Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.276
123.159.943
 
Thơ Lục Bát , Một cõi trời mênh mông-2
Bùi Công Thuấn

Những bài Lục Bát thực sự thành công cuả Tố Hữu không nhiều . Việt Bắc vận dụng được lối giao duyên cuả ca dao , Kính Gửi Cụ Nguyễn Du đặc sắc ở nghệ thuật đối thoại với Nguyễn Du về những vấn đề Tố Như gửi gắm trong thơ. Mẹ Suốt phát triển thể Vè cuả ca dao , có phong vị lãng mạn và hơi thơ anh hùng ca . Luy Lâu là cảm thức lịch sử về hai bà Trưng , có  hơi thơ anh hùng ca . Lục Bát Tố Hữu gần với Ca hơn là Thơ  và có nét riêng  . Nội dung rao truyền Cách Mạng ,  tình cảm  Cách Mạng , tình công dân . Chất liệu là  hiện thực cách mạng .Tính hiện đại , tính chính trị , tính quần chúng  là phẩm chất chính cuả Lục Bát Tố Hữu ( cũng là cuả thơ Tố Hữu ) . Nói cho đúng , Tố Hữu chỉ dùng Lục Bát như một phương tiện chuyển đạt nội dung chính trị , dùng Lục Bát để nói với  quần chúng công nông binh , nói tiếng nói công nông binh , bởi vì Lục bát hoà thanh dễ lọt tai , dễ nhớ , dễ thuộc .Ông không sáng tác những bài thơ Lục Bát nghệ thuật  . Tuy vậy , những bài Lục Bát cuả Tố Hữu có những đóng góp nhất định vào sự phát triển cuả  thơ Lục Bát thế kỷ XX.

 

                                            …Trường sơn , xẻ dọc , rọc ngang

                                                Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng

                                                Trường sơn , vượt núi , băng sông

                                                Xe đi trăm ngả chiến công bốn muà

                                                Trường sơn , đông nắng , tây mưa

                                                Ai chưa đến đó , như chưa rõ mình..

                                                ( Nước Non Ngàn dặm – Tố Hữu )

 

                                                Con sông Dâu chảy về đâu

                                                Mà lơ thơ… đến Luy Lâu lại dừng

                                                Cho ta nhớ thuở bà Trưng

                                      Chiến thuyền giấu bến , cây rừng giấu binh

                                                Luy Lâu ngạo nghễ cung đình

                                       Tàn canh tiệc rượu…Giật mình sấm ran

                                                Bốn bề nổi lưả Văn Quan

                                       Ba quân gươm giáo ngập tràn thành đô

                                                Chém đầu Tô Định , giặc Ngô

                                                Xác phơi , chín chín đống mồ cỏ hôi

                                                Hai nghìn năm cũ qua rồi

                                                Sông Dâu nay đã cát bồi dòng xưa

                                                Luy lâu còn đó … gió mưa

                                       Vẫn nghe phần phật ngọn cờ Trưng Vương

                       ( Tố Hữu-15.10.1986 – báo Văn Nghệ số 3-4 . 1987 )

           

Lục bát những năm trước và sau 1975 phát triển theo hai hướng : tiếp tục khai thác chất liệu ca dao , thể hiện những tình tự dân tộc theo hướng Nguyễn Bính , hoặc phản ánh đời sống , hướng về quần chúng , nói tiếng quần chúng , nói tình ý công dân , theo hướng  cuả Tố Hữu

                                   

                                                LỖI HẸN CÙNG CA DAO

 

                                                Vườn nay người khác đã rào

                                        Khóm mai thay chỗ khóm đào ngày xưa

                                                Em ngồi giặt áo giưã trưa

                                        Đâu rồi môi hát vu vơ một mình ?

                                                Em ngồi giặt áo lặng thinh

                                        Vò cho sạch những vết tình còn vương

                                                Giũ cho vơi hết giọt buồn

                                        Phơi cho khô hết nhớ thương xa vời…

                                                Đàn Kiều được mấy khúc vui

                                        Thơ Kiều có vận vào đời em chăng ?

                                                Tình so chưa đủ ngũ âm

                                        Áo chồng con đã nặng oằn dây phơi

                                                Áo ca dao gió cuốn rồi

                                        Câu ca dao,  trả cho người khác qua …

                                                Tóc mai rủ bóng hiên nhà

                                        Chuyện xưa dù nhắc vẫn là chuyện xưa

 

                                                Em ngồi giặt áo giưã trưa

                                        Rát bàn tay vẫn vò chưa sạch lòng

                                                                  ( Thanh Nguyên )

 

                                                LỜI RU ĐỒNG ĐỘI

                                               

                                                Ngủ đi bạn , ngủ đi anh

                                        Cánh tay mình ngả ra thành gối êm

                                                Ngủ đi bạn , ngủ đi em

                                        Ngủ ngon giấc ngủ gối lên tay mình

 

                                                Hiếm hoi cái giấc yên lành

                                        Hành quân xa, lại tiếp hành quân xa

                                                Bao anh lính trẻ đã già

                                        Chưa sang hết suối , chưa qua hết rừng

 

                                                Ngủ hầm , ngũ võng , ngủ bưng

                                        Gối đầu tay ngủ cầm chừng mỗi đêm

                                                Có người ngủ thế thành quen

                                        Đã nghe sợi tóc bạc trên tay mình

                                               

                                                Trong hầm biên giới Tây Ninh

                                        Lặng yên mình ngắm lính mình ngủ yên

                                                Bụi đường trắng tóc thanh niên

                                          này   thì   lại   áp   lên   tay   này

 

                                                Trái tim đập ở cổ tay

                                        Tim ta  ru  giấc  ngủ  đầy  cho  ta

                                                Cánh tay cặp khẩu A.K

                                        Ngày là bệ súng , đêm là gối êm

 

                                                Ngủ đi anh , ngủ đi em

                                        Ngủ ngon giấc ngủ gối lên tay mình

                                              ( Nguyễn Duy  . 8-6-1978 )

 

Lục bát cuả Hoàng Cầm ( Gọi Đôi , Giả Vờ .. ) tuy tình ý  không nồng nàn như Nguyễn Bính song có được những tứ thơ lạ , cùng với nét tài hoa vốn có trong thơ cuả ông. Trần Mai Ninh là một khuôn mặt thơ mạnh mẽ , gân guốc và rất lạ. Thơ Lục Bát cuả ông cũng có được nét ấy ( Lời Nương Theo Lòng Nắng Gió , Chờ Lưả , Nhịp Muôn Đời (1) ) Có người ca ngợi Lục bát Đồng Đức Bốn . Thực ra Đồng Đức Bốn đi con đường  Nguyễn Bính đã vạch ra ( bài Hoa Dong Riềng ,Nhà Quê ; Chờ Đợi Tháng Ba …). Nhưng Đồng Đức Bốn không có cái tài hoa cuả Nguyễn Bính , mà có cái sức cuả một anh lực điền ,  cố sức cày sâu cuốc bẫm , cũng nhặt được hạt rơi hạt rụng . Bài sau đây chưa thành thơ Lục Bát.

 

Cuối cùng nếu phải ra đi
Em xin gửi lại những gì cho anh

 

Anh dặn em bấy nhiêu lời
Khi mang xuống mộ cùng người tri âm
Anh tặng em quả chuông chùa
Khi ba tiếng mở thì mưa bỗng rào…

                ( Đồng Đức Bốn  - Kính gửi anh Điềm )

 

Ở miền Nam , Phạm Thiên Thư tiếp bước Nguyễn Du bằng Lục bát sang trọng ,  ngôn ngữ trong veo. Lục Bát cuả Phạm Thiên Thư đạt tới sự hoà điệu cuả tiếng Việt giản dị , tính tư tưởng cuả Thiền và chất trí tuệ cổ điển phương Đông .Hồn thơ Phạm Thiên Thư thật tinh khôi

 

              …Đôi uyên ương trắng bay rồi
Tiếng nghe tha thiết bên trời chớm đông
Nửa đêm đắp mảnh chăn hồng
Lại nghe hoa lạnh ngoài đồng thiết tha

Con chim chết dưới cội hoa
Tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao
Mai anh chết dưới cội đào
Khóc anh xin nhỏ lệ vào thiên thu

        ( Phạm Thiên Thư – Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng )

 Bùi Giáng làm mới Lục bát bằng chữ nghiã trùng trùng điệp điệp , bằng sự đan cài  từ Hán Việt và thuần Việt , bằng tài hoa rất mực trong những lời cợt đuà như con trẻ , nói chuyện không đâu mà thành tư tưởng . Thơ Bùi Giáng là thơ tư tưởng. Kiểu ngôn ngữ Bùi Giáng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều nhà thơ khác ở miền Nam đương thời


Chào em? có lẽ chẳng nên
Nói gì nữa cả? giữa đêm tối mò!
Chào em tính mệnh so đo?
Chào em tính thể tò mò tuyết vân?
Ấy xa xôi ? ấy gũi gần ?
Từ từ tự hỏi, tần ngần em sẽ thấy ra
Đi về trong cõi người ta
Người là người lạ  ta là quá quen ?
Anh từ thể dục dưỡng điên
Thành thân thơ mộng thiên nhiên một giờ

           ( Bùi Giáng - Chào Em )

 

Du Tử Lê thử nghiệm  cách tân Lục Bát, bằng cách dùng nhịp lẻ, nhịp chỏi,  ngắt câu, xuống hàng , dùng dấu phẩy (, ) , dấu gạch nghiêng (slash). Du Tử Lê cũng có những bài Lục Bát thành công như Chân Dung , Cõi Tôi , song với  lối cách tân ấy , Du Tử Lê đã băm nát nhịp thơ , làm bầm dập Thi thể , Lục Bát  thành ngọng nghịu quá đỗi .


thắp thêm nến. Gọi vai về
dấu môi Bồ Tát, lá, lìa Austin
biển lần theo chân Quán Âm
ngón tay tràng hạt, nhang, đèn, phố, lu
tóc thơm ngực, múi khuya, mù
trái vun ấn tượng; nẫu lìa, biệt đen.
thắp thêm nến. Giới định, thiền
giải oan chuông, mõ; xóa kinh điển, người
gửi thêm đời, muộn, chút tôi
rớt trên lục tự; rũ ngoài tam quan.
thắp thêm nến. Nhiễu tâm phiền
gió, thâm, tím ngọn, cây tiền thân, mưa.
             ( Khúc Tháng Hai, Chín Sáu – Du Tử Lê )

Lục Bát hay là ở nhịp điệu tự nhiên như hơi thở , như lời nói. Nhạc cuả Lục Bát là nhạc cuả tiếng  Việt đa thanh mượt mà  , với rất nhiều từ láy,  từ ghép . Nhạc cuả Lục Bát là nhạc cuả tâm hồn Việt , bình dị nhưng  cao vời . Nhạc cuả Lục bát là nhạc cuả hình tượng , không phải nhạc cuả kỹ thuật dấu phẩy ( , ) . Xin thử lắng nghe câu thơ Kiều :

 

                                                Cánh hồng bay bổng tuyệt vời

                                       Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm

                                                  ( Nguyễn Du  )

            Giai điệu vút lên , liền mạch , bay bổng , xa thẳm trời xanh muôn trùng , không thể là nhịp chỏi , nhịp lẻ . Nhạc thơ ấy không thể dùng dấu phẩy mà ngắt ra . Bởi  nếu chặt khúc câu thơ , cánh hồng sẽ gẫy  và con chim hồng tuyệt vời ấy sẽ rơi xuống đất , chết cùng với Lục bát . Cũng vậy con mắt đăm đăm là con mắt nhìn mãi về xa xăm , làm sao cắt khúc được sự dõi theo không cùng ấy cuả tâm thức ?

 

Có những  cách làm mới Lục Bát bằng thơ ngắt dòng , thơ bậc thang . Nhưng Đó chỉ là mới cái

 dáng vẻ câu thơ , không tạo ra được cái mới nghệ thuật cho Lục Bát

 

                                                LỤC BÁT Ở ĐÈO NGANG

 

                                                   Dập dềnh bóng núi . Đèo Ngang

                                                            Mình ta

                                                            Với nỗi buồn vàng

                                                            Trong tay.

                                                            Đường xa

                                                            Chim mỏi cánh bay

                                                            Chở theo

                                                            Một khối tình đầy

                                                            Long đong

                                                     Qua vùng nước trắng mênh mông

                                                            Tàu trôi

                                                            Ta cũng bồng bềnh trôi theo

                                                            Bướm non tơ

                                                            Khóc trong chiều

                                                            Vẫy tay

                                                            Gửi một lời yêu

                                                            Lỡ làng

                                                            Thôi thì thôi

                                                            Nỗi buồn vàng

                                                            Thả ta xuống đỉnh trời hoang

                                                            Một mình..

                                           ( Phạm Thị Ngọc Liên -19-10-1990 )

 

 

                                                VIẾT TRONG QUÁN CÀ PHÊ

 

                                                Ly cà phê nưã

                                                                        tỉnh

                                                                               

                                                Từng đôi sớm biết đi về có nhau

                                                Còn em

                                                            lãng đãng đi đâu

                                                Anh về

                                                            so sẫm

                                                                        đuã màu

                                                                                       gỗ mun

                                                Trơ vơ riêng chiếc bưã thường

                                                Qua phin hồng hạnh

                                                                    giọt buồn lọc mau

 

                                                Ai nhường nưả giọt chung màu

                                                Cho tôi tỉnh táo khuấy sầu

                                                                     tan chăng

                                                      ( Hoàng Cầm  – 1992 )

 

Gần đây ,Trần Ngọc Tuấn viết Lục Bát Tứ Tuyệt với tư tưởng Thiền . Đó là một chọn lưạ không dễ dàng chút nào. Tứ Tuyệt có độ nén rất cao . Ca dao lại vút đi rất nhanh trong sự phát triển tứ thơ .Và không dể để chuyển hoá tư tưởng Thiền thành một tứ thơ vưà thanh thoát mượt mà  Lục Bát vưà uyên bác trí tuệ  Tứ Tuyệt . Qua Dốc Sương Mù cuả Trần Ngoc Tuấn là một thành công bước đầu

                                               

                                                Gánh củi qua dốc sương mù

                                                Mồ hôi giọt giọt , gió ù ù bay

                                                Nghìn tia nắng dệt trang ngày

                                          Bước chân hoan hỉ , đêm này lưả reo

                               (   tập thơ Suối Reo – Nxb Hội Nhà Văn 2006 )

 

            Những nhà thơ trẻ như Nguyễn Việt Chiến ( Tiếng Trăng , Cát Đợi ..), Nguyễn Thế Hoàng Linh ( Bến , Khẩu Vị , Chuyển Hoa, Tinh Mơ ..) có  chạm đến Lục Bát , nhưng hồn thơ chưa định hình

 

TRẢI CHIẾU NGẮM TRĂNG
cụ bà trải chiếu giữa sân
cụ ông đập đập hai chân vào ngồi
chán ghê hết thuốc lào rồi
trưa vừa rào lại đấy thôi quên à
tôi bảo hết thuốc lào mà
vừa cơm xong nấu cháo gà gì ông
điếc rồi thế có chán không

giờ này còn định ra sông tắm trời
ông đúng là đồ dở hơi
dở hơi mà lại biết bơi đấy bà
ông bảo gì mà cháy nhà
phỉ phui cái miệng không là chết oan

                   ( Nguyễn Thế Hoàng Linh 16.06.07 )

 

4.Ai đã đặt chân vào đền thiêng Lục bát ?

 

Người ngồi trong đền phải là nhà thơ mà  Lục bát là sự chọn lưạ cho sự nghiệp cuả mình , phải có được nhiều bài Lục bát hay (2), phải có những đóng góp làm phát triển Lục Bát. Và nhất là phải viết được những trường ca Lục Bát có giá trị . Chính trường ca Lục Bát khẳng định tài năng cuả nhà thơ .Những nhà thơ chỉ tạt ngang hoặc chợt rẽ vào Lục Bát,   vốn sống và vốn từ nghèo nàn , sẽ chết yểu  trên đường  tìm vần , sẽ chẳng đủ tình , đủ ý , đủ hơi sức sáng tạo trên con đường càng đi càng dẫn đến tuyệt lộ .

 

Nguyễn Du  là người giữ đền , không phải là người xây đền , vì trước Nguyễn Du , Thiên Nam Ngữ Lục đã là một toà nhà  đồ sộ ( 8.136 câu Lục Bát ) . Nguyễn Du làm cho Lục Bát trở thành đền thiêng cuả thi ca dân tộc .

 

Tiếp theo,  Nguyễn Bính  là người bước chân vào đền và ngồi chiếu trên , vì ông có riêng một góc trời Lục Bát không bị Nguyễn Du che lấp. Tất nhiên Lục Bát Nguyễn Bính không thể sánh được với Lục Bát Đoạn Trường Tân Thanh  .

 

Tố Hữu ngồi ở một chiếu khác , Lục Bát  Tố Hữu chuyên chở được đời sống hiện đại , đời sống dân tộc trong kháng chiến ( Việt Bắc , Nước Non Ngàn Dặm , Mẹ Suốt .. ) .Điều mà Nguyễn Du đã không làm được trong thời đại cuả ông. Lục bát Nguyễn Du không chuyên chở được những biến đổi bể dâu thời Lê-Trịnh-Gia Long , không  ghi lại được những trang hào hùng cuả dân tộc khi Nguyễn Huệ phá tan quân Thanh1789.

 

Người ngồi ngang hàng với Nguyễn Du là Phạm Thiên Thư .Ông  đã viết 20.000 câu Lục Bát . Đoạn Trường Vô Thanh cuả ông dài hơn truyện Kiều cuả Nguyễn Du 20 câu . Đưa Em Tìm động Hoa Vàng là một trong những Lục bát tình hiện đại tuyệt hay .Phạm Thiên Thư sáng tác bằng vô thức , cõi vô thức đã đạt tới bước đại ngộ cuả Thiền .

Bùi Giáng là người phá đền và xây mới bằng những câu Lục Bát nghịch ngợm tài hoa , như không thể nghịch ngợm tài hoa hơn (3).

 

Còn ai nưã đã bước vào đền , xin bạn đọc bổ khuyết cho…

 

Lục Bát là  cõi trời mênh mông cuả thi ca dân tộc. Thế kỷ XXI ai sẽ là người  bước vào ngôi đền thiêng ấy  ? ai sẽ khai mở được những lối đi mới vào đền ? Tôi chưa thấy được bóng dáng nhà thơ trẻ nào hôm nay chuẩn bị cho hành trình bay vào cõi trời  mênh mông ấy.

 

Tháng 8 / 2007

____________________________________________________________________________

Xin đọc thêm ;

            (1) Trần Mai Ninh –Nxb Văn Học 1980. tr 73 -74

       (2)Bùi Công Thuấn – ĐI TÌM THƠ HAY – www.vannghesongcuulong.org. ( tháng 5/2007 )

       (3)Bùi Công Thuấn – BÙI GIÁNG , AI NGƯỜI CHIA XẺ

Bùi Công Thuấn
Số lần đọc: 3992
Ngày đăng: 03.12.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
CHÍNH HỮU: Ngọn Đèn Đứng Gác - Đã tắt! - Lê Xuân Quang
Thơ Nguyễn Lương Vỵ - Một tiếng gầm tịch liêu - Hồ Ngạc Ngữ
Nhụy Nguyên LẬP NGÔN QUA “LẬP THIỀN”* - Nguyên Hào
Chuyện tính mùa tạp kỹ * - Một bài tập lập dị có ý đồ và khuynh hướng hậu hiện đại. - Dư Thị Hoàn
Thanh Hoa và những truyện ngắn đầy suy tư về thế thái nhân tình - Triệu Xuân
Đọc tập thơ Bóng Mùa của Nguyễn Thiền Nghi. - Lê Huỳnh Lâm
Vương Huy -Gã ẩn cư giữa ngôi-đền-thơ - Võ Tấn Cường
Nguyễn Thị Ánh Huỳnh : “Va vào đâu mà đất giật mình ?” - Đổ Huy Thanh
NGUYỄN DUY: Đánh Thức Tiềm Lực - Nhìn từ xa... ’’Phấp Phới Ngũ Hành Kỳ’’ !-1 - Lê Xuân Quang
NGUYỄN DUY: Đánh Thức Tiềm Lực - Nhìn từ xa... ’’Phấp Phới Ngũ Hành Kỳ’’ -2 - Lê Xuân Quang
Cùng một tác giả
Tiếng kèn sắc-xô (truyện ngắn)
Hạnh (truyện ngắn)
Về đâu hoa phượng (truyện ngắn)
Ở nơi băng tuyết (truyện ngắn)
Giải hạn (truyện ngắn)
Tiếng hát ru (truyện ngắn)