I. Ông Chín ngồi bệt xuống đất, mắt trân nhìn ngôi mộ vừa mới xây. Điếu thuốc rê đã cháy tàn, nhưng vẫn còn dính một mẩu trên khoé miệng. Gió chiều thổi lộng, trời tối sầm lại. Đằng Đông hình như có mưa, chớp giật lập loè.
Ông lẩm bẩm: “Thôi, bà nằm ở đây, tui về coi nhà. Chắc đám thằng Si Na đi qua nhà thím Sáu coi đá banh hết rồi!”. Chỉ mới nói vậy, nước mắt ở đâu tuột dài xuống đôi gì má nhăn nheo, hóm hém. “Bà cũng biết mà, xưa nay tui nhát thít, mà cũng hay tủi thân. Tôi có khóc bà cũng đừng chê tui, đàn ông gì… Tại bà bỏ tui, đi một mình. Mà tui hận thằng Tám Ngó – Trưởng đồn Cầu Tre hồi trào ông Thiệu. Nó ác lắm! Mấy chục năm rồi mà sao trời không vật nó chết toi cho rồi.
Mà mấy cha Việt Cộng cũng trật đời, cái thằng ác ôn, tối ngày dẫn lính đi ruồng bố, hết bắt người này tới người nọ, vậy mà cứ để nó sống nhăn, con đàn cháu đống. Thân bà ốm nhách như vầy, giày đinh nó nện vô ngực nghe ình ình. Ngồi ở dưới hầm với chú Hai, chú Tư, tui cứ kêu trời trong bụng. Giả như mà nó không đánh bà, bà đâu có bệnh tật liên miên, bà đi, bỏ một mình tui, tối nằm sợ ma thấy ông bà, ông vãi. Tui thù. Từ hôm bà đi tới bây giờ, tui mài cây rựa sáng dới. Kỳ này, tui ra thị trấn kiếm thằng Tám Ngó xử nó. Bà tưởng tui không xử nó được hả? Già thì già, tui vẫn còn nhớ mấy miếng Ngọc Trản bà dạy tui mấy năm Đồng Khởi. Tôi chém nó, rồi tui chết theo bà cho trọn nghĩa phu thê”.
Mưa lất phất. Ông Chín quờ tay chụp cán rựa, chống xuống đất, run run đứng dậy. Ông dợm bước nhưng thấy mấy lá tre khô theo gió bay sà xuống, đáp trên mặt ngôi mộ lát gạch men. Ông vừa quơ quơ tay phủi, lại vừa lẩm bẩm: “Bà ráng đợi tui vài bữa. Xong việc, tui xuống dưới gặp bà, gặp chú Hai, chú Tư luôn thể”. Ông vác cây rựa trên vai, ngọn rựa vẽ nửa đường tròn sáng rợn như ánh chớp giật ở đằng Đông.
*
II. Nghe Si Na thuật chuyện qua điện thoại, tôi cười khà khà: “Mày tính làm bác Ba Phi xứ Trảng hả? Giải phóng mấy chục năm rồi, thù gì cũng quên trất. Mà chú Chín năm nay cũng tám mươi mấy, già lụm khụm, lại nhát như thỏ đế, chém được ai hả mậy? Cái thằng… sạo thiệt!”. Tiếng Si Na chửi thề trong máy, rõ mồn một: “Đ. má! Tui mà sạo với anh, trâu đụng tui lòi ruột. Ngày nào, ổng cũng mang cây rựa ra mài. Bữa hổm, ổng tính đón xe ôm ra Thị trấn kiếm cha Tám Ngó. May thời, anh Bảy bí thư ấp hay chuyện chạy theo cản ổng lại. Tụi tui tính giấu cây rựa, nhưng ổng hăm, tụi tui mà cản, ổng đập đầu vô mả bà già. Bây giờ, cả dòng, cả họ chỉ có anh làm việc trên tỉnh, nói năng có lớp, có lang, may ra ổng nghe. Anh thu xếp về dùm tui!”.
Rốt cuộc, nghe Si Na năn nỉ, dù không tin nhưng tôi cũng phải về Trảng xem chuyện ông Chín thế nào. Hoá ra, ông mài rựa thật, và cũng định chém Tám Ngó thật. Gặp tôi, ông réo Si Na cắt cổ gà nấu cháo.
Lại mưa, tháng sáu là vậy. Ông Chín đưa ly rượu lên môi, chấp chấp rồi ngửa cổ rút cái trót. Hình như lâu lắm rồi ông mới đụng tới ly rượu, nước mắt, nước mũi trào ra, giọng nghèn nghẹn: “Thằng Năm nè! Nếu lỡ tao có bề gì, mày nhớ nhắc thằng Si Na chôn tao kế bên bả, cái huyệt tao đào sẵn rồi”. Ông nói như trối, gặp lúc gió thổi thốc hơi nước mưa vào nhà, tôi phát rùn mình.Suốt cuộc nhậu, dù tôi hết lời can ngăn, nhưng ông Chín vẫn gạt ngang. Tôi ráng ở lì thêm, dụng kế “nước chảy đá mòn” nhưng lòng ông vẫn không lay chuyển. Chịu thua, tôi đành quảy giỏ trở lên tỉnh. Trước khi đi còn dặn Si Na với anh Bảy bí thư ấp ngó chừng ông Chín.
*
III. Hơn tháng sau, ông Chín mất!
Ở đời, xẩy cha còn chú, biết rằng ông sống tới từng tuổi đó cũng thọ lắm rồi, nhưng khi Si Na đưa mảnh khăn tang, tôi bật khóc. Si Na cứng hơn tôi, mắt chỉ hoe hoe đỏ, rít thuốc liên miên, giọng trầm đục: “Anh về được ba ngày, anh Bảy bí thư ra Thị trấn họp, về báo lại: Không biết ai tâu chuyện cha tụi đòi chém trả thù, ông Tám Ngó hoảng quá, lên tăng-xông, rồi liệt nằm một chỗ. Cha tui nghe anh Bảy kể, ổng không nói không rằng, lên nhà thờ đốt nhang cho bà già, khấn vái gì đó rồi vác cây rựa ổng mài hổm rày quăng xuống giếng. Cách đây mấy bữa, tự dưng ổng kêu tui mua mấy lon nước yến, chở ổng ra Thị trấn thăm Tám Ngó. Thấy ổng cũng quên chuyện trả thù, tui chở đi. Ra tới ngoải, thấy cha tui vô, cả nhà Tám Ngó giật mình. Ai ngờ, ổng vô tới trong buồng, vỗ vai Tám Ngó: Ráng mà tịnh dưỡng cho lại sức để còn sống với con, với cháu”.
Nói tới đó, đột nhiên Si Na khóc ngất: “Mà anh coi, tội tui lớn bằng trời. Suốt mấy ngày trời, chiều nào cha tui cũng ra thăm mả bà già tới chập tối mới về. Hôm qua, mưa tầm tã, tui lại mê coi mấy thằng Hàn Quốc đá banh bên nhà thím Sáu. Chừng về nhà hỏi vợ con, hổng ai biết ổng đi đâu. Quáng quàng chạy tứ tung. Ra mả bà già, thì… thấy… ổng gục kế bên”.
*
Lời tác giả: Kính thưa quý độc giả! Đây là câu chuyện có 50% sự thật mà tôi nghe được trong một lần về thăm xứ Trảng. Tôi đã thêm thắt 50% hư cấu để cho ra truyện. Thật tình, nhân vật ông Chín vẫn còn sống. Suốt hơn một năm trời sau ngày vợ ông mất, chiều nào ông cũng ra giếng nước sau nhà mài ngọn rựa bén ngót, luôn đòi ra Thị trấn tìm nhân vật Tám Ngó “chém xả thây”. Trước giải phóng, hồi còn làm Trưởng đồn Cây Tre, biết bà Chín đào hầm giấu cán bộ trong nhà, nhưng tìm hoài không ra, Tám Ngó đạp bà Chín té lăn ra đất, đám lính còn nện thêm mấy báng súng vô ngực. Ông Chín hận, cứ cho rằng vì đòn thù của Tám Ngó mà bà Chín bệnh hoạn liên miên, bỏ ông đi trước.
Cả ấp biết chuyện nên chẳng ai dám nhận lời chở ông Chín ra Thị trấn. Vả lại, Si Na cũng canh chừng kỹ lắm. Ngày nào, ông cũng mang cây rựa, lụm khụm ra thăm mộ bà Chín. Nhưng cả ông Chín, Si Na, anh Bảy bí thư đều không biết một chuyện: Tám Ngó đã đi xuất cảnh qua Mỹ diện H.O dạo chín mươi mấy. Nghe đồn qua đó ở nhà thằng con trai tại quận Cam. Một đêm đông, tối trời, thằng con trai đi làm về thấy Tám Ngó gục chết trong chiếc ghế bành đặt cạnh lò sưởi chưa kịp đốt.