Phùng Phương Quý là người biết kể một câu chuyện theo cách mà người nghệ sĩ thường làm. Anh khao khát tạo ra được một thế giới nghệ thuật riêng. Do vậy, anh luôn cố gắng vượt mình trong nhiều thể nghiệm táo bạo.
Cái tên Phùng Phương Quý thoạt nghe, tưởng như một người xa lạ vừa lỡ nhịp lạc vào cõi văn. Thực ra, những truyện ngắn kí tên anh xuất hiện khá đều trên Văn nghệ già, Văn nghệ trẻ hay Tiền phong chủ nhật… Anh đi nhiều, trải đời nên viết khá sung sức. Phùng Phương Quý đã dâng tặng bạn yêu thơ mọi miền tập “Huế xa” và “Mưa trên lá cọ” với tấm lòng tri kỉ, bè bạn. Anh đã từng đặt chân tới địa hạt của kịch với tất cả niềm say mê được cầm bút. Song, có điều với Phương Quý, hình như diễn biến của vở kịch chỉ thích hợp với cấu trúc giản đơn về một câu chuyện phiếm, và người đọc, người xem chỉ tìm đến kịch vào những lúc thật sự rỗi nhàn (không có việc gì làm). Điều thú vị và đáng quý ở chỗ: Phương Quý ngày càng có đòi hỏi cao về nghề nghiệp, anh dám bỏ lại sau lưng mình vở kịch “Hoa của ngày xưa” nhạt nhẽo như nước ốc. Vì anh biết đó không phải là sở trường nặn đắp nên tính cách, gương mặt của anh. Người đọc ghi nhận sự tìm đường, thử bút không mệt mỏi của tác giả, nhất là thống nhất khẳng định rằng: Phương Quý thành công hơn cả ở thể loại truyện ngắn và bút ký. Anh đạt nhiều giải thưởng về Văn học nghệ thuật. Một số tác phẩm của anh hiện diện trang trọng trong các tuyển truyện ngắn hay.
Cái tên Phùng Phương Quý đã bắt đầu trở nên quen thuộc, gần gũi với chúng ta. Phương Quý cũng như bất kì một nghệ sĩ đích thực nào, không bao giờ chấp nhận bấu víu vào những khuôn mẫu nghệ thuật xơ cứng. Nhưng nghiêm ngặt mà nói thì đó là hành trình bền bỉ lâu dài, đòi hỏi người nghệ sĩ từng khoác áo lính ấy, phải dấn thân tìm tòi, mới mong tạo ra những giá trị mới, những chuẩn mực mới.
Thế giới nhân vật trong miền truyện ngắn của Phương Quý đa dạng, có nhiều nét đặc thù không dễ bị thay thế. Phương Quý thường quan tâm đến “con người tha hương” phiêu bạt, bơ vơ trên đất khách quê người. Dưới ngòi bút của tác giả, họ hiện ra không phải với niềm than thân trách phận như ta thường thấy, mà với một bản lĩnh sống vững vàng, cứng cỏi.
Viết về con người tha hương, tác giả truy tìm câu trả lời: vì sao con người có thể tồn tại,bám trụ được trên mảnh đất mà khó khăn chất chồng, nguy hiểm luôn luôn rình rập. Vẫn biết, người trần thuật trong truyện Phương Quý luôn cảm thông, ngợi ca những con người đã từng vào sinh ra tử, nâng niu khát vọng hạnh phúc lứa đôi và trân trọng ước mơ giản dị về mái ấm gia đình. Song, có lẽ ai đã từng đọc Phương Quý thì không thể quên những trăn trở, day dứt giàu giá trị nhân văn của người kể về thế thái nhân tình. Truyện nào của Phương Quý, cũng đúc kết những bài học thấm thía, chẳng hạn như: “sự đời nhiều lúc éo le, làm người ta vô tình phụ bạc lẫn nhau”, “người ta thường khi phú quý rồi, thì ngại tìm dĩ vãng”…(Đêm cù lao).
Ở truyện ngắn Tôi xin lỗi, Phương Quý khắc hoạ được một kiểu con người tha hương khá độc đáo. Nhân vật tôi muốn cất lời xin lỗi những chủ nhân đích thực của vùng đất miền Tây khi anh đặt chân đến đây để kiếm sống, thấy mình có lỗi khi bỏ quê hương xứ sở, khi không bảo vệ được gia đình thân yêu, không giúp gì được cho mối tình của người bạn gái thân thiết. “Tôi” thấy có lỗi khi đứng trước một người con gái trắng trong, trước cái đẹp, anh muốn xin lỗi cuộc đời vì anh không kịp cứu giúp đồng loại thoát khỏi cái chết. Đó là lời xin lỗi cao cả, một mặc cảm rất đáng trọng chỉ có ở con con người cá nhân tự ý thức. Xưa nay trong văn học thường thể hiện “mặc cảm Ơđip”, mặc cảm sống thừa, mặc cảm bất tài, chứ hiếm có ai mang trong mình nhiều mặc cảm như nhân vật tôi trong tác phẩm này. Có lẽ, chưa tác giả nào thể hiện con người tha hương với những dằn vặt, mặc cảm đến như vậy. Con người mặc cảm trong Tôi xin lỗi của Phương Quý đối lập hẳn với con người vô cảm, đốn mạt, con người lạnh lùng, tàn nhẫn đang tồn tại như một nỗi đau nhức nhối trong văn xuôi hiện nay.
Truyện ngắn của Phương Quý luôn dành những không gian đặc biệt để chở che, bênh vực và an ủi vỗ về những người phụ nữ bất hạnh. Họ lạc lõng, bơ vơ ngay trong gia đình mình. Nỗi ám ảnh lớn nhất đối với nữ nhân vật của Phương Quý là thiếu thốn tình cảm vợ chồng, thiếu người tri âm. Nhân vật nữ của Phương Quý hầu hết đều có một tính cách ổn định: vừa đa tình, hiền hậu vừa táo bạo, mạnh mẽ trong những ham muốn rất đời thường. Họ không bao giờ nguôi quên trạng thái mình bị bỏ rơi trên một “xa mạc không người”. Họ muốn trốn chạy, muốn tái tạo lại cuộc đời, nhưng không sao vượt nổi hoàn cảnh gò bó, thân phận lệ thuộc của mình. Lẽ tồn tại duy nhất trọn vẹn đối với họ là tình yêu đích thực. Nhưng họ lại luôn phải đối mặt, chung sống với những kẻ trọng tiền bạc, quyền hành hơn cảm giác yêu thương, và ý thức vun đắp hạnh phúc. Bi kịch của các nhân vật nữ trong truyện Phương Quý, vì vậy là bi kịch gia đình, bi kịch của sự muộn màng lỡ dở. Tôi muốn nhắc đến truyện ngắn Góc trời đỏ những dấu son.
Phương Quý vốn là một cây bút tinh tế, thích đưa người đọc nhập ngay thế giới nội tâm đầy bí ẩn, phức tạp của con người. Truyện của anh nhiều hình ảnh ẩn dụ, tư tưởng được gói lại kín đáo. Không ít lần, Phương Quý gắn truyện ngắn với dòng kí ức chập chờn, mờ ảo của con người. Hạnh phúc vẹn nguyên đáng lẽ ra phải có, phải đến với con người chua chát thay, lại cứ nằm im lặng khuất sau cuộc đời.
Phương Quý cũng đã quen rồi với kiểu vẽ mây nảy trăng, với bút pháp tượng trưng hàm súc, anh không men theo lối viết ghi chép tư liệu, ghi chép tư tưởng một cách ngây thơ, vụng về như ta thường thấy. Anh là một trong số ít người, luôn tạo ra được những hình ảnh so sánh mới mẻ trải đều trong trang văn của mình. Chẳng hạn để diễn tả tâm trạng khát khao vừa nồng đượm vừa như chới với, bất định ở người thiếu phụ, Phương Quý so sánh với màu hoa gạo rực rỡ như nắm than đỏ ném tung lên trời: “Chị lõm bõm giữa mộng mị đen kịt. Trong mơ bỗng loé lên màu đỏ lửa của chùm hoa gạo”. Phải là một người hiểu tâm lí nhân vật, gần gũi với nhân vật mới tả được những uẩn khúc riêng tư đầy bất trắc trong tâm hồn người thiếu phụ tinh tế như thế. Cũng phải là người giàu trải nghiệm, mới thấu hiểu tất cả sự mong manh, nhỏ bé của phận người một khi đã lạc vào miền đời khô cằn, tối sẫm.
Phương Quý tả sự cô đơn, bế tắc và sự giam hãm sức xuân, tuổi trẻ của con người khá xúc động: “Đêm lạnh, đặc quánh và im ắng. Tiếng kim đồng hồ trên tường boong boong như tiếng búa trong phòng kín. Bóng ngôi nhà ba tầng lèn chặt chị xuống mặt salon da dưới phòng khách”. Một kiếp lạnh không lối thoát được diễn tả bằng những câu văn độc lập, dồn chứa sự căng thẳng ngột ngạt. Tiếng lòng thổn thức rạo rực ở thiếu phụ bị ghìm giữ lại, rồi chuyển hoá thành sự cảm nhận về một thời gian lạnh lùng, một không gian chật hẹp, nặng nề bủa vây, nhấn chìm con người.
Viết về người phụ nữ, Phương Quý hay tạo dựng những tình huống gặp gỡ bất ngờ. Tưởng như anh đã sắp xếp, xui khiến những con người lẻ bóng gặp nhau. Có điều, sự gặp gỡ nào trong truyện của anh, cũng thuộc về những người đã có chồng, có vợ. Nghĩa là sự gặp gỡ ấy được nâng cao ý nghĩa khái quát để trở thành biểu tượng về ý thức muốn nổi loạn chống lại trật tự an bài của định mệnh nghiệt ngã, của số phận trớ trêu, ngang trái. Nữ nhân vật của Phương Quý muôn vẻ đẹp, ít khi đánh mất thiên tính nữ .
Một người phụ nữ đẹp theo Phương Quý không chỉ ở dáng hình, phong thái, mà còn ở khát khao được làm tròn thiên chức cao cả của một người vợ, khao khát được sống thực với lòng mình, với người mình yêu. Họ muốn được chở che trong vòng tay yêu thương đằm thắm, muốn được ngả đầu vào một bờ vai tin cậy, muốn giúp đỡ sẻ chia với bạn bè. Hằng trong Góc trời đỏ những dấu son cầu ước có một đứa con nên phóng sinh ba chục con chim sẻ. Đứng nhìn đàn chim bay tự do trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, chị thấy nỗi phiền muộn trong lòng mình nguôi dần đi. Hằng thích nếp nhà ba gian lợp lá cọ, xinh xắn gọn gàng, ước ao được dội lên mái tóc một gàu nước giếng đồi mát ngọt. Tính nữ ở nhân vật Hằng còn là sự nhạy cảm và giọng nói dịu dàng tình tứ : Khi Thực dội xuống mái tóc mềm mượt một gàu nước mát, Hằng liền cất tiếng cười dò hỏi : “Anh Thực nhìn vào gáy Hằng phải không? Sao cô tài thế? Hằng thấy nong nóng như nắng dọi vào mà”.
Huệ ở Mây rừng gió biển cũng luôn cuồng nhiệt, dữ dội trong những đam mê bản năng đẹp đẽ. Đây là một truyện ngắn đa âm và giàu sắc thái trữ tình, lời văn êm nhẹ, tràn đầy cảm giác lãng mạn. Mây rừng gió biển có dáng vẻ một cuốn nhật kí tâm tình, tâm sự, các phát ngôn đều được diễn đạt bằng thời hiện tại. Ở đó hầu như vắng bóng người kể ngôi thứ ba, nhân vật tự thể nghiệm nhân sinh. Họ kể về mình, về những gì mình nếm trải chứng kiến như những ảo vọng về hạnh phúc đích thực. Tác giả không có quyền năng đứng ra thuyết giải, cắt nghĩa một cách khuôn sáo rằng: vì sao họ làm thế này hay thế khác. Những nghịch luật,nghịch lí, trớ trêu ở đời, vì vậy vẫn cứ siêu thăng, bay bổng trong một lôgíc nghệ thuật giàu sức thuyết phục. Trang văn của Phương Quý miêu tả dục vọng bản năng, song không hề rơi vào lối viết dễ dãi, thô thiển, coi thường người đọc.
Thiên tính nữ qua mĩ cảm của Phương Quý trở thành phẩm chất ưu trội của nhiều nữ nhân vật. Đào và Tuất trong Mồ côi cũng là những cô gái hồn hậu, thật thà. Đào giúp đỡ bạn chu đáo, nhưng không dấu nổi sự e thẹn nữ tính khi nhìn Mão. Tuất chăm chỉ, đảm đang và dễ khóc. Một mặt cô “xấu hổ giấu mặt sau lưng Đào”, nhưng dỗi hờn ngay, khi thấy Mão nhìn Đào trìu mến. Sáu trong Tôi xin lỗi là một người con gái đáng yêu, “ánh mắt nụ cười thân thiện đằm thắm”. Nhân vật nữ trong Nhân cách thì lại đi tìm “di tích tình yêu” thời trẻ. Đó là một người thiếu phụ giàu lòng nhân ái và dễ xúc động. Chị “chết lặng” khi biết cảnh ngộ lận đận, bi thương của người bạn cũ, trông thấy đứa trẻ đang lê la đào đất giữa chiếc cổng xộc xệch bằng tre, chị chạnh lòng nhớ tới câu ca dao tình nghĩa: “Con mình những trấu cùng tro… Ta đi múc nước rửa cho con mình”. Thì ra, chị là một phụ nữ giàu lòng vị tha và có đức tính hi sinh cao đẹp.
Phương Quý biểu dương những phẩm chất tốt đẹp của con người, đồng thời thẳng thắn nêu lên việc làm hèn kém, đê tiện và những mưu tính sinh tồn đến mức khiến con người “hoá Sói” mà không hay (Tôi xin lỗi, Nhân cách, Đồng hành cùng Sói…).Truyện của Phương Quý thường có môtíp “ông quan” ăn tiêu xa xỉ, coi thường luật pháp, tham ô, lỗ mãng. Ngòi bút tả việc, tả người của Phương Quý đặc biệt sắc sảo trong những thiên truyện đậm tính chiến đấu, tình thời sự như thế.
Công bằng mà nói, truyện của Phương Quý không hiếm những trí thức nhiệt tình, tận tuỵ trong công việc (Nhân cách). Nhưng không ít trang văn, tác giả tập trung bút lực phanh phui bộ mặt thật của một số cán bộ, trí thức đã thoái hoá biến chất. Trong cảm niệm của người viết, họ chính là một tác nhân gây nên bao cảnh đời bất hạnh. Nhiều tác phẩm Phương Quý miêu tả đời sống tình cảm riêng tư. Song, ta vẫn nhận thấy cảm hứng xã hội, cảm hứng công dân thường trực ở một cây bút đã trải nghề, trải đời khá lịch lãm.
Truyện ngắn của Phương Quý chặt chẽ, bởi vì tác giả thường tập trung khám phá, đánh giá, miêu tả một tình huống nhân sinh đặc biệt với một cảm niệm sâu sắc nào đó khá gần gũi với triết lí dân gian, triết lí sinh tồn. Dường như tác giả muốn tạo một ảo giác thẩm mỹ: Câu chuyện anh kể là cốt lõi. Nhưng với cách kết thúc mở tự nhiên và hợp lí, tác giả lại gợi ở người đọc cảm nhận: người kể còn biết nhiều hơn những điều anh ta nói .
Truyện ngắn của Phương Quý thường trùng phức về tư tưởng. Đồng hành cùng Sói một mặt miêu tả quá trình tìm biết sự thật, khám phá điều ẩn giấu sau sự thành đạt, mặt khác lại thể hiện quá trình con người bị sói hoá, tha hoá. Nhân vật Tôi trong Đồng hành cùng Sói vừa là nạn nhân, vừa là tội nhân, vừa bằng lòng tiếp tay cho những liên minh đen tối, đáp ứng nhu cầu bản năng của người đàn bà quyền chức vừa muốn thoát khỏi vũng bùn lầy. Sự sinh tồn không hề êm phẳng, trái lại đầy những “cạm bẫy người” nghiệt ngã. Nhân cách một mặt thể hiện cách ứng xử đầy bản lĩnh của con người trước đồng tiền, quyền chức, mặt khác dự báo về những nguy hại tiềm ẩn trong thái độ thoả hiệp của con người trước danh lợi . Đêm cù Lao mở ra lối ứng xử cao thượng, nghĩa tình của con người, đồng thời thừa nhận sức mạnh của kẻ có quyền chức. Mây rừng gió biển miêu tả cuộc tình luyến ái vụng trộm, nhưng cũng công khai khẳng định có những giới hạn con người không nên vượt qua, không thể vượt qua…
Phương Quý không đuổi theo sự kiện, biến cố, nhiều khi tác giả dừng lại khá lâu trước diễn biến nội tâm phức tạp của con người. Viết về chiến tranh, nhà văn không dành nhiều trang miêu tả những tổn thất, hi sinh, mà nghiêng về tìm kiếm những giá trị người đang được đặt bên lề, bên cạnh cuộc chiến đấu ác liệt. Có lẽ vì vậy, hình ảnh người lính trong tình huống chiến tranh vừa đẹp trong hành động dũng cảm, vừa khá đời thường khi bị những tình cảm riêng tư níu giữ. Dẫu khó khăn gian khổ đến đâu, họ cũng không bao giờ để nguội tắt khát vọng thành thực (Mưa ở cuối trời).
Đọc Phương Quý, ta có cảm giác: anh không bỏ qua một cơ hội nào nhìn ngắm, bình phẩm vẻ đẹp ngoại hình của người phụ nữ . Phương Quý có một cái “form” chung khi miêu tả loại nhân vật này. Với anh người phụ nữ nào cũng cười đẹp, mặt hoa da phấn, mái tóc thơm dịu, hơi thở nồng nàn, thân hình toát lên sức sống rạo rực... Phải nói rằng, anh tả khá tinh “vẻ đẹp sơ ý” của người phụ nữ và thể hiện tự nhiên xúc cảm của người được ngắm nhìn. Phương Quý cắt nghĩa thực tại từ cái nhìn đời tư, hăm hở khám phá, chiếm lĩnh sự yêu đương nồng nàn, bản năng được biểu hiện đa dạng ở từng nhân vật.
Phương Quý ưa kể, tả những khoảnh khắc ở đó con người bên trong bộc lộ chân thật nhất, và hoàn cảnh sống của con người hiện ra trọn vẹn, sâu sắc nhất. Đó là giây phút lão Chù được xem trò diễn dân gian và được nhận quà trung thu của mấy đứa trẻ trong xóm (Trung thu cho người lớn), khoảnh khắc nhân vật Tôi gặp gỡ cô dân quân Quảng Bình (Mưa ở cuối trời) hạnh phúc thì mong manh, ngắn ngủi, hành động gấp gáp, vội vàng, nhưng tình yêu, sự hi sinh thì cứ ám ảnh mãi. Đó là thời điểm con người bị bỏ đói, bị xa lánh, hắt hủi (Cây mít già) hay khi con ngựa già nhà họ Lý bị đối xử “tệ bạc” phải đợi ngày chết mà vẫn có nghĩa (Con ngựa bạch nhà họ Lý)…
Truyện ngắn Phương Quý nhiều chỗ gấp, nhiều góc khuất khó đoán định. Nhiều tác phẩm trần thuật sự việc tưởng nhỏ vặt, song ý nghĩa tư tưởng sâu sắc, thấm thía. Hầu hết truyện của Phương Quý đều phản ánh hay động chạm đến vần đề: mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại; tiền bạc và nhân cách; sự sinh tồn trong chiến tranh và thời bình; lối ứng xử của kẻ có chức quyền và dân thường; nhớ ơn và bội nghĩa; giữa cách làm ăn nhỏ lẻ, tập quán cũ kĩ với yêu cầu đổi mới cách làm ăn; ước muốn dự định đẹp đẽ và khả năng thực tế… Nhưng ở đa số truyện ngắn Phương Quý, giọng điệu của người kể, nhẹ nhàng chậm rãi, văn mạch dàn đều, ít có truyện gai góc, sắc nhọn như Đồng hành cùng Sói.