Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.190
123.150.958
 
Quán thiêng
Vũ Ngọc Tiến

Sơn Dương quán nằm trên đường Hoa Đào khá nổi tiếng về món tái dê thái mỏng tang, bản to và đặc biệt tương gừng ở đây rất thơm và ngọt. Các món dê nướng, sào lăn hay chân dê hầm thuốc Bắc cũng làng nhàng như nhiều quán khác, nhưng món tái dê uống với rượu “Ngọc dương” của quán này thì dân nhậu chỉ ghé qua một lần là nhớ mãi. Rượu nếp cái hoa vàng được đặt ở tận quê Giao Thuỷ với nồng độ cao, một cân gạo nếp chỉ được phép chưng cất già nửa lít rượu và phải ủ men vào ngày mát trời, có mưa giông càng tốt. Mở nút chai đã thấy mùi rượu thơm lừng, uống vào mềm môi, không xốc mà lúc say chân cứ nhẹ tênh như đi trên mây. Một lít rượu nếp cái hoa vàng được ông chủ quán bán kèm theo bình nhựa nửa lít đựng hai quả “cà dê” ngâm trong rượu Vodka của nhà máy. Chủ quán giải thích rằng, rượu Vodka nhà máy bốc mạnh, nhanh ngấm kiệt “cà dê”, còn bình nhựa là để khách dùng xong vứt bỏ hoặc mang về, chứng tỏ nhà hàng không dùng lại “cà dê” đã ngâm qua. Khi uống, rót một phần ngâm “cà dê” pha với hai phần rượu nếp cái hoa vàng. Phải là khách quen thân hay khách “xịn” mới được chủ quán đãi món rượu “Ngọc dương” với giá cắt cổ, cỡ mười lần rượu thông thường vì một đôi “cà dê” phải ngâm đủ bách nhật với cam thảo và câu kỷ tử. Chủ quán tên Mùi vì có lẽ ông sinh năm bốn ba. Cái tuổi Quý Mùi quảng giao, đa mưu túc kế, nhiều tài lẻ. Đa tài thì lắm tật nên ông cũng là một cây bợm rượu, nổi tiếng trăng hoa. Ông đã từng là họa sĩ có vài bức tranh gửi đi dự triển lãm tận bên Tây, bên Tàu. Thời mở cửa, ông có thể vẽ tranh bán, làm biển quảng cáo hay trình bày sách cũng bộn tiền, đâu đến nỗi phải đổi sang nghề chủ quán? Có lần nghe tôi hỏi vậy, ông cười khà khà, chỉ vào bà chủ quán, giả lả nói: “bà xã mình cũng là ca sĩ có hạng chứ bỡn. Hai vợ chồng mấy mươi năm nay đam mê sáng tạo, nhưng càng mơ hão càng hao mỡ. Một tay bà ấy nuôi bốn cái tàu há mồm với lão chồng bợm rượu nên mới úa tã như thế này. Nhìn ra bạn bè, anh em, họ mạc bà ấy đều thấy thua kém. Lệnh ông không bằng cồng bà, nữ chủ đã quyết định mở quán thịt dê thì sức mấy cái thằng tôi dám cãi là không.” Ông nói lỡm vậy cho vui chứ bà chủ quán vẫn còn giữ được nhiều nét quyến rũ của ca sĩ Thuỳ Dương năm nào. Nhiều khách nhậu đến quán vì món tái dê với rượu “Ngọc dương”, nhưng không ít chàng tóc muối tiêu đến còn vì người đẹp Thuỳ Dương, có đôi mắt như đức mẹ Maria và nụ cười quyến rũ đến mê hồn.

                                                                   *

Bẵng đi một thời gian công tác biệt phái ở các tỉnh phía Nam, ngày quay lại Hà Nội, quen hơi bén mùi, tôi mò đến phố Đào Hoa không còn thấy Sơn Dương quán đâu nữa. Ngôi hàng quán nằm trên thửa đất hơn ba trăm mét vuông đã được phá dỡ lạnh tanh bành để xây dựng lại. Ông Mùi nhận ra khách quen, chạy tới vồ vập kéo tôi sang quán giải khát gần đó uống nước tâm sự.

- Đợi ba tháng nữa, tớ sẽ khai trương nhà hàng độc đáo nhất Hà thành cho mà xem – Ông nói, vẻ hân hoan tự mãn hiện rõ trên nét mặt.

- Vẫn là Sơn Dương quán chứ, ông bác?

- Không, lạc hậu rồi chú em ạ!

- Vậy hai bác chuyển sang kinh doanh gì?

- Bí mật! Huyền cơ không thể tiết lộ. Tớ chỉ cần cho chú em biết tên gọi sẽ là Quán Thiêng.

- Quán Thiêng! Thiêng vì lý do gì, ông bác? ...

- Thiêng vì có thần chứ còn sao nữa. Thần dê, chú hiểu chưa? Thần de…ờ …dê!

 

Biết tính ông Mùi hay bông phèng, tôi cứ nghĩ ông nói đùa trong cơn phấn khích của men bia. Căn vặn thêm, ông vẫn không chịu bật mí. Lúc chia tay, Ông Mùi nắm vai tôi lắc mạnh, hẹn ngày khánh thành Quán Thiêng nhất định tôi phải có mặt. Nghe trong giọng nói và nhìn vào mắt ông, tôi ngờ ngợ rằng chuyện đùa có lẽ hoá thật. Đi được một quãng thì gặp bà chủ quán cafe quen thuộc, bà gọi giật tôi lại.

-  Bác nhà văn ơi! Đến quán Sơn Dương phải không?

- Vâng, nhưng quán bị dỡ rồi, tiếc quá!

- Vậy ra bác chưa biết chuyện gì xảy ra à?

- Không. Tôi mới đi xa về, chưa biết gì hết.

- Thiêng lắm, bác nhà văn ạ! Hoá ra lâu nay ông Mùi , bà Dương mở quán thịt dê đông khách là có thần phù, thánh trợ. Sao mà khéo thế, hai vợ chồng cách nhau một giáp, cùng tuổi Mùi, lại được thần dê phù trợ, ắt phen này sướng như tiên, giàu nứt đố đổ vách.

- Bà nói rõ thêm nào.

- Bà Dương mấy năm bỏ nghề ca sĩ mở quán, chăm đi lễ chùa, vái thánh nhất phố. Ngày rằm tháng trước, sau cơn ốm nặng, bà ấy thấy mình nằm trên đám mây ngũ sắc bay lên trời gặp Cửu chân huyền nữ ở một hang núi ngoài vịnh Bái Tử Long. Ngài bảo với bà Dương rằng con dê vừa hoá kiếp ở Sơn Dương quán vốn là tiên đồng mắc tội dan díu với thị nữ nên bị đầy xuống hạ giới làm kiếp kê, nay được giải thoát về cõi tiên. Ngài tặng cho bà Dương một bức tượng Cửu chân huyền nữ đang cưỡi dê bay về tiên giới. Bà Dương tỉnh mộng, như có thần thánh xui khiến, vội thắp hương lạy tám phương Trời, mười phương Phật rồi ra gốc cây hoa đại giữa sân ngồi thiền suốt ba ngày, ba đêm. Vào đúng giờ Mùi (13 giờ), tháng Mùi (tháng sáu), từ dười gốc cây đại đùn lên một bức tượng đúng như trong mộng mà bà Dương đã mô tả. Hôm đó rất đông người đến xem, tôi cũng có mặt, ai cũng trầm trồ kinh ngạc…

 

Câu chuyện bà chủ quán cafe kể trên đường Đào Hoa cứ ám ảnh tôi suốt mấy tháng, cho đến ngày nhận được thiếp mời dự lễ khai trương Quán Thiêng của ông Mùi và Thuỳ Dương. Quả như lời ông Mùi đã nói, Quán Thiêng được các tài năng trong làng kiến trúc thiết kế độc nhất vô nhị ở đất thành Nam. Khu đất được chia làm ba đơn nguyên kiến trúc. Phía ngoài là ngôi nhà hai tầng. Dưới tầng một sử dụng các vật liệu xỉ gang, thạch cao, vôi vữa, xi măng đắp vẽ tạo dáng thành một hang động có nhiều khối hình như các nhũ đá vôi rất kỳ thú, lạ mắt. Nhìn vào các nhũ đá trên trần hoặc vách tường, người ta có thể liên tưởng đến những điển xưa, tích cũ trong sách cổ của Tàu. Tầng hai có dáng dấp như ngôi chùa mái cong, lợp ngói hoàng lưu ly.

 

Trong nội thất là điện thờ Cửu chân huyền nữ và đủ loại các thánh mẫu, đức ông mà ta thường gặp trong các ngôi đền ở miền Đông Bắc. Phía trên điện thờ treo bức hoành phi dát vàng bốn chữ “Đăng sơn viễn vọng” tức là lên núi sẽ nhìn được xa, thành tâm thờ thánh sẽ hiểu hết mọi việc xảy ra trong vũ trụ, thần cơ diệu toán, thông tỏ quá khứ, tương lai của mọi kiếp người. Bà Thuỳ Dương đã thành con của thánh nên không ra tiếp khách với chồng. Bà ăn mặc như diễn viên tuồng, ngồi xếp bằng tròn giữa sập bách điểu, hai bên có hai tiểu đồng búi tóc nhú lên như hai cái sừng dê đứng hầu. Quan khách đến dự lễ thánh cứ vái lạy bà Dương như lạy Phật sống. Ở giữa khu đất là mảnh sân bày nhiều chậu hoa cây cảnh.

 

Dưới gốc cây đại, nơi bà Dương đã từng ngồi thiền ba ngày ba đêm có một miếu nhỏ. Bệ thờ ốp đá mái cong lợp ngói thanh lưu ly. Trên bệ thờ có bức tượng bà Cửu chân huyền nữ cưỡi dê bay về tiên giới mà bàn dân thiên hạ đã từng chứng kiến nó đùn lên dưới gốc cây đại này vào giờ Mùi, tháng Mùi. Đơn nguyên kiến trúc thứ ba là khu quầy bar, giải khát chỉ xây một tầng, mái lợp tôn nhiều nấc mái, gấp khúc nhiều dạng khác nhau gây cảm giác khi nhìn từ sân cảnh lên mái nhà giống như một trái núi. Từ sân cảnh vào khu này phải qua một chiếc cầu gỗ cong, bắc qua lạch nước rộng chừng hơn một mét. Đáy lạch đắp gồ ghề, tạo một độ dốc từ Đông sang Tây. Nước chảy róc rách giống như một con suối nhỏ giữa rừng. Đôi bờ là mấy khóm trúc nhỏ. Nội thất khu quầy bar, giải khát là một hang động lặp lại không gian của động Hương Tích. Cửa động có đắp nổi hàng chữ Nho của chúa Trịnh Sâm “Nam thiên đệ nhất động”. Tường phía Đông treo ba bức tranh nổi có lắp đèn điện tử viền quanh, mô tả sự tích trong truyện Chiêu Quân cống Hồ: Bức thứ nhất, Tô Vũ cầm gậy, đội nón lá chăn thả đàn dê bên sườn núi đá. Bức thứ hai, Tô Vũ chung sống với con đười ươi rất đầm ấm, âu yếm như cặp vợ chồng trong hang đá. Bức thứ ba, Tô  Vũ trở về nước Hán, đang cùng vợ uống rưọu ngắm trăng giữa tết Nguyên tiêu thì con đười ươi tu luyện thành tiên, cưỡi mây bay đến, trao trả tiên đồng, ngọc nữ là hai con đười ươi con tu luyện thành chính quả. Trên tường phía Tây treo bức tranh màu nước do chính tay ông Mùi vẽ và ký tên ghi rõ giờ Mùi, ngày rằm tháng Mùi, năm Đinh Sửu là thời gian sáng tác bức tranh. Nó được đóng khung kính có đèn mờ phản chiếu, gắn chìm vào tường, bao quanh là các nhũ đá mang hình hai hàng núm vú con dê cái.

 

Bức tranh mô tả Thuỳ Dương đang ngồi thiền dưới gốc cây hao đại giữa một vầng hào quang sáng lóa, xung quanh có những mảng màu tối sáng, gợi ta liên tưởng đến những áng mây ngũ sắc và các thiên thần bay lượn phò trợ cho bà Thuỳ Dương. Theo thiết kế, quán Thiêng được ông Mùi giới thiệu với quan khách đến khai trương: Hang động dưới tầng một khu nhà ngoài sẽ là nơi để xe đạp, xe máy  có bảo vệ mặc đồ đen, đội mũ đầu dê trông coi. Khách gửi xe lên điện thờ ở tầng hai lễ thánh rồi mới được đăng ký gặp bà Thuỳ Dương để bà gieo quỷ bói tiền vận, hậu vận. Đăng ký xong khách xuống Quán Thiêng chính là khu quầy bar, giải khát nghe nhạc chờ đợi đến lượt mình được hầu chuyện thánh sống, đệ tử chân truyền của Cửu trân huyền n giáng trần...

                                                                  *

Vì tò mò, sau khai trương, hễ có thời gian rảnh rỗi tôi lại tìm đến Quán Thiêng uống ly café sữa nóng, ngắm cảnh và quan sát. Phải thừa nhận không gian kiến trúc và cách bài trí ở Quán Thiêng luôn gây cho tôi cảm giác linh thiêng, thoát tục và có vẻ huyền bí. Tài năng hội hoạ của ông Mùi, óc tưởng tượng nghệ sĩ của bà Thuỳ Dương được thần thánh phù trợ, phát tiết hết tinh hoa vào cuộc làm ăn kinh tế thời đổi mới. Khách đến Quán Thiêng ngày một đông, không lúc nào trống ghế. Nhiều khi tôi phải chầu chực ngoài cửa hàng giờ mới hòng mong có được ghế ngồi ưng ý. Người ngồi trong Quán Thiêng đều là khách sang trọng, thanh toán bằng đô la hoặc giấy bạc trăm ngàn trở lên mới cứng, không mấy ai chịu lấy lại tiền thừa. Đàn ông ngồi uống rượu Tây, hút thuốc ba số năm. Đàn bà ngồi uống café , nước ngọt và ăn bánh kem, hoa qủa đắt tiền như mận Mỹ, nho Mỹ. Họ ngồi chờ đến lượt mình lên điện với ánh mắt thành kính, niềm tin mãnh liệt, khao khát cháy lòng. Khi gặp thánh sống trên điện, từ gác hai đi xuống, ai cũng xuýt xoa lời thánh phán sao mà linh thế, chính xác tuyệt vời.

 

Trước khi ra về họ không quên lễ tạ Cửu chân huyền nữ ở miếu cây đại và thưởng rất hậu cho người trông giữ xe. Càng về sau, tôi phát hiện rõ ra một quy luật,  mấy đức ông chồng thường chỉ đến Quán Thiêng cùng vợ lần đầu. Khách đông nhất, thường xuyên có mặt là các mệnh phụ phu nhân giàu sang, quyền quý trạc tuổi hồi xuân trên dưới bốn mươi hoặc các cô gái thất tình được bố mẹ nuông chiều. Họ đều nhanh chóng trở nên thân thiết với ông Mùi, thích ngồi cùng ông tâm sự chuyện làm ăn, chuyện gia đình hoặc nghe ông kể những câu chuyện khôi hài, dí dỏm. Cái máu dê già của ông Mùi mà tôi được nghe nhiều chuyện ly kỳ, lắm pha gây cấn khi ông còn là hoạ sĩ thiết kế thời trang cho một viện “mốt” được dịp trỗi dậy. Không biết các bà, các cô có hẹn hò hoặc chơi trò mèo chuột gì với ông Mùi ở đâu, tôi chưa rõ. Ngay tại Quán Thiêng, nhiều lần tôi bắt gặp dưới ánh sáng mờ ảo, huyền bí của hang động nhân tạo, đôi bàn tay ông Mùi tha hồ dạo chơi vào những khu cấm kỵ trên thân thể mấy bà mệnh phụ hồi xuân. Điều thú vị là những ngày ông Mùi có việc đi vắng, tôi hay thấy bà Thuỳ Dương ra lệnh đóng cửa điện trên gác hai và gọi anh chàng trông giữ xe to con, trẻ tuổi lên đấm bóp. Đám nhân viên quầy bar ở Quán Thiêng lúc đó nhấm nhoáy với nhau đầy ý tứ và tôi có linh cảm chuyện gì đang xảy ra trên chiếc sập bách điểu, trước điện thờ và bức hoàng phi “Đăng sơn viến vọng”.

 

Khách nam giới đến quán thường xuyên còn có chàng trai khoảng 30 tuổi, sang trọng và lịch lãm. Anh cũng giống tôi, ưa ngồi chỗ khuất, không tham gia vào trò lễ thánh, chỉ nhâm nhi café hay ly rượu Tây. Một lần, anh rủ tôi sang quán bên cạnh ăn tối, bật mí cho tôi biết sự thật bằng cuộn băng ghi âm do anh bí mật thuê cô nhân viên trẻ cài đặt trong phòng ngủ của ông Mùi, bà Dương:

- Ông cặp bồ với con vợ lão Tổng giám đốc công ty xuất nhập khẩu của Bộ Thương mại là đứa thứ mấy rồi? Đừng tưởng gái già này mù nhé - Tiếng bà Thuỳ Dương rít qua kẽ răng.

- Tự do muôn năm! Tôi vẫn thu về cho bà bộn cả đống tiền là được rồi – Ông Mùi đáp, giọng tỉnh queo.

- Vậy ông còn tra khảo tôi chuyện thằng Khoa sẹo lên đấm lưng xoa bóp làm gì?

- Hỏi cho biết thế thôi.

- Ông lén đi ăn vụng dốc lọ cạn kiệt hết, về nhà đêm nằm ngay như khúc gỗ ai mà chịu được.

- Ai bảo bà bày vẽ cái chuyện thần, chuyện thánh để mấy con mẹ dửng mỡ lắm tiền cứ đến phô ngực, ngoáy mông với tôi mà khiêu khích lão già tuổi Mùi?... Hí hí...hí...

- Không bày trò này dễ ai cho không mình có nửa năm trời vài trăm cây vàng.

- Thánh thật! Không hiểu từ đâu bà lại nghĩ ra cái trò nằm mộng gặp Cửu chân huyền nữ.

- Ông cũng giàu óc tưởng tượng thiết kế Quán Thiêng hết ý. Riêng cái mưu đổ mười ca đỗ xanh xuống hố đào dưới gốc cây đại để ngâm giá đỗ đủ ba ngày cho nó mọc mầm và đội tượng lên khỏi mặt đất tôi phải bái phục ông cao kiến, dân chúng tin sái cổ.

- Chuyện ấy có gì lạ. Trong tiếu lâm nhà phật bên Ấn Độ có kẻ làm từ mấy thế kỷ trước...

Chàng trai cất cuốn băng ghi âm vào túi, nhìn tôi cười bí hiểm. Anh là đệ tử thân tín của ông Tổng giám đốc bị vợ cắm sừng. Ông ta thuê anh điều tra vụ này. Tôi hỏi: “Vì sao cậu lại tin tưởng, cho tôi biết sự thật?” Chàng trai đáp: “Em đã dò hỏi và biết bác là nhà văn, nhà báo. Vụ này không đơn giản đâu. Sếp của em gần đây mất cả tình lẫn tiền. Hàng chục ngàn đô không có cánh mà bay, ông căm lắm. Em sợ có án mạng xảy ra nên mượn bác làm nhân chứng.” Một thời gian sau, Quán Thiêng đóng cửa. Nghe đồn ông Mùi bị thiến mất hai quả cà, hóa điên, suốt ngày kêu be be như con dê đực. Bà Dương từ hôm nhận được bưu phẩm có chiếc can nhựa ngâm hai quả cà của chồng trong rượu Vodka cũng thành người ngớ ngẩn. Đứa con trai duy nhất của ông bà, đương là sinh viên, mắc vào vòng nghiện hút, phải đi trại cai nghiện. Thì ra mọi sự trong cõi người đều nhân nào quả ấy. Các cụ nói rồi. Ai dám cả gan đùa với thánh sẽ bị thánh vật…

 

Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 3559
Ngày đăng: 26.11.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bức hoạ của người nữ tu - Trần Trung Sáng
Chị em sinh đôi - Nguyễn Nguyên An
Cổ thụ lùn - Quý Thể
Lão Khương Câm - Đặng Hoàng Thái
Nước mắt trần ai - Đổ Thị Hồng Vân
Người đàn bà mặc áo màu chiều - Trần Lệ Thường
Cu Sướng ở Lục Đầu Giang - Nguyễn Văn Hoa
Món đặc sản - Ngô Phan Lưu
Không có cái chết của Những con thiên nga - Lê Vũ
Ngày không bình yên - Hải Hằng
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)