I. HƯU
Hưu.
Lẩn quẩn trong nhà, hết tỉa mai, quay sang chăm sóc bầy cưỡng, sáo… ông có cảm giác như thời gian của một ngày sao thật dài.
Một tuần trôi qua. Ông quyết định mua một chiếc xe đạp, mỗi sáng đạp vòng vòng, quanh quanh cho khoẻ người. Nhưng, hình như ông đã quên cách chạy xe đạp, ra đường cứ loạng choạng, mấy lần chực té.
Hơn hai mươi năm rồi còn gì! Dạo tám mươi mấy, thấy thiên hạ đua nhau chạy chọt để mua cúp “tiêu”, ông cũng ráng chắt mót làm một chiếc cánh én. Thời ấy, mỗi lần tành tạnh chạy vào cơ quan, cũng oai phong lắm!
Lên Phó giám đốc, ông mua “giấc mơ” Thái. Lên Giám đốc, ông viện cớ nhà xa, bắt tài xế cơ quan sáng đến rước, chiều đưa về.
Hưu.
Ngồi quán cà phê, một mình, lẩm nhẩm tính. Ừ, ông nghỉ hưu được hai tuần rồi. Tự dưng, ông nhớ cơ quan: nhớ tay trưởng phòng bụng phệ, nhớ con kế toán chân dài, nhớ thằng tài xế hay lép cha, lép chép, nhớ cái ghế bành xoay xoay… Bất giác, ông nhếch môi cười. Cũng lâu rồi, chẳng thấy ma nào tay xách, nách mang đến nhà ông, bày chuyện nhậu nhẹt.
Hưu.
Vợ ông bảo: “Nghỉ ở nhà, thôi thì ông thay tôi chợ búa cho đỡ buồn”. Con dâu ghi hẳn một tờ sớ: thịt giá này, cá giá kia, rau giá nọ…, nó sợ ông ra chợ, ngơ ngơ ngác ngác, dễ mắc lừa.
Thì đi! Ngày đầu tiên đi chợ. Bà vợ, con dâu cứ than trời khi thấy ông xách về cả ký thịt xanh mỉu… Ông giận đỏ mặt, tía tai, định quát. Nhưng ngẫm nghĩ, lại thôi, âu đó cũng là bài học đầu tiên của người về hưu.
Hưu.
Sáng, dắt xe ra, ông định bụng sẽ ghé ngang cơ quan, gom mớ sách lúc còn làm Giám đốc ông mua, nhưng cứ chất đầy trên kệ, chẳng buồn đọc.
Đạp xe, nhưng tâm trí ông cứ lan man: Có khi nào tay trưởng phòng, con kế toán, thằng tài xế thân tín lúc trước chẳng buồn ngó mặt ông không? Lẽ đời, gió chiều nào, nghiêng chiều ấy!
“Két… két… két”. Tiếng thắng xe rít bên tai, ông giật mình ngoặt vội ghi- đông vào lề, đâm vào gốc cây. Cũng may, ông chỉ rớt nguyên bàn toạ xuống đường, ê ẩm. Phía trước, cửa xe chiếc ô tô biển số xanh bật mở. Lúc ông gượng đứng dậy, nghe tiếng hét: “Chạy kiểu gì kỳ vậy, ông già! Muốn chết hả?”. Quen lắm, tiếng ai như thằng tài xế cơ quan ông. Ông quờ tay vào túi áo tìm kính. Chưa kịp đeo, ông lại nghe tiếng thằng tài xế: “Chết cha!”.
Khi ông đeo được kính, chiếc xe vừa rồ ga chạy.
Ông chắt lưỡi, xoa mông, đau đến rơi nước mắt!
II. TÁM
Tám ngồi bệp xuống sàn gạch lạnh tanh. Nó khóc. Nước mắt trào ra ràn rụa, nhưng không có tiếng. Nó lên trường giáo dưỡng đã ba tháng rồi, nhưng không ai lên thăm. Đám học viên cùng phòng nhạo: “Đồ hiếp dâm con nít, trời chưa đánh nó là phước, ở đó mà trông với chờ người nhà thăm nuôi”.
“Mẹ ơi! Cha ơi! Phải chi con có đủ can đảm để chết! Phải chi trưa hôm đó con đừng theo anh Tèo, anh Tí ra quán bà Ba chủ vựa phân tro xem vi-đô, thì đâu có chuyện con nhìn thấy những cảnh kỳ cục, đâu có chuyện người ngợm tự dưng nóng phừng phừng, đâu có chuyện làm bậy với bé Lài” – Vừa khóc, Tám vừa nguệch ngoạc viết trên tờ giấy nó xin chú giám thị, định gởi về nhà.
Gấp lá thư lại, nhét xuống gối. Ngoài song cửa sổ, mưa ì ầm, những cành phượng đỏ đong đưa. Bây giờ, chắc đám bạn học cùng lớp với nó đã nghỉ hè, sang năm là vô lớp tám. Không biết có đứa nào còn nhớ thằng Tám “Văn Quyến”, nổi tiếng nhất trường với cái tài lừa banh “chọc khe”, “xỏ chỉ”. Nhà Tám nghèo, cha mẹ nó làm quần quật quanh năm, suốt tháng cũng chỉ dựng nổi một nơi đủ che nắng, che mưa. Vách đất nhưng hơn cái chòi một chút vì lợp bằng mớ thiếc cũ mua lại của người ta. Mấy lần Tám đòi nghỉ học đi làm mướn. Cha nó chỉ ngọn roi mây giòng bò: “Liệu hồn, đời tao, đời mẹ mày cực khổ! Ráng mà học hành, sau này còn lo được cái thân!”.
Vô trường giáo dưỡng, mấy chú giám thị bảo: “Ráng mà học hành, cải tạo tốt!”. Mỗi lần nghe câu đó, Tám khóc. Nó nhớ cha.
*
Lại đến ngày thăm nuôi.
Thằng Tám nhảy dựng lên khi chú giám thị bảo, có người nhà lên thăm.
Mẹ nó xanh xao, má hóp lại, đôi tay gầy guộc cứ giữ chặt lấy tay Tám như sợ nó biến mất khỏi cõi đời này. Nó cười: “Mẹ, cha đâu? Sao không lên thăm con?”. Mẹ nó trân mắt nhìn. Hồi lâu, bà nói: “Cha mày đi, bò ai giòng? Đậu ai tưới? Ở đây, ráng mà học hành nhen con…!”. Nói tới đó, mẹ nó khóc, mặt úp vào lòng bàn tay nó. Tám khép chặt những ngón tay như muốn hứng tất cả những giọt nước mắt ấy.
Nhìn đám học viên cùng phòng tranh nhau mớ quít mẹ nó gởi lên, thằng Tám cười- nụ cười tươi nhất trong suốt bốn tháng nó lên trường giáo dưỡng.
Tám đâu biết, ngoài cổng rào, mẹ nó ngồi bệp xuống đất, khóc nấc. Suốt một tuần sau khi nó được đưa lên trường, ngày nào cha nó cũng uống rượu. Một đêm mưa, cha nó gục xuống, cạnh bên hàng rào dâm bụt nhà bé Lài.
III. TRINH TIẾT
Nàng là ca sĩ, chàng là nhạc công guitar bass, hai người chỉ quen nhau khi nàng một mình đến bar nhạc sống mang tên “Thằng Bờm” – nơi chàng làm công - trong một ngày không show diễn.
Ngẫu hứng, nàng lên sân khấu, đăng ký hát chơi.
Tay quản lý bảo: Con nhỏ chịu chơi lắm, thích là overnight liền. Không tin, mày hỏi thằng Tòng organ hay thằng Tống drum thử xem.
Thằng Tòng kể: Tao không biết, chỉ nghe đồn, có lần hát ở Cây Dầu, nó mê thằng trưởng nhóm nhạc “Chó điên” chơi guitar. Thế là, nó vừa hát, vừa ghì chặt thằng đó, cạ tới, cạ lui, uốn éo, không khác gì mấy con ca-ve múa cột.
Thằng Tống kể: Tao cũng không biết, nhưng nghe đồn, có lần nó từ bar “Bướm đêm” bước ra. Vừa phê thuốc lắc, vừa phê rượu mạnh, oặn ẹo, gặp thằng Tình “công tử Bạc Liêu”, nó vạch áo, chìa ngực hỏi: Em đẹp không?
Nghe kể, chàng cười hô hố, nghĩ thầm: Thắm ca-ve xách đít theo thằng Việt Kiều, bỏ mình cô đơn. Hay “cưa” thử em này xem, ít gì cũng qua được mùa mưa.
Đưa đón – đón đưa – đưa đón… ca sĩ hạng trung, nhưng nàng đẹp, nàng sexy, nên phải vất vả lắm, tốn năm bảy vé để mua quà này, quần áo nọ. Một đêm, vắng show, nàng buồn, uống say mèm, mới chịu để chàng đưa về phòng trọ.
Sáng, chàng định gọi nàng dậy kiếm cái gì ăn, bù lại một đêm hết mình. Giật thoát, mồ hôi túa ra, ướt cả lưng áo, khi chàng nhìn thấy một mãng hồng hồng, đỏ đỏ trên tấm dra trắng.
Nàng cười buồn: Em phải giả trá để mà sống với đời!
Chàng: Anh… không… biết! Anh… xin… lỗi!
Nàng rơi nước mắt, ghì chàng vào đôi bầu ngực.
Rồi, nàng đẩy chàng ra, mắt mở trân nhìn chàng.
Rồi, nàng bật cười phá lên sằng sặc: Ông ơi, bờm vừa thôi! Tốn vài vé là “trinh tiết” chán!
IV. ADN
Yêu nhau 3 năm thời Trung học. Ngày làm lễ tốt nghiệp, hắn bảo, hắn sắp xuất cảnh diện đoàn tụ gia đình. Đêm ấy, nàng trao thân cho hắn.
4 tháng sau. Nàng thẩn thờ bước ra khỏi bưu điện, nước mắt lăn dài trên má. Nàng không thể tin được, từ bên đại dương, hắn lạnh lùng bảo: “Chỉ có một đêm, làm sao có thể tạo nên một hình hài!”. Về nhà, nàng lẳng lặng xếp một ít quần áo, cẩn thận nhét vào túi xách quyển sổ nhỏ ghi địa chỉ phòng trọ của những cô bạn học cũ ở Sài Gòn, trốn đi.
Bảy năm - hơn hai ngàn năm trăm ngày - nàng sống trong nước mắt. Bảy năm - hơn hai ngàn năm trăm ngày - nàng trần thân làm lụng để nuôi con. Lạ, tuyệt nhiên, chưa bao giờ nó hỏi: ba đâu? Nàng là mẹ, và cũng là cha, mỗi ngày cọc cạch đạp xe đưa nó đến trường.
Bảy năm bốn tháng, nàng thẩn thờ buông lá thư xuống bàn, khẻ cười, héo hắt. Cuối cùng, con nàng cũng đã có cha. Thư hắn viết: Kết quả xét nghiệm ADN tuyệt nhiên, chưa bao giờ sai cả!
Bảy năm bốn tháng một ngày. Trước cổng trường thằng bé, nắng như đổ lửa, nàng vịn chặt chiếc xe đạp, mắt dõi trông.
Tiếng bầy trẻ reo hò. Tiếng gọi mẹ, gọi cha. Tiếng xe máy, xe hơi… nàng không nghe thấy. Bên tai nào cứ vọng vang tiếng nói: “Mẹ ơi, mẹ về đi! Trời nắng lắm! Con đi xe hơi với ba về khách sạn chơi với dì, chơi với em, tối ba đưa con về. Mẹ ơi, mẹ về đi! Trời nắng lắm!… Mẹ ơi, mẹ về đi! Trời nắng lắm!…”.
V. NGOẠI
Ba nó kể: Đời xưa, những kẻ độc ác, vô lương, bị người đời phỉ nhổ, nấm mồ thường bị san phẳng.
Ngoại cười, hiền như Phật bà Quan âm: Ba mày nói điên! Nghĩa tử là nghĩa tận, ai lại làm vậy!
Ngoại mất. Mẹ nó, cậu nó, dì nó và nó khóc suốt mấy ngày đám tang. Tưởng chừng như nước mắt có thể hoá thành sông, thành suối.
Ngoại thương cậu nhất. Xây cho cậu nhà lầu, mua cho cậu xe hơi, mua cả chó bẹc-giê to như con nghé để giữ nhà. Ngoại mất, cậu nó làm đám tang lớn nhất phố huyện, rước bốn năm ông sư gõ mõ, tụng kinh suốt ba ngày, rước đội kèn đồng trên tỉnh về thổi tò tí te, rước đám múa lân trống gõ thùng thình…
Lúc đưa Ngoại đi, nó khóc tức tưởi, nhưng nhìn quanh quất chẳng thấy cậu đội mũ rơm, chân đất đi phía sau hàng Ngoại.
Tối. Mẹ nó, cậu nó, dì nó ngồi trên bộ ván gõ. Ba nó ngồi ngoài hiên, chốc chốc nó thấy ông rút thuốc đốt, chốc chốc nó lại nghe ông thở dài.
Mẹ nó, dì nó ôm chặt lấy nhau, khóc nấc. Cậu nó đỏ mặt, tía tai, tay quơ chỉ loạn: “Tôi coi thầy rồi, ngày giờ má (tức Ngoại nó) chết nhằm vào cung ly, xấu lắm! Đám đàn bà mấy người không sợ, tôi là trai, xui rủi có chuyện gì, ai thờ cúng má? Tạm thời, không ai được phép đắp mồ cho má, đợi tôi coi thầy đàng hoàng, rồi mới tính được!”.
Nó khóc. Ba nó uất nghẹn: Má ơi, sao lại tội nghiệt thế này?