Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
874
123.135.873
 
Sông chảy về núi
Nguyễn Lệ Uyên

1. Cuối cùng thì chị Hạnh cũng bước lên xe hoa về nhà chồng sau mười bảy năm dư thừa mọi phiền não dành cho một đời người. Xe hoa là nói theo sáo ngữ, chứ  thiệt tình là chiếc xuồng máy đuôi tôm. Không phải một mà tới mười hai chiếc, chạy sôi nước trên các kênh rạch. Ngồi trên xuồng, lại là xuồng xe hoa, không biết chị Hạnh có vui không, nhưng những người khác thì coi bộ hớn hở? Ai đó còn có sáng kiến mang theo dàn máy hát dĩa, mở nhạc vang rân trời đất, để mọi người, cây cối hai bên bờ biết rằng đây là đám rước dâu, cùng chia sẻ niềm vui với chị. Thiệt tình, lòng chị thế nào không ai được biết. Cái phấp phỏng, vui cười của những người đưa dâu và đón dâu có hòa cùng nhịp với trái tim được giấu thiệt kỹ của chị Hạnh, hay đó chỉ là cái khảy lỗi nhịp trên sợi dây đờn vọng cổ trong ban nhạc đờn ca tài tử?

 

Nghe nói, mười bảy năm về trước, có ít nhất hai lần chị toan mượn khúc sông Tiền, gieo mình xuống giòng nước lạnh ngắt để quên đi mối tình đầu trái ngang. Nhưng mùi trần tục bi lụy đã kịp níu chân chị lại, để tiếp tục hoài nhớ, đau khổ. Cũng có thể, khi đứng trên bờ chuẩn bị lao xuống giòng nước chảy cuồn cuộn kia chị thấy hãi hùng, hay thấy tiếc cho tấm thân ngà ngọc, cho cái nhan sắc rực rỡ thời con gái của mình?  Chuyện đã qua, đã cũ mèn, không còn ai nhớ đến, đặt câu hỏi tại sao lại vậy? Có chăng là chị Hạnh, nhưng có bao giờ chị hé răng cho bất kỳ ai, dù thân sơ.

Giờ thì chị sắp đặt chân tới chốn sẽ đặt định số phận làm vợ, làm dâu như bao nhiêu người phụ nữ khác trên đời. Rồi chị sẽ sanh con đẻ cái, sẽ bồng bế lũ con quay lui về thăm quê ngoại trên những chiếc tàu xuồng nườm nượp ngược xuôi. Lúc đó, không rõ chị có còn nhớ lại đoàn tàu xuồng mười hai chiếc  ngày xưa hay không?

Nghe đâu, người mà chị sắp chung sống là một quan chức tầm cỡ trước đây bị một dấu chấm lửng nào đó không rõ ràng, phải lui về ở sâu trong đồng nước hẻo lánh, cách thị xã tới nửa ngày đường sông. Ong ta đã năm mươi nhưng trông cứ như chàng trai ba mươi, gân cốt, mạnh mẽ. Đó là cái bày rành rành trước mắt thiên hạ. Còn chuyện chỉ có trời mới biết thì được ông mối khoe: còn tân. Chị thì ngược lại, nhỏ hơn mười tuổi. Mảnh mai. Bạt nhợt. Đôi lúc đỏ ửng hơn hởn và cũng có khi héo xèo  như cọng bông súng bị nhổ lên khỏi mặt ao, nằm phơi nắng. Các bà trải đời nói rằng: phụ nữ khi đã bước qua tuổi băm mà không có hơi đàn ông, hầu hết đều ốm khô. Chị đã bốn mươi, cũng ốm khô, nhưng được cặp mắt như nước ao sen, cái miệng rất xinh, nên đàn ông không ai có đủ bản lãnh quay mặt đi chỗ khác. Cặp mắt chị u uẩn, xa xăm như dõi trông về hướng chân trời tít mù mù, lần tìm kiếm vật gì đó đã bay vuột khỏi tay chị mà mọi người ai cũng cố tưởng lầm rằng chị đang dõi theo họ. Cặp mắt ấy, khi mới lần đầu nhìn xa, nhìn gần, không ai ngăn nổi sự thương cảm, chạnh lòng pha lần chút bâng khuân máy động cõi lòng. Lúc này cũng vậy, tàu xuồng chạy xình xịch trên mặt sông, tiếng đàn hát từ  dàn máy ầm ĩ khua rộn sông nước nhưng chị vẫn co ro một mình ở mé sau, không bắt chuyện với ai. Tôi để ý thấy chị cứ luôn ngó lên trời cao, những hàng cây dốc ngược hai bờ. Thỉnh thoảng chị cũng thò tay xuống nước mà mắt thì để đâu đâu, không chủ định.

Lúc xuồng từ rạch Cây Sung rẽ vào khúc sông Cái, tôi khều tay chị:

- Ong Đằng hay chị, ai bắt quen trước để có được ngày vui này?

Chị Hạnh ngó nghiêng lên bờ sông chạy giật lùi phía sau, lấp lửng:

- Ổng hay chị gì cũng vậy thôi, có gì là quan trọng đâu?

Tôi cãi:

- Sao không. Ngày bước lên xe hoa là ngày trọng đại nhứt đời con gái mà nói là không quan trọng. Không ưng sao đi lấy người ta?

- Em còn nhỏ, chưa đụng chạm, chưa biết chuyện đời. Mai mốt em khắc biết.

Chị lại nhích môi, méo xệch nói như có ai rượt phía sau, hụt hơi:

- Gái già. Gái lỡ thì. Chị vui. Cả tía má và  họ hàng đều vui.

Tôi nghĩ thầm: cưới hỏi mà cũng có chuyện oan ức thì thà mạnh đường ai nấy đi, có khi còn hay hơn.

Có tiếng bên chiếc xuồng kế bên, la oai oái:

- Để cái bản cô Thắm về làng chớ sao tắt đi?

- Ờ đúng đó. Bản dạ cổ hoài lang nghe hoài, rầu thúi ruột. Ngày cưới mà khoai lang, hột mít gì mà um trời!

Có tiếng lụp bụp, khò khè trong máy nghe như bắp úng rang chảo. Tiếng cười lục khục và tiếng than vãn trông trổng “đù má, xa chi mà xa quá trời”. Tiếng than vãn bị chìm nghỉm trong tiếng máy nổ inh tai và tiếng nước sông bị khuấy trộn sùng sục. Tôi thầm vái trời cho chị Hạnh đừng có nghe tiếng than rớt của ai đó ngồi ghe kế bên?

Phải rồi. Tôi nhớ ban sáng, khi đám rước dâu từ nhà ra bờ kênh, xuống ghe có mấy chiếc lọng giương lên che chú rể đi trước, cô dâu đi sau. Xuống ghe vẫn còn che, nhưng rồi xếp lại cất đi lúc nào không hay. Những mâm quả phủ khăn điều cũng nằm khép nép đâu đó trong các góc xuồng, không ai buồn để ý tới. Chú rể giờ ngồi tuốt đằng mũi, còn cô dâu ké né sau lái, coi bộ thẫn thờ, mỏi mệt. Buổi đầu, tôi cũng háo hức như đứa con nít. Nhưng giờ thì coi bộ không tròn trịa, nó rơi tuột xuống sông tựa như trái bình bát chín rơi tõm xuống đìa cá, nhấn chìm tâm trạng phấn chấn lúc bước chân ra ngõ, trách chi chị Hạnh.

Mặt trời táp lên đọt dừa. Tôi nhẩm tính: lúc khởi sự ra đi cho tới giờ đã gần mười  tiếng, không kể thời gian mấy lần xuồng phải tấp vào bờ để mấy ông đi giải quanh các gốc cây mà không thèm ý tứ. Nếu tốc độ trung bình mười cây số thì cũng đã cả trăm.Tôi chồm tới, định lại chỗ ông Đằng hỏi còn bao lâu nữa, nhưng thấy không tiện đành ngồi im. Có mấy người bắt đầu gà gật ở các ghe phía trước. Đúng, thiệt là xa. Ngó cảnh gập gềnh sông nước nhiêu khê, tự dưng tôi thấy thương chị, dù không phải cật ruột gì. Má tôi và má chị là bạn học ở collège Cần Thơ. Rồi khi lấy chồng, hai người lại ở gần nhau, thành thân như người một nhà. Chị là con thứ hai. Tôi là út, mà út mười một nên tuổi tác chênh nhau khá xa, nhỏ hơn hồi chị đứng bên bờ sông Tiền mà tôi chỉ được nghe kể phong phanh như một đoạn trong tiểu thuyết tình sướt mướt. Chị là cô gái đẹp nhất thị xã, là hoa khôi của trường. Vậy mà cái gã khốn nạn nào đó lại dám phụ chị, đến nỗi chị suýt vong mạng dưới làn nước sâu? Để tránh nắng, tránh sự dập dềnh của chiếc xuồng trên mặt nước, tôi nghĩ lan man về gã đàn ông đó của chị. Tôi tưởng tượng, rồi đoán già, đoán non  gã là tay hám tiền chớ không phải vì tình nghĩa. Chắc gặp đám nào đó giàu có, bèn quất ngựa truy phong. Giá  như  tôi là chị khi đó, chắc tôi không ngần ngại xé xác gã ra từng mảnh, hay chí ít cũng chửi vào mặt gã te tát một hồi cho hả giận. Tôi hình dung mặt gã giống y chang những tên sở khanh tả trong các truyện đông tây.

Mà có khi cũng chẳng có ai phụ chị. Chỉ là nỗi thương nhớ vu vơ một chàng trai nào đó, cũng có thể là ông thầy giáo dạy quốc văn của chị với mấy bài thơ tình ướt át của Xuân Diệu, Đinh Hùng... Rất nhiều lần tôi hỏi má tôi về chuyện xưa của chị Hạnh, nhưng bà đều gạt phăng, nói mày nhỏ biết gì. Người lớn luôn dành phần đúng, nên cuối cùng tôi không biết thêm được gì nhiều hơn, cho đến khi chị biên thơ gửi lên Sài Gòn vỏn vẹn có mấy chữ: “Cuối tháng này chị đám cưới. Em xin phép trường về đưa dâu. Chị: Hạnh”. Con người cũng thiệt lạ, mau thay đổi, tôi nghĩ thế. Nhớ hồi tôi còn nhỏ xíu, chị thường dẫn tôi ra gốc bần mé bờ kênh, mắc võng kể lan man hết chuyện cổ tích này đến chuyện khác. Có khi chị hết chuyện, bịa ra vẫn thấy hay, thấy hấp dẫn đến nỗi tôi ngủ quên trên tao võng lúc nào không hay. Vẻ hồn nhiên, roi rói tươi cười của chị trước kia, bây giờ mất sạch trơn. Hiếm khi thấy chị nói cười như  trước. Rặt im lặng. Rặt câm nín như kẻ bị chứng trầm cảm, dửng dưng với tất cả mọi sự. Lúc bước chân qua nhà, đặt gói quà cưới lên bàn trang điểm, tôi liếng láu: “ Em với mấy nhỏ bạn lùng sục hết chợ An Đông qua Tân Định, dốc ngược xuống Chợ lớn lật tung lên mới tìm ra món đồ hồi trước chị thích…”. Chị Hạnh không mở miệng, chỉ liếc nhìn với vẻ mặt lạnh lùng, dửng dưng như thể đó là của tội nợ tôi mang về trút lên đầu chị vậy. Tôi muốn hỏi ngay chị có chuyện gì, nhưng không dám, đành im. Cả khi ngồi trong gian nhà dưới, cắt những tờ giấy bóng kiếng, vê đậu xanh xoắn lại thành viên, tôi thầm thì: “sao vậy chị?”, chị cũng không trả lời. Tất thảy những tiếng nói cười bay vòng vòng từ trong nhà ra sân, lộn bật ra sau hè bay tới đều vô nghĩa đối với chị…

Với bộ dạng u uất này, không hiểu rồi chị sẽ ăn ở ra sao nơi xứ người?

Những người đang lơ mơ, gà gật bật tỉnh rụi, khi có tiếng la như reo “tới rồi, tới nơi rồi”. Và tiếp theo là những chiếc bong bóng ngũ sắc thả bay lên, vướng vít trên những tàu lá dừa choài ra, níu giữ lại. Đám đưa rước dâu nhoài người ra khỏi xuồng, nhảy vội lên bờ, vuốt lại áo quần, tóc tai rồi xếp hàng rồng rắn dài ngoằng bước về hướng nhà ông Đằng, theo sau là đám con nít bu lại, vừa vỗ tay vừa reo: “cô dâu chú rể, đập bể bình bông. Cô dâu chú rể…”. Tôi đi kèm sát chị Hạnh. Hai tay ôm bó hoa gần chúc nghiêng xuống đất, bước chân chị tựa hồ tàu lá chuối khô bị gió thổi bung, bay là là khỏi mặt đất, chứ không thật sự là những bước đi của người con gái sắp đặt bàn chân son vào cổng nhà chồng. Trong khi đó ông Đằng cao lớn, dềnh dàng bước những bước vững chắc như kẻ thắng trận. Gần sát cổng, chỗ kết chùm bông giấy bằng kim tuyến đã để sẵn thau nước mưa. Ong chủ hôn nói gì đó với chị Hạnh và tôi thấy chị bước cả hai chân vào trong. Sau này tôi mới hiểu cái phong tục lâu đời vẫn còn duy trì nơi hóc hẻm đồng sâu này. Đại khái là để cáo với thần linh, với tổ tiên nhà chồng, rằng chị Hạnh vẫn còn trinh tiết, đang giũ bỏ mọi bợn cặn bấy lâu trước khi làm phận sự của người con dâu, người vợ.

Mọi chuyện đều diễn ra suôn sẻ. Chị bước sóng đôi với ông Đằng lễ bái gia tiên, quay ra chào hỏi mọi người bên nhà chồng bằng những cái cúi đầu khe khẽ giữa  vòng vây cười nói ồn ào. Tiệc tùng bày ra. Rượu rót tràn ly và liên tục cùng những lời chúc tụng đi kèm khiến mặt ông rể đỏ kè. Coi bộ ông Đằng hào hứng thật sự. Tôi ngồi cùng bàn với đám thanh niên trong làng. Họ hỏi han đủ mọi chuyện ngoài thị xã, từ các loại son phấn, thời trang đến các đêm diễn cải lương ở rạp Tường Thái. Họ khen cô đào này hát mùi mẫn, cô kia nhỏng nhảnh, xí xọn rồi thêm thắt, bình phẩm chuyện tình cảm riêng tư  giữa các đào kép… Tôi chỏng tai nghe và trả lời qua quít cho xong chuyện, vì không mấy hứng thú khi phải nhìn vẻ mặt dàu dàu không vui lên được chút nào của chị Hạnh. Tôi đã được mời dự nhiều đám cưới, từng đóng vai  phụ dâu, nhưng chưa thấy đám nào như đám này: cứ mênh mông, lơ lửng, lãng đãng kiểu khói sương, không giả, không thật đến khó chịu. Cô dâu chú rể những đám khác, họ cười nói luôn miệng, quàng tay nhau, thậm chí ôm hôn nhau để chụp tấm hình kỷ niệm. Họ công khai bẽn lẽn và công khai thân mật chỉ có thể diễn ra trong phòng the trước mặt mọi người, như để chứng minh rằng họ thật sự hạnh phúc, thật sự cần có nhau, không thể tách rời. Ong Đằng và chị Hạnh không vậy. Họ luôn giữ  một khoảng cách nhất định. Có thể vì tuổi lớn, trải đời nên họ điềm đạm hơn, chững chạc hơn? Cũng có thể do từ chị Hạnh thiếu hụt tinh thần đồng cảm trong cuộc sống lứa đôi đến quá muộn màng? Ngay cả khi đàng gái cáo từ, mọi người đứng chụp chung tấm hình, tôi thấy chị đứng cách ông Đằng một thân người, làm như thể chị không phải là nhân vật chính trong ngày hôm nay.

Trước khi bước xuống xuồng, tôi níu tay chị và bóp thật mạnh:

- Em không còn hiểu nổi chị. Mà thôi. Mai mốt về nhớ bồng theo thằng cu thiệt dễ thương, thiệt đẹp, nghen?

Chị chỉ ngước mắt nhìn tôi im lặng, không để lộ một thứ tình cảm nào thật rõ ràng.

Đoàn xuồng tách bến, xình xịch khuấy nước và xa dần.

Chị Hạnh chỉ còn là đốm nhỏ bên bờ kênh, rồi chìm khuất sau những tán cây, những khúc quành của con kênh rộng.

oOo

2.  Sau ngày anh Tư trúng số độc đắc, lên Mỹ Tho mở tiệm buôn bán đồ sắt và đưa má lên theo, tôi ít có dịp trở về quê cũ. Những thông tin về người thân đều do nơi má tôi kể lại, lúc nhớ, lúc quên không chính xác. Bà đã già lắm rồi. Nhiều khi bà ngớ ngẩn hỏi: “Chị Hậu bay ra sao rồi. Nghe đâu nó cực lắm. Thằng chồng suốt ngày rượu chè?”. Tôi nghe mà bắt tức cười. Chị Hậu mà cực? Bà ấy suốt ngày chỉ ngồi trước quầy bán đồ trang điểm để gọt dũa móng tay, móng chân, còn ông Sinh chồng chị, đến uống chai nước khoáng cũng thấy tiếc tiền thì sao bảo ổng rượu chè? Rõ ràng sợi dây liên lạc còn sót lại, tôi có thể bấu víu được là má tôi, giờ coi như bị dập nát, như bã mía nhai trong miệng nhả ra vậy. Chỉ duy nhất có ngày giỗ ba là anh em tôi tập trung đầy đủ nơi nhà anh Tư để nghe bà than vãn về mấy đống sắt cao nghệu, chật nhà, cản trở sự đi lại, chiếm mất không gian hít thở. Sau đó mạnh ai về nhà nấy lo việc mưu sinh, chồng con. Tôi cũng có thói hư bận bịu gia đình nên không còn thời gian để hỏi han cặn kẽ, thăm viếng những người thân như những ngày tháng chỉ biết có mang chiếc cặp lủng lẳng bên hông, tới trường.

Nhưng sự đời thì không bao giờ lường trước được.

Đó là buổi sáng chủ nhật như tất cả mọi chủ nhật trong năm. Sau khi Vĩnh đưa cu Ti về nội, dành trọn ngày chủ nhật cho tôi, theo thói quen, thì bất ngờ ngoài cổng có tiếng chuông rớt dài. Vĩnh lên tiếng:

- Chắc bọn thằng Danh tới rủ qua Thanh Đa nhậu thịt dơi, rít rừng gì đó. Gặp tụi nó em bảo anh không có nhà – Nói và Vĩnh nằm kềnh xuống giường, kéo tấm drap vắt ngang người. Tôi chưa kịp xỏ dép thì lại có tiếng chuông. Vĩnh nói nhóng theo:

- Anh chán ba cái vụ nhậu nhẹt lắm rồi!

Trước khi quay ra, tôi còn kịp cười khẩy với Vĩnh:

- Nhậu nhẹt nay anh kêu chán thì cũng hơi lạ!

Tôi mở cổng. Trước mặt là một người phụ nữ hơi luống tuổi, đẫy đà. Đứng nép sau lưng là cô gái chừng mười sáu, mười bảy tuổi.

- Xin lỗi, đây có phải nhà cô út Hiền không? – Người đàn bà nhỏ nhẹ, giọng nghe quen, nhưng không đoán được là ai.

- Dạ, cháu là út Hiền. Dì hỏi…?

Người đàn bà lao tới như mũi tên, ôm chầm lấy tôi.

- Chèng ơi, Út Hiền, em không nhận ra chị sao. Em quên chị rồi hả?

Tôi đẩy người đàn bà ra, giữ chặt hai vai, ngó thẳng rồi ngó nghiêng:

- Trời đất, chị Hạnh!

Nước mắt tôi trào ra, ràn rụa. Không thể ngờ có ngày tôi còn được gặp chị, mà gặp nhau giữa thành phố đông đúc này. Nước mắt tôi rớt dài, một phần vì tuổi thơ tôi gắn bó với chị, lẽ khác tôi như đứa vô tâm sau khi chị lập gia đình. Thú thật, cũng có những lúc trí óc tôi không căn cứng vì công việc, chồng con, bếp núc tôi cũng có nhớ tới chị đôi lần. Là nhớ suông vậy thôi, chớ thâm tâm không hề có ý định lặn lội xuống tận cái hóc sâu cuối trời để thăm chị. Bữa nay, gặp lại một cách bất ngờ, tôi thật bối rối và xấu hổ vô cùng. 

Lấy lại được tí chút bình tỉnh, tôi mới bắt đầu quan sát chị thật kỹ, thật nhanh: chị mập hơn hồi xưa, già hơn nhiều, có thể nhận thấy ngay trên khuôn mặt có những nếp nhăn, nhứng sợi tóc bạc lúp xúp trên đầu và những đường gân xanh nổi trên tay nổi  vồng thành sợi. Nhưng dáng xưa thì không mất, vẫn còn duyên thầm.

Mãi loay hoay với những chuyện xưa, chuyện nay, tôi quên mất mời chị vào nhà, quên cả cô bé đi cùng chị, cho đến lúc chị buông lời khen:

- Em có căn nhà đẹp quá. Lan can treo đầy hoa!

- Dạ, cũng có nơi để chui ra chui vào. Em sợ cảnh đi mướn nhà, nay dọn tới, mai dọn đi, như chạy giặc – Nói và tôi cầm tay chị lôi vào.

Chị Hạnh bỏ chiếc nón lá vào góc phòng, ké né ngồi xuống ghế. Còn cô bé đi cùng chị mới thật tội nghiệp, ngơ ngác, xa lạ,            hết ngó lên trần nhà lại đưa mắt vào các bức tranh trên tường, kệ sách báo chắn giữa phòng khách và phòng ăn. Con bé giống chị, nước da trắng bông bưởi, cặp mắt tròn đen sâu thẳm.

- Cháu tên gì? – Tôi hỏi.

Chị Hạnh đỡ:

- Để nhớ những ngày hồi xửa hồi xưa, nhớ em chị đặt tên cháu là Hiền. Ở nhà vẫn gọi bé Ba. Đứa đầu sẩy thai, nó coi như cả.

Nghe chị nói, tôi giật thót người, thiếu chút nữa là co rúm, cuộn tròn lại để giấu cái bản mặt xấu xa của tôi như con cuốn chiếu đang loay hoay cuộn trên những đống lá mục. Chị Hạnh không chú ý đến trạng thái tơi tả của tôi, hào hứng:

- Cháu vừa đậu vào Tổng hợp nên mới lên nhờ vợ chồng em.

Tôi vít đầu bé Ba hôn lên tóc và khen:

- Cháu học giỏi, lại hiền hậu, đẹp nữa.

Tôi quay vào trong, đứng dưới chân cầu thang, gọi nhóng lên:

- Có chị Hạnh đến thăm vợ chồng mình. Em vẫn hay kể với anh đấy.

Tôi quay ra, bước chân cảm thấy nặng trịch. Đúng tôi là đứa dối trá. Chưa bao giờ tôi kể cho Vĩnh nghe về chị, nhắc nhở gì đến chị. Vĩnh xuống, có chào hỏi rồi cũng phải đóng kịch thôi. Ngồi bên chị, tôi cứ nơm nớp sợ bị chị phát hiện sự dối lòng, đãi bôi của tôi về mối quan hệ tình cảm hơi bị xộc xệch này.

- Từ dưới quê lên, chị phải ghé bốn chặng, hỏi dò mới ra chỗ ở của em.

Tôi vuốt mặt, bất lực.

- Giờ thì vợ chồng em phải giúp chị nhiều. Chị gởi con nhỏ chỗ vợ chồng em. Lên đây nó một thân một mình. Dẫu gì thì cũng chỗ…

Tôi gạt phăng:

- Chị bày đặt. Từ ngày xưa, không chị em như cật ruột là gì. Cháu cứ ở lại. Em có cu Ti, nó sẽ mừng lắm, chị không phải ngại gì hết trơn.

Chị Hạnh chảy nước mắt:

- Số con nhỏ và vợ chồng chị có phúc.

- Chết, em quên. Anh Đằng thế nào?

- Ong nay có tuổi. Ho hen thường xuyên.Vầy là tốt rồi. Cảm ơn hai vợ chồng em. Chị phải về. Thỉnh thoảng chị lên thăm con nhỏ và em.

Tôi lắc đầu nguầy ngậy. Một mực giữ chị lại. Viện đủ mọi lý lẽ ngăn không cho chị về sớm. Trong thâm tâm tôi muốn chị ở lại để chính chị nói ra những điều ngày xưa không ai nói cho tôi biết rõ ngọn ngành. Những mong chờ, thắc thỏm bấy lâu đang rành rành trước mắt, khoảng cách chỉ còn bằng một sợi tóc ngắn, thì không cớ gì tôi không được biết rõ.

Nhìn vẻ mặt căng thẳng, đầy vẻ lo lắng, tôi cầm tay chị bóp thật mạnh theo thói quen ngày xưa tôi vẫn làm khi chị kể chuyện con ma mũi đỏ trên đọt cây bần chết khô mé rạch trước nhà.

- Anh Đằng sẽ hiểu được tình cảm chị em mình sau ngần ấy năm mới được gặp nhau.

Tôi nằn nì và cuối cùng cũng giữ được chị ở lại.

(. . .)

Đêm ở thành phố không yên tĩnh. Những mái nhà che khuất các chòm sao. Những lọn dây điện chùm chùng, chùm thẳng cứa đứt bầu trời nhỏ bằng ngón tay, trong xanh trên cao. Và thay vì tiếng côn trùng rỉ rích êm diệu, là những tiếng động ầm ầm đến quá khuya. Tôi biết chị Hạnh không tài nào ngủ được. Chị đang lo lắng cho bầy con dưới quê. Tôi cũng không ngủ được, bỡi điều tôi muốn biết, tới giờ vẫn chưa biết. Tôi ôm vai chịHạnh:

-Nóng quá chị hả.Hay mình ra ngoài balcon cho mát.

Tôi mang hai chiếc ghế bố, đặt xoay ra phía đường có ngọn đèn núp dưới tàn cây sao, lấp lóa sáng tối như những thuyền chài đêm mang chùm đèn trắng loáng trên mặt nước, ẩn hiện sau những rặng dừa nước.

Tôi nói với chị Hạnh:

- Đêm nhớ quê, em vẫn hay ra chỗ này, nhìn khúc đường vàng vọt mà tưởng tượng đó là giòng sông trước nhà. Chị này, chuyện mấy chục năm trước là thế nào?  

- Chuyện lâu quá rồi, nhắc lại làm gì. Giờ có nhắc lại cũng chẳng ăn nhập gì cả.

- Sao không? –Tôi ngạc nhiên – Chẳng lẽ dòng nước cuồn cuộn ngày nào và bản thân chị lúc đó không ăn nhập gì hết sao; nói không ăn nhập, sao lại có chuyện ra bờ sông để thiên hạ phao ầm lên?

Chị thò tay qua, đụng vai tôi:

- Em muốn biết để làm cái giống gì?

- Không làm gì hết. Nhưng sao em thấy nó lưng lửng, khó tiêu; không phải trục trặc, cũng không giống suôn sẻ. Chuyện yêu đương, vợ chồng của chị cứ như chiếc xuồng mắc kẹt giữa đám lung lác, loay hoay, sậm sực.

Chị nằm im một lúc rồi bắt đầu tỉ tê về sự truân chuyên, trái ngang, nghe mà cứ  giống y vỡ tuồng cải lương, truyện feuilleton có hậu.

Tôi suýt bật cười thành tiếng khi chị buông một câu xanh dờn: “ai biết con nhỏ này yếu đuối đó cũng gan ruột!”. Vậy là không có gì hết, nếu như đó là những người bình thường như bao nhiêu người con gái khác đang ở tuổi “cập kê”. Đàng này, mọi nguyên nhân đều bắt nguồn từ chị, từ một đứa con gái được nuông chiều, từ những mơ mộng thời thiếu nữ, với một chút lãng mạn, thẫn thờ, sướt mướt mà chị đã kiếm đâu đó trong sách báo, mang về, tự hành hạ mình. Anh Đằng và chị yêu nhau như bao nhiêu cặp trai gái khác trong độ tuổi đó. Mối tình giữa hai người đẹp như bức tranh vẽ người trinh nữ. Nhưng cái sự so le quá nhiều về tuổi tác khiến má chị phản đối, mặc dù bà là người “tây học”. Sự can thiệp quá cứng rắn khiến chị thất vọng và bắt chước ai đó ra bờ sông thách đố với gia đình và bản thân mình. Chị không kể chị đã nhảy xuống dòng nước chưa? Hay có ai đó kịp phát hiện, hay không đành chia tay với mối tình đầu chị yêu đến điên cuồng, nên cuối cùng chị đã quay về, phẩy tay với mọi lời cầu hôn của đám thanh niên chung quanh, sống khép mình trong gian phòng chứa đầy kinh phật, sách thiền.

Chị nói, nửa đùa, nửa thật, rằng lòng thành của chị đã làm đức Bồ Tát cảm thương, nên mới nối lại duyên xưa cho hai người sau ngần ấy năm dài dằng dặc, sau khi anh Đằng trở thành kẻ góa bụa khi người vợ trước của anh chưa kịp có con. Bốn chục tuổi vẫn một mình một bóng, chính là đầu đề bàn tán của những bà hàng xóm ngồi lê đôi mách, khiến má chị phải chột dạ, mềm lòng để có cái đám cưới tàu ghe chạy ùng ục trên mặt sông, khua sóng dậy hai bờ.

Mãi sau này, bận thứ ba, thứ tư gì đó chị lên thăm bé Ba tôi mới được chị hé thêm:         

- Út Hiền biết không, bữa đám cưới cái mặt chị dàu dàu như mặt người đưa đám ma, đến nỗi em phải băn khoăn, chột dạ cũng tại anh Đằng. Chị biểu ổng, mình lớn tuổi rồi, lại nữa: có sự trục trặc trước đây, không nên bày vẽ rình rang. Nhưng ảnh đâu nghe, nói tui với em đợi nhau chừng ấy năm giờ mới thành chồng vợ thì sao đơn sơ, lặng lẽ được. Nói nghe bắt phát tức. Chờ đợi mà lại đi lấy vợ trước.

- Thôi chị ơi, trách móc nhau mà làm gì. Vấn đề ở chỗ cuối cùng thì anh chị cũng gặp lại nhau, chung sống với nhau. Chẳng vậy mà cứ sòn sòn năm một.

Chị nói gọn lỏn:

- Chớ không thì làm sao sông chảy về núi được?

 

Nguyễn Lệ Uyên
Số lần đọc: 2995
Ngày đăng: 21.01.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tình già - Đặng Hoàng Thái
Bữa tiệc của bầy chuột - Võ Tấn Cường
Người vác chõng tre - Trần Trung Sáng
Đêm giáng sinh - Trần Trung Sáng
Tiếng quốc cuối cùng trong thành phố - Hoa Ngõ Hạnh
Người đàn bà,cánh dã quỳ và miền mơ tưởng - Nguyễn Lệ Uyên
Tam ngưu tương mệnh - Vũ Ngọc Tiến
Khoảng cách em và tôi là gió - Nguyễn Nguyên An
Ông Cử - Đoàn Hữu Hậu
Tiếng Nhục - Giang Tâm
Cùng một tác giả
Nhớ…. (truyện ngắn)
Chiếc ly vỡ (truyện ngắn)
Cha con và chị và em (truyện ngắn)
A lô... Tôi xin lỗi (truyện ngắn)
Nhan sắc (truyện ngắn)
Bão xa (truyện ngắn)
Vợ chồng già (truyện ngắn)
Thở dài (truyện ngắn)
Từ mái trường xưa (truyện ngắn)
Sông xa (truyện ngắn)
Buổi sáng mát mẻ (truyện ngắn)
Sông chảy về núi (truyện ngắn)
Cưới vợ ăn tết (truyện ngắn)
Đồng làng (truyện ngắn)
Mưa trên sông ĐăkBla (truyện ngắn)
Lá thư bỏ quên (truyện ngắn)
Vòng trắng (truyện ngắn)
Về Tuy Hòa (truyện ngắn)
Bóng Nắng (truyện ngắn)
Cả làng hát karaoke (truyện ngắn)
Hương Cau (truyện ngắn)
Về Làng (truyện ngắn)
Mùa Tết (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Chân dung tự họa (truyện ngắn)
Nhân dân ơi, xin chào (truyện ngắn)
Lên Non Hái Trái (truyện ngắn)
Những Kẻ Căm Lặng (truyện ngắn)
Buổi Sáng Trong Làng (truyện ngắn)
Còn cọng rau dền (truyện ngắn)
Chìm Sâu Xuống Đáy (truyện ngắn)
Văn Hoá Đọc, (tạp văn)
Đĩ Xược (truyện ngắn)
Vàng Bông Vạn Thọ (truyện ngắn)
Tàu Khuya (truyện ngắn)