Lời tựa của Nhà văn Triệu Xuân. In trong tập: Ưng bình Thúc Giạ Thị - Cuộc đời và tác phẩm, hơn 800 trang khổ 16 x 24 cm. NXB Văn học. Sách sẽ phát hành vào cuối năm 2007.
Nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị sinh ngày 9-3-1877 tại Vĩ Dạ, Huế. Ưng Bình tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Bình, con của Hiệp tá Nguyễn Phúc Hồng Thiết, cháu gọi nhà thơ Tuy Lý vương (Nguyễn Phúc Miên Trinh, tác giả Vỹ dạ hợp tập) bằng ông nội1. Giòng dõi Hoàng tộc, Ưng bình Thúc Giạ Thị thông minh học giỏi, có khiếu văn chương từ nhỏ. Ông tốt nghiệp trường Quốc học Huế, năm 1904, hai mươi bẩy tuổi, ông đỗ đầu kỳ thi Kí lục, làm Kí lục ở Huế. Năm năm sau, 1909, ba mươi hai tuổi, đỗ cử nhân Hán học. Ông được bổ làm Tri huyện, lần lượt thăng Tri phủ, Viên ngoại, Thị lang. Năm 1922, Ưng Bình Thúc Giạ Thị làm Bố chánh Hà Tĩnh, Tuần vũ, Phủ doãn Thừa Thiên. Năm 1933, khi 57 tuổi, ông về hưu và được thăng Thượng thư Trí sự. Năm 1939-1940, ông là Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Trung Kỳ. Từ năm 1940-1945, làm Viện trưởng Viện dân biểu Trung kỳ. Năm 1943, khi 67 tuổi, được thăng Hiệp tá đại học sỹ. Ông mất ngày 4-4-1961 tại Huế, thọ 84 tuổi.
Là một nhà Nho uyên bác, lại tinh thông Tây học, từng làm quan lớn trong triều Nguyễn, nhưng nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị trước sau vẫn giản dị là một con người Việt Nam, yêu dân tộc Việt Nam, yêu Tổ quốc việt Nam, luôn thiết tha với cảnh vật, con người xứ sở mình. Ông được nhiều tầng lớp người trong xã hội quý yêu, kính nể. Chẳng thế mà năm 1951, khi ông tròn 75 tuổi, bạn bè đã tổ chức lễ điếu sống Ưng Bình Thúc Giạ Thị.
Trước năm 1975, tại miền Nam nước ta, Ưng Bình Thúc Giạ Thị là một trong những người sống, làm quan, sáng tác thơ văn dưới Triều Nguyễn được đánh giá cao, là một nhà thơ nổi tiếng. Nhưng ở miền Bắc, tôi còn nhớ, trên giảng đường của Khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, cái tên Ưng Bình Thúc Giạ Thị hầu như rất ít được nhắc đến. Trong những công trình nghiên cứu hoặc những bài viết về thơ Việt Nam giai đoạn 1900 – 1975 tại miền Bắc, cái tên Ưng Bình Thúc Giạ Thị lại càng hiếm hoi. Lý do ư? Phải chăng vì ông vốn là một vị quan đại thần của Triều Nguyễn? Thời đó, phàm cái gì là tàn dư của phong kiến đế quốc đều bị lên án mà!
Đọc Ưng Bình Thúc Giạ Thị, tôi cảm nhận được đây là một tài thơ lớn! Trong số những người làm thơ cùng thời với Ưng Bình Thúc Giạ Thị, có lẽ tác phẩm ông để lại là đồ sộ hơn cả. Ưng Bình Thúc Giạ Thị viết rất nhiều thể loại: thơ, ca Huế, ca trù, hò Huế, tuồng, làm cả nhạc nữa! Ở thể loại nào ông cũng có những tác phẩm được nhiều người thán phục. Tác phẩm viết bằng chữ Hán có Lộc Minh Đình Thi Thảo, được nhiều nhà thơ lớn cùng thời đánh giá cao, như là sự nối tiếp âm hưởng và nghệ thuật thơ thịnh Đường, mặc dù thời mà tác giả sống, chữ Quốc ngữ đã thay thế chữ Hán. Tác phẩm viết bằng Quốc ngữ có: Tình Thúc Giạ (1942), Bán buồn mua vui (1954), Đời Thúc Giạ, (1961), Tiếng hát sông Hương(1972). Về tuồng, có vở Tuồng Lộ Địch (1936), dựa theo vở kịch Le Cid nổi tiếng của nhà bi kịch cổ điển Pháp Pierre Corneille (1606-1684). Tuồng tào lao (1937), dựa theo một truyện cổ.
Lộc Minh Đình Thi Thảo gồm 197 bài thơ viết bằng chữ Hán - có sách nói là 227 bài - ở đó hàm chứa biết bao nỗi lòng, tâm sự của Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Ông là chắt nội của vua Minh Mạng, hoạn lộ vô cùng may mắn, sinh thời được nhiều tầng lớp người trân trọng. Thế nên, trong thơ ông ít thấy niềm đau và nỗi buồn như trong thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ. Thế nhưng, toát lên từ những bài thơ viết về non sông gấm vóc, những thắng cảnh của quê hương đất nước, ta vẫn thấy phảng phất đâu đó nỗi buồn của nhà thơ trên từng chặng đường đời. Đi làm quan xa nhà, ông nhớ nhà, nhớ Huế, nhớ người thân, người yêu. Đến những chốn sơn thủy hữu tình, biết bao lần ông chợt thấy tê tái cô đơn, thiếu kẻ tri âm để cùng thưởng thức vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng con người. Huế là xứ sở từ trong cỏ hoa mây nước gió trăng luôn đượm vẻ trầm tư, người nghệ sĩ đôi khi chìm đắm trong nỗi buồn man mác vì một trận mưa, một làn gió lạnh, một gợn sóng lăn tăn trên dòng Hương giang. Và chính nỗi buồn ấy đã có sức thuyết phục người đọc, lay động tâm tư người đọc, bởi nó rất thật! Thơ viết bằng chữ Hán của Ưng Bình Thúc Giạ Thị không khắc họa hiện thực lầm than của tầng lớp dân nghèo. Làm sao ta có thể đòi hỏi điều đó được! Nhưng, trong thơ ông, tình người luôn hiển hiện. Những bài thơ hay nhất của ông đều chan chứa tình, đặc biệt là những bài ông giãi bày tâm sự, giãi bày nỗi buồn của một người luôn cảm thấy cô đơn... Ông là một người trọng tình nghĩa, nhà ông vốn là Thi xã1 nức tiếng một thời.
Trung thu ký hoài Trường An du hữu là một bài thơ như thế:
Phong quang sơn tịnh ngũ canh thâm
Nhàn hướng hoa thôn độc lộng cầm
Diêu ức Hương Giang kim dạ nguyệt
Bồi hồi vô hạn cố viên tâm
Dịch thơ:
Trung thu nhớ bạn ở Huế2
Gió êm núi lặng canh tàn
Ngóng trông thôn vắng gảy đàn mình ta
Đêm nay Hương ngự trăng tà
Nôn nao xao xuyến thương nhà nhớ quê.
Muôn dặm đường đời, tới đâu Ưng Bình Thúc Giạ Thị cũng có thơ. Đây là bài Đi bộ dạo chơi từ Tỉnh lỵ Bình Thuận đến bờ biển Phan Thiết (Vãn bộ tự Bình Thuận tỉnh thành chí Phan Thiết hải tấn):
Vân thu thiên ngoại điểu quy lâm
Hà đạm yên khinh nhật ảnh trầm
Tứ dã nông ca cao trạch nhuận
Trùng dương ngư vịnh thủy lưu thâm
Khí chưng viêm hải phong thường tật
Địa tiếp Hồ sơn vũ bất dâm
Xứ xứ kinh qua giai lạc thổ
Giang hồ dục lão thiếu niên tâm
Dịch thơ:
Lưng trời mây tản cánh chim qua
Ráng nhạt sương loang bóng xế tà
Đồng nội véo von cày cấy hát
Trùng khơi thăm thẳm tiếng chài ca
Gió lùa biển nóng nồng hơi tỏa
Mưa nhẹ non hồ khuất bóng xa
Bước giẫm đất lành qua mấy nẻo
Giang hồ luống mỏi mộng chưa già.
Nhà thơ tả cảnh thật tài tình! Ông coi mình như một khách giang hồ luống mỏi mệt rồi nhưng tinh thần, ý chí thì chưa già, còn sung sức!
Ở không ít bài thơ viết bằng chữ Hán, cũng như Quốc ngữ, ta bắt gặp tâm trạng cô đơn, nỗi sầu da diết của Ưng Bình Thúc Giạ Thị, cô đơn ngay cả khi tiệc tùng đàn ca réo rắt, cô đơn ngay cả giữa chốn đông người. Xin dẫn bài: Giáp Tý xuân tam nguyệt nhị thập cửu dạ chiêu ẩm tác thi mệnh cầm đề thi: Mùa xuân năm Giáp Tý -1924 - đêm 29 tháng 3 cùng khách uống rượu làm thơ và nghe đàn:
Mộng Vị thi tình cửu bất ngâm
Ngã Đông Chi thị lãn minh cầm
Lưỡng tam bôi tửu sầu nan đoạn
Thiên vạn trùng sơn vọng chuyển thâm
Kịch liệt ác ma doanh đổ cục
Thanh tao mặc khách thiểu đồng tâm
Kim triêu sạ thính Hành Vân khúc
Thập lục chu huyền tế vũ xâm
Dịch nghĩa:
Đã lâu không ngâm nga vì cuộc tình thơ với nàng Mộng Vị
Ông Đông Chi của ta biếng gảy đàn
Vài ba ly rượu uống khó khuây nỗi sầu
Xa cách ngàn trùng nhớ nhung càng thêm nhiều
Quanh bàn cờ bạc có nhiều ma cờ bạc sát phạt nhau ác liệt
Nhiều bạn tao nhân mặc khách nhưng ai là bạn thân tình
Sáng nay chợt nghe điệu nhạc Hành Vân
Tiếng đàn tranh rì rào như mưa nhẹ rơi không dứt
Dịch thơ:
Đông Chi, Mộng Vị mối tình lan
Chàng bẵng ngâm thơ biếng gảy đàn
Sầu nhớ không nguôi vài chén rượu
Nỗi lòng dằng dặc vạn trùng san
Quỷ ma ác liệt đầy sòng bạc
Mặc khách thanh tao thiếu bạn vàng
Vẳng điệu Hành Vân đàn thập lục
Rì rào réo rắt hạt mưa tan
Trong đời thơ của mình, Ưng Bình Thúc Giạ Thị có nhiều dịp xướng họa cùng thi hữu thân thiết. Đây là thơ họa bài khai bút của Hùynh Thúc Kháng:
Họa Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng tiên sinh Tân Tỵ thí bút nguyên vận
Cửu cao tằng thính cô minh hạc
Thập tải thê trì thử đế kinh
Hữu khách kinh qua kim thế lộ
Vị thùy bất thức lão tiên sinh
Chi trì thiết thạch tâm nan chuyển
Lai vãng phong trần mấn dị canh
Kỷ tuế tân thi tân vận sự
Ngâm thành trịch địa tác kim thanh1
Họa thơ khai bút đầu năm Tân Tỵ (1941) của Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng
Từng nghe tiếng hạc lẻ loi kêu bên bờ sông nước
Ở đất Thần kinh đã mười năm
Bao người qua lại trên đường trần thế
Ai là kẻ không quen biết đến bậc lão thành này
Lòng son sắt ý quyết khó đổi thay
Xuôi ngược phong trần tóc mai đã đổi mầu
Mừng năm mới làm vần thơ ghi sự việc mới
Ngâm xong quẳng xuống đất nghe tiếng ngân thanh thanh
Dịch thơ:
Hạc lẻ đầm sâu vọng nỗi tình
Mười năm ẩn dật đất Thần kinh
Bao người giẫm bước đường trần thế
Nào kẻ không quen bậc lão thành
Gan dạ sắt son lòng đã quyết
Phong trần xuôi ngược bạc đầu nhanh
Đón xuân việc mới vần thơ mới
Ngâm chán quăng đi tiếng vọng thanh
Ưng Bình Thúc Giạ Thị ca ngợi nhân cách của nhà cách mạng Huỳnh Thúc Kháng: Gan dạ sắt son lòng đã quyết, đồng thời cũng gửi cả tình cảm yêu kính, khâm phục cụ Huỳnh. Nhà Nho Ưng Bình Thúc Giạ Thị làm bài thơ này lúc 64 tuổi, đang làm Hội trưởng truyền bá Quốc ngữ Trung Kỳ. Tiếp đó, Xuân Nhâm Ngọ (1942), Ưng Bình Thúc Giạ Thị đến thăm và cùng làm thơ khai bút với Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng:
Thứ Minh Viên Hoàng tiên sinh Nhâm Ngọc nguyên đán thí bút nguyên vận
Hành niên lục thập dĩ kinh qua
Hy cổ hy nhân vị đáo hà
Ngẫu đái xương cuồng phi tửu phích
Bất kinh hồn mộng hữu thi ma
Hành môn tự hứa tâm như thủy
Lão phố tê nhàn mấn tiệm hoa
Tế thử xuân quang vô dị hảo
Chỉ Kỳ viên thụ Mính Viên hoa1
Dịch thơ:
Tuổi đời sáu chục mới vừa qua
Ít kẻ từ xưa được tuổi già
Rượu chẳng nghiện chi ngông có lúc
Thơ thì đã sẵn, sợ gì ma
Cửa cài đã hứa lòng không rộn
Trồng trọt nhàn qua tóc điểm hoa
Giữa lúc xuân sang đâu thú vị
Vườn Kỳ cây cỏ với hoa trà
Mính Viên là tên hiệu của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Chữ Hán, mính viên nghĩa là vườn trà. Hai câu kết bài thơ này chơi chữ rất hay: Giữa lúc xuân sang hoa cỏ rực rỡ, còn gì thú vị hơn là lui tới, vui chơi với ông Huỳnh Thúc Kháng! Chỉ kỳ viên thụ mính viên hoa, Ưng Bình Thúc Giạ Thị coi cụ Huỳnh Thúc Kháng như cây tùng cây bách. Chỉ với hai bài thơ đã dẫn, chúng ta thấy tình cảm đặc biệt của Ưng Bình Thúc Giạ Thị đối với nhà cách mạng tiền bối.
Khi viết bằng Quốc ngữ, Ưng Bình Thúc Giạ Thị vẫn sáng tác theo các đề tài mà ông quen thuộc như trong thơ viết bằng chữ Hán, nhưng tự do phóng khoáng hơn, thỏa sức thể hiện tài năng quan sát, miêu tả thiên nhiên và tình người. Nhờ thế mà chất liệu đời thường, hiện thực đất nước sáu chục năm đầu Thế kỷ XX tràn vào thơ ông nhiều hơn. Những bài thơ họa, thơ vịnh cảnh của Ưng bình Thúc Giạ Thị thật hay! Những bài thơ tác giả viết cụ thể về một lớp người: Những anh hùng liệt nữ như Bà Trưng, Bà Triệu…; thơ về người vợ, thầy đồ, quan lại, cô đào, ca nữ, anh kép già, học trò, người hành khất…; Những nhà thơ danh tiếng như Nguyễn Du (Tô điểm non sông trời Cồ Việt1/ Đành treo giải nhất áng văn hay); Những người tri âm tri kỷ như Thảo Am Nguyễn Khoa Vy, Mộng Tuyết Thất tiểu muội, những khách thơ thường lui tới nhà ông, rồi những bài tự thuật, tự trào về chính mình (Thăng hàm Hiệp tá kỷ sự)… rất phong phú, như là bức chân dung bằng thơ, rất thật và luôn tinh tế, hóm hỉnh, sâu sắc, cả sự trào lộng thâm trầm.
Bài Coi hát rạp Đồng Xuân là một thí dụ:
Rạp hát Đồng Xuân tiếng thuở nay
Hoa thêu gấm dệt cảnh phô bày
Kép đào vai cũ không ai lạ,
Trung nịnh tuồng xưa lắm vở hay
Cứu Tiết Linh Sơn cho khỏi nạn
Cậy Trinh Thiên Tuế phải ra tay
Tẻ vui cười khóc trên sân khấu
Lẳng lặng ngồi xem lớp đổi thay.
Cảnh sông thu viết tháng Tám Ất Dậu, 1945, là một trong những bài thơ thể hiện tài năng tả cảnh của Ưng Bình Thúc Giạ Thị:
Xa xa bóng nhạn giữa trời thu
Nước biếc mây xanh lẫn một màu
Quốc quốc tìm sâu trên vạt cỏ
Le le nhởn sóng cạnh bờ lau
Lẹ làng nốt ruổi bơi qua đó
Êm thấm thuyền tình đậu ở đâu
Lưu thủy, hành vân thành điệu cổ
Trên sông nghe vắng đã từ lâu.
Bài Sông Hương thấm đẫm nỗi niềm riêng trước bao biến thiên cuộc đời:
Một dải trong ngần ngó dễ ưa
Sang sông chạnh nhớ cảnh ngày xưa
Trải bơi Cồn Hến già khen mãi
Giá ngự thuyền Rồng trẻ thấy chưa?
Sáu nhịp vòng cung cầu đã bắc
Trăm năm bến cũ dấu còn lưa
Biết bao giọt lệ trôi dòng nước
Tan hiệp đây là chỗ đón đưa.
Bài thơ này làm năm 1959, tác giả chú thích rất dài: gần một trang in 13 x 19 Cm: cắt nghĩa về Trải bơi ở Cồn Hến và Lễ trải hàng năm rước hến vào mùa hạ, nay không còn nữa; cắt nghĩa về chiếc thuyền Rồng để Vua ngự gồm nhiều thuyền trần đi trước dắt thuyền ngự như thế nào, rồi cầu sáu nhịp, tức cầu Clémenceau, dân ta quen gọi là Trường Tiền, vì trước đó có bến đò Trường Tiền. Trường đúc tiền cũng ở đó… Càng về cuối đời, nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị càng sống gần dân hơn. Thi sĩ đa tài, rất nhạy cảm, có tấm lòng nhân ái, yêu nước thương nòi. Thời trai trẻ làm quan, ông sống thanh đạm liêm khiết. Về già, ông gần dân, nên càng đau đáu nỗi niềm của nhân dân. Ông vua trẻ Bảo Đại từ Pháp về nước, biết bao kẻ hám lợi danh bu quanh, Ưng Bình Thúc Giạ Thị nghĩ đến cảnh người ta đua chen chốn quan trường mà thẹn:
Cảm thương danh lợi cả hai thằng
Kẻ chống người chèo bộ nhí nhăng
Ghét cụm bèo trôi che bóng nước
Giận chòm mây nổi khuất vành trăng
Chim không nhát bẫy nhìn không đậu
Cá dại ham mồi thấy phải ăn
Câu hát bên sông thêm chạnh nỗi
Ông chài lơ lửng có nghe chăng!
Buổi chiều đi dạo bờ sông tức cảnh
Trong những tác phẩm của Ưng Bình Thúc Giạ Thị, có một mảng rất đặc sắc, đó là những câu hò, điệu hát, bài ca trù đã đi vào tâm khảm của người dân xứ Huế. Thật là thú vị khi những câu hò Huế, những bài hát ca trù ấy lại chính là sản phẩm do một nhà Nho giòng dõi Hoàng tộc, một vị quan đại thần triều Nguyễn tạo ra. Âm hưởng chủ đạo của mảng sáng tác này là tình yêu đôi lứa, tình nghĩa con người, tình yêu quê hương đất nước. Ưng Bình Thúc Giạ Thị đúng là một nghệ sĩ đa tài! Ông tỏ ra say mê rành rẽ dân ca nhạc cổ của cả ba miền Bắc Trung Nam, không hề chê bai một làn điệu nào, từ dân ca Bắc bộ đến cải lương ở Nam Bộ. Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã góp phần quan trọng trong việc phát triển lên tầm nghệ thuật các làn điệu ca Huế và hò Huế. Đến mức, có những bài ca, câu hò do Ưng Bình Thúc Giạ Thị sáng tác đã nhanh chóng đi vào đời sống nhân dân, ai cũng nghĩ là từ dân gian mà ra.
Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi ai câu, ai sầu ai thảm
Ai thương ai cảm, ai nhớ ai trông?
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non.
Câu hò trước bến Văn Lâu
Và:
Nước chảy xuôi, con cá bươi lội ngược
Nước chảy ngược con cá vượt lội ngang
Thuyền em xuống bến Thuận An
Thuyền anh lại trẩy lên ngàn, anh ơi!
Nước chảy xuôi… nước chảy ngược
Đây là hai tác phẩm trứ danh, do một người sáng tác mà đã trở thành máu thịt của nhân dân xứ Huế! Hai câu hò ấy đều bắt nguồn từ sự kiện lịch sử: Vua Duy Tân và các đồng chí của mình chuẩn bị khởi nghĩa chống Pháp, việc không thành, các đồng chí của Duy Tân bị sát hại, nhà vua bị Pháp bắt đi đày…
Ưng Bình Thúc Giạ Thị - đời người, đời thơ của cụ chan chứa ân tình! Thơ, ca Ưng Bình Thúc Giạ Thị có vị trí không thể phủ nhận trong kho tàng văn chương nước nhà. Cuộc đời và tác phẩm của Ưng Bình Thúc Giạ Thị sẽ sáng mãi trong lòng người dân xứ Huế và trong lòng những ai tha thiết với văn học dân tộc. Tôi là người của thế hệ sau, tôi có tâm nguyện: Những gì thế hệ trước đã làm được, nay ta cần phải bảo tồn, trân trọng, coi là vốn quý vô giá của dân tộc để làm nền tảng cho con cháu chúng ta phát huy: tự hào về quá khứ, vững tin ở hiện tại, lạc quan bước tiếp trong kỷ nguyên đưa nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu. Bởi thế, tôi nghĩ là mình may mắn khi làm bộ sách này. Để kết thúc lời giới thiệu thô sơ này, tôi xin trích dẫn mấy dòng của nhà thơ Nguyễn Vỹ - tác giả bài thơ bất hủ: Gửi Trương Tửu. Nguyễn Vỹ đã viết về cố thi sĩ Ưng Bình Thúc Giạ Thị với tất cả sự nhạy cảm và tấm lòng của một thi nhân. Khi tôi biên tập để xuất bản tác phẩm Văn Thi sĩ tiền chiến, đến bài viết về cụ Ưng Bình, tôi lấy làm tâm đắc với Nguyễn Vỹ vô cùng:
… “ Chỉ đọc đôi ba bài tuyệt diệu, cũng thông cảm được hết nỗi lòng hồi hộp băn khoăn của thi sĩ, dù là một tiếng thở, một lời than, ký thác trong âm điệu của của mỗi dòng, mỗi chữ.
Thơ của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị vừa nhẹ nhàng, trang nhã, vừa hàm súc bao ý nghĩa. Cụ kế tiếp được những truyền thống thi cảm Tuy Lý Vương, truyền thống Nho phong mà chúng ta cảm thấy như không còn ai tiếp nối nữa.
Một bài thơ như bài sau đây của cụ Ưng Bình viết năm 1946, có thể nói là một kiệt tác:
Bẩy mươi tuổi tự thuật
Ngưỡng mong ơn Phật với ơn Trời
Tuổi thọ nay đà đến bẩy mươi
Rượu có mùi hương nên uống mãi
Thi là thuốc bổ cứ ngâm chơi
Thuở ra sân khấu không làm rộn
Khi hạ vai tuồng ít hổ ngươi
Giở tấm gương vàng soi tóc bạc
Sương pha tuyết điểm lại càng tươi
Thơ Đường luật điêu luyện đến mức nghệ thuật toàn thiện toàn mỹ như thế, xin hỏi cả một thế kỷ có được bao nhiêu bài?
Ưng Bình Thúc Giạ Thị là một thi nhân cổ điển, tóc bạc thơ vàng, khó kiếm được nữa trên mảnh đất Việt Nam ở thời đại này!”1.
Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, mùa Thu 2007