Rét Đại Hàn .
Ngoài đê Lục Đầu Giang, trên các ngọn cỏ may , cỏ cao thế mà cũng còn dày đặc sương muối , Ai mà đụng chân vào thì tê buốt cả khớp chân . Tưởng như rụng từ mắt cá chân trở xuống bàn chân.
Mùa này cau đắt lắm. Cưới xin đang rộ . Lại sắp Tết Nguyên Đán. Cánh buôn trầu cau đi lùng sục từng vườn để tích trữ cau cho Tết. Họ thuộc lòng từng cây cau của mỗi gia đình Xóm Bờ Sông này.
Nhưng quái cái là giống cau ở đây thì cao ngồng lên vượt nóc nhà , nóc bếp và bờ đê.Chỉ có trẻ con gan lỳ mới dám trèo lên bẻ cau.
Năm trước có đứa trẻ con nhà họ Vũ trèo lên hái cau, ngã lộn cổ xuống, mưay phúc cho nhà này, ngã đúng vào đống rơm. Thằng bé chỉ ngất đi rồi tỉnh.
Thế là năm sau cả cái Xóm Bến Sông này chết khiếp để cau chín vàng rụng đầy gốc. Mỗi cây cau là đống tiền đấy , cây thấp thì còn buộc liềm vào cái sào tre , rồi giật buồng cau xuống , còn cây cao vút , nghĩ thằng cu họ Vũ ngã . Ai chẳng rùng mình.Người sống là đống vàng.
Hôm nay rét quá , cu Sướng vẫn nằm co ro trong cái ổ rơm ở góc Nhà Bia của Đình làng. Nhà Bia có mái che . Phía Đông là hai cây đa cổ thụ. Quanh Đình là những hàng nhãn cổ thụ . Nên cũng khuất gió .
Cu Sướng , tên của Hắn. Đúng ra nó chẳng có tên tuổi gì cả. Nó một thằng điên , mất trí lạc đến xóm Bờ Sông này. Dân nghèo khổ quen mồm quen miệng rồi đặt cho nó cái tên là Cu Sướng.
Cô Lái Cau mồm nhai trầu , tay còn xỉa thuốc lào vào tận răng hàm, hàm răng ăn trầu thuốc của Cô , đen nhức. Cô tay chống nạnh đá chân trái , đúng ra là dùng ngón chân cái cù vào người của Sướng , Cu Sướng ngọ nguậy:
- Dậy đi nào, hôm nay trèo hái cau cho Cô , Cô cho tiền đây này!
Rồi Cô chìa cho Cu Sướng nắm xôi lạc còn bốc hơi nóng hổi.
Cu Sướng dụi mắt , hau háu nhìn vào gói xôi bốc khói, đón lấy gói xôi nóng hổi.Cu ngồi xổm dậy trong ổ rơm của mình.
Đón nắm xôi từ tay Cô, như giật lấy. Nó như nuốt chửng gói xôi, phồng mưang trợn mắt. Loáng một cái đã nuốt hết nắm xôi của Cô Buôn Cau. Liếm mép , xem chừng chả thấm tháp gì. Đêm qua lạnh thế , ngấm vào da thịt Cu Sướng , nên thấy đói cào cấu cả ruột gan.
Cô lái Cau ngon ngọt:
- Nào ngoan nào , trèo cau cho Cô , trưa nay , Cô lại cho ăn cơm ...
Nói đến ăn, Cu Sướng tỉnh táo hẳn.
Nó vươn vai đứng dậy. 17 tuổi rồi , so với lứa tuổi nó thì nó hơi gầy gò . Nhưng nhờ trời ở cái tuồi " bẻ gẫy sừng trâu" , nên gân cơ của nó cũng vững chắc lắm.
Nó thất thểu theo Cô Lái Cau đi vào vườn nhà Cụ Đỗ . Nay là vườn nhiều cau nhất Xóm Bờ Sông. Hàng chục cây cau quả sai chíu chít. Nhà cụ neo người, con cháu đều đi thuyền đò dọc. Tiền nong bán cau với nhà cụ không bức thiết lắm . Thuyền bè qua đây nhìn hàng cau vút lên mặt đê , như những hàng lính tiêu binh nghiêm trang thẳng hàng tăm tắp.
Cô Lái Cau mau mắn:
- Thưa hai cụ , cháu đến xin mua cau của hai cụ đây ạ!
- Nhưng tôi già cả thế này thì trèo làm sao được - Cụ Đỗ chống gậy đi ra sân đón khách, nhẹ nhàng trả lời.
- Cháu đã nhờ thằng Cu Sướng trèo giúp đây ạ!
- Trời ơi, nó dở người như thế, nhỡ nó ngã xuống như thằng cu họ Vũ thì tội nghiệp!
Những cây thấp với Cu Sướng thì dễ ăn quá, loáng một cái những cây cau thấp đã bị Cu Sướng vặt xong.
- Thôi cho nó thở đã. Cụ bà bưng rổ khoai luộc ra mời Cô Lái Cau và Cu Sướng .
Cu Sướng ăn liền cả vỏ, ăn cả những sợi tơ ở vỏ. Chú ăn ngon lành không khách sáo.
Cụ ông rót mấy bát nước vối:
- Này ăn từ từ thôi không nghẹn, uống nước đi đã.
Cu Sướng ngoan ngoãn nâng bát nước vối uống ừng ực. Nước vối bốc khói thế mà nó nuống như uống nước mưa. "Mồm miệng răng lợi của nó không chín nhũn ra à",Cụ Đỗ nghĩ mà thương.
Các cây cao, Cu Sướng cứ leo thoăn thoắt , dùng liềm cắt cả buồng , rồi buộc vào dây thừng ,nó quặt hai chân thật chặt vào cây cau , thả buồng cau xuống cho Cô Lái Cau .
Vườn cau Cụ Đỗ, nhờ Cu Sướng trèo giúp nên đã tận thu.
Hai cụ thở phào nhẹ nhõm, sau khi Cu Sướng chạm gốc cây cau cuối cùng ở gần bể nước mưa ở phía Bắc nhà.
Sau khi nhận tiền cau, ông bà còn trút cả rổ khoai luộc vào vạt áo cho Cu Sướng. Thế là cái đói cồn cào của nó ngày hôm nay đã hết.
Cô Lái Cau nhờ Cu Sướng, nên cả cái vùng Lục Đầu Giang này, cây cau nào cao nhất đều có bóng dáng hai người cập kè bên nhau.
Suốt dọc bờ đê này, nếu thấy Cô Lái Cau đi kèm với Cu Sướng, lúc kẻ trước, lúc người sau, lúc sớm, lúc khuya , là dân vùng này biết ngay đôi này lại đi mua cau ở những nhà có những cây cau cao ngồng vượt nóc nhà, vượt nóc bếp và vượt cả bờ đê.
+
+ +
Cu Sướng cần cho những nhà trồng cau và cũng cần cho những người buôn cau. Và Cu Sướng còn cần cho mọi nhà. Có con chuột chết , có con chó chết , có con mèo chết thậm chí có con lợn bị bệnh nghệ chết, nhà nhà đều nhờ Cu Sướng cầm tay không " thuỷ táng " chúng sinh tội nghiệp , hoá kiếp cho chúng sinh này, Cu Sướng ném tõm xuống sông Lục Đầu.
Việc gì bẩn thỉu nhất ở xóm Bờ Sông này, đều có mặt của Cu Sướng.
Thậm chí việc thiêng liêng như bốc mộ , người ta cũng nhờ Cu Sướng. Được cái khoản bốc mộ thì Cu Sướng làm cẩn thận nhất vùng. Gia chủ nhờ không sợ sót chiếc răng nào hoặc đốt ngón chân ngón tay nào. Hoặc giả gia chủ sợ mang tiếng với làng xóm tự bốc mả lấy , nhưng dù xong rồi , trước khi lấp đất hoàn thổ chỗ mộ cũ , gia chủ vẫn nhờ Cu Sướng xuống " lần mò" xem còn sót cái gì không. Có hôm Cu Sướng còn mò đựơc cả cái rằng vàng , chủ nhà hàm ơn lắm. Nếu không các cụ đau răng báo mộng về lại đòi răng thì biết đâu mà tìm .
Do vậy Cu Sướng lại nổi tiếng ở vùng Lục Đầu Giang về khoản bốc mộ.
Và thế là cái ăn của Cu Sướng đâu có thiếu, nhất là vào mùa khô giáp Tết, rét như cắt gân, Cu Sướng cũng không quản ngại từ gà gáy đã bì bõm lội bốc mộ . Rét " co cả vòi " lại . rét quá Cu Sướng cũng chỉ dám xin chập 2-3 miếng trầu vào nhai , nuốt ực cả nước vôi , nóng rực hoa cả mắt, lại bì bõm mò từng đốt xương tay ...
Cũng lạ tiếp xúc với bẩn thỉu thế, cả "thuỷ táng "chuột chết thế ,mà nó vẫn cứ khoẻ như thường. Ai cũng sợ nhiếm dịch hạch, nó thì chẳng biết sợ là gì.
Nó thì không bị đói , vì khẩu truyền Xóm Bờ Sông này phái có người ngớ ngẩn lưu trú thì nó gánh cho cả Xóm mọi tai ách bệnh tật. Do vậy cả Xóm cứ nhòm nhau mà nuôi nó . Nhà này nuôi hôm nay thì nhà khác nuôi ngày mai. Nhưng nhìn cảnh nó bới đống lá bánh chưng ở chợ nó liếm, nó mút mát. Thì ai cũng rùng mình. Nhưng nó bụng dạ chẳng làm sao cả. Người thường mà ăn rác chợ thì " Tào Tháo " đuổi cho không kịp ngáp.
Cu Sướng đúng là mình đồng da sắt !
+
+ +
Nhiều đêm Cu Sướng thất thểu đầu làng cuối xóm. Bọm trộm vặt con gà con qué thấy bóng Cu Sướng từ xa là mất vía. Chó cả làng quen mùi của Cu Sướng , đêm mà thấy bóng Cu Sướng chỉ ử nhè nhẹ rồi vẫy đuôi. Nhờ thế dù Xóm Bờ Sông thuận lợi cho bọm trộm cắp , thế mà nhờ vía Cu Sướng, trộm cắp bạt hết sang các xóm khác.
Xóm này, một năm có hàng chục cái giỗ, đám ma , đám cưới . Cu Sướng đều là khách danh dự. Nếu hôm ấy mà có nhiều đám, Cu Sướng cũng hóm ra phết, nó đi ăn cỗ đám ma, chứ không đi dự cỗ đám cưới. Không biết ai dạy nó , hay từ trong tiềm thức nhắc nó " nghĩa tử là nghĩa tận". Nhưng gia chủ có đám cưới vẫn không quên mang phần đến cho nó . Nhà nó ngủ là Nhà Bia ở Đình. Nếu sợ chó ăn mất , ai cũng biết ý phần cỗ của Cu Sướng cứ để lên đỉnh cái bia cao nhất.
+
+ +
Đêm nay sau Đại Hàn vẫn lạnh lắm .
Cu Sướng chui vào cái bao tải đay rộng thùng thình, ổ rơm mới dày dặn thơm tho .
Chả là chiều qua Cô Lái Cau đã bốc hết ổ rơm đầy chấy rận của Cu Sướng ra giữa sân đình đốt đi, cô đốt hết quần áo tả tơi của nó. Nhờ ông cắt tóc ở gốc cây găng ở phía bờ sông cạo tóc đầu nhẵn thín cho sạch chấy. Tắm xong sạch sẽ ,Cô còn mua cho Cu Sướng bộ quần áo mới.
Mùa cau năm sau không thấy , Cô Lái Cau đến mua ,mà là một bà lão Lái Cau lưng đã hơi còng. Bà vẫn lại phải nhờ đến Cu Sướng đến vườn cau nhà Cụ Đỗ.
Nghe đâu Cô Lái Cau bận sinh con trai ở trên mạn ngược. Cánh chân sào nói như đinh đóng cột rằng gặp cô ấy ở mạn thượng nguồn Sông Minh Đức. Tay đò ngang ở Xóm Bến Sông ác khẩu ghen với Sướng còn đặt điều tung tin với khách qua sông : " Con trai cô Lái Cau trông giống Cu Sướng lắm".
Xóm Bờ Sông nếu thiếu Cu Sướng và Cô Lái Cau thì buồn xiết bao!