Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
733
123.237.086
 
Những mảnh đời trôi dạt
Trần Thôi

Con kinh xáng múc thẳng băng dài chừng hai mươi cây số cắt ngang cánh đồng rộng. Chân vườn xa mờ như dải lụa màu xám ở phía Bắc là xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè. Chân vườn phía Nam là xã Long Thới, huyện Tiểu Cần, cả hai huyện đều thuộc tỉnh Trà Vinh. Hai bên bờ kinh là hai con đê bề cao và rộng chừng bốn thước, người ta trồng hai hàng bạch đàn thẳng tăm tắp, dài mút tầm mắt. Vào mùa cắt lúa dân tứ xứ tụ tập hàng trăm người, che lều san sát dưới bóng mát hai hàng bạch đàn, ồn ào, đông vui như ngày hội – Hội của những người chăn vịt.

 

Hành trang của mỗi người gồm có: Một cái lều che tạm bằng vải cao su, một bếp dầu, vài ba cái xoong nhỏ, hai cái rổ mủ, vài chai nhựa đựng nước tương, nước mắm và rượu; một chiếc chiếu ni lông, một cái giỏ có quai xách cũng bằng nhựa để đựng mùng mền, vài ba cái chén, đôi đũa, một cái ấm nhôm. Tất cả chỉ có vậy.

 

Nhìn vào căn lều của người chăn vịt hôm nay so với mấy thập niên trước thì hành trang vật dụng của họ có nhiều thay đổi: Chiếc đệm bàng, chiếu lát không ai còn xài, cái rổ đan bằng tre cũng biến mất. Hầu hết các vật dụng đều được thay thế bằng đồ nhựa. Cả cái mành để bao quanh bầy vịt hồi  trước người ta dùng tấm mê bồ đan bằng tre thì nay cũng được thay thế bằng lưới ni lông.

 

Những vật dụng làm hành trang tuy có nhiều thay đổi nhưng đời người chăn vịt so với trước thì vẫn vậy – Dầm mưa, dãi nắng, cực khổ trăm bề.

 

Người ta lùa vịt từ nhiều nơi về đây gọi là “chạy đồng”. Vào mùa cắt lúa năm nào cũng vậy, dọc theo bờ kinh dày đặc những chiếc lều đủ màu sắc, đông đúc ồn ào như nhóm chợ. Qua mùa cắt lúa thì vắng tanh, cả cánh đồng, dòng kinh trở lại cảnh lặng lẽ, buồn tênh.

 

Vịt ở đây có hai loại: Vịt thịt và vịt đẻ. Vịt thịt là loại vịt nuôi khoảng ba tháng thì bán ra thị trường, không giữ lại tiếp tục nuôi để chờ đẻ lấy trứng.

 

Người nuôi vịt buộc phải “chạy đồng” vì nếu không phải xúc lúa bồ cho ăn. Một ngàn con vịt mỗi ngày ăn bốn, năm giạ lúa khiến người nuôi bị lỗ vốn. “Chạy đồng” còn có cái lợi đối với vịt đẻ là được ăn ốc, cua, đẻ sai trứng.

 

Mỗi người đến từ mỗi địa phương khác nhau nhưng những người chăn vịt đều giống nhau ở chỗ ai cũng có “cây bẹo” trên tay và tất cả đều đi chân đất. Với cánh đàn ông hầu như ai cũng mặc quần xà lỏn và chỉ mỗi một chiếc dính da cho đến hết mùa chăn vịt.

 

Vào một buổi sáng tôi tha thẩn trên bờ đê vắng vẻ vì giờ này người ta đã lùa vịt ra đồng. Tôi gặp một bé gái độ chừng chín, mười tuổi đang nấu cơm trong lều. Tôi lân la hỏi chuyện. Cháu tên là Thắm con của anh Năm Na ở tận huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre qua đây “cầm vịt”. Mẹ cháu bị bệnh ung thư qua đời để lại bốn đứa con nhỏ. Ba đứa em ở với bà ngoại. Thắm lớn tuổi nhất nên phải theo ba chăn vịt. Thắm nấu cơm để giở ra đồng cho ba. Tôi hỏi và ngạc nhiên khi Thắm trả lời em đã mười lăm tuổi. Một em bé mười lăm tuổi mà trông nhỏ thó như mới lên chín, lên mười?

 

Em cho biết cha con em nuôi 1.500 con vịt đẻ. Em theo ba cùng bầy vịt “chạy đồng” suốt ba tháng nay từ Bến Tre qua Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang và hôm nay có mặt ở đây trên cánh đồng thuộc địa phận tỉnh Trà Vinh. Tôi tò mò hỏi thêm và được biết em mang theo chỉ hai bộ quần áo. Ba em thì hai cái áo và duy nhất một cái quần xà lỏn không thay không đổi. Em học hết lớp năm thì mẹ mất phải nghỉ học theo ba chăn vịt. Biết Thắm đã mười lăm tuổi nên tôi cố ý hỏi sau một lát đắn đo cân nhắc:

- Đi giữ vịt như vầy rồi những ngày … bị kẹt cháu phải làm sao?

Chưa biết mắc cỡ về chuyện ấy, cháu thản nhiên trả lời:

- Thì con lấy giấy báo hút thuốc của ba con làm vệ sinh.

- Rồi tối con ngủ với ai?

- Thì ngủ với ba.

Tôi nghe lòng mình gợn lên một chút xốn xang. Vậy đó! Hoàn cảnh của những người chăn vịt mà trường hợp cha con em Thắm không chỉ là một?

 

Hay như vợ chồng anh Năm Bé, quê ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Anh chị có hai  con nhỏ gởi cho bà ngoại, để vợ chồng quanh năm suốt tháng bám theo đàn vịt. Bầy vịt đẻ của anh chị gần hai ngàn con, nói như chị “gia tài sự sản chỉ có bi nhiêu”. Chị theo anh không phải chỉ giữ vịt mà còn để tìm thị trường bán trứng và lo liệu việc thu chi. Chị sợ anh Năm bán trứng được bao nhiêu thì tụ tập bạn bè ăn nhậu hết. Chị cho biết tiền sang bầy vịt đẻ này chị vay ngân hàng. Lúc từ nhà đi theo anh Năm chị chưa có bầu, sau gần một năm lang thang trên khắp các cánh đồng nay chị hạ sinh một bé trai kháu khỉnh sắp đầy tháng. Chị sinh đứa bé trong cái lều bằng vải cao su ở giữa đồng. Một bà mụ vườn cũng đi theo chồng giữ vịt đỡ đẻ cho chị. Sinh nở được ba ngày chị đã tự lo liệu việc giặt giũ, cơm nước. Việc tắm rửa, nấu nướng, giặt quần áo … của hàng trăm người đều nhờ vào dòng nước đục ngầu dưới con kinh.

 

Chị Năm Bé sinh con mà không có được chiếc giường. Chị nằm trên chiếc chiếu ni lông trải trên mặt đất ẩm ướt, phía dưới lót một lớp rơm mỏng. Đứa bé được ủ trong chiếc khăn cũ. Xoong nồi, chén đũa xếp bên cạnh chỗ nằm. Tôi hỏi chị:

- Giữa đồng không mông quạnh thế này làm sao chị đưa em bé đi chích ngừa?

Chị cười:

- Trời đẻ trời nuôi chú ơi! Mấy đứa trước cũng đâu có chích.

 

Việc ăn ở của người chăn vịt thiếu thốn cực khổ như vậy nhưng họ không than, không sợ. Họ sợ là sợ chuyện khác. Chuyện bên ngoài đàn vịt.

 

Nỗi sợ thứ nhất là chuyện vịt nhập bầy. Hằng trăm bầy vịt cùng lượm lúa trên một cánh đồng dù rất rộng nhưng lơ là một chút thì vịt của mình chạy qua nhập bầy của người khác là chuyện khó tránh khỏi, thậm chí xảy ra hàng ngày.

 

Vịt đã lỡ nhập bầy rồi, nếu gặp người thật thà, ngay thẳng thì không có gì rắc rối lắm. Nhưng chuyện đời đâu đơn giản vậy. Trong làng chăn vịt hàng năm có biết bao cuộc đánh lộn dập đầu chảy máu, thậm chí xảy ra án mạng cũng vì chuyện vịt nhập bầy. Chính quyền địa phương xử riết cũng oải. Để đối phó với kẻ có lòng tham, một số địa phương quy định người mới đến phải công khai số lượng vịt của mình rồi cho nhân viên đến kiểm tra, để khi lỡ có nhập thì đếm lại đàn vịt của hai bên nếu ai dư thì phải trả lại cho người kia. Nhưng với những kẻ tham lam thì họ có trăm mưu ngàn kế. Cũng làm nghề chăn vịt nhưng họ không cảm thương người cùng cảnh ngộ. Họ rấp tâm rình rập chiếm đoạt của người khác. Họ gieo thù chuốc oán và vì thế mới sinh ra nạn thuốc vịt.

 

Người bị mất của nuôi lòng thù hận người cố ý chiếm đoạt nên tìm cách thuốc chết cả đàn vịt của kẻ thù. Chuyện như vậy xảy ra như cơm bữa trong làng chăn vịt. Năm vừa rồi tôi chứng kiến cảnh khổ của vợ chồng anh Bảy Oanh. Người nọ oán thù thuốc bầy vịt của người kia. Anh Bảy Oanh vô tình lùa bầy vịt đi ngang qua, thế là lãnh đủ! Trên một ngàn vịt đẻ chết nằm trắng đất. Chỉ trong chốc lát cả “gia tài sự sản” tiêu tan! Anh chị ngồi bệt trên bờ ruộng khóc ròng. Sau đó hai vợ chồng lủi thủi gom xác vịt đào lỗ chôn, vì vịt bị thuốc sâu chết có cho cũng không ai dám lấy. Sáng hôm sau anh chị cuốn lều đón xe ôm về quê, làng chăn vịt buồn ngẩn ngơ và mỗi người không khỏi lo sợ thắc thỏm một ngày nào đó sẽ đến lượt mình.

 

Nỗi sợ thứ ba là nạn giành đồng. Những người chăn vịt ở tại chỗ họ cậy thế mình là người địa phương nên hay bắt nạt kẻ mới đến. Họ lùa vịt đến đâu là người ta phải dạt ra nhường chỗ cho vịt họ ăn. Nếu không họ la lên vịt họ bị mất mà người ta không trả, rồi nhờ con cháu làm việc ở địa phương xét xử, sinh ra nhiều chuyện rắc rối. Nạn giành đồng không chỉ xảy ra với người tại chỗ mà cả với những người ở xa đến. Người thì nói: Tôi “xí” đám ruộng này từ trước, kẻ lại bảo tôi quen thân với chủ ruộng này, họ dành riêng cho vịt tôi ăn …”. Nạn giành đồng dẫn đến cự cãi, xô xát thậm chí đâm chém nhau, năm nào cũng xảy ra vài vụ, là nỗi lo canh cánh của người chăn vịt thật thà.

 

Nỗi sợ thứ tư là nạn “mãi điền”. “Đi xe gặp nạn mãi lộ, chăn vịt gặp nạn mãi điền”. Người chăn vịt đến cánh đồng nào thì phải ủng hộ quỹ xóa đói giảm nghèo của địa phương đó một ít tiền. Họ vừa “cặm quân” hôm trước thì hôm sau có người đến quyên góp rồi. Nói là vận động ủng hộ chớ thật ra không thể không ủng hộ. Nếu không móc tiền ra tức đồng nghĩa với việc phải lùa vịt đi nơi khác. Nói là tùy hỉ lòng hảo tâm, của ít lòng nhiều nhưng thật ra có sự quy định rõ ràng tuy không thành văn. Năm kia tính bình quân mỗi con vịt chủ phải ủng hộ hai trăm đồng, năm ngoái ba trăm đồng và năm nay vào thời điểm tháng 6 năm 2001 là bốn trăm đồng. Như vậy nếu người chăn vịt nuôi một ngàn con thì phải ủng hộ bốn trăm ngàn đồng, số tiền không nhỏ so với hoàn cảnh của người làm nghề chăn vịt. Thấy những người gây quỹ xóa đói giảm nghèo của xã xin tiền được và xin coi bộ cũng dễ dàng, các ngành khác cũng nhóng nhóng làm theo để gây quỹ khuyến học, quỹ hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, quỹ tu bổ giao thông, thủy lợi, quỹ sửa chữa học đường … những người chăn vịt vốn không phải là nghề kinh doanh có lãi gì cho lắm, phải oằn lưng gánh chịu, mà không  chỉ “chịu” ở một nơi, vì mỗi năm họ phải di chuyển qua nhiều cánh đồng, đến nhiều địa phương.

 

Việc vận động quyên góp này là “lệ làng” chứ không phải “phép nước”, nên mỗi địa phương có cách quy định “ủng hộ” khác nhau. Có nơi chỉ thu hai trăm đồng trên mỗi con vịt và chỉ thu một lần. Vì vậy mà những người chăn vịt nảy sinh ra việc đi … “dò đồng”. Họ đi tiền trạm không chỉ để xem nơi nào có đồng rộng, lúa cắt nhiều mà còn phải biết ở đó chính quyền địa phương thu “nặng” hay “nhẹ” để cân nhắc xem có thể lùa vịt đến hay không.

 

Người đi “dò đồng” phải có người ở lại giữ vịt, nên người chăn vịt phải dẫn vợ hoặc con theo là vì vậy.

 

Nạn mãi điền khiến người nuôi vịt không chỉ sợ hao tốn tiền bạc mà còn mất nhiều công sức, thời gian đối phó.

 

Nỗi sợ thứ năm là nạn ép giá.

Sáng sớm các xuồng nhỏ của tư thương gắn máy đuôi tôm thọc mũi vào từng lều trại để ngã giá mua trứng vịt. Trước khi vào họ đã họp mặt nhau tại một quán cà phê ngoài chợ xã để bàn bạc thống nhứt cùng mua chỉ một mức, nhằm ép giá những người bán trứng. Nếu không bán cho họ cũng không thể bán được cho ai. Nếu đem lên chợ huyện, chợ tỉnh thì tốn phí vận chuyển và hao hớt dọc đường do trứng bể. Vì túng thiếu, cần tiền nên nhiều người buộc phải bóp bụng bán với giá bị ép. Năm ngoái giá trứng vịt cao nhất là tám trăm năm mươi đồng một hột, năm nay vào thời điểm tháng 6 năm 2001 chỉ còn bảy trăm đồng một hột.

 

Nỗi sợ thứ sáu là nạn “đạo vịt”:

Mấy tay bợm nhậu, đạo chích đoán người ta sẽ lùa vịt đi hướng nào, trước đó đào sẵn những cái hố xâu, nhỏ rồi rải rơm ngụy trang lên trên. Bầy vịt đi ngang sẽ bị lọt một số xuống hố. Đợi người chủ đi qua, “đạo” ta ung dung đến bắt vịt đem về làm thịt nhậu, có khi được nhiều còn đem bán!

Nỗi sợ kế tiếp là nỗi sợ của những người phụ nữ có chồng đi chăn vịt mà tôi phải gặn hỏi đôi ba lần chị Năm Bé mới chịu nói ra. Dạo này công an văn hóa truy quét gắt gao ở các quán karaoke trên chợ tỉnh nên mấy cô gái buôn phấn bán hương buộc phải chuyển địa bàn đổ bộ về vùng sâu vùng xa! Chiều chiều các cô bao honda ôm từng tốp từng tốp năm bảy cô, lòe loẹt áo xanh áo đỏ chạy rảo rảo dọc triền đê. Cánh đàn ông trong từng lều trại rậm rịt thò cái đầu bờm xờm, quắt đôi mắt đỏ ngầu men rượu ra nhìn dáo dác. Mặt trời vừa lặn mấy cô nhanh chóng lẫn khuất vào các lều trại … Mờ sáng, các cô mặt mũi bơ phờ, quần áo xốc xếch từng tốp từng tốp mò ra bờ đê đón xe ôm ra chợ. Do mấy ông chăn vịt chẳng mấy khi có tiền mặt nên cô nào cô nấy tay cũng xách một giỏ trứng đầy ắp. Vì nỗi sợ này mà chị Năm Bé quyết bám theo. Chị sợ mất bầy vịt lẫn ông chồng, và ngành Y tế cảnh báo bệnh AIDS đã về tới vùng sâu.

 

Người nuôi vịt chẳng khác gì so với người độc canh cây lúa. Mọi chi tiêu, từ việc đi đám tang, đám giỗ, đám cưới, thôi nôi, đầy tháng, mua tương chao, mắm muối cho đến … nhật nhẹt, tất thảy đều trông vào … con vịt. Lúc vịt đẻ thì nhờ vào trứng vịt, lúc vịt không đẻ buộc phải bán vịt thịt để lấy tiền mà chi xài. Như vợ chồng anh Hai Hên ở huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long), lúc lùa đàn vịt đi còn chẵn một ngàn con. Khi lùa về chỉ còn năm trăm. Má anh Hên hỏi tại sao? Anh nói: “Vịt bị hao hớt do bệnh”. Còn chị Hai thì nói tại anh chiều nào cũng bắt vịt làm thịt nhậu, lớp ăn lớp đãi bạn bè, rồi bán vịt để mua rượu nên mới ra nông nỗi này!

 

Nuôi vịt là một nghề có tỷ lệ rủi ro cao. Số người “chết” vì nghề này không ít. Có khi chỉ trong một đêm ngủ dậy thấy vịt chết nằm sấp lớp trong chuồng. Nếu không kịp thời cứu chữa để tiếp qua đêm thứ hai kể như hết sạch bầy. Cảnh trắng tay, nợ nần chỉ trong phút chốc ập xuống làm điêu đứng một gia đình. Mấy năm gần đây cơ quan khuyến nông của tỉnh in tài liệu phát hành rộng rãi, đưa kỹ sư xuống tận đồng ruộng hướng dẫn nông dân về kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng chữa bệnh nên tỷ lệ hao hụt do dịch bệnh có giảm chút ít. Bên cạnh còn có những rủi ro ngoài nghề nghiệp nữa. Cũng như vợ chồng anh Út Chót ở huyện Châu Thành (tỉnh Trà Vinh), đang giữ bầy vịt đẻ một ngàn tám trăm con, bỗng hay tin đứa con trai bốn tuổi ở nhà với bà nội bị té mương chết chìm. Chị Út ngất xỉu trên bờ ruộng, anh Út vội vã sang bầy vịt cho người khác với giá chỉ bằng nửa số tiền so lúc anh mua, rồi hai vợ chồng hơ hãi nhảy lên xe ôm để về với đứa con tội nghiệp! 

 

Rồi đến việc chuyển đồng cũng rất tốn kém.

Tôi hỏi chị Năm Bé, người theo chồng giữ vịt rồi sanh luôn đứa con trong túp lều trên bờ kinh:

- Mai mốt ảnh lùa vịt đi, hổng lẽ chị ẵm em bé lội bộ theo?

- Đâu có, mình mướn ghe người ta chở, chú ơi– Chị nói.

Thì ra là vậy. Qua chị Năm tôi mới  biết việc “chạy đồng” bây giờ có phần hiện đại và nhanh chóng hơn so với trước, tuy có hơi tốn kém. Hồi trước muốn chuyển bầy vịt từ cánh đồng này qua cánh đồng khác xa vài chục cây số chỉ có hai cách: Một là lùa vịt lội bộ trên ruộng, để cho vịt vừa kiếm ăn vừa đi. Đến chiều tối thì “cặm quân” che lều ngủ qua đêm, sáng mai đi tiếp. Cách thứ hai là lùa vịt xuống sông, để cho vịt bơi theo con nước xuôi, người chăn bơi xuồng theo sau. Đến khi gặp nước ngược hoặc chiều tối thì đưa vịt lên bờ, “cặm quân” che lều nghỉ tạm, chờ đến nước xuôi thì tiếp tục. Bây giờ thì đã có ghe chở mướn. Ghe có mui che nắng, che mưa, có làm sàn lót rơm để vịt nghỉ ngơi. Thấy nghề làm “đò” đưa vịt “chạy đồng” kiếm ăn được, người ta bắt đầu cạnh tranh làm ghe lớn, đóng sàn ba, bốn tầng để chứa được nhiều vịt. Các chủ vịt có thể ba, bốn người hùn tiền mướn một chiếc ghe cho đỡ tốn. Bốn đàn vịt được chứa ở bốn ngăn riêng biệt, khỏi phải sợ nhập bầy. Để cạnh tranh, các chủ ghe in danh thiếp có số điện thoại di động, ra tận ngoài đồng tặng cho các nhà … chăn vịt. Danh thiếp còn ghi rõ: “Chủ đò lịch sự, tận tình, giá cả phải chăng Vịt chết trên đường vận chuyển sẽ được bồi thường. Đặc biệt: Bao ăn uống cho chủ vịt trong thời gian thuê đò”.

 

Với cách vận chuyển như vậy, một bầy vịt đẻ trong năm có thể “chu du” đến năm sáu tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

 

Một nghịch lý là hầu hết những người làm nghề chăn vịt, có những người đã làm đến chín mười năm nhưng khi được hỏi đều trả lời không hề ham thích gì cái nghề bần cùng mạt hạng này. Tất cả đều cho đây chỉ là nghề bất đắc dĩ, là giải pháp tạm thời. Họ như thể chuột chạy cùng sào đành nhào vô … chăn vịt! Trước khi rơi vào nghề này hầu như ai cũng đã trải qua một sự cố nào đó tương đối nghiêm trọng, như bị bể hụi, làm thầu số đề bị người ta trúng ba con số, bán muối bị chìm ghe, làm ruộng rẫy bị bão lụt mất trắng, lâm cảnh nợ nần …

 

Cái xã hội của những người chăn vịt đầy biến động. Người này thất bại trắng tay phải lùi ra, người khác lại nhào vô để dãi nắng dầm mưa với chút hy vọng sẽ đi lên từ nghề này. Tất cả những biến động diễn ra hàng ngày hàng giờ đó tưởng như là sự ngẫu nhiên nhằm cân đối trên thị trường từ nhiều năm qua một giá trứng luôn luôn ổn định, làm an tâm người tiêu dùng.

 

Đồng bằng sông Cửu Long là nơi cung cấp ba phần tư trên tổng số lượng trứng vịt hằng năm cho cả nước. Mấy năm gần đây nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tăng nhanh nhưng giá trứng trên thị trường vẫn luôn giữ được mức ổn định, bởi nguồn cung cấp mặt hàng này ở đồng bằng sông Cửu Long còn rất dồi dào.

 

Lâu nay tôi đã quen rồi với những con số, những bản tin trên báo, trên tivi về thị trường trứng vịt vẫn ổn định. Tôi vô tình không biết gì đằng sau con số, bản tin đó là thân phận bao người cực khổ nổi trôi. Tôi cũng thường ăn trứng và biết rõ về thành phần dinh dưỡng trong mỗi quả trứng, nhưng tôi lại chưa biết một điều: chất dinh dưỡng trong mỗi quả trứng ấy được kết tinh từ mồ hôi và nước mắt con người!

 

Tôi lại muốn kể tiếp về những người làm nghề chăn vịt. Trong số họ không người nào mà không hy vọng một ngày nào đó mình sẽ thoát khỏi cái nghề chân lấm tay bùn này. Nhưng cuộc sống thực tế, thời gian như những vòng quay lạnh lùng, hết ngày rồi lại đêm buộc chặt họ với bầy vịt, với cuộc đời dãi nắng dầm mưa. Rồi chính cái “làng chăn vịt” cũng đem đến cho họ những niềm vui trong cuộc sống. Họ kết nghĩa bạn bè, gả cưới con cái, gá nghĩa trầu cau với những người cùng cảnh ngộ.

 

Mùa trước anh Năm Na cùng đứa con gái là em Thắm tới đây chăn vịt. Anh phải lòng chị Tư Bông người xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Chị Tư Bông cũng đến đây cầm vịt. Theo chị còn có đứa con trai mười bốn tuổi. Năm nay không biết vô tình hay hữu ý, hai người lại gặp nhau trên cánh đồng này. Chị Tư Bông góa chồng, anh Năm Na chết vợ. Tình ý của hai người cả làng chăn vịt ai cũng biết. Một hôm trong tiệc rượu có đông người, anh Năm Bé nói:

- Năm Na à, hay là mày với Tư Bông làm đám cưới tại đây luôn đi. Bè bạn chí cốt đều ở đây thảy, đợi về quê mày lúc đó anh em lùa vịt đi tứ tán hết làm sao có mặt đầy đủ. Làm ở đây vui hơn mày à?

Năm Na cúi đầu gãi gãi sau ót :

- Ai biết đâu. Anh hỏi Tư Bông coi cổ chịu hông!

Nói là làm. Năm Bé sai vợ qua hỏi ý kiến Tư Bông. Tư Bông nói: “nể” anh Năm lớn tuổi nên cô “không dám” cãi lời! Vậy là cả làng chăn vịt rần rần chuẩn bị đám cưới. Tôi chưa từng dự cái đám cưới nào kỳ lạ như vậy. Thức ăn đãi khách toàn thịt vịt: Vịt xào xả ớt, vịt hấp lá cách, nấu chao, vịt trộn gỏi bắp chuối, đặc biệt là món vịt đắp đất sét nướng trui. Đây là món “độc chiêu” của “làng chăn vịt”. Người ta bắt một con vịt để sống, không cắt cổ, không nhổ lông, rồi móc đất sét đắp lên cho kín khắp thân con vịt. Đất đắp dầy chừng ba phân. Kế tiếp dùng bốn khúc cây tươi xóc chéo rồi gác cục đất sét lên, chất rơm đốt. Đốt đến khi nào đất khô trắng, nứt ra từng mảng. Bấy giờ mới đem xuống gỡ đất ra. Gỡ đến đâu lông vịt tróc ra đến đó, để lộ từng mảng thịt trắng phếu. Thịt nướng rất thơm, ngọt, muối ớt chấm cay đến chảy nước mắt! …

 

Đám cưới của anh Năm Na và chị Tư Bông được tổ chức ngay trên bờ đê. Những chiếc chiếu ni lông trong từng lều trại được đem ra trải dưới đất làm nơi đãi ăn. Quà cưới không bằng tiền mà là mỗi người mang đến một con vịt. Trước lều của anh Năm Na được mọi người dựng lên cái cổng chào bằng hai cây chuối lột vỏ, cắt ngọn, trang trí nào bông đủng đỉnh, bông dừa. Ai đó cắt dán hai chữ “Tuyên Hôn” cũng rất kiểu cách màu mè. Anh Năm Bé thủ luôn vai chủ hôn, đứng lên nói “mục đích, ý nghĩa, yêu cầu…” của buổi tiệc. Giọng anh trang trọng, tiếng vỗ tay lốp bốp, sau đó mọi người vào tiệc. Cuộc ăn nhậu kéo dài đến tận khuya, lửa củi, lửa rơm vẫn cứ sáng bập bùng. Tiếng đàn ghi-ta phím lõm bổng trầm ngân vang trong đêm vắng. Ai đó cất lên giọng hát đến não lòng:

Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi

Thương những đời như lục bình trôi.

…Câu hát ngân nga

Tiếng tơ giao hòa

Cháy lên trong dạ

Muôn ngàn tâm sự

Hát lên một lần

Để một đời xa nhau … sáo ơi! *

 

Chiều nay, sau hai hôm kể từ đêm vinh hạnh được dự cái đám cưới kỳ lạ của anh Năm Na và chị Tư Bông, tôi trở lại nơi này. Cả cánh đồng rộng lớn và con đê dài ngút mắt bỗng vắng tanh như chưa hề có ai từng đến! Họ đã đi hết rồi! Chắc là họ lại hội tụ ở nơi nào đó trên cánh đồng lúa vừa mới gặt. Đời họ cứ lang thang nổi trôi theo ngày tháng, đến rồi lại đi, tan rồi lại hợp. Tôi tha thẩn trên đê, nhìn dòng nước lặng lẽ trôi xuôi, lòng cảm thấy ngậm ngùi, thương những mảnh đời như lục bình trôi!

 

* Bài hát “Điệu buồn phương Nam” của Vũ Đức Sao Biển

Tháng 10 năm 2001

 

Trần Thôi
Số lần đọc: 2451
Ngày đăng: 05.12.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bài ca giữ rừng - Đỗ Trọng Phụng
Đảo không xa - Nguyễn Thuỵ Nhã
Bát xát cuối mùa mận chín - Phùng Phương Quý
Sẻ chia cho những phận người bất hạnh - Nguyễn Nguyên An
Ai về Quảng Trị Đông Hà…35 năm sau Mùa Hè Đỏ Lửa - Trần Kiêm Ðoàn
Vũ Hữu Định, rượu thơ trần thế - Trần Tuấn*
Một thoáng phù hoa - Trần Trung Sáng
Làng Vĩnh Tuy tôi 33% hộ nghèo ! - Vĩnh Nguyên
Tôi dành cho mình quyền được... không ổn định - Hữu Việt
Sao rơi - Nguyễn Thuỵ Nhã
Cùng một tác giả
Hương bồ kết (truyện ngắn)
Sông quê (truyện ngắn)
Cái tủ thờ (truyện ngắn)