Một danh nhân người Pháp nói: "Ở một nhà văn, ước vọng là hiện thân của tính khí thực, bị dồn ép không được quyền phát triển." Căn cứ vào nguyên tắc ấy, ta thử xem xét cái mộng Từ Hải của Nguyễn Du đã tố giác những yếu tố nào của tính khí Nguyễn Du - Đại thi hào.
Từ Hải có lẽ là nhân vật Nguyễn Du yêu thích nhất trong tieu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.
Nguyên Từ Hải trong lịch sử trung Quốc chỉ là một tên giặt bể. Theo sách Ngu-Sơ Tân Chí của Dư Hòai thì Từ Hải rủ bọn ngụy nô vào cướp đất Giang Nam vào năm Gia tỉnh triều Minh. Trong lúc kéo quân vào Giang Nam, Từ Hải có bắt được mấy người con hát trong đó có Thúy Kiều. Thúy Kiều là một người con gái đẹp, đàn giỏi hát hay. Từ Hải yêu Kiều và lấy làm vợ. Sau vì muốn về quê nhà nên Kiều xúi Từ Hải ra hàngquân Triều đình. Bị mắt mưu Hà Tôn Hiến, Từ chết giữa trận tiền. Kiều không bằng lòng lấy HàTôn Hiến nên tự tử ở sông Tiền đường.Còn một vài truyền thuyết khác, nhưng nhìn chung đều xem Từ Hải là một tên giặc làm loạn.
Dưới ngọn bút của Thanh Tâm Tài Nhân, Từ Hải đã biến ra vị anh hùng hào kiệt tài hoa , đương đầu với triều đình nhà Minh. Cốt cách là bậc trượng phu cái thế mà tâm hồn lại đa tình như một thi nhân. Khi đọc được Kim-Vân- Kiều truyện, Nguyễn Du có tình cảm ngay với viên danh tướng phong tình Từ Hải. Đã có một thời gian chìm nổi, Nguyễn Du cũng muốn sống một tình yêu cuồng phóng như thế. Nên đến lượt mình, Đại thi hào Nguyễn Du đã xây dựng hình tượng Từ Hải lên một bước mới, một vị anh hùng trong tưởng tượng, thể hiện nguyện vọng thầm kín của mình. Vị anh hùng ấy, ngòai thói đa tình kia lại còn hai đức tính đặc biệt khác nữa là, lòng kiên hãnh, chí độc lập ngang tàng. Không ai có thể tự phụ và kiên hãnh hơn được Từ Hải trong truyện Kiều. Tính tự phụ thái quá nầy do đức tự tin thái quá sinh ra. Từ Hải sớm biết mình là vị anh hùng ngay từ lúc còn trong bước phong trần. Từ tin rằng thế nào mình cũng thắng trong cuộc chiến với triều đình, cho nên cái ý thức của Từ Hải về tài năng và vận mệnh mình rất là phong phú, sáng sủa.
Lúc gặp Thúy Kiều lần đầu, Từ Hải đem ngay cái tự phụ của mình đối chọi với cái tự phụ của người kỹ nữ, vốn nổi tiếng là hay bắt bậc làm cao trong việc "chọn đá thử vàng".
Lời mở đầu câu chuyện của Từ với Kiều mạnh và sắc như một mũi kiếm bậc thầy đâm thẳng vào họng đối phương:
Từ rằng tâm phúc tướng cờ
Phải người trăng gió vật vờ hay sao?
Bấy lâu nghe tiếng má đào
Mắt xanh chẳng để ai vào đó không?
Một đời được mấy anh hùng
Bỏ cho cá chậu chim lồng mà chơi.
Rõ là khẩu khí của một người hiểu rõ mình, Kiều đáp:
Thưa rằng lượng cả bao dung
Tấn Dương được thấy mây rồng có phen
Kiều có ngụ ý mong mỏi và tin tưởng Từ Hải sẽ được hiền hách như Đường Cao Tổ hưng vương ở Tấn Dương.
Từ Hải hòan tòan là hiện thân của tính kiêu hãnh. Nhưng đây là thứ kiêu hãnh xứng đáng, đang hòang, thứ kiêu hãnh của những người tự tạo ra cuộc đời hiển hách của mình, thứ kiêu hãnh giúp con người vượt lên ý tưởng " túi cơm giá áo". Thứ kiêu hãnh giúp cho tính thần vượt lên những "bụi bặm" của cuộc đời ô trọc.
Không phảiTừ Hải chỉ tự phụ lúc chưa hiển đạt, không phải Từ Hải chỉ kiêu hãnh lúc thành công, Từ Hải còn kiêu hãnh cả lúc nguy biến, lúc sa cơ, lúc chết:
Tử sinh liều ở trận tiền
Dạn dày cho biết gan lì tướng quân
...Khí thiêng khi đã về thần
Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng
Trơ như đá, vững như đồng
Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời
Từ Hải thất bại nhưng đã chiến đấu. Từ Hải chết nhưng chết đứng - chết với lòng kiêu hãnh khôn cùng. Chết mà vinh hơn kẻ thành công mà nhục. " Từ Hải chết đứng" là một pho tượng hào hùng tiết ra một luồng sáng vụt ngang mày kẻ phản trắc. Cái chết gan lì của kẻ anh hùng chiến đấu đến phút cuối cùng, cái chết yên lặng không một tiếng kêu, không một giọt lệ, không một cái thở dài. Cái chết phi thường ấy là sự kết liễu tất nhiên của một con người có tâm hồn đầy dũng khí, đầy tin tưởng, đầy thành thật. Cái chết đứng của Từ Hải là một lời nguyền rủa ngàn đời ném vào mặt những kẻ sống bằng lừa lọc, bằng mưu mô xảo trá.
Từ Hải là một tượng trưng rất trong trẻo của tính đa cảm, của đức tự tin của lòng kiêu hãnh tuyệt đối. Có thể nói suốt cả truyện Kiều, Nguyễn Du miêu tả các nhân vật, không ai đẹp bằng Từ Hải, dễ quyến rũ bằng Từ hải. Từ Hải tự phụ mà ta kính yêu, Từ Hải kiêu ngạo mà ta mến phục. Lâm vào cái chết đáng thương mà ta không được phép thương, mắc vào lưới mưu kẻ thù mà ta không được phép chê. Vì thử hỏi trong chúng ta, đã dễ mấy ai tự phụ được chết như Từ Hải?!...Đó là cái chết vì "tình yêu". Hãy đọc kỹ mà thấy, trong ái tình, trong sự nghiệp, trong biến cố, Từ Hải lúc nào cũng thẳng thắn hồn nhiên như một sức sống thuần túy giữa trời đất.
Được như vậy là bởi Từ Hải có một đặc tính mà không phải bất kỳ ai cũng có được. Đó là chí độc lập ngang tàng. Bình sinh Từ Hải vẫn không chịu được sự khuất phục:
Giang hồ quen thói vẫy vùng
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo
Tính độc lập của Từ Hải chỉ có thể thua một sức mạnh tinh thần khác cũng ở trong tâm hồn. Sức mạnh ấy là ái tình.
Từ Hải chết có phải mắc mưu Hồ Tôn Hiến đâu. Từ Hải chết vì quá yêu Thúy Kiều, quá tin Thúy Kiều. Từ Hải chết vì cái say sưa của trái tim mình. Từ Hải chết vì tình. Chí độc lập của Từ Hải chỉ có thể siêu đổ được vì ... tình. Lúc chết đứng giữa trận tiền, cái chân cứng đờ của Từ Hải cũng chỉ ngã xuống vì tình. Cái thân mà " ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời" đó chỉ rơi xuống vì tiếng khóc của Kiều mà thôi.
Khóc rằng: " trí dũng có thừa
Bởi nghe lời thiếp đến cơ hội nầy
Mặt nào trông thấy nhau đây
Thà liều sống chết một ngày với nhau"
... Lạ thay! oan khí tương triền
Nàng vừa phục xuống, Từ liền ngã ra
Chí ngang tàng, lòng kiêu hãnh, tình yêu say đắm đó là ba tính cách nền tảng của tâm hồn Từ Hải. Đó cũng là ba tính cách nền tảng của tâm hồn thi sĩ Nguyễn Du. Có điều ở nguyễn Du, ba tính cách ấy không được phát triển dồi dào như ở Từ Hải. Ở nguyễn Du ba tính cách ấy bị kiềm chế, dốn ép... Trong đời Nguyễn Du, chỉ được lóe ra một phút rồi bị dập tắt ngay. Biết mình bất lực, đành chấp nhận làm một kẻ thất chí, ông đành xếp kiếm cung vào một gánh, xếp chí ngang tàng vào một túi, rồi một bóng một hình " nghêu ngao vui thú yên hà, Mai là bạn cũ, hạc là người thân" . Tuy thất bại nhưng Nguyễn Du vẫn tự cao, tự đại về địa vị quý tộc của mình. Ông vẫn tin rằng ông thanh cao gấp trăm gấp ngàn lần những kẻ cong lưng quỳ gối đề mua chút vinh hoa phú quý lúc đương thời. Nguyễn Du miêu tả khí tiết Từ Hải cũng là để nói lên quan điểm của mình:
Phong trần mài một lưỡi gươm
Những phường giá áo túi cơm ra gì.
Nói lên sự suy nghỉ của Từ hải, lúc Hồ Tôn Hiến dụ hàng, Nguyễn Du nói lên tâm sự của mình:
Bó thân về với triều đình
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu
Áo xiêm trói buộc lấy nhau
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi?
Nguyễn Du khinh bỉ bọn nho sĩ, không liêm sĩ, ra làm quan cho"ngụy triều" ( Triều đại Tây Sơn) . Ở cái khinh bỉ ấy, nảy nở ra sự kiêu hãnh của kẻ "cô trung độc tỉnh".
Khi Gia Long lên ngôi Hòang đế cho mời ông ra làm quan thì ông lại không giữ nổi thái độ cô trung lúc trước. Ông ra làm quan cho triều Nguyễn và bị nhóm Nho sĩ khinh bĩ chê bai thậm tệ. Người ta liệt ông vào hạng Bá Di, Thúc Tề vì đói quá không ăn được rau đắng ở núi, phải bò ra ăn gạo nhà Chu. Suốt thời gian phục vụ triều đình nhà Nguyễn ( 18 năm) lòng kiêu ngạo của ông bị dồn ép, bị đè nén, bị chà đạp... cho đến khi ông đọc được Từ hải trong cuốn tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Từ đó Nguyễn Du liền phóng cái kiêu ngạo thầm kín ấy vào con người, vào khẩu khí, vào hành động của Từ Hải.
Nguyễn Du bằng lòng để Từ Hải chết là để thỏa mãn được ước vọng thầm kín của trái tim ( muốn chết như Từ Hải để trọn danh tiết một kẻ thất thế) vừa thỏa mãn đượ c bản ngã trí thức, hợp với thời đại và đẳng cấp. Từ Hải chết cũng như tinh thần cô trung của Nguyễn Du chết. Cho nên trong cái sống vinh hoa của phần cuối đời, ông luôn hòai niệm đến chí ngang tàng thuở cũ... Hòai niệm để ân hận và để xót xa ...
Ở cái chết vì tình của Từ Hải, thể hiện sự ao ước được chết hơn là sống trong cảnh giàu sang của Nguyễn Du. Tôi nghỉ, theo ông, chỉ có cái chết mới tinh khiết hóa được con người. Ông đã sống sung sướng bằng cái chết của vai trò. Ông đã tiết ra hết được cái ước vọng,khí chất của mình bằng cái cử chỉ oanh liệt của nhân vật Từ Hải.
Tôi thích nhân vật Từ Hải, kính phục, thông cảm với Nguyễn Du, nên viết lên những dòng này, góp vui cùng bạn đọc./.