Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.277
123.157.383
 
Tiếng ngựa hoang bên đồi cỏ cháy
Đặng Thân

Ngựa hoang nào dẫm nát tơi bời

Thảm cỏ bình yên dưới chân…

(Duyên Anh, “Vết hằn trên lưng ngựa hoang”)

 

Bài hát cuốn thốc lòng trai trẻ năm xưa như lại cuồn cuộn trong tôi mỗi khi nhớ về gã. Và nhớ lại đời trai sương gió. Cõi trời cao rộng mà sao vẫn hẹp hòi với chúng ta? Thế hệ chúng ta diễn qua bao “cảnh” còn thót tim hơn film Hollywood, qua bao “hồi” còn gay cấn hơn Tam quốc diễn nghĩa hay Hán Sở tranh hùng. Để rồi người ta bảo đó là những “chương” bi tráng nhất của dân tộc.

 

Ờ, mà bây giờ ai cũng bàn chuyện vươn tới cái đích làm “công dân toàn cầu” rồi mà sao ta vẫn luẩn quẩn chuyện “dân tộc” vậy nhỉ? Dễ mà không thể khá được. Nhưng mà không có “bối cảnh” dân tộc suốt mấy thập kỷ qua thì vở kịch đã không diễn ra như vậy. Vở kịch nào? À, đó là vở kịch có những “nhân vật” Việt Nam. Một trong những “nhân vật chính” đáng nhớ nhất chắc là con ngựa hoang kia.

 

…hình ảnh một con ngựa hiền hoà bị cưỡng bức hất ra khỏi nơi êm ấm an toàn để đẩy vào cơn lốc xoáy thành ngựa hoang lang thang với những vết thương hằn sâu trên lưng. Vết thương vẫn tiếp tục âm ỉ ngày đêm hành hạ khiến ngựa hoang đớn đau giãy giụa vật vã.

(Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường, “Viễn kiến nào từ vết hằn trên lưng ngựa hoang”)

 

“Ngựa hoang” là vậy. Đến “ngựa hồng” mà sinh ra trong bối cảnh ấy cũng chỉ là:

 

Ngựa Hồng hôm nay cột vào yên cương.

Cong lưng kéo chiếc xe thôi!

Đường đời quanh co chật chội

Bụi bờ quanh năm lầy lội     

Cỏ hèn đã úa từng cội

Ngựa hồng đi quanh thành cổ tan hoang

Đi quanh miếu cũ rêu phong.

Ngựa hồng khiêng bao nặng nề trên lưng

Vó bước phong sương ngập ngừng

Ngựa hồng long đong, trụi bờm, se lông

Cong lưng vó bước mông lung.

Từng ngọn roi đau tàn bạo

Từng gò dây cương nghẹn ngào

Một hàm thiếc khoá miệng vào

Cuộc đời lao đao cua kẻ vong thân

Khiêng voi, cõng rắn trên lưng...

(Phạm Duy, “Ngựa hồng”)

 

Ha ha! Thật khó mà nén một tiếng cười vì hóa ra “hồng” hay “hoang” thì cũng vậy thôi. Đều như thể “hồng hoang” cả. Tuy nhiên, con ngựa hoang của Duyên Anh còn có một chân trời mơ ước là “thảm cỏ bình yên”, còn ngựa hồng của Phạm Duy thì cũng đành với “cỏ hèn”.

 

Vậy con ngựa của tôi là thế nào? Đó là “con ngựa văn chương”. Là “ngựa hoang” nên chắc là nó luôn luôn CHÁN. Nó đâu được hưởng cái vinh phì của giống ngựa chuồng, ngựa trại. Trong cõi lang thang hoài bất định nó đến bên một quả đồi mà không biết có phải vì lâm tặc hay nạn phá rừng mà cỏ ở đây đã cháy hết cả rồi. Vì thế, nó ĐÓI.

 

 

CHÁNĐÓI. Đó là cảm tưởng của tôi khi đọc một nhà văn – Lê Anh Hoài.

 

Hoài vừa in cuốn Chuyện tình mùa tạp kỹ ở Nhà xuất bản Đà Nẵng. Một cuốn tiểu thuyết hậu-hiện đại (mà nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên gọi là “một cái viết”) viết dưới dạng chương hồi và kết thúc bằng một vở kịch. Vừa mới in đã có lời đồng vọng. Đầu tiên là nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh tung ngay lên blog của mình bài “Lê Anh Hoài – Chuyện tình mùa tạp kỹ”. Sau đó là tiếng nói của nhà sử học Nguyễn Thị Hậu (hiện nay là Phó tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam) trên Văn chương Việt với “Đọc tiểu thuyết Chuyện tình mùa tạp kỹ của Lê Anh Hoài: những màn tạp kỹ chương hồi”. Rồi là “Lê Anh Hoài và lối viết tạp kĩ” của nhà nghiên cứu/sưu tầm/phê bình/thơ/văn Inrasara (tức Phú Trạm, người từng được Tặng thưởng văn học ASEAN), cũng trên Văn chương Việt. Xin mời độc giả ghé đọc xem họ nói những gì.

 

Tôi thấy hay hay với những “màn tạp kỹ chương hồi” và “lối viết tạp kĩ”. Thực ra “mùa tạp kỹ” là cái tựa do Nxb Đà Nẵng đặt. Thì ra cái “anh” Đà Nẵng này với các anh chị trên đây cũng có chung với nhau một ý tưởng. “Tư tưởng lớn gặp nhau”. Và cái tư tưởng chung đó rất đúng. “Anh” Đà Nẵng thì cho rằng cái tựa ấy mới dễ đi vào lòng độc giả. Còn cách “ăn theo” của anh Sara và chị Hậu cũng có lý, thậm chí chí lý.

 

Vì nguyên ủy cái tựa của Hoài là Tìh êu. Cái tựa này quá đã. Bàn chuyện “tình yêu” trong cái “mùa tạp kỹ” này thì ắt là nó phải thoái hóa/què cụt thành “tìh êu” chứ sao, lại phóng chiếu lên cái vẻ thời @ hậu-hiện đại. 49 hồi trong Tìh êu là cả một “liên khúc CHÁN” (trùng tên một bài viết của Trần Wũ Khang, hình như là một bút danh khác của Inrasara?). Cái liên khúc này làm tôi nhớ tới Hồ Anh Thái với Tự sự 265 ngày – cuốn tự sự của một người xăm soi, ngắm nghía mọi cử chỉ của giới công chức Bộ Ngoại giao. Phải 100 ngày nữa mới tròn một năm mà cái liên khúc CHÁN trong các công chức đã phè cả ra dưới một con mắt cay độc; cái liên khúc này nó thâm trầm. Cái liên khúc CHÁN của Hoài nằm trong giới công chức các tòa soạn báo; cái liên khúc này nó nổi nó sôi như chuyện trên báo chí vậy. Mà sao chỉ có 49 hồi? “49 chưa qua 53 đã tới”. Nếu tái bản chắc cuốn sách sẽ có 53 hồi chăng? 49-53 cũng là giai đoạn khủng hoảng lớn nhất trong cuộc đời con người, về mọi mặt: sức khỏe, sự nghiệp, tài chính, gia đình, tình yêu, “tình báo”... Nó là một giai đoạn CHÁN nhất. 49 hồi của Hoài hiện liên ngao ngán những cơn CHÁN. Nào là “no xôi CHÁN chè”, CHÁN mắt, CHÁN sống, CHÁN chê, CHÁN chường… rồi là CHÁN ngán, CHÁN ngắt, CHÁN phè, CHÁN phèo… quả đúng là “CHÁN đến mang tai”. Đọc mấy câu mở đầu mỗi hồi ta có thể nhận ra cái giọng CHÁN ấy ngay mà:

 

Hai hảo hán tranh luận về lòng tin

Người nghệ sĩ chạnh lòng quá khứ

 

Hồi 1 đã mở màn với những thứ CHÁN nhất: “lòng tin” và “chạnh lòng quá khứ”. Chắc ai là người Việt Nam cũng thấy điều đó. Rồi những “giáo sư về hưu soạn bí kíp làm tình”, “phim truyền hình tốt quá có sao đâu” cho đến “tình yêu đẹp chỉ vì chưa thấu hiểu”, “giáo sư già phẫn nộ li-bi-đô”, “kẻ ngoại hôn giận kẻ nội hôn”, “tình yêu thật sánh ngang vàng thật”, “chuyện tình yêu bí ẩn chi thu”… Tất cả những cái CHÁN được thể hiện dưới giọng biếm nhại mà [rất] nhiều khi nó cứ như thể là “CHÁN chẳng buồn nói” đến mức độc giả muốn đọc nữa mà Hoài lại chẳng buồn kể tiếp. Và thế là Hồi 49 đã mất toi cả đầu đề, dẫu chỉ là hai câu thơ mà gã còn tiếc công không viết nốt.

 

Với cái đà CHÁN của xã hội công chức, chắc rằng Hồ Anh Thái sẽ dễ có Tự sự đủ 365 ngày, và Hoài sẽ còn viết nhiều chương hồi nữa, vì gã còn ĐÓI. Cái ĐÓI của Hoài thể hiện rất rõ trong từng hồi khi tác giả cho độc giả luôn phải thắc thỏm như kẻ ăn không được no. Một dàn nhân vật của Tìh êu cũng ĐÓI đến thảm hại. Họ ĐÓI đủ thứ, ĐÓI tất. ĐÓI từ thượng tầng kiến trúc xuống hạ tầng cơ sở; từ đạo lý, đạo cụ, đạo diễn đến đạo làm người. Nhưng họ có thừa tinh thần đạo chích, đạo tặc hay đạo văn. Họ như những nhân vật dở dang hay có thể gọi họ là “phản nhân vật”. Nói đơn giản là đó là nạn ĐÓI NHÂN TÍNH. Độc giả nghe chơi: “anh không cưới em thì em phải lấy chồng”, “tình yêu dung dị dung hợp với đồng tiền”, “yêu em anh hứa rất nhiều / xa nhau em mới biết điêu ngoa tình”, “tưởng làm nghệ sĩ là thoát hư vinh / ai ngờ tục lụy còn kinh hơn đời”, “hy sinh nhưng vẫn phải ăn / vị tha nhưng phải vì mình trước tiên”

 

 

Chúng ta đã từng biết tới nhiều cái CHÁN làm thay đổi lịch sử. Nhờ Khổng Khâu CHÁN thế sự mà giờ đây loài người có Kinh Lễ, Kinh Thi, Luận ngữ… và Khổng Tử. Nhờ Lão Đam CHÁN đến bỏ đời mà đi mà nhân loại có Đạo Đức Kinh và… Lão Tử. Vì CHÁN đến cùng tận cái “đêm trường Trung cổ” mà chúng ta mới có những tư tưởng vĩ đại của các nhà Phục hưng, rồi sau đó là Khai sáng hay Kant, Nietzsche… Bởi CHÁN mà chúng ta có những văn nghệ sỹ vĩ đại như Tú Xương, Tản Đà, Vũ Trọng Phụng…

 

Chúng ta cũng đã biết về những người ĐÓI bất hủ. Giới Tử Thôi ĐÓI nên giờ đây người Á Đông được ăn Tết Hàn Thực với bánh trôi, bánh chay. ĐÓI đã gắn liền với tên tuổi của Van Gogh, Gauguin, Kafka, Hàn Mặc Tử… Vì ĐÓI mà nhiều dân tộc (tất nhiên có dân Việt) đứng lên làm cách mạng dựng xã hội mới.

 

Hy vọng cái CHÁN và ĐÓI của Lê Anh Hoài sẽ làm gã háo hơn, dấn thân hơn nữa vào “cõi vô minh” (Hoài có một ý niệm khá riêng về cái cõi này, gã nói rằng bản chất của cõi người là “vô minh”, ví dụ như anh có đem camera mà quay mọi hình ảnh của chính mình suốt 24/24 thì khi xem lại những hình ảnh đó anh cũng chẳng hiểu chó gì về anh cả), hòng đem lại những niềm phấn khởi mới cho văn học. Nhờ CHÁN nên gã đã “đứng về phe lưỡng lự” với những đoạn “lưỡng lự” xuất thần:

 

Không cần phải chứng minh cũng thấy rằng đa số những kẻ ít/thiếu sự lưỡng lự luôn thành đạt, trong chính trị và kinh doanh, đặc biệt trong việc đánh nhau. Và do đó, có nhiều cơ hội làm bá chủ. Những kẻ lưỡng lự, dù tinh tế hơn, luôn là kẻ bị trị.

- Anh/ chị có nghĩ đến việc giết người không? Không, không nhất thiết phải nghĩ đến việc tự tay giết người. Chỉ cần nghĩ đến việc đó một cách gián tiếp là được rồi. Tôi nhắc đến việc này, bởi nó luôn khiến người ta lưỡng lự, ở mức độ cao.

Những kẻ có thể giết/làm chết người luôn đặc biệt. Họ, hoặc là đại tội phạm hoặc là vĩ nhân (tỷ lệ thuận với số người chết).

Những kẻ lưỡng lự thường là những kẻ thất bại và các nhà văn/thơ.

…………….

Sự lưỡng lự không bao giờ được ghi vào lịch sử. Người ta luôn nói đến những quyết định, đưa cả một (thế giới, đất nước, dân tộc, đảng phái, vương triều...) đến một (chân trời mới, sụp đổ, khởi sắc, khủng hoảng...). Chẳng ai ghi lại những khoảng (dài) lưỡng lự của lịch sử, những phân vân của các vị tướng/ông vua/nhà lãnh đạo.

 

(Lê Anh Hoài, “Lưỡng lự”)

 

 

Và cái truyện cực ngắn như thể ĐÓI chữ này thì thật là đẹp và khúc chiết như một bài thơ Đường:

 

Anh ấy một ngày xấu giời bỗng bị con ma màu ám. Thế là lao vào vẽ.

Say lắm, bốc lắm, quên ngủ quên ăn, có ngày vẽ mấy bức.

Bạn bè đến xem, đa phần chẳng hiểu gì [có phải ai cũng hiểu tranh đâu, và (lại càng) có phải ai cũng hiểu thiên tài đâu]. Chỉ cần gặp một chuyện là đã vỡ mẹ nó đầu rồi. Trong trường hợp này, là cả hai.

Thế nên, có người hỏi những câu ngu ngốc như: Đây là cái gì? - anh chỉ cười bí ẩn. Sau mệt nên anh không cười nữa, chỉ giữ bộ mặt bí ẩn.

Giữ bộ mặt bí ẩn cũng mệt, nên một hôm, trước câu hỏi ngu ngốc, anh buột ra:

- Cái buồi!

Một cách nói rất nghệ sĩ.

 

Nhưng đám công chúng thì trầm trồ. Ừ nhỉ, rõ quá rồi. Đây này, vươn lên đây này. Chỗ này chẳng là cái chỗ phình ra à. Còn  đám màu rối tinh chẳng phải đám mao? Vv... và vv.

Thế là ran lên những lời tán tụng. Những kẻ bạo mồm nhất, dùng ngay cách nói rất nghệ sĩ của anh:

- Vẽ buồi mà đến thế thì tuyệt.

- Đây là buồi mà như không ấy nhỉ?!

- Đây đâu phải buồi thường, đây là buồi thăng hoa!

Vv... và vv.

 

Bỗng có một tiếng cất lên:

- Vẽ như buồi ấy.

 

(Lê Anh Hoài, “Thẩm tranh”)

 

 

Hoài đang viết khỏe, đủ mọi thể loại: thơ, truyện ngắn, truyện chớp, phê bình. Trên google có lúc tên của gã đạt tới con số 61.500 – một con số thống kê có khả năng gây mê độc giả. Và cũng nên nhớ Hoài là một nhà báo, một nhà báo thực thụ.

 

Lê Anh Hoài “Tuổi Ngọ, sinh, sống và làm nghề viết tại Hà Nội” – đó là dòng chữ ngắn gọn tôi vừa đọc được trên một website văn chương.

 

16.10.07

Đặng Thân
Số lần đọc: 3213
Ngày đăng: 28.10.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
NGUYỄN VĨ : Say… Viết - ‘’GỬI TRƯƠNG TỬU’’ - Lê Xuân Quang
Đọc ĐÊM GỞI GIÓ của ĐỖ HƯỚNG :TIẾNG ĐÊM lách tách THÂU GIỀNG TỬ SINH - Lê Vũ
Trần Anh và những chùm thơ ấn tượng - Đổ Hướng
Đọc NGÀY NHẠT ( Siêu thị mặt- Trần Quang Quý , NXB Hội Nhà văn, 2006) : Có vỡ ngày suông ? - Lê Vũ
CHẾ LAN VIÊN: Điêu Tàn và... - Lê Xuân Quang
Ấn tượng “Gửi V.B” - Yến Nhi
Lê Anh Hoài và lối viết tạp kĩ - Inrasara
Đọc “Hồn đầy hoa cúc dại” của Lâm Thị Mỹ Dạ - Lê Huỳnh Lâm
Đọc Lục bát Lê Ngã Lễ :Hương thời gian cứ bay quanh đời người - Lê Huỳnh Lâm
Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng Phật Giáo như thế nào ?*7 - Đại Lãn
Cùng một tác giả
Thùng Thuốc Nổ (truyện ngắn)
Cú Hých Về Nguồn (truyện ngắn)
ngái em (thơ)
Người thầy của em. (truyện ngắn)
Yêu (tuyển truyện)
Ma nhòa (truyện ngắn)
6i +Hi i (thơ)
Đặng Thân: Viết (phỏng vấn)