''Miếng ăn quá khẩu thành tàn''
Ngạn ngữ
Có thể nói, dân Việt sống ở Ðức rất thích tụ tập mỗi khi có dịp. Bởi vì cứ tụ tập là có Phỏm, sát phạt, đánh chén. Hễ đánh chén ắt có bia, rượu. Khi có tí hơi men, y như rằng cuộc vui trở thành ồn ào... ồn ào, thậm chí gây gổ và cuối cùng thỉnh thoảng cũng : Choang !...
Cảnh ồn ào như vậy trước đây thường xẩy ra. Sau khi nước Ðức thống nhất, thói quen đó vẫn tồn tại. Một lần ồn ào chưa sao. Lần thứ hai, ông hàng xóm đập vách ngăn thình thình để nhắc nhủ : Trật tự !
Lần thử 3, sự ồn ào tới hồi gay cấn thì... những ông bà hàng xóm ở trên đầu, dưới chân, bên phải, bên trái, sau lưng của căn hộ nằm trong cao ốc 18 tầng, hình như... đồng loạt, lặng lẽ nhấc điện thoại. 5 phút sau một xe cảnh sát tới. Có tiếng chuông reo liên hồi... chủ nhân lật đật ra mở. Một tốp cảnh sát 3 người chào rất lịch sự. Xưng hô rất kính trọng, đòi kiểm tra giấy tùy thân của từng người, ghi nội dung đến kiểm tra, bắt chủ nhân căn hộ ký xác nhận, nhẹ nhàng yêu cầu mọi người trật tự rồi... bỏ đi.
Thế thôi !
Tưởng đã yên chuyện, trật tự được lập lại... rồi ai về nhà nấy.
Mấy ngày sau vợ chồng chủ nhân căn hộ kia nhân được giấy báo phạt ''làm mất trự tự công cộng sau 22 giờ...''. Chủ nhân Ông bị chủ nhân Bà đay nghiến... cả hai méo mặt rút hầu bao, cạch, không dám tái phạm.
Tin sốt dẻo lan truyền, bà con ta rút kinh nghiệm, nhờ vậy bệnh ồn ào kinh niên, mãn tính ở những nơi cần yên tĩnh để không làm phiền người khác - dần khắc phục. Nếu có ai đó mới đến Ðức, chưa quen, đi trên đường, trên tầu xe, vô ý nói to, cười hô hố cứ như ở nhà mình, trong khi chưa nhận ra những cặp mắt của người xung quanh đang đổ dồn nhìn mình chằm chằm ngầm phản đối, thì... một đồng hương của họ - đã trải qua cảnh này - lặng lẽ tiến lại khẽ nhắc : Nói nhỏ đi. Dân Ðức không thích ồn ào nơi công cộng.
Không được ồn ào lớn thì ta ồn ào nhỏ - mọi người ngầm bảo nhau.
Thế là quay ra ''đánh du kích''. Tôi đã nói bản chất của dân Việt ta rất thích quần tụ với nhau ít nhất, sự quần tụ hình thức là vì thế. Chuyện thay đổi tính nết hơi khó. Người Tàu đã nói : ''Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời''. Bới vậy để khắc phục ồn ào, chúng tôi đành chọn lọc đối tượng để tụ tập. Những kẻ nát rượu, những người có mắu hoàng bào không bao giờ được mời. Các cuộc vui ăn nhậu, sinh nhật, lễ lạt... chỉ diễn ra trong phòng khách độ 4 đến 5 gia đình gồm vợ chồng con cái chừng trên chục người thường vào 2 ngày thứ bẩy và chủ nhật. Sáng thứ hai đi làm. Chủ nhật sau đến lượt gia đình khác luân phiên.
Chủ nhật này gia đình Thành tổ chức liên hoan vừa đến lượt, vừa ăn mừng chuyến đi phép vừa sang. Trong điện thoại gọi cho tôi, Thành nhấn mạnh : Phải đến đúng giờ quy định. Các cậu sẽ được ăn món ăn đặc biệt mang từ quê nhà do tớ đích thân làm.
''Món gì mà gọi đặc biệt'' ? Tôi thầm hỏi rồi tự sự : Ở xứ này, chỉ bán một chiếc xe ô tô người ta đã có thể mua sản phẩm trong một vụ của một trang trại trồng Cam... của ngon vật lạ của thế giới thứ gì chẳng có. Vẽ chuyện thêu dệt. Tuy nghĩ thế, hai vợ chồng cùng đứa con gái 10 tuổi vẫn hăng hái chuẩn bị, tham gia. Ðúng giờ, tất cả 4 gia đình được mời, đều lần lượt gõ cửa căn hộ vợ chồng Thành ở. Chủ nhà vui mừng đón khách. Các bà khách ào xuống bếp gíup nữ chủ nhân hoàn thành nốt những món đang dở... Chỉ vài chục phút sau, hai mâm cỗ thịnh soạn đã được dọn ra : Thịt chó Nhật Tân, tái dê Nguyễn Gia Thiều, gìo lụa, chả quế chợ Hoè Nhai. Một đĩa chả trông như chả trứng đúc thịt nạc, bên cạnh 1 bát trông như chè khoai lang, sền sệt mầu vàng như trứng bác, mùi vỏ quýt thơm lừng. Bên cạnh bầy điã thịt ba chỉ luộc và điã sà lách, đầy rau thơm. Tất cả các món rán, nướng, xào đều nóng sốt bốc hơi. Ðể bữa ăn không bị gián đoạn mất hứng, Thành mang chiếc bếp điện đặt cạnh bàn ăn, trên bếp nồi nước xáo măng hỗn hợp sườn lợn với chú vịt vừa làm lông, tươi rói - đang sôi sùng sục. Ai thích ăn bún vịt sáo măng Việt Nam (chứ không phải măng Thái Lan) - thì tự phục vụ...
Bàn ăn chia làm hai mâm đặt trên những tờ giấy báo, dưới sàn thảm, Các bà mẹ với lũ trẻ ngồi một mâm. Còn mâm kia là 5 người đàn ông - 5 con sâu rượu - Hai chai Sâm banh được mở trước tiên mời cả các bà, lát sau cánh đàn ông mới mở chai X.O. do chính chủ nhân Thành trang trọng rót vào từng ly cho các bạn. Cuộc đưa cay có ồn ào chút ìt nhưng không ai nói quá to nên không khí bữa tiệc đậm đà, ấm áp. Một anh bạn, dân quê vùng núi Hòa Bình chỉ vào đĩa ''chả trứng, bát chè khoai lang'', hỏi : Ðây là món gì, lần đầu tiên tớ thấy, chủ nhân giới thiệu xem nào.
- Chính là đặc sản của quê tớ. Cũng là đặc sản của Việt Nam, vùng châu thổ sông Hồng : Chả Rươi. Mắm Rươi - Thành đưa tay lần lượt chỉ vào điã và bát - cao giọng.
Như để cho các bạn chú ý, ngừng một chút, Thành mới tiếp : Chả này nguyên liệu chính là con Rươi. Có thêm trứng gà nhà - Phải là gà nhà chứ không phải gà công nghiệp hay trứng vịt - trộn với hành hoa, vỏ quýt, nước mắm. Không được cho mì chính để mất hương vị ngọt đậm của con Rươi.
- Cậu tài thật, làm sao mà đưa được những thứ này sang ? Không bị Hải quan ngăn cản à ?
- Tớ cũng gặp may khi xuống máy bay không bị kiểm tra gắt gao. Điều quan trọng: Trừ chai mằm Rươi, tất cả phải làm chín. Tiếc là không mang được đồ tươi sang. Tuy vậy, mới không quá 17 giờ bay, về đến nơi bọn mình đưa ngay vào tủ bảo quản, sáng nay đưa ra để xả lạnh... lúc nẫy đem chưng, nướng lại. Tuy đã mất đi chút ít hương vị nhưng cũng không nhiều, vẫn còn ngon lắm. Nào, mời các bạn, các chắu ăn thử.
Món ăn đặc biệt quy hiếm, lạ miệng nên chỉ một loáng đĩa chả Rươi, bát mắm Rươi chưng, đĩa thịt ba chỉ luộc đã hết sạch. Ai cũng thấy thòm thèm. Thành thanh minh : Hơi ít, các bạn thông cảm, không thể tải thêm được. Mà này, trước đây đã ai được ăn Rươi chưa, hay đây là lần đầu ? Còn cậu, dân Nam Ðịnh, bên ấy có Rươi không ? Cũng gần cửa biển mà ? Thành quay sang hỏi Ban.
- Rươi quê tớ có nhiều. Không những được ăn tươi, ăn nhiều, còn trực tiếp đi bắt vê làm mắm. Các cậu vừa chấm thịt ba chỉ với mắm Rươi chưng, có vỏ quýt, ăn kèm sà lách đó....
- Quả thật ngon miệng. Mình ở Phú Thọ chả bao giờ nhìn thấy con Rươi.
- Anh bảo, đã từng đi bắt Rươi về làm chả, làm mắm à ? Bắt như thế nào, con Rươi hình thù ra sao ? - Cô vợ của một ''sâu rượu'', ngồi cạnh chồng đưa đẩy.
- Tôi chẳng những được ăn còn đi bắt rươi. Thê thảm hơn nữa, mới đây còn bị Rươi cho một vố... nặng. Ban mỉm cười, cầm ly rượu dốc ngược, đặt mặnh xuồng bàn, khà, gắp một miếng dồi chó nhai. Mọi người thấy câu chuyện của Ban có ‘’mùi gay cấn’’ - cũng bắt đầu chú ý, làm theo. Một anh bạn trẻ có vẻ thờ ơ dục chiếu lệ : Thế à, kể xem nào...
Hơi men của gần 1/5 chai XO được các bạn chia cho đã ngấm, được người nghe chú ý khích lệ, Ban bắt đầu thấy hăng lên : Quê mình ở Giao Thủy, Nam Ðịnh, gần cửa biển. Mỗi khi thuỷ triều lên, nước biển tràn vào, dồn nước sông ngược lên thượng nguồn, dềnh ngập bãi sông, ngập những khu ruộng trũng. Hai giòng nước mặn - ngọt hoà trộn, tạo ra khu vực cửa sông đổ ra biển vùng nước, gọi là nước Lợ, hay nước Ngang. Cá, tôm, cua, cáy, rươi... ở khu vực này sinh sôi phát triển. Riêng nước tháng 7, vào trung tuần, khi tiết trời mưa Ngâu lất phất, con Rươi bị khí hậu kích thích, từ lòng đất chui ra, bơi tung tăng trên mặt nước. Trẻ con, người lớn làm những chiếc vợt bằng vải màn, hớt từng con đổ vào giỏ. Rươi trông như con rết, mầu hồng, vàng thẫm hoặc đỏ nâu. Thân mềm, dễ vỡ nát. Trong 3 ngày giữa tháng 7 rươi lên nhiều nhất. Người vớt rươi thu hoạch cũng nhiều hơn so vơi những ngày khác trong tuần nước rươi (từ 12 đến 20/7 âm lịch). Lúc đưa về, rươi còn tươi, làm chả nướng, rán ăn tuyệt ngon. Số khác vớt đã lãu, được đem rửa sạch, ướp muối làm Mắm Rươi. Hai món ngon truyền thống làm bằng rươi được hai bạn Thành mang sang, chúng ta vừa thưởng thức đó.
- Nhưng mắm rươi sao lại có mùi thơm đặc biệt thế nhỉ. Thông thường tôm, cá, cua , cắy... làm mắm vì lượng đạm cao - có mùi khác kia - một cô phát hiện.
- Cô thật tinh. Ðúng. Mắm rươi làm xong phải để một thời gian cho ngấu, rồi cho thêm vỏ quýt, bột thính rang. Chỉ riêng việc rang gạo cũng đã là một khâu quan trọng làm mắm Rươi dậy mùi hay mất mùi. Gạo phải là Dự hoặc Tám thơm. Trước khi rang phải ngâm nước, để ráo. Khi rang phải nhỏ lửa, dùng 2 đôi đũa kẹp song song trong lòng bàn tay, quấy liên tục cho đến khi ngửi thấy mùi thơm, mầu gạo ngả vàng, đổ ra tờ báo, gói lại, ủ trong chăn chừng 30 phút mới đưa ra, để nguội và xay. Phải xay nhiều lần, rây bằng rây bột trẻ em sau đó để nguội hẳn mới đổ vào hũ mắm, bịt kín, hạ thổ hoặc để vào chỗ mát. Khi chưng mắm để chấm thịt luộc, lại phải phi hành mỡ thật thơm, cho thêm vỏ quýt , chưng lửa nhỏ, chín kỹ, vừa ăn... mới thơm ngon, không mất chất, mất mùi. Ban tỏ ra, diệu nghệ sành sỏi trong nghệ thuật ẩm thực thể hiện trong cách tường thuật, giải thích...
Hai bàn tiệc cứ vừa ăn uống, vừa nghe, bàn tán về món ăn có một không hai nơi xứ lạ quê người. Chai XO thứ nhất hết, Thành mở chai thứ hai. Các cô uống Vang Pháp. Rượu vào lời ra. Nhân bàn chuyện ăn, 5 ông chủ quê ở 5 tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc bộ thi nhau kể các món ngon của quê mình để giới thiệu với bạn... Tuy vậy, không vị nào đüa ra được các món ăn ngon hơn, sang hơn chủ nhân bữa tiêc ngưòi Hà Nội. Ngay trong bàn tiệc có tới 4 món : Tái Dê và thit Chó, giò Lụa, chả Quế, không nơi nào làm ngon hơn sản phảm của Hà Nội. Chủ đề của cuộc mạn đàm lại xoay sang chuyện món ăn, nấu ăn.
Ban không tham gia thảo luận mà lặng lẽ uống. Anh ta chỉ gắp món ''Nhựa Mận''. Một mẹ Hĩm ngồi đối diện thấy vậy gợi chuyện : Theo anh Ban, thịt cầy có 7 món, anh thích nhất món nào ?
- Nhựa mận !
- Không phải là Dồi ư ? ''Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó; Chết xuống âm phủ liệu có hay không ?''- các cụ ta nói thế cơ mà ?
- Mỗi người có cách thưởng thức theo khẩu vị của mình. Tớ cho rằng, món Nhựa mân là tuyệt vời nhất. Phải nói Tuyệt vời và Nhất mới đã. Bởi vì không có thịt của con vật nào sau khi đem bóp riềng, mẻ, mắm tôm đun lên, lại có thứ mùi vị đặc biệt như thịt chó. Củ Riềng vị cay, thơm. Mắm Tôm nhiều đạm, ngọt - thứ gia vị này đối với thịt chó nhất thiết không được thiếu. Không bóp mắm tôo, không còn ra mùi vị thịt chó (1). Mẻ - gạo cơm cho lên men tạo ra vị chua, ngọt, cộng vơi bát tiết chó bóp lẫn, tất cả 4 chất ngấm vào miếng thịt vốn dĩ đã rất nhiều chất đạm đem nướng chả hay nấu nhực mận là tạo ra 2 trong số 7 món trứ danh. Riêng nhực mận, phải đun nhỏ lửa, vùi trong tro than hồng. Ở bên ta - miền quê - món nhựa mận phải đun trong nồi đất, vùi than vỏ trấu. Lúc bắt ra mùi vị mới thật đượm. Lãy bát bún, xúc trong nồi, có thứ nước trông sền sệt như nhực cây mận nên gọi là món Nhựa Mận ! Khi lấy vắt búng, chan thịt lẫn nước xúc đưa lên miệng... chao ơi thơm, ngậy... rồi khi lùa vào mồm... chậc - Ban nuốt nước bọt đánh ực...
Ngừng một chút tuồng như nghẹn... lát sau anh mới tiếp : Ở đây không có mẻ nguyên chất gạo, thịt đã bị luộc qua để mang lên máy bay, vùi bằng bếp hầm Gaz nên hương vị của Nhựa Mận có kém đi - chợt nhớ ra... Ban liếc nhìn chủ nhà, ngừng rồi chậm chạp tiếp - Tuy kém hơn nhưng cũng... khá !
- Thì cậu cứ nói thẳng ra là chưa đạt yêu cầu đi. Còn vẽ chuyện, nhiêu khê...
- Tớ không nói vậy. Ðây là lời cậu nói đãy nhé - Ban ngoác miệng cười. Cả bàn tiệc vui vẻ cười theo. Bữa ăn cứ tiếp diễn trong ồn ào. Bỗng một ''con sâu'' - hai mắt đã có vằn đỏ - nhìn Ban, lè nhè :
- Lúc nẫy cậu nói Rươi đã cho một vố, chuyện gì vậy ?
Ban ngẩng nhìn người vừa hỏi, quay nhìn lên trần nhà im lặng, ngẫm nghĩ. Cô Cúc - vợ anh - nhìn chồng, nhìn người vừa gợi chuyện bằng ánh mắt ngạc nhiên... Ban lia mắt sang phía vợ, nhìn vợ chăm chăm đoạn chậm rãi cất giọng : Ðúng, nói chính xác - Hũ Mắm Rươi đã cho tớ một vố nhớ đời. Câu chuyện xẩy ra hồi mùa thu năm kia. Bọn tớ về phép thăm nhà vào cuối mùa hè. Một hôm, Mẹ tớ ra chợ mang về chiếc rá vo gạo loại to, trên đậy lá khoai ngứa. Nhớ lại lúc bé, tớ chạy đến đở chiếc rá cho bà, đặt xuống bàn. (Cứ như cảnh 30 năm trước đón mẹ về chợ). Bà nhắc : Nhẹ tay con ạ. Vợ tớ tò mò nhấc lá khoai ra... eo ôi... - Cô ta tròn mắt thốt lên, quay ngoắt tỏ vẻ kinh tởm : Trong rá một khối những con vật trông như con rết, đan xoắn lấy nhau lầy nhầy. Có con còn nguyên hai hàng chân hai bên hông, con vỡ, nát thành đám bột vàng nhạt... Mẹ trấn an : Con không nhớ con vật này à ? Rươi đó. Lúc bé con rất thích ăn chả Rươi, mắm Rươi kia mà.
Mẹ nhắc, trong ký ức lờ mờ... tôi dần nhớ ra... vội giải thích cho vợ : Rươi sống trong lòng đất. Chỉ bơi ra trong kỳ rằm tháng bẩy rồi gửi xác cho cá cua hoặc lại trở về tan ra với bùn đất. Ðể anh giup mẹ làm món chả rươi cho em ăn, đảm bảo ăn rồi em sẽ nghiện ngay.
Tôi theo hướng dẫn của mẹ, đem rá kia ra ao, đặt chìm trong nước, khẽ dùng tay khuấy thật nhe nhiều vòng, nhặt những cọng que, rơm vất đi. Khi thấy đã sạch, nhấc rá, đưa về để ráo nước, san ra làm hai. Nửa làm mắm để nguyên, rắc muối, xóc đều trên dưới cho ngấm muối rồi đổ vào vại, bịt hai lớp vải màn tránh ruồi nhặng đẻ vào dễ sinh bọ, đem phơi nắng. Nửa kia dùng đuã khuấy liên tục, cho thêm trứng gà, các gia vị rồi đem gói lá chuối, úp nồi đất ủ than trấu, nướng.
Bữa ăn đó thật tuyệt vời. Cô vợ kia - Ban dơ tay chỉ người đàn bà xinh đẹp trong góc bàn - ăn thử thấy ngon, chén tỳ tỳ, quên hẳn ấn tượng lúc đàu. Ðể phục vụ khẩu vị của các con ''Kèo sang bên kia, làm gì có'' - bà nhấn mạnh - đi lùng mua mắm rươi ngấu, về làm cho bọn tớ ăn. Bà cũng làm như cách làm của cậu Thành vậy. Chúng tớ lại được chén vài ba lần mắm Rươi nữa... trưóc khi trở về Ðức. Hôm bọn mình chuẩn bị lên đường mẹ tớ gợi ý : Hũ Mắm Rươi đã ngấu. Hay là các con mang sang mà ăn. Mẹ làm cẩn thận, sạch sẽ lắm. Cố mang đi, kẻo sang bên ấy làm gì có đặc sản này. Ngay ở bên Ta, những tỉnh miền núi cũng chẳng được ăn nữa là bên Tây.
- Phải ! Ta cố mang đi em ạ. Ðóng gói cẩn thận, xách tay... chắc được.
- Em sợ Hải quan sân bay không cho - vợ tớ phân vân.
- Hải quan của ta thì yên tâm đi. Họ vốn dễ thông cảm... Còn Hải quan Ðức, bọn mình đóng gói cẩn thận, vả lại cũng nhiều lần, nhiều người mang thức ăn có sao đâu. Không sợ. Tớ có cái thói, khi đã quyết định điều gì, đố ai làm thay đổi được. Vợ biết tính chồng nên lẳng lặng ậm ừ... Thế là tớ đem hũ mắm kia đóng vào chiếc chai nhựa đặc biệt, to miệng, gắn xi.
Theo trào lưu mới, đi đâu cũng xem ngày. Lời ông thầy bói ở phố Cửa Bắc làm vợ chồng tớ vững dạ: ''Tôi chọn cho cô cậu ngày tốt nhất bay về Ðức đó''... Ðúng như dự tính, ở sân bay Nội Bài mọi chuyện thuận buồm xuôi gío. Lên máy bay, hai vợ chồng yên tâm. Máy bay cất cánh, đúng tầm cao, êm như ru. Bọn tớ ngủ yên lành như đang nằm trên giường trong căn hộ 3 buồng ở khu chung cư Tierpark (Ðông Berlin).
Máy bay hạ cánh xuống sân bay. Cả nhà vui vẻ ra lấy hàng. Hai mẹ con bé Hồng được phân công mang chiếc túi sắc du lịch đựng sách báo, đồ khô. Tớ bảo mẹ con ra trước, còn mình xách một túi khác trong đó có hũ mắm Rươi theo sau.
Cửa ra hôm nay có vẻ khác thường : Nhiều cảnh sát sắc phục. Ở Đức thỉnh thoảng có cảnh này, chẳng cứ ở sân bay mà ngay ở các khu trung tâm thỉnh thoảng vẩn xẩy ra. Việc khám xét khi hành khách nhập cảnh có vẻ kĩ hơn mọi khi : Chỗ khám hành lý có đông người khám hơn. Không khí dường như nhộn nhịp, khẩn trương. Trong bụng tớ thỉnh thoảng lại nhồn nhột... chốc chốc tim lại nhói nhói...
Người nhân viên Hải quan giúp mình lôi từng thứ trong túi ra. Ðến khi cầm chiếc chai nhựa đưa lên ngang mặt, soi... anh ta bóp bóp... mân mê lớp si gắn miệng chai, hỏi : Trong này chứa gì ?
- Mắm rươi. Tớ trả lời không cân nhắc, làm như người Ðức quen biết thứ mắm đặc sản của quê tớ vậy. Bởi vỉ tiếng Ðức không có từ Mắm, tất cả mắm đặc, nước mắm đều gọi là Sốt (Cauce). , tớ chữa lại : Cause ! Nhân viên Hải Quan quay sang bên gọi người khác, đưa chai mắm rươi nói nhỏ... người kia phẩy tay trả lời... anh ta tiến đến dơ tay chỉ, nói : Anh mang tật cả đồ đạc vào trong phòng này.
Gay rồi - Tớ linh cảm thấy có chuyện chẳng lành, nhưng không thể cưỡng lại đành lôi thôi lếch thếch đi theo. Khi đã qua khung cửa, hai cánh đóng lại, hai nhân viên Hải quan bảo tớ tự tay mở chai. Tớ lúng túng... làm, xong đặt chai lên bàn. Hai người kia tiến lai, một người dè dặt nhấc chai lên nắn nắn đoạn đưa mũi ngửi... bỗng bịch, anh ta nhăn mặt, buông tay, rú lên. Chai mắm Rươi rơi xuống, phun ra thứ nước mầu vàng sền sệt, mùi thum thủm chua nồng...
Ngươi kia thấy vậy, chạy ra ngoài, lát sau một tốp 4 người có hai cảnh sát ập vào. Nhân viên Hải quan vừa nôn oẹ, vừa chỉ chiếc chai nhựa nằm dưới sàn nhà, cạnh ''bãi'' mắm rươi lênh láng trên sàn đá bóng loáng, nói ú ớ... Chỉ một thoáng, tớ cùng đồ đạc trong chiếc túi xắc, chai mắm rươi được đưa lên chiếc xe chaỵ bằng Ắc quy, ra cửa sau, tống lên chiếc xe hòm bịt kín. Xe chạy được một lúc, dừng, mỡ cửa, một nhóm nhân viên ăn vận áo xanh lá cây nhạt, trùm kín đầu, xuất hiện, đứng chờ sẵn ở cửa xe. Lại một chiếc ‘’Cáng’’ máy - (thưc ra là một chiếc giường trên đầu có người lái) - tiến tới, họ ra hiệu, tớ lồm cồm trèo lên. Người ta đưa đến một phòng của căn nhà phía sau bệnh viện. Ở đây tớ bị lột sạch, mấy nhân viên xúm vào phun nước thơm, kỳ co...
Sau một giờ tẩy trùng, hai người y tá lau người, sấy tóc, cắt cao (vì tóc tớ lúc đó hơi dài)... rồi được đưa vào một căn phòng to, rộng, đã có chừng một tiểu đội thầy thuốc đứng chờ. Suốt 2 giờ đồng hồ, tốp bác sỹ kia thay phiên nhau vần, lấy mắu, khám, đo, lấy phân, nước tiểu... rồi bỏ đi. Tớ yêu cầu được gọi điện về nhà. Bà xã nhận điện hốt hoảng hỏi, tớ tường thuật lại tình hình.... bà ấy đòi đến thăm, người Y tá lắc đầu : Ông ta đang trong thời gian cách ly, không ai được phép tiếp xúc, thăm hỏi.
Ðành an ủi bà xã, yên tâm... chờ.
Ngày 4 bữa, họ cho ăn xuất ăn rất ngon, chẳng có gì là cơm của người bệnh cả. Suốt trong gần một tuần bị ''giam lỏng''. Ðến ngày thứ 7, một tốp người tiến đến. Cô y ta đưa cho túi nilon trong đó chưa toàn bộ trang phục cho một người lịch sự : Complé, sơ mi, quần áo lót, giày da. Tất cả mới bóc tem, bảo tớ mặc vào.
Ngạc nhiên hỏi : Quần áo cũ đâu?
Ðáp : Ðem di tẩy khử trùng !
Người Bác sĩ đưa cho tập hồ sơ... cô y tá đưa cho chiếc túi xắc bên trong chỉ còn mấy thứ như sách, báo, đồ nhựa, dao cạo râu... còn các thứ khác, trước khi lên máy bay, lèn chặt cứng trong túi đã... không còn. Hiểu ra, tớ không dám hỏi. Tốp Bác sĩ, Y tá tiễn người bệnh ra cửa, đã có sẵn một chiếc Taxi chờ. Cô Y tá trưởng mở cửa nói lời lịch sự : Chúc ông về nhà vui vẻ.
Xe chuyển bánh đưa tớ đến trước cửa nhà. Bà xã và bé Hồng ra đón, như đón người vừa đi... xa về. Cuộc hội ngộ sau một tuần xa cách nhau thật đậm đà, hạnh phúc. Cứ như xa nhau hàng năm không bằng...
Ba ngày sau, người nhân viên bưu điện đưa cho gói bưu phẩm và một bì thư, bắt ký nhận. Mở gói bưu kiện, chỉ có quần áo đã giặt sạch, thơm mùi thuốc tẩy hấp. Mở tiếp bì thư : Một tập giấy gồm 5 trang khổ A.4. Trang đầu xác nhận, tớ không hề mang bệnh truyền nhiễm. Ðồ dùng mang theo cũng không hề có ma túy, không có các vi khuẩn mang bệnh, không có các hóa chất độc hại, dược lìệu gây nguy hiểm cho an sinh của con ngươi.... Mấy trang còn lại thống kê các cuộc khám bệnh, khám nghiệm...
Trang cuối cùng mới nhìn lướt đã choáng váng, xây xẩm mặt mày. Bà xã thấy vậy giật lấy đọc... kêu thét : Trời !
Ðó là bảng kê các chi phí trong một tuần cho các cơ quan liên đới : Hải quan, Bệnh viện, Cảnh sát... xung quanh việc ''nghi ngờ người mang đồ vật có mang vi khuẩn bệnh truyền nhiễm vào nước Ðức''. Lại còn ăn, mặc... Tổng cộng mọi khoản -(trong đó nặng nhất là án phạt) - lên tới mấy nghìn D.Mark. Hai vợ chồng nhìn nhau thở dài, ngao ngán. Chỉ vì thích khẩu... Chỉ vì suy nghĩ đơn giản, liều... chỉ vì... Hũ Mắm Rươi... đến nông nỗi này. Những con Rươi hiền lành, làm món ăn ngon... đã cho tớ bài học: ''Miếng ngon nhớ lâu - Ðiều đau nhớ đời''- câu ngạn ngữ nói chẳng sai.
Ngừng một chút vớ lấy ly rượu, tợp, đoạn Ban thở phào : Cũng còn may. Nhờ mẹ tớ làm mắm rất chu ý giữ gìn vệ sinh… may mà lũ ruồi, nhặng không đột nhẩp vào đẻ trứng… chứ nếu không thì ôi thôi, không biết tờ biên bản kia còn liệt kê thêm bao nhiêu mục nữa và con số trong bản thanh tóan sẽ còn cao hơn bao nhiêu ? Lạy trời… thế vẫn còn may - Người kể chuyện thiểu não, rên rỉ kết luận.
Bữa ăn lặng đi giây lát như cũng đồng cảm với người bạn không may.
Bỗng tiếng Thành vang lên : Thôi, để chia buồn cùng ông bạn, chúng ta hãy thưởng thức món Tái Dê và Thịt Chó thứ thiệt... từ nay ''cạch mặt'' con... Rươi !
Mọi người cười vang, kể cả vợ chồng Ban.
Lũ trẻ thấy người lớn vui trở lại cũng hùa theo, cuời nghặt nghẽo...
(Rút trong tập Những số phận không định trước - NXB Văn học 2003)
Berlin tháng 8/2001
(1) Hôm qua, một tờ báo mạng đưa tin : Không có Mắm tôm, làng thịt chó ở Hà Tây phải ngừng sản xuất, trung tâm thịt chó ở thủ đô cũng trở lên’’Tiêu điều’’.... Điều này đã chứng minh : Không có mắm tôm sẽ không có thịt chó…