Hồi tôi còn học trung học chương trình chưa đưa vào dạy những bài thơ thuộc trào lưu Thơ mới. Lúc ấy chương trình thơ chỉ gồm vài bài thơ của những nhà thơ tiền chiến đã đi theo cách mạng như Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Chế Lan Viên... viết sau 1945, nhiều nhất vẫn là thơ của Tố Hữu. Dù sao, tôi cũng đã đọc được rất nhiều thơ của các nhà thơ lãng mạn tiền chiến từ sách báo cũ, nhưng cái tên Quang Dũng thì tôi chưa hề biết đến.
Tây tiến là bài thơ đầu tiên của nhà thơ Quang Dũng mà tôi đọc được, tôi không nhớ đã đọc được ở đâu. Nhưng kể từ đó, trong đầu tôi đã in đậm một cái tên hãy còn xa lạ. Một niềm xúc động và đồng cảm lạ lùng tràn ngập tim tôi. về sau này, biết nhiều về Quang Dũng hơn, tôi càng yêu mến Người hơn. Và hôm nay, tôi xin được mạn phép nói đôi lời về nhà thơ Quang Dũng.
Quang Dũng là một chàng hiệp khách trước khi là một thi nhân. Nhưng vốn dĩ chất của chàng là cái chất của một hiệp khách hào hoa phóng túng, tương tự như thi hào Lý Bạch. Thơ của chàng như gắn liền với những đường kiếm loang loáng đêm trăng, gắn với hình bóng những giai nhân khuê các, gắn với những cảm xúc bừng say của một người tình say đắm.
Chàng trai ấy yêu thích nhiều thứ lắm. Chàng học võ, học đàn, học vẽ...Chàng muốn dang tay ôm ghì cuộc sống, muốn hoá thân thành muôn vạn thứ khác nhau để nếm hết những gì mà cuộc sống hiến dâng. Tuổi trẻ của chàng đầy bồng bột khát khao, và dĩ nhiên, trong trái tim trẻ trung nào lại không có tiếng đập mãnh liệt của tình yêu nam nữ.
Nhưng chàng yêu say đắm là thế, cuồng nhiệt là thế, chàng vẫn tự mình từ bỏ tình mình, vì một thứ cao viễn hơn cả đời chàng. Đó là cuộc sống bôn ba, chiến đấu vì tổ quốc. Chàng ra đi, bỏ lại sau lưng một vườn ổi thơm nhiều kỷ niệm và một người con gái. Có ai ngờ lần ra đi đó đã kéo dài, xa cách càng xa cách, và tình xưa chỉ còn là kỷ niệm.
"Bỏ em anh đi
Đường hai mươi năm
Dài bao chia ly..." (Không đề - Tập Mây đầu ô)
Chàng phải đi, dù tình chàng tha thiết lắm. Tha thiết bao la như sông như biển:
"Sông ơi dài sao...
Rộng ơi biển cả..
Thôi em nước mắt
đừng rơi lã chã…" (Không đề - Tập Mây đầu ô)
Lòng chàng mãi nhớ người con gái ấy, và dù thời gian trôi qua, tuổi ngày một chất chồng, tóc đã điểm sương, đã thành mây trắng, thì trong tâm tư, chàng và nàng đều trẻ mãi. Thời gian đã dừng lại. Thời gian hoá thạch ở một điểm tình yêu. Và tình yêu đã chuyển hóa thành tình người cao đẹp.
"Em mãi là hai mươi tuổi
Ta mãi là mùa xanh xưa
Giữ trọn tình người cho đẹp" (Không đề - Tập Mây đầu ô)
Năm 1947, Quang Dũng gia nhập vào đoàn quân tình nguyện tiến về Tây để chiến đấu ở liên khu Lào Việt. Chàng, như nhiều thanh niên khác cùng một màu áo lính, bắt đầu một cuộc đời phong sương gian khổ. Đời lính đầy ắp những vui buồn, những giây phút tê tái đau thương, nhưng không hề kém phần thi vị trong hồn chàng thi nhân ấy. Trên bước đường chiến đấu, chàng đã nhiều lần khóc bạn ra đi, nhiều lần rưng rưng nước mắt vì cảm thương cho những bà mẹ, những nàng con gái, những em thơ chịu bao khổ nhọc mất mát vì chiến tranh tang tóc, lòng chàng trải rộng những yêu thương. Tiếng thơ từ đây cũng mở ra nhiều âm điệu.
Tây tiến là một bài ca bi tráng. Man mác cái không khí trầm hùng buồn nhưng không lụy, đau se thắt mà oai nghiêm, thản nhiên vì nghĩa lớn. Cái không khí, cái hồn của "Hiệp khách hành" (Lý Bạch), của Lương Châu từ (Vương Hàn). Biết cái chết đang rập rình trước mặt, nhưng vẫn hiên ngang chấp nhận, chờ đón nó bằng một thái độ ung dung, và nhìn nhận nó như là một điều tất yếu. Cái chết được đề cập đến trong Tây tiến ba lần, đều hào hùng và đẹp đẽ:
"Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời..."
Ở khổ thơ trên, người lính ra đi thật thanh thản, nhẹ nhỏm. Anh đã sống hết mình vì lý tưởng, đã cống hiến toàn bộ cuộc đời trai trẻ, sức lực, tình yêu của mình, và ra đi trong tư thế của một người lính chiến.
Như đã nói, Quang Dũng mang trong mình cái chất vừa lãng tử phiêu linh, vừa hiên ngang táo bạo. Cái chết của người lính vì vậy đẹp một cách cổ điển, tượng trưng, nhưng còn đẹp hơn cả cái chết “da ngựa bọc thây” của Mã Viện. Người lính “về đất “ trong chiếc “áo bào” (thật ra chỉ là manh áo lính bạc màu tơi tả!) trong tiếng gầm sôi sục của dòng sông Mã. Dòng sông vẫn tiếp tục trôi. Như dòng đời tiếp tục trôi, qua vận mệnh thăng trầm của quốc gia, dân tộc, “độc hành” đầy khí phách.
"Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất...
Sông Mã gầm lên khúc độc hành"
Và bao nhiêu chàng trai Tây tiến, khi ra đi đều không ước hẹn ngày về, đều sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn. Cái chết nào có là gì. Hồn ta hoà vào hồn thiêng của toàn dân tộc, bay lên, bay lên mãi, “chẳng về xuôi”.
"Tây tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi..."
Nhưng người lính, người thơ ấy không chỉ biết đến chết chóc và đau thương, chàng vẫn ngất ngây hưởng trọn những hoa thơm quả ngọt đời trao, vẫn say sưa những giấc mơ êm ái. Chàng hoà mình vào điệu múa hồn nhiên:
"Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ..."
Chàng say sưa thả hồn theo một dáng chèo nghiêng chiều nhạt nắng:
"Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Chàng mơ màng nhớ về những dáng Kiều thơm, dù mắt đang trừng trừng nhìn về phía địch:
"Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm"
Trên đường hành quân, chàng lính hào hoa nhiều khi nghe lòng xao động với những mảnh đời cô lẻ, hồn chàng vương chút sương mù của những đồng cảm buồn thương. Chàng thương cho một cô em bán quán dọc đường. Quán vắng, và nàng sốt nặng. Quán nghèo chai lọ xác xơ làm chàng nhìn lại mình với chiếc quần vá víu, và thấy cả hai đều là những kẻ ly hương. Lòng chàng rưng rưng niềm thương mến:
“Em mê sảng sốt hồng đôi má
Em có một mình nhà hoang vắng quá
Mảnh chăn em đắp có hoa thêu
Hàng của em chai lọ xác xơ nghèo
Tôi nhìn lại mảnh quần xưa đã vá
Tôi chợt nhớ chúng ta không nhà cửa"
Rồi chàng lại tiếp tục lên đường, chân đi mà lòng còn vương lại:
“Đường xa xa mờ núi và mây
Hồn lính vương qua vài sợi tóc
Tôi thương mà em đâu có hay" (Quán bên đường)
Đôi khi trên bước đường chinh chiến, lòng chàng bâng khuâng nỗi nhớ quê nhà, nhớ xứ Đoài mây trắng:
"Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm".
Chiến tranh điêu linh tàn phá khắp nơi, chàng đi qua những thôn làng đổ nát, những cánh đồng, dòng sông ngập xác người, liên tưởng đến mẹ già, con thơ, chàng lo âu thảng thốt:
“Mẹ tôi em có gặp đâu không
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông” (Mắt người Sơn Tây)
Chàng nhớ vầng trán em cao, nhớ mắt em dìu dịu nỗi buồn. Trán em và mắt em là biểu tượng của quê hương, là biểu tượng của tình yêu bất diệt của lòng chàng.
"Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây phương"
Lòng người viễn khách nao nao nỗi niềm xa xứ. Dù dòng máu phiêu lãng rần rật chảy trong người, có những lúc chàng tha thiết buồn nhớ quê hương.
“…..Đôi mắt người Sơn Tây
U ẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây…”
Có con chim nào lại không mong quay về tổ ấm sau những tháng ngày phiêu bạt. Chàng ao ước một ngày về. Con ngựa hồng chinh chiến đã bắt đầu mỏi vó, muốn về gặm cỏ đồng xanh quê hương, uống dòng nước ngọt trên con sông quê hương. Chàng ao ước ngày về, ngày thanh bình rộn rã:
"Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca"
****
Và rồi chinh chiến tàn. Chàng quay về, giã từ một thời ngang dọc, giã từ những phong trần, gian khổ, chết chóc, những vinh quang và đắng cay chua xót. Chàng quay về, trở lại làm một người bình thường nhỏ bé, sống bình lặng như ngọn cỏ, cụm hoa dại trên cánh đồng làng.
"Sống sót trở về
Tên cường đạo lau kiếm
Xé áo giang hồ
Xin chèo đò trên bến…
Sống sót trở về
Đeo một bầu rượu quý
Sống sót trở về
Thôi tạ từ vũ khí
Sống sót trở về
Tôi lại thành nhỏ bé
Sống sót trở về
Vui một mình ta đi...."
(Sống sót trở về- PHẠM DUY)
Từ đây, đời chàng bước sang một trang mới. Dĩ vãng hào hùng của chàng khép lại cùng với một trang sử mới của toàn dân tộc.
Cuộc đời bây giờ là gì? Là cơm áo gạo tiền... Là lo toan cho vợ cho con... Là làm thế nào để sống một cuộc sống trong sạch thanh cao giữa cảnh đời nhố nhăn, nhiều mưu mô thủ đoạn xảo quyệt lọc lừa, nhiều tranh giành bon chen bẩn thỉu. Chàng hiệp khách ngày xưa giờ chỉ còn biết ngậm ngùi chôn mình vào im lặng, tìm vui qua vài bạn cũ- cũng nghèo xơ xác như chàng; tìm vui qua vài bức vẽ- bằng những chất liệu thật đơn sơ, bột màu, giấy dó, tìm vui bằng những bài thơ lặng lẽ, chừng như đã giác ngộ lẽ vô thường...
Nhưng...Máu giang hồ vẫn còn chảy mạnh trong người chàng. Tiếng gọi giang hồ thỉnh thoảng lại gào lên man dại trong tim chàng. Và chàng cất bước.
Nhưng nào chàng có đi giang hồ ở nơi xa hoa đô hội, tráng lệ huy hoàng. Chàng đi lên rừng xanh núi đỏ. Nghe lại tiếng chim rừng hót, tiếng lá rừng reo, tiếng đêm rừng thở...Lòng chàng nhớ rừng như nhớ người tình cũ.
Chàng đi theo những chuyến khảo sát của các cán bộ kiểm lâm. Chàng đi một mình khi thỉnh thoảng có được khoản nhuận bút ít oi. Chàng đi, bất cứ khi nào có cơ may để đi. Và bước chân chàng tới đâu, trái tim thơ, nhạc, họa tài hoa trong chàng lại rung lên những xôn xao xúc động.
Thi nhân ấy làm thơ mà chưa từng nghĩ tới chuyện xuất bản. Thơ chàng được chép tay và truyền tay từ thuở Tây tiến xa xưa. Nhiều khi chàng làm thơ rồi, gặp lại cũng không nhận ra đó là thơ của mình nữa. Mãi đến về sau này, thơ của chàng mới được bạn bè giúp mà xuất bản. Tranh chàng vẽ cũng thế, chàng vẽ để mà vẽ, để mà xoa dịu niềm yêu thương cuộc sống, khát vọng sống trong chàng, chứ nào phải để mua bán hay khoe khoang. Tranh của chàng giản dị mà sâu lắng, như lòng chàng vậy.
Cuộc đời không như là mơ, không như là thơ. Cuộc đời có những quy tắc khắc nghiệt của nó. Mà chàng thì lại vô cùng xa lạ với thứ quy tắc đó. Chàng không biết ỡm ờ, không biết nịnh nọt, không thể cúi lưng với phường quyền quý. Chàng không biết lanh ma, khéo tài xoay xở để kiếm một suất đi nước ngoài công cán, kiếm chác chút cháo cho vợ cho con, chàng không biết gì hết, không biết gì hết. Chàng chỉ biết viết, vẽ, chỉ biết sống với trái tim trong trẻo trung thực của mình.
Bạn bè cùng thời chàng nhiều người đã là lãnh đạo, là thứ trưởng, bộ trưởng, là chủ tịch hội này hội nọ...Riêng chàng vẫn chỉ là một biên tập viên nghèo của nhà xuất bản Văn học, lương tháng nhiều khi không đủ mua gạo cho cả một gia đình nheo nhóc đông con. Quả thật cơm áo không đùa với khách thơ. Nhiều phen khách thơ cũng phải ngậm ngùi than thân trách phận.
Nhưng rồi phút xao động qua đi. Giang sơn dễ đổi, bản tính khó chừa. Khí phách trượng phu không cho chàng đầu hàng xuôi tay theo cám dỗ. Chàng tiếp tục sống một cuộc đời trong sạch, và âm thầm, như một đỉnh núi tự giấu mình....
Và cuộc đời chàng lặng lẽ trôi. Chàng trai tóc xanh đã thành một ông già đầu bạc.
*
Chàng đã đi rồi, sang miền xa khuất. Trái tim bất khuất ấy đã ngưng đập từ mười lăm năm trước. Nhưng tư tưởng của chàng, cuộc đời chàng vẫn là một mặt trời sáng chói với những ai đồng cảm.
Bài viết này xin được xem như một nén tâm hương kính dâng lên anh linh của nhà thơ Quang Dũng. Xin cám ơn ông, cám ơn ông đã gợi lại cho tôi lòng tin và tình yêu mến đối với con người.
7/2002-10/2003
Phụ lục: Hai bài thơ của nhà thơ Quang Dũng
Mắt người Sơn Tây
Em ở Thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương
Mẹ tôi em có gặp đâu không
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông
Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn ôi lại nối điêu tàn!
Đất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan?
Đôi mắt người Sơn Tây
U ẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Tôi gửi niềm nhớ thương
Em mang giùm tôi nhé
Ngày trở lại quê hương
Khúc hoan ca rớm lệ
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc màu chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?
1949
Quán bên đường
Tôi khách qua đường, trưa nắng gắt
Nghỉ nhờ đây quán lệch tường xiêu
Giàn mướp nghèo không hứa hẹn bao nhiêu
Mùa gạo đắt, dường xa, thưa khách vắng
Em đắp chăn dầy, tóc em trĩu nặng
Tôi mồ hôi ra ngực áo chan chan
Hồn lính mờ qua vài sợi tóc
Đường tản cư bao suối lạ sương ngàn
Em mê sảng sốt hồng đôi má
Em có một mình nhà hoang vắng quá
Mảnh chăn đào em đắp, có hoa thêu
Hàng của em, chai lọ xác xơ nghèo
Tôi nhìn lại mảnh quần xưa đã vá
Tôi chợt nhớ chúng ta không nhà cửa
Em tản cư, tôi là lính tiền phương
Xa Hà Nội, cùng nhau từ một thuở
Lòng rưng rưng thương nhau quá, dọc đường.
Tiền nước trả em rồi. Nắng gắt
Đường xa xa mờ núi và mây
Hồn lính vương qua vài sợi tóc
Tôi thương mà em đâu có hay.
*