HỮU LOAN:
Mầu Tím Hoa Sim
Nàng có ba người anh đi bộ đội
Nhưng em nàng, có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh.
Tôi
Người vệ quốc quân xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn nàng
không đòi may áo cưới
Tôi mặc đồ quân nhân
Đôi giầy đinh, vết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
Bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới xong là đi
Từ chiến khu xa nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến chinh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
Thì thương người vợ chờ,
bé bỏng chiều quê
Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người em gái nhỏ hậu phương
Tôi về không gặp nàng
Mẹ tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
Thành bình hương tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh
ngắm chưa đầy bụi
Em ơi giây phút cuối
Không được nghe nhau nói
Không được nhìn nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa Sim tím
Áo nàng mầu tím hoa Sim
Ngày xưa một mình
đèn khuya bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
Ngày xưa...
Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên
chiến trường đông Bắc
Biết tin em gái mất
Trước tin em lấy chồng...
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
Cỏ vàng trên mộ chí.
Chiều hành quân qua những đồi Sim
Những đồi Sim
dài trong chiều không hết
Màu tím hoa Sim
tím chiều hoang biền biệt
Nhìn áo rách vai,
tôi hát trong màu hoa:
''Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm,
mẹ già chưa khâu''(**)
H.L 1949
(Từ đây trở xuống - đoạn thơ này mới được tác giả bổ xung, công bố ... Tôi chép đüa vào để bạn đọc tham khảo)
‘‘Có ai ví như từ chiều ca dao nào xa xưa
''Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có
Mẹ gìa chưa khâu ''
Ai hát vô tình
hay ác ý với nhau
chiều hoang tím
có chiều hoang biết.
Chiều hoang tím
Tím thêm mầu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong mầu hoa.
''Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm...''
Màu tím hoa Sim
tím tình tang
lệ rớm
Ráng vàng mạ
Và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn
Theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh
Vào thăm thẳm chiều hoang
Mầu tím.
Tôi ví vọng về đâu ?
Tôi với vọng về đâu ?
Áo anh nát chỉ dù lâu‘‘.
H.L. Nghệ An 1949
------------------------------
VŨ CAO :
Núi Đôi
Bảy năm về trước em mười bẩy
Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng
Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa
Bữa thì em tới bữa anh sang
Lối ta đi giữa hai sườn núi
Đôi ngọn nên làng gọi núi Đôi
Em vẫn đùa anh sao khéo thế
Núi chồng núi vợ đứng song đôi
Bỗng cuối mùa chiêm quân giặc tới
Xóm Chùa cháy đỏ những thân Cau
Mới ngỏ lời thôi, đành lỗi hẹn
Ai ngờ từ đó vắng tin nhau
Anh vào bộ đội lên Tây Bắc
Chiến đấu quên mình năm lại năm
Mỗi bận dân công (*) về lại hỏi
Ai người Xuân Dục, Núi Đôi chăng.
Anh nghĩ quê ta giặc chiếm rồi
Trăm nghìn căm uất bao giờ nguôi
Mỗi đêm súng nổ vành đai địch
Sương trắng người đi, lại nhớ người
Đồng đội có nhau thường nhắc nhở
Trung du làng xóm vẫn chờ trông
Núi Đôi bốt dựng kề ba xóm
Anh vẫn đi về những bến sông.
Nao nức bao nhiêu ngày trở lại
Lệnh trên ngừng bắn anh về xuôi
Hành quân qua tắt đường ngang Huyện
Anh ghé thăm nhà, thăm núi Đôi
Mới đến đầu ao tin sét đánh
Giặc giết em rồi, dưới gốc thông
Giữa đêm bộ đội vây đồn Thứa
Em sống trung thành, chết thủy chung
Anh ngước nhìn lên hai dốc núi
Rừng thông, bờ cỏ, con đường quen
Nắng lại bỗng dưng mờ bóng khói
Núi vẫn đôi mà anh mất em
Dân chợ Phù Ninh ai cũng bảo
Em còn trẻ lắm nhất làng trong
Mấy năm cô ấy làm du kìch
Không hiểu vì sao chửa lấy chồng.
Cha mẹ dìu nhau về nhận đất
Tóc bạc thương từ mỗi gốc cau
Nứa gianh nửa mái nhà che tạm,
Khuya sớm khuây dần chuyện xót đau.
Anh nghe có tiếng người qua lại
Ta gắng mùa sau lúa sẽ nhiều
Ruộng thấm mồ hôi từng nhát cuốc
Làng ta rồi đẹp biết bao nhiêu
Nhưng núi còn kia anh vẫn nhớ
Oán thù còn đó anh còn đây
Ở đâu cô gái làng Xuân Dục
Đã chết vì dân ở đất này
Ai viết tên em thành liệt sỹ
Bên những hàng bia trắng giữa đồng
Nhớ nhau anh gọi: Em, đồng chí!
Một tấm lòng trong vạn tấm lòng
Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm.
V.C . Tháng 12/1956
Ghi chú:
(*) - Dân công là những Nông dân, Dân nghèo ở các tỉnh từ Thanh Hoá trở ra, thời chiến tranh chống Pháp, Ủy Ban Kháng Chiến - Hành chính các địa phương huy động đi phục vụ các mặt trận, làm nhiệm vụ tải đạn, tải lương thực... Các chiến dịch kết thúc, họ lại trở về quê tiếp tục làm ruộng....
-------------------------------
GIANG NAM:
Quê Hương
Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương trên từng trang sách nhỏ
''Ai bảo chăn Trâu là khổ'' (1)...
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Những ngày trốn học
Đuổi bướm cạnh cầu ao
Mẹ bắt được, chưa đánh roi nào đã khóc
Cô bé nhà bên nhìn tôi cười khúc khích...
Cách mạng bùng lên
Rồi kháng chiến trường kỳ
Quê tôi đầy bóng giặc
Từ biệt mẹ tôi đi
Cô bé nhà bên (có ai ngờ !)
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi)
Giữa cuộc hành quân không nói được một lời
Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại
Mưa đầy trời, nhưng lòng tôi ấm mãi...
Hòa bình, tôi trở về đây (2)
Với mái trường xưa, bãi mía, luống cầy
Lại gặp em thẹn thùng nép sau cánh cửa
Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ
Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi) !
Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi
Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng
Hôm nay nhận được tin em
Không tin được dù đó là sự thật
Giặc bắn em rồi quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích em ơi
Đau xé lòng anh, chết nửa con người
Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi.
G. N
(1) - Một bài viết trích trong Quốc văn gíao khoa thư, xuất bản trước 1945.
(2) - Đoạn này, tác gỉa nói về thời điểm Hòa bình năm 1954 (Kháng chiến chống Pháp). Các chiến sĩ trở về thăm nhà trước khi đi tập kết? Còn đoạn kết là lúc tác gỉa về trong chiến tranh chống Mĩ…