Trong cuốn Giăng lưới bắt chim, Nguyễn Huy Thiệp viết: “Tôi không hiểu tại sao xã hội lại đòi hỏi nhà văn nhiều sứ mệnh lớn lao đến nỗi trừ phi phải thế nào đấy thì mới tải nổi, chứ nếu là người bình thường thì tôi chắc không sao chịu được”; “Không hiểu sao tôi cứ hình dung các dân tộc, các quốc gia cứ như các đoàn người hành hương trên đường đi tìm chân lý… Trong đoàn người đi miên man ấy, các nhà chính trị có nhiệm vụ dẫn dắt cả đoàn” . Còn nhà văn thì sao ? “Nó chỉ là một linh hồn nhỏ đầy lỗi lầm và luôn tìm cách sám hối vượt khỏi những lỗi lầm ấy... Nó viết không phải vì nó, nó viết để cả bần đàn rút ra từ đấy một lợi ích công cộng, một lợi ích văn hóa”. Theo Nguyễn Huy Thiệp, vai trò của nhà văn thật là lớn lao. Họ phải đối mặt với ba điều ngộ nhận. “Như vậy, trong thế giới nội tâm nhà văn đã từng xảy ra không ít hơn ba điều ngộ nhận quái gở: sự ngộ nhận chính trị có ý nghĩa con người xã hội là sự ngộ nhận khủng khiếp, sự ngộ nhận giới tính có ý nghĩa con người tự nhiên là sự ngộ nhận đau đớn, sự ngộ nhận về cái chết có ý nghĩa chung cả cho con người xã hội lẫn con người tự nhiên là sự ngộ nhận tàn nhẫn... Cũng có thể kể thêm những sự ngộ nhận khác nữa, nhưng với chỉ ba điều ấy cũng đủ làm tan xác một con người”. Nguyễn Huy Thiệp nhận định “Công việc của nhà văn phần nào giống công việc của các bậc thánh, tức là sản xuất ra những người cao thượng, những tình cảm cao thượng”. Cũng theo anh Thiệp, trong quá trình sáng tác, nhà văn đối mặt với bốn trùm ma-phi-a, “Cuộc đấu tranh của nhà văn là nhằm hướng tới con người thoát khỏi những mê man về quyền lực chính trị, ái tình, tiền bạc và cuồng vọng hóa thánh chính mình. Ở đây, nhà văn là kẻ phải một mình chống bốn trùm ma-phi-a”.
Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, với sứ mệnh cao cả, nhiệm vụ nặng nề đó, hoàn cảnh sáng tác đặc biệt đó, nhà văn thật đáng trân trọng, và đáng thương hại nữa. Nhà văn luôn cảm thấy cô đơn, bất lực. Độc giả vô ơn, bội nghĩa. Cuộc sống bạc bẽo, vùi dập nhà văn. Nghề viết văn là nghề đầy khổ ải, đầy cạm bẫy rình rập. Nhà văn luôn đối mặt với tình trạng thê thảm, thân bại, danh liệt!
Tôi không nghĩ vậy! Hẳn nhiều người cũng không nghĩ vậy! Trong lịch sử tiến hóa nhân loại, có rất nhiều nhân tố tác động cho sự phát triển. Nhân tố đầu tiên phải kể đến là lửa. Kế đó là vai trò của các phát kiến về khoa học, kỹ thuật. Nhờ có lửa, dần dần loài người phát hiện ra đồ đồng, rồi đồ sắt, mở ra các giai đoạn phát triển rực rỡ, được mệnh danh là thời đại đồ đồng, đồ sắt. Thế kỷ 18 phát sinh ra máy hơi nước, mở đầu thời kỳ công nghiệp hóa. Con người không còn lệ thuộc quá nhiều vào sức mạnh cơ bắp, vào sức luồng gió hay dòng nước. Máy móc lao động thay người. Xã hội trở nên văn minh hơn. Năng suất lao động tăng cao độ biến. Hàng hóa sản xuất ngày càng nhiều. Phương tiện đi lại hoành tráng. Nền kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ. Con người bắt đầu có sức mạnh nhân lên nhiều lần để chinh phục thiên nhiên.
Thế kỷ 19 chứng kiến sự ra đời của điện năng, một dạng năng lượng hoàn toàn thích hợp cho các hoạt động của con người, tạo điều kiện cơ giới hóa, tự động hóa các hoạt động sản xuất, các dịch vụ đời sống. Loài người trở thành hùng mạnh, văn minh, chinh phục khoảng cách, chinh phục vũ trụ.
Thế kỷ 20 đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng. Trước hết là phát kiến ra năng lượng nguyên tử, một nguồn năng lượng gần như vô tận để thỏa mãn nhu cầu ngày một tăng nhanh chóng của công cuộc chinh phục thiên nhiên.
Việc phát hiện ra máy tính điện tử, sau đó là vi xử lý, vi tính, tạo nền phát triển công nghệ thông tin đã làm thay đổi hẳn hoạt động tư duy, ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình quản lý sản xuất, đến các mặt hoạt động xã hội, đến từng gia đình, đến tư duy của mỗi cá nhân.
Lao động sáng tạo khoa học, kỹ thuật là quá trình đầy gian nan, thử thách, cực khổ, đòi hỏi sự kiên trì, lòng dũng cảm ngoài sức tưởng tượng, sự hi sinh tiền bạc, thời gian, cả hạnh phúc gia đình và đôi khi là chính sinh mạng của nhà khoa học. Bru-nô bị thiêu trên giàn hỏa vì ủng hộ thuyết nhật tâm của Cô-pec-ních. Ga-li-lê-ô Ga-li-lê cũng từng bị đưa đi thiêu sống nếu không chịu từ bỏ thuyết nhật tâm. Để có đèn sợi đốt, Ê-đi-xơn đã làm cả ngàn thí nghiệm. Men-đê-lê-ep phát kiến ra bảng tuần hoàn các yếu tố qua một giấc mơ sau bao năm miệt mài nghiên cứu. Có biết bao phát minh chi được người đời công nhận sau khi tác giả đã qua đời như định luật Men-đen về luật di truyền, hình học phi Ơ-clit của Lô-ba-xép-xki,...
Hàng ngày, hàng giờ, các nhà khoa học, kỹ thuật vẫn miệt mài nghiên cứu. Họ không đặt câu hỏi “Sứ mạng của ta là gì?” Cũng không băn khoăn sao nhân loại lại gán cho họ các chức năng nặng nề thế. Ngay đến công việc của họ cũng ít người biết đến, rất ít. Chỉ khi họ thành danh, như Niu-tơn, Anh-xtanh, Ê-đi-xơn... thì xã hội mới nhớ đến họ. Đó là những người may mắn. Còn biết bao nhiêu nhà khoa học công nghệ chưa hề được biết đến, được đãi ngộ khi họ còn sống. Như vậy, các nhà văn còn may mắn hơn nhiều lần các nhà khoa học. Thơ Trần Đăng Khoa lúc chưa nổi tiếng, cũng ối người biết rồi. Nhiều bạn đọc tìm cách gặp hạt gạo làng ta, vì tính tò mò, muốn chiêm ngưỡng một thần đồng thơ. Họ không có ý định và không thể bắt Khoa vác cây thánh giá suốt đời. Một truyện ngắn, một bài thơ được giải, hoặc được đăng báo cũng bao nhiêu người vỗ tay... Xét theo khía cạnh ấy, xã hội ứng xử với nhà khoa học khắt khe hơn, bạc bẽo hơn. Có ai thông cảm, ta thán hộ cho họ đâu. Như thế, các nhà văn phải thấy an ủi là mình còn may mắn lắm, may mắn hơn ối kẻ khác, chẳng hạn, các nhà khoa học kỹ thuật.
Thế lực thứ hai tác động rất mạnh đến sự tiến bộ xã hội loài người là các thể chế và hoạt động chính trị. Thế lực này chỉ đứng sau khoa học kỹ thuật và chắc chắn phải mạnh hơn nhiều vai trò của các nhà văn. Người ta thường ví bài báo thời thế chiến thứ hai của Ê-ren-bua có sức mạnh như một sư đoàn. Có lẽ thế là mạnh lắm. Còn quyết định của nhà chính trị sẽ chấm dứt đường tiến quân như vũ bão của Hit-le và đưa Hồng quân đến cắm lá cờ chiến thắng ở nóc nhà quốc hội nước Đức phát xít. Bài báo "Cái đêm hôm ấy đêm gì?" bất quá chỉ tạo ra một thay đổi nhỏ ở một hợp tác xã vùng quê, còn quyết định đổi mới, bỏ bao cấp đã giúp cả nước ta chấm dứt thời kì xếp hàng rồng rắn mua bo bo theo sổ gạo, về làm nắp hầm ăn, đến lúc chỉ cần nhấc điện thoại là có gạo thơm mang phục vụ tận nhà. Có điều quan hệ giữa thế lực chính trị và nhà văn là một quan hệ nhạy cảm, phức tạp, có hòa hợp và có mâu thuẫn, thậm chí là mâu thuẫn gay gắt. Chủ trương đốt sách, chôn học trò của Tần Thủy Hoàng là đỉnh điểm của mâu thuẫn. Mối quan hệ tốt đẹp giữa Đường Minh Hoàng và Lý Bạch, hay giữa Lê Thánh Tôn và nhị thập bát tú (Lê Thánh Tôn là chủ soái) của quán Tao Đàn là điển hình hòa hợp giữa thế lực chính trị và nhà văn (thơ) ở thời thịnh trị quốc gia.
Các thế lực trong xã hội đều hoạt động để tác động đến xã hội. Mục tiêu tác động có thể tích cực, tức là thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Đó là những nhà khoa học, nhà chính trị, nhà văn chân chính. Trong số họ, có nhiều vĩ nhân, nhiều nhân vật cực kỳ vĩ đại. Tuy nhiên, số còn lại, đa phần đều xuất phát từ động cơ cá nhân. Nếu động cơ đó phù hợp với sự tiến hóa và thành công, họ trở nên vĩ đại. Lưu Bang là một ví dụ điển hình. Còn động cơ đó kéo lùi lịch sử, tác giả trở nên kẻ phản động. Hit-le là một điển hình.
Tôi nghĩ rằng, nhà văn chỉ nên coi mình là một phần tử tham gia vào sự phát triển của xã hội. Bằng tác phẩm của mình, nhà văn giúp cho bạn đọc lĩnh hội được thông tin nhà văn muốn gửi gắm họ, muốn họ hiểu họ hơn, hiểu xã hội, hiểu các hạn chế của đời thường và các hoạt động xã hội, giúp họ hướng tới những ứng xử làm xã hội phát triển lên, tốt đẹp lên. Đó có lẽ là mục đích, là sứ mạng chân chính của nhà văn.
Nhà văn đưa tác phẩm ra đời, để bạn đọc tiếp nhận, thưởng thức và phản ứng lại. Nhiều nhà văn may mắn, được đời tiếp nhận hồ hởi, kiểu như Vượt Côn Đảo, hay một số tác phẩm đại loại thế. Số này ở nước ta là khá nhiều. Thế là may mắn lắm rồi. May mắn hơn bao nhiêu so với các nhà khoa học. Còn một số tác phẩm chưa được hoan nghênh, thậm chí, rất nhiều tác phẩm in ra, rất ít được người đọc, rồi bị quên ngay. Đó không phải là lỗi của độc giả. Đó là lỗi của phát hành, của nhà xuất bản. Nhưng trước hết, đó là lỗi của tác giả. Nhiều người nói độc giả là vô tâm và vô ơn. Nói thế là đánh giá độc giả cao quá. Thực chất quan hệ độc giả – tác giả là quan hệ mua bán. Tác giả bán tác phẩm mình viết. Độc giả mua tác phẩm dưới dạng hàng hóa. Thế thôi. Để đắt hàng, nghĩa là sách bán chạy, tác giả phải bán cái độc giả cần, không phải bán cái tác giả có. Thật tiếc là đa phần nhà văn hiện nay đều bán cái mình có, chứ ít người bán được cái độc giả cần.
Người ta lên án cơ chế thị trường hạ thấp vai trò văn học và giá trị tác phẩm văn học. Đó có lẽ vì chúng ta đã gán cho độc giả một vai trò họ không hề có, là thẩm định văn chương. Theo suy nghĩ này, độc giả phải phân biệt đâu là văn chương hàng hóa và đâu là văn chương chính thống, để chọn cho đúng ý. Đó là công việc của thể chế chính trị, nhà phê bình, hay các hiệp hội. Bạn đọc, tức người dân nói chung, chỉ đi mua hàng về dùng thôi. Mà mua là mua cái mình cần, mình thích. Vì là một loại hàng hóa, nên tác phẩm cũng cần công tác tiếp thị và quảng cáo. Tổ chức các cuộc thi sáng tác, các giải thưởng văn học cũng là một cách quảng cáo. Tất nhiên, vì đây là hàng hóa văn học, cách quảng cáo cũng nên theo kiểu văn học - văn hóa. Chứ hiện nay, công nghệ quảng cáo khá xô bồ, lẫn lộn vàng thau, làm khách hàng thiếu tin tưởng. Trong quá trình phát triển, chúng ta từng chứng kiến nhiều tác phẩm và tác giả được lăng xê không đúng thực chất. Họ nổi đình đám trong một thời đoạn nhất định, rồi chìm vào quên lãng. Thời gian bao giờ cũng công minh và nghiêm minh. Nguyễn Huy Thiệp trong sách đã dẫn cũng đã nêu một số điển hình như thế. Một nhà văn đã thảng thốt kêu lên "Tâm trạng của người luôn bi quan về bản thân mình và về nền văn học nước nhà, một nền văn học chỉ chăm chú đề cao những sản phẩm mang tính hàng loạt, theo kiểu cơm bình dân". Và "Bởi vì thành công theo tiêu chuẩn của ta trong đa số trường hợp được căn cứ vào những lời khen đầy tính vụ lợi, nhiều khi đến độ trơ trẽn, vô bổ và vô lương tâm nhất (vì nó lừa dối độc giả)". (Tạ Duy Anh. Thiên thần sám hối. Nxb Hội Nhà văn, 2006, trang 131).
Lịch sử đã chứng minh cái được đa số bạn đọc ưa chuộng sẽ có đất sống. Tiểu thuyết võ hiệp, sau này là truyện chưởng, thực sự là sách hàng hóa, đánh vào thị hiếu bạn đọc. Tính văn chương ít. Bịa đặt, tưởng tượng nhiều và phi lý. Nhưng đắt hàng. Thể loại này tồn tại từ những năm năm mươi của thế kỷ trước đến giờ. Ngay chúng ta cũng tái bản. Hàng loạt phim chưởng ra đời, được hoan nghênh. Có lẽ, ta không thể loại nó ra khỏi văn học được. Rồi Đô-rê-môn. Rồi Ha-ry Pot-tơ... Ở ta đã từng có một hiện tượng khá đặc thù, đó là thơ Bút Tre. Thơ chả giống ai, từ cách diễn đạt, ngắt câu, gieo ý, gieo vần, từ ngữ... Ấy thế mà nó tồn tại, được nhiều người thuộc, ngâm ngợi, học sáng tác theo. Có người nói quá lên là hiện tồn tại cả một trường phái thơ Bút Tre. Công lao đó chủ yếu là từ bạn đọc, và từ Bút Tre, phần nào đã bán cái bạn đọc thích. Nói là bán cho sang, chứ Bút Tre chỉ muốn phổ biến kiểu thơ của mình thôi.
Như vậy, cái bạn đọc đòi hỏi nhà văn thực ra là rất đơn giản. Bạn đọc cần tác phẩm văn học theo ý họ, tức là cái họ cần và cái họ thích. Thế thôi. Còn tác phẩm văn học phải chứa tính nọ, tính kia, phải thế này, thế nọ là việc của các nhà phê bình, các nhà chính trị, các hiệp hội và việc của chính nhà văn. Không nên gán nhiệm vụ ấy cho độc giả, rồi trách móc họ vô ơn, vô tâm. Làm thế là vừa đề cao cái độc giả không có, lại vừa hạ thấp cái độc giả không làm. Độc giả không định hướng cho nhà văn được. Độc giả chỉ thích hoặc không thích tác phẩm của nhà văn thôi. Và ý thích cũng thay đổi theo thời gian, thời đại, theo tuổi tác. Cái hôm qua thích có thể hôm nay không thích nữa. Ngay cả đời tư của nhà văn, độc giả cũng ít quan tâm. Nếu không, chắc cũng có những phiền phức về quan hệ, vì một số nhà văn (thơ) có đời tư khá bê tha, cẩu thả.
Trở lại với sứ mạng của nhà văn. Có lẽ, trước hết, nhà văn nên là một con người bình thường. Làm con người bình thường, nói chung, là rất khó. Con người đó phải có bốn công đoạn rèn giũa, tôi luyện. Đó là tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Nhà văn phải có phẩm chất, bản lĩnh một con người cần có. Hình ảnh nhà văn điên điên, khùng khùng, gặp nhau vái nhau, lạy nhau chỉ có vẻ hấp dẫn ở thời thập niên ba mươi thế kỷ trước. Nhà văn phải biết hút thuốc, chơi gái, phải phong trần, phải giang hồ. Nghe có vẻ buồn cười và hạ thấp nhân phẩm nữa. Nhà văn, trước hết cần có nhân cách. Bạn đọc, và nhân dân nói chung, đã trân trọng tài năng nhà văn mà bỏ qua nhiều thói hư, tật xấu, nhiều cái đoảng, cái điên của nhà văn. Nhưng không vì thế mà nhà văn có quyền được bê tha, bệ rạc, làm thơ nhắn nhủ người tình đến đi tiểu lên mộ mình nếu mai sau mình lìa đời. Sứ mạng nhà khoa học chắc không kém nhà văn, nhưng không ai trong số họ làm như thế.
Nhà văn cần tổ chức cuộc sống riêng nề nếp. Có thế mới có đủ kinh nghiệm, tư thế để “giúp bầy đàn rút ra từ đấy một lợi ích cộng đồng”, mới có thể góp phần “sản xuất ra những người cao thượng”. Hình ảnh nhà văn hàn sĩ, luôn mồm than "Cơm áo không đùa với khách thơ" chỉ tồn tại trong nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, sau lũy tre xanh. Nhà văn không nuôi nổi vợ con thì làm sao làm hướng đạo hướng dẫn bày đoàn được.
Để trở thành con người bình thường, nhà văn phải có sự cố gắng phi thường. Trong đó, cái ngộ nhận cần tránh nhất là ngộ nhận về sứ mạng của mình. Nhà văn phải coi mình là một người dân, một độc giả. Cái khác chăng, chính là ở chỗ đây là độc giả đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ nhà văn phải hiểu bạn đọc của mình. Hiểu cuộc sống, tình cảm, tình trạng của họ. Hiểu ước muốn của họ. Nắm bắt nhu cầu của họ. Thấu hiểu hoàn cảnh môi trường sống của họ. Và hơn hết, phải định hình được cái mà nhà văn muốn hướng họ đi tới. Từ đó, làm ra các tác phẩm mà họ cần và họ thích.
Trở lại với quan hệ giữa nhà văn và độc giả. Hình như có một sự ngộ nhận nào đó. Thực ra, những thử thách mà nhà văn phải đối mặt chủ yếu đến từ phía thể chế chính trị. Mối quan hệ duy nhất giữa nhà văn và độc giả là quan hệ hàng hóa. Độc giả mua sách của nhà văn, như một món hàng, có thể là món hàng đặc biệt. Họ thưởng thức, đánh giá, bình phẩm, chủ yếu chỉ giữa họ với nhau. Có một số độc giả đối thoại với tác giả, hoặc viết bài đánh giá đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng. Đó là sự phản hồi của khách hàng. Tác giả nào nhận được nhiều ý kiến phản hồi của khách hàng, sẽ có điều kiện để cải tiến, nâng cao chất lượng “hàng hóa”, tức là tác phẩm văn học của mình. Có lẽ phần lớn các phản hồi đó không thỏa mãn mong đợi của nhà văn, làm nhà văn cảm thấy cô đơn, thấy độc giả bạc bẽo. Thế là nhà văn chưa ý thức được việc cần thiết phải luôn luôn cải tiến, luôn luôn tự hoàn thiện. Cải tiến và tự hoàn thiện là một trong các phương thuốc nhiệm màu làm “hàng hóa” của nhà văn ngày càng nâng cao chất lượng, ngày càng được bạn đọc ưa chuộng. Có lẽ đó là mong đợi lớn nhất của nhà văn. Nó sẽ làm tác phẩm hay hơn, đắt hàng hơn và có thể vượt qua sự bạc bẽo của thời gian.
Còn vướng mắc giữa thể chế chính trị và nhà văn là một phạm trù quá nhạy cảm, quá lớn, mà có lẽ thời nào cũng có. Có lẽ, thể chế chính trị thường đòi hỏi nhà văn nhiều thứ, và nói chung là khắt khe. Họ can thiệp hơi sâu vào công việc nhà văn. Họ định hướng. Họ hướng dẫn. Họ xét nét. Họ uốn nắn. Khi cần họ áp dụng các biện pháp hành chính – chính trị. Nhà văn cảm thấy vòng kim cô trên đầu, khiến nhất cử, nhất động đều bị giám sát chặt chẽ. Nhà văn mất đi tính tư duy độc lập, sáng tạo của mình. Ở đâu, lúc nào nhà văn được nới rộng cái vòng kim cô, chắc chắn tác phẩm sẽ thật hơn, gần gũi độc giả hơn và do đó, có giá trị nhân văn hơn. Điều đó chỉ có được khi nhà văn và thể chế chính trị có chung một quan điểm, một mục tiêu, theo nghĩa tiến bộ. Làm thế nào để mục tiêu sáng tác của nhà văn phù hợp với yêu cầu phát triển xã hội của thể chế chính trị, giúp nhà văn phát huy hết thế mạnh của mình, không bị gò mình trong một vòng kim cô nào đó, đó trước hết là trách nhiệm của thể chế chính trị. Bản thân nhà văn cũng là một công dân bình thường trong đoàn người đi miên man trên đường, lại muốn gánh trách nhiệm nặng nề là hướng dẫn bần đàn nhận ra lỗi lầm để tự hoàn thiện, nên cần được bảo vệ, được tạo điều kiện thuận lợi để tập trung vào công việc sáng tác. Tất nhiên, nhà văn phải có ý thức vì bần đàn, vì sự tiến bộ của cả bần đàn. Nhà văn phải hòa cái tôi của mình vào cái ta của bày đoàn. Như vậy, nhà văn sẽ bớt cô đơn đi, và không đòi hỏi quá nhiều ở bày đoàn, bớt đi câu hỏi day dứt "Ta là ai?".
Trên đây là vài ý kiến thô sơ của người vốn làm về khoa học, kỹ thuật, yêu thích văn học, mong muốn góp phần làm sáng tỏ sứ mạng nhà văn. Tôi mong nhận được ý kiến chỉ giáo của các bậc cao minh.
Tp. Hồ Chí Minh, 8-2007