Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.080
123.198.404
 
Miền yêu -1
Nguyễn Linh Khiếu

TIẾNG TRÀM

 

Xa Đất Mũi đã lâu nhưng không sao quên được mùi hương ngai ngái của sa bồi. Cả một vùng nước non nồng nàn hương đất. Phù sa non ngút ngát tươi rực vừa rười rượi vừa chan chứa như da thịt của ai. Và tiếng tràm rộn rã trong đêm.

 

Khi đó đang mùa xuân chiếc vỏ lãi chạy dọc theo những con kinh hai bờ được đan bện bằng rễ đước như thể muôn ngàn chú trăn quấn quýt như thể muôn ngàn cánh tay thiếu nữ thánh thiện vươn lên. Chúng tôi đi trong cảm xúc vô cùng mới mẻ. khí xuân dương thịnh thấm nhuần trời đất. Đất đai nồng ấm cá tôm tung tăng hào hứng cây cối đâm chồi nảy lộc tốt tươi. Quả là đất mới sức trẻ dồi dào.

Chưa khi nào tôi cảm nhận cái tình bờ cõi chơi vơi mà sâu lắng như ở nơi đây. Tổ quốc như thực như mơ như hiện hữu như bảng lảng hơi sương. Đêm ấy ngủ lại Đất Mũi suốt đêm nghe đất đai rạo rực sinh sôi nảy nở nghe cây cối kết nụ đâm chồi nghe nhịp điệu châu thổ hào hứng như vô vàn cánh tay thiếu nữ phơi phới vươn lên.

 

Trong nhịp điệu truyền giống thiêng liêng ấy chốc chốc lại ken két vang lên tiếng tràm. Vâng đó là tiếng kêu rộn rã và thắc thỏm của những thân tràm sàn nhà. Sáng dậy, chị chủ nhà - trẻ trung tràn trề, mẹ của hai cháu bé khác cha - hồn nhiên phân trần: đã lâu không có hơi đàn ông trong nhà đêm rồi nghe hơi mấy ảnh không sao ngủ được. 

 

Bao năm rồi mỗi khi chạnh nhớ phương nam nhớ vùng đất mang mang sa bồi chẳng hiểu sao tâm trí lại vang động tiếng tràm. Lại rạo rực và tưng bừng tiếng tràm. Và cũng chẳng hiểu sao tự dưng lại bồi hồi phấn chấn và hào hứng.

 

SÔNG ĐÁY

 

Chẳng hiểu vì lẽ gì thỉnh thoảng tôi lại trôi dạt về bên sông Đáy. Nơi bờ đê mướt xanh cỏ may. Nơi thấp thoáng thâm thẫm những Hoa Sơn, Vân Đình, Sơn Công và Cao Thành... Nơi rưng rưng những khóm trinh nữ ẩn hiện trong hoàng hôn buồn và đẹp đến... rớt nước mắt. Nơi định mệnh chỉ còn lại tôi và nàng trong cõi nhân gian bé tẹo.

Đấy là tôi trôi về trong mơ hay trong hiện thực ảo. Thực ra tôi mới chỉ một lần tới đó trong hoàng hôn lam thẫm và lộng lẫy cành trinh nữ tím ngát một xa xôi ngoài cõi người. Đấy là sông Đáy của tôi sông Đáy của ai tốt tươi buồn và ngân nga: “anh đã hứa với em rồi đấy nhá”.

Đấy là tôi đã bồng bềnh trôi dạt về theo một nẻo xa xăm đầy hân hoan và vô vọng. Nước non trù mật vĩnh hằng đời người hắt hiu thoáng chốc. Gặp gỡ như nợ duyên chia ly như định trước. Bông trinh nữ mỏng manh ám ảnh thổn thức trong sóng nước ráng chiều. Tôi và nàng trong cõi nhân gian và sông Đáy bao giờ cũng dào dạt phả lên hơi thở nồng ấm vừa sắt son vừa mong manh: “anh đã hứa với em rồi đấy nhá”.

 

THÀNH TUYÊN

 

Tôi đang đứng trước thành cổ Tuyên Quang. Cây gạo cổ thụ bên bờ thành như thể linh hồn cha ông hiển hiện và sống động. Ai đã một lần ở Hà Nội nói với tôi về cây hoa gạo này. Lần ấy hình như ai thiếu nữ hình như tôi trai trẻ. Và hình như đã lâu lắm rồi.

Thành cổ dây leo quấn quýt. Ngỡ núi rừng vương vấn đâu đây. Ngày ấy nghe ai kể về thành cổ cứ tưởng thành cao hào sâu lẫm liệt hùng vĩ giặc đến chỉ đứng ngoài nhìn vào mà khóc. Hoá ra thành cũng vừa phải. Nhìn thành cổ chiều núi non sương khói lãng đãng tự dưng xót xa chạnh lòng man mác.

Lần theo câu chuyện xưa tôi ra bến sông Lô. Sông đang mùa nước cạn. Lơ thơ nước sông trong vắt. Đôi bờ heo hút. Lau trắng phau. Mấy con thuyền không buồm lững thững xuôi dòng. Sao cứ ngỡ những con thuyền mỏng mảnh kia đang trễ nải chở tâm tư của mình vật vờ trôi vô định trong cõi nhân gian.

Thành Tuyên trong câu chuyện thời thiếu nữ của ai trong rung động thời trai trẻ của ai hương hoa rừng ngào ngạt. Đồi núi bạt ngàn xanh mướt. Những bông hoa gạo nóng hổi. Những dây leo lộng lẫy. Những viên gạch cổ rêu phong thiêng liêng... và sông Lô tưng bừng. Sông Lô dào dạt sóng nước. Thành Tuyên chắc hẳn vẫn thế thôi. Có phải chỉ vì tôi một mình mà tìm không ra cái thành Tuyên ấy. Hay còn vì một lẽ nào.

 

SƯƠNG

 

Lần nào qua Kinh Bắc tôi cũng nấn ná tìm ngôi nhà ngói thấp lè tè cũ kỹ nơi phố xưa. Lần nào cũng không thấy ngôi nhà có cây phượng già nua trước cửa, có mái ngói xệ xuống rêu phong cổ kính. Và, lần nào cũng bất thần gặp sương chiều. Sương xanh vô cùng dịu dàng vô cùng và chẳng hiểu sao bao giờ cũng lành lạnh hiu hắt.

 

Người con gái ấy về Hà Nội thăm tôi vài lần. Nàng đến thoáng chốc tự nhiên và bí hiểm. Tôi không hề có một chút rung động nào về nàng, không hề có một chút cảm xúc nào về nàng. Nàng là sinh viên. Tôi là nhà khoa học. So với tôi, nàng chỉ là trẻ con. Nàng tự do hồn nhiên và vô tư. Tôi phải đạo mạo và đứng đắn. Nàng là thiếu nữ. Tôi đã có vợ có con. Tôi càng phải đạo mạo và đứng đắn hơn. Nàng đến nhà tôi gọi con tôi bằng em và xưng chị. Nàng gần gũi như người nhà. Rõ ràng tôi phải nghiêm túc.

 

Nàng muốn trở thành nhà báo. Tôi định giúp. Nhưng bố mẹ nàng không muốn con gái đi xa, muốn nàng làm giáo viên gần nhà. Là con nhà gia giáo, nàng phải nghe bố mẹ. Nàng làm giáo viên của trường phổ thông trung học nơi phố núi gần nhà. Sau khi làm xong thủ tục ở nơi công tác, nàng gọi điện cho tôi, nàng nói hồi hộp toàn những chuyện đâu đâu, tôi chẳng hiểu gì chỉ nhớ một câu: “Em không bao giờ quên anh“. Tôi chột dạ, băn khăn. Từ đó nàng không về thăm gia đình tôi nữa.

 

Thực tâm tôi cũng không nhớ nàng. Đời con người ta có biết bao gặp gỡ. Nhưng chẳng hiểu sao mỗi lần qua Kinh Bắc, tôi lại nấn cấn tìm ngôi nhà núp xúp phố cổ xưa, cây phượng già xưa, nấn cấn nhớ bóng dáng dịu dàng mềm mại và kín đáo, nhớ mắt đen huyền lay láy bất chợt nhìn mình lúng túng, nhớ giọng nói khẽ khàng trong trẻo và rụt rè, nhớ những bãi ngô non những vạt dâu xanh mươn mướt, nhớ dòng sông nước chảy lơ thơ rười rượi và không hiểu sao lần nào cũng gặp sương chiều dịu dàng xanh mướt và lành lạnh.

 

DÃ QUỲ

 

Cao nguyên vừa hết mùa dã quỳ. Xao xác những ngọn gió khô đang về. Loáng thoáng đâu đó trong những vạt rừng hoang mấy cánh hoa vàng rớt. Chắc hẳn dã quỳ không chờ tôi. Mấy cánh vàng kia có lẽ sót lại của một mối tình nào của những ai đó thật xa xôi.

 

Tôi đến Đức Trọng lần đầu. Ở nhà khách huyện. Suốt đêm nghe gió cao nguyên mênh mông hú vang vọng ngỡ muôn ngàn muông thú của núi rừng Tây Nguyên đại ngàn gào thét. Sáng dậy thấy một vòm trời lộng lẫy vút cao. Gió lồng lộng vô cùng. Tâm thần bỗng dưng buâng khuâng vô định khoáng hoạt hào hứng và thôi thúc.

 

Chẳng có nợ nần gì giữa tôi và Đức Trọng nếu tôi không có tâm hồn thi sỹ. Nếu  không phải là một nhà khoa học đi khảo sát thực địa. Có lẽ tôi cũng chẳng bao giờ đến đây làm gì. Nhưng đến rồi dã quỳ, gió lộng và vòm trời cao vút náo động tâm tư.

 

Thực tình là náo động. Đức Trọng. mười bốn năm trước có một cô giáo trẻ người Hà Nội dạy học ở đây. Mười mấy năm trước chắc đất này hoang vu khác xa bây giờ. trong cái hoang dã ấy chắc rừng núi âm u. Sương chiều nghi ngút. Đất đỏ bazan mù mịt. dã quỳ bạt ngàn lộng lẫy. Vòm trời cao xanh vô định và gió cao nguyên lồng lộng khôn cùng.

 

Người con gái ấy bây giờ là vợ tôi. Mười mấy năm trước chưa có tôi nhưng dã quỳ Đức Trọng đã bạt ngàn lộng lẫy. Về Đức Trọng gặp dã quỳ bỗng nhiên cảm động mà lăn tăn chia xẻ mà buâng khuâng xa xót. Chợt nghe tiếng gió cao nguyên ngỡ như tiếng ai trong trẻo xa xôi gọi dã quỳ dã quỳ ơi.

 

TAM DƯƠNG

 

Ngày ấy tôi là sinh viên về nghỉ hè ở nhà bạn học. Ba bạn là giám đốc nông trường. Trại gà gống nông trường có nhiều nam công nhân kỹ thuật đi tu nghiệp ở nước ngoài về phong cách sống rất hiện đại. Sàn sàn tuổi chúng tôi, họ lại độc thân sống chung trong dãy nhà tập thể. Buổi tối miền đồi buồn, chúng tôi đến chỗ họ cùng đàn hát và uống rượu. Đến khuya đám thanh niên đi trực ca đêm, chúng tôi lên giường của họ ngủ đến sáng. Khi họ về lại kéo nhau ra chợ mua thực phẩm về cùng nấu cơm ăn. Chiều tối lại kéo nhau ra đường núi tụ bạ ca hát tưng bừng.

 

Cuộc sống người thợ ngày ấy tuy eo hẹp nhưng thật tuyệt vời. Họ hồn nhiên, vô tư, nhiệt tình và chân thành. Họ hết sức nghiêm túc với công việc. Đúng là phong cách công nghiệp. Chính những đêm trăng trong vắt của đồi núi ấy đã làm tôi rung động. Tôi viết bài thơ Đêm Tam Dương. Bài thơ viết về những người công nhân ở trại gà giống. Lạ thay, đây chính là bài thơ đầu tiên của tôi được in báo. Bài thơ đầu đời ấy đã khích lệ tôi trở thành nhà thơ.    

 

Gần 20 năm tôi mới trở lại Tam Dương. Một mình trên con đường đồi vắng trong đêm trăng xanh ngắt. Tôi tìm nông trường Bộ, tìm ngôi nhà của ba má bạn, tìm khu tập thể của trại gà giống năm xưa, tìm những nhân vật thơ của mình. Trăng xanh quá, người vắng vẻ, núi đồi bảng lảng hơi sương. Gia đình bạn đã trở về quê Nam, những người bạn công nhân xưa không biết bây giờ ở đâu. Bao năm rồi chúng tôi không tin tức. Chẳng biết vì sao lại thế. Đêm Tam Dương trăng xanh ngắt, màu xanh lộng lẫy buồn. Có phải tôi đi tìm chính cái cảm hứng đầu đời của nhà thơ?

 

KHU VƯỜN

 

Mồng hai tết, ngày tốt tôi ra vườn trồng mấy cây khế gọi là động thổ đầu xuân. Đó là giống khế ngọt tôi mang hạt từ Hà Nội về ươm. Mẹ tôi cùng mấy người họ hàng đứng xem.

 

Mẹ tôi nói: Cái anh cu này sống ở Hà nội mấy chục năm rồi mà vẫn mê trông cây. Cây cối vườn này đa đa là anh ấy trồng. Còn mấy anh bạn trồng mít trồng bưởi ngày nào cứ dặn khi nào có quả bu phải gọi chúng con về ăn. Rồi chả thấy về, bây giờ các anh ấy ở đâu?

 

Tôi chợt nhìn khu vườn cây cối đương xuân tươi tốt chợt nhớ những người bạn của mình mấy mươi năm trước. Ngày ấy chúng tôi là sinh viên, khi nghỉ hè thường về chơi nhà nhau. Những người bạn của tôi quê ở nhiều nơi đã về thăm nhà tôi và cùng tôi trồng cây trong khu vườn này. Ngày ấy tôi có câu thơ ngây ngô rằng: khóm hồng hoa đỏ góc sân / mọc lên từ những vết chân bạn về.

Thời gian trôi vùn vụt nó hiện hữu bằng những khoảnh khắc và biến mất. Mới hôm nào thế mà đã mấy chục năm. Những cái cây non nớt ngày ấy được chúng tôi vun trồng nay vóc dáng đã xum xuê cổ thụ. Chợt nhớ những người bạn thời trai trẻ của mình mà chạnh buồn. Bây giờ tan tác ở đâu. Cây trồng xuống rồi thì cứ đứng mãi ở một chỗ mà tốt tươi mà đâm chồi nảy lộc mà đơm hoa kết trái bên nhau còn con người thì nay đây mai đó rồi kẻ còn người mất kẻ thân người sơ trong gian truân đời người. Con người ta làm sao mà như cây được nhỉ.

 

Khu vườn tốt tươi cây cối tụ tập quây quần bên nhau suốt mấy chục năm rồi và sẽ còn mãi, thế mà những người bạn muôn quê về chơi nhà tôi, cùng tôi trồng cây ngày tuổi trẻ đã lâu rồi không gặp lại, liệu có phép màu nào cho chúng tôi quây quần gặp lại nhau trong đời một lần nữa không.

 

PHƯỢNG TÍM

 

Tôi đang loanh quanh những quầy hàng áo len trước cửa chợ Đà Lạt. Áo len đan tay thật tuyệt vời. Khắp cả nước, chưa có nơi nào áo len đan lại tuyệt vời như nơi đây. Tôi chọn và mua. Thực ra chỉ là mua một kỷ niệm. Bất chợt tôi thấy những sắc tím vương vãi vỉa hè. Bất giác ngước lên. Trời ơi! một vòm tím lộng lẫy.

 

Đó là hoa phượng. Tím một cách không thể hình dung được ở xứ sở mình lại có sắc màu phượng như thế. Vâng, tôi mới biết phượng đỏ, phượng hồng tuổi ấu thơ sân trường. Tôi mới biết phượng vàng nơi miền Trung nắng lửa. Nhưng phượng tím thì chưa bao giờ. Phượng tím thật bất ngờ.

Bất ngờ không phải do màu hoa mà bất ngờ do sắc đẹp và sự quyến rũ. Bất ngờ hơn nữa lại chính là sự kỳ diệu của thế giới ta đang sống. Sắc màu hiện hữu và sự nhận biết và sự chứng ngộ sắc màu thực là huyền bí. Hình như thế giới bao giờ cũng hoàn thiện chỉ có con người là chưa hoàn thiện chăng?

 

Nhưng phượng tím đã đột ngột xuất hiện trong đời tôi một chiều Đàt Lạt vấn vương len dạ. Hơi cao nguyên se se. Hương Đà Lạt ngát tím. Những quán cà phê lẳng lặng mờ ảo mù chiều. Màu tím phượng rải khắp nẻo lành lạnh khói sương và se sắt buồn. Tôi chợt hiểu ra rằng mình là một thi sĩ một lãng tử bao giờ cũng loạng choạng những bước thập thững trong sương.

 

PHÚC KHÁNH

 

Năm ấy tôi 17 tuổi vào học cao đẳng sư phạm tỉnh. Vào muộn nên tôi được xếp học cùng lớp các bạn ở huyện khác. Trường sư phạm, giáo sinh chủ yếu là nữ. Cái tuổi trai gái mới lớn, xa nhà ở nội trú - tập thể nên rất nhiều cảm xúc, rất nhậy cảm và nhiều rung động.

 

Tôi thuộc loại mải chơi, nhưng được cái sáng dạ nên thầy và các bạn rất quí. Ở lớp, tôi thân với một nhóm bạn, dĩ nhiên trong nhóm có một người bạn gái có cảm tình riêng đối với tôi và thú thực tôi cũng rất có thiện cảm với bạn. Hình như các bạn trong lớp đều biết chuyện. Họ đều có ý vun vào.

Đang học dở năm thứ nhất chẳng hiểu ân sủng nào đã cho tôi làm hồ sơ, tự luyện thi đại học và rồi thật may tôi đã đỗ vào đại học Tổng hợp. Ngày chia tay, nhiều bạn khóc. Người bạn gái mới bắt đầu thân của tôi cũng khóc. Nhưng tôi đi học đại học ở thủ đô vinh dự và hãnh diện lắm - ngày ấy hai chữ “đại học” và “thủ đô” nghe thiêng liêng và ghê gớm lắm. Cứ như thể người ta thành vĩ nhân, thành thần tiên ngay được.

 

Vâng, chắc thế nên tình cảm của tôi và người bạn gái ấy chỉ được gần một năm qua những lá thư. Chắc là những lá thư cứ thưa dần. Rồi một ngày nào đó chúng tôi không viết thư cho nhau nữa. Bây giờ - sau mấy chục năm trở về trường cũ, tần ngần bên dòng Phúc Khánh nước trong văn vắt lững lờ trôi như xưa, bóng dáng tôi và các bạn hồn nhiên thời mới lớn như còn long lanh nơi đáy nước, như còn phảng phất đâu đây trong buổi hoàng hôn cánh đồng. Tôi vắng vẻ chợt hiểu ra rằng...  

 

HOA ĐÀO

 

Buổi sớm đầu xuân anh và em lên vườn đào Phú Thượng. Đã nhiều năm, xuân này mình mới có chút thảnh thơi đi mua đào thưởng tết. Hai vợ chồng đi hết khu vườn này đến khu vườn khác. Hoa đào lạ lùng thật, khu vườn sau bao giờ cũng đẹp hơn khu vườn trước. Những thế, những cành, những cánh hoa sau bao giờ cũng đẹp hơn, tươi thắm hơn. Cứ thế, chúng mình chạy từ khu vườn này sang khu vườn khác, từ cánh đồng hoa này sang cánh đồng hoa khác, từ miền hoa này sang miền hoa khác...

 Bất chợt, chúng mình dừng lại. Trời lạnh mà mồ hôi chảy ròng, mặt trời đã ngả sang chiều và quả thực là đói. Thế mới biết hoa đào có sức mạnh mê hoặc con người ta ghê gớm. Thế mới biết cái đẹp có ma lực như thế nào. Thế mới biết đất thiêng Thăng Long mỗi xuân về có những cánh đồng hoa mê cuốn những người yêu cái đẹp đến nỗi họ ngơ ngẩn lạc trong xứ hoa đào. Chuyện ai đó gặp tiên xưa hình như cũng bắt đầu từ xứ sở hoa đào.

 

Gần trọn một ngày trên cánh đồng mà chưa chọn được cành nào. Những cánh đồng hoa trước mặt, những miền đào chưa tới, những cành đào ở phía trước còn đẹp hơn, rực rỡ hơn...Người yêu “cái đẹp” hình như không khi nào bằng lòng với cái đẹp đã thấy. Hay cái đẹp chưa thấy mới là cái đẹp đích thực? Đó là bài học từ hoa đào chăng. Nhưng chúng mình vẫn mua một cành đào về thưởng xuân. Cành đào này chỉ sau một đêm từ những nụ sẽ nở ra những bông đào chưa bao giờ có trong cõi nhân gian. Đó là điều kỳ diệu, em thấy chưa, chỉ một cành đào nhỏ thế mà sáng bừng cả ngôi nhà đơn sơ của chúng mình khi xuân về.

 

CÂY ROI

 

Mười năm trước tôi về đây công tác. Ngày đầu tiên lên phòng làm việc ra ban công gặp cây roi cổ thụ đang mùa hoa xanh biếc hương thoang thoảng và bầy ong tưng bừng rộn rã. Lúc ấy chắc tôi cao hứng nghĩ đây là một căn phòng làm việc lý tưởng và mừng thầm vì mình đã chọn được một nơi làm việc tuyệt vời.

 

Có lẽ do màu xanh của vòm roi cổ thụ chở che và nâng đỡ, có lẽ do những mùa lộc nõn lá non khích lệ và thôi thúc, có lẽ do những đoá hoa xanh biếc mong manh và mùi hương dịu dàng làm cho hưng phấn, có lẽ do những chùm quả đỏ rực và thơm ngát dâng tràn cảm hứng no đủ, có lẽ do các nữ đồng nghiệp đằm thắm gợi cảm và tận tình, có lẽ do không khí gia đình đầm ấm của cơ quan tạo cảm giác yên tâm, có lẽ do... nên chỉ với thời gian ngắn tôi đã đạt được những mơ ước nho nhỏ của mình.

Nhưng rồi một chiều kia tôi chợt nhận ra trong ánh mắt người đồng sự thân thiết một ánh nhìn bất trắc. Từ buổi chiều nhậy cảm ấy tôi nhận ra không phải chỉ có một ánh mắt kia mà hơn nửa ánh nhìn đồng nghiệp dưới quyền mình đều như thế. Họ lảng tránh tôi và đang ngấm ngầm một âm mưu.

 

Khi tôi rơi vào trạng thái hoang vu, một người đồng nghiệp nói với tôi rằng mọi người như thế không phải do tôi và thực ra họ cũng không muốn thế nhưng vì miếng cơm manh áo. Họ phải thế để được lòng thủ trưởng mới. Đúng là tôi đã mắc sai lầm nghiêm trọng là đã trót làm quản lý ở đây.

Dẫu thế nào thì tôi đã sai lầm. Cây roi làm tôi phấn chấn, các nữ đồng nghiệp làm tôi hào hứng, không khí cơ quan đầm ấm cho tôi hoàn toàn yên tâm... đã là quá khứ. Một quá khứ vừa đằm thắm chân thành vừa đắng đót bất trắc. Tôi nhìn lên vòm lá mùa đông và biết một ngày kia mùa xuân sẽ về, nhưng đến lúc ấy thì còn quá nhiều ngày đông băng giá. Thôi đành lỡ hẹn với lộc nõn và hoa xanh.

 

MIỀN YÊU

Chị cùng đoàn vốn là giáo viên Đại học nông nghiệp. Tuổi hồi xuân, sáng nào chị cũng chạy một vòng thị xã. Tôi vốn cầu thủ bóng đá giải nghệ, thấy cái nghề ngắn ngủi chán không tập tành gì. Nhưng thói quen dậy sớm của cầu thủ không bỏ được. Khi chị chạy, tôi lững thững đi ra quán gọi một chai bia ngồi điểm tâm.

 

Khi ăn sáng, chị hào hứng kể cho cả đoàn về buổi sáng của thị xã biên giới. Về không khí, sương và dĩ nhiên là hoa của cây me vàng. Nghe chị nói, cái thị xã vùng biên heo hút, buồn lặng quả là một thiên đường. Con người toàn thần tiên cả. Cây me buổi sớm hoa dát vàng quanh gốc, hương thơm xa ngái như từ cõi trời thổi về và vòm cây xanh mướt như một chiếc lọng xanh đài các và quí phái.

 

Nghe chị kể, cả đoàn liếc nhau ngơ ngác. Giời ạ, hay là chị kể về những ngày tu nghiệp ở Tây Âu. Không ai hiểu chị nói gì. Nhưng chị là trưởng đoàn, các thành viên đều ngước mắt hóng hớt tấm tắc phù hoạ và ăn. Khi uống nước, cô gái trẻ ngồi bên tôi hỏi: Anh có thấy cái thị xã này đẹp không?. Tôi ậm ừ. Cô rên rẩm: Khỉ ho cò gáy, có quái gì mà bà ta ca thế. Tôi ngạc nhiên, cô gái ghé sát: Điên.

Nhưng chị ấy không điên. Tối tối một người đàn ông trung niên mập mạp đón chị ấy đi chơi. Đích thị một đôi tình nhân. Buổi cơm chiều kia tôi bóng gió. Chị hồn nhiên kể mối tình trong sáng thời sinh viên cách đây mấy chục năm ở cái thị xã này khi chị về thực tập tốt nghiệp.

 

Hình như khi yêu, dù ở tuổi nào, con người ta lạ lắm, họ ở một miền khác. Và cái thị xã biên giới mà chị kể với chúng tôi nó ở miền ấy. Nó thần tiên và phi phàm chứ không như người trần mắt thịt chúng tôi nhìn thấy. Mới hay cái đẹp không ở má hồng người đẹp.

 

 

 

Nguyễn Linh Khiếu
Số lần đọc: 2922
Ngày đăng: 22.01.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngựa biên - Nguyễn Linh Khiếu
Mưa trên đất mẹ - Quân Tấn
Thế giới của Chóe - Trần Áng Sơn
Hình như là sẽ quen - Hội An
Ba tạp văn ngắn của Trần Huy Thuận - Trần Huy Thuận
Cám ơn mùa xuân - Triệu Từ Truyền
Nguyễn Tấn Cứ - Trần Áng Sơn
Câu chuyện của tôi với nhà văn Dương Kỳ Anh - Phan Cung Việt
Gian bếp của ngoại. - Nguyễn Thị Hậu
Thu Xưa - Lê Huỳnh Lâm
Cùng một tác giả
Ngựa biên (tạp văn)
Miền yêu -1 (tạp văn)
Miền yêu -2 (tạp văn)
Phồn sinh (nghệ thuật)
Cây gạo gù (tạp văn)
Miếu mòi (tạp văn)
Nhớ hoa đào (tạp văn)