Quyền thuật rất được ưa chuộng tại Bình Định. Từ thành thị đến thôn quê, ai ai cũng dày công khổ luyện võ thuật, kể cả những thiếu nữ mỹ miều:
"Ai về Bình Định mà coi
Đàn bà con gái múa roi, đi quyền"
Truyền thống võ Bình Định phát xuất xa xưa từ Thanh Lương tự, một tự viện chủ trương luyện võ cũng tạo được một thứ công phu, khả dĩ hướng dẫn hành giả thâm nhập giáo lý Phật đà. Nguyên sư tổ Thanh Lương, thuở thiếu thời là một anh tài xuất chúng, văn võ song toàn, đã vân du khắp các đại tùng lâm Trung Hoa tầm sư học đạo. Tổ sư chẳng những đã ngộ nhập đạo mầu, mà cũng đạt trình độ võ công thâm diệu. Tổ sư phối hợp tinh hoa võ học Thiếu Lâm tự, với môn võ Việt nam cổ truyền chuyên về cận chiến, để sáng tạo môn võ Bình Định độc đáo, lưu truyền hậu thế. Đến đời thứ tư, thiền sư Đạt Bổn, cũng noi gương chư tổ, đem hết tinh hoa Phật học và võ học trao truyền cho 4 đệ tử "Tướng, Hảo, Quang, Minh". Nhân vật ưu tú nhất là đại đệ tử Vĩnh Tướng, võ công siêu tuyệt mà trình độ am hiểu, biện luận Phật Pháp cũng cao siêu. Vĩnh Hảo tuy đạo hạnh kiên trì, nhưng so với sư huynh thì Phật học lẫn võ học đều kém xa. Theo đúng tinh thần luật nghi "Ngũ hạ dĩ tiền chuyên tinh giới luật, ngũ hạ dĩ hậu phương nãi thính giáo tham thiền" (1), dầu đã thọ cụ túc giới (2) Vĩnh Tướng và Vĩnh Hảo, vẫn tiếp tục bên thầy học tụng giới luật ròng rã 5 năm. Sau khi cảm thấy tư lương chuẩn bị đầy đủ, hai thầy mới thỉnh cầu sư phụ cho phép rời chùa để chuyên tu thiền định. Đại sư Đạt Bổn chỉ chấp nhận cho Vĩnh Tướng được tự do vạch con đường tu tập, có lẽ vì vị đại đệ tử, căn cơ thông lợi, mới đủ khả năng đốn ngộ yếu chỉ thiền tông. Vĩnh Hảo căn cơ tầm thường phù hợp với việc tu phước, được giữ lại rồi chỉ định làm kế vị trụ trì.
Thấy Vĩnh Hảo lộ vẻ thất vọng, đại sư an ủi :
- Cổ đức thuận duyên tu tập chớ không câu nệ pháp môn vì mê thì pháp môn nào cũng mê, mà ngộ thì pháp môn nào chẳng ngộ.
Vĩnh Hảo vốn thờ sư phụ cực kỳ tôn kính, dám đâu có ý nghĩ trái nghịch. Thầy chỉ bối rối vì cảm thấy mình vụng về trước trách vụ trụ trì đầy khó khăn, nguy hiểm. Thầy thầm nghĩ, trụ trì thì phải giao tiếp, phải tổ chức, xây dựng và phát huy đạo pháp, giao tiếp đối xử nếu muốn thành công thì phải khéo léo, đôi khi còn phải diễn kịch, phô trương đạo đức… nên giảm lòng chân thật. Được người tôn kính, tán tụng, săn sóc, chiều đãi… thì làm sao tránh khỏi sanh lòng ngạo mạn. Tổ chức, xây dựng, phát huy… tránh sao cho tâm khỏi vọng động bởi thói thường thịnh suy, thành bại, đắc thất, vinh nhục…, để rồi mừng vui, hờn giận, yêu thương, ganh ghét phát sinh. Ôi! Ta chưa đủ đức độ "tu chỉ để mà tu", "làm chỉ để mà làm", tâm còn đắm nhiễm lục trần thì sao có thể đảm đương nổi trách vụ thầy giao phó? Mới tập sự trụ trì được nửa tháng, trong khi đang thảo luận với sư phụ về việc tổ chức đại lễ Vu Lan Quí Hợi thì bỗng nghe có tiếng ồn ào bên ngoài. Người Phật tử nóng tính, lớn tiếng với chú Vĩnh Quang, đòi vào tăng phòng gặp sư cụ ngay. Vĩnh Hảo theo sư phụ ra ngoài đón khách. Trương y sĩ, người Phật tử bình thường hiền hoà, nay bỗng có điệu bộ giận dữ, rồi biến thành nghẹn ngào tức tưởi:
- Bẩm thầy! Xin thầy xét cho con. Gia đình con hết lòng lo lắng cho chùa, mà… mà quý thầy lại hại gia đình con, ra nông nổi như thế nầy!…
- Có điều gì thì đạo hữu cứ thẳng thắn trình bày cho thầy biết. – Sư cụ ôn tồn –
- Bội Ngọc! – Lão y sĩ nắm tóc cô con gái cưng dằng mạnh – Mầy hãy nói rõ cho sư cụ biết, coi ai kia đã dụ dỗ mầy, cho đến mang thai!
Lời tố cáo của lão Trương thật bất ngờ và kinh khủng làm Vĩnh Hảo choáng váng. Ai? Ai ở chùa nầy đã làm điều tác tệ đó? Vĩnh Hảo vốn không dám phán xét người, lại càng không dám nghi ngờ, dự đoán người nào, nên đành lặng yên chờ đợi diễn biến.
Chừng như thấy Bội Ngọc cứ cúi gầm khóc thút thít mà không lên tiếng, lão Trương nổi tam bành đánh cô gái hai tát tay xiểng niểng, rồi nạt nộ:
- Nói mau! Nói mau! Không thì tao giết mầy!
Bội Ngọc run lẩy bẩy, dơ ngón tay cong veo chỉ đại về phía trước. Vĩnh Hảo bỗng giựt mình chết sửng không ngờ nàng lại chỉ mình. Thầy chới với không biết nên phản ứng như thế nào. Rồi thầy bỗng nhớ lại buổi bàn thảo với Vĩnh Tướng về luận Bảo Vương Tam Muội (3) mấy ngày trước khi sư huynh từ giã đi ẩn tu. Vĩnh Hảo đã hết lời ca tụng thuyết "oan ức là cửa ngõ của đạo hạnh, nên chủ trương chỉ nhẫn nhục mà chịu, chớ không cần biện bạch". Lúc đó, sư huynh cười, bảo rằng sư đệ quá khích, chỉ có thể đại ngôn nhất thời chớ làm sao hành được. Lâm vào hoàn cảnh nầy, thầy mới nhận thấy sư huynh cao kiến hơn người, quả thật thầy không thể nhẫn nhục khiến cho thanh danh cá nhân và Thanh Lương tự phải chung chịu tai tiếng nhuốc nhơ. Chủ tâm rõ rệt nên Vĩnh Hảo nhìn thẳng Bội Ngọc để chuẩn bị chất vấn cho rõ trắng đen. Trước mắt thầy là một cô gái đầu bù tóc rối, mặt mũi sưng vù, run rẩy như sắp quỵ ngã… trong cơn đớn đau, tuyệt vọng, đang nhướng đôi mắt u ám khẩn cầu cứu giúp. Cánh tay vu cáo thầy, thật ra, có khác gì cánh tay quờ quạng chới với chụp bừa một cái phao mờ ảo, trong cơn chết đuối nguy nan. Ý nghĩ đó khiến Vĩnh Hảo khựng lại. Thầy đã từng tự trách, chỉ quanh quẩn trong chùa nên không thể quán thế âm – nghe thấy tiếng kêu thương của thế gian – để mà cứu khổ. Nay đã nghe thấy tiếng kêu thương mà làm ngơ sao đành, còn khuất lấp chịu đựng ô nhục cũng khó mà chấp nhận. Hai ý nghĩ mâu thuẩn khiến Vĩnh Hảo ngớ ngẩn như kẻ phạm tội bị bắt quả tang vô phương bào chữa. Lặng yên hàng mấy phút, Vĩnh Hảo chững chạc quỳ lạy sư phụ:
- Thưa thầy! Xin thầy rộng lòng tha lỗi cho con!
Thế là, đại sư Đạt Bổn chiếu môn qui, nghiêm khắc ra lệnh cho Vĩnh Quang nọc đánh tên môn đồ phạm dâm giới 100 trượng rồi tuyên bố cắt đứt tình thầy trò và tuyệt đối cấm Vĩnh Hảo vãng lai Thanh Lương tự. Thấy Vĩnh Hảo bị trừng phạt đau đớn quá, Bội Ngọc thỉnh nguyện xin chia xẻ hình phạt với chàng, nhưng bị sư cụ từ chối, vì theo sư cụ, Bội Ngọc không phải là môn đồ, nên không thể bị môn qui, giới luật ràng buộc.
Thân thể bầm dập tan nát nhưng tinh thần vẫn an nhiên điềm tỉnh, Vĩnh Hảo cố gắng ghi nhận hình ảnh thân yêu của ân sư, huynh đệ và tự viện lần chót, rồi lê lết ra đi, mong tìm một chốn thanh vắng tiếp tục hành đạo.
Trương y sĩ, tuy nhất thời lỗ mãng, nhưng rất khôn ngoan chu đáo. Vĩnh Hảo nhận lỗi rồi bị trục xuất thật là đúng với sở nguyện của y. Trương y sĩ tức tốc thuê ngay người võng chàng rể tương lai về nhà, lo thang thuốc, chờ chàng mọc tóc dài, để tổ chức lễ cưới rềnh rang hầu gỡ gạc mặt mày với bà con lối xóm. Trương y sĩ cẩn thận cắt đặt người chăm sóc con bệnh chu đáo và đối xử rất trọng vọng, đồng thời cũng canh chừng theo dõi chàng nghiêm nhặt, có lẽ, lão lo ngại chàng sẽ bỏ trốn đi chăng? Nuôi bệnh được 3 ngày, trong khi đang cơm nước phục vụ Vĩnh Hảo, thừa lúc không có ai, Bội Ngọc thành khẩn :
- Thưa thầy! Con là kẻ hư hèn đi đổ vạ cho thầy. Nhưng mà thầy vẫn từ bi che chở cho con. Ơn của thầy như trời biển, con có làm thân trâu ngựa cũng không báo đáp được!
- Xin thí chủ đừng nhắc đến chuyện ân nghĩa. Kẻ tu hành thấy việc chi cần làm thì theo đó mà làm. Tôi tu theo hạnh nguyện của tôi rồi vô tình giúp thí chủ vậy thôi.
- Thầy vì cứu con mà thanh danh thầy bị nhơ nhuốc, thân thể thầy bị đánh đập bầm dập. Lòng hi sinh của thầy cao cả quá! Sao thầy lại không cho con được mang ơn thầy?
- Thanh danh hay thể xác cũng đều là huyễn, vốn không thực có nên không đáng để lưu tâm. Tôi chỉ xin thông báo thí chủ, là sau khi tôi lành mạnh thì tôi phải rời nơi nầy để tìm chốn thanh vắng tiếp tục tu hành theo sở nguyện của tôi.
- Thưa thầy! - Bội Ngọc lộ vẻ hoảng hốt – Thầy đã ra tay cứu vớt con thì xin cứu cho đến cùng. Ba con đã chuẩn bị lễ cưới. Bây giờ, thầy lại đi, mà bụng của con càng ngày càng lớn, … thì con chỉ có nước tự tử mà chết, chớ không còn phương pháp nào khác.
- Cô Bội Ngọc! Xin cô... thí chủ... thông cảm hiểu dùm, là tôi sẵn sàng giúp cô bất cứ chuyện gì, nhưng tôi không thể đánh đổi nếp sống xuất gia tu hành được.
- Thưa thầy! thầy vẫn tu hành con đâu dám có ý nghĩ gì khác. Chỉ xin thầy nán ở lại, rồi chịu làm đám cưới cho có hình thức. Rồi sau đó, thầy có ra đi thì con cũng được yên thân rồi…
Vĩnh Hảo nghĩ đến thân phận của một cô gái chửa hoang trong xã hội nầy, phải gánh chịu biết bao điều đắng cay, nên thầy dặn lòng ráng cố gắng thêm một thời gian nữa, chờ đám cưới xong rồi, thầy sẽ viện cớ công ăn việc làm để ra đi. Giữ lời hứa, Bội Ngọc chu đáo nấu chay, và phục vụ Vĩnh Hảo kính cẩn theo đúng cương vị thầy trò, chớ không hề có cử chỉ gì lả lơi, âu yếm. Dĩ nhiên, nếu có nhân vật thứ ba hiện diện, thì cả hai phải xưng hô thân mật một chút. Nhưng thường thì Bội Ngọc tránh nói chuyện, để thầy Vĩnh Hảo đỡ phải ngượng ngập.
Là một chú rể tương lai, Vĩnh Hảo không thể gõ mõ, tụng kinh "ồn ào" trong phòng được, tuy nhiên thầy vẫn thầm tụng một mình hai thời công phu chớ không giãi đãi. Thời giờ còn lại quá rãnh rỗi, Vĩnh Hảo bắt đầu nghiên cứu đọc những sách y học của Trương y sĩ lưu trữ trong phòng. Điều lạ là Vĩnh Hảo có một năng khiếu đặc biệt về y học. Chỉ hai tuần nghiền ngẫm sách vở, mà khi thảo luận với Trương y sĩ, thì kiến thức của thầy đã tương đương với những danh y có hàng mươi năm kinh nghiệm. Trương y sĩ lại hết lòng hướng dẫn, và khuyến khích thầy thử thực hành trị bệnh. Vĩnh Hảo lại thành công vượt bực : định bệnh chính xác, phân lượng thuốc gia giảm hữu hiệu, như được hướng dẫn bởi những kinh nghiệm từ tiền kiếp. Thầy lại có lợi điểm là võ công tinh nhuệ, căn bản nhận huyệt đạo và điểm huyệt khá vững chắc, nên rất thành thạo với thủ thuật châm cứu. Thầy lại biết vận dụng nội công, dùng chân khí để tiếp hơi sức, bế huyệt, khu trừ độc khí cho bệnh nhân, một phương pháp mà y sĩ tầm thường hoàn toàn mù tịt.
Nhờ việc học thuốc hấp dẫn, thầy Vĩnh Hảo đỡ thấy tù túng, ngột ngạt khi bị "giam lỏng" trong nhà, thầy cũng giảm thiểu gặp mặt Bội Ngọc, để tránh khỏi phải ấp úng khó xưng hô, bàn bạc. Trương y sĩ, đôi khi cảm thấy giữa chàng rể và con gái có gì xa cách, chớ không quấn quít thân mật nhau như đối với những cặp tình nhân "tiền dâm hậu thú". Nhưng Trương y sĩ quá thích thú với tài nghệ của Vĩnh Hảo, phải dành nhiều thì giờ để phô trương, khoe khoang chàng rể, nên quên không thắc mắc nữa.
Đám cưới được tổ chức cấp tốc nhưng rất hoàn bị. Vĩnh Hảo, vốn là trẻ mồ côi được sư phụ đem về chùa nuôi từ nhỏ, không họ hàng thân thích, thì Trương y sĩ cũng mua chuộc đâu được người, tự xưng là chú, đứng chủ hôn đàng trai, với đầy đủ tư trang đáng giá, xem ra rất môn đăng hộ đối. Nghi lễ tổ chức khá linh đình, với sự hiện diện đông đủ quan khách đến chúc mừng "hai trẻ" loan phượng hoà minh, sắc cầm hòa hiệp… hay đầu năm sanh trai, cuối năm sanh gái…
Vĩnh Hảo đóng vai chú rể quá vụng về. Mọi việc đều có người hướng dẫn, mà cứ lẩn thẩn quên trước quên sau, ấp a ấp úng, lo lắng bồn chồn, chớ chẳng biểu lộ nổi vui mừng duyên thắm. Ngược lại, Trương y sĩ thì sung sướng rộn ràng, đón người khách này, xum xoe với khách nọ, cao hứng ăn nói huyên thuyên. Gặp thực khách nào lịch sự khen xã giao chú rể vài câu, Trương y sĩ lại hãnh diện khoe khoang Vĩnh Hảo như một nhân tài hiếm có, vừa văn hay chữ tốt, vừa võ nghệ cao cường, lại tinh thông y dược. Rồi Ông lại long trọng tuyên bố, là đã mua sẵn cho "rể con" một cửa tiệm khang trang tại huyện Đồng Xuân, Phú Yên, để Vĩnh Hảo thi thố tài năng y dược cứu đời.
Nghe Trương Ông tiết lộ điều đó, Vĩnh Hảo càng lo lắng bội phần, vì cảm thấy ngày càng bị sa lầy, khó rút lui dễ dàng. Trương Ông tin tưởng mua sắm cửa tiệm, nếu bỏ đi ngay thì phụ phàng quá, cầm bằng dây dưa kéo dài thì nguy hiểm vô cùng. Thế nhưng Bội Ngọc lại năn nỉ, với những giọt nước mắt hỗ trợ, thì Vĩnh Hảo đành nhượng bộ, chấp nhận giải pháp trung dung, theo đó chàng sẽ tự do ra đi sau khi chăm sóc tiệm thuốc một năm. Vĩnh Hảo đành tự an ủi : “Thôi thì ở Phú Yên dù sao cũng thoải mái hơn ở nơi nầy”. Nhà riêng thì mỗi người sẽ ở một buồng, không phải lúng túng trong một phòng, để rồi không ai chịu ngủ trên chiếc giường hợp cẩn : Vĩnh Hảo ngồi thiền dưới đất suốt đêm, còn Bội Ngọc cũng ngủ gà ngủ gật trên ghế đến sáng.
*
"Cổ đức tùy thuận hoàn cảnh tu tập chớ không câu nệ hình thức", lời dạy của sư phụ giản dị mà ý nghĩa sâu xa. Vĩnh Hảo nay đã làm thầy thuốc, tạm thời không thể hành sử đúng theo hình thức của một nhà sư, nhưng lại có đủ điều kiện để noi theo hạnh nguyện của Dược Vương Bồ tát, nguyện thí thân mạng mình để tùy bệnh cho thuốc, cứu giúp chúng sanh. Bệnh nhân thân thể suy yếu thì dùng các loại cây lá có dược tính trị bệnh. Bệnh nhân bị bệnh "nghèo đói" thì dùng tài dược (tiền), thực dược (cơm gạo) bố thí điều trị. Bệnh nhân bị tâm bệnh thì dùng vô úy dược, an ủi kẻ lo lắng sợ sệt, hay pháp dược để trục tam độc tham, sân, si cho bệnh nhân (4).
Vĩnh Hảo tuy thông thạo y lý, nhưng rất mù mờ về "nghệ thuật móc túi" bệnh nhân. Bệnh nhân nghèo, chẳng những được chẩn bệnh, phát thuốc miễn phí, mà tùy theo hoàn cảnh được dúi tí tiền để bồi dưỡng. Bệnh nhân khá giả thì "tùy hỉ công đức". Thói thường, bản chất con người rất bần tiện, được tùy tiện thì dễ quên, mà dù có nhớ thì cũng cân nhắc từng ly, từng tí, nên tiền tùy hỉ thường thì không đủ trị giá tiền thuốc, nói chi đến tiền công khám bệnh. Do đó, dù "Vĩnh Hảo Đường" mới khai trương tại một điểm không mấy thị tứ, mà số thân chủ gia tăng nhanh chóng. Vĩnh Hảo đã phải làm việc liên tục từ sáng sớm, cho mãi đến chiều tối mới được nghỉ ngơi. Chàng đã nguyện thí thân mạng cho bệnh nhân, thì chuyện khổ cực đâu có gì đáng kể. Ngay đối với những kẻ thấy chàng hiền lành dễ dãi nên gạt gẫm, lợi dụng, câu mâu gắt gỏng, hay thậm chí bội bạc chửi bới chàng…, chàng chẳng quan tâm. Lúc nào chàng cũng vẫn một lòng thương yêu chăm sóc họ, và nếu phải quan tâm, có lẽ Vĩnh Hảo chỉ lo lắng về tình trạng tồn kho dược liệu giảm dần, mà chàng không đủ tiền để đặt mua đầy đủ các mặt hàng như trước. Lần lần, tiệm không còn tồn trữ dược liệu đắt tiền nữa. Các bệnh nhân khá giả có thể dùng toa của Vĩnh Hảo, đến tiệm thuốc Bắc khác bổ thuốc. Còn người nghèo, thì Vĩnh Hảo đôi khi phải bó tay, vì chỉ còn đủ khả năng biếu không cho họ những loại thuốc rẻ tiền thông dụng mà thôi. Trở ngại đó khiến Vĩnh Hảo nghĩ đến việc khai thác các dược thảo địa phương - thuốc Nam - để thay thế cho một số dược thảo nhập cảng từ Trung Hoa - thuốc Bắc -. Ông thầy thuốc nghèo gây thiệt hại lây đến Bội Ngọc. Nàng kính trọng thầy, nên phải tiện tặn, chịu sống kham khổ không người giúp việc, để thầy có thêm tiền chi dụng. Có lần, Bội Ngọc còn tình nguyện bán tư trang giúp thầy có ngân quỹ đặt mua thêm dược liệu, nhưng Vĩnh Hảo quyết liệt từ chối, vì không nỡ để nàng hi sinh quá đáng.
Chưa đầy 5 tháng, Bội Ngọc đã ì ạch mệt nhọc với bào thai sắp khai hoa nở nhụy. Thoạt đầu, Bội Ngọc dự định về quê, để được mẹ chăm sóc, nhưng có lẽ e ngại bị bà con lối xóm đàm tiếu, về việc quá "mắn con", nên nàng đành quyết định sanh nở ở xứ lạ quê người. Do đó, mọi việc đành nhờ "thầy" lo liệu. Vĩnh Hảo quan niệm Bội Ngọc cũng chỉ là một bệnh nhân bình thường, nên thầy không tị hiềm gì cả, mà tận tụy săn sóc cho nàng như bất cứ người chồng gương mẫu nào. Đứa bé gái ra đời được mang tên Bội Lan, giống mẹ như đúc, nên rất xinh đẹp và duyên dáng. Sự hiện hữu của Bội Lan tạo không khí gia đình thêm ấm cúng, vui nhộn. Những lúc làm việc quá sức mà nghe được tiếng của bé "ư ! a!" thì mệt nhọc nào cũng tiêu tan. Bội Lan cũng là gạch nối giữa Vĩnh Hảo và Bội Ngọc. Khoảng cách giữa hai người giảm dần, Vĩnh Hảo tìm thấy ở Bội Ngọc một người bạn để chia xẻ hạnh nguyện "Dược Vương" của mình. Có lẽ, Bội Ngọc cũng cảm thấy Vĩnh Hảo thân thiết như một người anh, hơn là một vị thầy hay một ân nhân xa cách.
Thời hạn một năm trôi qua, Bội Ngọc tảng lờ, mà Vĩnh Hảo cũng không nhắc nhở đến thời điểm ra đi. Thật ra thì Vĩnh Hảo vẫn nhớ, nhưng yêu nghề, theo dõi điều trị bệnh nhân nào cũng mong hoàn mãn dứt bệnh, mới hết trách nhiệm. Chàng tự hẹn chờ trị bệnh xong cho người nầy, đoạn dời đến bệnh nhân khác, lần lựa mãi mà chưa dứt khoát được. Cho đến một hôm, Vĩnh Hảo bỗng khám phá rằng dường như trong thâm tâm chàng, chàng quyến luyến chốn này : thương "tổ ấm", thương Bội Ngọc, Bội Lan nên không nỡ ra đi. Việc theo dõi bệnh tình dang dở của thân chủ chỉ là một cái cớ, gắng gượng che dấu lòng mềm yếu của mình. Vĩnh Hảo tin tưởng rằng tình thương mình trong sạch không bợn dục tình, nhưng tình đã phát sinh thì đã dính mắc rồi, làm sao thoát được? Suy tư đó ngày đêm dày vò Vĩnh Hảo, nhưng chàng đành bất lực không thể quyết định gì được. Ngày mùng 8 tháng 2, ngày Đức Phật Thích Ca xuất gia, bỗng nhắc nhở chàng nguyện vọng "tự độ độ tha" của chàng. Vĩnh Hảo dứt khoát ra đi. Sau khi chẩn bệnh cho người thân chủ chót trong ngày, Vĩnh Hảo cố gắng vận dụng hết can đảm để thông báo cho Bội Ngọc ý định mình, rồi soạn tìm chiếc áo tu hành để rời nhà tức khắc, trước khi lòng chàng mềm nhũn.
Cố tình lẩn tránh Bội Ngọc, Vĩnh Hảo cúi mặt lủi thủi ra cửa. Bội Ngọc cũng bồng con lặng lẽ theo sau.
- Thầy! Thầy đi mạnh giỏi. - Bội Ngọc vừa lên tiếng, thì đã oà lên khóc nức nở -
Vĩnh Hảo thở dài đứng dừng lại, "bạo gan" nhìn Bội Ngọc khẽ nói:
- Bội Ngọc! Xin bảo trọng lấy thân.
- Thầy ơi! Thầy có biết là Bội Ngọc thương thầy lắm không?
- Thầy biết.
- Thầy có thương Bội Ngọc chút xíu nào không?
Vĩnh Hảo mường tượng nếu trả lời "có" thì nguy hiểm khôn lường, nhưng trọn đời thầy có dám nói dối đâu, huống chi câu trả lời, tự đáy lòng bật ra như mũi tên xẹt đi, thầy có kềm hãm cũng không còn kịp.
- Thương! Thương lắm!
Chỉ chờ có thế, Bội Ngọc phóng vào lòng chàng ôm cứng ngắt và khóc như mưa.
Vĩnh Hảo đâu đủ sức cầm cự lâu hơn nữa. Thành trì giới luật sụp đổ tan tành, nhường chỗ cho dục vọng tràn lan như nước vỡ bờ.
*
Tất cả sự việc đã qua rồi, dầu có ăn năn hối tiếc cũng vô ích. Vĩnh Hảo chỉ cố gắng tìm hiểu nguyên nhân nào đã thúc đẩy chàng rơi vào vòng tình ái nghiệt oan. Nhớ lại liên hệ của chàng với Bội Ngọc, từ lúc chàng quyết chọn oan ức làm cửa ngõ của đạo hạnh, Vĩnh Hảo bỗng khám phá rằng chàng đã hành hạnh Bồ tát với tâm ngã chấp thường tình. Tuy Vĩnh Hảo khiêm cung không nhận ân nghĩa, mà trong đáy lòng vẫn khoan khoái hành vi của mình. Bội Ngọc kề cận nhắc nhở suy tôn khiến chàng thêm thỏa mãn. Như nhà nghệ sĩ yêu tác phẩm, Vĩnh Hảo cũng đắm nhiễm hành vi cao đẹp của mình. Từ đó, chàng yêu thiết tha Bội Ngọc, đối tượng của hành vi nhẫn nhục của chàng. Tâm đã phân biệt ngã nhân, sự việc… thì duyên khởi trùng trùng, oan trái bủa giăng. Biết được điều đó thì quá muộn. Oan nghiệp đã kết thì phải chấp nhận những hậu quả phải đến, trốn tránh sao được nữa. Thôi! Không làm tu sĩ thì làm cư sĩ, miễn là vẫn giữ được hạnh nguyện, vẫn cố gắng tu sửa tâm tánh là đủ rồi.
Dù sao, thì Vĩnh Hảo cũng lặn hụp trong hương vị tình yêu mật ngọt. Ôi! Tất cả đều mầu nhiệm tuyệt vời. Nụ hôn ngất ngây, vòng tay êm dịu, ánh mắt đắm say, cử chỉ săn sóc nuông chìu thiết tha… đã đưa Vĩnh Hảo lên đỉnh cao của hạnh phúc lứa đôi. Chàng thì thầm: "Cám ơn Bội Ngọc! Em ban cho anh hạnh phúc cuộc đời!".
Yêu chồng, Bội Ngọc không thể lãng quên tương lai của chúng mình, tương lai con cháu chúng mình. Nàng phải san sẻ với chồng để gầy dựng sự nghiệp mai sau, chớ không thể buông xuôi cho Vĩnh Hảo dễ dãi quản lý dược phòng, với mức thu ngày càng sa sút. Tuy trong thâm tâm Vĩnh Hảo không thuận nhưng chàng cũng phải nhượng bộ, đặt giá biểu cho việc khám bệnh hốt thuốc. Dù vậy, mức thu vẫn quá thấp so với Bội Ngọc suy tính, một phần vì Vĩnh Hảo vẫn mềm lòng thông cảm người nghèo, phần khác vì chàng thật thà, không chịu "doạ", đập đỗ, hoặc "nuôi bệnh" kéo dài, để "moi" tiền thân chủ.
Xem tiếp phần 2