nói và làm
"Nói phải đi đôi với làm" là một đòi hỏi mang tính xã hội. Không phải riêng bây giờ, mà xưa đã thế và sau này vẫn thế. Từ "Thần dân" đến vua quan, từ kẻ bị lãnh đạo đến người lãnh đạo,... đều phải luôn luôn ghi nhớ: "nói phải đi đôi với làm"! Một khi ai đó đã "nói không đi đôi với làm", thì sớm muộn, người đó cũng bị mất lòng tin nơi dân chúng.
Nhưng tại sao nói lại cứ thường không đi đôi với làm? Điều dễ hiểu này ai cũng biết, đó là vì "nói" bao giờ cũng dễ hơn "làm". Nói "dễ" vì "nói" do cái lưỡi phụ trách; còn "làm khó", vì "làm" thuộc thẩm quyền đôi tay và cơ bắp! "Nói dễ", vì "lời nói gió bay", vì "nói trước quên sau", vì "nói đâu bỏ đấy" và vì "lời nói không mất tiền mua",... Nhưng, hãy cảnh giác! Lão Tử đẫ từng dậy: "Lời nói có thể tin được thì nghe không hay; lời nói nghe hay thì không thể tin được!". Nhưng sợ nhất có lẽ là "người biết - không nói, người nói - không biết"!
Như vậy, chúng ta không chỉ cần biết sợ và đừng cả tin vào mọi lời nói, mà còn phải ghi nhớ: "chính vì "nói dễ" nên đôi khi nó rất nguy hiểm. Cha ông ta đã từng căn dặn: "lời nói đọi máu" đấy sao?!.
Vậy là, lời nói tuy là việc đơn giản – trẻ con, người lớn,... nếu không bị khuyết tật bộ phận thanh quản, đều có thể nói những gì muốn nói. Nhưng tác dụng trong cuộc sống xã hội của lời nói thì không hề đơn giản chút nào. "Lời nói như dao chém đá", không dễ phủi phui được đâu! Đến đây, ta lại rút ra một điều: "nói dễ" thật, nhưng không phải lúc nào cũng dễ. Cho nên chớ có "nói bừa", "nói ẩu", "nói ngon, nói ngọt", nói cho xong chuyện, và nhất là chớ có ... "nói lời lại nuốt lời", trừ phi anh không còn là người tự trọng!
"Làm khó", vì làm phải tốn sức, tốn công, thậm chí phải "quên mình", phải "hy sinh",... Tốn sức, tốn công thì nhiều người có thể làm được. Nhưng "hy sinh, quên mình", mới là thử thách khó vượt qua! Mà ở đời, những việc quan trọng nhất, lại thường đòi hỏi người thực hiện phải... hy sinh, phải quên mình! Giám hy sinh thì việc khó trở thành dễ. Đó là chân lý vậy! Chiến đấu chống ngoại xâm, phải cầm chắc có thể hy sinh xương máu. Chấp nhận rồi, thì "cái chết nhẹ tựa lông hồng"; gian nan, nguy hiểm đến mấy, cũng dễ dàng vượt qua! Cuộc chiến đấu với "nội xâm" (nạn tham nhũng), khó hơn nhiều, đòi hỏi sự hy sinh lớn lao hơn nhiều. Vì đó là cuộc chiến với người sống bên ta, với đồng đội, đồng chí,... thậm chí với chính bản thân ta - nhằm loại trừ nạn sâu mọt đục khoét, đang làm băng hoại giá trị đạo đức, lối sống; làm mục ruỗng xã hội!
Qua thế, đủ thấy rằng, "nói" dễ hơn "làm" thật, nhưng "nói" cũng có cái khó của nói; "làm" có cái dễ của làm! Vâng! "nói phải đi đôi với làm", điều ấy ai cũng thường nghe, ai cũng hiểu và ai... cũng nói được – mà làm thì mới khó làm sao?!.
quanh cái sự... nghe!
Người lành mạnh, người bình thường: nghe bằng hai tai.
Người có đủ hai tai lành lặn, nhưng chỉ có một tai làm việc, dân gian gọi là người chuyên có... "nghe một tai!". Cái tai "chuyên môn hóa" ấy, chỉ rặt nghe các "đệ tử ruột", không nghe ai khác, không nghe ý kiến khác ngoài ý kiến tâng bốc ca ngợi mình!
"Trung ngôn, nghịch nhĩ" - Những lời nói thẳng làm nhiều "sếp" nghe "không lọt lỗ tai"!
Nghe chưa ra đầu ra đuôi gì đã... "phán", là người "nghe chưa thủng lỗ tai"!
Người sợ liên lụy trách nhiệm thì dù thiên hạ nói gì cũng ... ngô nghe giả điếc!
Cũng có người bị gọi là "tai lành tai điếc", mặc dù anh ta chẳng ... điếc chút nào cả. Đó là loại người có tính tầm phào; nghe đấy mà đâu có nghe? Đầu óc còn để tận đâu đâu!
"Nghe" cho có nghe, "nghe" mà chả nghe gì cả, "nghe đâu bỏ đấy",.. là những cách "nghe" của không ít quan chức làm công tác "tiếp dân", mắc bệnh lãnh cảm!
Dân "đội đơn" kêu khản cả giọng mà "quan" làm như không nghe thấy gì, đích thị quan ấy bị "điếc lòi tai".
Kẻ thích "đưa chuyện làm quà", thường mới "nghe hơi nồi chõ", đã lê la "buôn chuyện" khắp nơi, được người đương thời gọi là ... "buôn dưa lê"!
Dự "hội thảo khoa học" mà có người mặt cứ ngây ra như "mặt ngỗng ỉa", chẳng hiểu "mô tê" gì cả, chẳng khác chi... "vịt nghe sấm"!
Mấy anh chàng có tính hão huyền, thường hay "nằm mộng nghe kèn"!
Đem tâm sự nói với người vô tâm, chẳng khác gì đem "đàn gẩy tai trâu", thà "vạch đầu gối ra mà nói", còn hơn!
Kẻ "lười chẩy thây" thường "điếc tai: làm, sáng tai: họ"!
Người thô lỗ thì nói cứ như... "đấm vào tai" người nghe! Hiền như Bụt cũng phát tức. Kẻ khôn ngoan bao giờ cũng nhẹ nhàng "nói ngon nói ngọt", nói như "rót mật vào tai". Đặc biệt, nếu dùng cách nói này với "sếp", thì dễ đưa "sếp" ... lên mây lắm. Rồi thì muốn gì, "sếp" cũng sẵn sàng "chiều", ngay cả lúc ấy ta có đề nghị "sếp" ký giấy bán... cầu long Biên", "sếp" cũng ký! (Bởi xưa có câu: "nói ngon nói ngọt, lọt đến xương" mà!..
Tai luôn luôn vểnh lên nghe ngóng chuyện người khác, đích thị là tai của kẻ hay "kiếm chuyện" rồi! Nói thế thôi chứ, một khi đã bị "vạch mặt chỉ tên", những kẻ này cũng dễ "cụp tai" như "chó cụp đuôi" thôi!
"Trên bảo, dưới không nghe" là căn bệnh "yếu sinh lý" của đấng mày râu; nhưng thời nay, cum từ ấy còn được dùng để ám chỉ cảnh kỷ cương không nghiêm, cảnh "cá mè một lứa", không ai bảo được ai; hoặc cũng để nói về tình trạng "người trên ở chẳng chính ngôi, để cho người dưới chúng tôi hõn hào!", như dân gian thường nói!
Thế đấy! Có đôi tai lành lặn để nghe; nhưng nghe như thế nào,lại không phải là chuyện đơn giản!..
9 tác dụng của...ngậm miệng!
"Ngậm" là một trong những hình thức hoạt động thông dụng của cái...Miệng, mang lại nhiều ích lợi:
Phòng bệnh: Đông y có câu: "Bệnh từ miệng mà vào". Do đó, thường xuyên ngậm miệng, chắc sẽ ít khi mắc bệnh, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm H5N1 (!).
rừ họa: Các Cụ dậy: "Họa từ miệng mà ra". Vậy rõ ràng nếu ta luôn ngậm miệng thì không bao giờ gặp "họa đến thân"!
Ai không may ăn phải quả đắng: Cách sử lý tốt nhất là hãy "ngậm bồ hòn làm ngọt"!
Muốn ai đó say đắm mê mẩn: Không gì bằng cho người đó... "ngậm tiền"; vì dân gian có câu: "ngậm tiền thì hám"!
Muốn nhanh chóng tiến thân: tốt nhất là nên "ngậm hàm", vì người đời đã tổng kết: "ngậm hàm thì tiến"!
Nếu ta vô tình bắt gặp một hành vi sai trái nào đó của sếp, ví sếp đang ... ôm nữ thư ký chẳng hạn, ta cần lờ như không trông thấy, đồng thời sau đó còn phải vĩnh viễn..."ngậm tăm"; thậm chí phải "câm như hến"!
Là vợ sếp mà phát hiện sếp có... "bồ"; là chồng sếp mà bị sếp ... cắm sừng: Cách ứng sử đúng đắn nhất, khôn ngoan nhất thời buổi này là, hãy "ngậm đắng nuốt cay"; thậm chí còn phải... im "thin thít như thịt nấu đông" nữa! Làm như thế không chỉ nhằm giữ yên hạnh phúc gia đình, mà chính còn để... bảo toàn "nguồn thu nhập" lớn nhất của chính mình. Bởi lệ xưa nay là "có chức ắt có quyền, có quyền ắt có ...tiền"!
Gặp trường hợp cơ quan đang có chuyện... tranh chấp quyền lực giữa các sếp: người "tỉnh táo" là người biết... "ngậm hột thị" trước mọi câu hỏi về quan điểm đối với bên nọ, bên kia. Cách tốt nhất mà nhiều người đã áp dụng thành công là bên nào ta cũng ... khen. Bên này ta khen tốt thì bên kia ta khen hay! Như thế sẽ tránh được những nguy hiểm có thể xẩy ra, khi mọi sự chưa... ngã ngũ!
Để vu khống hãm hại đối thủ: Không gì tốt bằng là... "ngậm máu phun người"!...