Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.079
123.164.964
 
Sách văn học có cần PR?
Mễ Thành Thuận

Nếu ca nhạc, phim ảnh... luôn được khuấy động với các chiến dịch PR (quảng bá) rầm rộ, thì sách văn học có phần bình lặng. Phải chăng, “yên lặng giấu mình sau trang sách” là bản chất của nhà văn hay chỉ vì họ chưa tìm ra phương cách PR cho tác phẩm? Chúng tôi trao đổi với một số nhà văn, nhà thơ trẻ TPHCM về đề tài này

 

.Nhà văn Trang Hạ ở Hà Nội đã nói rất nhiều về công việc PR cho sách của chị. Nhưng tôi ít nghe các nhà văn phía Nam đề cập đến việc PR cho tác phẩm của mình...?

 

- Nhà văn Phan Hồn Nhiên: Hầu hết các nhà xuất bản năng động hiện nay đều có bộ phận PR. Biết thế, nhà văn nói chung có tâm lý phó thác công việc quảng bá đứa con của mình cho nhà xuất bản. Tuy nhiên, nếu nhà văn muốn đạt được mục đích như tiếng vang cho tác phẩm, có nhiều độc giả v.v... thì nhà văn phải thay đổi nếp nghĩ. “Hữu xạ tự nhiên hương” không còn là “chân lý” một trăm phần trăm trong một cuộc sống có quá nhiều thông tin và khiến người ta rất mau quên như hiện nay, đặc biệt là ở thành phố này. Nhà văn nếu thật sự mong muốn thì sẽ có cách để đạt mục đích. Kênh thông tin để tiếp thị tác phẩm, tạo dư luận cho tác phẩm đến với độc giả quan trọng nhất vẫn là báo chí, truyền thanh và truyền hình. Rồi blog, website cũng là công cụ hữu hiệu.

 

- Nhà văn Nguyễn Danh Lam: Đúng là các nhà văn ở TPHCM có phần “lủi thủi”. Ra Bắc, không khí văn chương rõ ràng dặt dìu hơn. Ở trong này, chúng tôi thậm chí mấy năm chẳng gặp mặt nhau, chơi thân cũng hiếm, bồ bịch càng hiếm, chửi nhau là việc động trời, mà có ai đó đột nhiên đi chửi người ta là anh em xung quanh dạt hết sang bên như sợ bị dính đá cục! Dù hằng đêm vẫn viết, sách vẫn ra đều, nhiều cuốn chất lượng cao. Ví dụ như năm rồi có những cuốn theo tôi là rất xứng đáng để... nổi tiếng, như Khu vườn lưu lạc (Nguyễn Vĩnh Nguyên), Sự trở lại của vết xước (Trần Nhã Thụy), Tội lỗi hồn nhiên (Tiến Đạt)... Ấy thế mà tôi hỏi một số tác giả, thì ngay cả đến việc tặng sách cho các nhà báo điểm sách họ còn... làm biếng! Chẳng biết tại sao!? Hay nhìn trên bề mặt các giải thưởng, những tác phẩm tạo dư luận, văn học phía Nam đâu kém phía Bắc, nếu không muốn nói là đang có dấu hiệu dịch chuyển dần về phía Nam.

 

- Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: Bây giờ PR đã là một nghề rồi. Muốn PR tác phẩm cũng phải trang bị được khả năng của một nhà kinh doanh biết quảng bá sản phẩm. Tôi vài ba lần vò tai bóp trán tìm cách PR tác phẩm cá nhân và bất lực nhận ra mình không phải ba đầu sáu tay để vừa làm người sáng tác vừa làm chuyên gia PR! Chấp chới giữa những ý tưởng PR tuyệt vọng, tôi rút kinh nghiệm nhỏ nhoi: nếu không sử dụng được chiêu thức PR như một công nghệ thì múa mép khua môi sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ. Lúc ấy, không những tác phẩm không bán được mà thân phận văn chương cũng tội nghiệp lắm!

 

. Tác phẩm Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư được Báo Tuổi Trẻ đăng nhiều kỳ, chính vì thế đã giúp cho tác giả được độc giả biết đến nhiều hơn và đón mua sách nhiều hơn. Anh chị có mong đợi một “cú hích” như thế ?

 

- Phan Hồn Nhiên: Nếu nói “không thèm, không mong đợi”, chắc chắn là không thành thật.

 

- Nguyễn Danh Lam: Cái PR giá trị nhất cho Nguyễn Ngọc Tư chính là... Cánh đồng bất tận. Tôi tin, nếu chẳng phải là Cánh đồng bất tận thì Báo Tuổi Trẻ sẽ chẳng đăng nó dài kỳ làm gì. Nếu ai đó đặt vấn đề với tôi về một cách PR tương tự cho tác phẩm của tôi, phản ứng đầu tiên của tôi chắc chắn là... hoảng hốt. Nhưng nếu tôi đưa thử bản thảo cho năm bảy người bạn đọc, ai cũng khen, ai cũng bảo, cuốn này ngon đó, tao khen thực lòng! Lúc ấy, nếu có một lời đề nghị PR rầm rộ, tôi sẽ... khoán trắng cho họ và bảo rằng: Đó, ông cầm về đi, muốn làm gì với nó thì làm!

 

- Lê Thiếu Nhơn: Thật vinh dự to lớn nếu “cú hích” kia một hôm đẹp trời nào đó tìm đến với tôi. Không thể dối gạt lòng mình, tôi nằm mơ cũng cầu mong các tờ báo phát hành rộng rãi giới thiệu đôi dòng ngắn ngủi cho tập thơ mới in của mình. Ngậm ngùi thay, chờ đợi mãi mà sự ban ơn chẳng xuất hiện, nên năm ngoái tôi đành tự quảng cáo thơ mình trên mạng! Hú hồn, sự gắng gượng cuối cùng của tôi cũng giúp mấy chục tập thơ Trong bóng người xưa đến tay người đọc, và sau đó được tặng thưởng Hội Nhà văn TPHCM.

 

. Có nhà văn cho rằng tác phẩm đến với người đọc chính là nhờ vào chất lượng tác phẩm. Và ông không chấp nhận bất cứ hình thức PR nào cho tác phẩm của ông, kể cả việc đặt tựa kêu... Nghĩ như vậy có còn phù hợp với thời hiện tại?

 

- Phan Hồn Nhiên: Một khi đã đặt sách ra nhà sách để bán, thì bất kỳ một quyển sách nào cũng là một vật phẩm kinh doanh. Đã kinh doanh, thì phải tuân thủ quy luật của nó. Chắc chắn, chất lượng vẫn là điều kiện then chốt của tác phẩm. Nếu bạn không có hoặc không biết PR trong khi thực hiện tác phẩm, thì hãy để cho người có khả năng trong lĩnh vực này hỗ trợ. Nhưng nếu khăng khăng “không chấp nhận hình thức PR nào” thì quả là suy nghĩ... kỳ dị. Vấn đề ở đây không phải là PR hay không, mà là PR như thế nào để đúng là quảng bá sản phẩm văn hóa, truyền đạt chính xác thông điệp và tôn lên giá trị tác phẩm.

 

- Nguyễn Danh Lam: Xin lỗi, tôi cho rằng đây là một phát biểu “gàn”. Cái mà chúng ta nên hướng tới đó là sự chuyên nghiệp, ai làm việc đó. Nhà văn cũng như cầu thủ, ca sĩ, hay diễn viên... phải có người đại diện. Thậm chí xung quanh một nhân vật như thế là cả một ê -kíp, từ việc in ấn cho đến ký kết bản quyền, giao dịch, PR, đòi nợ, kiện tụng... Nếu một nhà văn không có tác phẩm đủ thu hút, dẫn đến việc hình thành một ê- kíp như thế thì nhà văn ấy khỏi bước vào thị trường văn chương.

 

- Lê Thiếu Nhơn: Dĩ nhiên, đó là một quan niệm lạc hậu và có phần ích kỷ. Dẫu rằng, trong nhịp sống hiện đại, văn chương nhằm tôn vinh những giá trị đạo đức mới và thiết lập những giá trị thăng hoa mới, nhưng văn chương không có quyền đi ngược lại sự vận hành của xã hội tiêu dùng. Nếu một cuốn sách ra đời, chỉ để tác giả và bạn bè tác giả đọc với nhau, vui sướng và hãnh diện với nhau thì đã là một niềm hạnh phúc. Thế nhưng, cái hạnh phúc bé bỏng ấy trực tiếp mang lại hai tai họa: người đọc bị tước đoạt cơ hội tiếp cận tác phẩm và đơn vị đầu tư xuất bản bị đứt vốn!

Mễ Thành Thuận
Số lần đọc: 2522
Ngày đăng: 12.11.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Số Mạng sứ Mạng chữ trên mạng - Vũ Trọng Quang
Trần Thanh Địch và bốn anh em vượt tuyến - Nguyễn Quỳnh
Kỷ niệm 15 năm ngày mất của nhà thơ Quang Dũng (14/10/1988 – 14/10/2003) - Nguyễn Thành Nhân
Vài nét về nữ văn sĩ người Anh vừa đoạt giải Nobel Văn học 2007 - Nguyễn Đại Phượng
Tác giả Người mẹ Bàn Cờ bây giờ ra sao? - Trần Hoàng Nhân
Trịnh Thanh Sơn - người thơ về cõi vĩnh hằng - Chu Thị Thơm
Rồng trong quan niệm Phương Đông và Phương Tây - Bùi Thị Thanh Mai
Giữ cây Ô-liu mãi tươi xanh trong tâm hồn? - Inrasara
Ðiều Kiện Hậu Hiện Đại: Bản Tường Trình Về Tri Thức - Jean-François Lyotard
Mắt xanh trong quản lý văn học nghệ thuật - Lê Đạt
Cùng một tác giả