Nhưng nhà văn không chỉ làm công việc phản ánh hiện thực , ghi nhận hiện thực , đi tìm và nắm bắt lấy những khoảnh khắc đậm đặc của đời sống. Nguyễn Minh Châu nói mỗi sáng tác văn học là một “ hành trình tư tuởng “ , ông bày tỏ “ Tôi thích những người viết truyện ngắn có tư tưởng cao sâu mà câu chuyện vẫn dung dị thoải mái , nội dung chi tiết vẫn là nội dung chi tiết của đời sống bình thường hằng ngày “ và ông nhấn mạnh : “ Tác phẩm văn học sống bằng tư tưởng “ . Đây là một yêu cầu cao đối với văn học . Ta thử xem trong hành trình tư tưởng của Nguyễn Minh Châu , Mảnh Trăng Cuối Rừng sống với người đọc bằng tư tưởng gì ? .
Người ta thường nói Nguyễn Minh Châu là nhà văn đi tìm “ cái hạt ngọc ẩn dấu trong sâu tâm hồn con người “ . Và đã khám phá ra hạt ngọc ở nhân vật Nguyệt . Điều này tưởng chừng như là hiển nhiên , vì Nguyệt có những vẻ đẹp quý giá như ngọc. Vẻ đẹp ấy bị che lấp đi trong ngày thường nơi rừng sâu khuất lấp , trong lửa đạn huỷ diệt tơi bời của kẻ thù. Nguyệt là hiện thân củavẻ đẹp con người Việt Nam mà “ tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống ..bao nhiêu bom đạn không thể tàn phá nổi “ .
Tôi không nghĩ Nguyễn Minh Châu chỉ hướng về tư tưởng ấy, bởi vì ở Lãm ta cung đã thấy cái phần tâm can sâu sắc nhất của một chiến sĩ. Cả cô Nguyệt đã hy sinh và chị Nguyệt lão cũng có những vẻ đẹp như vậy . Nhìn tổng thể , vấn đề mà nhà văn suy tư và thể hiện làkhám phá và lý giải vẻ đẹp tâm hồn con người Việt nam trong chống Mỹ “ con người đã được nhào nặn từ hàng nghìn năm với biết bao quan hệ , thói quen làm ăn , tập tục và truyền thống văn hoá …Chính họ là hình ảnh trung thực của đất nước này, vì chính họ sinh ra từ lịch sử ngàn năm của đất nước . Những con người Việt Nam sinh ra để chống chọi quần quật với giặc giã và đói khát “ ( Văn Nghệ số 39.24/9/83 ) .Qua nhân vật Lãm , Nguyễn Minh Châu bày tỏ trực tiếp suy tư của mình , nhà văn hai lần suy tư về “ sợi chỉ xanh “ : “Tôi đứng bên sông , giữa cảnh một chiếc cầu đổ nát và tự hỏi “ qua bay nhiêu năm tháng sống giữa cảnh bom đạn tàn phá những cái quý giá nhất do bàn tay mình xây dựng nên , vậy mà Nguyệt vẫn không quên tôi sao ? trong tâm hồn người con gái nhỏ bé , tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống , cái sợi chỉ xanh óng ánh ấy , bao nhiêu bom đạn giội xuống cũng không hề đứt , không thể tàn phá nổi ư ? ‘. Nguyễn Minh Châu cho rằng cốt lõi của vấn đề sức mạnh Việt nam là “ tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống “ đã giúp dân tộc này chống chọi được với giặc giã và đói khát .
Ngưởi đọc hôm nay ngạc nhiên tự hỏi tại sao trong chiến tranh ác liệt chống Mỹ lại có những con người đẹp như vậy , có những cách sống đẹp như vậy và có cả những mối tình đẹp như vậy . Câu trả lời tất yếu chỉ được tìm thấy trong phẩm chất con người Việ Nam “ đã được nhào nặn … sinh ra từ lịch sử ngàn năm của đất nước .” Đó là một lịch sử không ngừng nghỉ chống ngoại xâm , với những kẻ thù lớn hơn mình gấp bội . Nếu ngày xưa tiếng nói đầu tiên của Gióng là tiếng nói tình nguyện đánh giặc cứu nước , hành động kiên quyết của Gióng là xông thẳng vào kẻ thù và đánh bại chúng , thì hôm nay Lãm trốn nhà đi bộ đội , Nguyệt ra trường là tình nguyện đi kiến thiết miền Tây .. Những phẩm chất truyền thống của dân tộc đều toả sáng ở Nguyệt và Lãm . Đó làsự cần cù chịu thương chịu khó , chu tất trong công việc ; thấy người khác khó khăn thì sẵn lòng giúp đỡ ; luôn cầu tiến ; tính thuỷ chung trước sau như một ; coi trọng nghĩa tình hơn quyền lợi vật chất ; sống lạc quan tin yêu vào con người , coi trọng những giá trị nhân bản ; thông minh , tế nhị và khéo léo trong ngôn ngữ và ứng xử; và trên hết là phẩm chất đánh giặc ,“ giặc đến nhà đàn bà cũng đánh “ .
Người đọc cũng nhận ra những chuẩn mực đời sống dân tộc được Nguyễn Minh Châu trình bày một cách mới mẻ và khéo léo trong truyện . Người Việt Nam chúng ta quý mến lối sống tình nghĩa( Chị Nguyệt Lão sẵn sàng “ dùng giây trói lợn để trói “ Lãm lại nếu anh ta là con người không tình nghĩa hờ hững với Nguyệt ), chọn lựa người yêu v xây dựng gia đình là chọn người đẹp người và đẹp nết ( Chị Tính nhắc đi nhắc lạivới Lãm rằng “ cô ta giờ đã lớn , càng ngoan ngoãn , dũng cảm và lại xinh đẹp hơn trước kia “) . Cuộc sống chung sao cho xứng đôi vừa lứa , tránh những “ đôi đũa lệch “ ( Nguyệt và Lãm như một cặp xứng đôi “ trai anh hùng , gái thuyền quyên “) . Hoặc nếu phải chọn lựa giữa lợi ích của công đồng và lợi ích của cá nhân , thì con ngươi Việt Nam sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân đat sự lợi ích cộng đồng lên trước ( Hình ảnh cô Nguyệt ngày thường hiền lành nhưng lại chiến đấu dũng cảm và hy sinh khi mới chỉ có người yêu là hình anh làm lay động tâm can Lãm và cả tâm can người đọc ) Và cái chuẩn mực đánh giá con người qua chính hành động của người ấy trong mối tương quan với cộng đồng.( Lãm chỉ tin lời chị Tính nói về Nguyệt khi tận mắt thấy Nguyệt “ ngời lên đẹp lạ thường “ dưới ánh trăng và trong bom đạn kẻ thù ) .
Nhân vật của Nguyễn Minh Châu trong Mảnh Trăng Cuối Rừng là hình ảnh trung thực của đất nước này , trung thực trong thực tại đang sống và trung thực trong những phẩm chất truyền thống , vì thế người đọc thấy họ rất bình dị , gần gũi đời thường nhưng lại sáng ngời vẻ đẹp khác thường , vẻ đẹp lý tưởng . Những nhân vật như thế sẽ sống mãi với người đọc . Và tác phẩm cũng sẽ sống mãi cùng với nhân vật vì tác phẩm thể hiện được nhận thức tư tưởng đạt đến bản chất của hiện thực . Nhưng Mảnh Trăng Cuối Rừng không phải là tác phẩm tư tưởng hay tác phẩm luận đề, các nhân vật Nguyệt và Lãm cũng không phải là kiểu nhân vật tư tưởng hay nhân vật luận đề. Mặc dù mệnh đề “ Nguyệt là trăng “ có hàm ý tư tưởng . Nguyễn Minh Châu không trình bày tư tưởng gì của riêng mình , Ông chỉ ghi nhận miêu tả , chiêm nghiệm thực tại và xây dựng truyện theo nhận thức xem xét con người Việt nam một cách sáng tỏ và đào bới vào nó sâu hơn … cho thấu cốt cách dân tộc “( Văn Nghệ số 39 , 24/9/83 ) . Nguyệt , Lãm thể hiện được cái cốt cách ấy . Tôi nghĩ rằng Nguyễn Minh Châu đã đạt được mục đích của mình.
Để thực hiện được những mục đích nội dung trên , Nguyễn Minh Châu đã xây dựng truyện như thế nào ? Ông nói đến một thứ kỹ thuật viết truyện ngắn : “ nó giống như kỹ thuật của người làm pháo : dồn nén tư tưởng vào trong một cái cốt truyện thật ngắn gọn , thật tự nhiên . Cho nên những người viết truyện ngắn bậc thầy đều cao tay trong kỹ thuật dựng truyện và tinh xảo trong ngôn ngữ “ , một thứ ngôn ngữ mà “… ý tình toát ra trong từng câu một “ ( Văn Nghệ số 20, 14/5/83 ) . Ông cũng cho rằng “ với truyện ngắn , cái điều chính yếu là kêu gọi sự liên tưởng của người đọc “
Khi phân tích Mảnh Trăng Cuối Rừng ,người ta đãnói nhiều đến bút pháp thi vị hoá , chất thơ , chất lãng mạn của câu truyện. Vâng , đúng rằng chất thơ , chất lãng mạn là những màu sắc thẩm mỹ đặc sắc của truyện , đem đến nhiều mỹ cảm cho người đọc . Nó tạo nên một bầu khí nghệ thuật rất riêng . N.I.Niculi nhận xét “..Nhà văn thời ấy khá triệt để trong việc thi vị hoá nhân vật . Đây vừa là chỗ mạnh vừa là chỗ yếu của anh : Niềm tin vào tính bất khả vhiến thắng của cái đẹp tinh thần , của cái thiện đã được khúc xạ ở chỗ anh đã tắm rửa sạch sẽ các nhân vật của mình , họ giống như được bao bọc trong bầu không khí vô trùng “ ( Lời bạt tập truyện Người Đàn Bà Trên Chuyến Tàu Tốc Hành )
Nhưng những đặc sắc nghệ thuật ấy lại là kết quả của một tài năng ,thể hiện ở kỹ thuật dựng truyện , cách dồn nén tư tưởng , ở khả năng kêu gọi sự liên tưởng của người đọc và ở sự chắt lọc ngôn ngữ mà tình ý toát ra trong từng câu văn . Nguyễn Minh Châu đã bố trí , ráp nối , triển khai ; thật khéo léo , tự nhiên và logic, một tình huống bất ngờ , thú vị ; tạo nên sự hư hư , thực thực kích thích trí tưởng tượng của người đọc ; dồn nén câu chuyện dài hằng mấy năm chờ đợi của Nguyệt vào trong một khoảnh khắc ; dồn nén cái cốt cách hàng ngàn năm lịch sử con người Việt Nam chống chọi quần quật với giặc giã và đói khát vào một câu chuyện thật giản dị ; và sử dụng một loại ngôn ngữ chắt lọc đến độ không thể chắt lọc hơn . Chẳng hạn , Nguyễn Minh Châu viết : “ Nguyệt là trăng “ . Cái mệnh đề tối giản ấy cũng là cả câu chuyện , nó chứa đựng chủ đề và tư tưởng của tác phẩm, nhưng cung chứa đựng những năng lượng thẩm mỹ ở cái độ nén rất cao , mà khi người đọc chạm đến , năng lượng ấý sẽ toả ra sức lay động mạnh mẽ và lâu dài, đem đến những khoái cảm thẩm mỹ tưởng như vô tận .
Nguyễn Minh Châu còn sử dụng những “ kỹ thuật viết “ khác để câu chuyện trở thành câu chuyện “ tâm can “ của Lãm , chinh phục được lòng tin của người đọc. Nhà văn như một nhân chứng khách quan nghe chính nhân vật đang kể lại câu chuyện của mình . Đó là kỹ thuật kể truyện trong kể truyện . Cách kể như vậy , không khéo sẽ rất rối trong bố cục và xử lý thời gian , không khéo sẽ thừa ra người kể , và gy lầm lẫn ngôn ngữ người kể chuyện. Lãm vừa kể , vừa tự phân tích tâm lý của mình trước từng sự việc xảy ra và miêu tả ngoại cảnh , gián tiếp bộc lộ những vang động của tâm lý ấy .Câu truyện có những ý vị thật thấm thía và sảng khoái .
Chẳng hạn , Lãm tự ngượng với mình khi ngồi bên Nguyệt mà lầm trăng thành pháo sáng, Lãm tự phân tích các dữ kiện mà Nguyệt cung cấp để tìm hiểu xem Nguyệt đang ngồi cạnh mình là ai . Lãm tự tra vấn lương tâm và ân hận nếu Nguyệt đã hy sinh .Lãm thấy lòng mình thật vui khi anh lái xe như bay ra tiền tiêu mà trước mặt là hình bóng của Nguyệt . Lãm thấỷ vòng tay lái của mình chao đảo trước tin Nguyệt hy sinh , đó là cách miêu tả sự chao đảo trong tâm hồn Lãm. Lãm thấy tim mình đập như đất rung dưới những chuyển động của bánh xe xích , đó là cách bộc lộ nửa như che dấu , nửa như tự thú nhận của Lãm về sự thay đổi của lòng mình
Bí mật sự hấp dẫn của câu truyện là bí mật của nhân vật Nguyệt được khám phá từ từ qua một não trạng rat “ khôn ngoan, từng trải “ của anh bộ đội “ già đời trong nghề lái xe “ Lãm . Có một cuộc đấu trí rất thú vị , căng thẳng nhưng lại nhẹ nhàng , thông minh trong những lời đối thoại giữa Lãm và Nguyệt. Cả hai người trong cuộc đều muốn khám phá nhau nhưng cả hai cũng rất thận trọng không để lộ tung tích gì của mình cho người kia biết . Ngay khi phát hiện điều gì đó trong những câu hỏi của Lãm , Nguyệt đã ngăn chặn ngay “ sao anh hỏi tỉ mỉ vậy ? “ . Kiểu nói lấp lửng của Lãm như một cái bẫy ngàm .Nếu Nguyệt không thận trọng , cô sẽ để lộ tất cả những gì thuộc về mình , hoặc sẽ tỏ ra “ ngây thơ “ trước một tay “ già đời “ như Lãm . Người đọc yêu mến Nguyệt một phần vì cô rất chân thật , thông minh và kín đáo , Đó cũng là những phẩm chất truyền thống của phụ nữ Việt nam . Thành ra Lãm lại bị mắc bẫy của chính mình . Lãm rất tự hào về sự dày dạn hiểm nguy trận mạc của anh , vậy mà nhiều lần anh đã thua Nguyệt về sự thông minh , sự tinh nhạy và kinh nghiệm chiến trường . Hoá ra chính Lãm mới là người ngây thơ , còn Nguyệt lại là cô gái đầy bản lĩnh . Điều ấy làm người đọc cảm thấy thật sung sướng và thú vị .
Sưc hấp dẫn của truyện còn ở chất thơ và chất lãng mạn . Nguyễn Minh Châu tạo ra một trường thẩm mỹ mà người đọc như đắm mình trong không gian thi vị và lãng mạn , đó là không gian của cái đẹp và của chất lý tưởng . Cần xác lập đây không phải là bút pháp lãng mạn . Bút pháp của Nguyễn Minh Châu là bút pháp hiện thực , nhưng nhà văn khơi gợi được sự liên tưởng của người đọc ở nhiều chi tiết và ở nhiều thủ pháp , đồng thời chọn lọc hiện thực qua lăng kính lý tưởng hoá.
Đó là một cuộc tình lãng mạn và lý tưởng . Một cô gái đẹp người đẹp nết lại yêu và chờ đơi một người tình không chân dung , chờ một anh bộ đội lái xe . Anh như con vạc đầu rừng cuối bãi . Có vẻ gì đó giống như Kiều đang chờ đợi một “ cánh hồng bay bổng tuyệt vời “ . Cuộc tình ấy khó có trong đời thực .Nó đặt trên nền của những phẩm chất lý tưởng. Sự gặp gỡ Nguyệt – Lãm cũng là một sự gặp gỡ tình cờ lãng mạn . Cái không gian trong vắt ánh trăng , bồng bềnh sương trắng cùng với hai con người ma trái tim đang đầy ắp tình yêu cuộc sống , không gian ấy là một không gian hiếm có . Cuộc sống chiến đấu được miêu tả đẹp và hấp dẫn . Nguyễn Minh Châu tuy có ghi nhận sự dữ dội , những cảnh tàn phá và sự hy sinh , nhưng trên nên cái hùng tráng ấy là mảnh trăng sáng trong như một mảnh bạc cùng với hình tượng Nguyệt ngời lên đẹp la thường trong ánh lửa đạn . Quả thực đời sống chiến đấu đã được miêu tả như một bài thơ tình tuyệt đẹp. Cái dư âm của câu chuyện chuyện tình , cái “ vô thanh “ của bản nhạc tình vẫn âm vang trong lịng người đọc khi câu chuyện đã kết thúc. Người đọc mong cho cuộc tình ấy sẽ thành hiện thực vì cả Lãm và Nguyệt đều là những con người tuyệt vời trong đời thường.
Ngưới ta cũng nói nhiều đến ánh trăng , đến mảnh trăng như là sự miêu tả sóng đôi với Nguyệt , và “mảnh trăng cuối rừng “ là ẩn dụ chứa đựng chủ đề câu truyện . Điều ấy vừa là thủ pháp , vừa là tư tưởng của Nguyễn Minh Châu . Nguyệt có những vẻ đẹp như trăng, Nguyệt đẹp trong ánh trăng , vẻ đẹp của Nguyệt bị che lấp , thấp thoáng như mảnh trăng cuối rừng. Nguyệt có những phẩm chất đẹp nhưng chưa phải là vầng trăng rạng rỡ giữa trời để soi chung cho mọi người .
Khi đọc kỹ truyện , người đọc sẽ thấy Nguyễn Minh Châu không chỉ tập trung miêu tả vẻ đẹp của trăng. Bởi vì , có những lúc ánh trăng không đẹp , không tạo ra giá trị thẩm mỹ , có khi còn tạo ra cảm giác khó chịu . Đó là một mảnh trăng như “ pháo sáng xanh lét run rẩy loè nhoè ở trên đầu “. Trăng có vẻ bệnh hoạn, yếu ớt, thoi thóp . Rồi trăng lại hiện ra : “ mảnh trăng nằm giữa những tảng mây hiện ra tái ngắt , ánh sáng loè nhoè .. chập chờn .. có lúc rơi tõm xuống khoảng tối mịt mù ..”. Người đọc dù có tâm hồn yêu trăng đến mấy , đọc những dòng miêu tả trên , cũng không thể thấy trăng đẹp , mà trăng như một vật thể vô cảm . Đến quá nửa đêm thì trăng đã lặn và không gian “ chưa bao giờ trời tối đến thế ‘ .
Nếu cứ theo cái logic Nguyệt đẹp trong trăng , Nguyệt được miêu tả sóng đôi với trăng thì bây giờ , trong bóng tối của đêm , Nguyệt sẽ chìm mất . Nhưng không phải vậy , người đọc lại thấy Nguyệt đẹp hơn nhièu trong lửa đạn , và Nguyệt trở thành một thứ ánh sáng như trăng hướng dẫn Lãm vượt qua nguy hiểm. Và trong cái bóng tối của đêm ấy , câu chuyện tình vẫn đầy lãng mạn . Nguyệt đã kéo Lãm vào giữa khe hai gốc cây to , ngược lại Lãm đã bế xốc Nguyệt vào chỗ an toàn . Phải chăng Nguyễn Minh Châu để mảnh trăng thiên nhiên lặn đi và mảnh trăng tâm hồn Nguyệt rạng rỡ lên . Quả thực , đúng là ông đãsử dụng những gam màu tương phản trong bức tranh để xây dựng nhân vật Nguyệt . Ông không chi chú ý tạo ra bầu khi lãng mạn và tạò chất thơ cho câu truyện . Cái cảm giác thú vị về bầu khí lãng mạn và chất thơ chỉ là một cách cảm thụ do kỹ thuật kêu gọi sự liên tưởng của Nguyễn Minh Châu . Ông nhấn mạnh cái ý này : “ trong truyện ngắn , theo riêng tôi nghĩ , nói cái gì và nói thế nào , đều là nội dung cả “ ( Văn Nghệ Quân đội số 8 . 1981 ) , Như vậy người đọc không được bỏ qua chi tiết nào mà nhà văn miêu tả , cũng phải chú ý đến cái cách nhà văn miêu tả nữa, vì tất cả “đều là nội dung “ .
Có thể nhiều điều trong bài viết này cần được xem xét kỹ hơn . Nhưng những ý kiến của Nguyễn Minh Châu đã giúp soi rọi nhiều góc cạnh tác phẩm . Người đọc vừa có được cái thú vị từ câu chuyện nhưng cũng có cả cái thú vị được biết tác giả đã thực hiện tác phẩm như thế nào . Người viết bài này chỉ thử tiếp cận tác phẩm theo ánh sáng của cái nhìn và kỹ thuật cuả tác giả , đồng thời với những các tiếp cận khác . Ước mong được góp thêm đôi điều vào giờ giảng của thầy cô, điều đó thật là một hạnh phúc.
( Đã đăng trên Văn Nghệ Đồng Nai Số 3 , tháng 12/ 2001 )