Dù có là đại mỹ nhân khi trở về cát bụi, tấm thi hài của một thời được người đời xưng tụng, đã mất đi nét tình anh còn để lại cho đời sau nữa! Lại càng thê thảm hơn khi tấm thi hài ấy “được” đem ra mổ xẻ phân tích bộ phận nào đẹp, bộ phận nào đắc tội với thế nhân. Tôi gặp Phạm Thiên Thư trong hoàn cảnh xót xa đó. Trong cuộc hội thảo thơ Phạm Thiên Thư. Người ta phân tích thơ Phạm Thiên Thư bằng cách giải phẫu nàng thơ của Thư thành từng mảnh vụn, từ ngôn ngữ, hình ảnh, âm điệu cho đến nghệ thuật gieo vần, bằng cách ấy, thơ Phạm Thiên Thư chỉ còn là một đống xà bần. Bao nhiêu huyền thoại về một thi tài đầy hứa hẹn phút chốc sụp đổ. Phạm Thiên Thư ngồi im không có cách nào để tự biện hộ. Tấm hình hài thoạt nhìn có vẻ phản lại những vần thơ anh đã sáng tác, nhìn lại càng trần tục, đúng như Hồ Trường An có lần độc mồm độc miệng: Phạm Thiên Thư – Trư Bát Giới. Quả thật nếu căn cứ vào câu “xem mặt mà bắt hình dong” thì chẳng ai có thể ngờ bên trong tấm hình hài nặng nề đó lại có một hồn thơ đã từng dâng hiến cho đời những vần thơ phiêu lãng, bay bổng chẳng thể bất cứ một thi sĩ nào cũng có thể tạo ra một thế giới như thế giới của Phạm Thiên Thư.
Sau lần lên bàn mổ, tôi cứ ngỡ Phạm Thiên Thư sẽ bị khủng hoảng. Nhưng không, những ngày nương cửa từ bi hình như đã đọng lại trong tâm thức của Phạm Thiên Thư một chút âm vang của tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng lăm âm thầm của chuỗi tràng hạt, vì thế, anh có vẻ thiền trước những biển dâu của thế tục. Cả khi có dư luận cho là thơ Phạm Thiên Thư do một người khác làm. Có lẽ, Phạm Thiên Thư cũng nghe được dư luận bất lợi này, anh đã trả lời bằng chính những bài thơ làm đều đặn; nói chuyện thi ca với bạn bè nhiều hơn, nhất là tập trường ca 2000 câu anh đang ấp ủ. Trong các cuộc sinh hoạt ở Hội Văn nghệ, Phạm Thiên Thư đem cả bà đâm đi theo – chị Đỗ Thị Mai Trinh – con gái nhà văn đường rừng Hoàng Ly. Thú thật, lần đầu gặp Mai Trinh, tôi sững người trước vẻ đẹp vừa Tây phương đượm nét liêu trai của chị. Sự quen biết giữa tôi và vợ chồng Phạm Thiên Thư trở nên gần gũi khi hội văn nghệ cho ra đời một bộ phận gọi là tổ hợp Văn nghệ. Tôi được Hội giao trách nhiệm điều hành tổ hợp, quản lý gần một trăm anh chị em cầm bút cũ gia nhập tổ hợp, trong đó có vợ chồng Phạm Thiên Thư. Cơ sở vật chất của tổ hợp là bốn kiosque ở đường Nguyễn Huệ, Phạm Thiên Thư là một trong những người may mắn được quyền khai thác kinh doanh tại một trong những kiosque tổ hợp tạm được quyền quản lý. Chẳng hiểu đi vận động ở đâu, Phạm Thiên Thư đem bày bán mặt hàng hòn non bộ, nghệ thuật còn rất sơ sài. Thật chẳng đúng lúc hòn non bộ không phải là mặt hàng cần thiết vào thời điểm bấy giờ nên bày hàng cả tháng vẫn chưa có hòn non bộ nào chịu nhúc nhích. Sở hụi hàng ngày cộng với thuế má réo gọi chịu không thấu. Nhưng vấn đề chính yếu là ở chỗ vợ chồng Phạm Thiên Thư không phải là những người nhạy bén bán buôn, họ chỉ là đôi vợ chồng những thơ cùng thẩn, buôn mộng bán mơ thì còn may chứ buôn bán hòn non bộ thì… nặng quá. Cuối cùng Phạm Thiên Thư đành đề nghị với tôi nhường lại quyền khai thác kiosque cho người khác với điều kiện hai bên cùng thỏa thuận. Về khoản này tôi cũng mù tịt nên nhờ đến người thứ ba. Rút chân ra khỏi “thương trường” với một chút ít tiền bồi hoàn chi phí sửa chữa cơ sở vật chất. Phạm Thiên Thư và Mai Trinh nhất định rủ tôi đi với họ. Tôi có thể từ chối lời mời của Phạm Thiên Thư nhưng không thể chống lại ánh mắt của Mai Trinh. Cả ba chúng tôi tàng tàng trên hai chiếc xe đạp dừng lại ở một quán bên đường Trần Quang Khải. Trong khi ăn uống chúng tôi cười ngất vì thoát được cơn ác mộng bị hòn non bộ đè. Khi bia bọt đã thấm, gương mặt Mai Trinh rực sáng, môi mắt lung linh, tôi ực cạn ly bia hơi rồi đứng lên từ giã. Tình bạn giữa tôi với Phạm Thiên Thư chẳng nhạt đi nhưng cũng không thân hơn, một đôi lần anh mời tôi đến nhà anh ở trong khu cù lao Trần Quang Khải để khoe nhà anh có đồ cổ truyền từ nhiều đời còn lưu lại. Chẳng có một chút hiểu biết gì về đồ cổ nhưng tôi vẫn tìm đến nhà Phạm Thiên Thư. Anh đem những chiếc tô thật to gõ cho tôi nghe tiếng ngân như tiếng chuông phát ra từ các chiếc tô. Hình như kiến thức về đồ cổ của Phạm Thiên Thư cũng chỉ có bấy nhiêu. Tiếng chuông nghe hoài còn bải hoải huống gì là tiếng tô cổ. Phạm Thiên Thư còn rủ tôi lên thăm “vọng nguyệt các” của anh, đường lên căn gác này thật hiểm trở, tôi nghĩ trong nhà ngoài Phạm Thiên Thư ra chẳng ai có thể “đăng lâu” để ngắm trăng với anh. Sau khi vận dụng hết sức để leo trèo “gác không cầu thang” Phạm Thiên Thư khoe với tôi bộ ảnh thiếu nữ tóc dài của Cao Đàm. Đẹp! Tuyệt đẹp! Từ trên gác cao nhìn qua khung cửa sổ, cảnh bên dưới là một khu vườn hoang, nếu về đêm, dưới ánh trăng, khu vườn này có thể gợi cho Phạm Thiên Thư liên tưởng đến cảnh liêu trai, với tâm hồn phong phú như anh biết đâu chúng ta sẽ chẳng được hưởng thêm nhiều Động hoa vàng hơn nữa.
Sau thất bại với hòn non bộ, Phạm Thiên Thư còn thử thời vận thêm nhiều lần nữa. Khi thì hành nghề hớt tóc, lúc mở quán cà phê bán rượu thuốc gia truyền. Thật may, tôi không đủ can đảm đưa mái tóc của mình cho Phạm Thiên Thư thử tay nghề, cũng như không dám uống rượu thuốc do anh pha chế, dù đã nhiều lần ngồi quán của anh cả buổi.
Bẵng đi một thời gian, tình cờ tôi gặp lại Phạm Thiên Thư ở quán cà phê Huy Tưởng, anh khoe với tôi đang hành nghề đông y ở bên Thủ Thiêm. Phương pháp chữa bệnh của Phạm Thiên Thư là dùng nhân điện và thần giao cách cảm. Lúc này sức khỏe tôi đang có vấn đề. Phạm Thiên Thư chỉ cho tôi “khẩu quyết” rồi dặn đến đêm đúng giờ hẹn, ngồi hướng về Thủ Thiêm nghĩ đến anh, anh sẽ dùng nhân điện cách không trị bệnh cho tôi.
Buồn ngủ gặp chiếu manh, đang bệnh lại được bạn bè sốt sắng điều trị miễn phí thật may mắn. Đêm đêm tôi làm theo lời Phạm Thiên Thư dặn bảo. Sau vài lần chỉ thấy hoa mắt, chóng mặt, tôi đành bỏ sau khi tự nhủ: có lẽ mình không có khả năng nhận sóng điện do Thư phát ra. Những lúc sau này chúng tôi thưa đến Hội Văn nghệ ngoại trừ khi có thư mời sinh hoạt. Nơi chúng tôi thường gặp nhau là quán cà phê Huy Tưởng, anh em chúng tôi thường nói đùa quán cà phê Huy Tưởng ở đường Bà Lê Chân… là chi nhánh Hội Văn nghệ. Ở đây chúng tôi gặp nhau thoải mái hơn, nói năng cũng đỡ phải giật mình chợt nhận thấy ngôn ngữ có phần cẩu thả. Cũng tại quán Huy Tưởng, Phạm Thiên Thư đã điều trị tại chỗ cho một vài người quen biết, sau khi được điều trị các con bệnh đều xác nhận cảm thấy dễ chịu, để chứng minh thêm Phạm Thiên Thư còn đưa sổ ghi cảm tưởng của những bệnh nhân được Phạm Thiên Thư điều trị, tất cả đều viết những lời cảm ơn tốt đẹp, bên dưới những chữ ký có người ghi cả chức tước, ngành nghề một cách long trọng. Tôi thầm nghĩ về một số trường hợp khá lạ lùng của giới cầm bút, có người ngoài nghề cầm bút còn kiêm thêm nghề… thầy bói, nhạc sĩ, họa sĩ, thậm chí cả võ sĩ, nhưng tự sáng lập ra một trường phái như Phạm Thiên Thư thì không có nhiều. Thế mới hay, cái nòi văn nghệ văn gừng mới thật là tài hoa.
Vì sinh kế, bẵng đi một thời gian, chúng tôi mới gặp nhau ở Hội Văn nghệ, tướng tá Phạm Thiên Thư bây giờ càng phương phi, đi xe Honda đời mới hút ống pipe, thái độ rất tự tin, anh khoe với tôi mới đi dự hội nghị cao cấp về Đông y, thành phần tham dự toàn là những viện sĩ, bác học trong đó có cả những vị khách quốc tế từ Liên bang Nga đến dự. Phương pháp Phatata của Phạm Thiên Thư đã được hội nghị công nhận. Đến đây xin thú thật tôi hơi hoảng. Có thể Phạm Thiên Thư là một thiên tài, điều này người đời sẽ ghi ơn như người ta đã từng ngưỡng mộ tài làm thơ trước 1975 của anh, nhưng cũng có thể… Xin thời gian đừng quên trách nhiệm của mình.