Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
772
123.366.395
 
Ghen
Nguyễn Tiến Lợi

Mọi người đi đưa đám tang đã về hết, chỉ còn lại mấy anh em trong nhà đang đắp những xẻng đất cuối cùng và đặt những vòng hoa lên nấm mộ. Xong việc hai chị em gái vẫn chưa muốn về, dì Xuân cầm dao chặt những cành mua cắm xung quanh mộ, Xuyến thu dọn các dụng cụ còn sót lại. Hưng nói nhỏ với Xuyến:

- Anh và chú Thái về trước đây!

Rồi Hưng cùng chú em rể mỗi người một xe máy hướng ra phía đường nhựa. Đi được chừng nửa đoạn đường bỗng trời đổ cơn mưa rào, hai anh em tạt vào một quán nước bên đường. Thái gọi hai cốc trà đá. Chưa uống hết cốc nước, chợt nhớ ra điều gì, Thái vội vàng đội mưa về trước, chỉ còn một mình Hưng ngồi lại trong quán.

 

Cơn mưa đầu mùa đã làm dịu đi những mệt mỏi sau mấy ngày Hưng cùng gia quyến và địa phương lo việc tang lễ cho mẹ vợ. Ngoài đau buồn và tiếc thương người vừa khuất núi, trong lòng Hưng còn nặng trĩu một nỗi ưu phiền khác. Hưng nói với bà chủ quán cho một chén rượu và gói lạc rang. Vị thơm bùi của lạc hoà quyện vị cay nồng của rượu gợi cho Hưng nhớ lại hơn mười năm về trước, cái thời sinh viên chắt chiu những đồng phụ cấp ít ỏi, thỉnh thoảng chiêu đãi bạn bè nơi quán cóc cổng trường. Thêm một lần nữa Hưng cảm nhận sức mạnh nghiệt ngã của thời gian, vòng quay của nó khiến Hưng xa hẳn cái thời sinh viên vô tư và thanh thản ấy. Giờ đây điều kiện kinh tế đã khá hơn nhiều, con người lại phải lo nhiều thứ để có được cuộc sống tốt hơn, nhưng với Hưng nỗi ưu phiền lại xuất phát từ chính người mà Hưng yêu thương nhất, đó là tính hay ghen của cô ấy. Xuyến làm việc trong một cơ quan sự nghiệp nhà nước, có đông chị em nên đôi lúc thường vui đùa quá trớn. Nhưng đấy không phải là nguồn gốc dẫn đến ghen tuông, mà chủ yếu là do bản tính xồn xồn của cô ấy, đôi ba lần chính cô ấy đã phải xin lỗi bạn bè, khi vô cớ gây sự với người ta bởi những chuyện vớ vẩn. Hưng tự hỏi: không biết vợ người khác có ghen tuông quá đáng như vợ mình không? Mỗi lần cơn ghen nổi lên nếu Hưng không "cơm sôi nhỏ lửa" chắc đã "tan đàn sẻ nghé" lâu rồi.

Hưng rót thêm một chén rượu nữa, nhấp môi rồi xoay người về phía cánh đồng Quỳnh Lâm, tâm trí anh lúc này chỉ còn nghĩ về Xuyến. Nhìn Xuyến khóc thương tiếc mẹ, Hưng thấy lòng mình se lại, mẹ sinh được có hai chị em, bố mất sớm, nên từ khi còn bé, Xuyến đã phải cùng mẹ nai lưng vất vả mới có miếng ăn và để hai chị em cùng được đến trường. Với Hưng, Xuyến yêu thương anh hết mực, cũng vì yêu quá hoá lo, lúc nào cô ấy cũng sợ chồng mình đi với người con gái khác. Hàng ngày trong quan hệ, giao tiếp với các chị em, Hưng hết sức giữ gìn mà đâu có yên. Càng nghĩ về những lần ghen tuông của vợ, Hưng thấy vừa đáng thương lại vừa đáng giận, nhưng xét cho cùng cũng chỉ tại những việc không đâu dẫn tới hiểu lầm.

Hồi mới lấy nhau, Hưng đã làm ở Đội Trọng án của Phòng Cảnh sát hình sự được 6 năm rồi, Xuyến có đứa bạn thân tên là Vinh bị bắt tạm giam, vụ án do Đội của Hưng thụ lý, theo Xuyến thì Vinh không có tội mà do một sự nhầm lẫn nào đó, Xuyến cứ năn nỉ Hưng tìm cách minh oan cho bạn. Qua điều tra một vụ án khác có vài chi tiết liên quan đến Vinh, nhưng để lý giải được cần phải xem xét làm rõ thực hư. Theo lời khai của đối tượng vụ án, tối thứ bảy hàng tuần có hai người đàn bà, một già, một trẻ, họ gặp nhau ở quán cà phê đầu đường Mỏ Sét, thường là ngồi ở góc trong cùng bên trái, lần nào gặp, họ cũng đưa cho nhau một gói nhỏ, người đàn bà trẻ hơn mới chính là thủ phạm, còn Vinh bị bắt là do bọn chúng "gắp lửa bỏ tay người". Tối thứ bảy tuần đó không phải phiên trực, nhưng nhớ đến chi tiết của vụ án, Hưng ăn vội bát cơm rồi phóng xe máy đến quán cà phê, tìm một vị trí thích hợp chờ sẵn. Khoảng 10 phút sau, bỗng Hưng giật thót khi thấy Xuyến thập thò ngoài cửa, nhân viên phục vụ mời vào thì Xuyến lắc đầu đứng nép sang một bên, đưa mắt tìm kiếm trong quán. Vừa lúc đó có một người đàn bà trạc ngoài bốn mươi dựng xe máy định vào quán, chợt phát hiện thấy sự không bình thường của Xuyến, nên đã lên xe phóng thẳng. Ngay sau đó Xuyến cũng nhận ra Hưng ngồi một mình với cốc trà Lipton, Xuyến đến thẳng chỗ Hưng đứng nhìn anh chằm chằm, Hưng định giải thích nhưng lại thôi. Về đến nhà không cần đóng cửa, Xuyến lên giọng:

- Anh bảo đi trực mà ra quán cà phê chờ đứa nào?

- Anh không chờ ai cả.

Hai tay chống nạnh, trông Xuyến như một thiếu phụ, mặc dù mới lấy nhau và chưa có con, Xuyến quát:

 - Không chờ ai mà ngồi một mình trong quán?

Hưng thản nhiên:

- Anh đang làm nhiệm vụ. Em đến làm hỏng hết việc. Kiểu này còn lâu mới xem xét cho Vinh được.

- Đừng có dính cái Vinh vào đây?

- Dính hay không sau này em sẽ rõ, bây giờ có giải thích em cũng không chịu hiểu.

- Chỉ được cái khéo biện bạch.

- Việc gì anh phải biện bạch - Dừng một lát Hưng tiếp - Thế mà hồi sắp lấy nhau, em bảo lúc nào cũng sẵn sàng chia sẻ với anh?

Xuyến đấu dịu:

- Lẽ ra trước khi đi anh phải nói cho em biết chứ.

- Lúc ấy anh đang vội.

- Thôi cho em xin lỗi.

 

Hưng chỉ còn biết nhìn vợ với ánh mắt đượm buồn. Tối hôm đó hai vợ chồng ngồi xem vở chèo "Lưu Bình - Dương Lễ", hình như cả hai đều không nhập tâm, mỗi người có một luồng suy nghĩ riêng. Mãi đến chương trình thời sự cuối ngày bằng tiếng nước ngoài, Hưng mới lặng lẽ tắt ti vi đi ngủ. Sau lần theo dõi hụt đó, không thấy hai người đàn bà ấy đến quán cà phê nữa. Việc của Vinh phải đợi đến khi kết thúc vụ án mới minh oan được.

 

Đấy mới chỉ là cơn ghen đầu tiên thôi, sau này còn vô số lần Hưng không nhớ hết, mà nhớ để làm gì. Một hôm chú Trưởng phòng giao cho Hưng và cô Thảo cùng đội đi theo dõi đối tượng vụ án, Hưng nhờ anh Tuân, Phó phòng nói hộ để khỏi phải đi vụ này. Tưởng Hưng ngại khó, tối hôm đó chú Trưởng phòng hẹn gặp Hưng tại công viên bên bờ sông Đà. Hai chú cháu ngồi cạnh nhau cùng nhìn xuống dòng sông thơ mộng đầy ánh trăng, chỉ có bao thuốc lá và chiếc bật lửa để giữa hai người. Chú Trưởng phòng vào đề hơi ngập ngừng. Hưng đoán chắc chú sẽ giao cho mình một việc gì rất quan trọng. Nhưng không phải vậy, sau khi kể cho Hưng nghe một câu chuyện về sự chịu đựng gian khổ của bản thân hồi còn là chiến sỹ, chú Trưởng phòng nói:

- Nghề của chú cháu mình không thể tính ngày 8 tiếng được, đấy là chưa kể sự nguy hiểm khi phải đối mặt với bọn tội phạm. Lính trẻ phòng mình hầu hết xây dựng gia đình xong là lo được chỗ ở, không như chú, hơn ba chục năm "ăn cơm chính phủ, ngủ giường cá nhân", chờ đến ngày nghỉ hưu về quê mới được gần vợ, gần con, đấy cũng là một thiệt thòi.

 

Đoán chắc là chú Trưởng phòng định ám chỉ việc mình từ chối đi làm tối nay, Hưng đã kể cho chú ấy nghe cái điều mà lẽ ra không nên nói cho người khác biết. Hưng dè dặt:

- Thưa chú! Không phải cháu ngại khó, ngại khổ đâu ạ, mà cháu chỉ sợ vợ cháu bí mật đi theo thì hỏng hết việc. Cháu biết tính cô ấy, không hề tin việc cháu đi làm buổi tối đâu.

- Vợ chồng phải tin nhau chứ! - Chú Trưởng phòng giằn giọng - Hay là cậu léng phéng với cô nào để vợ nghi ngờ.

- Không đâu chú ạ. Chỉ có cô ấy một mình một kiểu, không giống ai. Yêu thương, chăm sóc chồng hết mực, nhưng lúc cơn ghen nổi lên thì thật khủng khiếp. Biết đâu giờ này cô ấy đang nấp ở gốc cây nào đó theo dõi chú cháu mình cũng nên. Đến khi hiểu rõ sự việc lại quay sang xin lỗi.

 

Chú Trưởng phòng châm điếu thuốc, vừa hút vừa nghe Hưng kể: Cuối năm ngoái suýt nữa nhà Hưng mất Tết. Hôm đó cả đội đang dự liên hoan tổng kết năm thì có tin báo Long "mèo" xuất hiện ở địa bàn giáp ranh với tỉnh Hà Tây, hắn là một tên lưu manh nguy hiểm đã gây ra hai vụ giết người, cướp của và trốn biệt tăm từ năm ngoái. Long "mèo" không về nhà mà ở chỗ Tuấn "dê". Tổ công tác gồm Hưng, Hải, và anh Tuân, Phó phòng chỉ huy tức tốc lên đường.

 

Phải mất hơn một ngày các anh mới xác định rõ nơi ở của Long "mèo", hắn rất ranh ma, chỉ có mặt ở nhà Tuấn "dê" ban ngày, ban đêm hắn lẻn sang nhà Linh "cẩu" ngủ. Chừng 10 giờ sáng hắn đi bộ sang nhà Tuấn "dê" ăn cơm trưa rồi ở luôn đến tối. Bọn chúng đang bàn tính một phi vụ làm ăn lớn trong dịp tết, rồi chuồn đi Tây Nguyên. Nhiệm vụ đặt ra là phải bắt sống Long "mèo". Theo phân công Hưng đến đặt vấn đề với một gia đình có đàn vịt thường hay thả ở cánh đồng cạnh nhà Tuấn "dê" để mượn, giả người chăn vịt, Hưng án ngữ con đường chạy vào chân núi. Khổ một nỗi đàn vịt không chịu ăn một chỗ mà cứ ào hết con ruộng này đến con ruộng khác, với cây sào buộc bẹ chuối khô, vất vả lắm Hưng mới lùa được đàn vịt theo ý muốn. Còn anh Tuân và Hải dùng xe máy đi thẳng vào nhà Tuấn "dê". Đúng như dự định, khi thấy người lạ đến nhà Tuấn "dê", Long "mèo" lẻn ngay ra phía sau, theo đường đất chạy một mạch. Chỉ đến khi bị "ông chăn vịt" đang ngồi xổm ở vệ đường bất ngờ ngáng chân ngã sóng xoài và chiếc còng số tám ôm gọn hai cổ tay, Long "mèo" mới biết là không thoát. Khám người Long "mèo" Hưng thu được một khẩu súng ngắn K59 và 4 viên đạn. Chiến công cuối năm của các anh sau ba ngày vất vả được Ban Giám đốc Công an tỉnh động viên kịp thời, mỗi người được thưởng một gói quà rất có ý nghĩa trong ngày Tết.

Làm thủ tục đưa Long "mèo" vào trại giam xong Hưng mới về nhà. Vừa đặt gói quà lên nóc tủ thì có điện thoại, Hưng vội nhấc ống nghe, đầu dây bên kia là cô Minh, làm ở Đội cảnh sát phòng chống ma tuý Công an thị xã. Trao đổi xong công việc, đặt máy Hưng định lên gác để thay quần áo, chợt thấy Xuyến đang xuống cầu thang, Hưng niềm nở định khoe với vợ món quà đặc biệt thì chẳng hiểu nguyên cớ làm sao, Xuyến đùng đùng thu dọn quần áo nói là mang con sang ngoại ở, hỏi thế nào cũng không nói rõ việc gì, ngăn thế nào cũng không chịu, Hưng chỉ kịp đưa cho con bé gói kẹo. Khi hai mẹ con đi rồi, buồn quá Hưng khoá cửa ra cơ quan ngủ.

 

Hôm sau Hưng sang ngoại xem thực hư thế nào. Vừa đến cửa chưa kịp chào, mẹ vợ đã hứ:

 - Lâu nay mỗi khi vợ chồng anh chị ngỏng ngảnh với nhau, tôi nghĩ con Xuyến nghi oan cho anh. Bây giờ mọi chuyện rõ như ban ngày, anh nói thật với tôi đi, tại sao anh muốn bỏ nó?

 

Hưng toát mồ hôi khi nghe câu "mọi chuyện rõ như ban ngày". Chẳng lẽ ai đó  trêu đùa quá trớn, dẫn đến tan vỡ hạnh phúc gia đình mình? Hưng trấn tĩnh lại:

 - Thưa mẹ! Từ trước tới giờ con ăn ở ra sao, tốt xấu thế nào mẹ đều biết cả. Chẳng hiểu nhà con nói với mẹ điều gì. Mẹ làm con sợ quá?

Cầm chiếc chổi lông, bà cụ vừa quét bụi trên nóc chiếc tủ ly vừa thủng thẳng:

- Nhà anh có hai máy điện thoại nối thông từ tầng một lên tầng hai đúng không? Anh nói chuyện với đứa nào, con Xuyến nghe thấy cô ta giục anh vận động nó ký vào đơn ly hôn?

- Làm gì có chuyện đó? - Chợt nhớ ra, Hưng tiếp - à! Mẹ để con giải thích.

- Giải thích à! - Xuyến từ trong nhà bước ra nói chen vào - Giải thích thế nào khi chính tai tôi nghe rõ mồn một – Xuyến nhấn từng chữ: - "Anh phải phân tích thật kỹ để chị ấy không ngại mang tiếng mà ký vào đơn, sau đó chuyển cho em, còn các bước tiếp theo để em lo." Đấy anh giải thích đi?

Hưng nhăn nhó:

- Thật khổ cái thân tôi. Thưa mẹ! Đấy là điện của cô Minh ở Công an thị xã, cô ấy đang lập hồ sơ để đưa thằng Vận, con chị Vân đi cai nghiện, chị ấy sợ mang tiếng không dám ký vào đơn đề nghị, cô Minh nhờ con là chỗ quen biết tác động hộ. Tưởng gì!

Bà cụ bật cười:

 - Ra vậy!

Xuyến không chịu:

- Thế mấy ngày qua anh đi đâu? Thiên hạ đi sắm tết hết cả, chỉ có mình anh vẫn còn đi chơi được.

- Thì anh đã điện về nói là đi làm rồi còn gì.

- Hôm kia cô Thuỷ đến nhà, tôi hỏi, cô ấy bảo là anh được phân công trực tết đợt hai, cô ấy tưởng anh về quê chưa lên, nên mang quà Tết của cơ quan vào nhà. Cô ấy còn nói không khéo anh rủ cô nào đi chơi xa cũng nên.

- Cô Thuỷ làm ở đội Tổng hợp biết sao được công việc của đội anh.

- Nói kiểu gì anh cũng cãi được - Rồi Xuyến tự tay gỡ chiếc máy điện thoại di động Hưng đeo ở thắt lưng, mở nắp máy bấm bấm - Cái gì đây? Con nào nhắn tin cho anh đây: " Đúng 8 giờ tối nay anh đến điểm  z  em chờ, sau đó anh em mình cùng sang sông. Em H." - Xuyến quát lên - H. là con nào?

 - Khổ quá! Sao em cứ bới móc những chuyện không đâu thế nhỉ? Đấy không phải là con nào, mà là...

-  Mà là, mà là! - Xuyến quay sang mẹ - Đấy mẹ xem, rành rành như thế mà vẫn cãi được.

Bà cụ tỏ ra sốt ruột:

 - Thì cứ để chồng con giải thích. Biết đâu lại có ai đó đùa quá đáng thì sao.

Hưng lắc đầu:

- Không phải đâu mẹ ạ. Đấy là tin nhắn của chú Hải cùng đội con, chú ấy hẹn con đi làm ấy mà - Quay sang Xuyến - Không tin em bấm tiếp xem có đúng số máy của chú Hải nhắn đến không. Đúng là...

- Thấy chưa! - Bà cụ dừng tay quét bụi, giọng nói chậm và chắc - Từ lần sau bất cứ chuyện gì cũng phải hỏi cho ra nhẽ. Thôi vợ chồng con cái đưa nhau về mà chuẩn bị Tết nhất, nay hai chín âm rồi.

Nghe Hưng kể chuyện, đôi lúc chú Trưởng phòng cũng tủm tỉm cười. Chú đặt tay lên vai Hưng đầy vẻ thông cảm:

- Tớ thấy cậu tinh nhanh, nhạy bén trong công việc, vậy mà với chuyện gia đình lại tỏ ra ngố thế.

- "Cây ngay không sợ chết đứng" mà chú.

- Đành là vậy. Nhưng thi thoảng cứ phải tốn hơi, tốn sức giải quyết những chuyện vớ vẩn cho mệt người à.

- Cháu tin rồi cô ấy sẽ hiểu, và chúng cháu càng thương yêu nhau hơn.

- Được như thế thì tốt. Nhưng theo chú, đã biết tính vợ hay ghen, thì cháu phải hết sức ý tứ trong công việc, giao tiếp hàng ngày, có những việc dù vội mấy cũng phải nói rõ cho cô ấy biết trước, đừng để hiểu lầm không có lợi cho hạnh phúc gia đình.

- Vâng ạ! - Hưng nắm chặt tay chú Trưởng phòng. Hai chú cháu rời công viên khi các bóng đèn cao áp trên cầu đã tắt đi một nửa. Trong đầu Hưng cứ văng vẳng câu nói của chú Trưởng phòng: "Được như thế thì tốt." Thực tâm lúc nào Hưng cũng mong như vậy.

Đã gần một năm nay không thấy Xuyến ghen tuông vô cớ nữa, Hưng mừng thầm và tự nhủ quyết không để xẩy ra những việc dẫn đến hiểu lầm. Vậy mà mới cách đây 3 ngày, Hưng lại nếm đủ cơn thịnh nộ của Xuyến. Khoảng 9 giờ sáng Hưng đang làm việc ở đơn vị thì có điện của dì Xuân: Mẹ bị cảm, Anh Thái đã cùng mấy người hàng xóm đưa mẹ xuống Bệnh viện tỉnh cấp cứu. Hưng vội báo cáo lãnh đạo xin nghỉ, lấy xe máy sang cơ quan đèo dì Xuân xuống bệnh viện. Khi đi qua ngã tư đầu cầu, Xuyến đang mua thuốc ở hiệu thuốc gần đấy, thấy Hưng đèo cô gái phóng như bay. Hôm đó cơ quan dì Xuân đang có hội diễn văn nghệ, dì ấy mặc váy ngắn và chiếc áo thun màu huyết dụ, ngồi sau xe máy hai chân vắt chéo nhau, Xuyến chỉ nhìn thấy sau lưng nên không nhận ra em gái mình. Xuyến nghĩ chắc là mang cô nào đi ăn trưa ở nhà hàng đây. Trở về nhà, trong lòng trào lên ấm ức, đi ra, đi vào, Xuyến nghĩ chẳng lẽ đang đi làm nhiệm vụ? Hay có ai đó đi nhờ xe của anh ấy? Không! Không phải đi nhờ. Xem dáng điệu không bình thường, mà lại phóng nhanh nữa chứ. Tức chết đi được, mình muốn đến tận nơi để mục sở thị xem họ ăn uống, hú hí với nhau, nhưng biết họ đang ở nhà hàng nào? Lần này về cấm có biện bạch.

 

Bỗng có chuông điện thoại reo, Xuyến cầm ống nghe, đầu dây bên kia là giọng của Hưng:

- Em đấy à?

- Lại cắt cơm trưa chứ gì? Biết ngay mà. Giỏi thì cứ đi đi, đi luôn thể  cũng được, con này cóc cần. Nói cho mà biết, đừng có mò về cái nhà này nữa nghe chưa! - Xuyến đặt mạnh ống nghe sau khi tuôn ra một tràng, không để Hưng nói được câu nào.

Chuông điện thoại lại reo tiếp. Xuyến đặt ống nghe ra ngoài, rồi chạy ra sân, vừa lúc con bé đi học về:

- Con chào mẹ! Mẹ đi đâu đấy?

- Tao đi tìm cái thằng bố mày! Suốt ngày đi ăn chơi nhảy múa, cơm nhà không ăn, toàn đi ăn cơm hàng, cơm chợ.

- Mẹ nấu cơm chưa mà tìm bố về ăn? Con đói lắm rồi.

- Không cơm nước gì sất! Đói thì gọi bố mày về mang đi ăn. - Nói rồi Xuyến quay trở vào, chạy lên gác nằm khóc hu hu. Con bé đứng ngây trong giây lát, nước mắt nó trào ra, nó rót cốc nước nguội đưa lên gác cho mẹ. Xuyến móc ví lấy năm nghìn đồng bảo nó đi ra quán mà ăn cơm đĩa.

Gọi điện về nhà báo tin không được, lại bị vợ trút cơn giận dữ, Hưng hơi bực, nhưng cái chính bây giờ là tập trung vào việc cứu mẹ. Do bị cảm đột ngột, bà cụ ngã dẫn đến chấn thương sọ não, bệnh viện làm thủ tục chuyển lên tuyến trên. Gần 1 giờ chiều Hưng và vợ chồng dì út mới đưa mẹ đến Bệnh viện Việt Đức. Sau khi các y, bác sỹ hồi sức bà cụ tỉnh lại, giọng yếu ớt, bà hỏi:

- Con Xuyến đâu...?

- Dạ! Nhà con chưa biết mẹ đi viện ạ - Hưng trả lời.

- Con gọi nó... ra đây cho mẹ...

- Con gọi rồi ạ, nhưng cô ấy không thưa mà bỏ máy ra ngoài, hình như cô ấy đang giận con. Để con gọi về đơn vị nhờ anh em vào nhà nhắn hộ.

- Con lại làm điều gì... để nó ghen phải không? Rõ khổ...

- Nếu có nhắn được cũng phải hai tiếng nữa cô ấy mới có mặt ở đây được ạ.

Bà cụ nhắm mắt thều thào:

- Mẹ yếu lắm rồi... Mẹ muốn gặp đủ các con... Mẹ muốn dặn riêng con Xuyến...

- Vâng! Để con gọi về cơ quan ạ.

Hưng bấm máy về cơ quan nhờ người vào nhà nhắn hộ. Khoảng 10 phút sau có điện của anh Đội phó: "Nhà khoá cửa đi vắng hết."

Lúc đó chú Thái từ ngoài vào nói nhỏ với Hưng:

- Anh ạ! Chú lái xe chờ lâu muốn về.

- Thôi được, để anh về theo lấy tiền thanh toán và đón chị chú ra gặp mẹ luôn thể.

Về đến thị xã, Hưng vào thẳng nhà cô Vinh, không có Xuyến ở đó, Hưng sang nhà cô Thắm, may quá gặp Xuyến ở đây. Vừa thấy Hưng, Xuyến đã nói như té tát vào mặt:

- Anh có người khác rồi còn tìm tôi làm gì? Đã ăn vụng lại còn điện về cắt cơm trưa.

 Hưng không nén được cơn giận:

- Tôi chưa thấy ai xử sự điên rồ như cô?

- Chứ không đúng à? - Xuyến đay nghiến -  Ăn chơi chán chê hết cả buổi trưa, sướng nhỉ?

- Cô im đi! Mẹ đang hấp hối ngoài Việt Đức kia kìa! Gọi về bao nhiêu lần mà vẫn bỏ máy ra ngoài. Thật không thể nào chịu nổi. Không mau đón xe ra bệnh viện, tôi sợ không kịp nghe mẹ trăn trối.

- Sao? Anh bảo sao? Mẹ ốm bao giờ?

- Mọi lần cô dỗi hay sang nhà ngoại, hôm nay sao không sang đấy có phải biết tin sớm không?

 

Xuyến bật khóc hu hu, chỉ gào được mấy câu: - ối mẹ ơi! ối mẹ ơi! Mẹ đừng bỏ con! - Rồi từ từ gục mặt xuống bàn ngất lịm. Thắm vội vào nhà lấy lọ dầu gió xoa cho Xuyến. Chờ Xuyến tỉnh lại, hai vợ chồng đón xe đi Hà Nội. Đến nơi trời đã tối, mẹ đã tắt thở trước đó một giờ đồng hồ. Công việc còn lại là đưa mẹ về làm tang lễ.

Đang nghĩ miên man, chợt Hưng bừng tỉnh khi có tiếng của dì Xuân:

- Nhà em đâu mà anh ngồi một mình?

- à chú ấy có việc về trước.

- Chúng em trú mưa trong kia, giờ mới tạnh, về đến đây thấy xe máy của anh, nên chúng em tạt vào.

- ừ, hai chị em uống nước gì để anh gọi? - Hỏi vậy nhưng Hưng vẫn gọi hai cốc nước chanh đá.

Uống hết cốc nước Xuyến mới lên tiếng hỏi chồng:

- Hôm nọ ngoài bệnh viện mẹ muốn dặn em điều gì ạ?

- Anh có biết đâu, hỏi dì út ấy.

Dì Xuân quay sang Xuyến:

- Mẹ không nói được nhiều. Mẹ chỉ muốn nhìn thấy đủ mặt con cháu. Mẹ nhờ em nói lại với chị là: Vợ chồng sống phải tin nhau, chồng chị là công an, nên đôi khi vì công việc mà có những chuyện dẫn đến hiểu lầm, chị không được nghi ngờ lung tung, ảnh hưởng đến sự nghiệp, công danh của anh ấy. Thế thôi.

Nghe xong, Xuyến vội lên xe máy quay trở vào nghĩa địa. Hưng và dì Xuân đi theo sau thấy Xuyến quỳ bên nấm mộ, hai tay chắp trước ngực, Xuyến nói với hương hồn mẹ điều gì chỉ có Hưng là hiểu rõ nhất.

Nguyễn Tiến Lợi
Số lần đọc: 2164
Ngày đăng: 16.12.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện sau trận lụt - Đổ Thị Hồng Vân
Đã đến lúc quay về nhà - Mường Mán
Dứt dây - Nguyễn Hiệp
Phòng trọ - Hồ Ngạc Ngữ
Mười hai bến nước đều trong - Trần Thị Ngọc Lan
Cuộc phiêu lưu của Hoa Anh Đào - Đổ Thị Hồng Vân
Khuôn mặt phòng họp - Trần Văn Bạn
Những quả thông rụng trên mái ngói cũ - Vũ Dy
Chồng già, vợ trẻ là tiên - Đặng Hoàng Thái
Mát - xa - Trần Trung Sáng
Cùng một tác giả
Ân hận (truyện ngắn)
Ghen (truyện ngắn)