Đọc tiểu thuyết BÊN DÒNG SẦU DIỆN của Nguyễn Đình Tú, NXB QĐND ấn hành năm 2007.
Thị trấn ấy ngày xưa có cái tên “ Nét Mặt Buồn”. Nó gắn chặt với những huyền thoại được lưu truyền từ nhiều đời ở thị trấn này. Đó là huyền thoại về núi Cô hồn. Một người đàn bà dũng cảm dám dùng liềm dứt đứt cuống họng mình vì những người đồng chí trong đội quân Quốc dân đảng không chịu tấn công một cứ điểm của Pháp vào những năm trước Cách mạng Tháng Tám. Bà chết, người ta mang bà lên chôn trên núi và từ đó núi có tên Cô Hồn. Bà thiêng lắm, khi quân Pháp định tấn công lên núi, thu lại những trái mìn bà dấu thì bà đã hiện về lấy liềm cứa cổ tất cả những tên lính Pháp nào mon men lên núi. Đó là huyền thoại về dòng sông có tên Sầu Diện. Có một người con gái quê lọt vào mắt một vị hoàng tử khi đến ngao du đất này. Hoàng Tử mê cô, sai lính dọn chỗ cho mình truy hoan cùng cô gái. Hoàng tử về hứa sẽ đến đón cô về làm vợ. Đợi hoài chẳng thấy ai đón. Bụng cô lớn dần chẳng dấu được ai. Cô nói thật, chẳng ai tin. Làng buộc đá mang cô dìm xuống sông. Cô nguyền: nếu bị oan thì cô không chìm. Mấy lần đá buộc quanh mình cô bứt tung, và cô thì nổi lên phềnh trên mặt nước. Dòng nước cuốn cô đi, để lại trên sông gương mặt buồn mà nhiều người từng thấy. Nên dòng sông có tên Sầu Diện. Núi Cô Hồn, Sông Sầu Diện tạo ra cái tên thị trấn là Nét Mặt Buồn. Thị trấn còn là một xứ đạo do một cha xứ người Bồ Đào Nha cai quản. Huyền thoại xưa và thần bí vì công giáo khiến cho thị trấn này lúc nào cũng huyền bì đúng như cái tên của nó. Nhưng rồi người ta lại đổi tên thị trấn thành An Lạc. An Lạc, nó khiến ta hình dung ra câu tục ngữ: an cư lạc nghiệp. Vậy thì số phận những con người ở thị trấn An Lạc ấy có an cư lạc nghiệp không? Tiểu thuyết BÊN DÒNG SẦU DIỆN, của nhà văn quân đội Nguyễn Đình Tú do nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành tháng 9 năm 2007 với hơn 300 trang in đã dõi theo hàng loạt số phận của những con người trong thời gian gần 30 năm, ở thị trấn An Lạc giúp chúng ta biết được họ đã sống như thế nào ở cái thị trấn có cái tên tục là Nét Mặt Buồn và có cái tên mới thật kêu An Lạc kia.
Hai nhân vật trung tâm của tiểu thuyết là Bình Nguyên ( cha) và Minh Việt ( con). Người cha: Bình Nguyên có những ngày đầu vào đời thật khí phách. Gia nhập lực lượng thị vệ đánh Pháp những ngày đầu kháng chiến, dám xung phong cầm súng chứ không chịu ở ban tuyên truyền để sáng tác những bài thơ để những người kháng chiến đọc trên đầu môi. Nhưng rồi khi tham gia vào trận đánh đầu tiên chứng kiến cái chết của anh Hồng, người chỉ huy của anh, người đã dìu dắt anh những ngày đầu, Bình Nguyên đã bối rối. Khi được lệnh bắn vào quân thù thì 15 hộp đạn, anh ta chỉ giết được một con ngựa. Khi được giao nhiệm vụ dẫn giải tù binh Quốc dân đảng bỗng nhiên Bình Nguyên lại dũng cảm dám cứu một người bạn học, con trai một người đứng đầu Quốc dân đảng ở thị trấn Nét Mặt Buồn để thể hiện được cái nghĩa của một chàng trai mới lớn. Trận đánh thứ hai quan trọng trong đời người lính là đánh vào ngay thị trấn quê hương mình. Các mũi khác hoàn thành nhiệm vụ. Mũi của Nguyên Bình không hoàn thành nhiệm vụ. Anh ta bị thương và được một cô gái cứu. Đó là Mến, cứu và chữa cho lành vết thương. Mến là người xót lại cuối cùng trong một gia đình bị chết đói năm 1945. Cô được một người đàn bà sùng đạo nuôi. Trước khi trở về đơn vị Nguyên Bình đã tận hưởng giây phút làm đàn ông với Mến trên núi Cô Hồn. Một đứa trẻ tượng hình trong Mến trong lần gần gũi ấy. Một đứa trẻ sau đó đã ra đời mà mẹ nó không dám khai ra bố nó là ai mà mắc cái nợ ấy cho cha xứ người Bồ Đào Nha cai quản họ đạo ở đấy. Đức trẻ ấy có cái tên Minh Việt. Miền Bắc giải phóng, An Lạc giải phóng, những người theo đạo lên tầu theo Chúa vào Nam. Mến, đã lên tầu nhưng cô còn tin vào Nguyên Bình, nên đã cô đã trốn ở lại tìm Nguyên Bình. Ai dè, Bình không nhận cô và cũng không nhận đứa con mà cô dứt ruột đẻ ra cho anh. Bắt đầu từ đây số phận Minh Việt bắt đầu trôi đi trong sự biến động không ngừng của đất An Lạc. Mẹ chết, Minh Việt phải ở với một người vốn chỉ là hàng xóm sống ở cái góc nghèo nhất của thị trấn. Rồi chính bà, là người buộc Nguyên Bình phải nhận con. Tránh né Mến, Nguyên Bình tránh né chuyện có quan hệ với người xứ đạo, đảm bảo cho mình cái lý lịch trong sạch để được làm tới phó chủ tịch thị trấn. Nhận lại con, anh đành phải rời chức vụ vì can tội che giấu tổ chức. Thêm một lần nữa anh thất bại vì hèn nhát. Còn Minh Việt, cũng ăn, cũng lớn và thành người ở An Lạc. Nguyễn Đình Tú không chỉ xây dựng cho mình một nhân vật mà biến nhân vật ấy thành người chứng kiến biến động của quê hương. Và đây chính là dụng công của Nguyễn Đình Tú. Một người con gái lớn lên, không đẹp gặp ai cũng chê. Nhưng là con gái, cũng khao khát tình yêu lắm chứ. Và cô yêu, và mang thai, và cô phải chọn cái chết để thoát khỏi sự khắc nghiệt của lễ giáo. Cô gái ấy con một người chăn ngựa. Chiến tranh còn để lại ở An Lạc những hậu quả khác, đó là những đứa con lai. Một trong những đứa con lai ấy là con gái. Cô cũng bị những người xứ An Lạc này coi khinh, nhưng cô cũng ráng làm hết mình cho An Lạc và trở thành một nữ tự vệ và chiến đấu dũng cảm như bất cứ một người dân An Lạc này trong chiến tranh phá hoại. Lúc cô khao khát yêu, khao khát dâng hiến thì cuộc rải bom B52 thảm khốc đã giết chết cô. Minh Việt, người lẽ ra đã được tận hưởng giây phút dào dạt của cô, đã tìm thấy xác cô chết thảm thương và chính cái chết ấy đã làm lụi tàn dục tính đàn ông trong anh sau hơn bảt tháng vì chứng tâm thần. Phải đến khi anh gặp một người đàn bà khác, người khơ me đến ngụ cư ở An Lạc, khuyến khích anh mới lại tìm thấy sức mạnh truyền giống của đàn ông. Nhưng rồi những quy định khắc nghiệt lúc bấy giờ đã chộp được anh với tội danh hủ hóa. Những người thân của anh đã giải cứu cho anh bằng con đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Giếng như Nguyên Bình, cha anh, lại thất bại. Hết chiến tranh anh làm thuỷ thủ trên tàu đánh cá. Nhưng chất độc hoa học đã huỷ hoại con người anh. Anh bị gạt ra vỉa hè bán nước chè giữa đất Sài Thành. Và ở đó lần thứ ba, anh làm đàn ông với một người đàn bà vốn có chồng là sĩ quan Nguỵ . Anh ta đã bỏ chạy, để lại chị sống vất vưởng ở Sài Thành, đêm đên ra đường bán tất cả những gì bán được trên thân thể mình. Nhưng ế. Minh Việt thương đưa về chỗ ở của mình. Cô thành vợ anh mà sau này Minh Việt lý giải anh có thể trở lại làm đàn ông khi thấy trên cơ thể đàn bà có mùi nước hoa rẻ tiền. Cô vợ sau cũng vậy và người đàn bà Khơ me luống tuổi ngày còn ở An Lạc cũng vậy. Thế rồi Minh Việt cũng có với người đàn bà kia. Nhưng đứa trẻ chẳng thể tồn tại vì cái thứ chất độc dioxin quái ác mà anh nhiễm phải. Minh Việt bỏ Sài Thành về An Lạc sống. Thế là xong một kiếp người. Một kiếp người vất vưởng chẳng an cư lạc nghiệp chút nào ở mảnh đất có cái tên An Lạc kia.
Xen giữa hai nhât vật chính là Nguyên Bình và con trai Minh Việt, Nguyễn Đình Tú có thêm hàng loạt nhân vật phụ khác. Có một điều rất lạ trong tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú đó là: anh rất thương những nhân vật phụ của anh. Cô Lý tự vẫn vì giữ thể diện cho bố khi chửa hoang. Cô Có con lai, không biết cha, không biết mẹ nhưng nông nàn yêu thương. Bà cả Ngật coi cô Mến mẹ của Minh Việt như con. Ong Mật rỗ ngày trước đấu trộm đuôi cướp khi giải phóng lao động hết mình, mạnh mẽ tính đực có năm bảy bà vợ mà chẳng để bà nào thiệt thòi. Bà Quản hội Con hoa xấu như quỷ, nhưng đôn hậu, không theo Chúa vào Nam vì bà không thể xa ông Mật rỗ có sức làm tình như trâu, không chỉ nhận nuôi con người vớ khác của ông Mật rỗ khi bà ấy chết, mà nuôi luôn cả Minh Việt khi mẹ chết và buộc Nguyên Bình phải nhận Minh Việt con mình về nuôi. Vợ Nguyên Bình lần đầu gặp Minh Việt thì căm ghét đứa con riêng của chồng, nhưng rồi sau đó lại thương Minh Việt như con đẻ. Anh hoạ sĩ Tịnh, vốn là con của bí thư đảng uý thị trấn, học nước ngoài về, tương lai rộng mở lại trở về quê làm nghề và thương một người đàn bà có chồng lấy Tây lai đã chết trong tù… Còn hai nhân vật chính của anh Nguyên Bình ( cha) và Minh Việt ( con) càng thể hiện sâu sắc thêm sự nhân hậu ở con người Anh Lạc. Bình Nguyên dám thả con của kẻ thù vì người đó là bạn của ông. Sai lầm vì hèn hạ, ông dám nhận và nuôi đứa con rơi của mình trong một tình thương rộng lớn. Còn Minh Việt, lúc nào anh cũng bị ám ảnh bởi những số phận hẩm hiu. Thương người con gái chửa hoang, thương đứa con lai cô độc, thương những người thân trong gia đình chịu vất vả, khốn khổ trong những ngày kinh tế đất nước còn khó khăn. Bán nước chè ở vỉa hè cũng gom tiền gửi về giúp bố, mợ nuôi em, thương cả người đàn bà thất cơ lỡ vận bán chôn nuôi miệng... Có lẽ Nguyễn Đình Tú muốn nói với bạn đọc một điều: Đất An Lạc là như vậy, cái thời ác như cha Phăng người Bồ Đào Nha, miệng đọc kinh, nói lời nhân đức, nhưng lại là người độc ác, tra tấn, chém giết man rợ những chiến sĩ Cách mạng đã qua. Còn lại ở An Lạc này dù ba chìm, bảy nổi, người An Lạc vẫn nhân hậu sống với nhau.
Nguyễn Đình Tú dành những trang thật xúc động để nói rõ ý tưởng của mình trong tiếu thuyết BÊN DÒNG SẦU DIỆN. Đó là những chương cuối. Chương dành cho đứa con gái bất hạnh của Minh Việt. Cái chết đến với nó dần dần. Nhưng chính trong những ngày chết dần, chết mòn ấy, nó đã làm nên những trang viết mà qua đó Nguyễn Đình Tú gửi gắm chính kiến của mình. Con bé ghi chép về cuộc sống của loài chó. Những con chó đồng hương thương quý nhau, quây quần bên nhau trong cái xom nghèo của mình. Kinh tế phát triển, có người giàu lên. Họ mang về đấy nhưng con chó Tây cao to và hợm mình. Lũ chó Tây cho mình cái quyền thống trị cái xóm nghèo kia. Chúng ỉa bậy, đái bậy và làm bẩn nguồn nước của lũ chó quê. Chúng cho mình cái quyền ăn hiếp những cón cho quê. Những con chó quê tự biết bảo vệ mình. Chúng tụ lại với nhau, bằng mưu kế, bằng ý chí quyết tiêu diệt lũ chó Tây nghênh ngang xâm lược kia. Những Vàng, Cún anh, Cún em, Lu, Ky, Mực, Quýt … bé nhỏ và gan dạ đã tiêu diệt được những Mi- lô, Giôn, Tô, những kẻ làm vẩn đục bầu trời bình yên của lũ chó. Chăm chút cho những trang viết này, Nguyễn Đình Tú đã thể hiện được ý tưởng của mình khi làm nên tác phẩm.
Nguyễn Đình Tú không viết tiểu thuyết theo lối phân tuyến để tạo ra tính kịch trong tác phẩm của mình. Anh chọn lối viết bám sát nhân vật, giống như kể chuyện về họ dùng thời cuộc để định hình tính cách nhân vật của mình. Là nhà văn quân đội, cũng viết về chiến tranh, nhưng anh không sa đà vào chuyện thắng thua mà dùng chiến tranh để đẩy đưa số phận nhân vật của mình. Chính vì vậy mà càng đọc thì càng thấy thấm. Những trang đầu không mấy ấn tượng, nhưng càng về cuối tiểu thuyết BÊN DÒNG SẦU DIỆN càng đằm thắm và xúc động.
Tôi nói thế này không biết có chính xác hay không, nhưng có cảm giác Nguyễn Đình Tú viết về vùng đất rất quen thuộc của mình, nếu không nói đấy là quê hương của anh. Anh có những trang mô tả thất sát thật chi tiết cảnh vật, con người ở thị trấn có tên Nét Mặt Sầu ngày xưa và An Lạc ngày nay. Đó là cái thế rất mạnh của Nguyễn Đình Tú, nhưng đồng thời đó cũng là cái mà Nguyễn Đình Tú cần biết đến sự chừng mực. Những đoạn anh chép lại cả một đoạn dài các kinh cấu của công giáo, mô tả kỹ lễ dâng hoa theo đúng bài bản là không cần thiết. Nó thể hiện anh rất am hiểu, nhưng nếu từ am hiểu ấy mà biến nó thành cảm xúc của người viết thì nó sẽ không thừa ra trong tiểu thuyết của mình.
Tôi có may mắn quen biết Nguyễn Đình Tú trong một lần dự trại viết do Buổi Phát thanh Quân đội nhân dân tại Hải Phòng. Nhưng trước đó, tôi đã đọc kha nhiều truyện ngắn của Nguyện Đình Tú. Đến hôm nay mới đọc cuốn tiểu thuyết đầu tiên của anh. Rất mừng, tôi đã đọc được một cách say sưa, chăm chú và viết ngay được bài viết này. Cảm nhận như thế đủ cho thấy BÊN DÒNG SẦU DIỆN của Nguyễn Đình Tú có sức nặng văn chương nhất định và tôi tin bạn đọc sẽ ưu ái với tác phẩm này của anh.
( Tây Ninh – ngày cuối tháng 10 năm 2007)
Thời gian của tiểu thuyết 25- 26 năm tính từ lúc mở đầu cuộc kháng chiến chín năm chống Pháp