Năm Cỏ Giêng là tên tôi từ tuổi thiếu niên, ai đó đã gọi một lần như thế, sau thì chết tên, vì cả làng cho tôi là thằng quái gỡ khi tết đến người ta đua nhau mang về nhà các bình mai vàng sáng rực, tôi lại chỉ chưng độc trong nhà loại bông sắc tím, thứ sắc mà ai cũng kị, cũng sợ, con gái lặm vào thì chỉ có chờ chờ đợi đợi vô vọng không hoá đá cũng lỡ thì, con trai dính tới thì lụy tình lụy đời đến danh vọng tiêu tan, đến thân tàn ma dại. Tôi mê bông cỏ giêng kì lạ thật, giống như mỗi con người sinh ra đã có duyên kiếp gì đó với một loài hoa, chỉ người đó mới nghe loài hoa kia ca hát, trò chuyện, chia sẻ buồn vui, chỉ có người đó mới ngất ngây hoặc điếng dại khi đứng trước nó. Bông của loài cỏ dại này nở rộ trong dịp Tết mà lại có khuôn mặt mang mang, nhè nhẹ, đài hoa như chiếc áo ngoài rách tươm, cũ rích mà cánh hoa, lưỡi hoa như một kiệt tác vô tình mà hoàn mỹ của tạo hoá: đây là bản pha các tông của màu tím phong phú nhất mà tôi biết được: từ sắc tim tím nhàn nhạt tưởng như nõn trắng, chút mơ hồ ấu thơ của thanh thiên bạch nhật, đến phớt tím mơ mơ cuối chiều lay động hồn người xế tuổi, đến tím hoa cà trong câu hát huê tình đau nhói tim can trần tục… và cuối cùng là tím than huyền bí, thẳm sâu, màu của phương Đông, màu của những quyển sách triết lí cuộc đời vốn bị đánh mất trang đầu, trang cuối. Sự hợp nhãn ấy, cái giao tình ấy như là tín hiệu báo trước một đời tu của tôi. Thích Giác Giêng cũng là cách gọi theo pháp danh, chữ “Giác” trong thứ bậc một dòng kệ ở đất Nam Trung bộ này, chữ “Giêng” là do lúc lên núi quy y, thầy tôi vừa cười vừa hỏi: con thích tên gì? Tôi nói ngay: -Thưa, Giêng! Nếu không có tính thì chẳng bao giờ tới mệnh, con người vốn như thế mà! Thầy tôi bảo đó là tính! Sau này, khi qua thời sa-di, rồi thọ Cụ Túc Giới, tôi cũng chẳng nghĩ gì đến tên mình, nhưng quả thật loài bông dại ấy có gắn với đời tôi một câu chuyện, tất nhiên theo cách nghĩ của tôi là chẳng buồn, chẳng vui. Do Tết năm nay gặp lại người ở quê, lời vô tình mà động đến tim can nên tôi chợt nhớ lại.
Khi đã trở thành đại đức trụ trì một ngôi chùa nhỏ dưới chân núi, tôi có người bạn trẻ hay ghé thăm chơi, anh ta là nhà thơ quanh năm suốt tháng đạp chiếc xe đạp lọc cọc đi bán thơ mình rồi tá túc khắp các chùa trong nước. Có lần thấy trên sườn xe đạp của anh ta có dắt cục đá, biết là để đập vào líp mỗi khi xe trật cóc, tôi nói với anh ta: -Mình còn bị trói sao mơ đi mở trói cho người khác? Anh ta đãnh lễ rồi nhỏ nhẽ, trịnh trọng: -Bạch thầy Năm Cỏ Giêng! Thơ con chỉ mong dìu ba đào về chân trời khác chứ không có ý đó. Tôi bỗng xao động trong lòng không chỉ vì lời đối đáp rất sáng của con người hoà nhan ái ngữ này (các nhà thơ khi đã trở nên “tận kỳ tính” thì đáng yêu biết bao) mà còn vì người trai này, nhà thơ lang thang này gọi đúng tên tôi hồi còn ở làng quê, hồi mẹ con tôi rau cháo trong mái tranh sập sệ ở dốc Cây Cầy, hồi mà Tết của tôi mênh mông một màu tím ngắt, tím đến héo hắt lòng người, chỉ có người đồng hương với tôi mới biết. Một ngọn gió từ trong sâu thẳm con người tôi, mịn màng như mây lụa trên cao, không xuân hạ nóng bỏng, không thu đông lạnh lẽo nhẹ nhàng thoát ra. Lần đầu tiên tôi thấu cảm: Ngoài tâm người không có hiện thực nào khác. Anh chàng đi bán thơ chợt nói tiếp: -Bạch thầy! Con như giếng khô trên gò cao, giờ chỉ biết ứa ra những giọt mồ hôi, như cách làm của cát, của cuội, gọi là đổi bát cơm cũng được, gọi là gội rửa mình cũng xong, làm gì dám mong đi cởi trói cho tha nhân. Tôi nghĩ anh ta cũng còn chỗ lém mồm, đa ngôn nên tủm tỉm cười vặn lại lần nữa: -Sao lại lấy thơ làm kế sinh nhai, đem cái tính của biển cả chứa trong lỗ chân trâu sao đặng? -Bạch thầy! Chán con lắm! Con cũng thật hết cách, nhưng mà lỗ chân trâu có gì hay không còn tùy người, tùy cảnh, ngay trong giới được mọi người kính trọng, bất khả tư nghị như giới tu hành thiếu gì kẻ sống bằng nghề tu, chắc là đau đớn cũng như con.
Thoạt đầu, tôi nghĩ anh chàng này cà khịa, mượn hơi hướng câu nói của tôi đem cho cái mà tôi không nhận, vì tôi không thể có nó, nhưng định tâm tôi thấy đúng một phần. Không trụ ở đó, tôi còn liên tưởng ngay đến thầy tôi, người tôi chịu ơn quy y rồi cả thọ Cụ Túc Giới… Người ấy có một thời mông muội phạm giới, một ni sư mà đem lòng yêu thương một vị đại đức ở chùa khác, yêu đến độ nửa khuya xuống núi, vượt mưa gió, gánh hơn ba chục quyển Đại Tạng kinh quý giá của thầy mình đem tặng người tình. Hứng trọn cơn mưa đêm như trút nước, vừa run lạnh, vừa đi trong trạng thái như mộng du nên bị một chiếc xe khách từ Hàm Tân ngược chiều tung phải, thể xác không trọng thương, chỉ trầy xước sơ sơ nhưng Sư đau xót nhìn những quyển kinh trộm vụng tung bay tứ tán trong buổi mai vừa hé rạng. Sư cô mất ăn mất ngủ gần nửa năm trời, vết thương lòng chẳng biết bao giờ mới lành. Đức Bổn Sư ấy bây giờ lại xuống núi lấy tiền thập phương cúng dường mở trại trồng mười lăm ngàn trụ thanh long, mở trên chục đại lý mua bán thanh long lớn nhỏ, mở trại nuôi heo, nuôi bò, dụng cả chục tăng trẻ như một đội quân của dịch vụ tụng cúng phục vụ lễ lạc… rồi cười gọi là làm kinh tế chùa, tu theo lối trưởng giả Duy Ma Cật. Nhưng hãy khoan, gì thì gì chứ anh chàng đi bán dạo thơ vẫn đang trước mặt tôi, hãy lắng nghe câu chuyện riêng tư này chút đã!
-“Bạch thầy! Chán con lắm! Trước đây con chưa bao giờ dừng lại nhìn một khung trời sắp tắt nắng, một nấm mồ bên đường nói chi đến một bông hoa xem có lung linh hay sắp rữa nát. Chưa bao giờ! Con luôn bị quỹ đạo công việc cuốn đi, cuốn đi như chiếc lá nhỏ trong dòng bão lớn. Chưa biết ngày sau thân này ra sao đây? Con luôn lẩm bẩm như vậy. Con quần quật với công việc, tối mặt tối mũi với công việc. Chẳng ai khiến nổi con, chỉ có sự lo lắng thái quá hành hạ con, thật sự lúc ấy con chưa phân biệt các cung bậc của sự lo lắng. Sự lo lắng không đâu hành hạ con người đến mê, đến muội mà không biết. Lúc ấy, con muốn bứt phá, muốn vượt lên thân phận của một dòng họ trồng lúa, nghèo kiết xác quá ba đời. Chẳng ai khó ba đời, vậy mà bốn đời nhà con đều rách nát, đều nhục nhã, đều hèn hạ. Trong phả hệ nhà con, đàn bà thì bán lưng cho trời, bán mặt cho đất như thân cò từ sáng đến tối vục mỏ vào vũng bùn khổ ải. Đàn ông cả đời như con cút de thụt thụt thò thò vón đất cho khô đến chai vàng cả tay, chai trắng cả hồn.
“Đến ngày kia, sau một ngày mồ hôi đẫm áo, con ngã lưng trên bãi cỏ ngủ ngon lành. Giật mình dậy thấy bông cỏ giềng nở tím cả khu đồi. Ngày cùng tháng tận rồi đây! Thoạt đầu con chỉ nghĩ thế. Con ngồi dậy sau cái duỗi mình, chợt bàng hoàng thấy bao nhiêu là bông cỏ giêng dưới lưng con cũng đang duỗi mình, ngữa mặt bùng nở. Lần đầu tiên con phát hiện đó cũng là những sinh linh sống động. Con hít một hơi thật sâu, một hơi thở đầy hương hoa đồng nội, trời đất chợt bao phủ một màu tím đến ngút ngát huyền niệm. Chính sự huyền niệm vừa nhận biết cho con thêm hiểu cái mênh mông, không cùng của con người. Chán con lắm! Con chợt đọc lên vài câu rời rạt và có duyên với thơ từ đó, người làng chưa hiểu cứ cho là con bị ám. Họ cũng kể về thầy như một trường hợp bị ám khác bởi bông của loài cỏ dại ấy.”
Con người khác nhau là do đối tượng người đó chú ý tới. Nếu bị ám bởi loài bông, loài hoa, bị ám bởi cái đẹp con người sẽ trở nên rất người. Duyên lành nên tôi được gặp anh ở đây, màu tím ấy cũng chỉ là chút bê bối dễ thương của tiểu ngã… Tôi tủm tỉm cười. Anh chàng nhà thơ trẻ cười theo ý tứ. Anh chàng nhà thơ lang thang này gợi tôi chợt nhớ chút bê bối dễ thương trong đời mình, hình như cái gì đã đi qua đời ta dù như thế nào cũng mang một giá trị nhất định, ai cố bỏ đi, quên đi là tự đánh mất mình vậy. Hồi ở làng, nhóm bạn thân từ ngày còn cởi truồng tắm mưa của tôi có ba đứa: Vân, Lập và tôi. Vân là con gái út của ông chủ một cơ sở xay lúa lớn nhất vùng, được cưng chìu không ai bằng. Lập là con nhà tiệm vàng, gia đình này phất lên từ lúc khai phá một vùng đất ven sông. Cái ngày anh của Lập đào được một hủ vàng Hời (một quày cau và nhiều lá trầu, tất cả đều là vàng ròng) cũng là cái ngày định mệnh của gia đình Lập. Anh của Lập ngay lập tức hoá cuồng, cuối cùng là tự sát bằng một quả lựu đạn. Hai người chị, cũng là những người đầu tiên mở chiếc nắp hủ, trở nên tâm thần, mở miệng là ú ớ những câu chú quái gỡ, không ai hiểu gì, sau phải nhốt ở dưới vườn chuối như hai nữ tượng giữ của, sáng trưa chiều tối có người mang cơm, mang nước bón, chăm. Nhưng sau đó, ba Lập từ một người ngày ngày ,với đôi gánh trên lưng, rao bán đậu hủ khắp làng trên xóm dưới trở thành một chủ tiệm vàng bề thế của khu quận lị. Giữa hai căn nhà lớn ấy là túp lều bé nhỏ, rách nát của mẹ con tôi. Thời gian trôi, chúng tôi nhiều tuổi dần, rồi rời khỏi làng đi học xa, chúng tôi vẫn liên lạc đều đặn với nhau. Những dịp lễ, Tết, ba đứa đều hẹn về rồi quyện lấy nhau như hình với bóng. Vân càng lớn càng thanh thoát từ hình dáng bên ngoài đến lời ăn tiếng nói, tôi thường hình dung tâm hồn Vân trong xanh như một viên ngọc bích, trong Vân không có sự phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Tôi cảm thấy cuộc sống của mình không thể thiếu Vân được nữa nên nhiều lần định ngỏ lời, nhưng ngại ngùng rồi lại thôi. Tôi tặng Vân thật nhiều bông cỏ giêng. Vân bảo thích loài bông cỏ này thế là tôi lên đồi bứng cả gốc rể về trồng kín quanh mảnh sân nhà. Lạ lùng! Lúc ấy, duy lúc ấy, mỗi cánh tím rung rinh nơ là tâm hồn tôi như vừa nhận được giọt mật lịm ngọt hạnh phúc, cả vườn tím rộ là tâm hồn tôi thấm đẫm cả mùa màng ngọt ngào, nhạc ru đến đê mê, lời lay đến ngất ngư khờ dại, tình vun lên đến như sóng như núi, náo nhiệt nóng bỏng.
Tôi đang học giữa năm cuối cùng thì nhận được giấy mời đám cưới của Lập với Vân. Đất trời quanh tôi chao đảo. Ngày đó, tôi thất thểu đội cái nắng Sài Gòn đi bộ gần hai chục cây số ra ngoại vi thành phố tìm một người bạn cùng lớp để… uống rượu. Rượu càng nhiều tâm hồn tôi càng bị thiêu đốt, làm như nỗi buồn đã nhân lên hàng trăm ngàn lần. Tôi không lí giải được điều gì với chính mình. Sau thời gian lang thang khắp đất Sài Gòn, tôi về lại quê, đứng nhìn khu vườn cỏ giêng nở tím giữa hai căn nhà lớn, người tôi tê tái, rã rời. Tôi quỳ xuống đám bông dại ấy hồi lâu. Sắc tím chiếm ngự mắt tôi. Người tôi ngợp tê bởi sự lan truyền, run rẩy của từng cánh hoa. Từng mảnh sắc sậm dần ảo diệu, chỗ mơn trớn, chỗ thu mình như trong sắc có hương, trong hương có sắc. Phải chăng linh hồn hoa bé mọn mà đau nặng nỗi đời. Cũng từ ấy, một suối nhạc dâng lên khúc cao trào, mô phỏng những đầu gai tim tím, li ti liên tục châm chích vào trái tim chết điếng của tôi, càng lúc càng nhanh dần cho tới khi hồn tôi với hồn bông cỏ giêng thành một, bỗng ham muốn gục xuống, cuộn vào bên trong, ham muốn chui vào một lớp kén ảo giác để tìm cứu cánh cuối cùng. Tôi từ từ ra đứng bên lề đường, rồi đứng suốt đêm ấy, mắt tôi tròn căng, tôi nhìn mà không nhìn, chân tôi mất dần cảm giác, tôi đứng mà đảo chao nghiêng ngã. Tôi đi thẳng lên núi xin quy y rồi ở lại chùa luôn, tôi vác đá đi lên dốc đá, tôi vác mình vượt khỏi nỗi đau chính mình. Tiếng chuông chùa kia thoạt đầu cũng vác mình nặng lắm, đâu chứa được những diệu âm thức tỉnh phải không?
Anh chàng nhà thơ lang thang bảo chính gia đình anh mua lại khu vườn có căn lều của mẹ con tôi. Khi mẹ tôi qua đời, tôi có về rước vong mẹ lên chùa, nhưng việc bán nhà lại giao cho một người bà con, nên tôi không hề biết người mua. Nhà thơ trẻ kể rằng: Khi đám cỏ giêng quanh nhà bị dãy sạch, tới lúc un đống đốt, có người đàn bà nhà bên ôm con đứng nhìn sang. Cái nhìn lạ lắm, hình như là thẫn thờ, hình như là dại đi!...Nghe đến đó, chuổi hạt bồ đề trên tay tôi chợt rơi xuống đất. Anh chàng nhà thơ lúng túng nhặt giúp. Mắt anh ta như vầng trăng hạ huyền chợt sáng lên lúc về khuya.
…“Nghe đâu chồng của người đàn bà này, sau chuyến thoát chết trên một chiếc tàu chở gạch ra đảo bị sóng lớn phủ qua, gạch ướt, tàu chìm, ông ta bám trên tấm gỗ bị trôi dạt mãi tận vịnh Thái Lan, tưởng đ chết, chợt trở về nhưng hoá thành một kẻ tạp ăn, tạp uống, bị ám ảnh bệnh hoạn về miếng ăn . Ông ta bắt được con chuột đưa ngay lên miệng cắn nhai rao ráo, còn nửa con bỏ túi để dành. Người ta còn kể: có lần ông ta ăn bọ cạp bị con vật này chích sưng vù cả miệng, ông ta hét lên : -Mày cắn, tao cũng để dành! Cả ngày, đi đâu cũng có con bọ cạp trên vành môi sưng to, đỏ mọng, thỉnh thoảng, ông ta chóp chép thèm thuồng nhưng lại cứ để dành, chốc chốc cứ khóc hu hu như trẻ nít. Có lần ông ta đào được con heo con ai đó chôn đã vài ngày, ngồi xé thịt ăn ngon lành, mùi thúi nồng nặc mà ông ta cứ hít lấy hít để rồi lẩm nhẩm: -Để dành! Để dành! Ông ta lại chỗng khu cào đất lấp phần thịt thúi ấy lại. Những màn để dành của ông ta làm rợn tóc gáy, làm lợm bữa ăn của những người dân trong làng, có người thấy ông ta là không thể ăn gì được. Ông ta uống rượu say vác cái mạng hôi thối về đòi ngủ với vợ, không cho là rượt đánh cô vợ náo động canh khuya làm mất ngủ cả làng. Công an xã bắt nhốt, ông ta quỳ xuống, ngước mặt nhìn tấm lịch người mẫu treo trên tường, hét lên:_ Đẹp quá! Xấu như tôi bị nhốt đã đành, đẹp như cô sao cũng ở đây…Ha ha. Công an bực mình cho ông ta là cố tình gây rối trật tự trị an nên đưa đi Huy Khiêm cải tạo. Từ đó, con chẳng có tin tức gì về ông ta nữa cả.”
…“ Người đàn bà ấy, ngày ngày, tay xách cái cân đòn, tay xách giỏ tôm mua lại ở làng biển bên kia sông, đi rao bán khắp làng trên xóm dưới. Con Tôm, ai cũng gọi bà ta như thế, người ta gọi, người ta bình nhất nhất đều chỉ là cái tên ấy: “Con Tôm đến kìa!”, “Con Tôm trông tiều tụy nhưng vẫn còn nét quý phái”, “ Con Tôm đẹp gái lại là dân có học đó, cứ nhìn mắt nó thì biết”… Cứ tiếng rao tôm của “Con Tôm” cất lên là đúng năm giờ sáng, lâu thành quen, đều đặn thành lệ. Cả làng ai cũng xem đó như cái đồng hồ. Người vào rú, vào rẫy nghe tiếng Con Tôm thì lục đục dậy nhóm bếp, xới cơm, học trò nghe tiếng rao của Con Tôm thì tỉnh thức ôn lại bài chuẩn bị đi học… Đến một ngày, cả làng dậy muộn, học trò trễ học, chân nam đá chân chiêu. Người làng bàng hoàng nhìn nhau khi hay tin Con Tôm đã qua đời vì bệnh ung thư. “Bệnh phát cả tháng nay mà cô ấy ráng đi bán tôm”, “ Buồn vậy hỏi sao không bệnh ung thư?”, “ Trước khi trút hơi thở cuối cùng, nghe đâu cô ấy dặn con trai: -Nhớ trồng bông cỏ giêng chỗ mẹ nằm, nghe con…!”
Anh chàng nhà thơ lang thang kể cho tôi nghe hết mọi chuyện rồi đột ngột hỏi: -Bạch thầy! Đạo là gì? Tôi định mượn câu của Nam Tuyền Phổ Nguyện để trả lời “ Bình thường tâm là đạo”, nhưng sáo quá nên thôi. Cuối cùng tôi nói: “Với hoa, vũ trụ nở! Ai bảo xuân không có màu tím? Thỉnh thoảng nên lắng tâm, anh trở về với đồi cỏ giêng của anh, tôi trở về với mộ cỏ giêng của tôi, ấy là đạo vậy”. Thật sự lúc ấy, tôi nghĩ mọi nỗi buồn của nhân gian đã hoá thân thành bông cỏ màu tím gắn bó với cuộc đời tôi kia, để mùa xuân được sạch trơn, trong ngần đến rực rỡ . Chẳng biết ghé thăm chùa từ lúc nào, ngay lúc ấy, sư thầy tôi xuất hiện: “Nghĩ xanh là xanh, nghĩ tím là tím. Mô Phật! Buông xả! Niệm như sóng của nước có gì lạ đâu. Sao không đi chuẩn bị Tết nhứt đi! Bộ tu là không ăn Tết à? Nhân giả nhân dã!!! Lúc ấy, tôi chợt ngộ, hình như anh chàng nhà thơ cũng ngộ nên tiếp ý của tôi mà cất giọng:
húa xuân lau ưu phiền
Đồi xuân nở cỏ giêng
Nhìn hoa, vũ trụ sáng.