Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.105
123.163.163
 
Người chạy trốn quá khứ
Mai Bửu Minh

Giật mình tỉnh dậy bởi chiếc xuồng đụng mạnh vào một căn nhà nhỏ ven sông, Năm Bé nghe tiếng người đàn ông nào đó vang lên trong đêm, tiếng bì bõm của đồ vật trên sàn nước rơi xuống sông. Tiếng chửi thề của tên lính át tiếng gió lay đám lá gáo xào xạc và tiếng cọt kẹt của bụi tre bên hông căn nhà.

 

Năm Bé ê ẩm cả người, hai cánh tay tê dại vì bị trói thúc ké, dính liền với hai bàn tay cậu liên lạc của mình. Xuồng chưa kịp lùi lại thì liếp cửa tre bật ra, trong khung cửa xuất hiện một người đàn ông, đầu vấn khăn, ngực trần, quần cụt, một tay cầm cái đèn bão, một tay đưa lên mày che mắt để nhìn xuống xuồng. Anh đèn pin trong tay tên lính ngồi đàng mũi xuồng quét lên làm ông chớp chớp mắt vì chói.

 

- Anh Tư đó à? Trời ơi! Tưởng nhà của ai…thông cảm nghe anh Tư.

 

Thôi! Đi lẹ đi! Đ.M…Bộ mày đui rồi hả? Bơi xuồng cũng không xong, có nước ăn cứt thiên hạ chớ làm gì được.

 

Anh chớp ngoằn ngoèo chạy nhảy trên nền trời đen thẳm đủ để người đàn ông trên nhà thấy rõ những gì dưới xuồng. Năm Bé nghe giọng người  chủ nhà run run:

 

- Ghé nghỉ một chút đi trung úy ơi ! Trời mưa gió, đi đâu mà gấp dữ vậy? Ghé uống chút rượu cho ấm bụng mà.

 

- Tính về đồn nè. Mà có mồi gì không? Đói và lạnh thấy mẹ. Đi ruồng từ trưa tới giờ, có hột cơm nào vô bụng đâu.

 

- Mồi thì lúc nào cũng có. Rượu nữa…Không có, ai dám mời Chi khu trưởng…Vợ tui dẫn sấp nhỏ về quê gởi cho bà già lo chuyện học hành tụi nó. Có mồi, có rượu mà uống mình ên , uống không  vô…

 

- Ghé chơi một chút đi trung úy. Đói lạnh quá trời rồi. Bơi không muốn nổi nữa. Tụi kia đi trước chắc về đồn hết rồi.

 

Tên trung úy do dự phút giây hắn thoáng ngần ngại tình hình an ninh ngay trên vùng mình kiểm soát. Sau đó, hắn mỉm cười, tự chế giễu sự nhát gan của mình. Hôm nay đi ruồng, quần nát mọi ngõ ngách sông rạch mới bắt được hai tên khả nghi là Việt Cộng. (Chẳng lẽ lại về tay không?). Hừ, làm gì còn thằng Việt Cộng nào nữa để tới đây nạp mạng? Từ đây về đồn cũng chẳng xa mà cha già Tư này thì có gì lạ.Gia đình ông ta có khác chi cơ sở hậu cần của chi khu.

 

- Ghé thì ghé! Buộc xuồng vô!

 

Tên trung úy vừa ra lệnh vừa đứng dậy, chiếc xuồng lắc lư. Hắn leo lên sàn nước và rọi đèn pin cho tên lính bước lên theo. Giọng người chủ nhà ân cần, lộ ý tò mò,dò xét dù cố tỏ vẻ tự nhiên:

 

- Còn ai ngồi dưới xuồng đó trung úy? Kêu lên chơi cho vui, ở dưới đó lạnh chết…

 

- Hai thằng Việt Cộng mới túm được. Đ M…gan lì hết cỡ, đánh nhừ tử rồi mà không chịu khai về làng móc nối với ai, cứ một mực nói dân miệt dưới đi giăng câu…Cho tụi nó lạnh chết mẹ cũng được.

 

- Lỡ tụi nó lạnh chết queo thì làm sao điều tra, trung úy? Để tụi nó sống, chi khu mình mới…em lôi tụi nó lên sàn nước này, chừng nào đi mình lôi xuống…

 

- Mày làm được thì làm… Coi bộ nó chẳng phải dân khá giả rồi, giam giữ coi chừng lỗ cơm…

Tên trung úy nói với tên lính xong, theo người chủ nhà vào trong.Năm Bé cùng cậu liên lạc bị tên lính kéo lên sàn nước, buộc vô cột nhà. Tiếng người chủ nhà từ trong bếp vọng ra:

 

- Làm Việt Cộng chi cho khổ. Lo làm ăn nuôi vợ con như tui có sướng không? Ăn mồi rùa nghe trung úy?

 

- Ờ, bữa nay mình ăn rùa mừng tui mới bắt được hai tên khả nghi. Tụi nó thiệt vici thì tui rửa lon sẽ không quên anh đâu. Có tôm, luộc trước vài con anh Tư…

 

- Tôm thôi cũng được. Ăn rùa coi chừng xui lắm đó trung úy.

 

- Xui cái con mẹ mày. Lo tiếp anh Tư nấu nước đi…

 

Tên trung úy nổi quạu quát tên lính. Năm Bé cố nhớ tên người chủ nhà, hình như đã có lần anh nghe ai đó nhắc đến người đàn ông sống đủ nghề lờ, lộp, câu lưới đang mở đất trồng lúa vùng này…Hình như có quan hệ với ta trong đường dây tiếp phẩm. Không biết có đúng anh này không vì Năm Bé không phụ trách vùng này.

 

Năm Bé cùng cậu liên lạc mệt mỏi thiếp đi trong tiếng ca vọng cổ, tiếng chửi tục, tiếng thách đố nhau nâng ly của sòng nhậu trong nhà từ lúc nào không hay. Chẳng biết được bao lâu, chợt Năm Bé tỉnh dậy vì có người nắm cườm tay mình, cắt cái khăn đang trói chặt ông và cậu liên lạc từ trưa tới giờ. Máu chảy rần rật trong đôi tay, Năm Bé nghe rõ có tiếng thì thào sát bên tay mình, nồng nặc mùi rượu:

 

- Để tụi nó sống cho tui yên ổn mần ăn nuôi vợ con. Nhớ trói hai thằng đó và tui bỏ ở thềm đìa bà Hào,gần đám điên điển đó. Đừng giết tụi nó, tụi khác tới thay sẽ nguy hiểm hơn và đừng để nó nghi ngờ tui, còn lâu dài…

 

Nói xong, ông đi ra. Hiểu ý, Năm Bé nhanh tay đập bể cái chén để nhiều mảnh bén nhọn vương vãi quanh mấy khúc khăn rách, đứt đoạn. Lay cậu liên lạc tỉnh dậy, Năm Bé mở trói cho anh ta và nói khẽ:

 

- Tụi nó say hết rồi. Mình vô trói hết lại…

 

- Sao không cắt cổ tụi nó luôn?

 

Giọng cậu liên lạc đầy căm phẫn. Năm Bé nạt nhỏ:

 

- Thôi!

 

Đó, cuộc đời của Năm Bé đã có lần chịu ơn người đang ngồi cùng ông uống rượu bây giờ. Từ lâu, Năm Bé đã xem Tư Khanh, người chủ nhà khi xưa ấy như người anh ruột thịt. Tư Khanh cũng đã từng thích như vậy. Nhưng rồi mấy lần gần đây, Tư Khanh lẩn tránh không muốn gặp mặt Năm Bé nữa, nhất là thời gian Năm Bé giữ chức phó chủ tịch huyện. Mãi đến khi Năm Bé nghỉ hưu, về ở gần nhà Tư Khanh, Năm Bé mới lân la làm thân nhưng Tư Khanh giao tiếp vẫn giữ kẽ.

 

Năm Bé lặng im nhìn Tư Khanh ngửa cổ uống cạn ly rượu bỗng thèm biết dưới chân hàng triệu sợi tóc bạc trắng ấy đang chứa đựng những suy nghĩ gì? Ờ, xứ này bây giờ ai chẳng biết Tư Khanh bất mãn chính quyền Cách mạng, hay phê phán ông này, bà nọ, có lúc công khai chửi những tay cán bộ thoái hóa, biến chất bị ta kỷ luật bằng công thức thuyên chuyển.

 

Người ta cho rằng, Tư Khanh bạo mồm, bạo miệng như vậy mà không sao bởi vì có thời Tư Khanh đã nuôi giấu đồng chí Hai Giáo mấy năm trong nhà. Mà bây giờ, Hai Giáo là chủ tịch Uy ban nhân dân tỉnh. Nhưng, Năm Bé biết tính Tư Khanh, giờ đây đã không ưa cán bộ cách mạng nên chẳng thèm dựa hơi ông nào cả. Tư Khanh tồn tại và chẳng sao cả bởi vì Tư Khanh biết cách nói và nói đúng sự thật. Ví như có lần Tư Khanh hỏi tay Tâm, bí thư huyện ủy:

 

- Như tui biết thì lương bí thư của chú chẳng đủ uống cà phê sáng thường ngày như ai cũng thấy, vậy mà từ khi hòa bình tới giờ, chú không mần ruộng, không chăn nuôi,không mua bán nhưng không hiểu sao giờ nhà chú hai tầng, có xe cộ, ti vi, tủ lạnh…Chú nói coi ,chú làm sao giỏi vậy? Và, chú có dám thề với ông thần làng ta không. Nếu như chú không lợi dụng chức quyền nhận của hối lộ, hay tham ô, móc ngoặc thì của đâu có, chỉ cho tui làm với…

 

Hỏi mà hỏi ngay lúc ra mắt cử tri chuẩn bị bầu hội đồng nhân dân ba cấp, hỏi trước mặt bao nhiêu người kia…Có tức ói máu cũng không dám hùng hổ với anh ta được. Có mấy kẻ dám tiếp chuyện Tư Khanh mà không sợ mất mặt? Ngay từ lúc còn làm phó chủ tịch huyện, Năm Bé cũng có dịp chứng kiến tính khí Tư Khanh:

 

- Tui thách đó! Ai có ngon thì vô đó làm lúa hai vụ. Bây giờ mà làm được thì chặt đầu thằng già này, chớ đừng mượn cớ lấy đất người ta…

 

- Cái gì vậy anh Tư? Thủng thẳng vô đây nói cho tôi nghe thử coi.

 

Năm Bé vội vàng ra đón Tư Khanh, người có cái dáng dong dỏng cao trong đám đông đang đứng lố nhố trước thềm văn phòng ủy ban nhân dân huyện: Mái tóc bạc trắng của Tư Khanh nửa kín, nửa hở trong chiếc khăn rằn quấn gọn. Năm Bé tiếp:

 

- Đâu có gì chưa vừa lòng, bà con cứ vô đây trình bày, tôi sẽ báo cáo lại để thường trực ủy ban và huyện ủy giải quyết.

 

Tư Khanh vừa ngồi xuống ghế đã đứng dậy tằng hắng lấy giọng. Bàn tay đen mốc, thô nhám,gân guốc của ông đưa lên đỡ chiếc khăn rằn đang quấn trên đầu xuống rồi ông nói:

 

- Tui nói nghe bà con-Tư Khanh ngưng nói, vẻ trịnh trọng, lại tằng hắng như có cái gì đó đang vướng trong cổ họng- Tui và bà con tới đây để giãi bày tình cảnh khó xử của mình. Số là…cái quyết định của ủy ban về việc mở rộng diện tăng vụ làm cho bà con này khổ sở quá.Làm theo ngay bây giờ thì phải lỗ, đói như chơi, mà không làm theo thì mấy ông ở xã đòi nhốt, đòi đốt rẫy, đòi lấy đất cắp cho người khác. Ờ…Ai mà chẳng biết làm thứ lúa hai vụ năng suất cao hơn, nếu làm được tụi tui ngu gì không làm để làm một vụ mùa, một vụ rẫy cho cực. Cái chung thì chỉ đạo quy hoạch này đúng không sai nhưng cụ thể thì có những nơi cần xem xét lại coi trồng thứ gì cho bà con có lời… Mà trồng thứ gì, trồng ra sao thì rõ ràng bà con tụi tui rành hơn, bởi vì tụi tui đã đổ mồ hôi trên miếng đất của mình bao nhiêu năm qua, biết tính của nó ưa cái gì, không ưa thứ  gì…không thể cứ như chỉ đạo từ bờ kinh mới đo vô ba ngàn mét phải làm lúa hai vụ hết…như đất của tụi tui mà làm lúa hai vụ kiểu bơm nước chuyền hai lần mới tới ruộng, bơm bữa trước ngập gốc cả tấc thì bữa sau khô queo tưởng như nó đã thấm trong từng thớ đất, chui xuống âm phủ hết trơn vậy…Như vậy thì riêng chi phí bơm nước thôi cũng lỗ sặc gạch rồi, chưa nói đến phân bón, thuốc sâu,công làm cỏ…Bảo tụi tui không làm theo nhà nước sẽ đói mà thử tính lại một vụ lúa,một vụ màu,bán ra thành tiền tụi tui còn có lợi hơn là những người làm lúa hai vụ-trúng thiệt là trúng nữa…Chủ trương gì cũng phải nhằm cho dân tụi tui no ấm chớ…

 

Vậy đó, cũng đã có mấy xã đòi đốt rẫy đậu nành, đậu xanh, đậu trắng của dân, có nơi còn nhốt bà con để thực hiện bằng được chủ trương tăng diện tích lúa hai vụ để đạt chỉ tiêu kế hoạch trên giao. Tư Khanh có bảo vệ được ý kiến của mình hay không cũng làm bà con tin tưởng, ủng hộ vì ông nói có lý cho nên chính quyền không thể công khai đối phó với ông. Rất nhiều tay cán bộ trưởng phó ngành bị ông chỉ trích, lên án, tức tận xương tủy chỉ muốn quản thúc Tư Khanh thôi, nhưng với lý do gì? Hay là…chính vì vậy mà có người muốn hại ông? Người ta muốn vu oan, giá hoạ, hay vì cái gì đó mà đã có một nguồn tin loan ra từ thường vụ huyện ủy khiến ông phải bỏ qua tự ái, để tiếp xúc Tư Khanh hòng tìm hiểu, đánh giá xem nguồn tin đó đúng hay sai. Đã nghỉ hưu, Năm Bé không trách nhiệm gì trong chuyện này nhưng xuất phát từ tình cảm, suy nghĩ của mình về Tư Khanh, một con người tốt mà Năm Bé chịu khó tiếp chuyện với ông.

 

Năm Bé tiếp tục lể con ốc luộc ra, chấm nước mắm, xả ớt đút vô miệng và uống cạn ly rượu cuối cùng. Tư Khanh chưa muốn thôi, ông gọi với ra nhà sau:

 

- Út ơi, mày chạy mua cho ba chai nữa…

 

Từ trong bếo, đứa con trai út của Tư Khanh bước ra. Năm Bé nhìn theo cái lưng áo bộ đội cũ mèm vá đắp mấy miếng của út đang mặc mà nói:

 

- Thằng nhỏ ra quân lâu rồi, sao anh không tính cho nó xin vô ngành gì, để nó ở nhà uổng quá anh?

 

- Làm gì bây giờ nữa hả chú? Nghĩa vụ với đất nước xong rồi, nó phải ở nhà với tui, lo mần ăn sống qua ngày. Mà cái thằng này cũng kỳ, hình như nó khoái cầm súng hơn cầm cày. Tui cản ngăn, tui đe dọa từ đó, nó mới chịu xin ra quân, chứ không nó cứ nằng nặc đòi đi học khóa sĩ quan. Nhưng nó về đó mà như điên điên, khùng khùng chẳng chịu chí thú làm ăn. Việc ruộng vườn là nghề nghiệp của ông cha mà nó chẳng chút ưa thích. Thanh niên bây giờ , tôi hết hiểu nổi…

 

Tư Khanh dứt lời với tay lấy bịch thuốc rê vấn hút. Ông khẽ gật gù,đôi mắt lim dim. Ờ, nó có chút tha thiết ,gắn bó gì tới miếng đất…Ngay từ khi chưa đi bộ đội nó cũng đã…

 

*

*                       *

Mưa.Mưa như trút nước. Đêm tối đen. Sấm rền bầu trời. Chớp loang loáng. Gió thổi như muốn lật sấp chiếc xuồng con đang chở bốn cái trụ đá nặng nề và hai cha con Tư Khanh. Vai Tư Khanh đã mỏi nhừ vì đã phải luôn tay tát nước bằng cái bẹ chuối dập mép, ông vẫn không một lời than vãn. Thằng Ut cũng ướt mèm như ông. Nó cố chống chiếc xuồng chẻ sóng lao đi trên cánh đồng mênh mông nước. Chiếc xuồng nhảy liên hồi như một con ngựa đang phi nước đại vì những đợt sóng cứ tiếp nhau xô tới. Tư Khanh nghe rõ tiếng hai hàm răng của thằng út và vào nhau mỗi khi nó cúi mình xuống, cây sào cặp sát nách,  gối run, cố đẩy chiếc xuồng lao về phía trước.

 

- Trời mưa như vầy cũng đòi đi! Tối thui, chống lạc thì sao?

 

- Ráng một chút đi- Tư Khanh nhỏ nhẹ động viên con- Đi lúc này không ai thấy. Lạc sao được? Tao thuộc lòng đất của mình như thuộc chỗ để từng cái lu, cái hủ ở trong nhà mà…

 

- Nhưng…ba chôn mấy trụ đá trên ranh đất để làm gì? Người ta đã lấy rồi…Chỉ thêm mệt, còn tốn tiền…

 

- Hứ…Mày không chống thì để tao chống. Thằng…trời đánh…chôn làm gì hả? Chôn để cho ông nội tao nhờ chắc. Cái đồ…biết đâu…biết đâu mai mốt người ta trả lại…thì có sẵn ranh rấp,chẳng ai tranh giành của mình.

 

Tư Khanh nổi giận to tiếng với con. Lòng ông buồn bực vô cùng. Trời ơi, bộ nó tưởng mình mất trí rồi hay sao? Ờ…Người ta lấy đất mình làm nông trường thì biết bao giờ mới trả.Nhưng biết đâu…có sự thay đổi…cuộc đời dâu bể mà…Ờ…cho dù ông biết rằng Cộng sản sẽ tập thể hóa tất cả,nghĩa là chẳng có gì riêng tư được…May ra, chỉ có vợ con là của riêng thôi…nhưng biết đâu…

 

- Chống sang trái vài sào nữa.Ờ…được rồi…Mày coi đó. Cái gì họ cũng nói giỏi hết mà làm như đồ chó bươi. Nông trường cái con mẹ gì mà để đất láng linh như vậy nè. Máy móc có,vốn liếng có,con người có mà toàn là kỹ sư không hà…mà làm như vậy  có tức không?

 

Tư Khanh nhảy xuống nước, tay kéo chiếc xuồng theo, chân rà tìm gốc đất quen thuộc của mình, rồi cùng út cắm sào, buộc xuồng lại , đưa trụ đá xuống, xốc cho lún sâu dưới mặt đất cả thước mới thôi. Sóng nước cứ tiếp nhau vỗ vào ngực, vào vai hai cha con. Trời vẫn mưa, vẫn gió và tung sấm chớp. Chôn xong bốn trụ đá ở bốn góc đất thì trời đã tạnh mưa, hai cha con đều mệt lả, lên xuồng tát nước.

 

Tư Khanh khoan khoái vì vừa thực hiện được một ý định mà ông đã tính toán, trằn trọc suốt mấy đêm trường. Phải như vậy mới được. Biết đâu…Mà biết đến chừng nào ông mới được trả lại miếng đất này. Có khi, đến lúc nhắm mắt ông cũng không có dịp quảy cái thúng lúa giống trước ngực, bước thấp, bước cao trên luống đất cày ở đây để sạ lúa nữa. Tư Khanh ngậm ngùi. Có thể họ dùng máy bay sạ giống cho mày đó đất ơi. Mày đừng ham. Thân thể mày sẽ như da beo, chỗ có lúa, chỗ không…như một nông trường nào đó mà tao nghe thiên hạ nói. Biết khi nào mày lại cho tao hởi lòng, hởi dạ hít thở cái mùi rạ thơm nồng khi bông lúc đỏ đuôi? Biết khi nào mày mới cho tao mân mê từng trái dưa hấu to cỡ nồi sốn bốn, những thúng bắp vừa khô râu nấu ăn với mắm thái…

 

- Về nghe ba. Còn luyến tiếc cái gì nữa. Họ lấy đất này rồi chia cho mình chỗ khác, có đói đâu mà ba sợ…

 

- Chia cái con khỉ…Chia có mấy công để vừa làm, vừa chơi phải không?Cái đồ…trứng đòi khôn hơn vịt…

 

Ờ…Mà họ có chia cho ông hàng trăm mẫu nơi khác, ông cũng không ham. Cũng phải lấy đất của người khác làm của mình. Ông đã đau khổ vì chuyện mất đất thì có vui sướng gì chuyện lấy đất của người ta làm đất của mình. Mà lạ đời thật, ông là người "xâm canh"…Ông ghét cay, ghét đắng người đã phân chia đã dùng cái từ đó để chỉ những người có công khai phá đất làm ruộng như ông.Ờ…họ có giỏi để khỏi xâm canh thì kéo nhau cha, con, chồng, vợ gồng gánh gia tài vô mảnh đất khỉ ho, cò gáy đó mà cất nhà mà làm mấy công đất theo định mức phân chia nhân khẩu. Họ tưởng khai khẩn đất hoang là dễ lắm à? Họ tin là chỉ với mấy công đất chia theo số nhân khẩu là đã sống đàng hoàng được sao? Và, có phải ai cũng ham làm ruộng như ông à? Có người miễn cưỡng làm để khỏi đi kinh tế mới, để khỏi bị quy là thành phần không lao động, bóc lột…chớ có ham gì. Đất ơi, mày đừng giận thằng con trời đánh của tao, nó đến trường và hiển nhiên bị người ta nhồi sọ rồi. Cái gì là tập thể hóa, là ý thức giai cấp, là lao động, là bóc lột v.v…nó hiểu biết lắm nhưng làm sao nó hiểu được nỗi đau trong tao khi buộc phải xa mày hả đất ơi. Tao mang ơn mày đã cứu sống cuộc đời bấp bênh cơ cực của vợ chồng tao. Chính mày đã giúp tao nuôi chúng nó học hành đến nơi, đến chốn. Nó đâu phải trải qua cuộc đời ở đợ với trăm nỗi đắng cay, tủi nhục như tao. Còn tao đây đã còng lưng gánh nước cho vợ chồng con cái người ta tắm. Nó đâu thấy được những ánh mắt khinh bỉ của lũ người chỉ ăn trắng, mặc trơn, thường chễm chệ ngồi hóng mát trên chiếc xe lôi tao đạp, lưng tao ướt đẫm mồ hôi, cố đủ tiền thuê xe còn dư vài cắc bạc về đong gạo nuôi anh em tụi nó. Nó đâu từng lang thang với cái nghề hớt tóc dạo trong cái thời ở đây thiên hạ còn thích búi tóc. Nó đâu phải ngày ngày uống hàng chén nước mắm để ngâm mình dưới nước trong mùa gió bấc với cái nghề lờ lợp. Nó đâu phải vác leng theo chó Mực trên cánh đồng khô khốc dưới cái nắng cháy da để bắt chuột, bắn rắn, bắt rùa… đổi gạo…Tao đã làm đủ nghề theo từng thời vụ mà chẳng thấy dư… Chính mày…Chính mày đất ơi! Chính mày giúp gia đình tao ăn ngon mặc đẹp.

Chính mày giúp tao mua sắm trâu bò, máy cày và dựng ngôi nhà ngói khang trang…Tao thương mày còn hơn cả lũ con của tao nữa. Tao tạo ra mày còn khó hơn tạo ra tụi nó kia mà.

Trời ơi! Lúc tao dắt díu lũ con vô chốn này, mày chỉ là cánh đồng hoang hóa, lau sậy mọc cao lút đầu. Từng mũi lửa của tao châm xuống, từng vạt cỏ cháy sém và tao đã dùng cào, cào vẹt từng tấc đất. Mày đã lớn rộng ra theo lượng mồ hôi của vợ chồng tao đổ xuống. Mày cho tao bao thức ăn đồng ruộng, mày đã cho tao không khí trong lành và tự hào của người chủ. Cho dù lúc đó, bên quốc gia làm khó dễ, tao phải đút lót từ xã cho tới quận, hậu hạ mấy thằng chi khu ngoài kia như hầu hạ cha mình.Còn với cách mạng, tao có dám từ nan một lời gợi ý nào của họ. Khi thì cả xuồng gạo, thuốc chữa bệnh, thực phẩm, khi thì vài chiếc ghe, thậm chí có lúc giao họ cả đôi bò để thịt khao quân chủ lực…Đơn giản, chỉ để yên cho tao mần ăn…Những thứ tiếp tế xin đừng ghi nhận sổ sách chi, lỡ bị bể, hay có ai chiêu hồi thì chết…Tao tri hô, tao la làng và van nài chi khu sai lính đi lùng bò, lùng ghe của mình bị "cướp" chớ thật ra là đóng góp cho họ…Và, tao cũng đã tin những gì họ đã nói. Một xã hội không có áp bức, bóc lột, không có giặc ngoại xâm và người dân được tự do mần ăn, mau chóng cơm no, áo ấm, đất nước giàu mạnh…Dân giàu-nước mạnh…mà làm kiểu như họ nói thì làm sao giàu được hở đất ơi. Từ đây, mày không còn là của tao nữa. Mày là báu vật cuối cùng của tao ra đi. Máy cày của tao người ta đã mua với giá rẻ mạt mà còn hẹn hai năm sau mới trả. Tới khi tao nhận được tiền thì bốn chục ngàn chỉ còn bốn ngàn tiền mới đổi…Tao bán chiếc máy cày mua không được đôi bò tơ ! Mà, không bán cũng không xong. Dầu mỡ người ta không bán tự do, vật tư sửa chữa thay thế phải chạy tìm mua chui, mua nhủi với giá cắt cổ, còn giá cày thuê thì người ta định sẵn, phải chấp hành…Rồi lỗ, rồi chán, rồi bán…Hình như họ sợ tao giàu lên vì giàu cũng là một trọng tội nữa, chẳng cần biết mình giàu nhờ cái gì…Chẳng lẽ họ thích mình nghèo xơ, nghèo xác, trần truồng…mới là người dân tốt…Trời ơi, từ nay, từ nay…chắc tao không còn đến với mày nữa!T ư Khanh giật mình đưa mu bàn tay lau vội giọt nước chảy dài trên hai má khô gầy. Trời đã tạnh mưa rồi mà…

 

Năm Bé toan tranh luận với Tư Khanh về chuyện thanh niên hiện tại để xua đi vẻ trầm tư suy nghĩ của người bạn già thì con của Tư Khanh về tới. Ut đặt chai rượu trắng đầy lên bộ vạt tre rồi lấy dao chẻ mấy trái ổi xanh ra để lên dĩa. Tư Khanh rót rượu. Đôi chân mày rậm thỉnh thoảng nhếch lên mở to đôi mắt trắng đục dật dờ đang châm chú nhìn dòng rượu trắng từ miệng chai chảy ra ly. Năm Bé quan sát và trong lòng không thể tin con người như Tư Khanh lại có nợ máu với Cách mạng như nội dung tố cáo của lá đơn nào đó gởi cho thường vụ.Năm Bé làm như vô tình:

 

- Anh Tư…Chắc anh khoái sống như thời trước lắm?

 

- Khoái cái gì? Thời nào cũng vậy thôi. Thời nào mà thằng nông dân chân lấm tay bùn không bị thiệt thòi…Làm nông dân, cái đít nhỗng cao hơn cái đầu nên làm sao khôn hơn thiên hạ được, thiệt thòi là phải…

 

Tư Khanh nói tới đó vụt bật cười khan mà tiếng cười nghe sao thật đắng cay, chua chát! Tư Khanh lại nói tiếp:

 

- Thời trước lo mần ăn thì sợ người ta chụp mũ mình làm cộng sản.

 

Mần được bao nhiêu chỉ đủ chạy chọt cho yên thân. Còn thời bây giờ, làm ăn kha khá lên là người ta chú ý dò xét để buộc tội là bóc lột. Chú không nhớ cái lần chú nhốt tui hả?

Giọng Tư Khanh nghe cay xộc, mỉa mai làm lòng Năm Bé quặn đau. Năm Bé quên làm sao được lần ủy ban giao cho ông trực tiếp giải quyết chuyện Tư Khanh, lần đó…

 

*

 *                      *

- Mấy người là quân ăn cướp, là thứ vô nhân đạo, là…

 

Tư Khanh bực tức đứng dậy nói như hét. Đôi mắt ông mở to trừng trừng nhìn Năm Bé. Năm Bé tái mặt vì lời Tư Khanh, ông cố dằn nóng giận bởi đứng trước mình là người ông từng chịu ơn.

 

- Anh bình tĩnh đi. Anh nói như vậy với người khác thì…

 

- Thì sao? Chú định dọa tôi à? Nửa tháng nay chú nhốt tui ở đây vẫn chưa vừa bụng sao? Hay là chú còn muốn còng, muốn trói  muốn giải về tỉnh? Tui hổng có sợ đâu, tui còn mong lên tới trung ương để nói cho đã nữa kìa. Trên đời, trời đất có hay, sống gần chui xuống lỗ rồi tui mới thấy một kiểu buộc tội là đời như vậy. Tui là thằng bóc lột, tui cản trở công việc xây dựng Chủ nghĩa xã hội của mấy người thì cứ bắt tội ,treo cổ, xử bắn đi…còn ruộng lúa tui đã sạ lên xanh tốt đó. Có muốn ăn, muốn dọng gì thì cứ việc.Biểu tui thông làm sao thông cho được,tui không phục đâu và tui bất mãn, tui chửi…

 

- Anh chửi…người ta có thể buộc tội anh mạ lỵ cán bộ, xuyên tạc chế độ…Nhưng ,ở đây anh em vẫn đối xử tử tế với anh và không hề còng, trói hay chuyển anh đi đâu cả. Anh chưa thông suốt đường lối chủ trương của Đảng và nhà nước thì chúng tôi có trách nhiệm giữ anh lại để giải thích, để giáo dục, để đả thông. Anh phải biết rằng nông trường đó giải thể,đất diện đó trên chỉ đạo giao về cho huyện quản lý, không của riêng ai. Anh đừng ỷ còn có cọc dấu ranh lấp là lấy lại được. Ai dám trả cho anh. Anh bảo là thấy bỏ hoang hơn nửa năm nay nên anh tranh thủ làm,chừng nào huyện làm thì trả lại à? Đâu nói dễ nghe như vậy. Chuyện nhà nước , đâu phải chuyện anh em trong nhà, hay hàng xóm mà mượn cái này, cái nọ xài khi cần trả lại…Đành rằng anh có tới xã, tới huyện hỏi, nhưng rõ ràng đâu ai có thẩm quyền cho anh mượn đất làm đỡ một hai mùa cả…Mà anh làm có ít đâu. Một trăm năm chục công, cả diện tích đất cũ của anh hồi xưa… Nhưng bây giờ, với diện tích đó khác thường lắm…Anh thử nói xem với hơn một trăm năm chục công đó một mình anh cày bừa , sạ giống, một mình anh cắt, một mình anh đập, một mình anh…được không? Rõ ràng chẳng phải một mình anh làm cả những thứ đó mà anh phải thuê mướn người khác làm, là bóc lột sức lao động của mọi người. Người ta cũng cực khổ vất vả như anh mà chỉ hưởng một ngày công lao động được một giạ lúa, còn anh…Anh ỷ có tiền vốn, anh chỉ tay năm ngón tay sẽ thu vô khoản lợi nhuận gấp trăm, gấp ngàn lần người ta. Như vậy là không công bằng? Nhà nước này của nhân dân quyết không để nhân dân bị bóc lột. Chế độ này cương quyết xóa bỏ cái quan hệ không bình đẳng đó, cương quyết chấm dứt tình trạng bóc lột dã man đó. Anh không hiểu,  không chấp hành chủ trương đó là một cản trở, là chống lại chính quyền…

 

Năm Bé đã nói với giọng ôn tồn như tự tin với lý luận chắc nịch của mình. Nhưng, Tư Khanh trở nên gay gắt hơn:

 

- Tui…tui là thằng bóc lột? Tui chống lại chính quyền.Ờ…đã vậy thì đem ra xử bắn đi…Còn một "trọng tội" nữa mà các ông chưa kể nữa là tui bóc lột miếng đất hơn một trăm năm chục công đó,bắt nó phải đẻ ra gần hai ngàn giạ lúa (hơn ba mươi tấn) có cái cho mọi người đút vô miệng. Trong khi, nó được phép của các ông hai năm qua nằm chơi với cỏ dại và như bây giờ cỏ mọc lút đầu như mấy ngàn công còn lại đó. Tui bóc lột người ta, khiến người ta có công ăn việc làm và lạ đời họ xếp hàng năn nỉ để được tôi bóc lột thay vì được phép các ông nằm ăn ở không,chịu đói và sinh lòng trộm cắp…Một giạ cho một ngày công thì bị cho là bóc lột, còn ba đứa con tôi làm  cán bộ nhân viên cho các ông tiền lương một tháng bằng tôi trả công cho người làm thuê một tuần…Lạy trời! Tui không ngờ cái thằng chó má như tui lại có nhiều thứ tội như vậy. Bóc lột người ta chưa đã còn bóc lột cả đất!

 

Tư Khanh càng nói càng hằn học, dằn từng tiếng, từng lời giọng kéo dài ra, tăng thêm phần châm biếm sâu cay làm Năm Bé ngượng ngùng. Nông trường giải thể, huyện chưa kịp bàn tính thống nhất cách chia ra sao, còn điều tra nhân khẩu, mức sống, xét duyệt thành phần để cấp cho đúng đối tượng… Công việc đâu đơn giản mà chuyện  của huyện thì trăm thứ lu bu cho nên từ đầu năm tới giờ vẫn chưa tiến hành được đành để trống mùa này, đợi sang năm mới làm được. Nào lo lúa giống, vốn liếng cho dân, nào lo sức kéo v.v…Đó cũng là cái dở, nhưng phải tại riêng ai đâu, khách quan công việc nó phải vậy. Còn chuyện Tư Khanh tự ý lấy đất lại sạ lúa và lúa đã lên xanh tốt rõ ràng là sai rồi. Thường vụ giao cho ông giải quyết vụ này vì tin là ông quen thân với Tư Khanh, mặt khác cũng là thử thách quan điểm lập trường của mình mà…Năm Bé đâu thể nào làm khác ý chỉ đạo.:Thu hồi đất, trả lại lúa giống cho Tư Khanh và đả thông tư tưởng, có bất mãn, có thiệt thòi cũng phải chịu…

 

Được mời ở lại văn phòng ủy ban huyện cả tuần lễ và Tư Khanh được tự do trở về nhà với lòng bất mãn cao độ. Nằm trong căn nhà trống hoác vì đồ đạc đả rủ nhau ra đi sau "canh bạc" tranh thủ vừa rồi, Tư Khanh nuối tiếc cơ hội tung hoành trên cánh đồng thân quen để bù lại những năm tháng bó chân, bó tay trong mấy công đất hai vụ nhà nước phân chia. Tư Khanh ngao ngán sự đời và xót xa bực tức khi nhớ lại những gì Năm Bé và Hai Giáo nói trong những ngày tá túc trong nhà ông hoạt động bí mật.

 

Đau buồn, tiếc nuối, ông giận và ông hận cuộc đời. Như một người điên, ông chửi bất cứ ai làm việc cho nhà nước. Ông đâu sợ chuyện tù đày hay "giáo dục"…Ông cầu cho được họ mời tới cửa quan để ông nói cho hả, cho đã. Họ nghe chán, nghe tức, họ chịu không nổi phải thả ông về thôi chớ gì. Với những tên cán bộ thoái hóa, biến chất, tham ô, móc ngoặc, làm giàu bất chính thì ông chửi thiệt sướng miệng. Cứ lấy lý tưởng, lấy quan điểm lập trường của tổ chức họ mà xét, mà chửi họ thì có gì sai…

 

Thế nhưng, đêm đêm, thỉnh thoảng ông lại nằm mơ thấy mình lái chiếc máy cày Someca 750 mở vạt trên cánh đồng thân quen. Đi ra, đi vô…nhìn cái khoảng sân rộng ngày nào để chiếc máy cày và cái rơ-moóc là ông muốn rớt nước mắt. An không ngon, ngủ không yên, đời chẳng chút gì vui, thấy cái gì cũng chướng, cũng chán…riết rồi ông bệnh, làm ba đứa con khổ sở theo…Sau cơn bệnh nặng, ông thề độc: Phải quên hết, bỏ hết, xem như mình chưa có gì và không mất cái gì cả…Ông bán căn nhà ngói với vườn tược cây trái bao quanh và che căn nhà lá nho nhỏ ở trên bờ kinh, đoạn vắng…Ông muốn quên hết, vậy mà Năm Bé lại gợi chuyện xa xưa. Hừ…không có thời nào thằng nông dân tay lấm chân bùn sung sướng hết. Cuộc sống của những người ngày ngày phơi lưng cho trời, bán mặt cho đất, nhổm cái đít cao hơn cái đầu thì làm sao còn khôn ngoan, lọc lừa  với thiên hạ được. Đụng cái gì cũng thua thiệt. Quanh năm dầm mưa, dãi nắng, quần quật từ sáng tới mờ mịt tối mà không đủ ăn, nuôi nấng con cái học hành đàng hoàng. Đụng tới việc làng là run  như cầy sẩy, ai cũng có thể lừ mắt dọa nạt được từ du kích cho tới quan trên, cả đời không dám bước tới cửa một cơ quan nào với dáng hiên ngang tử tế cả mà phải khúm núm, khép nép, dạ thưa…Lúa thóc của mình chở đi xay ăn cũng phải chầu chực trình hộ khẩu, xin phép và được người ta duyệt như một sự ban ơn của thánh thần …Làm chủ vinh quang như vậy ư…

 

Năm Bé cất giọng phân trần .

 

- Không thể…"Cũng như vậy"được. Anh Tư à…Tụi tôi đi làm Cách mạng là để những người lao động chân chính như anh  có cuộc sống sung sướng hơn, để đất nước mình giàu mạnh hơn…thế hệ tụi tôi làm chưa xong thì còn có thế hệ tương lai, tiếp tục xây dựng và bảo vệ sự nghiệp này. Ờ…Tụi tôi ít  học, giỏi đánh đấm, chớ không giỏi làm ăn thì giờ đây đã có lớp người thay thế xứng đáng. Như tui về hưu, thằng Hai con trai anh,trưởng phòng giáo dục sắp vô Ban chấp hành huyện ủy là một ví dụ, anh phải tin vào sự phát triển của xã hội chớ…

 

- Cái gì? Chú…Chú nói cái gì? Thằng Hai con tui…sao. Nó…Nó đã là Đảng viên đâu mà vô Ban chấp hành…Hổng lẽ…Không đâu, đám con của tui, tui cấm tuyệt không cho đứa nào vô Đảng, nó không dám cãi đâu…

 

Tư Khanh hơi sửng sốt và Năm Bé còn ngạc nhiên hơn trước lời Tư Khanh. Ông hỏi ngay.

 

- Anh Tư…Anh nói gì lạ vậy…Anh cấm…Anh cấm cái gì?

 

- Còn cái gì nữa…Tụi nó đi làm việc nhà nước, tui không cản vì nó giúp ích cho làng xóm của mình,nhưng tui cấm nó vô Đảng. Tui đẻ nó ra không phải là để tụi nó coi tui là kẻ thù. Thằng nào vô Đảng cũng coi tui là kẻ bóc lột, là người cản trở, là kẻ thù…

 

Quay sang thằng út, Tư Khanh nói như hét:

 

- Ai…ai cho nó vô Đảng? Còn mày, con Ba…Tụi bây…À, chắc tụi bây nhờ cậy Năm Bé và Hai Giáo giới thiệu, nâng đỡ cho mau lên quan chớ gì…Tao không cần ai trả ơn như vậy…Tụi bây muốn vô Đảng để có chức, có quyền, để dễ dàng tham ô, móc ngoặc, để làm giàu không ai bắt tội ư…

 

Tụi bây có biết như vậy là nhục nhã, là tao chết không nhắm mắt không…

Mày đi nhắn thằng Hai, con Ba về đây gấp ,từ nay tao từ tụi nó, chính thức coi tụi nó như người dưng, không họ hàng,thân tộc gì hết…Cũng không được phép khai tao là cha, không được lấy họ tao…Đi…

 

- Anh Tư…Anh say rồi…Anh đi nghỉ đi…Đỡ ảnh qua bộ ván nằm đi út…

 

Năm Bé đứng dậy toan đỡ Tư Khanh đi nghỉ nhưng Tư Khanh trừng mắt, gạt phăng tay ông và lẩm bẩm:

 

- Thì ra…Hèn chi mỗi khi tụi nó dẫn dắt con cái về đây chơi, tao phê phán, chê trách cái gì tụi nó cũng có lý lẽ để bênh vực, để bảo vệ cái chế độ mà tụi nó tận tụy phục vụ. Rốt lại tao lên án , chê trách toàn là những thứ mà tụi nó tôn thờ…Trời ơi…Chú coi…Ngay cả con cái do tui đẻ ra cũng chẳng còn là của riêng mình nữa….tập thể…hừ hừ…tập thể hết thì chết rồi…

 

Tư Khanh trút cạn ly rượu vào miệng như đang uống nước lã và gục đầu xuống. Ut chẳng dám bỏ đi lúc này, nhưng cũng không dám bước tới cản cha. Năm Bé không thấy tức giận mà chỉ xót xa nhìn Tư Khanh, một nỗi xót xa, tủi hờn len nhẹ vào hồn. Đó cũng là điều mà ông từng ray rứt, đau xót… Cả một đời ông gắn liền với tổ chức và Đảng là tất cả những gì Đảng chỉ đạo là cao đẹp, là duy nhất đúng. Ông tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh của tổ chức như một tín đồ cuồng tín. Ai nghĩ, ai làm, ai nói sai những gì Đảng chỉ đạo là phá hoại, là phản động, là kẻ thù của ông…Từ khi nghỉ hưu tới giờ, được sống bên những người dân bình thường ông bỗng giật mình, nhìn lại. Vậy mà ngày xưa mình luôn tự tin là đã hiểu dân, thương dân và hết lòng vì dân ư? Sao người dân bình thường sợ chính quyền như vậy? Chính quyền của nhân dân mà? Chính ông đã hết lòng vì cuộc sống của người dân mà thực thi những chủ trương, chính sách một cách triệt để nhất…Vậy mà bây giờ hình như ông thấy mình cũng đã từng làm nhiều điều bậy bạ bằng tất cả nhiệt tình và ngộ nhận. Như thế mới thật trung thành với Đảng, hiếu với dân…Con người Tư Khanh, suy nghĩ của Tư Khanh đối với cách mạng bây giờ là hậu quả của những điều bậy bạ đó. Không !  Anh Tư ơi…Tôi không có tội…Và, Đảng của tôi cũng không đến nỗi xấu xa tới mức anh xa lánh, anh ngăn cấm con cái của mình đến với Đảng. Nước mắt đã ứa ra, lăn dài trên mặt Năm Bé tự lúc nào. Ông lau nhẹ và ôn tồn nói:

 

- Anh Tư…Tôi không muốn biện hộ điều gì thêm mà tôi chỉ muốn nói với anh điều này. Anh không ưa trong Đảng có những tên đáng bị đời nguyền rủa vì sự dốt nát và lòng tham. Tại sao anh không cho những con người thông minh, trung thực và có tấm lòng trong sáng do chính anh tạo ra- vào Đảng, để Đảng đủ lớn, mạnh đủ sức làm tròn trách nhiệm đối với dân tộc? Việc ngăn cản của anh, việc thích chỉ trích, moi móc, bêu rếu những điều bậy bạ đang tồn tại trong xã hội càng làm người ta tin là anh có oán thù với cách mạng, có gây nợ máu với cách mạng như ai đó đang tố cáo…

 

- Hả. Ai có nợ máu? Ai…ai tố cáo…Tư Khanh giật mình chồm qua đưa tay lắc mạnh vai Năm

 

Bé. Năm Bé lúng túng thì Ut xen vào:

 

- Thì…Anh Tài tố cáo chớ ai…Mới có dự kiến đưa anh Hai vô Ban chấp hành là có đơn tố cáo liền…Sợ đời kỳ cục. Anh ta còn khẳng định là ba đã từng tiếp tay với thằng chi khu trưởng nào đó, bắt chú Năm Bé và ảnh…

 

Năm Bé cùng Tư Khanh vô cùng ngạc nhiên. Chợt Năm Bé vỗ đùi hỏi lớn:

 

- Thằng Tài nào? Có phải thằng Tài đại úy ở quân khu vừa chuyển về làm Tổ chức huyện ủy không? Cái thằng nhỏ liên lạc bị bắt một lượt với tôi đó anh. Anh quên cái đêm đãi thằng chi khu trưởng ăn rùa, phục cho nó say và giải thoát tôi à…Ờ…không lẽ thằng Tài…Ôi, thôi đúng rồi,bữa đó nó bị đánh nhừ tử, ngủ mê, khi tôi lay dậy cùng trói anh và hai thằng lính nó cứ đòi cắt cổ hết ba người…Bữa đó ,thoát xong, chống xuồng vô đồng, tôi được lệnh chuyển vùng,  nó theo lực lượng chủ lực, lâu rồi ,tôi quên, cứ ngỡ nó biết…Tôi nghỉ hưu, nó mới về, nó có rủ tôi tới huyện ủy chơi, nhưng…Thì ra vậy…mà có ai biết chuyện này rành rọt đâu để mà thanh minh…May là tôi chưa chết…Cũng tại anh giận, anh không thèm nhắc lại chuyện ngày trước, những đóng góp của anh…Tưởng muốn quên dễ lắm sao?

 

Tư Khanh nhón tay lấy ly rượu Năm Bé vừa rót ra. Bàn tay ông run run…Có cái gì đó đang xao động trong lòng ông. Một sự hiểu lầm…Một cuộc đời ba chìm bảy nổi của ông đã có đủ đắng, cay, ngọt,  bùi, sướng, khổ …hình như, trong đầu ông còn đọng lại những lời Năm Bé nói về một thế hệ tương lai, về sự trong sạch và lớn mạnh của Đảng…Ông muốn ngăn cấm có được không? Và, có đúng không? Hình như, chuyện con Ba, thằng Hai vô Đảng không hẳn là một mất mát…Phải chăng, từ lâu rồi mình tự bắt mình phải quên chuyện ngày xưa, đã chôn vùi tất cả, thậm chí cố chạy trốn những gì liên quan tới quá khứ…Là một biểu hiện của sự luyến tiếc của niềm tự hào âm thầm về những việc làm tốt đẹp, đầy ý nghĩa với tinh thần mã thượng "Thi ân bất cầu báo". Quả thật! Ông cố chạy trốn nhưng là chạy tìm. Cái quá khứ đó là chỗ trú ẩn thiêng liêng của sự thật tâm hồn mình…

                                                              Tri Tôn,  10/ 12/ 1986

                               MAI   BỬU  MINH.

 

Mai Bửu Minh
Số lần đọc: 2567
Ngày đăng: 25.08.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngôi mộ không hài cốt - Văn Quốc Thanh
Chuyến xe cuối - Nguyễn Thị Diệp Mai
Vùng biển lặng - Văn Quốc Thanh
NGƯỜI KHÔNG CỜ BẠC - Mai Bửu Minh
Ông Hai Thủ - Mai Bửu Minh
Ngoại tình - Mai Bửu Minh
Sông Hậu xuôi về - Nguyễn Lập Em
Ba bé Ngoan về - Nguyễn Ngọc Tư
Biển người mênh mông - Nguyễn Ngọc Tư
Chợ nổi Cà Mau - chút tình sông nước - Nguyễn Ngọc Tư
Cùng một tác giả
Hắn và tôi (truyện ngắn)
Hồng Sa Mạc (tuyển truyện)
Ngoại tình (truyện ngắn)
Ông Hai Thủ (truyện ngắn)
Đêm khó quên (truyện ngắn)
Nổi đau (truyện ngắn)