Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.235
123.153.988
 
Bát xát cuối mùa mận chín
Phùng Phương Quý

Con đường rải đá dài gần 30 cây số từ Bản Vược vào Bản Xèo dốc kinh khủng. Chiếc xe Wave không hiểu bằng cách nào leo hết bao nhiêu là dốc để vào đến ba xã vùng sâu của Bát Xát. Tôi liên tục phải về số 2 nhưng máy vẫn kêu ằng ặc, lên dốc như rùa bò. Vào đến xã Bản Xèo thì máy nóng ran, khét lẹt. May quá! Qua khúc cua hình thước thợ của vách núi thẳng đứng đường bắt đầu đổ dốc. Trụ sở uỷ ban xã Bản Xèo xây hai tầng, ngói đỏ thẫm ngự ngay dưới kia, chỉ cần tắt máy, thả xe xuống dốc chừng 700m là tới.

  

Đang hoang mang vì trời sập tối và lo ngại quãng đường trở ra thị trấn Bát Xát thì anh Cù Duy Thiểm chủ tịch xã Bản Xèo cất lời mời. “Vào nhà mình nghỉ đêm cho tiện. Cơm rau muối với gia đình rồi mai hãy ra huyện.” Thật là buồn ngủ gặp chiếu manh. Ai dám từ chối lời mời đó chứ. Cơm nước xong, chị vợ anh Thiểm đem ra một đĩa mận chín đỏ, quả còn trắng mịn phấn. Mận cuối mùa, nên toàn quả bé. Mấy hôm trước chín rộ, mỗi cây hái được hàng tạ quả. Mận ròn tan trong miệng, vừa dôn dốt chua vừa ngọt, đàn ông còn thích ăn thế này huống hồ chị em phụ nữ. Thôi thì quả cuối mùa, quả đi mót, nhưng tấm lòng của chủ nhà thì thật cởi mở, hiếu khách. Có cảm giác mình đang được mời ăn trái mận đầu mùa thơm ngon.

   

Chúng tôi, hai anh em từ  dưới xuôi lên, muốn tìm hiểu chương trình giảm nghèo ở nông thôn miền núi tỉnh Lào Cai và huyện đầu tiên chúng tôi chọn là Bát Xát, cái tên mới nghe đã thấy toát lên vẻ bất khuất, kiên cường. Trước khi đi, anh Thức trưởng ban quản lí dự án giảm nghèo huyện đã cảnh báo trước, địa bàn huyện rất khó đi. Con đường độc đạo chạy vòng thúng quanh huyện dài đến 200km, từ Bản Vược qua Cốc Mì, Trịnh Tường, Nậm Chà lên A Mù Sung “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, rồi đến A Lù, Ngải Thầu, Y Tí…Sảng Ma Séo, Mường Hung, Bản Xèo …rồi về lại Bản Vược. Thế mà mới qua được Mường Vi vào Bản Xèo, ý chí của chúng tôi đã nản. Người ta bảo, muốn tìm hiểu xem các xã miền núi ở Bát Xát làm ăn thế nào phải vào đến Mường Hum hỏi thăm Lương Văn Cao chủ tịch xã, hoặc vào Dền Sáng hỏi Lý Kim Xiểu. Đó là hai vị chủ tịch xã rất có năng lực, biết cách dẫn dắt bà con các dân tộc làm kinh tế nông thôn. Nhưng chúng tôi mới chỉ đến được Bản Xèo. Anh Thiểm là người quê gốc Nam Định, cùng gia đình lên Bát Xát từ năm 1965, đi bộ đội chống Mĩ về rồi quyết định “cắm bản” làm cán bộ xã. Anh bảo vất vả lắm, nhưng dân tin, Đảng cần thì cố gắng làm thôi. Mấy người bạn đồng ngũ dưới xuôi, có thằng cũng làm chủ tịch xã, nhưng chỉ mấy năm là nó kiếm tiền tỉ, mình trên này khổ quá. Dân họ không quan trọng hoá chính quyền như dưới xuôi. “Quan có cần nhưng dân không vội. Quan có vội quan lội quan sang.” Rõ ràng là sinh con ra thì phải khai sinh, nhưng họ chẳng cần. Mình cần số liệu thống kê về dân số, đành phải đến nhà gọi nó đi khai sinh cho con mà nó còn chần chừ mãi không đi cho. Có lẽ cái “mô hình” quan xã tham nhũng không thể áp dụng được ở miền núi ?! Cứ như xã bản Xèo này thì thấy, có những 6 dân tộc chung sống mà toàn bà con H’Mông, Hà Nhì, Dao, Giáy…và bà con sẵn sàng làm cái chuyện “quan cần nhưng dân không vội…” thì quả là khó lắm thay. Xã Bản Xèo vẫn còn 149/348 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 40,2% thì quan muốn “tham” cũng không biết tham vào đâu.

  

Chủ tịch xã Bản Xèo tối ấy mời chúng tôi rượu đặc sản Sán Nùng, một thôn của xã có nghề nấu rượu nổi tiếng. Rượu sán Nùng ở đây uống thơm và ngọt, không găn gắt mùi thuốc như nơi khác. Anh Thiểm bảo rượu Sán Nùng ra khỏi xã Bản Xèo là không còn nguyên vẹn chất lượng nữa rồi. Rượu này uống điều độ rất tốt cho cơ thể, ngày nào anh cũng có một chai để uống và tiếp khách. Vừa rồi thôn Sán Nùng cũng được đầu tư 300 triệu xây bể chứa nước sạch cho 20 hộ, không biết nguồn nước sạch có làm tăng thêm độ ngon của rượu không? Nước suối ở đây không còn sạch lắm. Buổi tối hai anh em chúng tôi muốn tắm suối cho có hương vị núi rừng, nên đi mãi tới đoạn suối kín vắng chảy qua gần trường tiểu học. Rác công nghiệp, những vỏ bao ni lon đủ màu vương vãi hai bên bờ suối.

   

Trong tổng số vốn gần 30 triệu USD = 435,448tỉ đồng VN, đầu tư cho chương trình giảm nghèo ở tỉnh Lào Cai, huyện Bát Xát được chuyển giao 2708 triệu đồng xây dựng 159 mô hình trong 17 xã. Tuy vậy cho đến đầu năm 2007, vẫn còn 9 điểm chưa thực hiện xong và mới giải ngân được 2520 triệu đồng. Một số mô hình cho hiệu quả thấp như ghép chồi mận tam hoa, chăn nuôi gia cầm, cá tra, làm máy dệt thổ cẩm, máy thêu…tất cả do chuyện chính quyền bàn mà dân không nghe, nên “dễ trăm lần không dân cũng chịu…”

   

Ở xã Mường Vi, tình hình đời sống kinh tế có khá hơn, nhưng số hộ nghèo vẫn còn 11,8%. Mường Vi có tốc độ giảm nghèo khá nhanh, năm 2005 vẫn còn 226 hộ, năm 2006 còn 96 hộ và 2007 giảm xuống còn 51 hộ. Ông Phạm Văn Hoè, trưởng ban giảm nghèo của xã cho biết đồng vốn giảm nghèo đã có hiệu quả tích cực ở Mường Vi, một phần cũng do cách chỉ đạo khéo léo của chính quyền xã. Mường Vi tập trung có trọng điểm chứ không rải mành mành vốn giảm nghèo, cho những hộ có khả năng làm kinh tế để thoát nghèo và vươn lên làm giàu. “Có những hộ nghèo do lười lao động, lại hay ỷ nại vào nhà nước. Cho nó tấm lợp, xi măng để làm nhà, nó không chịu ra xã mang về, kêu mệt lắm, nhà nước có cho thì chở vào tận nơi!!! Có hộ cho vay tiền mua trâu, vừa được hai hôm liền bán trâu mua xe máy, đi xe không thạo ngã đau phải vào viện.” Lại có chuyện những người chăm chỉ lao động lên xã chất vấn chủ tịch Trần Văn Pho. “Tao suốt ngày lao động, chăn nuôi mà không dược cái bảo hiểm y tế. Nhà thằng Lý, con May lười lao động chỉ đi chơi và uống rượu thì được bảo hiểm người nghèo?” Thế nên tiêu chí nghèo ở Mường Vi đã phải điều chỉnh lại cho bà con các thôn bản bình xét. Cái kiểu nghèo do lười hiện nay cả xã còn đến 30 hộ, cần phải giáo dục giúp đỡ. Những hộ dám vươn lên thoát nghèo như Hoàng Văn Lừng, Hoàng Văn Hương ở thôn Ná Ẩn cần được biểu dương, hỗ trợ nhiều hơn. Như hộ Vàng Văn Sắm ở Đổng Căm chăn nuôi, sản xuất giỏi thì phải cấp thêm vỗn cho nó.

Hàng năm các thôn trưởng được cử đi tập huấn 10 ngày về cách điều hành dự án giám nghèo đều được xã lo cho tiền ăn, ở, đi lại. Y tá về bản trước đây chỉ được phụ cấp 40.000đồng /tháng, nay cũng điều chỉnh thêm cho hợp lí không họ bỏ việc. Cũng từ việc tuyên truyền, vận động dân tốt nên chương trình thuỷ lợi nội đồng ở Ná Ẳn và Ná Rin- Châu Tà, nhân dân đóng góp hơn 140 triệu đồng cùng nhà nước. Ngay cạnh trụ sở UBND xã Mường Vi, có một cơ sở chế biến lương thực mới được xây dựng. Đây cũng là cơ sở sản xuất do tư nhân kết hợp với một đơn vị nhà nước cùng làm, tương lai sẽ phát triển tốt.

   

Chợ Cấn Cấu họp phiên vào ngày thứ 7, tấp nập và ồn ào. Bên cạnh những chảo thắng cố khói bếp mù mịt, những quán phở, mèn mén, xôi nếp nương…hương rượu thơm nồng, là những dãy lù cở đầy mận tam hoa. Không mấy ai chú ý đến hàng mận. Bà con các dân tộc nặng nhọc cõng mận ra chợ và chờ người đến cân. Mấy chị nói được tiếng Kinh phân bua rằng mận rẻ quá, giá chỉ ba nghìn rưởi đến bốn nghìn một cân mà chẳng mấy người mua cho. Khách đường xa, khách nước ngoài, mỗi người chỉ mua một ít ăn chơi chứ không có lái buôn cân hàng tạ, hàng tấn chở xe về xuôi như trước. Hàng hoá chợ của đồng bào quanh đó mang về cũng chỉ là ít rau cải núi, bí ngô, ngô bắp, riêng bà con người H’Mông thì vẫn cắp nách con lợn, con gà hay dắt theo con chó. Những thứ này bán nhanh nhưng không được nhiều tiền, chỉ đủ cho bà con mua ít dầu, muối, tấm thắt lưng, còn thì sà vào quán thắng cố, quán mì, phở ăn một chút, uống nhiều nhiều rượu để rồi buổi chiều say sưa, ngất ngưởng ra về. Cả huyện Bát Xát, người ta hy vọng vào khu công nghiệp khai thác quặng đồng ở Mường Đô. Mỏ đồng này có trữ lượng “đứng thứ 2 thế giới” như lời giới thiệu của ông Trần Kiêm chủ tịch xã Bản Vược. Khu công nghiệp khai thác khóang sản này là thế mạnh trong tương lai của Bát Xát nói chung và xã Bản Vược nói riêng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã lên thăm mỏ đồng Mường Đô và nhà nước đã có kế hoạch phát triển lâu dài cho khu vực này. Có lẽ vì vậy mà Bản Vược không nằm trong số xã được hỗ trợ vốn giảm nghèo, nhưng cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi lại phát triển tốt. Xã có những công trình đầu tư khá lớn tiền của như trạm y tế xây năm 2005 tới 1,1 tỉ đồng. Xây kè suối chống sạt lở tới 1,7 tỉ đồng. Nếu như khách du lịch nước ngoài cứ đến giáp địa phận huyện Si Ma Cai, gặp cái biển xi măng bên phaỉ đường ghi bằng ba thứ chữ Việt-Trung-Anh “ Địa phận biên giới” là họ quay lại Bát Xát. Người nước ngoài ngại đến những khu vực nhạy cảm, dù tấm biển chỉ thông báo địa phận biên giới chứ chưa phải là cột mốc biên giới thì họ cũng quay lui. Thế là Bát Xát “chiếm” được khách. Nhưng để làm gì để tạo ra khu du lịch thương mại cho khách nước ngoài thì Bát Xát còn chưa định hình được, hoặc muốn đưa khách lên A Lù, Y Tí, Ngải Thầu thì con đường đất rải đá nhọc nhằn mà chúng tôi đi qua liệu có du khách nào dám đi không? Sáng hôm sau ngủ ở Bản Xèo dậy, định hành trình đi Mường Hum thì chiếc xe của tôi bị thủng săm bánh trước. Thật là lo lắng khi ở giữa khu vực không có một nơi sửa chữa xe nào. Một chị chủ quán tốt bụng bảo tôi cứ ngồi nghỉ, để chị nhờ người nhắn cậu Sơn sửa xe cuối con dốc mang đồ lên vá săm cho. Chờ đến nửa giờ thấy tin nhắn lên là cậu Sơn không có bơm tay nên không lên vá săm, bảo tôi cố thả dốc xuống quán. Đành nhắm mắt ngồi lên xe, chuệnh choạng xuống dốc. Tưởng gần mà cũng cả cây số mới tới, cũng may mà toàn xuôi dốc. Xe tôi phải hay săm mới, dầu máy cũng chỉ còn chưa đầy một chén. Cậu sửa xe bảo tôi liều thật, nếu không thủng săm ở đây, đi vài cây số nữa thế nào cũng bị “lột biên” xe. Hú hồn.

   

Cạnh chỗ sửa xe có lối vào động Mường Vi, một khu di tích lịch sử văn hoá được tỉnh xếp hạng. Cảnh quan ở đây cũng đẹp, nghe đâu đã có một doanh nghiệp xin thầu xây dung cơ sở hạ tầng để làm khu du lịch, nhưng rồi cũng “bỏ của chạy lấy người” vì dự án không khả thi. Đường xá như vậy, bố ai dám vào du lịch. Bởi vậy mới có chuyện Sở Văn Hoá-Thông tin bàn giao động Mường Vi cho Sở Du lịch-Thương maị, Sở Du lịch- Thương mại lại bàn giao cho…xã. Đến nay khu di tích lịch sử văn hoá này chỉ để cho các em học sinh đến chơi, vẽ, viết lung tung mà chưa phát huy được hiệu quả văn hoá, kinh tế. Nghe chủ tịch Trần Văn Pho nói ại thì tỉnh mới duyệt cho một suẩt hợp đồng bảo vệ ở động Mường Vi và chuyện phát triển du lịch ở đây vẫn còn là chuyện trong mơ.

   

Tôi lại nhớ đến anh Cù Duy Thiểm chủ tịch xã Bản Xèo khi anh nói về việc làm kinh tế vườn rừng của gia đình. Với 2ha vườn, anh trồng mận, trồng vải và một số cây khác. Mùa thu hoạch, mỗi gốc mận cũng được vài chục cân đến hàng tạ, nhưng bán thì chẳng được bao nhiêu. Nếu vải thiều Bắc Giang vụ vừa qua bán tại vườn được 400đồng một cân thì mận ở Bát Xát khéo cũng chỉ được nghìn đồng một cân nếu bán tại vườn. Thôi thì đem làm qùa cho bà con nội ngoại dưới quê, hay bạn bè ở Hà Nội. Họ thấy mình chơt hàng bao tải mận về thì xuýt xoa. “Mua chi nhiều cho tốn tiền” Chẳng lẽ lại bảo. “Của chẳng nặng bằng công.” Thế nên bài toán cho kinh tế miền núi ở Bát Xát cũng chưa thể thoát khỏi tình trạng chung của các huyện phát triển nông nghiệp khác. Con đường đi lên xoá đói giảm nghèo có nhiều lối lắm, mà muốn tìm ra lối thoát đích thực, phải bắt đầu bằng việc chú trọng tới đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

                                                                                                

Tháng 6/2007

Phùng Phương Quý
Số lần đọc: 2651
Ngày đăng: 30.10.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sẻ chia cho những phận người bất hạnh - Nguyễn Nguyên An
Ai về Quảng Trị Đông Hà…35 năm sau Mùa Hè Đỏ Lửa - Trần Kiêm Ðoàn
Vũ Hữu Định, rượu thơ trần thế - Trần Tuấn*
Một thoáng phù hoa - Trần Trung Sáng
Làng Vĩnh Tuy tôi 33% hộ nghèo ! - Vĩnh Nguyên
Tôi dành cho mình quyền được... không ổn định - Hữu Việt
Sao rơi - Nguyễn Thuỵ Nhã
Bứt bổi Bình Điền - Trần Kiêm Ðoàn
Trịnh Thanh Sơn - bé nhỏ và dịu dàng - Nguyễn Linh Khiếu
gặp gỡ ở vùng đất khát - Phùng Phương Quý