Một cuộc triển lãm điêu khắc lớn của các nghệ sĩ tên tuổi Tây Ban Nha đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật và sẽ kéo dài đến ngày 30-11. Sự kiện này do Viện Nghệ thuật hiện đại Valencia và Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Hà Nội tổ chức nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Tây Ban Nha.
Có lẽ từ rất lâu công chúng Hà Nội mới được thưởng thức một cuộc triển lãm điêu khắc qui mô và chuyên nghiệp như vậy. Hơn 100 tác phẩm gốc từ bộ sưu tập của Viện nghệ thuật hiện đại Valencia (IVAM) được trả bảo hiểm và chuyển tới bảo tàng Mỹ thuật VN, trưng bày trên 2 tầng gác nhà chuyên đề của bảo tàng.
Cuộc triển lãm này dành sự quan tâm đặc biệt cho tác phẩm của Julio Gonzales, vị cha đẻ của nền điêu khắc chất liệu sắt. Lịch sử mỹ thuật thế giới ghi nhận truyền thống điêu khắc hiện đại bắt đầu bằng Rodin và Julio Gonzales, để rồi được củng cố với Picasso và Matisse cho tới khi tìm thấy một con đường chắc chắn ở một số nghệ sĩ như Moore, Chillida, Calder hay Smith. Vậy là Hà Nội đang vinh dự tiếp đón một trong những bậc thày điêu khắc thế giới. Julio Gonzales sinh năm 1887 tại Barcelona và mất năm 1942 tại Paris. Ông lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề kim hoàn ở vùng Catalan. Julio đã học ở trường Mỹ thuật và câu lạc bộ nghệ thuật Sant Lluc và quen biết Picasso, Hugue, Rusinol, Torres Garcia,... Năm 1900 gia đình ông chuyển đến sống ở Paris và ở đó ông đã liên hệ với Picasso, và có quan hệ bạn bè với Modigliani, Brancusi, Max Jacob...
Năm 1910, những chiếc mặt nạ đầu tiên mang nét lập thể đã ra đời, khiến Julio Gonzales trở thành nghệ sĩ đầu tiên chọn con đường sử dụng sắt để thể hiện ý tưởng của mình. Tại triển lãm trưng bày nhiều mặt nạ bằng sắt cắt, uốn, hàn và rèn thời kỳ này của ông như mặt nạ ánh sáng và bóng tối, Mặt nạ Thép, Gương mặt Thanh xuân... Người phụ nữ ngồi đọc sách và Bóng khỏa thân là hai tác phẩm pha trộn giữa hiện thực và lập thể, rất đẹp và ấn tượng. Năm 1918, Gonzales học kỹ thuật hàn xì và dự định tiến hành điêu khắc bằng hình thức này, hình thức đã được ông sử dụng trong giai đoạn 1927-1931 khi ông quyết định rời bỏ hội họa. Gonzales đã đặt nền móng cho một nền điêu khắc mới bắt nguồn từ ý tưởng phá vỡ sự lệ thuộc vào khối lượng, thể tích và độ đặc, và như vậy chấp nhận không gian như một vật liệu mới. Nếu ngắm kỹ các tác phẩm của Julio Gonzales tại triển lãm người xem sẽ bị hút mắt vào những sáng tạo vừa giản dị vừa bác học, vừa ngẫu hứng vừa lý trí nơi con mắt nghệ sĩ chế ngự những đường cắt và những mối hàn.
Từ năm 1931, Gonzales bắt đầu cắt những tấm sắt để dần đi vào không gian ba chiều khi ông nghiên cứu về giá trị của khoảng không như trong tác phẩm Cái đầu được gọi là Đường hầm, đồng thời ông cũng vẽ trong khoảng không và tạo ra những hình khỏe khoắn và năng động. Từ năm 1927 ông cộng tác với Picasso trong việc dàn dựng các tác phẩm bằng sắt hàn và dao động giữa trừu tượng mà không làm mất đi những hình tượng. Những hình tượng Người phụ nữ ngồi, Người ngồi tựa đầu, Người đứng, Đầu thân dài, Venus,... là những khối điêu khắc bằng đồng thiếc và sắt rèn thoạt nhìn tưởng như những khối hình trừu tượng, nhưng ngắm kỹ người xem đều nhận ra hình tượng nhân vật mà tác giả sáng tạo nên. Julio Gonzales đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc đi tiên phong không chỉ trong việc sử dụng các loại vật liệu mà còn trong việc tạo ra một nền mỹ học cách tân, phi vật chất hóa hình dáng mà vẫn không tách rời hoàn toàn các chủ đề và trục điêu khắc truyền thống.
Bên cạnh khoảng hơn 70 tác phẩm của Julio Gonzales tại triển lãm Sự kỳ ảo của những người thợ rèn, còn có những tác phẩm của ba môn đệ của ông là Andreu Alfaro, Martin Chirino và Miquel Navarro. Cuộc triển lãm cho thấy sự ảnh hưởng của Julio Gonzales đối với các thế hệ nghệ sĩ điêu khắc Tây Ban Nha tiếp theo. Andreu Alfaro (sinh năm 1929), thích áp dụng những kiến thức hình học của mình để tạo nên những tác phẩm trừu tượng đầy sức hút bởi những thanh sắt mảnh kết hợp khối liền. Những tác phẩm đầy sắc thái kết hợp với mô đun, với loạt tác phẩm, với ánh sáng và màu sắc. Martin Chirino (1925) được biết tới với những tác phẩm làm người ta liên tưởng tới khoảng không và các môn khoa học tự nhiên. Ông được đánh giá là một nghệ sĩ điêu luyện trong nghệ thuật rèn sắt. Đối với Miquel Navarro (1945), thế giới tự nhiên là một nguồn cảm hứng, các tác phẩm của ông đi sâu vào cấu trúc của mọi vật. Các thành phố của ông đưa ta đến với những câu chuyện không tưởng.
Biến đổi chất sắt cứng, thô nhám, thành những hình tượng, biến kim loại thành thơ, những dáng hình thành ý tưởng, các nghệ sĩ điêu khắc lớn của Tây Ban Nha đã minh chứng cho quyền năng của sáng tạo nghệ thuật: mang lại sự đồng cảm và tình yêu cái đẹp đến mọi người trên trái đất.