Đỗ Trọng Phụng là một nhà báo năng động, đang làm việc cho Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại Tây Nguyên. Anh đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho núi rừng Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ. Cuối năm 2005, Triệu Xuân bắt đầu thực hiện Dự án đi thực tế (lần cuối) tại Tây Nguyên để viết tiểu thuyềt Hồn Việt, mà tập đầu tiên là Hồn rừng. Anh Nguyễn Văn Lạng, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Dak Lak đã nhiệt tình tạo điều kiện cho Triệu Xuân đi về các buôn làng hẻo lánh, đến với đồng bào các dân tộc, tìm hiểu tâm nguyện của họ. Bạn bè của Triệu Xuân ở Buôn Mê Thuột, trong đó có Đỗ Trọng Phụng đã không ngừng cổ vũ, động viên Triệu Xuân. Từ đó đến nay, việc lên xuống Sài Gòn - Cao nguyên vô cùng gian nan và tốn kém, tôi vẫn được sự hậu thuẫn của Phụng và bạn bè. Nay, tôi đã viết được một phần ba bộ tiểu thuyết Hồn Việt dự kiến gồm ba tập, 1.500 trang. Tuần nào Phụng cũng phone về cho tôi hỏi thăm sức khỏe và hỏi thăm Hồn Việt…
Tuần trước, khi báo Văn nghệ phát động cuộc thi Bút ký, phóng sự Việt Nam – Tổ quốc tôi, Phụng gửi e-mail cho tôi bút ký Bài ca giữ rừng. Đây quả là một áng văn hay, nó bật nảy từ trong phần hồn mà anh ấp ủ từ nhiều năm. Tôi đã biên tập kỹ, sửa morasse và e-mail ngay cho anh Nguyễn Trí Huân, TBT, chị Trinh Bảo, Phó TBT Văn nghệ. Đúng ba ngày sau, Văn nghệ in bút ký này.
VCV xin giới thiệu với bạn đọc.
Tôi quyết định dứt ra khỏi công việc chuyên môn thường nhật, lên Buôn Đôn mấy ngày theo lời mời của Hội Văn học nghệ thuật Đắc Lắc tham gia trại sáng tác, với ý đồ tìm hiểu hệ sinh thái rừng khộp, bổ sung những điều chưa biết về vùng này. Thật ra, tôi đã đến Buôn Đôn nhiều lần, nghe ama Công, nhân vật huyền thoại kể chuyện săn bắt voi rừng, nhưng mỗi khi ngồi vào bàn viết lại thấy thiêu thiếu cái gì đấy! Rừng nào cọp ấy, người xưa nói vậy quả không ngoa. Có lẽ, nhờ rừng khộp lưa thưa và thảm thực vật dưới tán rừng phong phú, đa dạng, nên loài voi rừng, một loài động vật quí hiếm đang có nguy cơ mất dần, chọn nơi đây làm đất cư trú, sinh tồn! Cái mà tôi thích thú nhất: đó là xã hội loài voi: chúng sống ra sao, yêu ghét, giận hờn thế nào?
Hơn hai chục năm ở Đắc Lắc, ước mơ của tôi chỉ vậy thôi!
Rừng Buôn Đôn với tôi chứa bao điều thiêng liêng, nói cho đúng là hùng thiêng! Thật ra, tôi đã đến vùng rừng này từ thời trai trẻ, thời khoác chiếc ba lô con cóc: xẻ dọc Trường Sơn! Lúc ấy, với tôi vùng rừng thưa này hoàn toàn khác lạ. Rừng gì mà chỉ có một loài cây, đơn điệu thế nào ấy! Những cây khộp đứng chơ vơ, lẻ loi, đơn độc; trong khi đó, tôi và những người đồng đội rất cần rừng xanh che chở, bảo vệ. Rừng khộp thưa vậy, làm sao che được đại quân, rầm rập khúc quân hành giữa ban ngày. Không che nổi, nhưng chúng tôi vẫn đi; đi với sức mạnh thần linh của những chàng trai Phù Đổng: Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt! Lúc ấy, đang là mùa khô bỏng rát! Nước ăn, uống; gạo, thực phẩm; súng đạn và quân trang, tất cả đặt lên vai người lính. Bẩy ngày, rồi lại bẩy ngày nữa! Cứ như thế, chúng tôi phải vượt qua chặng đường gian truân, nắng lửa với tất cả mọi thứ đè nặng trên vai!
Lửa của trời, lửa chiến tranh, ngày đêm tàn phá, thiêu trụi những cánh rừng khộp bạt ngàn, chúng tôi vẫn đi: Đi dưới những cây khộp cháy trụi khẳng khiu như những bộ xương khô, chĩa tay kêu cứu giữa trời xanh xanh thẳm!
Lạ kỳ thay, trên mặt đất khô cháy kia, lại mọc lên những mầm xanh, những chiếc lá non tơ bàn bạt như những tai voi! Ấy là mầm khộp, lá khộp, cứ non tơ, phơi phới giữa đại ngàn, nhẫn nại chịu đựng hai thứ lửa đốt quái ác: Cháy rồi lại lên, lên rồi lại cháy! Thế giới tự nhiên cho loài cây rừng này cách sinh sôi thật lạ kỳ, chúng tái sinh bằng rễ cây. Muôn vàn những chiếc rễ chùm, rễ phụ chằng chịt dưới đất, lan tỏa rất rộng, rất xa như những đội quân ngầm, âm thầm trong lòng đất, chờ đợi thời cơ, bất ngờ trồi lên, sống bình thản, vô tư giữa muôn vàn cái ác và chết chóc! Cứ như thế, những mầm khộp lớp lớp mọc lên từ những chiếc rễ con. Cái ác quái đản giữa trần gian, không diệt nổi sức sống mãnh liệt của loài cây rừng xương xẩu này!
Rừng và người nơi đây, có cái gì đấy giông giống nhau về đức hy sinh và tinh thần bất khuất! Phải chăng, sự nghiệt ngã kia, chỉ làm tăng thêm ý chí nung nấu cho những chùm rễ ngầm bật lên chồi biếc! Thì ra, rừng cũng có sức mạnh siêu nhiên, bất diệt!
Ama Công kể!
Lúc còn trẻ nít, vào mùa khô, mình thường theo cha đến hồ Ea So nhặt thú chết. Nói là hồ, thực ra đó chỉ là vũng nước sót lại giữa đại ngàn!
Ama mình là người cao to, đi đứng lừng lững như voi rừng. Mình được thừa hưởng những thứ từ người cha và từ yàng Rừng, yàng Núi cho:cao to nổi trội, lại có phần tuấn tú hơn cha nhiều. Hương rừng, gió núi cho mình những thứ của hiếm ấy!
Chiều nào, thấy cha chuẩn bị cái bành voi lớn làm bằng gỗ cây cà chít, đặt lên lưng voi Khăm Bung là mình vui vui trong lòng, tung tẩy chạy khắp buôn! Thích đấy, vui đấy, nhưng mình không nói với ai! Niềm vui ấy, theo mình vào rừng, lên rẫy hết con trăng mà vẫn đầy ắp bụng!
Những buổi tối như vậy, nhà mình ăn cơm sớm hơn ngày thường. Cơm nước xong xuôi, ông già bắt mình vào ngăn trong ngủ sớm, ông cũng đi nằm luôn. Lúc ama gọi dậy, dúi vào tay cây Kreo là mình tỉnh như con sáo đang kiếm mồi giữa ban ngày; chạy ra đầu sàn, con Khăm Bung đứng sát sàn, ghé lưng vào cõng mình trên cổ, vắt vẻo, điệu bộ oai phong. Mình như người Nài voi tài ba, gãi gãi Kreo vào bên má trái, ra lệnh cho Khăm Bung quẹo phải, đủng đỉnh ra hồ Ea So.
Gần sáng, hai cha con tới hồ, tai mình nghe rõ tiếng quậy nước từ lòng hồ vọng lên thòm thòm. Hai cha con chọn gò đất cao, xung quanh có nhiều tảng đá to lổng chổng, cột Khăm Bung vào gốc cây cao. Con Khăm Bung được huấn luyện kỹ, rất biết điều, không thể đứng phơi cái lưng voi kềnh càng ra bãi đất bằng, dù to khoẻ như voi cũng dễ bị bầy thú chạy với tốc độ cao húc đổ, xéo dày đến chết. Sức voi không là cái gì với những cuộc chạy đua tranh cướp nước như vậy! Cha con mình cũng leo lên đọt cây rừng lánh nạn. Buôn Đôn thời ông bà, có hai cha con ông kia bị lũ thú dày nát bên hồ. Chuyện ấy, truyền mãi đến giờ.
Hồ Ea So vào mùa cạn dòng, nước không trong xanh, mà đục ngầu ngầu, đỏ sậm giống hệt tô bột nước cà phê. Từ lúc mặt trời đỏ rực đến sáng hôm sau, hồ Ea So không hề ngơi nghỉ, ầm ầm như cái chợ vỡ, bởi đàn thú hoang đen đặc lòng hồ.
Lúc hoàng hôn đỏ lừ như chậu tiết, bắt đầu là bầy voi rừng, trâu rừng, bò tót, bò rừng, chúng ẩn đâu đó tránh nắng, mở cuộc chạy đua lao xuống lòng hồ, uống nước cho đã khát sau một ngày chịu đựng dưới lửa đốt! Con hút nước, con đầm mình chìm ngỉm dưới đáy hồ, con thì dùng vòi đập thùm thùm trên mặt nước cho bõ thèm. Ánh ngày tắt, bắt đầu là cuộc chạy đua của đủ các loài thú lớn, thú bé, thú ăn cỏ, thú ăn thịt, từng bầy, từng bầy bu kín mặt đất như kiến, làm nát nhầu thảm cỏ. Đó là cuộc tranh cướp nước của bầy dã thú lớn nhất trần gian! Chúng cướp bằng được nước; tim gan trong bụng chúng đang réo gào thôi thúc: Không có nước là chết! Loài thú chậm chân nhất, vẫn là những bầy sói, những con hổ, báo lao như bay, muốn vồ lấy hồ nước, đến gần hồ, chúng chững lại, bò nhoai từng bước, từng bước len lét như thằng ăn trộm! Bản năng sống còn khiến chúng cảnh giác với tất cả. Hãy coi chừng, kể cả những con nai tơ, biết đâu cái sừng non kia lại sọc thẳng vào ruột! Càng gần hồ, chúng càng then lét, rón rén, căng mắt mở rộng tầm nhìn về phía trước! Bò xuống mép hồ, chúng lặng lẽ cố chắt từng giọt nước. Những hoài nghi, cảnh giác của bọn ác thú cũng bằng thừa. Ở chốn chợ chia nước này, không con thú nào có tâm địa ăn thịt con nào, bởi nước cho sự sống mới là tối thượng. Cuộc tranh cướp nước diễn ra gay gắt, lộn sừng hầu dưới lòng hồ. Mục tiêu của chúng là cướp cho được bụng nước đầy, giành quyền sống một ngày! Không có nước là chết liền! Những con thú ăn cỏ cũng không còn bụng dạ đâu sợ chết! Chúng đang cần nước! Điều đó, mỗi con vật sống trên vùng cao nguyên bỏng rát này biết rõ hơn cả ông Trời! Vì mục đích ấy, mà chúng lãng quên cái ác đứng ngây ngô giả nai sát bên mình! Những con thú ăn thịt nhắm mắt cạp đại một cái, cũng vớ được con mồi tươi rói! Nhưng không, chuyện đó không bao giờ diễn ra ở nơi phân phối nước quá khổ này! Chỉ khi nào bụng đã no tròn nước, trở lại rừng nghỉ ngơi một lát, thì cái nhu cầu ăn thịt lẫn nhau kia mới trở lại trong đầu chúng. Yên tĩnh, có thể là giây phút sống lại sự độc ác, hiểm sâu của những âm mưu toan tính xấu xa, bỉ ổi!
Mình được người cha có kinh nghiệm đi rừng dầy dạn bày cho từ lúc lít nhít, cánh mũi còn xậm xịt thò lò xanh!
Trên đọt cây cao nhìn xuống trảng cỏ, dưới đất lúc nhúc lũ thú chạy xuôi, chạy ngược húc vào nhau đổ kềnh càng, rồi dày xéo, dẫm đạp lên nhau, tranh giành sự sống. Con nào mạnh con ấy sống, con nào yếu thì nát thịt, nát xương!
Rạng sáng, những con thú chậm chân nhất đã về nơi ẩn náu, cha con mình xuống bãi cỏ lượm từng xác thú chết, vứt vào gùi.
Mặt trời lấp ló đầu sườn núi là lúc phải về, dẫu còn nhiều thú mấy cũng phải dừng! Phần còn lại là của loài thú thích ăn thịt hôi thối! Lúc này, trên đồng cỏ là đất sống của chúa tể rừng xanh, và những loài chim ăn thịt! Sau một giấc ngủ bù, các vị đã đủ thời giờ toan tính những việc cần phải làm, bèn trở lại bãi cỏ nhặt những con mồi còn sót lại, tống táng cho đầy cái bụng tham lam! Vì thế, không thể chậm chân, không thể chống lại Luật Rừng! Ổng thúc voi đi vội, vượt bãi tử thần trước lúc các vị hung thần có mặt. Tốt nhứt là tránh những trận đụng độ, đối đầu không cần thiết; phải giở cây lao nhọn ra nói chuyện với chúng, ổng không thích! Voi Khăm Bung cũng vậy, chú không thể đủng đỉnh, mà phải chạy huỳnh huỵch lao đầu về phía trước, để lại phía sau lớp bụi mù mịt.
Yàng cho người buôn Đôn đầy bành voi những con thú ngon vậy là quá đủ rồi!
Về đến chân núi Chư Min, ông già rút cây Kipá đen bóng ra thổi: Tu tú túc! Tu tú túc!..
Đã thành thông lệ, người buôn Trí, buôn Lành gần đó nghe tiếng Kipá liền phóng ngựa lao ra. Cha con mình chia số thịt thú lượm được thành ba phần bằng nhau, để hai phần kia trên hai tảng đá to, rồi thúc Khăm Bung đi thẳng về buôn. Từ thời ông bà của ông bà, Luật tục người M’Nông, ÊĐê, Gia Rai, BaNa ở vùng này dạy thế: của rừng là của chung mọi nhà; Yàng không cho một ai, phải chia đều cho mọi người, mọi nhà. Phần thịt thú còn lại trên bành voi, ông già đem về buôn, chia đều cho các bếp.
Những ngày ấy, bếp nhà nhà ở buôn Đôn, buôn Trí, buôn Lành thơm lừng mùi thịt thú nướng!
Đấy là Luật Rừng ở chốn rừng xanh núi đỏ: mọi thứ sanh ra trên mặt đất và trong rừng đều là của nhà Yàng. Yàng cho người, người phải biết giữ gìn, nâng niu, bảo vệ! Người Buôn Đôn thuộc điều này từ lúc trong bụng mẹ!
Trước voi rừng và thú ăn cỏ nhiều lắm, nhiều vô kể: người đi đụng thú, thú cụng đầu vào nhau là chuyện thường. Người ta có cảm giác, rừng Tây Nguyên như cái chuồng lớn, nuôi nhốt nhung nhúc những chim thú và những cỏ cây hoa lá. Những bà mẹ voi, là những con voi cái đầu đàn hướng dẫn con, em, cháu chắt trong đàn biết ăn cây nào, để cây nào. Ăn như voi, uống như voi, người ta nói vậy, nhưng chắc chỉ có Giàng Nguăch Ngual -vị thần chăn dắt voi của Trời- là biết voi ăn nhiều đến nhường nào?
Rừng Tây Nguyên không phải một loài voi ăn cỏ; mà rất nhiều, nhiều đến vô kể: những đàn bò rừng, bò tót, trâu rừng, hươu, nai, sơn dương… có đàn đến hàng ngàn con, chúng đều ăn cỏ! Thế giới muôn loài dã thú ở trong rừng tưởng như là tranh giành, dẫm đạp lên nhau để sống kia, lại có trật tự sinh sôi rất lạ lùng, kỳ diệu như phép Yàng! Từ loài thú lớn, đến loài thú bé, chúng đều biết ăn và biết để dành!.. Xã hội dã thú cũng có những chuyện lạ đấy chớ! Hết đàn voi này đến đàn voi khác, hết bầy trâu này đến bầy bò khác… chúng cứ ăn qua, ăn lại, chân chúng dẫm đạp lên nhau đấy, nhưng cỏ Tây Nguyên không bao giờ nát, cứ bời bời xanh ngút ngát tận chân trời! Những đồng cỏ dằng dặc rộng dài, xen lẫn rừng khộp trải từ phía bắc tỉnh Đắc Nông, sang Đắc Lắc, tới phía tây nam tỉnh Gia Lai, sang Lào, Campuchia là kho thức ăn dồi dào của bầy thú rừng xứ Đông Dương. Sở dĩ, gọi là thú rừng xứ Đông Dương, vì lũ chúng sống không biên giới, lãnh thổ, ăn xa lắm! Nhất là lũ voi rừng, chúng thích sống theo bầy đàn, vừa ăn vừa di chuyển chầm chậm đấy, nhưng chỉ ít ngày là hết bãi cỏ này, lại chuyển sang bãi cỏ khác. Mà rừng cỏ nguyên sinh vẫn tươi rói giữa trần gian!
Dưới tán rừng khộp là những thảm cỏ, nhiều nhất là cỏ le, một loài tre nhỏ xinh xinh mọc thành rừng, xanh tận chân trời. Ngoài cỏ le, nơi đây còn loài cỏ nữa mọc thành rừng; đó là cỏ đuôi chồn. Những bông hoa cỏ to như cái đuôi chồn mọc đều chằn chặn, in như cánh đồng kê của nhà Yàng.
Lũ voi rừng thích sinh sống dưới tán rừng khộp. Rừng cây lá to đấy, nhưng mật độ cây rừng thưa, cành lá lại càng thưa thớt, vào cuối mùa khô, lá khộp rụng hết, còn trơ lại những cành cây gầy guộc, xương xẩu, leo ngoeo.
Trời đổ lửa xuống rừng nung hầm hập sáu tháng liền không nghỉ, làm cho rừng khô khốc. Những cây khộp rễ bám sâu vào lòng đất có đến trăm mét bắt đầu khát nước, lá chuyển dần từ mầu xanh sang mầu đỏ hung rồi đỏ tía, cuối cùng là đỏ gắt, rừng rực như mầu máu tươi. Đó là lúc rừng vặn mình thay lá! Hai tháng cuối mùa, là lúc ông trời vắt khô kiệt nước, những cây khộp khẳng khiu chới với giữa trời bao la, vượt qua cái nắng lửa ban ngày, cái giá lạnh ban đêm, để rồi lại tươi xanh bời bời khi trận mưa đầu mùa đổ xuống.
Cỏ dưới chân rừng cũng úa vàng, chuyển dần sang mầu nỏ tom, khô xác. Thảm cỏ đẹp là thế cũng đến lúc lụi tàn, còn trơ dưới tán rừng là những tảng đá nhám đen xậm khô quắt, khô queo từ thời ông bà, cùng với đất cát trắng lấp lóa thi gan dưới nắng lửa cuối mùa. Những con suối cũng hết nước. Sông cũng chết khô từng đoạn, phơi lòng dưới nắng chói chang. Không phải người Tây Nguyên thì chớ vào rừng khộp mùa khô mà chết rục, phơi xương trắng có ngày!
Sức chịu đựng của người, của chim, thú và những cây khộp ở vùng này thật lạ lùng. Mọi sinh vật nơi đây đều uống no nước trong mùa mưa, để rồi cắn răng vượt cạn qua mùa nắng đổ dài đằng đẵng.
Trong lòng cái chảo lửa khổng lồ lúc nào cũng muốn sấy khô muôn vật, những tộc người Tây Nguyên vẫn điềm tĩnh sống trong cái lò nung hầm hập của trời, của đất; họ giống như những con lạc đà ở giữa vùng sa mạc khô cằn, đủng đỉnh vượt biển cát đời người!
Ama Công nhớ lại:
Thời còn trẻ! Vào lúc gần trưa, một ông già đi ngang qua nhà lên tiếng:
- Y Prông à! Y Prông ới! Trưa nay buôn mình hết thịt ăn rồi! Mày vào rừng xem có con mang, con nai nào xin Yàng cho buôn mình một con!
Chàng Y Prông tức thì nhẩy lên lưng voi, lững thững ra đầu buôn. Lúc đó, rừng còn ở đầu buôn mình mà!
Mặc voi nhà, mặc chàng Y Prông, bầy thú rừng vẫn nhởn nhơ ăn cỏ. Chàng giương cung lên chọn bắn một con, phải chọn bắn sao cho không trúng con thú con đang nằm trong bụng mẹ; chỉ bắn một con thôi, không được bắn nhiều! Những người khác trong buôn Đôn, những người ở các buôn làng khác trên Tây Nguyên cũng đều làm vậy!
Không biết tự bao giờ, người Tây Nguyên được hưởng kho báu của trời, tưởng như không bao giờ cạn này! Từ thời ông bà của ông bà, người Tây Nguyên coi rừng như mảnh vườn chung của cộng đồng. Yàng nhốt các loài muông thú trong rừng cho người Tây Nguyên, để có cái mà ăn xài! Ama Công nhớ, ông thuộc lòng Bài ca giữ rừng, lúc còn trẻ nít.
Rừng đã có từ thời bà.
Núi đã có từ thời ông
Cây rừng đã có từ thời xa xưa của ông bà để lại
Ông bà giữ rừng cho con cháu
Ông bà giữ đất cho con cháu
Ông bà giữ nước cho con cháu
Chim thú trong rừng ta phải bảo vệ
Thấy chim thú không được đuổi bắt
Bắt con chồn không được bắt con mẹ
Bắt con chim không được bắt con mẹ
Bắt con cá không được bắt con mẹ
Bắt con thỏ không được bắt con mẹ
Rừng, đất, nguồn nước không còn
Con người, muôn loài sẽ không sống nổi
Bảo vệ cây rừng là bảo vệ buôn làng
Bảo vệ cây rừng là bảo vệ rẫy nương
Bảo vệ cây rừng là bảo vệ bến nước
Bảo vệ cuộc sống của lũ làng
Mãi sau này, khi đã là chàng trai, nhận lễ trưởng thành, Ama Công mới biết Bài ca giữ rừng này chính là luật tục của ông bà để lại, buộc mọi người trong buôn phải thuộc lòng, để giữ rừng.
Nhóm văn nghệ sĩ Đắc Lắc lục tục lên xe, kéo đến Vườn Quốc gia Joóc Đôn, là nơi có hệ sinh thái rừng nhiệt đới đặc trưng, có voi rừng, hổ, báo, công, trĩ, gà lôi… Ai ai cũng ham muốn lần giở lại cuốn sách đỏ này, xem lũ chim thú quí hiếm chúng ẩn náu nơi nao?
Đã nhiều năm, những người làm nghề rừng ở Vườn quốc gia Joóc Đôn đang cố công giữ cho nhân loại kho báu thiên nhiên độc nhất vô nhị, chứa nhiều nguồn gien quí hiếm. Bạn tôi, Đoàn Xuân Thiện, thay mặt lãnh đạo cơ quan tiếp chúng tôi. Ông luôn miệng ca cẩm than phiền bọn Lâm tặc, chúng dùng mọi âm mưu, thủ đoạn rút ruột khu rừng. Tám chục cán bộ kiểm lâm của Vườn, chia làm tám trạm gác rừng ngày đêm, mà vẫn không sao ngăn giữ nổi bọn Lâm tặc quái gở kia!
- Mỗi ngày chúng chôm vài tấc gỗ, là có vài triệu đồng. Một con tắc kè bán rẻ năm ngàn đồng. Hàng ngày, anh em cán bộ kiểm lâm của Vườn đi tuần tra gỡ hàng trăm bẫy thú, bắt hàng trăm chiếc xe đạp! Có kể đến vài ngày cũng không hết những âm mưu quỉ quyệt của bọn giặc… rừng!
Một người nào đó ở cuối phòng thở dài:
- Chà! Lâm tặc ở đâu mà nhiều dữ vậy ta?!
Mấy người khác thì thào:
- Rừng vàng mà! Bọn giặc rừng bao giờ chả ham mê lủm vàng bỏ túi!
Về phía tôi, rất đồng cảm với bạn mình và những chàng kiểm lâm trẻ tuổi ngày đêm vất vả lăn lộn, đổ mồ hôi, sôi nước mắt, có khi còn đổ cả máu vì lũ giặc rừng quái đản kia! Những người giữ rừng đang đứng trước cuộc chiến không cân sức. Rừng thì rộng, dài hàng chục ngàn hecta, cùng với nhiều thứ gỗ, muông thú, cái gì cũng quí. Dưới sông Sêrêpốc cá tôm và các loài thuỷ tộc nhiều vô kể. Trên rừng, dưới sông cây gì, con gì cũng hiếm, cũng lần lượt chui vào sách đỏ, làm sao chúng chẳng cuồng điên đổ xô vào góc vườn này. Trong khi đó, phía ta chỉ có mấy chục người, có đến thánh cũng không chặn giữ nổi những cái lòng tham lam vô đáy kia!
Ông Thiện kể về cuộc điền dã chốn sơn lâm đêm qua của mình và một số chuyên gia nước ngoài, đội đèn đếm thú trong rừng sâu: Đi suốt đêm cũng chỉ gặp vài ba con ăn… đèn! Giàng à! Lũ thú ẩn núp ở đâu hết cả rồi!
Nỗi buồn dâng trên gương mặt bạn, tôi cũng buồn lây!
Có phải vì bọn giặc rừng quá nhiều, ngày đêm chăm chắm chuyên tâm trộm đạo, mà cái Vườn quí với hằng hà sa số loài sinh vật này đang nghèo kiệt; mặc dù phía ta đã áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ, chăm sóc khá nghiêm ngặt?
Những biện pháp giữ rừng từ gốc được thực thi. Đó là việc khoán rừng tới tận hộ lao động và cộng đồng buôn làng. Bẩy xã sống quanh vùng rừng đệm: Mỗi gia đình được nhận khoán vài, ba chục, đến năm, sáu chục hecta, với giá mới, một trăm ngàn đồng một ha; đủ tiền mua gạo cho họ! Buôn Giang Phốc, nằm trong Vườn rừng và buôn Giang Lành của bà con dân tộc thiểu số tại chỗ, được hỗ trợ bằng nhiều chính sách như đắp đập, làm thuỷ lợi, xây dựng cánh đồng lúa nước, làm đường giao thông, vay vốn ngân hàng, giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Một bộ phận lao động đang được hợp đồng làm du lịch sinh thái, văn hoá cùng với các nghề truyền thống gắn với voi rừng… Nói tóm lại, những người, những buôn làng sống quanh rừng đời sống phải được cải thiện, ổn định, để họ chuyên tâm giữ rừng.
Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Joóc Đôn đang áp dụng biện pháp cải thiện hệ sinh thái vùng này, ngõ hầu gọi chim thú về lại Vườn xưa! Đó là phương pháp chặn dòng những con suối, làm hồ nước ở giữa rừng, tạo nguồn nước tập trung cho chim thú về đây sinh sống! Chẳng biết bầy dã thú có về?
Đất lành chim đậu! Cầu Giàng ban phước lành cho lũ muông thú trở lại khu rừng này như thời ama Kông còn trẻ - cái thời ông và người cha thân yêu đến hồ Ea So nhặt thú chết vì những cuộc tranh cướp nước uống, để những người bạn tôi viết tiếp Bài ca giữ rừng thời kỳ đổi mới!