MƯA XUÂN
Tôi đang đi trên đường Cổ Ngư ngược chiều gió sông Hồng. Những ngọn xuân nồng ấm mưa xuân li ti yểu điệu và ấm áp vô cùng. Ngày xưa tôi và ai hay đạp xe trên con đường này trong ấm áp mưa bụi. Những giọt nước mỏng manh trong suốt và sực nức hơi xuân đậu long lanh trên mi mắt trên tóc chúng mình. Có lẽ không ở đâu mưa xuân tuyệt vời như ở Hà Nội. Và có lẽ ở Hà Nội không nơi nào mưa xuân tuyệt vời như trên con đường Cổ Ngư.
Nhưng tôi đang đi trên con đường ấy một mình. Ngày xưa, thực ra chưa xưa mấy. Tôi và ai cùng là cán bộ nghèo. Hết 8 giờ vàng ngọc hồn nhiên dạo dọc con đường mưa xuân. Ngày ấy chúng mình theo những ngọn xuân đi vô định trong hơi xuân nồng ấm khôn cùng. Nay tôi vẫn là cán bộ nhưng được gọi là công chức còn ai đã thành điều phối viên một tổ chức quốc tế. Hình như ai đã nhiều tiền nhưng thật bận. Còn tôi dẫu đã đổi tên gọi nhưng vẫn nghèo.
Ngày xuân. Như một thói quen thanh nhã. Sau giờ làm việc tôi một mình ngược chiều gió sông Hồng trên đường Cổ Ngư. Những ngọn xuân vô cùng ấm áp mưa xuân li ti yểu điệu hơi xuân sực nức tinh khôi và nồng ấm. Tôi đi mãi trong xúc cảm tuyệt vời của mưa xuân Hà Nội. Nhưng chẳng biết từ khi nào những giọt nước xuân trong suốt và ấm áp đã ướt đẫm mái tóc. Nước xuân thế mà bỗng nhiên tôi chợt rùng mình thấm thía hơi lạnh
MẠCH NHA
Tôi hỏi: Quảng Ngãi có đặc sản gì?. Người bạn đồng hương vong niên của tôi - một kỹ sư nông nghiệp - lập nghiệp ở đây nói: Kẹo nha, ở đây có đặc sản kẹo nha. Thấy tôi ngơ ngơ anh giải thích: Kẹo kéo ở quê mình ấy.
Vâng, kẹo kéo. Tôi nhớ chứ, mỗi lần vào dịp giỗ tết giết gà giết vịt, lũ trẻ chúng tôi gom nhặt nâng niu phơi phóng lông gà lông vịt và cất giấu thật kỹ. Lũ trẻ quê nghèo khổ phấp phỏng chờ đợi. Rồi ngày đẹp trời cũng đến. Đó là tiếng rao lanh lảnh như chuông khánh từ xa khuất đầu làng: Ai lông gà lông vịt đổi kẹo kéo đi. Tiếng rao mới tuyệt vời làm sao. Chỉ nghe lõm bõm tiếng rao lũ trẻ quê đã nhất tề ứa nước miếng tràn trề và chảy ròng ròng bên mép. Giời ạ, nghe tiếng rao sự thèm ngọt kinh niên đã dâng trào tột đỉnh. Những đôi mắt hau háu những đôi tay tê tái nào khào múa may.
Người đổi kẹo như từ thiên đường xuống. Anh ta bê ra một cái nồi đất da lươn bé tẹo đầy ăm ắp kẹo kéo. Chỉ cái nồi đất bé tẹo ấy cũng có thể làm sống động hàng trăm thôn làng nghèo khổ, bởi có hàng ngàn đứa trẻ đói khát và thèm thuồng như tôi. Cái màu nâu vàng sánh ngọt lịm được kéo dài mỏng tang và quấn lồng xồng ở đầu que tre như những chiếc tăm lớn. Cái màu nâu vàng sánh ngọt lịm kia là cả một thế giới vàng khủng khiếp mỗi năm chỉ vinh hạnh xuất hiện một đôi lần nơi thôn dã heo hút này. Trong khi lũ trẻ mắt dựng ngược long lanh và hau háu chuyền tay nhau chùn chụt mút kẹo thì người chủ trút tất cả lông gà lông vịt vào ró cói và bắt đầu cất tiếng rao thiên đường: Ai lông gà lông vịt đổi kẹo kéo đi.
Kẹo kéo. Tôi nhớ chứ, nhưng đã mấy chục năm rồi từ ngày rời quê lên thành phố tôi không được nếm mùi hương mạch nha nữa. Anh bạn dẫn tôi đến một cửa hiệu và hỏi mua kẹo nha. Cháu gái bán hàng: Hai chú lấy bao hộp. Tôi ngơ ngác. Người bạn nói: cho chú xem thử một hộp. Cháu bé đưa ra một hộp sữa bò cũ đã được cải tạo thành hộp chứa kẹo. Tôi nhìn vào. Ôi cái màu nâu vàng sánh ngọt lịm mấy chục năm trước kia. Đúng nó đây. Tôi tự dưng hồi hộp ứa nước miếng. Và, nghe lanh lảnh đâu đó tiếng rao thiên đường: Ai lông gà lông vịt đổi kẹo kéo đi. Tôi bất chợt: Cho chú mua 5 hộp. Cháu bé bán hàng: Cho con xin chú 15 ngàn đồng. 15 ngàn - tôi ngạc nhiên. Anh bạn cười: chưa bằng một bao thuốc mình hút hỉ. Đúng vậy, 5 hộp là 5 cái nồi đất da lươn bé tẹo ngày xưa chưa bằng một bao thuốc lá chúng tôi hút. Thế mà ngày xưa với 5 cái hộp nay thì chắc chắn sẽ làm náo nhiệt hàng trăm thôn làng nghèo khổ quê tôi và chắc chắn sẽ làm cho cả huyện trẻ em nhà quê hạnh phúc biết nhường nào.
RAU NGỔ
Ngược đường rừng lên Nghĩa Lộ, xe chúng tôi dừng lại ở một quán nằm trong một thung lũng bốn bề núi non. Con đường hoang vu núi rừng âm u lam chướng. Chủ quán là một người tuổi trẻ đến bên khách lơ ngơ thật thà: cô chú ăn món gì? Sau khi khách chọn món ăn. Cậu chủ có vẻ bẽn lẽn rồi bỗng liến thoắng: Cháu mời các cô các chú món thịt trâu xào ngổ, món này ngon lắm, ngon nhất đấy. Chúng tôi nhìn nhau cười. Có người hỏi: Sao không xào thịt bò lại xào thịt trâu?. Cậu ta nhanh nhảu: Có thịt bò nhưng thịt bò ăn nhạt lắm. Cháu làm món thịt trâu xào ngổ nhá, cô chú ăn không ngon cháu không lấy tiền. Thương vẻ nhiệt tình chất phác của cậu chủ miền rừng chúng tôi đồng ý hai đĩa thịt trâu xào ngổ.
Khi cậu ta quay vào bếp làm món ăn tôi cam đoan với mọi người rằng chắc chắn cậu ta gốc gác người Thái Bình. Rồi món thịt trâu xào ngổ cũng được mang lên, thơm phức, chúng tôi nhắm rượu. Mấy chị “quýt sờ tộc” rụt rè đưa đũa. Trông điệu bộ rõ ra cái sự đài các của người “tràng an”. Chắc chắn ở Hà Nội không bao giờ các chị đụng đũa vào món thịt trâu, chứ đừng nói là thịt trâu xào ngổ vừa thâm vừa hôi. Đám trung niên đang tuổi bia rượu chúng tôi sau gần một ngày đường bỗng nhiên thấy món thịt trâu xào ngổ quả là có tính dẫn xuất bia rượu. Hai đĩa đầy ăm ắp mặc dù gần một nửa số người không ăn nhưng cũng đã hết veo trước tiên.
Khi ăn xong ngồi uống nước. Cậu chủ trẻ lại đon đả đến hỏi: Các cô các chú thấy món thịt trâu xào ngổ ăn có sướng không. Đặc sản quán cháu đấy, ai cũng đều thích cả. Cháu nói rồi mà, không ngon cháu không lấy tiền. Tất cả chúng tôi đều cười ồ vì sự hồn nhiên của cậu ta. Có người chỉ tôi nói: Chú này nói cháu quê Thái Bình có đúng không?. Cậu ta chần chừ: Cháu... cháu quê gốc Thái Bình nhưng theo thầy bu cháu lên đây khi cháu còn bé tí chả nhớ gì. Lại hỏi: Ai dạy cháu món thịt trâu xào ngổ mà ngon thế?. Trả lời: Thầy cháu đấy, thầy cháu mê món này lắm, người quê cháu ai cũng thích món này. Quê cháu lên đây đông lắm, ai qua đây cũng bảo cháu làm món này nhắm rượu. Các cô các chú thấy ngon chưa, món ngon nhất ở miền rừng này đấy.
Chúng tôi lên xe đi tiếp về Văn Chấn. Con đường rừng bắt đầu nhoà trong sương. Nhưng dải rừng rậm âm u sương khói. Lờ mờ trong cây trong sương những ngôi nhà sơn cước. Đó là bản của người Dao, người Thái, người H’mông hay làng của người Thái Bình (mà chung tôi gọi đùa là Thái nâu) lên xây dựng kinh tế mới từ những năm 60 của thế kỷ trước. Đó là những người đồng hương bà con của tôi. Trong sương chiều rừng núi, tôi vơ vẫn mãi với món thịt trâu xào ngổ. Đó chắc là món ăn sang trọng và ngon nhất của tổ tiên tôi.
Tôi chợt nhớ hình bóng ông nội tôi trải rơm ở một góc sân rồi lấy hết sức thái những miếng thịt trâu già còn nguyên da. Đó là thịt con trâu của hợp tác xã, do quá già đã đổ kềnh càng ở đầu làng không dậy được. Người ta mổ con trâu già sắp chết chia nhau mỗi nhà một ít như một ngày hội của làng. Da trâu chắc dai lắm nên ông tôi thỉnh thoảng lại liếc xiên xiết lưỡi dao đã mài kỹ vào trôn cái bát chiết yêu. Còn các chú, các cô tôi thì hớn hở nhặt rau ngổ. Rồi nồi thịt được bưng từ bếp ra mùi thịt ngọt ngào và mùi rau ngổ thơm nức làm cho ai cũng luống cuống ứa nước bọt. Tôi cam đoan là dù mỗi người chỉ được một hai miếng bì lẫn thịt là cùng nhưng đó là những miếng thịt hiếm có. Nếu tôi không nhầm thì ở quê tôi sau những miếng thịt lợn được ăn vào dịp tết thì đây là miếng thịt thứ hai mà chúng tôi may mắn được ăn trong năm. Nhưng đâu phải năm nào cũng gặp may như vậy.
Tôi còn nhớ mỗi lần thầy tôi đi công tác mua được ở đâu đó mấy lạng thịt trâu mang về. Cũng như xưa, thầy tôi lại đi mài dao, trải rơm ra góc sân và không quên để cái bát chiết yêu thỉnh thoảng giống ông tôi gại gại lưỡi dao vào trôn bát cho sắc. Khi đó mấy anh em tôi phấn khởi ra mặt người bóc tỏi, người ra bờ ao hái ngổ. Chả hiểu sao lúc đó chúng tôi vô cùng xốn xang. Thực tình khi đó kinh tế đã đỡ hơn nhưng thịt vẫn là một thứ quí hiếm ở quê tôi. Rồi mùi thịt trâu mùi ngổ lại nghi ngút thơm phức bay lên. Tất cả chúng tôi đều ứa nước bọt. Thiếu đói và nghèo khổ tạo cho chúng tôi cái phản xạ thèm khát kinh niên ấy.
Ở cái mảnh đất nơi mép nước cửa biển, thịt các loài động vật bốn chân quả là quí hiếm vô cùng. Nhất là thịt trâu, thịt cái thứ “đầu cơ nghiệp” của nhà nông ấy có lẽ là thứ thịt thiêng của cư dân lúa nước hàng ngàn đời nay. Có phải vì thế mà thịt trâu xào ngổ - cái thứ rau mọc hoang nơi bờ nước trở thành bản sắc ẩm thực của người quê tôi, của những con người truyền đời khát thèm lưng cơm miếng thịt. Tôi bay trong những ý nghĩ cố hương xa xôi của mình, chiếc xe của chúng tôi lầm lũi theo con đường rừng heo hút. Sương khói chập choạng tối nhập nhoà mù mịt bất giác tôi ngỡ ngàng tưởng khói nghi ngút bốc lên từ nồi thịt trâu xào ngổ thơm phưng phức thơ ấu.
HOA ĐÀO NỞ TRƯỚC SÂN
(Tặng TS. Vịnh - Điện Biên)
Hành nghề nhà báo, tôi có dịp đi hầu như mọi miền đất nước. Thế nhưng có một vùng đất rất nổi tiếng và cũng rất gần nơi sinh sống nhưng tôi lại chưa một lần đặt chân tới - đó là vùng Điện Biên, Sơn La thuộc Tây Bắc. Nhân đầu xuân, một người bạn lâu năm rủ tôi về quê anh, thị xã Điện Biên. Biết tôi chưa bao giờ lên Điện Biên, anh bố trí một tuyến đường mang tính chất du khảo lãng mạn: Hà Nội - Trung Hà - Văn Chấn - Nghĩa Lộ - Lai Châu - Ma Thà Lùng - Điện Biên - Sơn La - Mộc Châu - Hòa Bình - Xuân Mai - Hà Nội. Chuyến du xuân ngoài tôi và anh còn có một khách VIP và mấy nhà doanh nghiệp đi thực hiện các hợp đồng đầu tư tại tỉnh mới Lai Châu.
Tôi gặp người bạn này cách nay đã gần 30 năm. Đó là khi tôi và anh cùng vào học khoa Triết trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ngày đó, tôi chỉ là một cậu bé vừa học hết phổ thông từ một làng biển lên Hà Nội, còn anh - bạn học của tôi từ Điện Biên xuống Hà Nội. Mặc dù chỉ hơn tôi vài tuổi nhưng anh đã là một người từng trải, lọc lõi và trong con mắt chúng tôi là rất quái.
Năm năm học đại học, anh hầu như không chơi với bạn học cùng lớp. Kể cả tôi, anh cũng không thân thiết gì, sau này có lần anh nói anh quý bọn tôi vì mấy đứa học sinh phổ thông đều đặc biệt thông minh. Tôi nhớ, loáng thoáng, ngày học đại học anh rất hay bỏ học đi đâu đó dài ngày. Có người nói, anh đi chơi bời, đàn đúm bạn bè ở các trường đại học, cũng có người nói, anh đi buôn hàng cấm từ Điện Biên về Hà Nội... Chỉ gần đến ngày thi anh mới về lớp và nghe mấy đứa học sinh phổ thông chúng tôi đọc cho nghe đáp án môn thi, thế là hôm sau vào thi anh thường đỗ loại khá. Sau mỗi kỳ thi như thế, để thưởng công bọn trẻ anh thường rủ cả lũ ra quán làm chầu nước thuốc và không quên bôi vào mỗi điếu thuốc cuốn một chút nhựa cây đen thơm phức của núi rừng Tây Bắc. Cứ thế, theo một cách rất lãng tử - anh đã tốt nghiệp đại học - tuy là sau tôi một năm.
Rồi cũng do tình cờ, sau khi ra trường tôi và anh cùng ở lại Hà Nội - anh dạy đại học còn tôi ở viện nghiên cứu; đặc biệt, nhà tôi và nhà anh lại gần nhau. Thế là chúng tôi thường xuyên gặp gỡ và bia rượu với nhau. Tôi và anh trở thành những người bạn hằng ngày gần gũi. Cũng qua giao du tôi biết gia đình anh là một gia đình phiêu bạt. Một lần qua điện thoại anh hồ hởi kể rằng anh vừa tìm được mộ ông nội ở Thanh Thủy - Phú Thọ và rủ tôi lên đó khánh thành ngôi mộ mới xây. Việc hiếu quan trọng lắm tôi đồng ý ngay. Chủ nhật hai anh em chở nhau đi xe máy lên Thủy Trạm - Thanh Thủy. Dọc đường anh kể lại câu chuyện ly kỳ anh tìm thấy mộ ông nội.
Một đêm, anh đang ngủ thì ông nội về báo mộng rằng người ta vừa đào mộ của ông, hài cốt ông bị người ta xẻ ra làm hai và một nửa bị mang đi chôn ở nơi khác. Ông mong người cháu giúp ông để được mồ yên mả đẹp và đã dẫn đường cho cháu đi đến nơi họ vừa đào và di chuyển một phần xương cốt của ông. Sáng dậy, hai anh em anh đi xe máy chở nhau theo con đường ông chỉ dẫn trong mơ: từ Hà Nội theo đường Láng - Hòa Lạc lên Sơn Tây đi thẳng tới Đá Chông rồi rẽ xuống phà Đồng Luận sang bên kia đi theo con đường đất đỏ chạy trên cánh đồng lúa xanh mướt và gặp một con đường đất với những hàng gạo cổ thụ hoa nở đỏ rực, đến một làng trung du nghèo cứ theo con đường làng trong mơ đến một xóm đạo có ngôi nhà thờ uy nghi cổ kính, từ nhà thờ đi men theo một con ngõ nhỏ một bên là ruộng một bên là ao và đến một khu ruộng ngô đang mùa kết trái tại một góc ruộng ngô người ta mới đào một hố nhỏ tôi vôi. Hai anh em đi đến khu ruộng ngô ấy thì hết con đường ông nội chỉ dẫn trong mơ.
Hai anh em tìm được chủ khu ruộng và hỏi họ rằng khi đào hố tôi vôi họ có thấy gì không ? Chủ nhân là một nông dân nghèo chân thật. Ông ta kể rằng vừa mới đào hố tôi vôi hôm qua và khi đào đã thấy một phần hài cốt chìm sâu vô thừa nhận và gia đình đã cẩn thận hương khói và đưa cụ ra chôn ở ngoài bờ ruộng nơi cánh đồng. Anh kể lại giấc mơ cho gia chủ nghe và tin rằng đó chính là hài cốt của ông nội mình và khẳng định đó chỉ là một phần, phần còn lại vẫn nằm bên hố vôi. Gia chủ nói rằng khu ruộng ngô và khu nhà ông đang ở trước đây chính là nghĩa địa chôn tập thể những người chết đói năm 1945, khi đào xới canh tác thỉnh thoảng ông lại gặp một “cụ”.
Theo anh, toàn bộ hành trình dẫn đến ngôi mộ của ông nội tất cả đều chính xác như con đường ông dẫn anh trong mơ duy chỉ có một chi tiết không chuẩn là trên con phà qua sông Đà thay vì có một người ngồi bán cá trong mơ thì chỉ thấy có một người đàn ông đi chợ về có treo mấy con cá to trên ghi đông xe đạp. Điều đặc biệt là, bắt đầu từ Đá Chông trở đi là con phà và vùng đất anh chưa bao giờ đặt chân đến trong đời.
Để yên tâm, về Hà Nội anh tìm gặp một người bạn vong niên giỏi phong thủy. Ông bạn già phán rằng, không chỉ nửa trên bộ hài cốt còn ở đó mà bên cạnh còn có bộ hài cốt của một người phụ nữ cùng huyết tộc. Anh càng đâm hoảng. Anh kể rằng, bố anh có lần nói, quê anh đúng là ở Phú Thọ, nhưng ở đâu đó rất xa chứ không phải huyện Thanh Thủy. Nhưng từ đời ông nội đã bỏ quê đi lang thang, phiêu bạt kỳ hồ, rồi đến đời bố anh do tham gia hoạt động cách mạng nên bị thực dân Pháp bắt giam tù đày tận Điện Biên, ra tù ông không tìm được cơ sở cách mạng và đành lấy vợ sinh con lập nghiệp ở miền rừng. Bố anh chưa bao giờ đưa mấy anh em anh về quê và cũng chưa bao giờ nói gì về tung tích ông bà nội.
Trở về xóm đạo, anh tìm gặp những người cao tuổi trong xóm và được người già ở đây kể rành rẽ. Thậm chí, một vài người bà con xa bên ngoại vẫn sinh sống ở đây biết tin đã tìm đến gặp anh. Chuyện rằng, trước cách mạng ông nội anh từ đâu đó giang hồ phiêu dạt đến đây. Ông thực sự là một hảo hán giang hồ ngông cuồng và quái đản. Chẳng biết bằng cách nào, ông nhanh chóng trở nên thân thiết với ông Trùm xứ đạo và dù không theo đạo Thiên chúa ông cũng sớm kết hôn với người em gái xinh đẹp nổi tiếng của ông Trùm. Từ đó ông kết hợp với Trùm xứ trở thành một thế lực khuynh đảo cả một vùng rộng lớn. Ông tham gia vào những cuộc tranh dành mua quan bán tước tại địa phương. Chính những cuộc đấu đá tranh dành mua quan bán tước này đã đẩy ông đến vinh quang giầu có và rồi cũng chính nó lại đẩy ông đến lụn bại, khánh kiệt và máu giang hồ sẵn có trong người ông ngày càng nổi lên. Ông càng ngày càng bị vây bủa, cô lập bởi ông là dân ngụ cư và cũng bởi ông Trùm xứ bị các thế lực tôn giáo không chế. Trong hoàn cảnh đó, nạn đói khủng khiếp xẩy ra và gia đình ông tan đàn xẻ nghé, vợ con ông theo những người Thiên chúa di cư vào Nam còn ông trở thành nạn nhân của nạn đói. Sau khi ông chết, những người bà con chưa chết đói đã đưa xác chôn ở khu đất rìa làng bên cạnh ngôi mô em gái ông đã chết trước đây. Một giấc mơ kỳ lạ đã dẫn anh tìm được ngôi mộ của ông nội và hơn thế còn tìm được căn nguyên tính cách giang hồ liều lĩnh của bản thân mình.
Tôi đã đi hầu như cả nước và cũng đã đi một vài nước nhưng thành thật chưa bao giờ tôi thấy ở đâu núi non lộng lẫy và hùng vĩ như vùng Tây Bắc mùa xuân. Núi rừng muôn sắc ngàn hương. Lộc non, chồi biếc, hoa đào, hoa ban, hoa mận và ngàn hoa rừng tưng bừng, rực rỡ. Thiên nhiên trong mùa phát dục phô trương biết bao năng lượng phồn sinh quyến rũ diệu kỳ. Những vách núi dựng đứng, những thung lũng sâu thẳm, những đỉnh đèo lộng gió, những dòng suối hun hút mùa cạn, những ruộng bậc thang, những cánh rừng bạt ngàn cổ thụ, bạt ngàn lau sậy tre nứa... tất cả tạo nên bản sắc một vùng đất hào hùng chan chứa những năng lượng bí truyền và dồi dào những động lực huyền hoặc.
Dọc tuyến đường, chúng tôi tranh thủ ngủ lại những khách sạn miền sơn cước với những đặc sản của núi rừng Tây Bắc. Ôi những động dược, thảo dược, thổ dược, sơn dược, lâm dược thủy táng trong rượu nếp Mường Lò ngất ngây sinh lực. Sự trù phú lâm thổ sản núi rừng chắc không còn được như xưa nhưng bóng dáng những thời đại hoàng kim của núi rừng Tây Bắc vang bóng một thời vẫn phảng phất đâu đây nơi dáng hình núi non và gương mặt người sơn nữ.
Những mật gấu, cao hổ, sừng tê, ngà voi, óc khỉ, tay vượn...; những sừng bò tót, sừng bò xám, sừng trâu, gạc hươu, sừng sơn dương...; những thịt tê tê, kỳ đà, nai, hoẵng, lợn rừng, cầy hương, don, chồn, sóc, dúi, rùa, ba ba...; những trăn, hổ chúa, hổ mang, rắn lục, cạp nia, cạp nong, sọc dừa...; những ong đất, ong chúa, ong muỗi, ong mật, bầu vẽ, ong khoái, kiến đen, kiến vàng, kiến đỏ, sâu chít...; những cỏ đắng, tầm gửi nghiến, đỗ trọng, táo mèo, kỳ tử,...; những nấm hương, mộc nhĩ, linh chi, sa nhân, quế, thả quả, tam thất, nghệ, gừng, măng...; những khèn, sáo, đàn, nhị, mõ,.. những thổ cẩm, xà tích, vòng vàng, vòng bạc, nhẫn, khuyên, lắc, hồng ngọc, bích ngọc, đồ gốm cổ, đồ sứ cổ, đồ đồng cổ... hình như trên những nẻo rừng âm u huyền bí Tây Bắc không thiếu một thứ gì quý hiến cấm đoán ở trên đời vào thời điểm hiện nay. Cố nhiên, chỉ có trời mới biết những thứ quý hiến đắt tiền đó thứ nào là thật và thứ nào là giả. Hầu như nó không được bày bán công khai giữa thiên thanh bạch nhật mà thường được chào hàng một cách bất ngờ, ý nhị, bí hiểm trong lãng đãng sương khói lam chiều. Từ cung cách tiếp thị bán các đồ đặc sản quý hiếm quốc cấm tôi chợt nhận ra hình như cung cách bán hàng này đã rất thịnh hành một thời lừng danh khi nơi đây là thánh địa sản xuất và trung chuyển thuốc phiện của tam giác vàng.
Sau một vòng thăm thú phong cảnh chúng tôi không quên giành thời gian thăm chiến trường Điện Biên lừng lẫy năm châu trấn động địa cầu. Những đồi A 1, C1, cánh đồng Mương Thanh, hầm Đờ cát tơ ri, đại bản danh của tướng Giáp - vị tướng mà do công việc tôi đã nhiều lần đến nhà ông ở phố Hoàng Diệu - khi đứng trước căn hầm chỉ huy ở rừng Mường Phăng của ông chẳng hiểu sao tôi lại chạnh lòng nhớ câu chuyện: hầm của viên tướng bại trận thì được bảo tồn nổi danh còn hầm của viên tướng thắng trận lại bị lãng quên mục nát trong rừng thẳm. Mới hay thắng thua nơi chiến trường, trận mạc và thắng thua hậu chiến thực đáng suy ngẫm. Chiến tranh đã lùi quá xa, không còn gây xúc động nhiều đối với tôi, có điều so với sự tưởng tượng của một nhà văn cũng như tầm vóc của chiến thắng Điện Biên Phủ thì hiện trường chiến trường và những dấu tích còn lại sao mà quá sơ sài, nhỏ bé và bơ vơ. Duy có nghĩa trang Điện Biên Phủ thực sự gây xúc động cho tôi bởi lẽ trừ 2 vị anh hùng có bia mộ tên tuổi còn lại toàn bộ hàng nghìn liệt sỹ nằm đây đều vô danh do lũ lụt đã vô tình xóa hết tên các anh trên bia mộ tạm thời một thuở.
Đến Điện Biên chúng tôi không về ăn nghỉ ở nhà anh mà thuê khách sạn bởi đoàn đông người. Rồi cả đoàn kéo đến nhà thăm mẹ anh. Nhà anh tọa lạc giữa trung tâm thị xã với hai mặt phố rộng thênh thang. Nghe anh kể, ngày xưa nhà anh có một ngôi nhà dài và đây chính là một trong những trung tâm trung chuyển hàng hóa Việt - Lào, là đại bản danh của những đoàn xe tải quá cảnh thuộc bộ đôi Việt Nam ở khu Bắc Lào. Những lái xe tải chở hàng hóa từ Hà Nội sang Lào và từ Lào về Hà Nội đều dừng lại nghỉ ngơi lấy lại sức nhiều ngày ở tại nhà anh. Bố anh trở thành bố nuôi không không biết bao nhiêu bộ đội tình nguyên, bao nhiêu người buôn bán, bao nhiêu lữ khách giang hồ. Nhiều người giầu có do buôn bán hàng hóa theo đường biên giới đã qua lại nhà anh, đã ăn chực nằm chờ mòn chăn gối và bát đĩa. Tuy nhiên, trong đó cũng có cả một số người bị tử hình trong những vụ buôn bán hê rô in sau này.
Về thăm nhà bạn mùa xuân ngôi nhà xưa của tuổi thơ bạn - cái đại bản doanh của những chuyến quá cảnh với những thương vụ bí hiểm và lảng bảng nhiều thần chết không còn. Có lẽ từ khi bố anh mất, những phi vụ làm ăn động trời không diễn ra ở đây nữa mà đã chuyển đi đâu đó trong khung cảnh núi non trập trùng hùng vĩ miền Tây. Anh bạn tôi mặc dù là một tiến sỹ giảng dạy đại học nhưng tôi vẫn có cảm giác hình như anh vẫn là một nhật vật rất bí mật.
Mẹ anh, một người đàn bà có nguồn gốc ngoại quốc nhỏ nhắn, trắng trẻo, phúc hậu dụt dè rót nước mời khách. Bà tuy người nhỏ nhưng thanh ngữ âm vang, tiếng nói rành rẽ, rõ ràng, vuông vắn. Bà nói với chúng tôi nhiều chuyện, những lo lắng về những đứa con đi làm ăn xa của bà, kể cả bạn tôi - một người đàn ông học cao biết rộng, từng trải, lọc lõi và bí ẩn đã ở cái tuổi tri thiên mệnh vẫn đau đáu trong nỗi lo của mẹ. Bà nói: Các bác ạ, nhà em có 8 đứa con đến nay đều đã khôn lớn thành người may mà không đứa nào mắc nghiện. Ở giữa cái trung tâm trung chuyển thuốc phiện và hê rô in của tam giác vàng này mà cả 8 đứa con của bà đều học hành thành đạt không ai mắc nghiện thì quả là một kỳ tích, một sự may mắn trời cho hay chỉ vì có một người mẹ suốt cả đời chỉ một niềm lo lắng cho những đứa con. Thực ra, có được người mẹ tảo tần, khiêm cung, nhất mực hy sinh luôn lo lắng cho con như bà thì các con bà khó mà mắc nghiện được. Đó chính là sự kỳ diệu của các bà mẹ trên cái thẻo đất Việt nóng bỏng và huyền bí này.
Chiều Tây Bắc ngày đầu xuân mưa xuân ấm áp rơi nhẹ ngoài hiên. Ngồi trong ngôi nhà nơi mảnh đất chôn nhau cắt rốn bạn, nhìn ra sân chợt tôi nhận ra quanh sân là những cây đào già đang nở hoa hồng rực. Những cây đào kia có tự bao giờ. Đã đứng đó nở hoa lộng lẫy mỗi độ xuân về từ khi nào. Đã lộng lẫy trong mắt biết bao lữ khách đã tá túc ở nhà anh. Hoa đào nở rực rỡ trước sân đó là biểu tượng của thành công, biểu tương của thịnh vượng. Đó cũng chính là thông điệp may mắn của đất trời mang đến với mỗi cuộc đời khi xuân về./.