Trên trang mạng Diễn đàn số ra ngày 28.11.2007, nhà văn Nguyên Ngọc có bài “Sáu linh hồn của người Xteng.”
Bài viết có đoạn:
“Phạm Thị Trung nói rằng người Xteng, theo quan niệm của họ, chỉ có sáu hồn. Và ở đây có hai điều rất lạ, vừa liên quan đến đạo đức của con người ở đời lại vừa liên quan đến sự tử sinh vốn là điều kiện cốt yếu của con người trong vòng vũ trụ bất tận. Sáu linh hồn, mỗi cái đều có chức năng riêng : Linh hồn thứ nhất (mơ hua môi) được coi là linh hồn chủ, là của hơi thở, máu và nhịp tim, tức của sự sống, là linh hồn lớn hơn cả, nó phải luôn hiện diện trong thể xác, duy trì sự sống, và bảo ban các linh hồn khác, nhỏ hơn. Linh hồn thứ hai (mơ hua pea) là linh hồn của sự hoà hiếu trong gia đình. Linh hồn thứ ba (mơ hua pai) là linh hồn của sự chăm chỉ lao động. Linh hồn thứ tư (mơ hua pún) duy trì đức hiếu khách. Linh hồn thứ năm (mơ hua pơtam) là linh hồn của sự thật thà ngay thẳng. Linh hồn thứ sáu (mơ hua tơ trô) không thường xuyên ở trong cơ thể con người, có thể lang thang đây đó. Đây là linh hồn chăm lo cho việc con người phải biết kính trọng các thần linh…”
Và:
“Phạm Thị Trung bảo các cụ già dạy rằng các thần chỉ ban cho con người sáu linh hồn, chẵn chứ không được lẻ bởi, như chính điều kiện con người từ phút sơ sinh đã phải nhận để được làm người : cùng với mọi vật trên đời này, con người là một sinh linh hữu hạn và sẽ bị huỷ diệt. Hình như ở đây không chỉ có chuyện thân phận con người. Nếu quan niệm về bảy linh hồn ở người Gia Rai gắn với quan niệm về bảy tầng vũ trụ của họ, thì quan niệm về sáu linh hồn, con số chẵn là tử chứ không phải sinh, của người Xteng lại rất có thể là cách nhìn bao quát hơn nhiều của họ về vũ trụ, một vũ trụ sẽ huỷ diệt chứ không phải vĩnh hằng.”
Đọc những dòng trên, tôi thấy băn khoăn: Một quan niệm trái ngược với nền tảng văn hóa phương Đông.
Truyền thống văn hóa phương Đông quan niệm về một vũ trụ vĩnh hằng: Trời tròn đất vuông, trời cao đất dầy, thiên trường địa cửu. “Có mà trời sập” là câu nói cửa miệng về những chuyện không bao giờ xảy ra. Người phương Đông cũng cho rằng linh hồn là bất diệt thác là thể phách, còn là tinh anh (Truyện Kiều). Phần xác có hủy nhưng phần tinh anh tức linh hồn vẫn còn sống mãi. Chính niềm tin về một vũ trụ vĩnh cửu đã cho con người sức mạnh hướng đến tương lai. Phương Đông coi trọng số lẻ nên cho rằng hồn luôn là số lẻ, số sinh: ba hồn bảy vía, ba hồn chín vía. Vì vậy một quan niệm về sáu hồn là bất ngờ lớn. Nếu điều này hợp lý sẽ là phát hiện có ý nghĩa. Nhưng nếu không hợp lý, lại là ngộ nhận cần được làm sáng tỏ.
Trước hết phải xác định: người Xteng là ai?
Hơn nghìn người sống ở lưng chừng núi Ngọc Linh này không phải là một dân tộc. Theo website Đảng Cộng sản Việt Nam thì: “Dân tộc Xơ – đăng có khoảng 127.000 người, gồm các nhóm địa phương Cà – dong, Tơ – đrá, Mơ – nâm, Hà – lăng…” Như vậy, người Xteng là nhóm nhỏ đang trên đường phân ly khỏi tộc gốc, nhỏ đến mức không được kể đến trong văn bản chính thức. Nhóm người như thế không thể đại diện cho tộc Xơ-đăng. Những hiện tượng văn hóa có ở họ cần phải được nghiên cứu xem xét thấu đáo, cẩn trọng trong quy luật phân ly của nhóm địa phương.
Có nhiều lý do dẫn tới phân ly: tộc gốc phát triển, mở rộng địa bàn sinh sống. Những người ra đi tìm đất mới, có mối liên hệ bền chặt, lâu dài với tộc gốc. Có khi là nhóm người kình chống trưởng tộc, kéo đi lập giang sơn riêng. Có trường hợp nhóm người mắc lỗi bị trục xuất (như trường hợp các cặp loạn luân trong bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc). Chúng ta chưa biết hoàn cảnh phân ly của người Xteng nhưng theo quy luật chung thì, về mặt văn hóa, nhóm phân ly thường không mang đủ “túi khôn” của tộc gốc, nên “ký ức cộng đồng” bị thiếu hụt, có khi méo mó. Chịu tác động của quy luật “bảo tồn” và “biến dị”, họ bảo tồn một số yếu tố văn hóa có thể hiện nay không còn ở tộc gốc. Bên cạnh đó, phát sinh những biến dị có thể hay mà cũng có khi dở: cách phát âm khác, phong tục tập quán khác…Theo quy luật của di truyền quần thể (population genetics), cả cái hay lẫn cái dở lâu dần trở thành đặc điểm di truyền (fenotive) của nhóm địa phương. Vì vậy, khi khảo sát văn hóa của người Xteng, đặc biệt là quan niệm “sáu hồn”, trước hết phải so sánh với văn hóa gốc của tộc Xơ-đăng. Có nghĩa là phải tìm xem, người Xteng trong quá khứ tách ra từ nhóm Xơ-đăng nào? Nguyên nhân vì sao tách, tức là chuyện chia tách bình thường hay khác thường; hiện nay quan hệ thế nào với nhóm gốc và những nhóm Xơ-đăng địa phương khác…
Nếu quả đấy là một nhóm chia tách không bình thường thì những sai sót, tiêu cực về văn hóa rất dễ nảy sinh.
Nếu chuyện “sáu hồn” chỉ có ở Xteng mà không có ở các nhóm Xơ-đăng khác thì đấy là một vấn đề cần lý giải. Nhiều khả năng họ đã “cố tình quên” một hồn nào đó vốn có của tộc gốc mà vì vi phạm nên họ bị xua đuổi? Thế hệ đầu cố tình quên như một điều cấm kỵ nên ở thế hệ sau mất luôn. Những cặp loạn luân người Xteng nói trong bài báo có thể là một ví dụ. Họ trở thành cộng đồng đối kháng với gốc gác. Do lỗi lầm của họ, có khả năng, loạn luân không trở thành điều cấm kỵ. Nếu không có sự can thiệp của pháp luật, lâu dần điều này sẽ trở thành “một tục lệ mới lạ” trước mắt nhà khảo sát!
Cũng cần chú ý rằng, khi vài nhóm khác cùng có quan niệm “sáu hồn” thì cũng phải xem xét thận trọng. Không phải không có khả năng họ là hậu duệ của một biến dị xấu (bad dissimilation) trong quá trình phân ly. Rất có thể, điều này chỉ xảy ra với người Xteng là nhóm phân rõ từng hồn là gì. Các tộc khác chỉ nói 7 hồn, 9 hồn mà không ai biết những hồn cụ thể ra sao. Các hồn này linh thiêng nhưng mông lung nên không có chuyện cấm kỵ cụ thể.
Bản thân người Xơ-đăng là tộc được phân ly từ cộng đồng Việt cổ, hình thành khoảng 60.000 năm trước, khi người hiện đại Homo sapiens đặt chân tới Việt Nam, rồi từ đó lan ra toàn Đông Á. Lúc này mực nước biển thấp hơn ngày nay 130 met, người Việt sống tập trung tại đồng bằng Nanhailand là thềm lục địa thuộc biển Đông ngày nay. Khoảng 18.000 năm trước, do nước dâng, người Việt cổ di chuyển lên Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc. Sau 7000 năm cách nay, nước rút bằng mức hiện tại, đại bộ phận người Việt trở lại chiếm lĩnh đồng bằng. Một phần tiếp tục sống ở cao nguyên, trở thành những sắc dân thiểu số ngày nay. Người Xơ-đăng thuộc chủng Indonesien, nói ngôn ngữ Mon-khmer, là một trong những tộc thiểu số đó.
Do lịch sử hình thành như vậy nên các sắc dân thiểu số Tây Nguyên cũng như ở các đảo Nam Thái Bình Dương bảo tồn nhiều nét văn hóa Việt cổ, trong đó cái gốc là tả nhậm, trọng số lẻ…Vì vậy việc xuất hiện quan niệm “sáu hồn” là điều trái với tự nhiên, cần nghiên cứu thấu đáo.
Những hiện tượng văn hóa của mỗi tộc người như hôm nay ta thấy, do lịch sử hình thành của chúng nên đều mang tính hai mặt, có cái tích cực có cái tiêu cực. Vì vậy không thể mỗi khi phát hiện những gì khác lạ của sắc dân thiểu số nào đó cũng đều eureka: tuyệt vời, độc đáo! Chỉ có giá trị khi nó phù hợp nền tảng văn hóa phương Đông. Một khi trái ngược với văn hóa Việt gốc, cần phải được xem xét thận trọng.
Sài Gòn, cuối năm Đinh Hợi