Nhưng tôi đã nghĩ đến việc ấy và tôi tin không đến nỗi nào. Ở đây đã ba năm, tôi chưa hề thấy nước dâng quá lớn đến độ tràn bờ. Nhưng giả dụ như vậy thì đã sao. Cứ vài hôm sẽ có xe đến nhận cát chở đi. Nếu có việc gì cũng chỉ phí công dăm ba ngày. Nhưng thật khốn nạn. Thời tiết chó má hình như cũng theo phe chúng nó. Gần một tháng, cát đã khá nhiều mà đơn vị thu cát không hiểu lý do gì chưa cho xe đến chuyển. Và rồi nước lũ về thật. Lần này nước tràn bờ thật. Bất ngờ và nhanh chóng. Chỉ một đêm mưa tầm tã ở thượng nguồn, thế mà sáng hôm sau hàng trăm mét khối cát đã bị cuốn phăng theo dòng nước. Hệt như lời độc địa của thằng Thuyên.
Tôi chờ những phản ứng hay chỉ trích từ mọi người. Nhưng lạ, chúng nó chẳng tỏ thái độ gì, chỉ lặng lẽ dò xét tôi. Vẫn tiếp tục sáng chiều ra sông gánh cát.
6
Hiền ngày càng tỏ ra xa cách tôi. Cố tình né tránh tôi. Thảng hoặc có điều gì cần giáp mặt thì cung cách và lời lẽ em làm tôi phát chán. Nếu không bênh vực người này thì cũng đề nghị giúp đỡ người kia. Rồi cuối cùng người Hiền quan tâm vẫn là Thuyên.
-Em thấy Thuyên đủ tiêu chuẩn, tại sao vừa rồi các anh bác việc kết nạp Đoàn cho anh ấy.
- Đó là việc của ban chấp hành. Anh chỉ là một thành viên.
- Nhưng em biết trong việc này, chỉ một mình anh phản đối.
- Ở đây đồng chí tiểu đòan trưởng là bí thư Đoàn. Anh chỉ làphó, hơn nữa còn ban chấp hành, còn tập thể. Một mình anh chẳng là cái thá gì.
- Phải! Anh chẳng là gì cả. Anh cũng như mọi người. Anh chỉ là hạt cát mà muốn thành trái núi. Anh khuynh đảo mọi người. Anh còn to nhỏ với cấp trên báo cáo vu khống Thuyên và đề nghị đưa anh ấy đi cải tạo nữa. Sao anh lại thù ghét Thuyên vậy?
Đến nước này thì tôi không dằn được nữa. Dù có yêu em đến mấy.
- Yêu cầu em nên nói năng cẩn thận. Chính em mới là kẻ vu khống. Ở đây có tổ chức, có lãnh đạo, và anh khuyên em đừng có xía vào, đừng vì thứ tình cảm nhảm nhí mà thành mù quáng để bênh vực cho kẻ xấu.
Hiền tròn mắt nhìn tôi lạ lẫm. Sau phút im lặng, em nói nhỏ nhưng rành rọt và bình thản:
- Em nói đây là vì anh. Dù sao chúng ta cũng còn tình anh em. Thuyên không cần ai bênh vực vì anh ấy ngay thẳng và trung thực. Còn anh thì ghét bất cứ ai không bợ đỡ, xu phụ theo anh.
Ừ! Thì em cứ chỉ trích tôi. Nhưng em không hiểu rằng ngay thẳng và trung thực đối với tôi là những điều bá láp. Và tại sao tôi phải thương những kẻ ghét tôi, những kẻ gây khó khăn trở ngại cho tôi. Đúng là tôi có đề nghị cấp trên cho thằng Thuyên đi cải tạo bằng những báo cáo cường điệu và quy chụp. Tiếc là không thành công. Trước đây, tôi cũng đã đề nghị tống đi cải tạo một thằng chuyên phá phách và xách động. Nhưng một vị lãnh đạo nông trường lại bênh vực: “ Đất nước mới giải phóng, chúng ta đây đều là những thanh niên lớn lên từ chế độ cũ. Một số lỡ tiêm nhiễm những thói hư tật xấu. Một số khác có cha anh đi học tập cải tạo vì phục vụ cho chế độ cũ nên sinh ra mặc cảm. Vậy nếu tư tưởng, nhận thức của họ còn hạn chế cũng là dễ hiểu. Trách nhiệm cán bộ chúng ta là giáo dục, giúp đỡ họ tiến bộ. Mỗi người nhập ngũ đều có những lý do, nhưng đã tình nguyện đến đây thì là đồng đội của nhau. Dùng kỷ luật hay hình phạt chỉ khi nào thật cần thiết. Lập trường vững vàng, nếp sống gương mẫu như đồng chí là tốt. Nhưng còn phải biết bao dung và nhẫn nại nữa, anh bạn trẻ ạ!
Nói chung, chủ trương của lãnh đạo thường đối lập với ý kiến tôi. Họ thường bao che cho những đối thủ mà tôi muốn triệt hạ. Thật là tồi tệ, vì chính điều đó đã làm mọi người càng ghét tôi hơn. Tôi rất căm với thói đạo đức, kẻ cả của họ. Họ đứng trên ban bố để được tiếng là rộng lượng, là tâm lý. Còn tôi thì gặp khó khăn trong việc chỉ huy. Chỉ một điều tôi được an ủi. Qua những việc ấy tôi được đánh giá cao. Thêm một bước trên con đường tiến thủ để đi đến những thứ mà tôi khát khao: quyền lực, danh vọng, tiền tài. Sắp tới, tôi được đề bạt tiểu đoàn phó. Hiện tôi đang nghiên cứu những nhược điểm của Tiểu đoàn trưởng. Có lẽ chính hắn đã tiết lộ với Hiền chuyện tôi đề nghị cải tạo Thuyên. Rõ là tên dại gái. Thêm một yếu điểm nữa cho hắn. Sớm muộn gì, tôi sẽ hất hắn để thay thế. Rồi gì nữa? Thành Đảng viên Cộng sản. Lên ban lãnh đạo. Rồi thành chủ nhiệm nông trường. Hiển nhiên sự thăng tiến ấy chẳng là gì cả. Nhưng nó là tiền đề, là bàn đạp cho tôi, khi chuyển ngành, thoát khỏi cái nông trường khốn kiếp nầy.
7
Xảy ra chiến tranh biên giới.
Những đơn vị bộ đội từng đợt sang K làm nghĩa vụ quốc tế. Tỉnh đội cũng thành lập một đơn vị bộ đội gọi là “tiểu đoàn tình nguyện” tuyển tân binh, huấn luyện để sang K chiến đấu. Lực lượng thanh niên xung phong ở nông trường cũng có một số gia nhập. Trong số ấy có Thuyên. Tôi cũng làm đơn tình nguyện để tạo khí thế phong trào. Dĩ nhiên tôi đâu dại để tình nguyện vào nơi hiểm nguy, chết chóc. Bởi tôi biết tổ chức sẽ khộng chấp thuận chừng nào nông trường còn tồn tại. Bây giờ tôi đã là tiểu đoàn phó.
Trong buổi liên hoan chia tay, Thuyên cầm ly rượu đến cụng với tôi. Tôi chuẩn bị tư thế đối phó những bất lợi: một sự khiêu khích, một cử chỉ xúc phạm, hay chí ít cũng là những lời cay độc. Nhưng nó cười nói bình thường, có phần ôn tồn hơn mọi khi:
- Chia tay nhau, uống với nhau ly nầy, chúc sức khoẻ anh. Ơ lại ráng xây dựng nông trường, đồng cam cộng khổ cùng anh chị em.
- Chúc cậu lên đường mạnh khoẻ và lập nhiều thành tích – Tôi nói cho phải phép và uống hớp rượu – còn chuyện nông trường tôi biết mình phải làm gì.
Thuyên ngồi xuống cạnh tôi. Giọng bùi ngùi:
- Tôi biết lâu nay anh không ưa tôi. Tôi cũng công nhận mình có nóng nảy và cũng nhiều lỗi lầm. Vậy thì xí xóa cho nhau nhé. Tính tôi vốn thế, chứ tôi không để bụng cái gì cả. Dù sao anh em mình cũng đã cùng nhau cực khổ mấy năm nay, với bao nhiêu kỷ niệm ở nơi nầy.
- Cám ơn! Thôi cậu đi mà tâm tình, chia tay và hứa hẹn với Hiền đi – tôi mát mẻ.
- Anh hiểu lầm rồi – Thuyên xoay ly rượu trong tay buồn rầu – Hiền chỉ coi tôi như đồng đội, như người bạn thân. Cô ấy vừa xinh đẹp vừa có tâm hồn thanh cao. Còn tôi, không cha không mẹ, ít học lại có thời gian là du đãng. Nhờ cuộc sống nầy và nhất là từ nơi Hiền tôi đã học được nhiều điều. So với Hiền tôi chỉ là hạt cát. Tôi đâu dám mơ tưởng cao xa.
Rồi tụi nó ra đi. Tôi như nhổ được cái gai. Không còn Thuyên tôi ra sức chinh phục Hiền nhưng nhanh chóng hiểu ra điều đó là vô vọng. Hiền không yêu tôi. Không chiếm được tình cảm, nhiều lúc tôi đã suy nghĩ, mưu mẹo để chiếm đoạt thể xác Hiền. Nhưng thật nghịch lý, trong sự dịu dàng và yếu đuối của Hiền lại toát ra một sức mạnh khó hiểu khiến thằng đàn ông ý chí mạnh mẽ như tôi cảm thấy mình nhỏ bé và hèn hạ, để chùn tay và không dám hành động xúc phạm thô bạo. Hơn nữa, tôi cũng sợ những hậu quả do sự liều lĩnh của mình có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phấn đấu đang thuận lợi. Thế là đành nuốt những khát khao. Tuy vậy, thấy Hiền vất vả mãi, tôi cũng ái ngại, bèn đề nghị cho đi học một lớp y tá, mục đích tránh cho em một thời gian gánh cát. Bây giờ thì cát được khai thác để bán cho các đơn vị xây dựng và tư nhân, gây quỹ nông trường. Hiền từ chối bảo: “Em cũng thích ngành y. Có thể sau này em sẽ đi học, nhưng bây giờ thì chưa. Bọn nữ tụi em lâu nay sướng khổ vui buồn có nhau. Bây giờ bỏ đi để sướng một mình, em không nỡ”.
Có thể Hiền nói thật. Cũng có thể là né tránh sự giúp đỡ của tôi. Vậy thì mặc em, nếu cứ thích è vai gánh cát.
*
Cát ! Thứ vật liệu thiên nhiên tầm thường đó, đã lâu rồi tôi không còn để ý, giữa bao nhiêu vật liệu cao cấp khác ngày càng phong phú của ngành xây dựng. Cái ngành mà hiện tại tôi đang là một Tổng giám đốc.
Đã gần 20 năm trôi qua, từ khi tôi rời khỏi thanh niên xung phong.
Tôi đã qua nhiều cương vị công tác khác nhau của Đảng và chính quyền. Thường thì cái sau quan trọng hơn cái trước. Đầu tiên là Phó giám đốc sở, rồi sang Giám đốc một công ty, rồi nhích dần lên Tổng giám đốc. Nghĩa là gần đúng với những gì thời thanh niên tôi đã hoạch định và thực hiện bằng ý chí và sự khôn ngoan của mình. Gần đúng là vì có lúc, sự thăng tiến cũng bị trắc trở. Và cũng có lúc địa vị tưởng chừng như lung lay, sụp đổ. Nhưng rồi nhờ khả năng biến báo, khôn khéo, nhanh nhạy, đã giúp tôi giữ vững chiếc ghế và tiến lên. Địa vị càng cao, tôi càng giàu sang hơn và tự cho phép được hưởng thụ thú vui trần tục, bù cho những khát khao thời trẻ. Tất nhiên trong sự ăn chơi cũng phải biết khôn ngoan, kín kẽ, và trong mắt mọi người tôi vẫn là một cán bộ tận tuỵ, khả kính.
Để tạo danh tiếng, thỉnh thoảng tôi cũng bảo trợ tổ chức những phong trào “về nguồn” thăm lại chốn xưa. Tôi cũng đội mũ tai bèo, mặc lại bộ đồng phục thanh niên xung phong (phải may rộng, vì tôi đã mập ra) và không quên mời báo, đài đi theo để quay phim, chụp ảnh, đưa tin.
Nông trường bây giờ không còn nữa. tiểu đoàn thanh niên xung phong ngày đó, giờ mỗi người một nơi.
Thằng Thuyên sau khi chuyển bộ đội sang K chiến đấu, được vài năm thì hy sinh.
Còn Hiền, sau khi giải ngũ, đi học ngành y, thành bác sĩ, công tác ở một vùng xa. Rồi nghe đâu lấy chồng là thương binh ở đó.
Với Hiền, tôi cứ tưởng không còn vương vấn từ khi có vợ, và cũng tưởng quên hẳn đi, khi tôi có thêm hai cô bồ nhí, được giấu kỹ hai nơi. Vậy mà đến hôm nay, chính hình ảnh Hiền lại là nguyên nhân khiến tôi phạm phải sai lầm chết người.
Tôi đã dùng tiền bạc và địa vị, đã tốn nhiều công sức để chinh phục và chiếm đoạt một người con gái – là người yêu của một cán bộ cấp dưới tôi - chỉ vì cô ta có gương mặt hơi giống Hiền. Có lẽ đó là ý chí muốn trả thù cho thất bại năm xưa. Căm hận, gã thuộc cấp tố cáo tôi. Chỉ là cơn gió thoảng. Để trị tội, sau đó tôi tạo cho hắn một lỗi lầm rồi cho nghỉ việc. Hắn lồng lộn lên khiếu nại khắp nơi. Rồi cô gái bỗng phản lại tôi, liên kết với hắn tố giác tôi lên báo chí. Nắm được thông tin, hai cô bồ nhí trong sự ghen tuông mù quáng, cũng gây rắc rối cho tôi và vô tình rơi vào bẫy những kẻ đang toan tính triệt hạ tôi. Mọi chuyện vỡ lở. Đến khi cả vợ tôi cũng trở mặt tố giác tôi, thì cơn gió thoảng đã thành cơn bão. Mọi sự bắt đầu nghiêm trọng. Những tham ô, hối lộ, chiếm đoạt của công, dùng quyền lực áp bức người, những vi phạm về pháp luật. Những sai phạm hiện tại và những vụ việc từ đời nào, tưởng như chìm sâu dưới bụi thời gian, đã bị xới tung lên. Công an nhúng vào. Thanh tra của Bộ cũng nhập cuộc. Ẩn bên trong có bóng dáng một người là cấp phó của tôi. Ôi! Cái trò chơi triệt hạ người khác để tranh quyền lực tôi đã chơi nhuần nhuyễn đến mức cao tay, lẽ nào giờ đây tôi lại là nạn nhân. Lẽ nào con đường quyền lực tôi mới đi một nửa mà đã cụt tắt. Không! Tôi phải tìm cách gỡ. Tôi phải tính toán và vận dụng toàn bộ khả năng cùng sự khôn ngoan của mình.
Có lẽ sự lo lắng và suy tính đã ảnh hưởng đến thần kinh, nên thời gian này tôi thường mất ngủ. Còn lúc nào chợp mắt được vì mệt mỏi, thì trong giấc ngủ ấy lại bị quấy rầy bởi những giấc mơ kỳ quái.
Lạ một điều, là trong mơ thường xuất hiện hình ảnh của Hiền và Thuyên. Dù lúc này tôi chẳng hề nghĩ đến họ.
Có hôm tôi mơ thấy Hiền và Thuyên cùng gánh cát đổ lên người tôi và tôi bị chôn trong núi cát. Tôi la hét vùng vẫy rồi thức giấc.
Có lúc mơ thấy thằng Thuyên trong quân phục bộ đội, mình đầy thương tích, máu me, chỉ mặt tôi rít giọng giận dữ: “ Mày chỉ là thằng cơ hội và thủ đoạn, lại đốn mạt, hèn hạ mà tham vọng đến trời. Mày dùng máu tụi tao để mua giàu sang, quyền lực ”.
Lúc khác lại thấy mình đang ngồi với Hiền trên những đống cát. Hiền nghịch cát và nói giọng buồn bã như ngày xưa: “ Là em nói cho mọi người, cả anh nữa. Bởi vì thân phận chúng ta như những hạt cát ”.
Bình Thuận tháng 9.
Trại viết Hà Nội tháng 10-2002