Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
497
123.195.667
 
Làng Hòa Hảo ,kiên trì và duyên cách- đại nét từ tiên thân đến hóa thân
Nguyễn Hữu Hiệp

Đầu triều Nguyễn, làng Hòa Hảo chưa xuất hiện, nhưng diện địa của nó thuộc tổng Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh An, trấn Vĩnh Thanh. Từ tháng 10 năm Nhâm Thìn (1832) tỉnh An Giang được thành lập, huyện Vĩnh An lệ vào tỉnh này.

 

Tổng Vĩnh Trinh là vùng đất chạy dài từ thượng khẩu hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang, phía Đông giáp tổng An Trung, lấy thượng khẩu sông Cái Tàu (xã Hội An nay) thẳng đến thủ Cường Oai; phía Tây giáp phủ Nam Vang (Kampuchia) lấy thượng khẩu hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang làm giới hạn; phía Nam giáp huyện Vĩnh Định, lấy thượng khẩu Hậu Giang, qua Châu Đốc đến thủ Cường Oai làm giới hạn; phía Bắc từ thượng khẩu Tiền Giang bao gồm các cù lao Cái Vừng, bãi Tê, bãi Tân, bãi Ngưu đến thượng khẩu sông Cái Tàu làm giới hạn. Theo Gia Định thành thông chí huyện Vĩnh An có 29 thôn là: Tân Phú Lâm thôn, Long Khánh thôn (mới lập), Long Sơn thôn, Mỹ Lương thôn, Tân Hưng thôn, Tân Điền thôn, Tân Thuận thôn, Nhơn Hòa Trung thôn (mới lập), Tân Hòa thôn, Mỹ Hưng thôn, Mỹ Chánh thôn, Phú Hưng thôn, Phú An Đông thôn, Tân Thái thôn, Toàn Đức thôn, Tân Đức Đông thôn, Tân Phước thôn, Tân Tịch thôn, Tòng Sơn thôn, Mỹ Long thôn, Mỹ Phú thôn, Bình Thành Tây thôn, Bình Thành Đông thôn, Bình Thạnh Hòa thôn, (Nhơn Lợi Trung) – Tân An Nhị thôn (mới lập), Tấn An thôn (mới lập), Thái Bình thôn, Mỹ Khánh thôn, Tân Long thôn.

 

So với nay ta thấy tên gọi các địa danh vừa kể đã thay đổi khá nhiều, hoặc biến mất (kiểu “ruộng dâu biến thành biển cả”), hoặc rút gọn hay mới đặt thêm qua những lần tách nhập, và vài lý do khác. Riêng đối với tên gọi một số địa danh thuộc huyện Phú Tân nay, một số tên gọi cũ vẫn còn tồn tại dưới dạng tên chợ như chợ Mỹ Lương, chợ Nhơn Hòa (trước 1975 đều thuộc xã Hòa Hảo); hoặc sau một thời gian phiêu bạt được chính quyền cho phục hồi lại vẫn với hình thức là một cấp hành chính cơ sở, như xã Phú Hưng, xã Tân Hòa v.v.

 

Dưới thời Minh Mạng (1820 – 1840) vào thời điểm lập địa bạ tỉnh An Giang (1836) tổng An Thành có 12 thôn là: Long Hưng, Long Khánh, Long Sơn, Phú Lâm, Tấn An, Tấn Thiện, Vĩnh Hòa, Vĩnh Lạc, Vĩnh Lợi, Vĩnh Xương, Phú Mỹ và Lương Thiện. Ta thấy rõ ràng tổng này có những thôn liền kề với thôn Mỹ Lương, nhưng do không thấy ghi thôn này nên có người suy đoán: hai địa danh Phú MỹLương Thiện mới lập được tách ra từ Mỹ Lương thôn. Nhưng suy như vậy là lầm, vì khi mô tả tứ cận Phú Lâm thôn, sử ghi rõ: Đông giáp sông, nhìn sang thôn An Phong (tổng Phong Thạnh Thượng, huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường); Tây giáp địa phận thôn Bình Thạnh Đông (tổng An Lương); Nam giáp địa phận thôn Mỹ Lương (tổng An Lương); Bắc giáp địa phận thôn Long Sơn (2 tổng An Thành và An Lương lúc bấy giờ thuộc huyện Đông Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang).

 

Qua đó đã rõ một cách đại thể là, Mỹ Lương thôn thuộc tổng An Lương, tọa lạc phía dưới thôn Phú Lâm (hai thôn Phú Lâm và Phú An sát kế nhau), và địa danh Hòa Hảo vào lúc này vẫn chưa thấy xuất hiện, nhưng đối chiếu với thực tế hiện nay tiền thân của nó chắc chắn là Mỹ Lương thôn.

 

Cho đến thời Pháp thuộc địa danh thôn làng Hòa Hảo mới xuất hiện. Theo “Lịch 1897” (dẫn theo Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng Việt miền Nam), tổng An Lương là một trong 10 tổng của tỉnh Châu Đốc. Tổng này, năm 1897 có 18 làng là: Bình Long, Bình Mỹ, Bình Thạnh Đông, Đồng Đức, Hiệp Xương, Hòa Hảo, Hòa Lạc, Hưng Nhơn, Katambang, Khánh Hòa, Phú Hữu, Phum Xoài, Thạnh Mỹ Tây, Vĩnh Hậu, Vĩnh Lộc, Vĩnh Phong và Vĩnh Thạnh Trung.

 

Quận Tân Châu thành lập năm 1870, có 10 tổng: An Lương, An Phước, An Thành, Châu Phú, Qui Đức, Thành Lễ, Thành Ngãi, Thành Tâm, Thành Tín, Thành Ý.

 

Tổng An Lương năm 1897 có 18 làng: Bình Long, Bình Mỹ, Bình Thạnh Đông, Châu Giang, Đồng Đức, Hiệp Xương, Hòa Hảo, Hòa Lạc, Hưng Nhơn, Katambang, Khánh Hòa, Phú Hữu, Phum Xoài, Thạnh Mỹ Tây, Vĩnh Hậu, Vĩnh Lộc, Vĩnh Phong, Vĩnh Thạnh Trung.

 

Năm 1839 tỉnh Châu Đốc có 5 quận: Châu Thành, Tân Châu, Hồng Ngự, Tịnh Biên, Tri Tôn; có 13 tổng. Quận Châu Thành có 3 tổng: An Lương, An Phú, Châu Phú. Quận Tân Châu có 2 tổng: An Lạc, An Thành. Quận Hồng Ngự có 2 tổng: Cù Lao Tây, An Phước. Quận Tịnh Biên có 3 tổng: Qui Đức, Thành Tín, Thành Ý. Quận Tri Tôn có 3 tổng: Thành Ngãi, Thành Tâm, Thành Ý (Ý?).

 

Làng Hòa Hảo (và Phú An, Phú Lâm) thuộc tổng An Lạc, quận Tân Châu.

Năm 1955 quận Tân Châu vẫn 2 tổng là An Thành, 8 xã; và An Lạc, 3 xã như 1939.

Thời Ngô Đình Diệm, theo Địa phương chí An Giang, 1959 (do Tòa hành chánh tỉnh An Giang thực hiện) quận Tân Châu có hai tổng An Thành và An Lạc. Tổng An Thành gồm 5 xã Vĩnh Xương, Phú Vĩnh, Tân An, Long Phú và Long Sơn; tổng An Lạc gồm vẫn 3 xã Phú Lâm, Phú An, Hòa Hảo.

 

Phía Cách mạng, để thuận lợi trong việc lãnh đạo kháng chiến, ngày 12/9/1947, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ ra Chỉ thị số 50/CT phân chia lại địa giới hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc năm 1945 đều thuộc Khu 9 thành hai tỉnh mới Long Châu Tiền thuộc Khu 8 và Long Châu Hậu thuộc Khu 9. Ngày 06/3/1948 hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc tổ chức hội nghị để thực hiện Chỉ thị trên.

 

Theo đó, tỉnh Long Châu Tiền có 5 quận là Tân Châu, Hồng Ngự, Chợ Mới, Châu Phú B (An Phú ngày nay) và Lấp Vò. Tỉnh Long Châu Hậu có 6 quận là Tịnh Biên, Tri Tôn, Thốt Nốt, Thoại Sơn, Châu Phú A và Châu Thành (bao gồm hai tỉnh lỵ là Long Xuyên và Châu Đốc).

 

Tháng 6 năm 1949, chia quận Tân Châu của tỉnh Long Châu Tiền thành 2 quận mới là Phú Châu gồm 17 xã và Tân Châu gồm 10 xã. Các xã đó là:

 

Tháng 10 năm 1961 Tỉnh ủy An Giang họp quyết định thành lập các liên huyện Tịnh Biên – Tri Tôn lấy tên Tịnh Biên, liên huyện Châu Thành – Huệ Đức lấy tên Châu Thành, liên huyện Tân Châu – An Phú lấy tên Tân Châu.

 

Tháng 12/1968 thành lập huyện Phú Tân. Trong 9 xã của huyện lúc bấy giờ có 5 xã của Châu Phú và 4 xã của Tân Châu.

 

Tháng 2 năm 1976 do Nghị định của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tỉnh An Giang có 10 huyện, thị là Châu Thành, Huệ Đức, Chợ Mới, Phú Tân, Châu Phú, Phú Châu, Tri Tôn, Tịnh Biên, thị xã Long Xuyên và thị xã Châu Đốc. Như vậy, vào thời điểm này tên gọi quận Tân Châu không còn, mà nhập lại hai quận An Phú và Tân Châu, cải danh là huyện Phú Châu huyện lỵ tại thị trấn Tân Châu đến ngày 13/11/1991 do Quyết định số 373/HĐBT của Hội Đồng Bộ trưởng chia tách huyện Phú Châu thành 2 huyện An Phú và Tân Châu như cũ.

 

Trong hệ thống hành chính không đặt ra cấp tổng là cấp trung gian giữa huyện và xã. Cấp này chính thức bị xóa từ sau năm 1975.

 

Phú Tân có lúc chia làm 2 huyện: Phú Tân A (gồm 6 xã: Long Sơn, Phú Lâm, Hòa Lạc, Châu Giang, Long Thuận, Phú Thuận), và Phú Tân B (gồm 8 xã: Phú An, Hòa Hảo, Hưng Nhơn, Hiệp Xương, Bình Thạnh Đông, Tân Huề, Tân Quới, Tân Long) đều thuộc tỉnh Long Châu Tiền (gồm một phần của tỉnh Long Xuyên, tỉnh Châu Đốc thuộc cánh sông Tiền).

 

Tháng 2 năm 1976 xóa 2 huyện này (vì có một số xã giao cho Đồng Tháp), thành lập huyện Phú Tân của tỉnh An Giang, gồm 9 xã: Long Sơn, Phú Lâm, Phú An, Hòa Hảo, Hiệp Xương, Hưng Nhơn, Hòa Lạc, Châu Giang, Bình Thạnh Đông và thị trấn Mỹ Lương.

 

Như đã nói ở trên, thôn Mỹ Lương thành lập từ thời Gia Long, đến năm 1897, thời Pháp thuộc, về mặt hành chính thôn này không còn nhưng tên của thôn thì đến nay hãy vẫn còn dấu ấn: chợ Mỹ Lương, và mới đây có đặt thêm ấp Mỹ Lương thuộc thị trấn Phú Mỹ. Dân gian gọi chợ Mỹ Lương là chợ Cái Tắc (Tắt) vì tọa lạc tại bờ dưới vàm kinh Cái Tắc (mới đây có đặt thêm ấp Cái Tắc, cặp theo hai bên bờ kinh này đến ranh xã Phú Hưng).

 

Vậy, nếu chúng ta không lầm thì làng/ xã Hòa Hảo được cải danh từ thôn Mỹ Lương, và nó được thành lập từ năm 1870, tức cách nay gần 140 năm, trước thuộc quận Tân Châu, rồi huyện Phú Tân B (đối với chính quyền cách mạng thời kháng chiến) sau này là trung tâm hành chính của huyện Phú Tân. Hòa Hảo là xã xa nhất của quận Tân Châu. Từ Tân Châu đến Hòa Hảo, khoảng 40km, được nối liền bởi hương lộ 54 (nay là tỉnh lộ 954), trải đá. Mặt tiền của xã giáp với 3 sông lớn Tiền Giang, Vàm Nao và Hậu Giang. Nửa trên bờ sông của xã thuộc vùng đất bị xâm thực vào mùa nước nổi, đoạn giáp sông Tiền; bờ sông nửa dưới là vùng đất lan bồi, có cồn bãi, mỗi năm lấn sông Vàm Nao khoảng 10 mét. Mặt trận là đồng ruộng, có hồ thiên nhiên khá rộng, gọi hồ Chủ Bó, và nhiều kinh mương nhỏ.

 

Từ giữa thập niên 50 thế kỷ trước (cho đến 1975) xã Hòa Hảo có 11 ấp là: Thượng 1, Thượng 2, Thượng 3, Trung 1, Trung 3 (đều nằm cặp hữu ngạn sông Tiền), Trung 2, Mỹ Hóa 1, Mỹ Hóa 2, Mỹ Hóa 3, Hậu Giang 1, Hậu Giang 2 (đều nằm cặp hữu ngạn sông Vàm Nao và sông Hậu; tiền thân của 3 ấp Mỹ Hóa là ấp Hóa Cù chia ra).

 

Xã Hòa Hảo có 3 chợ là chợ Mỹ Lương, Chợ Đình (sát trên đình, nhìn ra ngã ba sông – vàm trên sông Vàm Nao), và Chợ Nhơn Hòa ở cuối xã. Khoảng 1970 có  xây dựng thêm một chợ ở phía sau bến bắc Cái Đầm (Năng Gù) nhưng dân không chịu nhóm, bỏ hoang phế (nay trở thành “khu dân cư”, có chợ, chưa mấy sung túc).

 

Sau năm 1975, quân Tân Châu tách làm hai huyện là Tân Châu và Phú Tân. Huyện Tân Châu có lúc phiêu bạt do sắp xếp cho nhập từ hai huyện An Phú và Tân Châu huyện (An Phú thành lập ngày 6/8/1975 từ 13 xã của quận Châu Phú), gọi Phú Châu. Được một thời gian, tách trả Tân Châu và An Phú lại như cũ nhưng có thay đổi đôi chút về địa giới (Quyết định ngày 13/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng, số 373 – HĐBT). Huyện Phú Tân nhận thêm một số xã của quận Châu Phú như đã nói ở trên. Lúc mới thành lập huyện Phú Tân gồm 1 thị trấn,  9 xã – sau có chia tách để lập thêm một số xã và thị trấn mới.

 

Lúc này xã Hòa Hảo phân thân thành 2 xã là xã Phú Hòa và thị trấn Mỹ Lương (dùng lại tên cũ đã có từ thời Gia Long – sau này đơn vị hành chính thị trấn Mỹ Lương bị xóa).

Xã Phú Hòa gồm các ấp Trung 2, Mỹ Hóa 1, Mỹ Hóa 2, Mỹ Hóa 3, Hậu Giang 1 Và Hậu Giang

2.

 

Tên gọi xã Phú Hòa có lẽ do trùng tên với xã Phú Hòa của huyện Thoại Sơn nên chỉ tồn tại được một thời gian ngắn rồi cãi thành xã Tân Hòa. Xã Tân Hòa lại phân thân thành 2 xã là Tân Hòa nằm dọc theo tuyến đường từ chùa An Hòa Tự đến Cái Đầm, chợ Nhơn Hòa, gồm các ấp Mỹ Hóa 2, Mỹ Hóa 3, Hậu Giang 1, Hậu Giang 2; xã Tân Trung cặp hữu ngạn sông Vàm Nao, có 5 ấp là Trung 2, Trung Hòa, Tân Thạnh, Mỹ Hóa 1 và Vàm Nao.

 

Trước đó, do Quyết định số 125 – CP ngày 23/4/1980 của Hội đồng Chính phủ, thị trấn Mỹ Lương, có lẽ không đạt tiêu chí về cấp số, bị giáng thành xã Phú Mỹ. Cùng lúc ấy, các xã Châu Giang đổi tên thành xã Phú Hiệp, xã Hưng Nhơn đổi tên thành xã Phú Hưng thấy có từ thời Gia Long; xã Hòa Hảo đổi tên thành xã Tân Hòa (cũng đã có từ thời Gia Long) – do tình hình dịch chuyển duyên cách, kỳ thật xã Tân Hòa chỉ là một phần (phụ) của xã Hòa Hảo.

 

Đến năm 1997 do Nghị định 75 – CP ngày 16/6/1997 xã Phú Mỹ được nâng thành thị trấn Phú Mỹ đến nay. Hiện, thị trấn Phú Mỹ có 8 ấp là: Thượng 1, Thượng 2, Thượng 3, Cái Tắc, Mỹ Lương, Trung 1, Trung 3 và Trung Thạnh. Và, là một trong 19 đơn vị hành chính trực thuộc huyện Phú Tân, cụ thể là: Thị trấn Phú Mỹ, thị trấn Chợ Vàm và 17 xã là Long Sơn, Long Hòa, Phú Lâm, Phú Thạnh, Phú An, Phú Thọ, Phú Bình, Phú Long, Phú Tân, Phú Hiệp, Phú Thành, Phú Hưng, Hiệp Xương, Bình Thạnh Đông, Hòa Lạc, Tân Hòa và Tân Trung.

 

Tóm lại, nếu nói về mặt hành chính, hiện nay xã Hòa Hảo đã được phân thân thành 3 đơn vị hành chính trực thuộc huyện Phú Tân là: thị trấn Phú Mỹ, xã Tân Hòa và xã Tân Trung. Còn nói theo cách hiểu của người trong đạo thì vùng Thánh địa Hòa Hảo (được chính quyền cũ thừa nhận trước 1975) nay bao gồm các xã Phú Hưng, Phú An, Phú Thọ, Tân Hòa, Tân Trung và hai thị trấn Chợ Vàm, Phú Mỹ.

 

Hiện, Tổ đình Đức Giáo chủ Phật Giáo Hòa Hảo; chùa An Hòa Tự (chùa Thầy); và Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Giáo Hòa Hảo vẫn tọa lạc trên địa bàn thị trấn Phú Mỹ – một phần chính yếu của diện địa làng/ xã Hòa Hảo ngày trước, là nơi đản sinh Đức Huỳnh Giáo Chủ (nên gọi “Thánh địa”), cũng là nơi phát tích đạo Phật Giáo Hòa Hỏa.

 

Với người trong đạo, địa danh Hòa Hảo mang tính đặc điểm lịch sử tất yếu, một trung tâm tín ngưỡng của Phật Giáo Hòa Hảo có nghĩa văn hóa tâm linh rất thiêng liêng.

 

Tài liệu tham khảo

 

– Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, bản dịch Tu Trai Nguyễn Tạo, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xb, S., 1972.

– Tòa hành chánh tỉnh An Giang, Địa phương chí An Giang, 1959, quay ronéo.

– Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng Việt miền Nam. Nxb. Văn hóa, 1993.

– Nhiều tác giả, Địa chí An Giang, UBND tỉnh An Giang, 2003.

– Ban chấp hành Đảng bộ huyện Phú Tân, Phú Tân 30 năm đấu tranh và xây dựng (1968 – 1998), xb. Tháng 4/2000.

Nguyễn Hữu Hiệp
Số lần đọc: 4296
Ngày đăng: 21.01.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thử "bào chữa" cho Hoàng đế Lê Long Đĩnh - Hoàng Hải Vân
Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam :Trung Quốc bất chấp lẽ phải, chà đạp lên sự thật lịch sử về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. - Nguyễn Nhã
Danh nhân Việt Nam : TRẦN NHÂN TÔNG (1247-1308) : Minh quân và đạo sĩ - Nguyễn Đức Hiệp
Lời cáo chung cho thuyết Aurousseau về nguồn gốc người Việt - Hà văn Thùy
Đô thị Sài Gòn – Một góc nhìn - Nguyễn Thị Hậu
Trần Nhật Duật (1254 - 1330) : Danh tướng và vương tử tài hoa - Nguyễn Đức Hiệp
Các đời quan trấn thủ ở Khánh Hoà xưa - Nguyễn Man Nhiên
Thưa lại cùng Giáo sư Cao Thế Dung - Hà văn Thùy
Mạch thư hương -1 - Phạm Phú Viết
Mạch thư hương -2 - Phạm Phú Viết