Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
723
123.239.001
 
Biến hình
Trần Đức Tiến

Con tắc kè. Con tắc kè núp sau chum nước. Con tắc kè may mắn của lão. Con tắc kè lão chưa bao giờ nhìn thấy mặt. Sáng nay nó lại về.

            Những tiếng kêu cuối cùng của nó nhỏ dần, tắt lịm. Lão cũng từ từ thoát ra khỏi giấc ngủ ngắn và nông. Giấc ngủ đến vào lúc tảng sáng, sau gần một đêm quần nhau với những câu thơ bất trị. Những câu thơ cố tình trêu ngươi lão, chợt hiện chợt biến như chơi trò trốn tìm. Thỉnh thoảng lão giật mình như đã tóm được chúng. Lão quờ tay vớ lấy cây bút chì vót nhọn để sẵn ở đầu giường. Lập cập giở tập giấy nháp. Nhưng khi ngọn giáo bút chì nhăm nhăm chực đóng đinh những vần thơ lên trang giấy thì chúng, những vần thơ có cánh ấy, lại vụt bay mất. Trò chơi diễn ra không ngừng nghỉ khiến lão mệt lả. Cuối cùng thì vẫn có những bài thơ được ra đời. Những bài thơ đủ cả mở đầu lẫn kết thúc. Và chúng sẽ được chuyển cho con gái lão - nhân viên văn phòng của một công ty trong thành phố - đánh máy, in ra bằng máy vi tính. Thoạt đầu, khi nhìn những con chữ in ngay ngắn, đều tăm tắp, lão ngạc nhiên tự hỏi: có đúng là thơ của mình không? Cái câu này có phải là của mình, hay là người khác đã sửa hộ? Rõ ràng là bản thảo in vi tính khác xa với thứ bản thảo nguệch ngoạc viết tay. Chất lượng hơn hẳn. Thêm đến mấy chân kính. Chẳng khác gì những bài thơ được in trên báo. Nhưng đấy chỉ là cảm giác ban đầu. Khi quen rồi, lão buồn rầu nhận ra cả tập giấy A4 kia thực ra vẫn chỉ kín đặc những xác chữ - kết quả của những cuộc săn đuổi bất thành trong đêm.

            Có những đợt con tắc kè đi vắng. Như một kẻ rời nhà đi làm ăn xa. Những hôm đó lão phải tự thức dậy từ rất sớm. Mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng từ tối hôm trước. Những bài thơ soạn riêng theo từng chủ đề đã nằm gọn trong chiếc túi vải. Lão chỉ việc mang chúng đến các toà soạn. Cô con gái thấy lão sửa soạn lên đường thì nói vọng ra từ trong màn: "Bố lại đi đơm đó à"? Cái gì? Đơm đó? Ờ... ờ... Lần đầu tiên nghe đứa con gái hỏi, lão chưa kịp hiểu ra ngay. Nhưng khi hiểu rồi thì lão mỉm cười. Con bé hóm thật. Nó ví cái việc đi gửi thơ đăng báo của lão giống như anh chàng nhà quê mỗi sáng lọ mọ xách đó đi đơm. Nhưng lão biết nó chỉ trêu đùa thế thôi. Chứ ngày nào nó cũng dành thì giờ rỗi ở công ty cặm cụi đánh máy và in bản thảo giúp lão. Lão đã thả không biết bao nhiêu cái đó rồi, và vẫn tiếp tục chờ đợi.    

            Thành phố nơi lão sống không lớn, nhưng cũng có một tờ báo ra hàng ngày, một tờ ra hàng tuần vào ngày chủ nhật, một tờ tạp chí ra hàng tháng, và không dưới mười tờ khác ra bất thường dưới dạng bản tin hay đặc san... Tất cả đều có in thơ. Cung cấp xong thơ cho những nơi đó là gần hết buổi sáng. Lão khoan khoái đạp xe đến thư viện. Tiếp theo là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong ngày. Phòng đọc của thư viện yên tĩnh và vắng vẻ. Lão là khách quen ở đây - có lẽ là người khách duy nhất chẳng cần thẻ mà vẫn được tự do ra vào, tìm chọn sách báo ở trên giá. Lão lần lượt giở những tờ báo quen biết, và dừng lại rất lâu ở những trang thơ. Vẫn như mọi lần, không có tờ báo nào in thơ của lão. Nhưng điều đó chẳng hề gì. Miễn là thơ vẫn có mặt. Thơ của ai cũng được. Thế giới điên đảo đến cỡ nào thì thơ vẫn sống. Lão không thể hình dung báo chí lại chỉ rặt những tin tức chiến sự, khủng bố, bắt cóc con tin, giá vàng, giá dầu mỏ, thị trường chứng khoán, tốc độ tăng GDP, những cuộc viếng thăm mặc cả trên bàn hội nghị của các nguyên thủ, các cô gái miền Tây đua nhau lấy chồng ngoại, không khí nghẹt thở của các kỳ thi đại học hay những núi dưa hấu, vải thiều thối rữa vì tắc nghẽn ở các cửa khẩu... Lúc ấy chắc phải là ngày tận thế.

            Niềm tin thơ sống dai của lão còn được củng cố bằng một lần về thăm quê. Sau mấy chục năm bỏ làng đi sinh sống làm ăn ở nơi khác, đến tận lúc về hưu lão mới có dịp quay về. Trời ơi, cái làng ngày xưa của lão đây ư? Những ngôi nhà tường đất, mái rạ lụp xụp xiêu vẹo. Đường trong xóm bùn lầy đến mắt cá chân. Những cặp mắt ngơ ngác tò mò... Chẳng có gì khác trước. Vợ chồng lão ở chơi nhà ông anh họ. Mâm cơm đãi khách dọn ra, chỉ có mấy lão già được ngồi xếp bằng tròn với nhau trên tấm phản ở nhà trên, còn bọn đàn bà con gái vẫn phải xúm xít chấm mút với nhau dưới bếp. Ông anh họ hai hàm răng chỉ còn toàn lợi, uống là chính, cao hứng nâng chén rượu lên ngang mày, đọc bài thơ vừa sáng tác mừng chú em bao năm lưu lạc trở về. Thơ giống như thứ bệnh truyền nhiễm, càng ở chỗ có hơi rượu càng dễ lây. Thế là cả mâm rượu hôm ấy biến thành câu lạc bộ thơ. Chẳng ông nào chịu kém ông nào. Những câu thơ phều phào, nhếnh nháng rớt xuống phản, một lát sau bắt đầu chảy thành dòng xuống nền nhà. Nền nhà nhơm nhớp, sền sệt. Rồi lõng bõng. Rồi dâng cao. Guốc dép lập lờ. Đám đàn bà con gái từ dưới bếp nhao lên, xô chậu loảng xoảng, hò nhau múc thơ đổ ra ngoài. Lão ngồi dựa lưng vào tường, nửa tỉnh nửa say, nửa nghe nửa nhìn những âm thanh hình ảnh quay cuồng xung quanh. Ông anh họ gục mặt xuống đùi lão, ngáy ằng ặc.

            Ngày hôm sau, hai vợ chồng lão ra nghĩa địa đầu làng thắp hương cho bố và mẹ lão. Cả cánh đồng nước ngập trắng băng, leo heo phơ phất mấy ngọn cỏ. Trận mưa hôm trước to chưa từng thấy. Lão đứng chắp tay khấn vọng ra đồng nước, rồi rưng rưng cắm mấy nén nhang vào gốc tre.

            Không ngờ cái làng Tó của lão lại giàu truyền thống thơ phú đến thế. Thơ là món đặc sản của làng. Ông anh họ lão còn khoe thơ làng Tó sắp được thế giới công nhận di sản văn hoá phi vật thể! Lão nghe, nổi da gà. Lão xa quê gần trọn cuộc đời, nhưng lão vẫn là con dân của làng. Vẫn mang trong máu cái truyền thống đó. Giờ về quê gặp ông anh họ và đám bạn thơ của ông ta, lão lại càng thêm hãnh diện và tin tưởng.

            Nhưng đúng lúc đó, lúc lão đang cắm mấy nén nhang vào gốc tre, hình như mụ vợ lão có nói một câu. Lão nhớ không chắc lắm... "Cả làng ông nghiện thơ, trông mặt đứa nào cũng...". Một câu duy nhất, mấy tiếng cuối cùng mất hút vào trong gió đồng. Lão chưa kịp nghe rõ mấy tiếng cuối cùng. Lão định hỏi lại, nhưng mụ đã tắt kinh. Từ lúc lão về hưu, vợ lão đã trở nên ít nói. Tắt kinh, mụ càng lầm lì, khinh khỉnh. Khi lão bắt đầu mang thơ đi gửi mỗi sáng thì mụ chuyển sang ăn chay, một ngày tắm ba lần và thân thể hoàn toàn mất mùi. Mỗi khi mụ nằm ngủ, con mèo trong nhà lén đến bên, ghé mũi vào người mụ và hít hít một cách nghi hoặc. Bao nhiêu năm qua rồi, cái câu nói cuối cùng không trọn vẹn của mụ trở đi trở lại trong đầu lão. Dần dà  nó biến thành một con thằn lằn cụt đuôi. Con thằn lằn cụt đuôi trơn tuột bám chắc vào trí nhớ của lão bằng những bàn chân nham nháp.

            Con tắc kè sáng nay lại xuất hiện. Xưa nay lão chỉ nghe tiếng kêu, đoán nó núp sau chum nước, nhưng không có ý định đi tìm nó. Tắc kè thì lão còn lạ gì. Con nào chả giống con nào. Người ta chở cả lồng sắt những con vật sần sùi, mốc meo ấy đi bán rong ngoài phố. Rồi những cái bình rượu ngâm tắc kè thoạt nhìn đã rùng mình. Một lần, lão nhắm mắt nhắm mũi ực một ly rượu ngâm tắc kè, cái thứ nước xanh nhớt và tanh lợm ấy ám lão cho đến tận bây giờ. Con tắc kè này mỗi khi đi xa về lại kêu vọng vào: tắc kè! tắc kè! Như có ý gọi lão. Đã về. Đã về... Thật ra cũng chẳng có gì rõ ràng. Bẵng đi một thời gian không nghe tiếng nó kêu, thế rồi một sớm tinh mơ nào đó lại nghe những âm thanh rụt rè vang lên sau chum nước. Cứ thế không biết bao nhiều lần. Thơ lão chưa có bài nào được đăng. Nhưng lão vẫn cảm thấy mừng mỗi khi nó quay lại. Có một sự may mắn mơ hồ thấp thoáng trong tiếng kêu của nó. Tiếng kêu như điềm báo dành riêng cho lão. Phải kiên nhẫn thêm chút nữa. Rồi cái dịp may ấy sẽ hiện ra. Chắc là...! Chắc là...! 

            Ban ngày, dưới ánh sáng mặt trời, mọi chuyện diễn ra trơ trẽn, buồn tẻ hơn những gì trong đêm lão tưởng tượng. Mồ hôi dấp dính lưng áo lão. Lão đứng trước cửa phòng tiếp khách của một toà báo, rụt rè cúi đầu chào mấy người đi ngang qua. Chẳng ai để ý đến lão. Lão cũng chỉ nhớ mặt đúng một người. Gã đang ngồi trong phòng kia, bên chiếc bàn ngổn ngang ấm chén pha trà, chiếc gạt tàn thuốc lá đầy ắp còn bốc khói. Gã đang ba hoa với mấy người khách. Mấy người khách, người để râu, người cạo trọc, người đội nguyên mũ phớt trên đầu, cũng khoa chân múa tay, ầm ĩ không kém. Thoáng thấy lão, gã khựng ngay lại.

            - Có gì không bố già?

            Tự nhiên cổ họng lão ắng đi. Lão cố gượng cười, tiến lên mấy bước. Họ cũng đang nói chuyện thơ. Lão đến có đúng lúc không đây? Những người khách bỏ dở câu chuyện, quay ra nhìn lão.

            - Còn chữ nào chưa ổn à?

            Giọng của cái thằng chỉ đáng tuổi con lão đã ngả sang vẻ giễu cợt. Nhưng lão lại cảm thấy nhẹ người. Nó đã biết tỏng mọi chuyện, đã quá quen với những tình huống lặp đi lặp lại nhiều lần.

            - Của bố đây!

            Gã mở ngăn kéo, chẳng mất công lục lọi lâu la gì, rút ngay tập bản thảo và quẳng lên bàn.

            Lão thở phào, rón rén bước lại, cầm tập bản thảo lên và chọn ra một bài. Lập cập tìm chiếc bút bi trong túi vải. Rồi cứ đứng nguyên như thế, lão cúi xuống hí hoáy trên trang giấy.

            Xong. Đúng một chữ. Dập dồn thành bồn chồn. Cả đêm qua lão trằn trọc. Đến khi thiếp đi thì cái chữ ấy mới xuất hiện. Lão tự nhủ ngay đầu giờ sáng mai phải đến xin chữa lại...

            Hầu như đêm nào cũng có những chữ định chơi xỏ lão. Không chữ này thì chữ kia, không ở bài này thì ở bài khác. Chúng trà trộn trong đám chữ nghĩa. Rồi bất thình lình chường cái mặt đần độn của mình ra và bị lão tóm được lôi ra khỏi hàng. Lão sẽ thay chúng bằng những chữ mới. Lão làm cần mẫn làm việc đó, thỉnh thoảng được đền bù bằng những niềm vui nho nhỏ. Nhưng cũng có khi những chữ cũ quay lại mà lão không biết. Gã nhận bài ở toà báo ấy thoạt đầu vô cùng ngạc nhiên, sau đâm cáu, rồi cuối cùng cũng quen dần, hết cả cáu. Sau khi nhận lại bài thơ đã sửa một vài chữ gì đó, gã chẳng buồn liếc qua, tống ngay vào ngăn kéo bàn. Trong ngăn kéo gã đã cẩn thận dành cho lão một chỗ riêng, để ngày mai lại lấy ra thật nhanh.

            - Tình ca trên sóng - Lần này gã không cất ngay bài thơ, nhẩn nha đọc to lên cái đầu đề. Có vẻ để cho mấy người khách cùng nghe - Tình ca trên sóng... Tình ca trên sóng... Lửa niềm tin thắp sáng cả giàn khoan.  Anh gửi về cho em... Bố già! - Gã giật giọng cắt ngang câu thơ - Con nói thật nhé. Thơ bố cứ giàn khoan giàn khiếc, niềm tin niềm tiếc mãi thế này không in được. Sao bố không viết... tình ca trên chiếu?

            Có mấy tiếng cười bị ém nhẹm. Lão đứng như chôn chân xuống đất. "Nó nói đùa... nói đùa... Đùa ấy mà!... Nó còn trẻ. Giống như con gái mình". Lão cố gắng tự nhủ. Mồ hôi lại rịn ra ướt áo. Áo dính vào lưng. Hôm nay mồ hôi ra nhiều thế không biết. Lão muốn thoát ra khỏi mồ hôi. Muốn thoát ra khỏi những nụ cười đang căng phồng lên trong những vòm miệng.

            - Ờ ờ...

            Lão lẩm bẩm, rồi mỉm cười gượng gạo, bước giật lùi ra cửa.

            - Bố làm cái quái qủy gì ở cơ quan người ta thế? - Lần này thì đứa con gái không đùa.

            Nó xổ ra một thôi một hồi. Người ta đã gọi điện đến cho nó. Người ta phàn nàn ông lão ngày nào cũng đến làm phiền họ. Giá như đến để tán chuyện thì còn có thể chấp nhận. Mất thì giờ thật, nhưng thư giãn. Đằng này ông lão cứ lừ lừ dúi bản thảo cho họ. Mà bản thảo là cái gì mới được chứ? Thơ! Toàn những thơ. Toàn thơ không in được. Chất hàng đống. Một mình ông lão bằng tất cả những cộng tác viên khác gộp lại. Như thế quá bằng khủng bố họ... Một cán bộ biên tập của toà soạn đã bị tai nạn. Anh này đang đọc thơ của ông lão thì ngã quay cu đơ ra sàn, mắt trợn ngược, cổ họng ngắc ngắc như gà ăn phải lưỡi câu. Tất nhiên là bệnh viện phải làm xét nghiệm để có kết luận chính thức xem anh ta ngộ độc thực phẩm hay bội thực văn vần. Và thơ của ông lão có mặt đúng lúc đó chỉ là ngẫu nhiên tình cờ hay là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn. Có những điều hết sức tế nhị khiến họ không thể đặt thẳng vấn đề với ông cụ. Họ muốn nhờ nó...

            Lão há mồm chịu trận.

            Một tuần sau lão nằm móp ở nhà, không hé răng nói với ai một câu. Đơn phương hủy bỏ vô thời hạn việc cung cấp thơ cho các báo trong thành phố. Nhưng chính trong lúc tổn thương đau đớn nhất thì lão lại cảm thấy mình gần thơ hơn cả. Lão mất ngủ nhiều hơn nhưng thơ đến với lão ân cần hơn. Đêm nào lão cũng làm xong một bài, thậm chí là hai, ba bài. Lão thấy người khoẻ hẳn. Lại rụt rè đưa bản thảo cho con gái. Và đứa con gái đã thôi giận bố, lẳng lặng đem thơ của bố đến cơ quan.

            Lão không đầu hàng. Lão rút kinh nghiệm. Toà báo nào cũng có một cái hòm thư to tướng ngoài cửa. Lão cứ việc bỏ thơ mình vào đó. Chẳng làm phiền ai. Tất nhiên không thể yên tâm bằng việc đưa tận tay, nhưng thoải mái dễ chịu. Có thể chậm hơn một tí, nhưng đằng nào cũng đến tay họ. Gửi theo cách này cũng chẳng ảnh hưởng đến nhu cầu sửa chữa bản thảo hàng ngày của lão - nếu muốn, lão sửa ngay từ nhà và chỉ việc ghi thêm mấy chữ lên trang đầu: "bản chính thức". Một bài thơ của lão đâm ra có nhiều bản chính thức: chính thức, chính thức 1 thay cho chính thức, chính thức 2 thay chính thức 1, chính thức 3 thay chính thức 2... Cứ thế.

            Con tắc kè may mắn đã về.       

            Con tắc kè sáng nay vẫn nấp sau chum nước.

            Nhưng lần này thì lão nhìn thấy nó. Cặp mắt mệt mỏi lờ đờ. Đôi đồng tử vàng vàng đùng đục. Những nếp nhăn ở đuôi mắt. Da mặt mông mốc với những vết sạm như đồi mồi. Con tắc kè đang nhìn lão. Lão cũng âu yếm nhìn con vật. Tất cả những đường nét trên mặt nó hiện dần, hiện dần, giống như tấm giấy ảnh ngâm thuốc hiện hình trong buồng tối. Và khi bức ảnh đã trở nên hoàn hảo thì đấy chính là bức chân dung của lão. Một bức chân dung viền khung đen.

            TIN BUỒN.

            Vài dòng tiểu sử.

            Ngày tháng năm qua đời.

            Những dòng chữ chập chờn ẩn hiện.

            Nhưng cái thu hút sự chú ý của lão hơn cả là một bài thơ. Báo in trang trọng bài thơ của người đã khuất bên cạnh tin buồn. Như muốn ghi nhận sự đóng góp không hiệu quả nhưng bền bỉ của người cộng tác viên thầm lặng.

            Lão sửng sốt ngắm bài thơ của mình trên báo. Lần đầu tiên thơ lão được in. Một niềm hạnh phúc khôn tả nâng bổng lão lên trời.

            - Sáng rồi, dậy đi đơm đó thôi bố ơi...

           

Tháng 9, 10  - 2007

Trần Đức Tiến
Số lần đọc: 2354
Ngày đăng: 21.10.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cái đuôi - Trần Văn Bạn
Hạt cát - Lương Minh Vũ
Luận ngữ cải biên-1 - Nguyễn Hồ
Pugur - Trần hữu Lục
Truông xa xào xạc - Hoa Ngõ Hạnh
In-ca đã bay tới mặt trời - Lê Hoài Lương
Tấm thiếp cưới - Nguyễn Văn Hoa
Đoàn tàu xanh - Đào Bá Đoàn
Không xe hoa không xe tang - Lê Vũ
Nỗi buồn của…… - Lê Minh Tú