1. Những giá trị ảo
ta ném chữ tình tang ngang dọc
săn chứng khoán chim trời
bán cổ phiếu cỏ dại
em trách nhiệm hữu hạn sẻ chia
thơ đấu giá lên đời
ai đầu tư cổ phần tri âm
văn chương tình nguyện liên doanh tri kỷ
chữ nghĩa thị trường xuống chó lên voi
chữ nghĩa thị trường
hot
chữ nghĩa thị trường
bạc
chữ nghĩa thị trường
nhạt
nhiều khi gối đầu lên hàng đống sách
nghe lòng trống rỗng
hoang mang
(Chữ nghĩa thị trường)
Chúng ta đang sống trong nền kinh tế thị trường của thời toàn cầu hoá, nhiều giá trị thực- ảo lẫn lộn. Đặc biệt, giá trị ảo đang xâm chiếm thế giới văn chương, làm loạn đời sống văn chương. Sự nổi tiếng ảo. Sáng tạo, cách tân ảo. Giải thưởng ảo. Lăng xê tâng bốc nhau ảo… Đưa đến tác phẩm ảo lừa mị người đọc. Nhưng xin thưa, những người đọc có tri thức thì khó có tác phẩm ảo nào lừa được họ.
Văn chương là một sản phẩm nghệ thuật cao cấp. Bất cứ thời đại nào văn chương cũng hướng tới cái đẹp, cái thiện, cái cao cả của số phận, dù đó là văn chương mang tính dục hay kinh dị.
Viết văn là sự sáng tạo đổi mới không ngừng, trong đó có đổi mới hình thức và sáng tạo ngôn ngữ. Mà ngôn ngữ là tín hiệu, nên khi thể hiện trên trang văn cũng phải là tín hiệu đẹp chứ không phải tín hiệu kiểu rác rưởi buổi chợ tan.
Nhà văn có quyền sống và sáng tạo tự do trong thế giới riêng mình, nhưng không có quyền quăng “rác” bẩn làm ô uế hàng xóm hay môi trường chung. Nhà văn có quyền lực tối thượng với chính mình, nhưng không có quyền dùng trang văn bôi nhọ xúc phạm đến đời sống riêng tư người khác.
Nhà văn cần dũng cảm chống lại sự bất công oan khuất, nhưng không có quyền làm cho cuộc sống trầm trọng thêm, gian dối thêm, nguy hiểm thêm.
Văn chương là sáng tạo tự thân. Văn chương không có trường phái, lại càng không có bè phái. Một nhà văn tài năng thực sự bao giờ cũng như con sư tử độc hành trên sa mạc. Không cần “đồng thanh” lăng xê, không cần hè nhau tâng bốc lên tới trời thì tác phẩm có giá trị đích thực của họ vẫn sống mãi theo thời gian.
Ở thời điểm đầu thế kỷ 21 này, văn chương Việt Nam, trong đó có giới viết văn trẻ, đang tồn tại nhiều giá trị ảo.
2. Sự nghiệt ngã của thời gian
Mỗi thế hệ đều xuất hiện rất nhiều nhà văn, nhưng qua sự sàng lọc của thời gian, tác phẩm và tên tuổi chỉ còn lại rất ít.
Chỉ tính từ ngày đất nước thống nhất đến nay, riêng ở Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh đã lần lượt xuất hiện hàng trăm cây bút xuất thân từ bộ đội, thanh niên xung phong, sinh viên học sinh, trí thức, tiểu thương,… Sau hơn 30 năm nhìn lại, những nhà văn có tác phẩm đứng được trong lòng bạn đọc rất khiêm tốn. Có người không còn giữ được phong độ. Có người “viết chơi” rồi sớm chuyển nghề kiếm sống. Thậm chí, có những cây bút từng “làm mưa làm gió” trên văn đàn, hoặc tìm cách đăng đàn bằng mọi giá, đến nay ngay cả những bạn viết trẻ ở trong giới, hỏi đến tên tuổi họ cũng ít ai biết.
Rõ ràng, sự nghiệt ngã của thời gian là “bạn đồng hành” của nhà văn. Chỉ những ai vừa thực tài vừa thực tâm, hết lòng với văn chương mới ở lại bền lâu với bạn đọc. Vì vậy, đối với những bạn trẻ có tài, lại dám dấn thân vào con đường sáng tạo văn chương đầy chông gai thử thách, thì cần được sự hỗ trợ khuyến khích, chứ không nên đẩy họ vào con đường bế tắc khi họ gặp phải sai lầm khiếm khuyết. Tuổi trẻ đồng nghĩa với sự xả thân sáng tạo, quyết liệt tìm tòi cái mới. Nhưng tuổi trẻ cũng đồng nghĩa với thiếu kinh nghiệm, dễ mắc sai lầm. Những bài học quá khứ đau đớn của nền văn học nước nhà vẫn còn nguyên giá trị cho các thế hệ hôm nay và mai sau.