Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
743
123.239.150
 
Nguyễn Tấn Cứ
Trần Áng Sơn

Ngày hôm qua & Tình yêu

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN:

* Sinh nhật cho em và tôi – Thơ 1994

 

Nguyễn Tấn Cứ thuộc lớp thi sĩ trưởng thành sau năm 1975, cùng trang lứa với Lê Minh Quốc, Đỗ Trung Quân, Bùi Chí Vinh, Đoàn Vị Thượng, Lê Thị Kim, Trần Hữu Dũng, Phan Hoàng… một lớp trẻ tài năng, nhạy bén, xông xáo. Họ xứng đáng kế thừa lớp người đi trước, được giao tiếp, cập nhật với nhiều nền văn hóa, được hỗ trợ bởi những tiện nghi khoa học ứng dụng trong văn học nghệ thuật. Họ có tất cả để có thể vượt lên phía trước… chí ít, ta cũng nên hy vọng như thế. Họ, mỗi người có một cách thể hiện rất riêng, như Bùi Chí Vinh, Trần Hữu Dũng, Phan Hoàng… trong văn học nghệ thuật, bản sắc vô cùng cần thiết, cộng với tài năng được tu dưỡng bởi cái tâm, con đường rộng mở chờ đón họ. Trong ánh bình minh của tài năng. Nguyễn Tấn Cứ cũng lấp lánh một phương nhưng, sự lấp lánh của Nguyễn Tấn Cứ dường như vẫn bị khuất lấp bởi một vật vô hình thể, khi có, khi không, để lại một lỗ hổng trong sáng tác của Nguyễn Tấn Cứ. Tôi chủ quan cảm nhận như thế và, tôi, ở vị trí thuận tiện, cố thử tìm vật thể lạ làm cộm bước chân của Cứ, làm nhòe những vần thơ đáng lẽ hoàn hảo hơn, đẹp hơn những gì vốn có của thơ.

 

Cách đây hơn mười năm, tôi gặp Nguyễn Tấn Cứ lần đầu ở Tòa soạn báo Văn Nghệ Thành phố, lúc ấy Cứ còn rất trẻ, dáng dấp thư sinh hơn bây giờ. Bản tính tôi hơi nghiêm nghị, có khi lợi dụng sự nghiêm nghị để che giấu cảm xúc. Cứ ngược lại, ồn ào, quá trẻ để có một hàng ria mép còn hung hung màu râu bắp. Đây không phải là típ tôi ưa thích, vì thế tôi không làm quen với Cứ, dù anh đang khoe với bạn bè anh vừa đoạt giải thơ cấp Thành phố. Tôi tự hiểu sự nghiêm khắc của mình đôi khi trở thành quá khích, bỏ lỡ cơ hội giao kết bạn bè chỉ vì ngoại hình không hợp “gu”. Biết mình như thế nhưng tội lại không sửa, giữ cho mình một vài khuyết điểm đôi khi lại là cá tính, nó cần thiết để không tự tôn một cách đáng ghét. Sau hơn mười năm, gặp lại Nguyễn Tấn Cứ, lúc này anh chững chạc hơn, người đẫy ra, hàng ria mép đã được khai quang, nhìn anh tử tế hẳn lên. Duy có cái ồn ào hình như chỉ có tăng, không giảm. Ngược lại chính tôi có một chút thay đổi, không còn khó chịu trước một anh chàng ồn ào, hài hước, tưởng như vô tâm. Cứ bây giờ thích nói chuyện tào lao bao gồm cả nói tục hơn là nói chuyện văn chương. Nhất là khi ngồi với nhau quanh bàn bia bọt, thơ trở thành tai hại, nếu anh muốn đọc một bài thơ anh phải nộp phạt một chai bia. Tôi thấy cái luật này rất hay, đỡ phải nghe những bài thơ dở trong khi đã ngây ngất vì bia. Sau một vài lần cụng ly với nhau, sự dè dặt, thành kiến rụng bớt. Cứ biết tôi đang viết một bộ sách hồi ức về bạn bè, anh tặng tôi tập thơ xuất bản năm 1994, không quên nói một câu chẳng cần thiết: Tặng ông, không phải để được viết trong bộ sách đâu nhé.

 

Viết hay không viết chẳng phải vì cảm tính, lại càng không phải vì ưu ái riêng tư. Viết, trước hết vì cần phải viết những điều đáng viết, không ngại ngùng, cũng chẳng định kiến. Cầm trên tay tập thơ Nguyễn Tấn Cứ “Sinh nhật cho em và tôi”, với thói quen cố hữu, trước khi đọc tác phẩm, tôi ngắm nghía từ bìa một đến bìa bốn, để tìm sự hài hòa giữa cái đẹp hình thức và cái đẹp nội dung. Tôi bắt gặp ở bìa ba những dòng triết lý về sự hoài niệm: “Quá khứ là gì? Đôi khi anh đã hỏi mình như một thứ triết lý của hoài niệm… một thứ triết lý không tổn thương gì cho hiện tại … nó chỉ làm cho quá khứ buồn hơn – và nửa phần đời còn lại – người ta cũng chẳng vui gì hơn ngoài những hồi ức muộn phiền…”. Chuyện gì đã xảy ra cho tác giả Sinh nhật cho em và tôi? Đó có phải là triết lý bao trùm lên nội dung của tác phẩm? Tôi không biết nhưng những dòng thơ như thế này, không thể tự nhiên mà có:

 

Lời ca buồn

Lời ca đau

Em xa quá làm sao anh hát

Em đi mãi làm sao anh biết

Những muộn phiền… hờn giận ở đâu?

 

Những lời thơ như thế không phải là nỗi buồn vu vơ của một thời gắn liền với thi ca Việt Nam, như một thú đau thương. Đây là nỗi buồn có thật, gắn liền với một sự thật chỉ có người trong cuộc mới tường tận:

Đức khiêm tốn chợt không cần mặc áo

Tôi trần truồng không cần đến thanh cao.

Gần 70 bài thơ trong một tập thơ, ở đó Nguyễn Tấn Cứ trần tình với chữ nghĩa những gì đem cảm xúc đến với anh, bằng thứ ngôn ngữ xù xì một cách chân thật, không bóng bẩy, không ngụy ngôn. Hầu hết những bài thơ trong Sinh nhật cho em và tôi đều nói về sự chia xa, về mất mát, về một nỗi đau ấy lắng thành những váng đọng, thành thơ. Từng câu thơ như tróc ra từ tâm hồn, nó rất thật, tưởng như có thể nâng niu trên tay, nhìn ngắm nó như nhìn thấy ngày hôm qua trong đời. Ngôn ngữ thơ Nguyễn Tấn Cứ là ngôn ngữ đường phố, ngóc ngách ngõ hẻm. Nơi chan hòa ánh sáng, nơi tận cùng bóng đêm. Là ngôn ngữ là là trên mặt đất, chẳng bay bổng như đa phần những người làm thơ khác, chưa kể trường phái này, nọ càng làm cho thơ trở nên hiểm hóc.

 

Đọc thơ Nguyễn Tấn Cứ tôi có cảm giác có một người phụ nữ đầy quyền năng ngự trị trong thơ. Người phụ nữ này quyết định vui, buồn, hạnh phúc, bất hạnh, ngọt ngào, đắng cay, thậm chí địa ngục hay thiên đàng cũng sẽ hiện ra trong chớp mắt. Vậy mà Cứ vẫn nhớ người ấy đến quắt quay, nhớ đến cuồng si. Xét cho cùng, có một người để nhớ, để đau, cũng là một hạnh phúc:

 

Hiên nhà rung đầy gió

Tóc rũ rượi… bay

Và lồng ngực như say lảo đảo

Hét lên từng nỗi đau ứa máu

Ôi hiên nhà đầy những giấc mơ – khó khăn!

(Hiên nhà đầy những giấc mơ khó khăn)

 

Người đã cho Nguyễn Tấn Cứ nếm tất cả các mùi vị cuộc đời, phải chăng là Ngọc? Vì Ngọc, Cứ làm thơ, vì Ngọc, Cứ quên cả mình đang làm thơ:

Đừng có… rầu anh – nghe Ngọc

Một đời anh cứ chạy vòng quanh

Ngọc rơi là anh nghèo kiết xác

Ngọc “mất” là anh tìm miết nghe không.

 

Không thể nói đây là một bài thơ hay, từ ngôn từ đến nghệ thuật gieo vần, nhưng vẫn là bài thơ Nguyễn Tấn Cứ gởi gắm tất cả cảm xúc của mình, cảm xúc ấy truyền sang người đọc. Người ta sẵn sàng san chia nỗi đau của người khác cũng như sẵn sàng san chia nỗi đau của mình với tha nhân, một cuộc sống không có giao cảm là một cuộc sống đi vắng, chỉ còn lại căn nhà không bóng người:

 

Tôi chia tôi một nỗi buồn

 Ngoài kia phố thở mưa tuôn trắng trời.

 

Chia nhau một nửa cuộc đời

Giữ giùm hạnh phúc của thời đắng cay.

 

Chia cho một cốc rượu say

Chia cho bóng tối với ngày nhớ đêm.

 

Chia cho một sợi tóc mềm

Lỡ mai bạc tóc còn thèm tuổi xanh.

 

Chia cho một bến một bờ

Ngoài kia biển ngóng sóng chờ đợi ai!

 

Chia cho nhau tiếng thở dài

(Chia đời nhau nhé)

 

Đây là một bài lục bát khá hoàn hảo của Nguyễn Tấn Cứ, thường thì thơ lục bát của Cứ không đạt lắm, riêng bài thơ này, với một nửa còn lại sau khi đem đời ra chia, cái phần còn lại trộn lẫn ngây dại, đau xót thành… Sinh nhật cho em và tôi. Tôi cám ơn người phục vụ nào đó đã quay Nguyễn Tấn Cứ như dế để tôi được đọc những bài thơ mà ở tuổi Cứ, tôi được hưởng quá nhiều sự nuông chiều, thơ tôi làm thuở ấy nếu so với thơ Cứ bây giờ, thấy ghét!

 

Bây giờ, tôi đã có tuổi. Qua Nguyễn Tấn Cứ, tôi lại càng khẳng định: phụ nữ, người quyền năng tuyệt đối. Người làm cho thế giới này trở thành thiên đường. Địa ngục cũng là ngươi. Người ta căm thù ngươi, oán hận ngươi, nguyền rủa ngươi, bởi vì… quá yêu ngươi. Tôi cảm thông với Nguyễn Tấn Cứ, mong rằng, tập thơ thứ hai của Cứ, nếu có nhắc đến một cái tên nào đó, sẽ khác với tên đã làm cho Cứ viết những câu thơ:

Cuộc đời sao mà buồn thế

Có ai – đang chết – trong lòng tôi?

 

Tôi muốn có một nhận xét cô đọng về thơ Nguyễn Tấn Cứ nhưng thật khó, trong hàng ngũ đông đảo những thi sĩ trẻ, Nguyễn Tấn Cứ không phải là tên tuổi nổi bật, dù thơ anh xuất hiện khá nhiều. Nhưng, có một đặc điểm, nhiều thi sĩ khác bị cuốn hút vào những toan tính bên ngoài thơ, Cứ hình như ngược lại. Động cơ chính để Nguyễn Tấn Cứ làm thơ là cho chính mình và những gì liên quan đến anh. Thơ là cuộc đời, cuộc đời là Nguyễn Tấn Cứ và Nguyễn Tấn Cứ làm thơ như đang sống. Cuộc sống không phải điều gì cũng tốt đẹp, thơ Nguyễn Tấn Cứ cũng thế, trong ngọc lẫn sỏi đá, nhưng cảm xúc là những câu thơ đẹp nhất Nguyễn Tấn Cứ trao cho người đọc thơ anh, dù còn có nhiều điều nếu đơn giản hơn thơ Nguyễn Tấn Cứ sẽ tách được cái vỏ thô mộc nhưng… nếu thế, đâu còn là Nguyễn Tấn Cứ, chúng ta hoàn toàn có thể chia sẻ với Nguyễn Tấn Cứ khi đọc Tàn phai, bài thơ cuối cùng của Sinh nhật cho em và tôi:

 

Năm tháng sẽ tàn phai

Tóc xanh rồi sẽ bạc

Duy chỉ có…

Tình yêu là mãi mãi

Không bao giờ

Tàn rũ

Bởi

Thời gian

 

Vâng, đúng như thế. Ai cũng có một thời đã yêu và cũng đã từng nhủ mình như thế. Tôi từng đọc ở đâu đó một câu tương tự: “Ngày nào con tim còn thổn thức, còn rung động vì nhau … đêm đêm hình ảnh người yêu cứ lồng vào trong giấc ngủ chập chờ, ngày đó…”.

 

Những ngày giáp Tết Quý Mùi

Trần Áng Sơn
Số lần đọc: 3139
Ngày đăng: 09.12.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Câu chuyện của tôi với nhà văn Dương Kỳ Anh - Phan Cung Việt
Gian bếp của ngoại. - Nguyễn Thị Hậu
Thu Xưa - Lê Huỳnh Lâm
Lòng tốt - Hội An
Lan man, chiều... - Thai Sắc
Một thời có bão - Trần Áng Sơn
Hũ mắm... rươi - Lê Xuân Quang
Tắm gội! - Trần Huy Thuận
Cà Mau vẫn ngát hương rừng - Trần Áng Sơn
Chí Phèo trong truyện ngắn của Nam Cao là con của ai ? - Đoàn Hữu Hậu
Cùng một tác giả