TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN:
* The World of CHÓE – NXB Glade Publications – 1973
* Tham dự triển lãm tranh biếm họa đề tài về phụ nữ tại Tokyo, 1975
* Cộng tác với hầu hết các báo, tạp chí thành phố. Đặc biệt với báo Lao động (ký Trần Ai ), báo Phụ nữ Thành phố.
Theo Huy Tưởng kể lại, khoảng năm 1972, Viên Linh, chủ biên tờ báo Diễn Đàn, anh mời Nguyễn Hải Chí vẽ tranh minh họa. Chí đồng ý nhưng mãi loay hoay tìm cho mình một bút hiệu chưa ra. Bạn bè góp ý… chí chóe cả lên. Cuối cùng tên thật lột xác thành bút hiệu, từ Chí ra CHÓE, họa sĩ biếm họa ra đời từ đó (?). Tôi dè dặt đặt dấu hỏi vì trước đó, Nguyễn Hải Chí đã xuất hiện trong làng báo Sài Gòn như một cây bút viết truyện ngắn, hẳn anh cũng đã vẽ nên Viên Linh mới biết mời anh vẽ minh họa cho tờ Diễn Đàn.
Trước năm 1975, khi đất nước còn chiến tranh triền miên, tranh biếm họa của Chóe xuất hiện trên các báo như một hiện tượng. Cái lối vẽ lột tả được cá tính, “tinh tướng” của từng nhân vật khiến nhiều đối tượng tai to mặt lớn xẩu mình xẩu mẩy vì CHÓE nhưng, há miệng mắc quai… tự do báo chí nên tranh biếm họa của CHÓE cứ thừa thắng xông lên. Lịch sử báo chí Việt Nam, biếm họa đã có từ trước rất lâu, điển hình là các nhân vật Xã Xệ, Lý Toét, Quận Hách. Sau năm 1954 có Tám Sạc Ne… nhưng cả hai thời kỳ vừa kể ký họa báo chí còn thô sơ, chủ yếu ở ý, và phần minh họa chỉ tượng trưng chưa chuyên nghiệp. Chưa trở thành một vũ khí lợi hại hỗ trợ đắc lực cho báo viết. Trong nhiều trường hợp, tranh biếm họa còn đi trước báo viết trong sứ mạng công kích những thành trì cản sức đi lên của xã hội, vì những ưu thế đặc trưng của tranh biếm họa.
Có thể nói chiến tranh và nền chính trị bất ổn ở miền Nam trước năm 1975 đã góp phần hình thành một họa sĩ CHÓE, nhạy bén, sắc như dao, nhanh như tia chớp, tinh tế như chưa bao giờ có. Đối tượng của CHÓE là những nhân vật có ảnh hưởng lớn đến cả một chế độ, một quốc gia, ở bất cứ nơi nào trên trái đất. Tôi “mê” cái mũi của ông tổng thống Nixon qua ngòi bút sắt đặc tả của CHÓE. Chân dung cầm tinh con chuột của ông Nguyễn Văn Thiệu nói lên được cá tính ranh ma của “chàng tý”, bất cứ nhân vật nổi cộm nào cũng không trượt khỏi tầm ngắm của CHÓE. Con người đặc biệt ấy như có “kính chiếu yêu”, nhìn ai cũng thấy chân tướng kẻ đó, dù là anh nhìn méo mó, lộn tùng phèo. Các nhân vật qua nét bút sắt của CHÓE, tất cả đều biến dạng, để lộ cái thật nhất phần nhiều đều muốn che giấu. Thật may nếu sinh ra và thành danh ở thời phong kiến, có lẽ CHÓE khó vượt qua tuổi hưởng dương. Cùng với thời CHÓE, có Ớt, một họa sĩ biếm họa khác, cũng đa tài như CHÓE, ngoại hình cũng có những nét hấp dẫn riêng nhưng ở vị trí lúc bấy giờ, Ớt không thể có cái nhìn rộng, phóng khoáng như CHÓE. Chúng ta ai cũng biết Ớt chính là Huỳnh Bá Thành, một thời sôi nổi với “vụ án hồ Con Rùa”. Tất nhiên, ta không so sánh Ớt với CHÓE dù chỉ thuần túy hai cây viết sắt, bởi điều kiện của hai người rất khác nhau, tài năng cũng khác nhau. Nếu sự xuất hiện của họa sĩ biếm họa CHÓE mở đầu cho một thời kỳ mới của biếm họa với nội dung ở biên độ vô giới hạn, ngược lại, Ớt bị khoanh vùng trong nhiệm vụ “mật” của mình. Tôi nghĩ, đó cũng là một lý do làm hạn chế tài năng của Ớt.
Năm 1973, nhà xuất bản Glade Publications, Hoa Kỳ tập hợp phần lớn những tác phẩm biếm họa rải rác trên các tờ báo ở Sài Gòn, in thành một tuyển tập có tựa đề là Thế Giới của CHÓE (The World of CHÓE), với tác phẩm này, tên tuổi của CHÓE thực sự vượt ra khỏi biên giới.
Sau năm 1975, Hồ Thành Đức cho tôi mượn cuốn Thế giới của CHÓE nguyên bản bằng tiếng Anh, lúc này tôi càng hiểu vì sao CHÓE lại nổi tiếng rất nhanh, không chỉ ở Việt Nam. Trước đây, xem tranh biếm họa của CHÓE đăng lẻ tẻ ở các báo, tuy có thích nhưng chưa “đã”, bây giờ được xem bản in ở một nước có kỹ thuật in ấn bậc nhất, tranh biếm họa của CHÓE không chê vào đâu được. Nét vẽ sắc như gươm, mạnh như thác, thâm thúy mà hài hước. Phần nhiều tranh biếm họa của ta được ở nội dung, yếu ở hình thức và ngược lại. Nhược điểm mạnh ở “biếm”, yếu ở “họa” đã được CHÓE xóa bỏ. CHÓE là một trường hợp hiếm hoi, anh xuất hiện đúng lúc, kịp thời, cả một thời bi thảm hậu quả của chiến tranh, đặc biệt trong thời kỳ quân đội của Mỹ đổ quân ồ ạt xuống miền Nam Việt Nam, những kẻ có tiếng nói quyết định trong cuộc chiến ấy đều không thoát khỏi ngòi bút biếm họa độc đáo của CHÓE. Tranh của CHÓE trong thời kỳ hun đúc Trịnh Công Sơn thành một nhạc sĩ phản chiến, biếm họa của anh vừa mang tính nhân bản, tính tố cáo bàng bạc một chút nỗi buồn thân phận nhược tiểu. Điều mà trong suốt lịch sử tồn tại của đất nước, chiến tranh là điều chẳng ai mong muốn nhưng nó vẫn đến.
Có thể nói thập niên bảy mươi là thời kỳ tài năng của CHÓE phát tiết cực độ. Ta có một CHÓE sức mạnh sung mãn, trí tuệ minh mẫn, nhanh nhạy, táo bạo. Hầu như toàn bộ tranh biếm họa có giá trị của CHÓE đều được vẽ trong thời kỳ này. Sau năm 1975 hình như CHÓE tạm gác chuyện vẽ vời qua một bên, và, nếu có vẽ, chỉ là những bức chân dung hoặc phong cảnh thông thường, cả hai mảng này đều không phải sở trường của CHÓE. Tôi có biết một cuộc triển lãm tranh chân dung các danh nhân khá thành công của CHÓE, phần lớn tranh đều được “gắn nơ” nhưng hình như cuộc triển lãm báo hiệu một điều gì đó về một tài năng đã bước qua thời kỳ đẹp nhất. Cho dù năm 1990 CHÓE cộng tác với báo Lao động số chủ nhật.
Anh vừa vẽ tranh biếm họa vẫn ký tên CHÓE, và một góc tranh liên hoàn ký tên Trần Ai nhưng tôi không nhận ra một CHÓE tôi đã từng biết, cả về mặt tạo hình cũng như ý tưởng. Ngay khi anh cộng tác với một tờ báo có số lượng độc giả khá lớn như báo Phụ nữ Thành phố tôi vẫn không thể tìm lại những nét vẽ, ý tưởng đã tạo nên tên tuổi của CHÓE. Phải chăng chiến tranh đã qua rồi, những đề tài “xương máu” đã tạo nên tài năng CHÓE cũng đã qua? Có một điều chắc chắn, một sự thật bất cứ ai, dù không muốn vẫn phải chấp nhận, CHÓE đã bước qua thời kỳ đỉnh cao của mình, của tất cả chúng ta, những người ở lứa tuổi với CHÓE, cũng đã bước qua phía bên kia ngoài sườn đồi đời người. Chúng ta hàng ngày đang nhận ra những âm vang bản thân vọng về từ quá khứ. Thêm một yếu tố nữa góp phần hạn chế tài năng cu ả CHÓE, đó là bệnh tật, thị lực giảm sút là một mất mát rất lớn đối với một họa sĩ, vẽ mà phải dùng kính lúp mới thấy mờ mờ nhân ảnh quả thực đau xót. Khoảng năm 1990, Triệu Từ Truyền, chủ biên tuần báo Bông Trang mời CHÓE cộng tác, tôi được đọc những dòng văn xuôi của CHÓE. Văn nhát gừng nhưng viết rất thông minh. Chỉ tiếc tờ Bông Trang ra được mấy số thì… héo. Nói chung, tuy không được đọc nhiều truyện ngắn cua CHÓE nhưng tôi cũng cố hình dung được bút pháp của anh, cố tạo cho mình một phong cách riêng (như anh đã thành công trong hội họa) nhưng văn chương là một lãnh vực hoàn toàn khác, không thể tự tạo cái mà ta không có, rất nhiều nhà văn trả giá bằng cuộc đời để rồi cuối cùng nhận ra một sự thật: cây bút mà ta cầm đã tự vẽ ra những chặng đường đau khổ để ta đi, đi mãi chẳng đến đâu.
Ngoài văn xuôi CHÓE còn làm thơ, sáng tác ca khúc, kịch bản phim… có một số người được Thượng Đế ưu ái, tặng cho vô số tài năng, như Văn Cao chẳng hạn, ông sáng tác ca khúc, làm thơ, viết văn, vẽ tranh, lãnh vực nào cũng tinh. Trịnh Công Sơn cũng thế, họ là những bậc tài hoa quý hiếm.
Đã từ lâu tôi định viết đôi điều về CHÓE, những cảm nhận rất riêng. Nhưng, để viết được tôi chờ một cơ hội đẹp, viết hoàn toàn bằng sự thật, khen cái đáng khen, không ngại “nói điều chẳng thể nói ra” (thơ Trần Thương Bá). Và tôi quyết định bài viết về CHÓE sẽ là bài cuối cùng trong bộ sách Những trang sách khép mở, tập 3, khép lại một thời kỳ, trong đó có những cuộc đời đã hoàn toàn nghỉ ngơi, và những cuộc đời chưa bao giờ êm ả vẫn không nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi trong đó có CHÓE, dù thị lực chỉ còn 1/10 vẫn “một bóng mình nhúc nhích giữa đường xuân” (Tuổi 60, Trần Hoài). Năm 1995, CHÓE tham dự cuộc triễn lãm biếm họa Á Châu, tổ chức tại Nhật Bản, nếu tôi nhớ không lầm CHÓE đem theo 20 bức biếm họa (nếu có bạn nào nhớ con số chính xác xin đính chính giùm). Tôi may mắn được xem một số tranh tham dự triễn lãm của CHÓE.
Cảm nhận hội họa của tôi lúc ấy mênh mang lắm. Vẫn còn đó một CHÓE độc đáo, sâu sắc, tính nhân bản bao trùm nhưng tôi vẫn cứ ngờ ngợ, hình như cảm giác về một cửa biển, một hợp lưu mênh mênh mang mang ẩn chứa trong tranh của CHÓE. Và rồi, tôi đã nhận ra tranh của CHÓE ra nước ngoài đã mang xu thế toàn cầu, điều này, với nhiều người hẳn là tất nhiên. Nhưng, với riêng tôi, càng yêu quý tranh CHÓE vẽ trong nửa đầu thập niên 70 hơn. Hình như tôi là kẻ hoài niệm. Với tôi, quá khứ là một kho tàng, tương lai chỉ là lời hứa, khi có và cả có khi trống rỗng. Thử nghĩ lại xem, sau CHÓE, cả một đội ngũ vẽ tranh biếm họa nhưng tìm trong số họ một người khả dĩ xứng đáng, hầu như chẳng có ai, dẫu bây giờ, chỉ riêng ở Sài Gòn đã có mấy tờ báo cười. Chỉ cười thôi cũng đã gượng gạo, nói gì đến biếm.
Mùa mưa được báo hiệu bởi mây đen và những cơn giông. Bài viết này tôi viết trong dồn dập những tin buồn về CHÓE, thế là CHÓE đã ra đi. Tôi đọc một câu thơ đã đọc cách đây hơn 40 năm: thêm một người đi bỏ bạn bè (thơ Hà Liên Tử) để tiễn CHÓE. Cuối cùng rồi ai cũng phải ra đi, đó là quy luật. Chỉ khác nhau ở chỗ đi như thế nào. Với những gì để lại, CHÓE đã có một cuộc ra đi thật sang, ở tận bang Virginia, Hoa Kỳ, anh là một trong những người Việt Nam từ biệt cõi tạm diệu vợi nhất. Cõi tạm với những phiền toái và sự cuốn hút của nó, ra đi chẳng dễ chút nào. Còn người ở lại như ngọn đèn dầu thương nhớ ai mà cứ hao hao…
Tôi vốn muốn viết một điều gì đó, về một CHÓE sinh động giữa bạn bè, một CHÓE bất chấp mọi quy luật cho đến giây phút cuối cùng. Tôi không hề muốn viết những lời phân ưu, cả cuộc đời ta đã tự phân ưu với chính mình, viết làm gì những lời ai điếu. CHÓE ơi, nhớ hôm nào ông hỏi tôi bây giờ ở đâu? Tôi đã trả lời vẫn lang thang ở Sài Gòn, và bây giờ cho đến bao giờ – vẫn thế? Vẫn một câu trả lời cho đến khoảnh khắc còn lại của thế kỷ.
Khoảnh khắc tháng 05-2003