Trong ký ức thơ ấu của tôi cái làng Tân Bồi để lại một dấu ấn thật sâu nặng. Cũng như làng tôi, Tân Bồi là làng đánh cá biển. Nhưng Tân Bồi có một đội thuyền vô cùng to lớn và hùng dũng. Mỗi thuyền có đến 3 cánh buồm cực rộng với ba màu khác nhau. Chiều chiều khi trời quang biển sáng, các đoàn thuyền nối đuôi nhau lướt sóng từ xa khơi trở về, đoàn thuyền của Tân Bồi bao giờ cũng lộng lẫy và kiêu hùng nổi bật giữa trời xanh biển biếc.
Những chiếc thuyền hào hùng là thế, nhưng so với chủ nhân của nó thì chúng cũng chỉ như những bộ y phục hào nhoáng, chỉ là vẻ bên ngoài của những thân hình cường tráng, nở nang và đầy lôi cuốn. Đó là thân hình của đàn ông và đàn bà Tân Bồi. Ngày nhỏ tôi không sao hiểu được giữa nơi mép nước hẻo lánh ven biển quê tôi lại có một cái làng với những con người kỳ lạ như thế. Họ là một nhóm người hoàn toàn xa lạ như thể từ trên trời rơi xuống. Chắc chắn họ không liên quan gì đến những cư dân ở các làng biển xung quanh. Ngay cả tiếng nói, đó là một thứ tiếng Việt được phát âm một cách hổn hển và bay bổng du dương đến nỗi ta cứ tưởng đang bồng bềnh trên sóng nước.
Người Tân Bồi rất lạ. Đàn ông cao to vạm vỡ, cơ bắp nổi cuồn cuộn như thừng xoắn óng ánh đồng hun. Họ thô ráp góc cạnh chứ không mang nét đẹp trai quí phái như những người đàn ông ta thường gặp. Họ lừng lững vâm vam như một bầy trâu nước. Dáng dấp họ chùi chũi nặng nề và vất vả. Khuôn mặt của họ trông như vẽ với mắt xếch, lông mày rậm dựng ngược, đôi môi to, dày, thâm và trề. Cái cằm của họ chẻ đôi, hai hàm bạnh vuông và sắc. Và người đàn ông nào cũng để râu ria lồm xồm kín mặt trông họ vừa hồn nhiên vừa dữ tợn đầy ham muốn và hung hăng. Họ đi đứng thô thiển khuềnh khoàng chân chữ bát, thật vụng về và hình như bao giờ cũng muốn va quệt, gây sự với ai đó.Còn đàn bà Tân Bồi xinh đẹp theo một kiểu khác, có thể nói, họ đẹp một cách kinh hồn. Họ to lớn, bụ bẫm và mạnh mẽ. Dáng dấp của họ chậm chạp nặng nề, cục mịch. Tóc họ dài đen và lông chân lông tay dài tua tủa. Cũng như đàn ông họ cao to nở nang vạm vỡ. Tôi nghe người làng tôi nói, đàn bà Tân Bồi không thấy người chỉ thấy ngực, thấy mông và thấy đùi. Họ ít nói nhưng tiếng nói của họ oang oang bao giờ cũng gầm gào như sóng biển. Bình thường họ lầm lũi khuân vác những thừng chão, chum vại và tôm cá nhưng khi họ tức giận thì trông thật khủng khiếp. Họ nổi cơn tam bành điên dại và khi đó họ là một thứ khác không phải là đàn bà mà như những con gấu cái.
Suốt mười mấy năm tuổi thơ, dù làng Tân Bồi cùng xã tôi, nhưng tôi chỉ quen thân được hai người bạn trai của Tân Bồi cùng học và không có may mắn được quen biết một “nàng thiếu nữ” nào của Tân Bồi bởi con gái làng này hầu như chỉ học hết cấp I. Hình như, sau tuổi cấp I, các cô gái Tân Bồi nhanh chóng trở lên cao to lực lưỡng và lầm lũi làm nụng, sinh con đẻ cái như những người đàn bà thực thụ.
Tân Bồi với những người đàn ông và đàn bà như thế nên làng biển này vô cùng bí hiểm với lũ trẻ chúng tôi. Họ sống cởi mở hồn nhiên nhưng họ sống theo một kiểu khác, một thế giới khác và có lẽ với những vui buồn và sướng khổ khác. Phải nói thật, làng tôi và những làng xung quanh không hiểu từ bao giờ và không hiểu vì sao lại rất coi thường và miệt thị làng Tân Bồi. Điều đó được thể hiện mỗi khi nói đến người Tân Bồi, người làng tôi đều gọi họ là “quân mặt nước”. Đó là một cụm từ hết sức miệt thị và bao giờ nghe được cụm từ này họ dường như đều tỏ thái độ uất ức.
Người Tân Bồi thực ra rất xa lạ. Đúng là cứ theo chuẩn mực chung của vùng thì đàn ông làng này đen chùi chũi và thô, không đẹp trai quí phái, đàn bà ục ịch nặng nề, không xinh đẹp đài các. Đúng là nhà cửa và ngõ xóm của họ không cao ráo sạch sẽ. Đúng là trẻ con láo nháo bẩm thỉu và thiếu nữ đen đúa thô kệch. Đúng là mùi cá tôm thật tanh và mùi mắn thật hôi hám khó ngửi. Đúng là cách ăn mặc của họ thật nhếch nhác dị mọ... Nhưng, bỏ qua những dáng vẻ bên ngoài thì người Tân Bồi có một sức sống vô cùng mãnh liệt. Bất kể đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ, mùa nóng hay mùa lạnh, được mùa hay mất mùa, ngày hay đêm, bình yên hay bão tố bao giờ từ những thân hình vạm vỡ và nở nang của họ cũng ngùn ngụt bốc lên một dòng sinh lực vô cùng dồi dào.
Các chàng trai của Tân Bồi không biết lấy vợ từ đâu mang về và các cô gái ở đây cũng chưa có một cô gái nào lấy chồng các làng chài bên cạnh. Họ giao lưu quan hệ rất hoà đồng với thanh niên các làng chài xung quanh nhưng không hiểu tại sao chuyện hôn nhân lại như thế. Có lần tôi nghe các cụ làng tôi nhân hóng mát ở gốc đa làng giải nghĩa, sở dĩ không cô gái Tân Bồi nào lấy trai làng khác vì đàn bà con gái Tân Bồi quá cao to lực lưỡng đến nỗi trai làng khác đứng trước họ giống như con mèo đứng trước con trâu. Có lẽ vì thế, mà các chàng trai từ bao đời nay quá khiếp sợ không ai dám bén mảng tán tỉnh, còn các thiếu nữ Tân Bồi có lẽ nhìn họ như một đám người lùn còi cọc.
Đàn ông và đàn bà Tân Bồi là những con người ngoại hạng. Đội thuyền của họ bao giờ cũng vô địch đua thuyền trong lễ hội đền Ông, những chàng trai của họ bao giờ cũng vô địch trong mọi hạng cân của xới vật cổ truyền hàng năm cả vùng. Không có cuộc tỷ thí cơ bắp nào đàn ông Tân Bồi không vô địch. Và đàn bà, vâng đàn bà Tân Bồi bao giờ cũng vô địch về chửa đẻ. Họ đẻ liên tục. Hai năm đôi là chuyện thường. Họ bắt đầu sinh nở rất sớm. Chỉ độ 13 - 14 tuổi đã đẻ và liên tục phát triển như thế đến khi ngừng đẻ. Các cụ làng tôi nói đàn bà Tân Bồi đẻ hết trứng mới thôi. Vì thế, họ thường có từ 15 đến 20 con. Ngày xưa nghe nói họ không nhiều con như thế. Đó là vì đẻ nhiều nuôi ít, còn ngày nay do tiến bộ của y học nên con của họ thật đàn đàn lũ lũ. Bỏ qua tất cả mọi chuyện thì, xét cho cùng, chỉ là do đàn ông của họ quá khoẻ và bàn bà của họ quá mắn đẻ mà thôi.
Chuyện ấy tưởng tự nhiên hoá ra không phải thế. Có phải dân tộc nào đàn bà cũng mắn đẻ đâu và có phải bao giờ đàn ông cũng có sức khoẻ tình dục mạnh mẽ để đáp ứng những khát khao của những người đàn bà. Nhưng, đàn ông và đàn bà Tân Bồi là tương thích. Có lẽ giời sinh ra họ là để vì nhau, vì sự nghiệp truyền giống thiêng liêng của tộc người mình. Nếu nói một cách thô thiển thì họ là những con đực và những con cái ưu việt của vùng chài lưới ven biển quê tôi.
Chuyện ấy tưởng tự nhiên hoá ra không phải thế. Đúng ra phải nói không hoàn toàn phải thế, bởi lẽ... Các cụ làng tôi kể rằng, không hiểu sao trong mọi gia đình Tân Bồi đều có rất nhiều chum rượu. Uống rượu thay nước là chuyện thường tình của dân đi biển không có gì phải băn khoăn. Nhưng rượu nếp cái hoa vàng quốc lủi ngâm với một loài cá biển - những con cá gầy nhỏ như tôm nhưng xương xẩu và đầu ngựa. Những con cá bao giờ cũng cặp đôi, bao giờ từng đôi quấn chặt lấy nhau ở một miền biển nào đó mà quê tôi không có. Những con cá lạ chao đảo và bồng bềnh từng bầy trong những chum rượu.
Các cụ làng tôi nói rằng đó là loài cá ngựa. Một loài thuỷ ngọ chỉ sống ở những dòng hải lưu nóng bỏng của đại dương. Do trời sinh, loài thuỷ ngọ này chứa một năng lực tình dục khủng khiếp đến nỗi chúng có thể phát tán nguồn thiên năng đó ra muôn loài và cuốn muôn loài vào vòng sinh sản vô tận. Giời sinh ra chúng trong đại dương mênh mông dường như chỉ để chứng minh một điều: trong thế giới hữu sinh, chẳng có gì quan trọng ngoài yêu đương và truyền giống. Vì thế, cá ngựa bao giờ cũng từng đôi quấn chặt lấy nhau ở mọi nơi, mọi lúc và mọi hoàn cảnh. Quấn chặt nhau đến nỗi ngay cả khi thuỷ táng trong chum quốc lủi chúng vẫn ôm ghì kết đôi.
Các cụ làng tôi truyền tụng rằng loài thuỷ ngọ đó chính là loài cá thiêng - thuỷ tổ tôn thờ bí hiểm của ngư dân các cửa biển mà dân Tân Bồi chỉ là một trong số đó. Đây chính là điều khác biệt giữa ngư dân Tân Bồi và ngư dân các làng chài. Làng tôi và các làng chài đều thờ đức Kàn Long - thiêng liêng nhất biển cả. Đó chính là cá Ông voi huyền thoại. Người Tân Bồi không thế, họ thờ cúng cá ngựa bằng cách thuỷ táng trong rượu nếp cái hoa vàng qua chín tháng mười ngày mới khai khẩu chiên từ miệng chum sang miệng người. Sức mạnh tăng cường tiềm năng sinh dục của cá ngựa vô cùng kỳ lạ và huyền bí.
Huyền bí như câu chuyện các cụ làng tôi truyền tụng từ xa xưa: Có một người đàn ông làng tôi hàng chục năm qua cần mẫn thức khuya dậy sớm chưng cất rượu nếp cái hoa vàng cung cấp cho người làng Tân Bồi. Cảm cái tình rượu thơm ngon, có một người Tân Bồi vào một phút giây rượu thăng hoa cao hứng đã cho anh ta một đôi cá ngựa và nói mang về ngâm rượu uống sẽ rất bổ. Vì làng tôi chưa ai ngâm cá vào rượu nên anh ta đắn đo cài đôi cá lên mái bếp. Không ngờ một sáng kia tỉnh dậy cả nhà anh vô cùng hốt hoảng vì bể ngâm bún của vợ anh tất cả mọi sợi bún đều dựng đứng tua tủa như một rừng chông trắng muốt. Sau cơn kinh hoàng, định thần lại, anh phát hiện ra đôi cá ngựa anh cài trên mái bếp không hiểu sao lại đang bồng bềnh trong bể ngâm bún. Anh vớt đôi cá ngựa lên và thật khủng khiếp, một rừng bún trắng tinh mềm nhũn sụp đổ. Đó là lần đầu tiên dân làng tôi vỡ lẽ cái bí quyết vì sao ngư dân Tân Bồi lại lạ lùng, lại nở nang vạm vỡ, cường tráng, lại dũng mãnh và mắn đẻ như thế.
Nghe nói ngày nay tại những trung tâm buôn bán cá ngựa dọc bờ biển miền trung nhiệt đới nước ta, bên những sạp hàng cá ngựa khô đều có những tô bún để sẵn cho khách chọn lựa và thử công hiệu của loài thần dược thủy phồn biển cả. Muốn biết công năng thần kỳ của loài cá ngựa, khách hàng chỉ cần nhúng cặp cá ngựa mà mình đã chọn vào tô bún thì ngay lập tức tất cả những sợi bún mềm nhũn nhùn trong tô đều bừng tỉnh và cứng rắn tua tủa đứng dựng dậy một cách huyền bí lạ lùng bởi một sức mạnh khủng khiếp. Ngựa biển, phải chăng đó chính là nguồn cung cấp năng lượng vĩ đại cho ngư dân Tân Bồi, đó phải chăng chính là bí quyết của dòng sinh lực chan chứa trường tồn của dòng giống./.