Một buổi tối tháng 8 năm 1941, tôi bước ra từ rạp chiếu phim rất muộn hòa mình vào bóng tối lạnh lẽo và câm lặng. Tôi rùng mình một chút khi đứng lại giây lát trên con đường hẹp, ngước nhìn lên bầu trời xa nhan nhản những vì sao. Tôi đứng đó để cho ngọn gió đêm thấm qua người và lắng nghe. Đường phố thật vắng lặng, những ngôi nhà trên đường hiện ra mờ mờ trong bóng tối chập chờn ma quỷ, thứ dường như đang ghì chặt lấy những ngôi nhà đang say ngủ. Tôi thích những con đường vắng vẻ vào buổi tối và luôn dừng lại trên những con đường đó để lắng nghe một điều gì mà chính tôi cũng không rõ lắm. Có thể đấy là âm thanh khe khẽ mà con đường trống trải và những ngôi nhà đang ngủ dường như chia sẻ với nhau trong đêm.
Tôi sống trong một khu nhà cũ gần như đổ nát ở ngay phía bên kia đường. Từ ngoài đường tôi có thể nhìn thấy chiếc sân trống trải xung quanh nó là những căn phòng được xây thành dãy dành cho những người ở trọ, phần lớn là cả gia đình chung nhau một phòng. Phòng tôi, cũng giống như các phòng khác nằm ở tầng trệt ngoảnh ra chiếc sân này. Ba cậu con trai khác là anh em họ của tôi sống chung với tôi trong căn phòng này. Khi tôi từ đường trở vào trong sân, tôi nhận ra ngọn đèn trên chiếc bàn học của tôi dựng ở hành lang bên ngoài phòng vẫn sáng. Trước đấy sau bữa tối, tôi đã mang sách ra nhưng rồi lại đi xem phim thay vì đọc sách. Chắc là tôi đã quên tắt ngọn đèn và hiển nhiên mấy cậu em cũng quên khuấy nốt. Tôi đi vòng quanh tấm liếp ngăn cách chiếc bàn học của tôi và nhận ra một cô bé đang ngồi đọc ở bên bàn. Chúng tôi nhìn nhau hoảng hốt. Trước đấy tôi chưa hề trông thấy cô bé bao giờ. Cô bé khoảng 11 tuổi, mặc bộ váy màu xanh nhạt. Cô bé có mái tóc dài, thẳng buông xuống đến vai. Cô bé đang đọc bản copy thần thoại Hi-Lạp của tôi. Đôi mắt cô bé mở to hướng về phía tôi và tối đi một chút vì sợ hãi. Trong một lúc lâu hai chúng tôi không nói lời nào. Cô bé thật xinh đẹp, duyên dáng với làn da đẹp mịn màng màu ô liu, sáng lên lộng lẫy dưới ánh đèn vàng. Mũi cô bé nhỏ, thẳng và tinh tế. Môi cô bé đỏ, căng mọng. Và còn có thứ gì khác về cô bé nữa nhỉ? Thứ gì đó có vẻ cô đơn? Thứ gì đó có vẻ như mất mát chăng?
“ Mình hiểu ”, tôi lên tiếng “ Mình cũng rất thích những câu chuyện ấy. Mình đã đọc bất cứ thứ gì mình thấy hay hay có ở quanh đây. Em đã đọc lâu chưa?”
“ Vâng” , cô bé đáp mà không hề nhìn tôi chút nào. Cô bé đứng dậy thật chậm, gấp sách lại: “ Em xin lỗi”.
“ Em không muốn đọc tiếp nữa sao? Tôi hỏi cô bé và cố mỉm cười gắng làm cho cô bé cảm thấy là chẳng có gì đáng ngại cả.
“ Không” ,cô bé đáp “ cảm ơn anh”.
“Ừ, thôi được” tôi nói và cầm lên cuốn sách “Đã muộn rồi, em phải về đi ngủ nhưng em có thể giữ nó đến lúc nào cũng được”.
Cô bé lưỡng lự có ý chùn lại sau đó bẽn lẽn cầm cuốn sách. Cô bé ngập ngừng nhìn xuống chân mình như thể chưa biết là sẽ quay trở lại hay không.
“Em sống ở đây à?”, tôi hỏi cô bé.
“Vâng”
“Ở phòng nào vậy?”
Cô bé quay mặt và ngả đầu về phía góc xa qua chiếc sân tới chiếc phòng nhỏ gần nhà bếp công cộng. Đầy là căn phòng dành cho người gác cổng, một căn phòng nhỏ hình vuông không có chiếc cửa sổ nào trừ một ô nho nhỏ trên cánh cửa lớn.
“ Em sống với ông Mang Lucio?”
“Đấy là bác em”
“ Em sống ở đây lâu chưa? Hình như anh chưa nhìn thấy em trước đó thì phải”
“Thì em sống ở đây mà, em vẫn gặp anh đấy thôi!”
“Ừ, thôi được, chúc ngủ ngon- À! Mà em tên gì nhỉ?”
“Maria”
“ chúc ngủ ngon, Maria”
Cô bé quay đi thật nhanh và chạy băng qua sân về phòng, đóng sập cửa và không hề nhìn lại.
Tôi cởi đồ, nằm trên giường và mơ mộng xa xăm.
Tôi đã hai mươi mốt tuổi và lần đầu tiên đi làm. Lương không cao lắm và tôi phải sống trong căn nhà đang chầm chậm vỡ ra từng mảnh nhưng cuộc sống dường như vẫn tốt đẹp. Và vào ban đêm khi những ồn ào của cuộc sống lắng xuống và bạn đã yên vị trên giường bạn có thể mơ về những tháng năm đẹp đẽ trong quá khứ hoặc tương lai và nhận ra rằng cuộc sống có thể vẫn dịu dàng thậm chí với cả sự khắc nghiệt của nó. Và sau đó bóng đêm trở nên lạnh lẽo hơn và đột nhiên bạn cảm thấy cô đơn trên thế giới, phiêu bạt và bị chìm vào dòng chảy bí ẩn, thứ tìm đến trong lúc chập chờn thức ngủ. Sự cô đơn khủng khiếp mơ hồ đó sẽ đưa bạn đến gần hơn mọi thứ, tới bức tường và những cái bóng trên tường, tới những người đang ngủ trong phòng này, đến mọi thứ có ở trong và cả ở phía ngoài ngôi nhà này, con đường này, thành phố này, ở tất cả mọi nơi.
Tôi gặp lại Maria vào chợp tối một tuần sau đó khi tôi đang từ cơ quan nơi làm việc trở về nhà. Tôi nhìn thấy cô bé đang đi bộ phía trước thật chậm với tư thế thật đĩnh đạc. Nhưng tôi không biết đó là Maria cho đến khi cô bé dừng lại và tôi bắt kịp cô bé. Cô bé mặc chiếc váy trắng có lẽ đã được mua vài tháng trước đây. Cô bé đi đôi giày đế mềm trắng đã ngả sang màu nâu. Cô bé dừng lại để ngắm nhìn tấm áp phích quảng cáo có ý như mời gọi “đến đây” của nhà hát ở vùng lân cận.
“Xin chào”, tôi cất tiếng và cố làm cho giọng điệu sao cho thật tình cờ.
Cô bé mỉm cười với tôi rồi quay đi rất nhanh. Cô bé không nói gì và cũng không cất bước. Tôi cảm nhận được sự e thẹn của cô bé nhưng không có sự ngượng ngập, căng thẳng và kín đáo của lần gặp nhau đầu tiên vào buổi tối lần trước. Tôi đứng cạnh cô bé nhìn vào bức tranh được đính trên tấm bảng nghiêng và cố gắng huýt sáo một giai điệu nào đó. Cô bé quay lại, do dự và nhìn tôi với đôi mắt mở to. Lần này cũng vẫn là đôi mắt to, buồn bã và nhìn chăm chú. Tôi mỉm cười và cảm thấy có ước muốn xa xăm là an ủi cô bé như thể điều ấy sẽ làm được điều gì đó tốt đẹp, như thể là tôi có thể làm cho cô bé vui lòng.
“ Em sẽ trả sách cho anh ngay bây giờ đây”, cô bé nói.
“ Em đã đọc xong rồi sao?”
“Vâng”
Chúng tôi bước đi dưới con đường phủ bóng cây. Đường Magallanes ở Intramuros giống như con đường khác không rộng lắm, được bao quanh bởi những ngôi nhà cũ kĩ, phần lớn đã được sơn lại trông rất khó coi và vô duyên trong ánh sáng đang tối sầm lại lúc ngày tàn.
Chúng tôi đi vào khu nhà trọ và tôi theo sau cô bé băng qua sân. Tôi đứng bên ngoài cánh cửa cô bé vừa đóng lại cẩn thận sau lưng. Cô bé trở ra ngoài rất nhanh và đặt vào tay tôi cuốn sách “Thần thoại Hi-Lạp”. Cô bé không nhìn tôi khi cô bé đứng thẳng và lãnh đạm.
“ Tên mình là Felix”,tôi lên tiếng.
Đột nhiên cô bé mỉm cười. Đó chỉ là nụ cười mỉm, không trau chuốt . Nhưng không hiểu vì sao tôi thấy nó thật đặc biệt, nó là nụ cười sinh ra từ sự sâu thẳm của tình bạn chân thành.
Tôi vừa bước đi vừa huýt sáo. Đến cửa phòng mình tôi dừng bước và quay lại. Không thấy Maria ở đó nữa. Cửa phòng cô bé đã đóng.
Tháng 8 năm 1941 thật nóng bức. Dư vị khó chịu của mùa hè vẫn thấm trong không khí. Nhưng giống như một số ngày vào cuối hè, có những buổi chiều khi thời tiết dịu đi và trong trẻo, bầu trời xanh màu nước và bạn có thể ngắm nhìn được rất xa và rộng đến nỗi bạn sẽ có cảm giác như là bị thôi miên.
Tôi bước ra khỏi nơi làm việc trong một buổi chiểu như thế. Một ngày với một đống công việc cũng chán ngắt như những ngày khác trước đó. Tôi mệt mỏi. Tôi bước đi thật chậm hướng đến phía xa của thành phố nơi xe cộ không quá ồn ào. Trên con đường có những cây cổ thụ già nua như những bức tường bao quanh thành phố. Đi được nửa đường tới trường học, tôi thay đổi ý định và hướng về chiếc cổng dẫn ra ngoài khu chơi trò lái xe Bonifacio . Tôi cần những ngọn gió mạnh và bầu trời rộng . Tôi cần tất cả các buổi chiều cho bản thân tôi.
Maria đang ngồi trên chiếc ghế đầu tiên khi tôi đi đến dốc đường đua cổng phía tây. Cô bé nhận ra tôi trước. Khi tôi nhận ra thì hầu như cô bé đã nở sẵn một nửa nụ cười thứ thậm chí nói cho tôi biết rằng cô bé đã biết hết rồi không đợi đến khi tôi hỏi.
“Xin chào” tôi nói “ Thế giới thật là nhỏ bé phải không”
“ Gì cơ?”
“ Anh nói thật là vui khi tình cờ gặp em ở đây. Em có thường xuyên đến đây không?”
“ Mỗi khi em có thể. Em đi đến rất nhiều nơi”
“ Bác em không phản đối sao?”
“ Bác ấy chẳng bao giờ đến gần đây. Hơn nữa bác ấy không để ý bất cứ điều gì”
“ Em định đi đâu?”
“Đến những bức tường trong khu vườn ờ phía kia gần cổng Victoria. Anh có biết nó không?”
“ Anh biết. Thế em làm gì ở đó”
“ Ngồi xuống và...
“ Và sao?”
“Và không làm gì cả, chỉ ngồi ở đó thôi”
Cô bé trở nên im lặng. Có cái gì đó dường như xảy đến với chúng tôi. Đột nhiên cô bé trở nên xa cách. Nó giống như buổi tối lần gặp nhau đầu tiên. Tôi quyết định chuyển chủ đề.
“À mà này...” tôi nói thật thận trọng “ Những người thân của em đâu?”
“Ý anh muốn nói mẹ và cha em?”
“Ừ và cả anh chị em của em nữa nếu như em có...”
“ Cha mẹ em mất rồi. Chị gái lớn đã lấy chồng. Chị ấy ở tỉnh và không còn ai khác cả”
“ Em đã lớn lên với người bác”
“ Em nghĩ vậy”
Chúng tôi lại im lặng. Maria đã trả lời câu hỏi của tôi không chút ngượng ngập hầu như không cảm xúc bằng chất giọng nhẹ, lạnh lùng không nhịp điệu.
“ Em có đi học không Maria?”
“ Có”
“ Lớp mấy”
“ Lớp 6”
“ Em có thích lớp học không”
“Ồ, em có thích”
“ Anh biết em thích đọc sách”
Cô bé không bình luận gì. Chiều đã nhạt. Những ngọn gió nhẹ từ biển thổi vào đã tắt. Hơi nóng nấn ná của mặt trời giờ đây đã bị hơi lạnh chen vào. Cây cối và những tòa nhà ở phía xa dường như chìm vào màn sương mù vàng đỏ. Đó là khoảng thời gian trong ngày không thể nào quên nó đã đem đến cho tôi niềm vui. Maria và tôi vẫn ngồi bên nhau như bị cuốn vào sự say mê nào đó, thứ làm cho sự yên lặng giữa chúng tôi trở nên thích hợp. Chúng tôi ngồi bên cạnh nhau trên chiếc ghế bên đại lộ. Một chàng trai và một cô gái. Một người xa lạ với một người xa lạ, điều này không cần phải hỏi tại sao, nó tự nhiên và quen thuộc như bóng tối đang kéo dài ra trước lúc mặt trời lặn.
Những ngày còn lại qua đi và chẳng bao lâu mùa mưa tới. Thành phố trở nên mờ mờ, tối xám trước sự công kích dữ dội của gió mùa. Không còn cảnh dạo bước dưới ánh mặt trời nữa. Tôi bị cảm lạnh. Maria và tôi đã trở thành bè bạn cho dù chúng tôi gặp nhau không thường xuyên lắm. Tôi mê mải đọc . Bạn sẽ không thể làm gì khi mà thành phố luôn chìm trong mưa. Tháng 9 đến rồi đi.
Vào tháng mười, mặt trời ló ra khỏi những đám mây và chúng tôi đã có ba bốn ngày đẹp trời. Sau đó tâm trí tôi lại muốn trốn khỏi chiếc bàn, trốn khỏi những bức tường của nơi làm việc để tìm đến khu vườn trên những bức tường, đến những chiếc ghế dưới bóng cây trên đại lộ. Một lần trong khí đang làm việc với bản copy đặc biệt tồi tệ trên chiếc bàn tìn tức, đầu óc tôi bị phân tán, điều lâu nay đôi khi vẫn xảy ra, nó đưa tôi trở lại lần đầu tiên gặp Maria. Sự hồi tưởng trở lại thật rõ ràng, sắc nét- ánh đèn điện, bóng tối xung quanh chúng tôi, sự yên lặng. Và Maria với đôi mắt mở to chăm chú, cái nhìn mất mát trong đôi mắt cô bé...
Vào tháng 12, tôi bị một cơn sốt nhẹ. Để dứt ốm tôi trở về nhà ở tỉnh. Tôi ở đó ba ngày. Tôi cảm thấy bồn chồn như thể tôi đã rời đi lang thang rất xa và đánh mất sợi dây liên lạc với chính bản thân mình. Tôi đồ rằng bạn cũng sẽ có cảm giác như thế khi bạn ốm. Cơn mưa như trút nước bám theo đoàn tàu trong suốt cuộc hành trình trở lại Manila. Bên ngoài cửa số, những ngọn đồi và cánh đồng thoắt ẩn thoắt hiện. Có phải tiếng lách cách của bánh xe đoàn tàu làm lòng tôi buồn bã ? Có phải căn bệnh,có phải việc phải nằm trên giường làm tôi cảm thấy như vừa thức dậy từ một giấc mơ hay tôi có cảm giác như thế chỉ vì những nỗi buồn hiển nhiên của đường phố, của những ngôi nhà và những con người?
Trong tháng 12 chúng tôi đã có cuộc luyện tập phòng không đầu tiên. Vào buổi tối ấy, tôi phải đi về nhà xuyên qua những con đường có người đi lại phủ đầy bóng tối. Ở đây có một cái nhìn khinh thị đối với mọi thứ như thể không có bất cứ ai, bất cứ thứ gì quan tâm đến sự hiện hữu xung quanh. Tôi về đến phòng ngay khi tiếng còi báo động rítl ên. Tôi cởi đồ và mặc vào bộ quần áo cũ. Nó tối, tối hơn cả khoảnh khắc lúc trăng tà. Tôi đi ra ngoài hành lang và ngồi xuống ghế. Xung quanh tôi là tiếng chân chạy và giọng nói. Bí ẩn và im lặng ngay cả khi họ cười.
Tôi vẫn ngồi đó lo lắng và lạnh cóng.
“ Có phải anh Felix đó không?”
“ Phải, Maria à?”
Cô bé đang đứng bên chiếc ghế tôi ngồi gần bức tường. Giọng cô bé nhỏ và vô hồn trong bóng tối. Một cơn rùng mình đi xuyên qua tôi. Cô bé không nói gì thêm trong một lúc lâu.
“Em không thích bóng tối” cô bé nói.
“Ồ, thôi nào cô bé. Có phải là khi ngủ em vẫn phải tắt đèn không nào?”
“ Nhưng đấy không phải là bóng tối”, cô bé đáp rất khẽ “đấy là vạn vật xung quanh, là thế giới”.
Chúng tôi không nói gì nữa cho tới khi đèn bật sáng. Và sau đó cô bé bước đi.
Chiến tranh xảy ra sau đó không lâu.
Trước tiên mọi thứ có vẻ như đùa. Nó giống như cuộc sống trên màn ảnh và bạn vừa là khán giả lại vừa là diễn viên. Nhưng tiếng bom nổ thình thịch với làn khói đen là có thật và thật là chẳng mấy dễ chịu với những đôi tai chưa sẵn sàng đón nhận chúng.
Ở Intramuros mọi người dời nhà vào đêm đầu tiên của chiến tranh. Nhiều người trong số họ ngủ trong những hốc tường cũ và lần đầu tiên họ nghe thấy tiếng còi báo động thét lên đúng nghĩa.
Tối đó tôi trở lại nhà để nhận ra rằng khu nhà đã trống rỗng. Người gác cổng vẫn ở đó. Cậu em họ làm việc cho quân đội vẫn ở đó. Nhưng những người ở trọ còn lại đã ra đi. Tôi hỏi ông Mang Lucio: “ Maria đâu ạ?”
“ Nó đã đi cùng thím cậu tới chỗ bức tường”, ông ta nói với tôi.
“ Họ sẽ ngủ lại ở đó tối nay”
Em họ tôi bảo rằng vào buổi sáng chúng tôi sẽ chuyển đến Singalong. Có một ngôi nhà sẵn ở đó. Cậu ta nói lí do duy nhất mà cậu ta ở lại là vì họ chưa thể chuyển hết số đồ của chúng tôi. Ngày mai điều ấy cần phải được giải quyết ngay lập tức.
“ Thế còn ông thì sao, ông Lucio?”
“ Tôi không biết tôi sẽ đi đâu”
Chúng tôi ăn thịt lợn đóng hộp cùng với đậu và bánh mì. Chúng tôi ngủ trên sàn với chiếc đèn che vải đen. Ngôi nhà cọt kẹt và dội lên những âm thanh trống rỗng. Chúng tôi ngủ thật không dễ dàng.
Tôi thức dậy sớm. Thật bất an khi thức dậy trong căn nhà vốn hàng ngày từ sáng tới khuya vang tiếng trẻ con và tiếng cười nhưng giờ đây im lặng. Trong nhà bếp có tiếng động và mùi vị thức ăn đang nấu.
“ Chào em”, tôi lên tiếng.
Chính là Maria đang rang cơm. Cô bé quay lại từ phía chiếc lò và nhìn tôi một lúc lâu. Sau đó cô bé im lặng quay trở lại việc nấu nướng.
“ Em và bác em có ra đi không?”, tôi hỏi.
“ Em không biết”
“Ông ấy không nói với em sao?”
“Không”
“ Bọn anh sẽ chuyển đến Singalong”
“ Vâng, em biết”
“ Nhưng dù thế nào anh cũng sẽ quay trở lại tối nay. Có thể là chiều nay. Chúng mình chưa cần phải nói lời tạm biệt đâu”
Cô bé không nói gì. Tôi giặt xong và trở lại phòng mình. Tôi mặc quần áo và đi ra ngoài.
Vào buổi trưa tôi đến Singalong để ăn cơm. Tất cả đồ đạc của chúng tôi đã ở đó và những người thân thì đang bận rộn sắp xếp ngôi nhà. Ngay khi ăn trưa xong, tôi liền trở lại nơi làm việc. Có một vài cỗ xe cộ ở đây đó. Sự báo động phòng không giờ đã trở nên thường xuyên. Ánh sáng của ban ngày dường như chói lóa. Khuôn mặt mọi người đều nhợt nhạt và u sầu.
Vào buổi tối, tôi trở lại con đường quen thuộc. Tôi bị chặn lại nhiều lần bởi những tình nguyện viên làm công tác phòng không. Ngôi nhà tối đen. Tôi bước trở lại con đường. Tôi đứng một hồi lâu trước khu nhà. Có thứ gì đó làm tôi chưa muốn ra đi. Một luồng sáng chiếu thẳng vào mặt tôi.
Đấy là một tình nguyện viên.
“ Cậu sống ở đây phải không?”
“ Tôi đã sống ở đây cho đến ngày hôm qua. Tôi đang tìm người quản lí”
“ Sao thế? Có phải là cậu bỏ quên thứ gì không?”
“ Vâng, đúng thế. Nhưng tôi nghĩ giờ đây tôi đã đánh mất nó rồi”
“ Tốt hơn hết là cậu nên đi thôi, toàn bộ cư dân ở đây đã được lệnh di tản. Không ai sống ở đây nữa”
“ Tôi biết”, tôi đáp : “Đã không còn ai cả”.
Nguyễn Quốc Vương dịch từ nguyên bản tiếng Anh.