Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.068
123.164.605
 
Nguyễn Thị Ánh Huỳnh : “Va vào đâu mà đất giật mình ?”
Đổ Huy Thanh

Va vào đâu mà đất giật mình” là câu thơ của nhà thơ nữ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh viết về chuyện động đất, đã khiến cho tôi sau khi đọc hết tập thơ của chị cảm nhận :  rằng thơ chị là sự “va” đập giữa buồn và vui, giữa khổ đau và hạnh phúc, giữa ta với mình, giữa con người và tạo vật. Sự va đập ấy có khi khiến các câu thơ của chị bầm dập, y như trang giấy đã từng bị thương…

Lần đầu, tôi đọc “Giọt mưa bất chợt” ( NXB Văn Học -2005), một nỗi niềm riêng của người thi sĩ ấy. Hình như ở tuổi Ất Mùi ( 1955), nhà thơ ấy có gì mênh mang trong sự long đong về duyên phận, cuộc đời ? Hình như chị luôn bất chợt trong mọi hoàn cảnh. Khi “Đưa anh qua thềm nắng” ( t.8), khi thì “Biển ngày trở lại” ( t.38)…khiến tôi ngạc nhiên về sự mới lạ trong thơ, nhất là những câu thơ lục bát đổi dòng của chị.Nào là “ Trùng dương rộng, vẫn hẹp nơi trú nhờ”…Nào là “Chữ mười năm viết, thành tờ giấy không”. Đọc cả tập thơ, 46 bài đều chất chứa tâm trạng dồn nén bất chợt, bao trùm lên kiếp người bằng nhịp điệu thơ khác nhau :

                        “ Nỗi người

                        Cũng hóa mênh mông

                        Xin cho

                        Ta với biển gồng gánh nhau “

Ta và biển ai biết ai gồng gánh nhau ? Người đàn bà dám gánh biển như gánh con trên đôi đòn gánh số phận mà đi trong đời, lẽ nào lại là nhà thơ nữ đơn độc bất chợt nhô lên như sóng trên mặt đất, đang rải đời mình bay la đà trên mặt giấy trắng ? Càng đọc, tôi càng hình dung ra nhà thơ của sự bất chợt ấy. Chỉ “Năm chữ bốn câu” ( t.24), nhà thơ cũng đã hai lần bất chợt : “Trong mưa ta chợt thấy / Hai mắt gỗ khóc ròng”, hay “Đêm ngủ nghe hương tràm ? Chợt giật mình giữa phố”. Từ “Giọt mưa” ( t.28) chị cảm nhận “Lăn lóc vạn kiếp đời” để mà “ Chợt hiện về trong chừng ấy chu vi”. Hay một việc mất điện ở thành phố, chị cũng suy tư mà tình tứ : “Ai tính được giá thương nhau ngọn lửa/ Người về chậm thản nhiên trời khép cửa”; rồi nhà thơ thầm nhủ : “Trong khoảng đợi của mắt anh/ Em thấy lại mình” ở  “Ánh lửa”( t.58). Nhà thơ để hồn mình cùng câu thơ lạc vào cõi hư ảo của “Chiều không vắng không” thật lạ. Ngay cả cõi “không” kia còn vắng chính mình : “vắng không”; thì quả thực, sự tĩnh lặng nơi bầu trời của thi sĩ cô tịch đến không còn ngay chính cảm giác tịch liêu nữa :

                        “Đèn mới thắp hay khêu từ hồi tưởng

                        Le lói cho chiều không vắng không…”

Nỗi bất chợt còn ở “Vườn cũ quê nhà” ( t.61). Nỗi nhớ quê là gì mà xao động cả trang giấy, xao động cả vòm trời lục bát xa xưa : “ Thấy người quê bỗng nhớ làng / Nhớ xe thổ mộ về ngang nắng đồng”. Nỗi nhớ càng cụ thể, càng ảo mộng : “Trong mơ vẫn ngọt món canh tập tàng”. Nỗi nhớ của nhà thơ trào ra khỏi trang giấy mà bay lên như diều giữa phố :

                        “Chợt đôi khi tiếng ghìm cương

                        Giật mình ngỡ giữa phố phường có quê”

Nguyễn Thị Ánh Huỳnh còn nhiều bài thơ cảm động về quê hương, về mẹ như “ Thuở nhà ở dạ cầu” ( t.54), “Mưa kênh đôi”(t.42)…Với “Cổ tích của con” viết về bé Bi bốn tuổi. Cũng chỉ là bất chợt trời chuyển mưa, bé ngơ ngác hỏi : “Mẹ ơi sao sụp tối”. Câu thơ trả lời của mẹ thật ngây thơ mà hàm chứa điều sâu sắc : “Đừng lo con khi chim xếp cánh /Đi ngủ rồi sẽ mặt sáng đường thôi” hay  Góc mưa trời có cánh đại bàng che”…

Xin trích bài thơ chị viết về người đã khuất “ Nơi về”, cũng chính là viết cho người đang sống :

                       

                        “Hai gia đình lâu rồi nhận chung phần mộ

                        Cùng tiếc thương từng ấy tháng ngày

                        Giám định gen xong rồi tìm ra mộ thật

                        Một liệt sĩ trở về nhà

                        Một khoảng trống

Khói hương bay !

Bài thơ viết về hòa bình, về đoàn tụ, cũng là viết về chiến tranh, về chia lìa, vừa vui mừng vừa buồn tủi, nhức nhối lòng ta khôn cùng. Đôi khi, cái được của người này là cái mất của kẻ khác. Đôi khi, có những lầm lẫn nhân ái, lại có những sự thật tàn nhẫn thay ! Giá như không có sự tìm kiếm thân nhân đã chết bằng liệu pháp AND ( gen di truyền) thì cả hai gia đình liệt sĩ đều được đi viếng mộ thân nhân ! Bây giờ hài cốt đã trở về với ruột rà đích thực quê nhà, để lại một nén hương của gia đình kia thắp cho một “khoảng trống” cô đơn, vẫn còn há ra như miệng của vết thương trên mặt đất không có gì có thể băng bó ! Một nén nhang thắp cho một lỗ thủng, như một hố pháo, như một hố bom của chiến tranh xưa còn sót lại, vừa giết chết người liệt sĩ một lần nữa : sự thật đã cướp mất cả nấm đất mà linh hồn anh cư trú nhờ trên mồ đồng đội, để gia đình anh khỏi khắc khoải, buồn đau ! Anh đã hi sinh, giờ anh lại phải hi sinh thêm một lần nữa để cho sự đoàn tụ của người đồng đội đã khuất ! Ở những bài thơ kiểu này, thơ Ánh Huỳnh dồn nén tới chừng như nghẹn thở, chạm khắc đến lạnh lùng mà đọc toát mồ hôi !

 

Nhà thơ Ánh Huỳnh còn viết được nhiều câu thơ hay, thậm chí rất hay như khi chị viết về một trận động đất :

                        Va vào đâu mà đất giật mình

Câu thơ viết dễ như không, như chưa viết gì, như chỉ mới nêu một cảm giác mà sao sức khái quát sâu xa dường ấy ! Hóa ra, với chị Ánh Huỳnh, trái đất đôi khi cũng gật gù như con lật đật. Lại nhớ câu thơ của Xuân Diệu : “ Trái đất ba phần tư nước mắt / Đi như giọt lệ giữa không trung”. Chị Ánh Huỳnh có cảm nhận về trái đất khác với cảm nhận đầy vẻ không gian vũ trụ của Xuân Diệu. Với nhà thơ nữ này, trái đất chẳng ở đâu xa. Trái đất như đang đi ngoài đường, thật thà như đếm, ở sát nách ta, đi cùng hàng với ta, như trẻ con, như người già đi đâu mà vội vàng, mà “va” phải “ai”, “va” phải “vật gì đến nỗi “giật mình” động đất ? Cái chữ “Va” của nữ thi sĩ đã lôi trái đất ngoài hư vô trong thơ Xuân Diệu xuống thơ mình ở chính trần gian, xuống chính đường làng, xuống chính tâm hồn con người đang thai nghén trái đất trên trang giấy như bà mẹ mang bầu, đặng biến trái đất thành bạn bè, tình nhân…Hóa ra trái đất cũng như người, nó cũng có khi vội vàng vấp váp, cũng “va” vào một cái gì đấy đại loại như hư không, đại loại như chính chúng ta, nên trái đất mới “giật mình”…Thơ Ánh Huỳnh viết như không mà làm ta giật mình vì những phát hiện tưởng ngây ngô mà vô cùng sâu sắc !

Trong bài “Tìm thơ”, nhà thơ nói thật lòng mình :

                        “Những ý tứ như loài bò sát

                        Trườn hết đêm chưa chấm xuống hàng

                        Và để đựng vô hình vô tận

                        Nửa đời người

                        Tôi vẫn không trang”

Những câu thơ như loài bò sát trườn trên giấy…để rồi theo hành trình của nhà tự nhiên học Darwin…bò sát kia bất ngờ hóa thành chim bay lên từ những “bãi giấy”- không trang ! Thơ có thể vừa là bò sát, vừa là chim, vừa không là gì cả, chỉ là khoảng trống “không trang” vằng vặc một tâm hồn thi sĩ khuya đêm !? Dễ gì ai đã thấu hết nỗi lòng thi sĩ : “ Ta biết quay chốn nào / Trong dư chấn đời ta ?”…Hóa ra, đất giật mình bởi vì dư chấn trong cõi lòng thi sĩ !

 

Nhà thơ Ánh Huỳnh còn dành cho đề tài tình yêu nhiều bài thơ thấm đẫm u hoài, trăn trở, dằn vặt nỗi yêu, nỗi cô đơn và nỗi chết :  Tôi mang ám ảnh của lãng quên, của dối lừa, của trắc trở của cô đơn…vào suốt giấc mơ thời thiếu nữ”. Những bài thơ viết về tình yêu của chị vẫn là nỗi bất chợt dành cho khoảng vắng lỡ làng, dang dở kiếp người. Trong bài thơ “Gởi” mở đầu tập thơ, nhà thơ mang “mưa ngâu” đi tìm cầu Ô Thước, biến hồn mình thành chiếc lá cô đơn rơi xuống cõi đi tìm, mặc dù “ Lá không về được nhịp cầu đoàn viên”. Nhưng nhà thơ đã biến hóa lá cùa vàng thu xưa từng khoác áo Chức nữ mà tìm Ngưu Lang thành thuyền thơ, thuyền tình, thuyền mộng :

                        Nâng lên ta xếp làm thuyền

                        Gởi yêu thương cũ qua miền sông quên…”

Xin chào những miền “sông quên” bàng bạc như sương trong thơ Ánh Huỳnh…Thơ chị có sự vùng vẫy như cá quẫy trong “sông quên”, lại có gì nghèn nghẹn, tức tưởi đau đáu như tiếng cuốc kêu than trong trăng suông mùa hè thời xa vắng…Thơ tình của Ánh Huỳnh là thứ thơ tình của một miền thiên nhiên hoang dã, ví như bài  “Giấc mơ thú”. Hình như không phải giấc mơ, mà là một hiện thực huyền ảo mặc áo khói sương giả làm giấc mơ trong sâu thắm tâm hồn một bản năng gốc :  Để có thể bao la mà chưa đủ em/ Anh hãy lên rừng / Cho em làm thú…”. Con người được tri thức dắt đi khỏi những vùng hoang dã có khi gọi là “vô thức” kiểu Freud; đến nỗi, đôi khi nó quên mất bản năng thú hồng hoang, thuở thiên đường chưa bị trái cấm giới hạn. Chưa từng có một nữ thi sĩ nào viết về tình yêu mà lại bạo liệt đến mức dụ tình nhân về lại rừng của bản năng gốc để “Cho em làm thú”…như nhà thơ của niềm đom đóm Ánh Huỳnh ! Chúng ta hãy đọc tiếp đoạn thơ đầy vẻ “Nhớ rừng” này :

                        Cố nhắm mắt trở lại rừng

                        Những giấc mơ sau xóa nhòa những giấc mơ trước

                        Anh đâu kiếp đại ngàn

Sao em nghe trong giọng người của mình có tiếng hú hoang mang…”…

Nữ thi sĩ đã mang “tiếng hú” của thi ca mình để gọi chúng ta về với bản thể, về với cội nguồn tình yêu trong rừng thẳm lòng ta, trong hang động của đam mê, chứa chan niềm thiên giới đêm động vang nhân tính, cồn cào bản năng thú tính nguyên thuỷ- người…

 

Đôi dòng viết về “Giọt mưa bất chợt” của nữ thi sĩ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, quê Cần Đước, Long An, hiện sống tại Sài Gòn. Tập thơ còn có tì vết, tất nhiên…Tuy vậy, tập thơ mang giọng điệu Nam Bộ, khá mới lạ, nhiều bài hay, nhiều câu thơ tài hoa, có khi làm ngỡ ngàng người đọc. Như lời tâm sự của chị : “ Tình yêu nói phía lặng im/ Vô tâm ta mãi đi tìm vọng vang/ Rời xa rẻo đất nghèo nàn / Mới hay đá quý dưới bàn chân ta”. Có lẽ chỉ có mảnh đất nghèo nàn rất thực ấy mới cảm nhận được chất lãng mạn, bay bổng của đôi cánh thơ nữ sĩ ? Như cõi lòng thanh thản, bộc trực, như gió chướng Nam Bộ của chị trước cuộc đời : “Lòng an nhiên trước trời đất thiếu thừa / Thương hai ta nửa đời còn trắc trở/ Đi tìm vị ngọt đường / Trong trái chanh chua”…Thơ Ánh Huỳnh phải chăng là loài thơ quen tìm cái ngon ngọt trong cái chua cay, tìm thấy niềm hi vọng trong cõi đời có lúc tưởng tuyệt vọng ? Tôi cứ hình dung ra chị đi qua bão tố cuộc đời bằng ám ảnh thi ca theo dáng một con thuyền có đôi mắt khóc ròng ròng giữa một cơn mưa : “Trong mưa ta chợt thấy / Hai mắt gỗ khóc ròng”…

                                   

TP.HCM 10-2007

Bài đã in trang 9, báo Văn Nghệ số 46, ngày 17-11-2007

Đổ Huy Thanh
Số lần đọc: 2473
Ngày đăng: 22.11.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lóng lánh một hồn thơ - Phạm Quang Trung
Gương mặt buồn ,mảnh đất buồn và lòng người nhân hậu - Nguyễn Đức Thiện
Lặng lẽ để toả sáng - Phạm Quang Trung
Tiếng ngựa hoang bên đồi cỏ cháy - Đặng Thân
NGUYỄN VĨ : Say… Viết - ‘’GỬI TRƯƠNG TỬU’’ - Lê Xuân Quang
Đọc ĐÊM GỞI GIÓ của ĐỖ HƯỚNG :TIẾNG ĐÊM lách tách THÂU GIỀNG TỬ SINH - Lê Vũ
Trần Anh và những chùm thơ ấn tượng - Đổ Hướng
Đọc NGÀY NHẠT ( Siêu thị mặt- Trần Quang Quý , NXB Hội Nhà văn, 2006) : Có vỡ ngày suông ? - Lê Vũ
CHẾ LAN VIÊN: Điêu Tàn và... - Lê Xuân Quang
Ấn tượng “Gửi V.B” - Yến Nhi