chong đèn hát
khúc tình tang
hoa vô ưu
nở
trăng
bàng bạc rơi
(XUÂN LÒNG)
Hòn đá của NS họ Trịnh lăn bên đồi ngẫu nhiên rớt xuống cành mai; ĐÊM của ĐỖ HƯỚNG ngẫu hứng nở những cánh hoa vô ưu mùa trăng trắng muốt; còn tôi, mùa xuân lây phây mưa bụi cỏ xanh, tình cờ chạm mặt BỤI HỒNG, những hạt bụi hằng hà dâu bể đời thường mà ngẫu nhĩ rưng rưng tiếng đêm lách tách, nghe thân cát rập rình hóa duyên…
ĐÊM GỞI GIÓ, trước hết là những hứng khởi trinh nguyên của một lão giả dù đời đá xanh rêu, tóc bạc đến trên đầu, vẫn thèm gối cỏ chờ hoa, gõ vào phím đời những cung bậc hữu tình. Sinh năm Ất Dậu (1945 ), và đi qua những giếng bờ chênh vênh cơm áo hạnh phúc nhưng ĐỖ HƯỚNG, như núi vẫn non, như trăng không tuổi. Anh chưa bao giờ già, không biết già vì mãi lấy thơ làm bằng hữu, lấy hoa cỏ làm vây cánh, lấy mây nước làm sóng xô nghiêng những NGẪU HỨNG thi ca.
Khác với những tập thơ trước đã xuất bản (Mông lung buồn-Song tình ca- Khúc tâm ca- Nhặt giữa cuộc chơi- Mùa chân xa- Hạt bụi xanh- Khúc thời gian.), ĐÊM GỞI GIÓ không có không gian đa chiều, không sắc màu lộng lẫy mười phương, chỉ gói lại trong cái ngõ xóm làng quê với những mặt người thân quen mà đăm đắm đậm sâu nỗi niềm.
Nầy là làng quê với Bến Sông mà ngửa tay vốc/ ngụm nước làng/bụi xa xứ/ bất chợt tan /theo dòng…là cánh đồng phù sinh/lửa nhưng nhức buốt…là cội rễ xanh bông, là chút hương xưa/vườn hồng sớm vén/chiều lưa thưa tà…Không dông dài miêu tả tình tự, không góc cạnh đường nét, chỉ với một chút nước, lửa, hương… ĐH đã khuấy động lô xô tình ý còn-mất, hư- thực, quá khứ và hiện tại. Hình ảnh làng quê không cụ thể nên vừa riêng vừa chung; cuối cùng hóa thành nỗi nhớ của những kẻ biết yêu.
Gắn với đất là những mặt người quen lạ, những thấp đau phận đất trăm năm mỏi mòn. Không trau chuốt, không kêu van, Đỗ Hướng đem rắc những bụi hồng của đời thường quăng quật vào nền trời sao lấp lánh. Một người mù mắt treo đầu gậy xin đường độ thân, một người điên khóc cuời hư ảnh phù sinh, một người thầy về già vịn con cháu/ vịn hai bàn khói hương; rồi những chị không chồng xé toang lễ giáo cắn môi thủ thường, những kẻ đầu hôm sớm mai đi mời rủi may:
Về thành bán số/truân chuyên
rạ rơm trở giấc nhớ điên/ruộng đồng. ( Vé số )
Không, ĐH không làm thơ. Anh chỉ ghi lại những tai nghe mắt thấy, tái hiện cái ngổn ngang quanh ta, mỗi ngày- mà có thể ta đi qua không hề ngó lại - cái tất tưởi, cái lầy lụa của những kiếp người đâu đó, trên đường. Đêm, trong gió rét mùa đông vọng lại tiếng rao của quang gánh; trong tiếng thu chầm chậm là thầm thỉ kinh cầu của người ni cô xả thân trẩy hội sắc không một màu; trong hơi ấm của mùa xuân phồn thực là tiếng nứt nẻ của cành hoa thiếu phụ cong mình nở sáu mùa hoa…Ai có tai thì nghe. Hình như ĐH muốn nhắc với chúng ta cái thông điệp yêu thương chia sẻ bằng những nét cọ điểm phá lên cái nền nhân thế bộn bề, bằng những tiết tấu dồn dập của một hợp xướng cuộc lữ an bày. Trần thế chưa vui nên nhà thơ cũng chưa thể có nụ cười tròn nụ dù là anh rất muốn hái những đóa vô ưu. Cũng có lẽ cái TẠNG trời sinh ĐH: buồn vui âu cũng tính trời biết sao. Nhưng nếu chữ Trinh của Kiều có năm bảy đường thì cái Tâm của ĐH chỉ có một, cái tâm của người tài tử hữu tình .Trong lời YÊU, dù là có kêu rêu mây ơi xuống chở hộ ta cuộc tình thì cuộc tình nầy cũng nhất định không dành cho son phấn má hồng, mà dành cho bể dâu xám ngắt một màu rưng rưng, dành cho cánh đồng mẹ trĩu hạt thơm mấy mùa, dành cho con đường khua gậy trúc chiều sa chén tùng, cho trên môi hoa trái trên người lỡ chân. Niềm vui lớn của anh là LỐI VỀ lảy khúc tâm thư, nằm dài nghe tiếng chân như thì thầm. Quả thật, ĐÊM SUÔNG của ĐH không hề có khúc hát kỹ nữ, không có hương phấn áo lụa ( dù là bao năm chiếc bóng một mình! ), duy nhất là bước chân đi của chân như reo ca hạnh phúc, là âm ba trống gội ưu phiền hóa không. Cho nên, nỗi buồn cùa anh thật LỚN mà niềm vui cũng không hề NHỎ. Lớn, nhỏ, tha thiết hay hững hờ, tâm tình anh đã mở ra để giao cảm với đất trời, với uyên nguyên thầm lặng:
gom tha thiết, nhặt hững hờ
chiều xao động/ chợt/ sững sờ tiếng chuông
Ở ĐÊM GỞI GIÓ, chúng ta có thể nghe vọng tiếng TÂM KINH an nhiên lặng lẽ núi non, có thể soi mặt tĩnh tại vào mây trắng trời xanh, vào dững dưng mất còn. Kìa quán đạo trung, kinh tĩnh tọa, kìa Điện Lắng Nghe, tâm ấn như nhiên, kìa bến ngời ngời trăng…Có thể nói, nhà giáo, nhà thơ, cư sĩ …trong anh không có phân ly tách bạch mà hòa nhập trộn lẫn làm một nên THƠ thoang thoáng mùi thiền, trộn với tục lụy nhân gian buồn vui rác rưởi; có đắng cay, nước mắt và cả suối nguồn vô ưu…Nói ĐH bao giờ cũng rưng rưng thì cũng thật oan vì cái Tâm anh luôn luôn chảy tràn niềm vui tinh khiết, tịnh không, cái Tâm muốn với cao lên nghìn trùng mà trường khiếu nhất thanh hàn thái hư..
Chất nghệ sĩ đã chắp cánh những vần thơ anh viết cho người NGHỆ SĨ hôm qua và hôm nay, những vần gieo thơm phức nén nhang trầm tưởng niệm. Tình tri kỷ đã vỗ bờ những đợt sóng cảm xúc mà hòa âm đồng điệu là cái bên trong sâu thẳm. Nầy là ngọn bút của nữ sĩ Cổ Nguyệt : khơi khơi tốc váy tâm tình; nầy là khuôn mặt của Thâm Tâm trong buổi tiễn biệt :
Trống đình giục mặt trơ lì
Thở phù hơi rượu ném ly ngang trời.
Nầy là đêm nguyệt bạch rụng rời của họ Hàn thi sĩ : Ôm trăng lầy lụa máu cuồng hồn điên. Không sống, không mở lòng với người, chắc chắn ĐH không vẽ được những đường nét tinh tế bằng những tốc váy, máu cuồng, giục mặt trơ lì…Không đọc rất nhiều Bùi Giáng tiên sinh, không thể gieo nổi một vần bất tuyệt : thở rung chữ nghĩa tuyệt mù; cũng như không đuổi theo nhà thơ chân quê bên chân mây cuối trời, sẽ không thể treo lên một chữ quẫy đuối tuyệt vời :
Máu giang hồ/ quẫy đuối hồn chân quê
Nhìn chung, những ký họa chân dung của ĐH ngồn ngộn sắc màu, rất thực về một người ôm đàn ngứa cổ hát rong phận mình, một tiên sinh nằm cùng rơm rạ chia đau, một nhà thơ tóc bạc mong ngóng tri âm vườn khuya trăng lạnh trông mù đôi mắt trăng vườn quạnh hiu ; thi thoảng xen vào chút ảo của hư phù mộng mị khi dán vào bộ ngực gầy còm của gã thi sĩ họ Vũ hoang đường trong cơn say lạc một giai nhân cánh khói, rồi một Bích Khê yểu mệnh tay cầm dúm hạt thần linh, một Xuân Diệu vật vã nghiến nát cả bờ em…
Nhưng những NGẪU HỨNG thì không phải bao giờ cũng đặc sắc nhất là khi phải tuân thủ nghiêm nhặt luật lệ bó chặt của lục bát. Còn đó trong ĐÊM GỞI GIÓ đá nhăm sỏi sạn khi ĐH đi vào con đường quen thuộc của ngôn từ, của hình ảnh cũ xưa, của những vần gieo tàn hơi bóng xế. Tuy nhiên, trong buổi lục tuần chân cao thấp, ĐH cũng đã có những bứt phá nhảy vọt trong tiết tấu lục bát, một thể thơ không dễ làm cho mới. ĐÊM GỞI GIÓ rất hiếm nhịp 2/2 -4/4, nhịp chủ đạo của lục bát mà hầu như bước đi với 3/3, 3/5, 3/3/2 và đột xuất là 3/1, 3/1( câu 8 ) hay 1/1/1/3 ( câu 6 )
Cân
đo
đếm
hạt phù vân
Cũng có nghĩa là ĐH đã thả bộn bề tâm tình vào giữa ngổn ngang nhịp điệu đời thường. Đây cũng là một nét mới của ĐH -2007, năm anh giã từ bụi phấn sau gần 40 thu đông nhẫn nại làm ông lái đò.
Cuối cùng, ĐÊM GỞI GIÓ, không nặng câu chữ, ngôn từ, là những mảnh đời ghép lại thương yêu, là khúc Tân Thanh hoác mở ý người, là hồn nhiên cánh chim xoãi cánh về non, cũng là xót xa đời vỡ muôn dòng lệ rơi. ĐH đã chọn cho mình những NGẪU HỨNG lục bát, mênh mang ý vị ca dao, như một cách chọn lựa mình giữa hổn độn những dòng xoáy tự do, hiện đại, tân hình thức. Cầu chúc anh sẽ gặt hái những mùa vàng bội thu trên cánh đồng thi ca dù ở đó phải căng mình nắng lửa bão giông cả nhoi nhói những sợi bạc trên đầu…
Cam Ranh -Mùa thu 2007-