Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.110
123.142.458
 
Mát - xa
Trần Trung Sáng

Gã bắt đầu vân vê các động tác nhẹ vào thái dương tôi, vừa hỏi vu vơ như thăm dò : 

-  Anh mới đến đây lần đầu?

Tôi đáp :               

- Đoán thử xem

-  À, giọng anh em nghe quen quen...

- Hơi bị tài đấy! Tôi đến lần thứ hai. Đoán được tôi vào lần đầu cách đây bao lâu, trong trường hợp nào nổi không?

- Nếu anh nhắc lại tên, chắc em đoán được

Tôi lặng thinh. Gã lặng thinh. Trong chốc lát, chợt gã reo lên :

-     Anh Dũng. Anh Dũng xây dựng, phải không?

Tôi ngạc nhiên:

- Đúng là tài thật . Cách nào mà nhớ ra hay vậy?

      

Gã bảo, đó là vì “câu chuyện” của tôi có cái để nhớ. Gã nhắc lại : hôm nọ, anh và một người bạn ngành xây dựng đi đâu đó về , tình cờ nổi hứng ghé vào đây. Các anh bảo nhau đây là một “trường hợp” đặc biệt, bởi vì lâu nay các anh chỉ đi mát – xa có “vui vẻ”, chứ chưa ghé đến một cơ sở khiếm thị bao giờ. Và anh đã có câu đố như vậy khi đến lần sau.

         

Thực ra, với những người khiếm thị bẩm sinh họ vẫn luôn được bù đắp bằng một trí nhớ đặc biệt. Chỉ cần gặp ai đó một lần là họ có cách ghi nhận rất lâu để không nhầm lẫn. Tuy nhiên, gã lại là một trường hợp khác : gã mới bị mù năm 20 tuổi, cách đây khoảng 7 năm. Gã kể tôi nghe, quê gã ở một làng chài Quảng Ngãi, phần  lớn  đều làm  nghề đi biển hoặc đóng tàu. Gã làm công việc sơn tàu và tai nạn rủi ro đã xảy ra khi vô ý làm sơn tạt vào mắt.

          

Nhìn chung, ngoại trừ đôi mắt khuyết tật được dấu sau đôi kiếng đen thì có thể xem đây là một gã đàn ông bảnh trai, liếng thoắng. Dường như sau buổi mát-xa lần đầu tại đây, câu chuyện của gã lôi cuốn tôi nhiều hơn cái tài đấm bóp.

          

Bây giờ, gã bảo tôi nằm sấp, đến phần làm lưng. Kề cận chiếc giường tôi là  một bức vách che kiếng màu đục, mong manh mà kín đáo, vọng lên tiếng cười rúc rích nho nhỏ. Tôi hỏi : “ Vụ chi rứa?”. Gã nói : “ Mấy chị phụ nữ mát-xa trong đó”. Gã lại nói thêm, phải cho chị em bình đẳng chứ. Mấy anh đàn ông nhậu nhẹt, “tươi mát” đều đều, còn phụ nữ họ phải thư giản ra sao? Dĩ nhiên, tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm này, nhưng dù vậy vẫn không kìm được tò mò. Tôi thì thầm với gã:

- Thế ai làm cho các chị phụ nữ, nhân viên nam hay nữ?”

- Nam, nữ là tuỳ theo yêu cầu của khách. Tụi em...nhà tranh cũng như nhà ngói mà!

       

Tôi nhắm mắt, mơ màng ra những hình ảnh “nhà ngói, nhà tranh” theo kiểu diễn tả của gã...lại càng không ngớt băn khoăn.

- Chà...với chị em, ông anh đây cũng mát- xa toàn thân à?

Gã cười khì:

- Họ bảo đâu thì em làm đó thôi anh ạ...

         

Rồi tự nhiên gã xuống giọng, nửa đùa cợt, nửa nghiêm trang :” Chỉ có mấy bà sồn sồn mới ưa rắc rối thôi anh...Với lại em cũng không thich, vợ mình buồn tội nghiệp”. Câu chuyện đến đây không dưng bất ngờ quay lại phần chuyện gã đã kể tôi nghe dỡ dang lần đầu.

             

Đại để, hồi còn sáng mắt, gã có quen biết tình cảm với một cô gái ở một gia đình làm nghề đóng tàu. Sau chuyện rủi ro, cô gái vẫn không thay đổi lòng dạ, rồi hai bên tiến đến chuyện hỏi cưới. Gần đây, khoảng hai năm trước, nghe tin có khoá dạy xoa bóp, bấm huyệt dành cho người khiếm thị, gã lặn lội khăn gói ra Đà Nẵng học nghề với ý định tìm kế mưu sinh lâu dài cho gia đình. Tuy nhiên, khi đã thành nghề, có được thu nhập tạm ổn, hai vợ chồng gã  lại bàn bạc thuê một gian nhà nhỏ tại đây để sớm tối cùng có nhau. Gã bảo, như vậy thì hơi vất vả, nhưng cũng rất hạnh phúc và vui vẻ. Sáng vợ gã đưa đi, tối đón về, cùng nhau cơm nước, cùng xem Tivi (gã thì nghe), chuyện trò đùa giỡn rôm rã...

Tôi hỏi : “Thường ngày vợ có làm chi không?” Lần đó, gã trả lời: “Đầu tiên bả cũng có đi bán bia ở mấy hàng quán, sau em thấy nghề đó không hay, bây giờ tạm thời bả  phụ bán ở một hàng cơm...”. Nhớ đến chuyện này, tôi lại thăm hỏi gã :

- Bà xã ra sao rồi? Vẫn bán cơm chứ?

- Nghỉ rồi anh ạ. Bả đã xin qua được một cửa hiệu bán mỹ phẩm gì đó... nghe nói thu nhập khá hơn.

- Được vậy thì tốt. Chẳng biết ảnh hưởng chi nhiều đến thời gian sinh hoạt gia đình không?

- Em thấy chẳng ảnh hưởng chi. Bả vẫn đến đón em mỗi tối như thường lệ. À, hết suất làm này là bả đến đó. Anh nhớ để ý nhìn, chấm giùm em thử mấy điểm nghe!

        

Gã khẳng định, lần tới, hễ tôi đến chỉ cần lên tiếng vài câu là gã nhận ra ngay. Chừng đến phần cuối cùng của việc mát – xa, tôi cố vờ trì hoãn thời gian để đợi chờ nhìn thấy gương mặt tác giả của tiếng cười rúc rích vọng từ vách gương, thì chợt gã reo lên vui vẻ:

- Chà, bà xã em đến bên ngoài rồi đó anh. Hình như bả đến sớm hơn thường lệ một tí...

     

Tôi cũng vừa nhận ra một giọng nữ trẻ trung tíu tít chào hỏi với vài nhân viên trực bên ngoài và lòng cũng thấy nao nao...Nhưng đến chừng mặc xong quần áo, trả tiền, bước ra cửa,  thì tôi chỉ còn kịp nhìn thấy dáng người của gã ngồi che khuất  bên phía  sau một người phụ nữ đang lái xe về phía cuối đường.

 

*

Câu chuyện về gã đàn ông mát – xa khiếm  thị với  tôi, tưởng  cũng dần vào quên lãng, vì trong trăm thứ bộn bề của cuộc sống, nếu có những lúc cần thư giãn thì cũng không nhất thiết  là việc mát - xa, và hơn nữa nếu đã đi mát – xa thì thường mình cũng hùa theo những nhóm bạn bè, bạ đâu hay đó, ít khi đến một điểm cố định. Bỗng chiều nay, sau một cuộc  nhậu nhẹt  ăn mừng việc bàn giao một công trình xây dựng kéo dài khá trầy trụa, trong nhóm chúng tôi có người đề nghị:

-  Để rửa xui, chiều nay bọn mình tìm chỗ  mát - xa lành mạnh đi!

- Thế nào là lành mạnh?

-  Là đến nơi nào xoa bóp xong để khoẻ lại, chứ không phải để mệt ra...

Thế là nghiễm nhiên, cái địa chỉ mát- xa của gã khiếm thị hôm nào lại hiện đến với chúng tôi.

 

*

Điều đầu tiên tôi nhận ra nơi phòng mát-xa cũ, là đã có một sự cải cách tiến triển nào đó. Đèn trần sáng loá  nay thay thế  bằng chùm đèn ngủ  dìu dịu, nhẹ nhàng. Những chiếc quạt máy rì rào cũng đã được thay thế bằng máy điều hoà. Ra trải giường nay khá trắng trẻo, phẳng phiu. Chiếc phòng có ngăn vách kính màu đục chừng cũng dời về phía xa hơn.

              

Tuy nhiên, người mát - xa cho tôi không phải là gã khiếm thị hôm nọ, mà là một người đàn ông khác trông đứng tuổi hơn. Người này chào hỏi tôi thân mật:

-  Em  là Mười. Anh là anh Dũng “xây dựng” phải không?

- Đúng quá. Những lần trước tôi làm tay tre trẻ...  kia mà anh cũng nhớ hở? Thế tay ấy đâu rồi?

- Lần nào đến anh cũng trò chuyện sôi nổi, ai mà không nhớ...Cậu làm cho anh mấy bửa vừa ra ngoài. Taxi đến chở hắn đi làm tại nhà khách hàng theo yêu cầu

- Đây mình cũng có đội “mô bay” làm kiểu lưu động vậy à?

- Dịch vụ này là thực dụng  lắm. Bởi nhiều gia đình có người đau ốm không đi đến được. Cũng có người vì tế nhị thế nào đó không muốn đến đây nhiều lần..Bọn em phục vụ thôi.

          

Dăm ba lần thay đổi tư thế, tôi cũng định tán chuyện vu vơ với Mười, nhưng vẫn không ngớt áy náy muốn gặp lại gã khiếm  thị  “ tre trẻ” để thăm hỏi đôi điều. Tự nhiên, tôi nhớ đến tiếng cười rúc rích bên trong vách kính, mà cảm thấy nửa tò mò, nửa âu lo : không biết những lần đi ra ngoài như vậy, gã sẽ đi đâu và gặp những “nhà ngói, nhà tranh” nào?

 

Cuối buổi mát-xa, tôi hỏi Mười :

- À, chuyện vợ con của  tay ấy ra răng rồi ? Làm ăn khá không?

- Vợ hắn hả? Tội nghiệp , con bé lại đến chờ thằng ấy từ nảy  chừ . Đêm nào nó cũng đến đúng giờ. Nhưng thằng đó, kỳ ni cà chớn lắm, nhiều bữa có    hội  là đi mút mùa...      

Khi tôi bước ra cửa, bên ngoài trời mưa bay bay. Dăm ba  phụ nữ ngồi quay lưng cạnh bàn người nhân viên thu ngân chuyện trò đùa cợt, chẳng buồn nhìn ai...  Không biết trong đó có ai là vợ  của    hay không, nhưng dù sao, tôi vẫn mong là người  phụ  nữ ấy đã  đón    đi rồi.  Và chốc lát nữa thôi, trong một ngõ khuất cuộc đời nào đó,  gã cùng  cô vợ trẻ vẫn còn mãi niềm hạnh phúc ngọt ngào, giản dị bên bữa cơm đạm bạc cùng chiếc Tivi rộn ràng màu  sắc, âm thanh như lời gã kể.

                                                                                          

Tháng 10.2007

Trần Trung Sáng
Số lần đọc: 3399
Ngày đăng: 09.12.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vũ điệu tuổi mười ba - Trần Thị Ngọc Lan
Người láng giềng tuổi tí - Lê Vũ
Bóng đời - Lê Hà Ngân
Thế giới - Vicente Rivera. Jr(philippin)
Bông Cỏ Giêng - Nguyễn Hiệp
Thuốc đắng-1 - Hư Thân
Thuốc đắng-2 - Hư Thân
Trự lập - ManTran
Xôn xao nắng chiều - Đổ Thị Hồng Vân
Bảy sắc cầu vồng - Trần Văn Bạn
Cùng một tác giả
Những que diêm (truyện ngắn)
Trái tim con rồng đá (truyện ngắn)
Mát - xa (truyện ngắn)
Người vác chõng tre (truyện ngắn)
Đêm giáng sinh (truyện ngắn)
Đêm trắng phập phù (truyện ngắn)
Bầy ngựa bơ vơ (truyện ngắn)
Họp lớp (truyện ngắn)
Thơ xích lô (tạp văn)
Con gái (truyện ngắn)
Dì ghẻ (truyện ngắn)
Chú hề làng (truyện ngắn)
Ngày Cậu Cóc Ra Đi (truyện ngắn)
Chùa xưa (truyện ngắn)
Bản tin giờ thứ 25 (truyện ngắn)
Giã từ "mưa Huế" (nghệ thuật)
Chiếc nhẫn cưới (truyện ngắn)
Chuyện ngọ xưa (truyện ngắn)