Sáng nay, trong comments trên blogs cho Cố nông Nguyễn Hữu Quý - trị vì mảng thơ trên Tạp chí "Văn nghệ Quân đội", bàn về cái kết của truyện cổ tích "Tấm Cám", tôi có nhắc đến bài ca dao : "Trong đầm gì đẹp bằng sen - Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng - Nhị vàng bông trắng lá xanh - Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn", cũng với cái kết - theo nhiều người - có vẻ không ổn lắm, mang khẩu khí của giai cấp thống trị, ăn trên ngồi trôốc, ăn cháo đái bát...
Nhiều người muốn viết lại dòng kết của bài ca dao này, mà người đầu tiên tôi được hào hứng đọc cho nghe, đó là nhạc sĩ Hồ Bông - một chàng nghệ sĩ đất Sa Đéc, Đồng Tháp cực kì lãng tử. Ông bảo : "Tao thấy câu kết của bài ca dao nó vô ơn, bạc bẻo và phản trắc quá ! Mà thứ bùn hôi tanh chỉ có ở cống rảnh của thành phố, chứ bùn của đồng ruộng nó thơm, thơm lạ lắm mày ạ ! Đi đâu, người ta cũng khắc khoải nhớ mùi bùn đó". Rồi ông đọc cả bài ca dao với cái giọng đọc thơ hấp dẫn vào loại siêu hạng, và dừng lại ở dòng cuối được cải biên : "Gần bùn thơm mãi...đạm thanh hương bùn".
Ông là nhạc sĩ, đã từng tốt nghiệp nhạc viện ở Bun-ga-ri, về nước vào Nam chiến đấu. Một lần quá nhớ nhà, đang ở đất Cam-pu-chia, Hồ Bông trốn về Sa Đéc thăm ba má. Đến Hồng Ngự, gặp tay bạn học cũ, nay làm quận trưởng, ông nói thẳng : "Tao là Việt cộng thứ thiệt, nhớ ba má, về thăm mấy bữa rồi vô cứ. Hoặc là mày bắt tao lĩnh thưởng, hoặc là cấp cho tao cái giấy căn cước để tao đi !". Ông về thăm nhà xong, lại muốn lên Sài Gòn một chuyến chơi. Ở Sài Gòn, Hồ Bông bị biệt động thành phát hiện, tưởng ông chiêu hồi, đã có lệnh "khử". Phu nhân của Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hương sau này - lúc đó là nữ biệt động thành - đã nhận nhiệm vụ. May sao, Hồ Bông linh tính điều không hay, cấp tốc tìm đường ra cứ, rập đầu tạ tội trước các anh, nên giữ được mạng để sau này làm Đoàn trưởng Đoàn Nghệ thuật Bông Sen lừng danh một thuở.
Hồ Bông sống ở Hà Nội hàng chục năm mà không biết... tay gái Hà Nội ra làm sao. Phu nhân của ông là Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Trì thì quê ở Quảng Ngãi. Nhân chuyến được tặng Huy hiệu 50 mươi năm tuổi Đảng, ra chơi Hà Nội, mới được mấy nhạc sĩ đàn em đưa đi uống rượu và...nắm tay gái Hà Nội trên đường Trường Chinh. Hồ Bông bảo cứ muốn ở mãi, không muốn về...
Ngồi với Hồ Bông, nghe ông nói các từ kiêng kị và xúi hôn cô này, ôm cô kia, cứ tưởng ông chưa đến tuổi 77. Lần nào về thăm quê, ông cũng ghé thăm tôi. Hai anh em - đúng thế, ông chỉ thích được gọi bằng anh, mặc dù tuổi ông bằng tuổi ông cụ thân sinh của tôi - lại đi ăn bánh tằm bì, món khoái khẩu của ông. Ông bảo : "Mày ăn bánh tằm bì mà không chan nước cốt dừa thì coi như đi đứt cái ngon của nó !". Nhưng cái bụng tôi không tương thích với thứ nước đặc sản này nên đành chịu !
Một nghệ sĩ lớn của Đồng Tháp mà dường như ở cái đất này người ta không hiểu lắm về ông. Thật tiếc và bất công !
Nhắc đến bài ca dao trên, bỗng nhiên lại nhớ nhà thơ Phạm Tiến Duật. Cơn bạo bệnh đang rút rất ngắn những ngày còn lại của nhà thơ xuất sắc đường Trường Sơn vĩ đại. Còn đâu sự cường tráng và hóm hĩnh của nhà thơ khi đọc cho tôi nghe phiên bản vui của bài ca dao : "Trong trường gì đẹp bằng em - Mắt xanh mỏ đỏ lại chen nanh vàng - Nanh vàng mỏ đỏ mắt xanh - Gần chồng mà chẳng hôi tanh mùi chồng".
Quả là một sự cải biên "đúng luồng" và đầy lí thú !
Cầu mong "cái vết thương xoàng" (*) dù phải nằm bệnh viện, nhưng ở lại lâu hơn với chúng ta.
Chiều 28.11.2007
(*) Dòng thơ đầu trong bài thơ "Nhớ" của Phạm Tiến Duật : "Cái vết thương xoàng mà đưa viện" .